Trời ơi, ai đập cửa nhà tôi mà dữ quá? Chiến tranh hạt nhân hay sao hở các vị? Tôi đang nhặt rau muống để xào ăn bữa trưa, bèn bỏ dở chạy ra cửa. Tưởng ai, té ra là ông Hai Giỡn. Hai Giỡn mặt thắt thần, tóc tai bờm xơm không chải, áo quần nhầu nát y hệt vừa từ trận địa bò về báo tin đại bại vậy. Ông vồ lấy tôi thở hổn hển:
- Mặc đồ vô Ba Hưng, nguy quá rồi.
Chân tay tôi cuống quít, hồn vía rụng rời run rẩy:
- Gì vậy ông Hai? Đảo chính hay bạo loạn?
- Không, con Vương Thi nhà ông bị cấp cứu. Bọn tôi vừa khiêng cháu vào bệnh viện. Họ đang truyền huyết thanh cho cháu.
Tôi gào lên như thể mụ nhà quê mất gà:
- Trời ơi, con tôi làm sao vậy ông Hai? Khổ chưa là cái đời tôi
- Mặc đồ gấp, xuống tôi chở đi bằng hon-đa. Chuyện dài, rồi sẽ biết dần.
Tôi mặc quần áo. Hai Giỡn giục như giục tà:
- Rùa ơi, việc nước sôi lửa bỏng còn dềnh dàng.
Tôi im thin thít như thịt đông mới nấu, ngồi trên xe để Hai Giỡn chở tới bệnh viện tỉnh. Hai Giỡn dẫn tôi vào phòng cấp cứu, nơi con gái tôi đang nằm. Mặt Vương Thi tái nhợt như mặt người chết, mắt nhắm nghiền, đang được truyền huyết thanh. Một bà bác sĩ đang loay hoay quanh đầu và ngực nó. Tim tôi như đứng lại, ruột gan lộn ngược cả lên. Tôi hỏi chị y tá đứng gần:
- Cháu có sao không hở chị?
- Lúc nãy suýt nữa bị đứng tim. Giờ thì đỡ rồi. Bị xúc động mạnh quá trụy tim, đang sợ chảy máu não. Bác là cha cô ta hả?
Tôi gật đầu. Tôi thầm kêu: - cầu Chúa hay Phật thánh gì cũng được cho con tôi qua khỏi. Bình thường thì người ta duy vật, coi trời còn thua cái tăm. Nhưng khi có hoạn nạn nguy cấp, mở miệng ra ai cũng kêu trời, bụng còn khấn vái lai rai, cầu nguyện các vị mà lúc khỏe mạnh ta thường phủ nhận, thường cho là bịa đặt láo khoét. Hóa ra, khi tuyệt vọng, con người còn phải bám víu, phải nương tựa vào ngay cả những cái không có thật. Hai Giỡn kéo tôi ra chỗ vang dặn:
- Bây giờ ông túc trực với cháu nhá. Có cần thuốc gì mắc cũng cứ chi nhá, đã có anh em chúng tôi hỗ trợ. Còn bây giờ tôi phải đến chỗ tang gia xem anh em khâm liệm chưa?
Tôi kinh ngạc:
- Ai chết mà ông thất thần vậy chứ? Vậy ra ông chưa biết gì cái điều cả thành phố này đã biết ư?
- Chưa.
- Im đi tôi kể cho nghe.
Hai Giỡn kéo tôi ra ngoài thềm, hai chúng tôi cùng ngồi xuống, ông kể:
- Sáng sớm hôm nay, khi tôi đang san tổ ong mật làm đôi thì con Vương Thi nhà ông tới. Nó hốt hoảng báo rằng Bác Hai ơi, nhờ bác đi với cháu được không?. Tôi hỏi có chuyện gì vậy? Nó buồn khổ lắm, khóí òa lên nói: Trưa hôm qua, có người tìm cháu cho hay anh Trần Khuất Nguyên báo anh ấy bị người ta lừa. Ngươi ta bảo chở anh ấy đi khám bệnh ở sở y tế rồi đưa tuột lên nhốt vào nhà thương điên. Họ bảo anh Nguyên bị tâm thần nặng cần chữa trị. Cháu bèn đi xe cấp tốc lên bệnh viện tâm thần thăm anh ấy, nhưng người ta hỏi giấy không cho vào. Cháu nằn nì mãi họ bảo cháu là gì của Trần Khuất Nguyên, cháu bảo là người yêu. Họ bảo người yêu chưa có tiêu chuẩn vào thăm. Cháu nói là vợ, họ hỏi hôn thú đâu. Cháu phải về trường cháu xin giấy giới thiệu vô thăm anh ấy, nhưng lên tới cổng chờ từ bảy giờ tối tới khuya họ vẫn không giải quyết. Họ bảo giấy không hợp lệ, phải có giấy của phường kèm hộ khẩu hai bên. Cho nên sáng sớm nay, cháu về nhờ bác đây bác Hai ạ, vì cháu biết bác rất quý anh Nguyên. Đấy con Vương Thi kể cho tôi như vậy. Tôi hoảng quá, vì biết Nguyên không hề bị tâm thần hay triệu chứng của bệnh này. Chẳng qua là vì họ ghét cái thằng sống quá trung thực, không biết sợ cường quyền, không chịu được dối trá lừa lọc. Tôi bèn chở Vương Thi tới nhà bác Tám Căn chủ nhiệm câu lạc bộ những người kháng chiến cũ và chủ nhiệm câu lạc bộ hưu trí. Như ông biết bác Tám Căn năm nay bảy mươi lăm tuổi, từng là bí thư đầu tiên của tỉnh ta. Bác Tám lại rất thán phục tài thơ và bản lãnh của Nguyên. Chúng tôi điện cho anh Bé Năm trưởng phòng thương binh của sở thương binh xã hội, một người rất quý trọng Nguyên, rồi bàn bạc với nhau. Chúng tôi làm ba bốn giấy giới thiệu, đến nhà thương điên thăm Nguyên. Chúng tôi lấy xe con chở bác Tám Căn, anh Bé Năm, tôi và Vương Thi phóng về nhà thương điên gấp. Xe chúng tôi qua cửa bệnh viện dễ dàng, tới thẳng phòng tay giám đốc. Nhưng giám đốc bệnh viện không có nhà. Phó giám đốc cũng không có nên chẳng ai dám tiếp chúng tôi. Chúng tôi chờ mãi thì có một ông ngái ngủ ra, xưng là quyền phó giám đốc, hỏi các đồng chí tới có chuyện gì. Chúng tôi báo rằng chúng tôi là đơn vị anh Trần Khuất Nguyên lên thăm anh ấy và hỏi vì sao anh Nguyên rất tỉnh táo, rất bình thường đột nhiên lại bị nhốt vào nhà thương điên? Tay quyền phó giám đốc ỡm ờ trả lời như cốt để cho chúng tôi chán quá mà bỏ đi. Nhưng sau đó, tay phó giám đốc tới báo rất tỉnh queo là Trần Khuất Nguyên đã chết đêm qua. Hiện Nguyên đang nằm trong nhà xác chờ cơ quan chủ quản hay gia đình tới nhận. Tôi hỏi nguyên nhân vì sao Nguyên chết, anh ta trả lời là Trần Khuất Nguyên bị những người điên khác hành hung, bóp cổ cho tới chết. Chúng tôi thất kinh không tin được là sự thật. Nhưng khi anh ta dẫn chúng tôi tới nhà xác, quả thật Trần Khuất Nguyên, một nhà thơ tài ba, một người tốt đẹp của chúng ta chỉ còn là cái xác không hồn. Bác Tám Căn khóc òa lên như con nít. Anh Bé Năm nguyền rủa bọn sát nhân, đòi ban bỏ ban giám đốc bệnh viện. Tôi mất hồn vía, cứ ngây ra nhìn cảnh Vương Thi lặng ôm xác Trần Khuất Nguyên vào lòng cho đến khi cháu ngất đi tưởng hết thở. Tôi phải đưa Vương Thi đi bệnh viện cấp cứu gấp. Còn bác Tám Căn và anh Bé Năm ở lại coi xác Trần Khuất Nguyên. Tôi vừa gọi điện thoại lên thì người ta cho biết, xác của Trần Khuất Nguyên sau khi lập biên bản với đầy đủ hồ sơ đã được chở về câu lạc bộ những người kháng chiến cũ. Tôi nghe anh Bé Năm thông báo sẽ khâm liệm trưa nay, để hai đêm một ngày cho anh em phúng điếu. Sáng ngày mốt sẽ đưa đám Nguyên sớm. Đấy, chuyện kinh khủng và đau thương như vậy đó ông Ba Hưng ơi. Có trời đất nào như ở tỉnh Sơn Giang này không? Sau này, tôi có hỏi cặn kẽ hai cô y tá và ba anh y sĩ ở bệnh viện tâm thần tỉnh có chứng kiến cái chết của Trần Khuất Nguyên. Tất cả năm người đều xác nhận anh Nguyên khi xe sở y tế chở lên đây là một người hoàn toàn bình thường. Anh Nguyên vui vẻ và mắt mở to trong sáng. Nhưng sau khi người ta khám xét gì cho anh ấy một chập thì người anh ấy mềm nhũn như thể bị trúng độc. Họ đoán là có bọn xấu nào đó đã chích thuốc mê liều nặng cho Nguyên. Nhưng sức khỏe của Nguyên rất tốt, chỉ mê man một ngày và một đêm. Đến ngày thứ hai thì Nguyên tỉnh táo lại. Nguyên có lấy đâu một cục gạch non và có viết lên tường một bài thơ, chứng tỏ thần kinh anh ta hoàn toàn vững. Trần Khuất Nguyên đọc thơ ầm lên, khiến cho bọn người đưa anh vào đây ra lệnh trói nhốt Nguyên chung cùng với ba người điên nặng khác. Nhưng những kẻ điên thật kia càng điên lên lồng lộn hơn nữa, dữ dằn hơn nữa khi bằng giác quan của người điên, họ phát hiện ra có một kẻ tỉnh táo bị trói trong chuồng của họ. Những người điên kia thoát ra khỏi nơi giam giữ xông vào bóp cổ Trần Khuất Nguyên cho tới chết. Đấy là lời kể của nãm người ở bệnh viện tâm thần. Nhưng có một bà bác sĩ thì quả quyết Nguyên bị đầu độc. Có người không dám ra mặt, viết thư nặc danh báo cho chúng tôi là Trần Khuất Nguyên đã bị những người tỉnh táo đột nhập vào nhà thương điên, dùng dây thắt cổ Trần Khuất Nguyên cho tới chết. Tuy nhiên trong hồ sơ khám nghiệm tử thi người ta ghi là có dấu tay người bóp cổ. Nhưng khi bác Tám Căn đòi lấy dấu tay trên cổ thì viên phó giám đốc bệnh viện và công an đều nói là có nhiều người đã đặt tay lên cổ nạn nhân khi khiêng xác nên không chính xác. Bác Tám Căn và anh Bé Năm căm lắm, nhưng họ đành phải đưa xác Trần Khuất Nguyên về, có cãi nhau, thậm chí bắn cả cái bệnh viện này đi nữa thì có làm sao cứu sống được nhà thơ của họ dậy đâu. Khi Hai Giỡn trở về chỗ khâm liệm Nguyên, tôi trở vào chỗ Vương Thi đang nằm bất tỉnh trên giường truyền huyết thanh đã thấy Ruộng ngồi cạnh con gái. Tôi thông báo với Ruộng là Trần Khuất Nguyên đã bị giết chết rồi. Bà ấy lặng im, mặt tái lại vì lo sợ cho tính mạng con gái. Đám tang Trần Khuất Nguyên là một sự kiện bi kịch của thành phố An Hải. Thằng con trai đầu lòng của tôi lại rất phục thơ và tính cách của Trần Khuất Nguyên. Thằng Văn từng ủng hộ em gái trong việc yêu và lấy Trần Khuất Nguyên. Văn đã túc trực bên linh cữu Nguyên thay em gái bị ngất xỉu đang nằm bất tỉnh tại nhà thương. Sau này, Văn kể cho tôi nghe tỉ mỉ về đám tang của Nguyên. Tôi cũng được nhiều người kể lại theo lăng kính riêng của họ. Khi nghe tin xác Nguyên được quàn tại câu lạc bộ kháng chiến cũ, công an đã tới khá đông nói là để bảo vệ. Hai Giỡn họp bầu ban tang lễ do bác Tám Căn làm trưởng ban. Anh Bé Năm làm phó ban, Hai Giỡn phó ban, bác Tư Liễu đại tá quân đội về hưu mặc quân phục có đeo sao làm ủy viên ban tang lễ. Ngay buổi trưa khi xác Nguyên được đưa về quàn, đã có nhiều tin đồn loang ra khap thành phố. Rằng Nguyên bị một bọn có quyền nào đó ám hại. Rằng nhà nước tỉnh ủy mượn tay ba thằng điên để bóp cổ một nhà thơ tỉnh táo. Rằng Nguyên bị quyền lực trả thù, bị đánh thuốc độc và bị thắt cổ cho tới chết... Người ta kéo nhau tới coi đông hơn hội chợ, khiến cảnh sát phải xịt vòi rồng giải tán. Có lệnh của sở y tế và sở công an phải đưa Nguyên chôn ngay trong đêm đó ở nghĩa trang Bần Thổ là nơi chôn cất những người vô gia cư và người nghèo khó. Nhưng ban tang lễ và hàng trăm anh em thương binh, hàng trăm cán bộ hưu trí đã đấu tranh quyết liệt, thậm chí còn đe sẽ một mất một còn với công an nếu họ ra tay đàn áp. Họ quyết tâm quàn xác nhà thơ lại tới hai đêm một ngày. Hai bên đã đàm phán rất căng, cuối cùng thỏa hiệp với nhau chỉ để xác Nguyên quàn lại một đêm và một buổi sáng, chiều sẽ mang chôn. Công an cảnh sát gác rất đông sợ quần chúng tụ hợp phản đối sự giết người mờ ám. Họ chỉ cho phép những ai có thẻ thương binh, có thẻ bộ đội xuất ngũ và thẻ của các bác hưu trí và kháng chiến cũ vào viếng xác thôi. Chỉ tới mười hai giờ đêm giới nghiêm, người viếng mới vãn. Rất nhiều hoa xếp quanh quan tài nhà thơ bất hạnh. Theo thằng cháu Văn của tôi cho biết, có tới một phần ba số người mặc thường phục vây quanh linh cữu là công an chìm. Đám tang không có kèn tàu tò te tí tét, chỉ có những thương binh cụt tay cụt chân, đi nạng. Nguyên với cái hình to bằng hai bàn tay, đang mỉm cười nhìn mọi sự trên đầu quan tài. Sau khi lễ động quan, người khắp nơi kéo về tắc nghẽn. Tôi từ bệnh viện ra đạp xe lẽo đẽo đi sau cái đuôi con khủng long tang lễ này. Xe tang khuất đâu đằng trước, chìm ngập trong biến người. Tôi gần như chưa thấy một đám ma nào đông đến vậy. Cảnh sát của cả thành phố được báo động cấp một dàn hàng ngang bên vỉa hè dọc lối đám tang. Tôi hiểu cái chết của Nguyên hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên. Đằng sau cái chết này là âm mưu, là đe dọa, dối trá và sợ hãi. Tôi bỏ cuộc, để cho mọi người đi theo Nguyên, còn tôi phải đi theo tôi. Tôi sợ người ta nhìn thấy tôi đi theo quan tài một kẻ nguy hiểm người ta vừa trừ khử. Tôi đang kẹt mà, hãy tha thứ cho tôi Nguyên nhé. Cái cuốn nhật ký của tôi ngày xưa vợ tôi đang giữ đó. Cái cuốn băng ghi âm do Hoàng Thi và Ngọc Hương vẫn còn đe dọa tôi. Nỗi sợ hãi đã chỉ huy đời tôi, khiến tôi không được sống là mình. Nhưng hình như tôi đang nghe thấy tiếng lòng mình cất lên. Rằng dù sao, Trần Hưng ạ, mày cũng là một kẻ cầm bút. Mày không thể nhẫn tâm quay đi trước nỗi đau có thể chết của chính con gái mày. Cái linh cữu đang chìm trong biển người kia sẽ là một nửa của cuộc đời Vương Thi. Mai rồi, con gái tỉnh dậy, nó hỏi mày có đi theo đám tang của anh ấy không, rồi mày sẽ trả lời ra sao. Phải chi mày không còn một chết lương tâm nào nữa có khi lại khỏe. Đằng này, khổ thân mày, lương tâm lại đôi khi thức dậy không cho mày làm súc vật, cảnh tỉnh mày rằng mày vẫn là một con người. Mày khổ sở vì mày còn trí tuệ, tai mày chưa điếc, mắt mày chưa mù, miệng mày chưa câm. Phải chăng Trần Khuất Nguyên chính là một phần lương tri mày vừa bị nhận chìm trong âm mưu tội ác và dối trá? Cái lương tri ấy vừa bị cuộc đời bóp cổ lè lưỡi ra cho đến chết. Cái lương tri đó đang nằm trong quan tài. Người ta kéo ra một phần thành phố để đưa đám lương tri của mày. Cái lương tri ấy một chết nữa sẽ bị vùi trong đất. Lương tri ấy sẽ mãi mãi cô đơn, sẽ im lặng như mặt đất này từng im lặng. Trần Khuất Nguyên ơi, anh chính là sự cứu chuộc cuối cùng của nhân cách tôi. Anh không lặn vào cái muôn đời mà đang hóa thành sự tỉnh thức. Anh đuổi cơn hôn mê quyền lực và sợ hãi ra khỏi mỗi con người, bắt họ phải đối diện với chính họ, bắt họ phải suy tư và trằn trọc. Con người sở dĩ không biến thành ác quỷ, sở dĩ mãi mãi vẫn là con người vì nó mang trong mình khả năng hối hận. Chính sự sám hối, bằng sự sám hối, những người đang sống hôm nay mới còn khả năng hướng thiện. Xe tang đã ra tới lộ lớn. Hàng trăm xe gắn máy rú ga bám theo quan tài Trần Khuất Nguyên. Tôi vẫn lẽo đẽo bám sau làm cái đuôi của nhà thơ bị bóp cổ. Tôi như con chó con đang cố chạy theo người chết. Phải rồi, suốt đời, tôi đã thành con chó leng keng chạy theo lương tri mình. Tôi là kẻ ăn theo của lẽ phải. Tôi đứng lại ở một ngã tư đường, lặng nhìn cuộc hành quân vĩ đại của cái chết. Tôi chợt rơm rớm nước mắt khi nghĩ đến tình yêu của cặp uyên ương gãy cánh này. Trần Khuất Nguyên nằm xuống, nhưng con Vương Thi chưa nằm xuống. Nó vẫn phải sống để đêm đêm trong giấc mơ lại bị cuộc đời bóp cổ. Tôi rẽ trái, lỉnh đi khỏi điều bất hạnh của con người. Tha lỗi cho tôi Nguyên nhé. Tôi một kẻ phát ngôn của chính quyền tỉnh, không thể theo anh ra tới huyệt, được ném hòn đất vĩnh cữu lên số phận phù du của con người, đặng đưa tiễn anh trở về cái chốn mà anh đã sinh ra. Còn tôi, tôi lại trở về với sự nghiệp công danh và những nỗi sợ hãi của tôi. Nhưng tại sao con người từng nhận là cái Ta-tập thể tính đang trọ trong tôi lại không thể đi cùng cái Tôi-nhân tính của chính mình? Chả lẽ hành trình đời tôi lại không thể đi cùng đường với lương tri của tôi? Những câu hỏi này, có lẽ ngoài tôi ra, thời đại của tôi cần phải giải đáp. Khi chiếc xe tang với cái đuôi rồng rắn gồm hai xe ca, hàng nghìn xe máy và xe đạp đến đoạn ngã ba thì rẽ lối. Lối rẽ trái dẫn vào nghĩa trang liệt sĩ đã có một hàng rào công an súng ống nai nịt đứng chắn. Chính quyền quyết không cho phần tử kích động và phản động này được chôn trong nghĩa trang liệt sĩ theo nguyện vọng của ban tang lễ, dù đương sự đã có tám năm chống Mỹ, đã là một chính trị viên đại đội dũng cảm, đã bị thương nặng vào sọ não, từng là nhà thơ nổi tiếng. ở trong đó, nghĩa trang liệt sĩ ấy, có một khu dàng riêng, những huyệt mộ đã được xây sẵn rất đẹp, vẫn há hốc miệng chờ những thi thể kính yêu của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, chừng nào các vị ngán phục vụ cách mạng. Chính quyền chỉ thị cho chôn Trần Khuất Nguyên trong nghĩa địa Bần Thổ, nơi nằm lại của những người nghèo hèn được gọi là nhân dân. Nhưng ban tang lễ Trần Khuất Nguyên không chịu. Họ bàn nhau cứ đưa xe tang nhào đại nghĩa trang liệt sĩ. Họ có đám đông hùng hậu đi theo đa số là chiến hữu của nhà thơ, những thương bệnh binh, những người bộ đội xuất ngũ, những cán bộ già đã về hưu. Họ toàn đám cách mạng nòi, đâu sợ gì một vài đám cách mạng dỏm cơ hội, có lúc đã nhảy ra nam được quyền hành. Anh Bé Năm, trưởng phòng thương binh của sở thương binh xã hội đỡ bác Tám Căn từ trên xe tang xuống để gặp hàng rào công an. Bác Tám Căn hỏi viên công an đeo hàm đại úy:
- Có phải chủ chỉ huy ở đây? Anh ta gật đầu rồi giơ tay chào ông rất đúng điều lệnh:
- Báo cáo bác, tôi đại úy Vũ Mùi chịu trách nhiệm an ninh ở đây.
Bác Tám nói:
- Tôi muốn thưa chuyện với chú.
Bác Tám chưa kịp nói thì anh Bé Năm chen vào:
- Tôi xin báo để các đồng chí biết bác Tám đây đã 75 tuổi, từ năm 1945 bác đã là bí thư tỉnh ủy tỉnh ta. Hiện nay bác là chủ tịch câu lạc bộ những người kháng chiến cũ, đồng thời là trưởng ban tang lễ nhà thơ thương binh Trần Khuất Nguyên. Anh công an nghiêm nghị:
- Báo cáo, tôi biết bác Tám Căn.
Bác Tám: Tôi xin thay mặt cho hàng trăm thương bệnh binh và những người kháng chiến, yêu cầu các đồng chí mở lối cho xe tang vào nghĩa trang liệt sĩ. Đây là giấy giới thiệu của Sở thương binh xã hội cấp cho người đã chết được an nghỉ trong nghĩa trang này. Đại úy Vũ Mùi trả giấy giới thiệu cho bác Tám nói: Rất tiếc chúng tôi không thể theo yêu cầu các đồng chí được. Chúng tôi được lệnh bên sở cỏng an chốt ở đây, không cho bất cứ ai, bất cứ xe cộ nào vào nghĩa trang liệt sĩ.
Anh Bé Năm đứng ra đối đáp:
- Các đồng chí có biết nghĩa trang này do cơ quan thương binh xã hội chủ quản không? Tôi xin giới thiệu là Phạm Năm, tức Bé Năm, trưởng phòng thương binh của sở. Chúng tôi có quyền đưa nhà thơ thương binh của chúng tôi vào nghĩa trang- của chúng tôi.
Vũ Mùi:
- Chúng tôi hiểu. Nhưng lệnh là lệnh. Tôi nghiêm chỉnh yêu cầu các đồng chí cho xe tang ra nghĩa địa Bần Thổ mau. Bác Tám Căn dùng tình thuyết phục một hồi không được. Hai bên đấu lý với nhau đến ba mươi phút. Bác Tư Liêu, đại tá về hưu thét:
- Các đồng chí là công cụ của ai? Công cụ của chính quyền nhân dân hay là công cụ cho một số bọn cơ hội đặc quyền đặc lợi?
Hai Giỡn nóng tảng thần đế thêm:
- Các đồng chí có phải là con em nhân dân không hả. Hãy tránh ra cho xe tang đi.
Tiếp theo là lời của hàng mấy trăm thương binh, các vị hưu trí hô tránh ra, tránh ra. Rằng công an phải phục vụ chính nghĩa.
Vũ Mùi sừng sộ:
- Các người định làm loạn hả.
Bác Tư Liễu nói rất to:
- Ai làm loạn. Cháu hãy nhìn bác mặc quân phục của ai, đeo lon của ai đây. Còn cụ Tám Căn kia không phải là ông tổ của cách mạng ở cái tỉnh này à? Còn tất cả mọi người kia, người chết nằm kia là ai mà cháu mở miệng nói liều như thế.
Vũ Mùi không lùi bước:
- Tôi không lý sự. Lệnh là lệnh. Tôi yêu cầu giải tán đám đông ngay. Đưa xe tang về nghĩa địa Bần Thổ. Nếu không tôi sẽ dùng vũ lực.
Một anh thương binh đi nạng lọc cọc nhảy từ trên xe ca xuống. Có mấy chục người đi nạng, những người cụt tay, cụt chân cũng lọc cọc kéo xuống từ trên xe ca đi theo xe tang. Anh thương binh đi đầu quơ nạng lên trước mặt đại úy công an nói tỉnh queo:
- Này, anh có dám bắn chúng tôi không? Xin mời.
Vũ Mùi quát:
- Các anh đừng có hỗn, đừng có kiêu binh. Nếu cần, tôi sẽ ra lệnh bắn bất cứ ai ngăn cản chúng tôi thi hành lệnh.
Đám thương binh reo hò ầm lên, quơ nạng lên trời như họng súng. Vũ Mùi ra lệnh:
- Tất cả sẵn sàng theo lệnh tôi.
Hơn một chục anh công an tay lăm lăm súng tiểu liên tiến về phía đám đông. Vũ Mùi yêu cầu thương lượng với ban tang lễ. Bên công an bốn người, bên tang lễ bốn người chụm đầu vào nhau ở một góc thương lượng. Bên tang lễ rút lui, đưa Nguyên về Bần Thổ. Trần Khuất Nguyên nằm lại Bần Thổ này, nơi thập loại chúng sinh được gọi là nhân dân từ bao đời vẫn sống và chết dưới đáy xã hội. Mặc ai đó được an táng ở những khu mồ ngon mả đẹp. Trần Khuất Nguyên vừa được an táng trong lòng người dân An Hải này. Tôi cần phải đối diện với tấm bia mộ người liệt sĩ của lẽ phải này như đối diện với lương tri mình mãi mãi. Bia mộ ấy với tôi lúc này chính là Vương Thi, con gái tôi đồng thời là người yêu, người vợ chưa cưới của nhà thơ bất hạnh.