1937 - Phong trào “áo Lemur “ ở Hà Nội đang thịnh hành từ Bắc chí Nam - “Ðoàn Kịch Bắc Kỳ “ của Claude Bourrin , ở đường Pellerin - Ðạo Cao Ðài Tây Ninh . - Phong trào cầu cơ ở Saigon và Bàn Ma ( Bàn ba chân ) ở Hà Nội - Phạm Công Tắc . - Hai tín đồ Cao đài Pháp : Abadie, Delagardo.
1932- Hà Nội : Phong trào phụ nữ đi bộ được gọi là “ phong trào tiểu thư đi bộ “. 1936 – Saigon: “ phong trào phụ nữ đi xe máy “. Cả hai đều bồng bột được một vài tháng , làm sôi nổi sư luận , rồi bỗng dưng nguội lạnh . Ngọn lửa rơm đã tắt , chỉ còn lại một đống tro tàn , tan biến trong cuộc sống gió bụi hằng ngày , không ai nhắc đến. Chứng kiến cả bề mặt và bề trái của hai cuộc vận động ấy . Tuấn nghĩ rằng nếu một ngày nào đó nổi lên phong trào phụ nữ lái xe camion chở hàng hoá , hoặc phụ nữ lái xe ô tô buýt chở hành khách , hoặc phụ nữ lái máy bay đi từ Hà Nôị , Saigon qua Hong Kong , Tokyo, Manilla , New York , Paris , London v.v…thì chừng đó Tuấn mới hãnh diện cho phụ nữ thật gọi là tân tiến của Việt Nam . Nhưng xét kỹ lại , Tuấn cho rằng “ bệnh ấu trĩ cuả tân thời “ không thể nào tránh được đối với một xã hội vừa mới trong tình trạng cố cựu bước qua giai đoạn tân tiến , do sự tiếp xúc với những yếu tố của một văn minh hoàn toàn mới lạ . Nhất là trong lúc một xã hội bị gọi là “ chậm tiến “ ( danh từ của thực dân thường dùng là “ arrièré" ) , chưa chuẩn bị đầy đủ để đón nhận các hình thức mới của nếp sống của tư tưởng , của quan niệm về nhân sinh , tập tục , Lénine cũng đã gọi “ la maladie enfantile du communisme “ ( bệnh ấu trĩ của chủ nghĩa cộng sản ), những hăng hái quá trớn , sai lầm , của cộng sản ở giai đoạn sơ khởi , chưa chuẩn bị đầy đủ , thiếu kinh nghiệm và ngoan cố . Xã hội Việt Nam trong khoảng 20 năm giữa đệ nhứt và đệ nhị thế chiến ( 1919 – 1939 ) cũng ở trong tình trạng ấu trĩ của “ bệnh tân thời “ . Nó muốn vươn mình theo kịp tiến bộ Tây phương , nhưng không đủ phương tiện , yếu tố , cho nên chỉ chuyển động quanh quẫn trong khung khổ mong manh , của một xu hướng tân thời chưa có căn bản vững vàng , chưa có phương hướng nhất định . Những phong trào “ tiểu thư đi bộ “ , “ phụ nữ đua xe máy “ , “ khiêu vũ “ , “áo Lemur “ , v.v…đều là những biểu dương của chứng bịnh ấu trĩ đó , mà phụ nữ "Annam “đã mắc phải trước nhất . Các cô ả đào Khâm Thiên , Ngã Tư Sở , và các cô vũ nữ ở Rex , Fantasia , là những cô gái đầu tiên mặc áo “ Lemur “đi phất phơ những buổi chiều lãng mạn trên bờ Hồ Hoàn Kiếm , đã gây ra phong trào ấy , và sau đó từ một số đông các cô nữ sinh Hà Nội cho đến các con sen , chị ở , ở các tỉnh đều đua nhau mặc áo “ Lemur". Áo Lemur được thịnh hành nhất ở Hà Nội , và các tỉnh Bắc kỳ vài ba tỉnh Trung kỳ . Ở Saigon và các tỉnh Nam kỳ các nhà may áo phụ nữ đã chế ra vài kiểu áo giản dị hơn , thích hợp với xứ nóng . Biết mục đích cuộc Nam du của Tuấn là quan sát tình hình văn hoá , xã hội, chính trị của Saigon Lục tỉnh , một người bạn đưa Tuấn đến dự một buổi tập dượt của “đoàn kịch Bắc kỳ “ do một kịch gia Pháp chuyên môn tên là Claude Bourrin, sáng lập và điều khiển . Do sự giới thiệu trước của người bạn ấy , Claude Bourrin có gởi giấy mời Tuấn đến xem , lúc 6 giờ chiều chủ nhật , tại sân khấu của đoàn , ở đường Pellerin . Ðoàn kịch được biết nhiều hơn bằng danh hiệu Pháp ngữ , Groupe théâtral Tonkinois, gồm độ 10 nam nữ kịch sĩ , trẻ tuổi , toàn người Bắc kỳ nhưng có gia đình ở Saigon . Tuấn rất cảm động được chủ nhân , Claude Bourrin đón tiếp niềm nở và cho biết buổi tập dượt đặc biệt hôm nay là cốt để cho Tuấn xem , và mong Tuấn cho biết cảm nghĩ sau khi xem xong . Hôm ấy , đoàn diễn 4 hài kịch ngắn "Saynètes" bằng tiếng Việt : “ Biển Lận “ - “ Nữa “ - “Ông Cò “ - “ Thợ Cúp Tóc “ – đúng hai tiếng đồng hồ , mỗi hài kịch dài 30 phút . Tuấn công nhận rằng toàn thể kịch sĩ , cả nam lẫn nữ , đều có tài và đã thành công rất mỹ mãn , tuy họ không có nhiều thì giờ tập dượt , theo lời họ cho Tuấn biết . Kịch do ông Claude Bourrin soạn bằng tiếng Pháp và được dịch và diễn bằng tiếng Việt . Cách bài trí trên sân khấu đơng giản lắm, nhưng sự sắp xếp bối cảnh của mỗi vở kịch rất mau lẹ và có nghệ thuật điêu luyện , không hề bừa bãi hay luộm thuộm . Cả bốn vở kịch đều có ý nghĩa hài hước rất sâu sắc , và các diễn viên đã biết làm nổi bật lên những đoạn khôi hài khiến thính giả không thể nhịn cười được rất nhiều lần trong suốt buổi trình diễn . Tuấn bắt tay khen tặng nồng nhiệt ông Claude Bourrin và tất cả các kịch sĩ tài hoa , trẻ trung của ông . Lúc ra về , một nữ diễn viên , cô Tâm Hồng , tỏ ý muốn mời Tuấn đi ăn “ bánh đập “để thưởng thức một món ăn đặc biệt Saigon mà cô biết ở Hà Nội không có. Chỗ bán bánh đập ở một khoảng đất trống , bàn ghế kê la liệt ngoài trời , ở cuối đường Frères Louis ( nay là Võ Tánh ) , giáp đường Cây Me ( nay là Nguyễn Trãi ) và gần đồn Ô Ma của nhà binh Pháp ( nay là khu Uỷ Hội Quốc Tế ) . Chung quanh là bờ bụi hoang vắng , đèn điện chỉ lưa thưa vài ngọn , rải rác có vài túp nhà lá thắp đèn dầu . Chỗ bán bánh đập trứ danh đó , vì theo lời cô Tâm Hồng , là chỗ bán bánh đập duy nhất ở Saigon , cũng là nơi hẹn hò của “ trai thanh gái lịch “ của “ Hòn Ngọc Viễn Ðông “ trong những đêm oi ả . Lần đầu tiên , Tuấn ngơ ngác nghe cô Tâm Hồng gọi hai chai xá xị . Ở Hà Nội Tuấn chưa hề nghe thấy loại nước ngọt có cái tên kỳ dị đó . Chín năm sau , năm 1945, Tuấn ở tù ra , đi xe lửa vô Saigon thăm lại kinh đô Nam kỳ , Tuấn trở lại quán bánh đập thì ngạc nhiên thấy khu đất hoang 9 năm trước , nay đã biến thành một cái gọi là chợ Thái bình . Quán bánh đập ngon lành đã biến đâu mất , Tuấn đi tìm khắp Saigon - Chợ Lớn , không còn thấy một quán bánh đập nào nữa cả . Tuấn ghé vào một tiệm Huê kiều trong chợ , gọi một chai …xá xị . Sau này , Tuấn tìm hiểu , mới biết cái danh từ “xá xị “ rất “ Ba Tàu “đó lại chính là danh từ Pháp “ Salsepareille" do người Tàu Chợ Lớn phiên âm ra . Tâm Hồng là một nữ nghệ sĩ có danh tiếng thời bấy giờ ở đất Saigon . Cô có căn bản văn hoá , nói tiếng Pháp thạo , viết văn Việt bóng bẩy, và hiểu rõ đời sống văn nghệ ở thủ đô . Cô cho Tuấn biết rõ rằng công chúng Nam kỳ , kể cả giới trí thức thượng lưu và trung lưu , chỉ mê coi cải lương , chứ không thích coi kịch “Ðoàn Kịch Bắc Kỳ “ của Claude Bourrin là đoàn kịch duy nhất ở Saigon , diễn kịch theo lối "Saynètes" của Pháp rất hay , nhưng không được công chúng thưởng thức mấy . Mỗi lần trình diễn , đăng quảng cáo trong các báo liên tiếp mấy số mà khán giả mua vé đến xem không quá vài trăm người . Các rạp cải lương , trái lại , đông nghẹt người ta , đàn ông , đàn bà , con nít , và những đào cải lương như cô Năm Phỉ , cô Phùng Há , kép Năm Châu , đều được nổi tiếng như cồn . Ngoài ra có một số thích xem hát bội , khán giả ciné, thì đa số là tây , đầm , và đám học sinh và thanh niên trí thức An nam . Kịch là một môn văn nghệ do người Pháp nhập tịch vào , bị người An nam cho là “ lạt lẽo “ , “ trơ trẽn “ , “ vô duyên “ , không hấp dẫn bằng cải lương , hát chèo Triều Châu , và hát bội Cầu Muối . Riêng về chủ nhân đoàn kịch Bắc kỳ , điều khiển với tất cả một lòng tận tụy hăng say vì nghệ thuật . Claude Bourrin thì Tuấn đã nghe tên ông trong lúc đọc các nhật báo Pháp ở Saigon và Hà Nội . Ông là một kịch gia chuyên môn , đã nổi tiếng ở Paris, nơi ông đã có nhiều vở kịch được trình diễn trên sân khấu Opéra “ . Suốt thời gian ông ở Saigon , làm một công chức sở Thương Chánh Pháp , ông vẫn có thì giờ để trình diễn các vở kịch của ông tại nhà Hát Tây ( nay là Quốc hội ) và rất được khán giả Pháp và ngoại quốc nhiệt liệt hoan nghênh . Ở Hà Nội , Hải Phòng , ông cũng được thành công rực rỡ . Bị thất bại với “Ðoàn Kịch Bắc Kỳ “, mà theo lời cô Tâm Hồng , ông đã bỏ vào đấy biết bao là tiền bạc và thì giờ , ông đành phải giải tán , với lòng thất vọng chua chát thấy rằng người An nam chưa biết thưởng thức nghệ thuật của môn Kịch . Anh chị em kịch sĩ xin phép ông cho họ giữ lại danh hiệu Ðoàn , và họ tự động đi diễn Kịch rộng rãi trong dân chúng. Nhưng rất tiếc họ vẫn không đạt được mục đích tốt đẹp ấy . Tại Hà Nội , Nam Ðịnh , Hải Phòng , mặc dầu có sự ủng hộ triệt để của báo chí , và số khán giả có phần đông hơn ở Saigon gấp ba lần , nhưng họ vẫn không gặt được kết quả khả quan về tài chánh . Không đủ tiền sở hụi , và khán giả phần nhiều là trí thức có Tây học , chỉ đông đảo trong hai đêm đầu . Trong thời gian đó và tiếp tục về sau , ban Kịch Vi Huyền Ðắc ở Hải Phòng , ban Kịch Tinh Hoa của Thế Lữ và Ðoàn Phú Tứ ở Hà Nội , cũng không “ sống “được lâu trong sự lãnh đạm của công chúng . Dù sao , Tuấn cũng thấy rằng Claude Bourrin và đoàn Kịch Bắc kỳ của ông gồm toàn nghệ sĩ bổn xứ , và đóng vai trò tiên phong rất xứng đáng về môn thoại kịch trong Văn học sử Việt Nam cận đại . Tuấn có quen với ông Abadie, làm lục sư ( greffier ), tại Toà Án Hà Nội, một người Pháp theo đạo Cao Ðài. Sự quen biết này có một nguyên do không ngờ. Năm 1936, Tuấn có làm chủ nhiệm kiêm chủ bút một tờ tuần báo Pháp ngữ, chuyên về chính trị, xã hội và văn hoá. Trong hai số liên tiếp, Tuấn có viết một bài xã thuyết dài tám cột trang nhất, công kích chế độ thuộc địa của Pháp ở Ðông Dương, và kêu gọi dẹp bỏ triều đình Huế. Theo thể lệ báo chí Pháp hồi đó được “ tự do ngôn luận “. Tờ báo không bị kiểm duyệt, không bị đóng cửa, mọi công đàn đều được tự do phát biểu ý kiến của mình. Nhưng Tuấn bị triều đình Huế và phủ Thống sứ Bắc kỳ truy tố ra toà án Pháp tại Hà Nội về tội “ xúc phạm đến an ninh quốc gia, và chủ quyền người Pháp ở Ðông dương ( atteinte à la sécurité nationale, et à la souveraineté francaise en Indochine ) chiếu theo đạo luật báo chí Pháp tháng Juillet 1889. Tuấn không có tiền thuê luật sư. Ông Abadie phụ trách về hồ sơ của Tuấn, vả có cảm tình riêng với Tuấn, một chàng trai hăng hái vì tuổi trẻ nhưng không có hành động nguy hiểm nên có giới thiệu Tuấn đến luật sư Lambert, một người bạn của ông, ở trước cổng Hội Chợ, đường Gambetta, nhưng xem qua bài báo bị truy tố, luật sư bảo Tuấn : - Tôi rất tiếc không thể bênh vực cho anh trước toà án, mặc dầu có sự gởi gấm tử tế của ông Abadie bởi vì …tốt hơn hết là tôi sửa soạn va li để lên đường về Marseille ! Ý của luật sư Lambert bảo rằng ông không thể bênh vực một tờ báo có tính cách chống Pháp và có khuynh hướng đòi đuổi Pháp ra khỏi Ðông dương. Bênh vực cho Tuấn thì tốt hơn là ông xách va li về Pháp cho rồi. Tuấn đem câu chuyện của luật sư Lambert nói lại cho ông Abadie rõ. Ông này có ý muốn cứu Tuấn khỏi tù tội, khẽ bảo Tuấn : - Tôi khuyên anh tốt hơn là đi vắng Hà Nội trong thời gian có phiên toà xử anh. Toà sẽ xử khiếm diện. Nhưng anh sẽ trở về kịp ngày để chống án sang Pháp. Tôi sẽ tìm cách tạo ra một Vice de forme, để toà án huỷ bỏ bản án của toà Hà Nội, và bắt xử lại. Từ đây đến đó anh sẽ có thì giờ vận động, vì thủ tục Toà Phá Án còn kéo dài lâu lắm. Nghe lời ông Albadie. Tuấn chuẩn bị đi Saigon một tuần lễ trước ngày có phiên toà. Nhân tiện ông Albadie viết thư giới thiệu Tuấn với ông Hộ Pháp Phạm Công Tắc, Quyền Giáo Tông Ðạo Cao Ðài ở Thánh thất Tây Ninh. Tuấn không hiểu do trường hợp nào một người Pháp chính thống như ông lục sự Albadie lại theo đạo Cao Ðài ? Tuấn không hỏi ông, vì lễ độ, nhưng Tuấn cứ thắc mắc về vấn đề đó. Ðạo Cao Ðài có gì lạ ? Có gì hấp dẫn đến đỗi một người trí thức Pháp phải bỏ đạo Thiên Chúa để theo đạo Cao Ðài ? Trước đó ít lâu, giới trí thức Hà Nội đã bàn tán rất nhiều về đạo Cao Ðài. Nhưng thực ra không ai hiểu rõ, chỉ biết qua loa là một Tôn giáo mới xuất hiện ở Nam kỳ, thờ cả Phật, Chúa, Lão Tử, Trạng Trình và Victor Hugo. Chưa ai biết tường tận về giáo lý Cao Ðài, và nhất là hai chữ Cao Ðài. Một số anh em đồng chí cách mạng rỉ tai cho Tuấn biết rằng đạo Cao Ðài, do hai chữ C. Ð. tức là Cường Ðể, chính là một đảng cách mạng bí mật của nhà chí sĩ Cường Ðể sáng lập ra trá hình dưới thể thức một Tôn giáo để đánh lừa sự dòm ngó của người Pháp và của Deuxième Bureau (Ðệ Nhị phòng của Mật vụ vậy ). Do sự tiết lộ ấy, Tuấn càng tò mò, muốn biết tất cả sự thật về đạo Cao Ðài. Ðồng thời, phong trào “ bàn ba chân “. từ Saigon lan truyền ra Hà Nội, đã làm sôi nổi dư luận các giới đồng bào Bắc Hà một thời gian khá lâu. Tuấn có tham gia nhiều cuộc “ gọi hồn ma “ về nói chuyện bằng những tiếng gõ trên “ bàn ba chân “. Tại nhà Cung, một bạn học cùng lớp Anh ngữ với Tuấn, người anh cả của Cung, làm thông phán Phủ Thống Sứ, có thuê đóng một chiếc bàn tròn ba chân, toàn bằng gỗ, không có một cái đinh hay một miếng sắt nào dính vào. Thường mỗi buổi tối, anh ấy có tổ chức những cuộc “ gọi hồn ma “ về nói chuyện trên mặt bàn. Trong tháng thí nghiệm đầu tiên, tối nào Tuấn cũng đến dự với một số ít bạn bè được chọn lọc, không quá 6 người cả nam lẫn nữ. Những giải trí này rất là hấp dẫn, khiến cho cử toạ luôn luôn hồi hộp băn khoăn, trước một hiện tượng huyền bí mà Khoa Học của Thế kỷ XX chưa khám phá ra được. Bắt đầu người anh cả của Cung thắp nhang khấn vái vài ba câu bông lông, không căn cứ vào một bài thần chú hoặc một bài Kinh kệ nào cả, vì bọn thanh niên trí thức thời bấy giờ đều là “ tự do tư tưởng ( libres penseurs ). Cử toạ ngôì chung quanh chiếc bàn tròn không trải nắp và không để một vật gì trên bàn cả. Vì lúc bấy giờ phong trào người An nam nói tiếng Pháp đã thành một thói quen rất thịnh hành, nên thỉnh thoảng ông thông phán hỏi “ hồn ma “ bằng câu tiếng Tây : - Esprit, es-tu là ? ( Hồn ma có về đó không ? ) Bỗng dưng có tiếng gõ trên mặt bàn ! Ai nấy đều mỉm cười, một nụ cười thích thú nửa tin nửa ngờ, nhưng không phải là không hồi hộp, sợ hãi, vì mình có cảm giác lành lạnh xương sống rằng mình đang tiếp xúc với một Hồn Ma đích xác, không biết từ đâu hiện về, không thấy hình bóng, nhưng nghe rõ ràng tiếng gõ “ cóc …cóc “ trên bàn gỗ. Tiếng gõ chứng nhận rằng “ Hồn Ma “đã hiện về. Cuộc đàm thoại bắt đầu, nhờ tự mẫu morse làm chuẩn ngữ (đã đề sẳn trước mặt mỗi người một tấm giấy ghi tự mẫu morse để theo dõi dể dàng câu chuyện ) và một bản morse đặt ngay giữa bàn để riêng cho hồn Ma. Thường thường hồn Ma trả lời rất đúng những câu hỏi của cử tọa. Thí dụ, một người hỏi, anh Trần Niên, người Nghệ An : - Ông cụ thân sinh của tôi tên là gì ? Hồn Ma trả lời : - Trần Văn Soạn. - Ông cụ mất lúc mấy tuổi ? - 72 - Hiện giờ vong linh ông cụ tôi ở thế giới nào ? - Ðã đầu thai. Không biết rõ. Tên và tuổi ông cụ thân sinh bạn Trần Niên, sinh và tử ở Nghệ An, toàn thể cử tọa không ai biết. Nhưng Hồn Ma biết rõ và nói không sai. Nhiều việc khác nữa. Hồn Ma nói đúng cả. Có điều khiến Tuấn, cũng như tất cả cử tọa 6 người, vô cùng kinh ngạc là câu chuyện giữa Vũ Văn Thành, sinh viên Cao đẳng Y khoa, và một Vong Linh. Thành : "tên tôi là Vũ văn Thành, 22 tuổi, sinh viên Cao đẳng Y khoa Hà Nôị, muốn tìm được nói chuyện với “ Vong hồn cô Lê thị Cẩm Thuý, chết ngày 17.10.1934, hưởng thọ 19 tuổi. " Chờ một lúc lâu, độ 15 phút. Hồn ma hiện về : - Em, vị hôn thê của anh đây. Rất cảm động, Thành run run một lúc mới hỏi tiếp : Thành : "Em còn nhớ anh ư ?" Hồn : "Không bao giờ quên." Thành : "Tại sao đang yêu nhau mà em đột ngột vĩnh biệt anh như thế ?" Hồn : "Tại em vô phúc. Phải trả nợ một tiền kiếp nhiều tội lỗi. Anh biết, em bị bệnh đau tim, chết vì bệnh …" Thành : "Hiện giờ em cư trú nơi nào ?" Hồn : "Hư không …An lạc." Thành : "Hư không …an lạc là ở đâu ?" Hồn không trả lời và biến mất luôn. Nguyễn Thái Học có hiện hồn về sau lời khấn nguyện của Cung, nhưng anh chỉ nói hai câu. Hồn : "Việt Nam ta không may …còn nhiều tai họạ …giết Tây …giết Tàu …giết nhau …" Rồi làm thinh luôn. Một đêm Trung thu trăng sáng đẹp, ông thông phán đề nghị đem bàn ba chân đặt ngoài bao lơn trên gác sau, có cúng bánh trung thu, bánh dẻo và nước trà ướp sen. Quanh bao lơn, treo đèn lồng Nhật bổn, và đặt nhiều chậu hoa cúc, hoa huệ, phong lan. Ðêm ấy ngoại lệ, cử toạ được mời dự gấp đôi, 12 người, toàn bạn trẻ trí thức. Bạn bè vẫn thích tính hào hoa phong nhã của ông Phán Phủ Thống Sứ, tình nhân của một nàng công chúa kiều diễm, cháu nội vua Thành Thái. Ông đã lái xe hơi suốt đêm vào Huế, bắt cóc cô đem về tổ uyên ương bí mật của ông ở phố Tientsin. Ðêm ấy Công chúa khấn nguyện mời một ông Tiến sĩ về làm thơ. Khoảng 1 giờ khuya. Tiên ông hiện về tự xưng là Huyền Không Ðạo Nhân. Tuấn có chép tám câu thơ lạ lùng của Tiên ông như sau đây : Thiên thanh ai hỡi tâm là thanh U khí bao vây bốn góc thành Mây gió trùng trùng un khói lửa. Máu xương lớp lớp dậy đao binh Lên nguồn xuống bể dư niên lụy Ngược bắc xuôi nam bán dạ hành Thu ẩm lục bồi truy mã lộ Sơn hà lưu lệ bất tàn canh ! Thấy bài thơ có bao hàm nhiều ý nghĩa ly kỳ mà lúc bấy giờ, Trung thu năm 1936, toàn thể cử tọa đều hoang mang, không hiểu rõ dụng ý quá huyền ảo, Tuấn hỏi : - Xin ngài cho chúng tôi biết Huyền Không đạo nhân, tên họ thật là chi, hiện ở Cung Trời nào ? Hồn chỉ lập lại : - Huyền Không Ðạo nhân Cô giáo Loan hỏi : - Bài thơ huyền bí quá, chúng con không hiểu nghĩa, xin Tiên ông giảng cho - Bất. Hồn tiên chỉ đáp vỏn vẹn một tiếng “ bất”, không thêm một lời, rồi thăng luôn. Mãi gần hai chục năm sau, Tuấn mới hiểu đại khái ý nghĩa tám câu thơ của Huyền Không đạo nhân. Chắc bạn đọc cũng hiểu. Phong trào “ hồn ma “được thịnh hành khắp Hà Nội, trong các giới trí thức, nhưng sau đó ít lâu, không hiểu vì nguyên nhân nào phủ Thống sứ Pháp ra nghị định cấm tiệt các cuộc giải trí “ hồn ma “. Nhiều người cho rằng lối cầu cơ “ giáng bút “ của đạo Cao Ðài cũng giống như Bàn Ma, và cùng một tính cách huyền bí cao siêu. Tuấn nóng lòng muốn vào tận “ Toà Thánh Tây Ninh “ nơi phát sinh của đạo Cao Ðài, để tìm hiểu sự thật và học hỏi thêm về Khoa Học Huyền Bí, mặc dầu Tuấn cứ thắc mắc : có phải thật là một Khoa Học hay không ? Một chàng trai mới có 27 tuổi,, hãy còn ngây thơ, mộc mạc, từ Hà Nội vào Saigon, lần đầu tiên lên miền rừng núi Tây Ninh, đến một nơi" huyền bí xa xăm" gọi là Thánh Thất Cao Ðài, nơi đây theo như chàng chỉ được nghe đồn là thờ" thần Một Mắt" và thường xuyên tiếp xúc với các vị Tiên, Thánh trên Trời, chàng trai ấy không thể không hồi hộp, băn khoăn … Tuấn tự cho rằng cuộc" phiêu lưu" này mà chàng liều lĩnh đi một mình, là một đại sự trong đời chàng . Nhưng chàng rất hăng hái vì thích hợp với bẩm tính của chàng ưa đi chu du đây đó, lang bạt kỳ hồ … Ngủ dậy thất sớm, chàng xách cạp–táp ra bến xe đò Lục tỉnh, ngay bên hông cửa Ðông chợ Bến Thành, mua vé đi Tây Ninh . Dọc đường dài gần 100 kí lô mét, Tuấn để ý không có gì khác biệt các phong cảnh miền Trung, chỉ thỉnh thoảng có một vài loại cây lạ, như cây thốt nốt, cây xoài riêng, và hai bên đường, là đồng lúa mênh mông, ít có núi, gò, như ở hai miền Trung, Bắc . Ðến tỉnh lỵ Tây Ninh vào khoảng 9 giờ sáng, chàng điềm nhiên hỏi một anh xe ngựa, một loại xe ngựa đặc biệt ở miền Nam, gọi là xe thổ mộ, người Pháp gọi là xe hộp quẹt (boîte d’allumettes ) hay là tắc-ca-tấc ( tac-à-tac ) . - Ði Thánh Thất Cao Ðài bao nhiêu, chú ? - 6 cắc . Ðường đi không xa, chỉ khoảng 5, 6 cây số . Phong cảnh đã hơi khác . Ðã thấy một vài đỉnh núi xanh mờ xa xa … Chú đánh xe bảo : - Núi Ðiện Bà đó ! Linh lắm ! Người dân Tây Ninh đầu tiên đã cho Tuấn nghe một vài chuyện thần linh ở đất huyền bí này rồi . Xe đổ ngay trước một cổng lớn và rộng, nhưng đóng lại, chỉ để lối đi bên hông . Phía trên có đề hai giòng chữ lớn bằng tiếng Việt và tiếng Pháp : Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ 3è Aministie de Dieu en Orient Tuấn nghĩ mãi không rõ ý nghĩa của hai chữ" tam kỳ" chắc chắn là không phải ba Kỳ : Nam, Trung, Bắc, vì có câu chữ Pháp chứa ở dưới : 3è Aministie, nhưng 3è Aministie là thế nào ? Nếu đừng có câu chữ Pháp thì Tuấn có thể đoán chừng ý nghĩa rằng : Cao Ðài là một đạo lớn phổ độ cho toàn thể nhân dân Nam Trung Bắc . Tuấn lại nhận thấy rằng câu chữ Pháp chứa ở dưới không phải là dịch đúng câu Việt ngữ ở trên vì nghĩa của nó là “Ân xá lần thứ ba của thượng đế ở Ðông phương" khác với câu tiếng Việt xa lắc xa lơ . Chỉ có hai câu đề trên cổng cao lớn đó mà Tuấn cứ thắc mắc hoài, đứng tần ngần suy nghĩ mãi, chưa muốn vào trong . Ðã vậy, hai câu đối hai bên bằng chữ Nho lại càng khiến cho Tuấn hoang mang : không có ngụ ý gì là huyền bí ảo mộng thần tiên như Tuấn đã tưởng tượng . Trái lại, hai câu đối đề cập đến" dân quyền" và bao hàm tư tưởng ái quốc, tự do, dân chủ …Ðọc đi đọc lại câu đối chữ Nho . Tuấn suy nghĩ : hay là dư luận của một số đồng chí cách mạng quốc gia ở Hà Nội bảo rằng Cao Ðài là một tổ chức chính trị có liên hệ đến Ðức Kỳ ngoại Hầu Cường Ðể …cũng đúng một phần nào chăng ! Với tất cả những thắc mắc ấy, Tuấn xách cạp táp đi cửa hông, bước chân vào khu vực của Tòa Thánh Cao Ðài . Hai bên cổng Chánh môn của Thánh Thất, hai câu đối : Cao thượng chí tôn đại đạo hoà bình dân chủ mục . Ðài tiền sùng bái Nam Kỳ cộng hưởng tự do quyền . Hai câu đối trên đã tiết lộ phần nào chí hướng chính trị của Cao Ðài giáo chăng ? Một văn phòng liên lạc ở ngay bên hông, Tuấn vào . Thấy một thiếu phụ mặc toàn đồ trắng theo một kiểu riêng biệt của tín đồ Cao Ðài, Tuấn trao bức thư giới thiệu của ông Abadie, gởi Ðức hộ Pháp Phạm Công Tắc . Ông Abadie biên ngoài bao thư bằng Pháp văn : Sa Sainteté Phạm Công Tắc Saint Siège Tây Ninh Thấy thiếu phụ hơi do dự, Tuấn bảo : - Thưa cô, ông Abadie, người gởi thư này, là tín đồ Cao Ðài giáo, và là người Pháp, làm chánh lục sự toà án Hà Nội . Nhơn tôi có dịp đi Saigon, muốn đến thăm Toà Thánh, ông viết thư giới thiệu tôi cho Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc . Vậy xin cô làm ơn chuyển thư lên ngài . Bây giờ tín nữ Cao Ðài mới niềm nở hỏi han : - Xin lỗi thầy là ai ? Quý danh là chi, để tôi trình lên Ðức Thầy . - Dạ tôi là Trần Tuấn . Tín nữ tỏ vẻ sửng sốt, nở một nụ cười : - Ông là ông Trần Tuấn, chủ bút báo Phụ Nữ đó phải hôn ? Tuấn lễ phép mỉm cười, nghiêng đầu : - Dạ Tín nữ Cao Ðài rất dịu dàng bảo : - Dạ, xin mời ông Trần Tuấn đi với tôi tới Giáo tông đường, có đức Thầy ở đó . Tuấn đi theo cô . Tò mò, Tuấn khẽ hỏi : - Xin lỗi cô, Ðức Thầy là ai ? Tín nữ duyên dáng đáp : - Ðức Thầy là Ðức Hộ Pháp đó . Tuấn thấy con đường rộng thênh thang bằng phẳng từ cổng Toà Thánh chạy thẳng băng vô tận, không biết tới đâu ! Có tấm bảng cắm bên cạnh đường ghi : “Ðại lộ Hòa Bình" Bên trái là một toà nhà đang xây cất, một kiểu đặc biệt, không giống các kiến trúc chùa, đền, thông thường . Tín nữ cho biết đó là Chánh điện thờ Ðức Cao Ðài, chưa xong . Bên phải, giữa một khu đất trống, cỏ mọc um tùm đã dựng lên một pho tượng có lẽ bằng plâtre ? Một con ngựa kim trắng toát, hai chưn trước đưa lên như sắp phi . Tượng này cũng làm dở dang hình như phải có một người trên lưng ngựa nhưng chưa làm xong . Dọc hai bên đại lộ Hòa Bình có rải rác ba bốn ngôi nhà ngói, kiến trúc thông thường, trước cổng mỗi nhà đều có tấm bảng để chữ :" Hiệp Thiên Ðài, Nữ Phối Sư, v.v…” Tuấn chưa quen với những danh từ hoàn toàn mới lạ này nên không nhớ kỷ . Ði chừng 100 thước thì tín nữ đưa Tuấn vào một ngôi nhà cách đại lộ chừng 20 mét, bề ngoài trông như một biệt thự thấp ( không có lầu ) nhưng rộng rãi, mát mẻ. Kiến trúc và bài trí không có gì đặc sắc . Ngôi nhà ngói trưởng giả khả ái, vuông vức, toạ lạc giữa một khu vườn nhỏ xinh xinh, trồng nhiều cây mãng cầu đã có trái, và năm bảy bụi bông trang, bông ngâu, bông bụt . Bước lên thềm, tín nữ bỏ guốc, đi chưn không vào phòng khách, nơi đây đã có bốn năm ông mặc toàn áo dài trắng của Chức sắc Cao Ðài, đang chuyện trò. Tín nữ lễ phép tiến đến một ông ngồi giữa, cúi mình, hai tay cung kính trao bức thư và nói rất khẽ . Tuấn rảnh rang quan sát hình dung của ông đó, mà Tuấn đoán chừng là chính Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc . Ðộ 40-46 tuổi, người nhỏ, nét mặt gân guốc, nhưng đôi mắt sáng . Tuấn đặc biệt để ý đôi mắt sáng quắc trên khuôn mặt gầy còm ấy . Ông mặc một bộ y phục trắng cũng cài một dọc nút ở giữa, như áo của mấy ông kia, chỉ khác một điểm là ông có một rèo lụa vàng quấn ngang bụng, thả hai tua dài xuống đến nửa ống chân . Vừa xem xong bức thư, ông vội vàng đứng dậy, cười rất tươi ( hơi móm ) bước nhanh ra bắt tay Tuấn: - C’est donc vous, monsieur Trần Tuấn ? Tuấn đáp với một nụ cười lễ phép : - Lui–même, Excellence . Ông cười ha hả, vỗ vai Tuấn tỏ tình sơ giao thân mật, nói sang bằng tiếng An nam ! - Ðược gặp ông bạn đây, hân hạnh lắm . Tôi có đọc tờ báo La Patrie Annnamite, Văn Học Tạp Chí, Phụ Nữ, và phục lối văn của ông lắm . Tôi cũng có theo dõi bài diễn thuyết của ông bữa tối thứ bảy ở hội qúan SAMIPIC . Tôi hoan nghênh lắm. Nắm tay Tuấn, Ðức Hộ Pháp quay sang nói với mấy vị chức sắc : - Ông Trần Tuấn, chủ bút báo Phụ nữ, bạn của đạo hữu Abadie ở Hà Nội, vào viếng thăm Thánh Thất đây . Quay lại giới thiệu với Tuấn : - …Ðây là chư vị chức sắc cao cấp trong Ðạo … Rồi ông giới thiệu riêng cá nhân và chức tước của từng vị . Tuấn lễ phép bắt tay mỗi vị . Ðức Hộ Pháp mời ngồi xong, Tuấn hỏi : - Thưa Ðức Hộ Pháp, tôi có ý định nghiên cứu kỹ càng đạo Cao Ðài, mà ở Hà Nội, Huế, và đa số đồng bào Bắc kỳ và Trung kỳ chưa được hiểu rõ lắm . Ðức Hộ Pháp vui vẻ cắt ngang Tuấn : - Trong thơ của đạo hữu Abadie có nói . Ông bạn cứ ở trong Toà Thánh đây bao lâu cũng được . Ông bạn sẽ có nhiều dịp chứng kiến và tham dự các cuộc lễ, các buổi cầu Cơ giáng Bút, nghe các vị Thánh, Tiên hiện về làm thơ bí và truyền bá giáo lý. Tôi sẽ biểu thầy Hiển, bí thơ của tôi, đưa các tài liệu về bổn Ðạo để ông coi … của đạo hữu Gabriel Gordon ở bên Pháp nữa … Ông chợt nói qua tiếng Pháp : - Vous savez, notre religion a recu un accueil des plus sympathiques à l’ étranger, surtout en Prague. Nous avons même un noyau Caodaiste français à Paris ! Với một nụ cười hãnh diện rất chính đáng, vị giáo chủ Cao Ðài nối tiếp, ( Tuấn thấy đôi mắt của ông sáng rực lên ) : - Bữa trước, bà Henriette Chandet, nữ trợ bút nhựt báo L’ Intransigeant, đi theo ông Tổng Trưởng Thuộc Ðịa Paul Reynaud qua thăm Ðông Dương, chắc ông biết, có tới đây ở 3 ngày và có chứng kiến một cuộc cầu cơ giáng bút . Bà được nói chuyện với Victor Hugo, cho nên bà tin lắm . Câu chuyện đầu tiên của ông Phạm Công Tắc đánh đúng vào thị hiếu của Tuấn. Thâm ý của Tuấn đến Toà Thánh Cao Ðài chính là chờ "cầu cơ giáng bút “ đó . Tuấn muốn chứng kiến một buổi cầu cơ chính thức, thật sự, có đảm bảo, có hàng triệu người tin tưởng . Mấy lời khai mào của ông Hộ Pháp Phạm Công Tắc, là một tia sáng huyền ảo chiếu vào suy tư của Tuấn, với bao nhiêu màu sắc nhiệm mầu . Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc gọi anh bí thư : - Hiển, em đưa ông bạn Trần Tuấn về ở căn nhà Missions Etrangères ( Truyền Giáo Quốc Ngoại ) và lo đầy đủ tiện nghi cho ông,nghe em . - Dạ . - Ông bạn sẽ dùng cơm với tôi . Hay là ông bạn muốn dùng cơm riêng một mình, tùy ý . Mais il prendra le petit déjeuner avec moi . ( Nhưng ông ấy sẽ dùng điểm tâm buổi sáng với tôi ) - Dạ. Quay lại tôi, ông bảo : - Ở đây, ăn chay trường, ông bạn ạ . Ông dùng chay được hôn ? - Dạ, được lắm . Tôi sẽ sống ở đây đúng theo kỷ luật nội bộ của Toà Thánh, như tất cả các tín đồ . Ðức Hộ Pháp tử tế quá … Câu nói xã giao của Tuấn kết thúc vui vẻ buổi gặp gỡ đầu tiên với vị Giáo chủ của “Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ" . Tuấn tạm biệt mọi người và theo anh Hiển đến ở căn nhà rộng rãi, rất mát, của văn phòng" Truyền Giáo Quốc Ngoại “, ngoài cổng có tấm bảng đề" Missions Etrangères" Ngay tối hôn đó, vào khoảng 9 giờ, anh Hiển bí thư của ông Hộ Pháp Phạm Công Tắc, đến biệt thất của" Missions Etrangères" cho Tuấn biết rằng Ðức Hộ Pháp mời Tuấn đến chánh diện dự kiến một buổi lễ long trọng . Hiển, một bạn trẻ rất dễ thương, và thật sốt sắng, lại bảo : - Dạ, có sẵn xe ngựa đón ông trước ngõ . Tuấn vui vẻ bảo : - Anh gọi tôi bằng anh, nghen ! Ðừng gọi bằng “ông" . Tôì cùng lứa tuổi với anh mà ! Hiển cười : - Dạ, …mời …anh ra đi . Tuấn leo lên xe thổ mộ ngồi cạnh Hiển . Hiển tự cầm cương ngựa, có nhã ý cho Tuấn biết : - Chiếc xe này Ðức Hộ Pháp để riêng cho …anh xử dụng để đi xem chỗ này chỗ nọ, trong Toà Thánh và các nơi quanh vùng . Tôi được biệt phái hướng dẫn…anh trong thời gian anh ở Toà Thánh . Tuấn bảo : - Ðức Hộ Pháp thật tử tế quá… À, anh Hiển nhơn tiện, anh có thể cho tôi biết trong buổi lễ đêm nay có " Cơ bút" không ? - Dạ không . Tuấn không muốn để Hiển thấy nét mặt thất vọng của mình, chỉ hỏi tiếp : - Lúc chiều, Ðức Hộ Pháp có cho tôi biết bà Henriette Chandet, đặc phái viên của nhựt báo L Intransigeant ở Paris đi với phái đoàn ông Bộ trưởng Thuộc địa Paul Reynaud qua Ðông dương, có đến viếng Toà Thánh và tham dự một cuộc cầu cơ, nghe nói có thi sĩ Victor Hugo hiện hồn về nói chuyện với bà ấy, có phải không anh ? - Dạ, có bà Chandet do ông Nguyễn Phan Long ở Saigon đưa lên đây . Tuấn ngạc nhiên : - Ủa, Ông Nguyễn Phan Long, Chủ bút báo La Tribune Indochinois đó hả ? - Dạ . - Ổng cũng là tín đồ Ðạo Cao Ðài à ? - Dạ …C’est un fervent Caodaiste. Tuấn không ngờ Hiển cũng xen một câu tiếng Tây vào đó . Câu chuyện dở dang đến đây thì Hiển đã gò cương ngựa, ngừng xe thổ mộ trước một căn nhà đông nghẹt người ta, đèn thắp sáng trưng . Ðây là Thánh Thất tạm thời, vì Chính Ðiện chính thức, tức là chánh điện hiện nay ở Toà Thánh Tây Ninh lúc bấy giờ còn đang xây cất, chưa xong . Nhà thờ tạm này thật là dài, bài trí với nhiều màu sắc, rực rỡ một vẻ đẹp độc đáo, không giống như trong các Chùa hay các nhà thờ Thiên Chúa . Một căn nhà trống, rộng thênh thang không có ghế . Tất cả các tín đồ đều khoanh tay đứng yên, một bên nam, một bên nữ, độ vài trăm người, và số thiện nam tín nữ, thanh niên, nhi đồng, còn đứng ngoài không biết trăm ngàn nào mà kể . Chung quanh thánh thất đông nghẹt tín đồ tụ họp để chờ đại lễ . Tuấn mắc cỡ quá, vì chỉ có mỗi một mình Tuấn đeo cà vạt với bộ đồ tây không hợp thời, lọt vào lẻ loi giữa đám đông người Cao Ðài mặc toàn áo dài trắng, đàn ông cũng như đàn bà . Các vị chức sắc thì mặc lễ phục đủ màu, áo dài xanh, đỏ, vàng, may theo một kiểu đặc biệt, có thắt lưng buộc ngoài và thả tua dài xuống bên hông . Mọi người đều chờ Ðức Hộ Pháp . Ðáng lẽ, theo chỉ thị của ông Hộ Pháp, Hiển phải đưa Tuấn đến biệt thự của ộng để cùng đi với ông đến Thánh Thất một lượt . Nhưng Tuấn không thích thế, và đã yêu cầu Hiển cho Tuấn đến thẳng Thánh Thất để được tự do lẫn lộn trong đám đông tín đồ, để nghe ngóng chuyện trò và quan sát cho thỏa thích . Hiển đánh xe trở lại Giáo Tông Ðường để tin cho Ðức Hộ Pháp rõ . Không đầy 15 phút sau, Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc đến nơi . Toàn thể tín đồ đều cung kính khoanh tay cúi đầu né ra hai bên, trong lúc Ðức Hộ Pháp tiến vào Chánh Ðiện . Tuấn để ý ông mặc lễ phục không giống như buổi sáng, lúc tiếp Tuấn. Bây giờ ông đội một chiếc mũ cánh sen na ná như mũ của một vị Hoà thượng, và y phục thì gần giống như pho tương Hộ Pháp ở Chùa, trông dữ tợn và không thích hợp với nét mặt hiền lành của ông . Tuấn ngơ ngác nhìn ông trong lễ phục kỳ dị ấy, với cảm tưởng mình đang lạc vào một thế giớ huyền bí mơ hồ, nửa thiệt nửa hư … Tận trong tít cùng gian nhà thờ rộng mênh mông huyền ảo và ngự trên cao vót, Một Con Mắt mở lớn, vẽ giữa một khối hình cầu vĩ đại như một chiếc lồng đèn bự ít nhất cũng năm thước đường kính . Phải chăng Con Mắt Thần, tượng trưng đấng Cao Ðài, vị Thiêng Liêng Tối Cao bao trùm cả vũ trụ, dòm ngó cả vũ trụ và …ta bà thế giới ? Ngay dưới hình cầu ( hình như rỗng ruột và đan bằng tre, phất bằng giấy trắng ), có ba bàn thờ kê sát nhau nhưng cao thấp ba bực. Trên bàn cao nhất có để tượng Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ðức Khổng Tử Phu Tử, và Ðức Lão Tử, ông này cầm cậy phất trần nơi tay, có chòm râu bạc dễ thương vô cùng. Bàn thứ hai thấp hơn, có tượng Ðức Chúa Jésus Christ, và các tượng khác mà Tuấn không nhận ra, và cũng chưa dám hỏi ai. Bàn thứ ba, thấp hơn cả, là nơi đặt các đồ thờ : lư trầm bình nhang, bốn cây đèn nến đỏ, hai lọ cắm hoa sen và hoa huệ. Trật tự sắp xếp hàng lối của các vị Chức-sắc nam nữ tuỳ theo sắc phục. Nghi thức hành lễ vô cùng huyền ảo đối với cặp mắt tò mò và không hết kinh ngạc của chàng trai phiêu lãng, lần đầu tiên rơi vào một Thiên Ðàng tuởng tượng như của Dante, nơi đây quy tụ đông đủ các Phật, Thánh, Tiên, các Chúa và các Bồ Tát Ðông phương, Tây phương, dưới con Mắt Ðộc Nhãn mở to của Thượng Ðế. Thất là một cảnh tượng vượt quá những gì Tuấn đã học hỏi từ trước đến nay qua các sử sách. Một thế giới hoàn toàn mới lạ, có lẽ mới lạ cả đối với những vị Thần Thánh trên kia. Các vị đã chết trong những thời buổi cách biệt taị những địa điểm khác xa, và bây giờ cùng nhau nhất loạt phục sinh lại trong một góc rừng âm u huyền bí của Việt Nam. Chìa khoá của Huyền Bí có lẽ là nơi con Mắt. Con Mắt của Ðại Lực, Ðại Bi, Ðại Trí của Tối Thượng, Tối Cường, Con Mắt Ðộc Nhãn trên Quả Cầu, xuất hiện ra giữa một đám mây, như con Mắt tuyệt đỉnh của Lương Tri vũ trụ. Buổi lễ chấm dứt bằng một bài hát đồng thanh của một đoàn thiếu nhi mặc đồng phục, và nhịp theo tiếng gõ đều đều của hai miếng gỗ mà mỗi thiếu nhi cầm trong tay. Tuấn nghe qua nhớ được mấy câu đầu : Ðạo gốc bởi lòng thành tín hiệp Lòng nương nhang khói tiếp truyền xa Mười phương lư ngọc bay xa Tính thành cầu nguyện tiên gia chứng lòng Xin Thần Thánh rủi dong cởi hạc Xuống phàm trần vội gác xe tiên Ngày nay đệ tử chúng nguyền Chín từng trời đất xin truyền chiếu tri. Lễ cử hành lâu hơn một tiếng đồng hồ, rất nghiêm chỉnh có trật tự hoàn toàn trong không khí vô cùng oai nghi tôn kính. Tuấn khẽ hỏi Hiển : - Ðêm nào có Cầu cơ giáng bút ? - Tôi mới nghe nói có lẽ đêm nay, một chút nữa … Nhưng đây là cuộc cầu cơ riêng của một tang quyến được Ðức Hộ Pháp cho phép, chứ không phải cơ bút chính thức do Toà Thánh tổ chức. - Cầu cơ riêng là sao ? - Một chị đó, cha chết mấy năm nay, muốn cầu cơ gọi hồn Cha về để hỏi thăm. Hiển chỉ cho Tuấn thấy rõ dụng cụ cơ bút, mà Hiển gọi bằng tiếng Tây là Corbeille-à-bec. Khác hẳn cái “ cơ” mà Tuấn đã thấy thông dụng ở Hà Nội, đây là một dụng cụ độc đáo do các vị tiền phong Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ ( Cao Ðài ) đã chế tạo từ lúc ban đầu. Nó giống như một ống giác hơi lớn ( ventouse ), úp xuống, đan bằng tre và bồi giấy kín mít chung quanh, rỗng ruột. Nơi miệng ống, có cột chặt một cây dài theo chiều ngang. Giữa cây, ngay nơi trung tâm của miệng ống có đóng theo chiều dọc một cái que ngắn và nhọn, giống như cái đanh 5 phân bằng gỗ hay bằng tre, mà người Cao Ðài gọi bằng tiếng Pháp là cái bec. Mỗi khi cầu cơ ( trong Nam gọi là Cơ Bút ), phải có hai người ngồi đồng, Cao Ðài gọi là Médiums (đồng tử ), ngồi đối diện hai bên cây cơ, mỗi người nắm một đầu. Người ta đặt giữa hai người ngồi đồng và ngay dưới cái cơ, một mâm rộng lớn, đựng một lớp cát trắng, thật nhuyễn. Mỗi khi Hồn Ma hiện về ( ma đây là nói chung tất cả những kẻ khuất mặt, khuất mày, kể cả Tiên, Thánh, v.v…) nhập một lượt vào hai người ngôì đồng, thì tay họ bắt đầu chuyễn động cùng một lúc, và truyền từ thông lực ( Fluide magnétique ) của họ vào Cơ, chiếc cơ rung động và cái mỏ kim viết chữ trên mâm cát, theo chiều của hai bàn tay Médiums hướng dẫn. Ðấy, tất cả hệ thống cơ bút huyền bí của Ðạo Cao Ðài. Theo lời Hiển nói với Tuấn thì cơ bút có thể viết chữ Việt, chữ Pháp, chữ Hán tuỳ theo trình độ ngữ học của Hồn Ma nhập về. Muốn chứng tỏ sự thật không lừa bịp, không gian dối của cơ bút, theo lời Hiển nói, người ta chọn Médiums trong số những người ít học, miễn biết viết là được. Những lời giáo huấn của đấng Cao Ðài truyền dạy cho các đệ tử, ý nghĩa thâm cao, hoặc những bài thơ bằng Quốc ngữ, Pháp ngữ, Hoa ngữ, do các Hồn Ma nhập về viết trên mâm cát, qua từ lực ( fluide magnétique ) của hai bàn tay mediums, đều không thể nào do chính hai người ít học này âm mưu đặt ra được. Hiển có cho Tuấn xem một quyển tài liệu, đã in thành sách gồm nhiều bài thơ Quốc ngữ bằng thể song thất lục bát của Hương hồn bà Ðoàn thị Ðiểm, nhiều bài thơ Alexandrius của Vong linh Thi hào Pháp Victor Hugo tuyên truyền giáo lý Cao Ðài, và mấy bài thơ Ðường của Lý Thái Bạch cũng cùng một tác dụng phổ biến tinh thần của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ. Có điều Tuấn rất thắc mắc, là thơ Việt của Ðoàn thị Ðiểm, thơ Pháp của Victor Hugo, cũng như thơ Ðường của Lý Thái Bạch, được truyền bá bằng cơ bút ở Toà Thánh Cao Ðài, thật kém gía trị thua xa lắc xa lơ các Thi phẩm của ba bậc Thi Bá đó lúc họ còn lê la kiếp sống đầy nghiệp chướng trên trần gian ô trọc. Ðâu còn giọng thiệt não ruột của Chinh Phụ Ngâm, hùng dũng của La Légende des Siècles, đau đớn hận sầu của Villequier, và buồn man mác của Tống Biệt. Tuấn có thành thật trình bày cảm tưởng ấy với ông Hộ Pháp Phạm Công Tắc, thì ông cười bảo : - Dẫu sao, mon cher, người phàm trần như lũ mình đâu có làm nổi những bài thơ cơ bút như vậy. Tuấn ao ước được chứng kiến gần gũi và tường tận một cuộc cầu cơ, hay là " giáng bút" , " cơ bút" theo lối thông thường ở Thánh Thất Cao Ðài . Nhưng đêm đầu tiên không được tham dự, Tuấn không đưọc thỏa mãn vì tín đồ ngồi xem chung quanh đông quá, kín mít cả mấy vòng, Tuấn không muốn làm rộn nên đứng ngoài không nghe thấy gì được nhiều . Mấy người thuật lại rằng chị quả phụ cầu cơ gọi hồn chồng về, vong linh người chồng " giáng cơ bút" hỏi han chuyện gia đình và cho chị rõ anh được tiêu thăng về Tây phương cực lạc thế giới của Phật A Di Ðà . Thế là bao nhiêu thắc mắc về bí ẩn cầu cơ, Tuấn mang từ Hà Nội vào vẫn chưa được giải quyết rành rẽ. Trái lái, câu chuyện giáng bút trên đây chỉ chồng chất thêm thắc mắc của Tuấn . Tuấn nhất định sẽ thừa một cơ hội thuận tiện để yêu cầu Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc tổ chức một cuộc cầu cơ thân mật và hạn chế với sự tham dự của một số ít, độ 5, 7 người trí thức trong Toà Thánh mà thôi . Có như vậy, cuộc giáng cơ bút mới có giá trị chân chính, và được sự bảo đảm của Ðức Hộ Pháp và các chức sắc cap cấp đáng tin cậy của Toà Thánh . Tìm hiểu đạo Cao Ðài, chính là tìm hiểu bí ẩn của Cầu Cơ, vì đạo Cao Ðài đã tự đặt ra cái chiêu bài bằng Pháp ngữ là " Bouddhisme rénové, spiritisme annamite, Religion nouvelle en Eurasie " Nghĩa là : “ Phật giáo canh tân, thông linh học An nam, Tôn giáo mới ở Âu – Á " . Không ai chối cãi rằng Chiêu Hồn, hay là Cầu Cơ Giáng Bút, hay là Thông linh học, là yếu tố chính của đạo Cao Ðài . Vả lại, đạo Cao Ðài phát nguyên từ Cơ Bút, Ðức Cao Ðài do Cơ bút mà lập Ðạo . Vì Cơ bút linh nghiệm, nên đạo Cao Ðài mới phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng đến đổi trong vòng 10 năm, từ 1927 là lúc Khai Ðạo cho đến 1937, lúc Tuấn viếng Toà Thánh Tây Ninh, toàn thể Nam kỳ đã có gần một triệu tín đồ, ở Trung, Bắc kỳ có gần 7000 . Riêng ở Hà Nội có gần 4000 . Ở Nam Vang, Cao Miên có 40.000 tín đồ, Miên và Hoa kiều . Tuấn có hỏi đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc về ý nghĩa chữ "Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ " và " 3è Annistie de Dieu en Orient" được ông giảng giải như sau : - Thượng Ðế giáng trần để phổ độ nhân loại kỳ thứ 1 do sự hiện thân của đức Phật Cồ Ðàm ( Gautama ), tức là Ðức Thích Ca Mâu Ni, kỳ thứ hai do sự giáng thế của đức Jésus Christ. Lần này là kỳ thứ ba ( tam kỳ ) do Ðấng Thầy Linh thiêng của chúng ta ( notre Maitre Divin ), tức là Ðức Cao Ðài . Cả ba kỳ đều xảy ra ở Ðông Dương . Nhưng đức Cao Ðài không hiện thân như hai kỳ trước, mà ngài lập Ðại Ðạo do sự truyền cầm của Cơ bút . Tuấn hỏi đức Hộ Pháp : - Kêu là Ðại Ðạo, bởi vì Ðạo Cao Ðài bao gồm cả tam giáo : Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, chia làm Ngũ chi đạo đạo ( 5 ngành ) . 1. Nhơn đạo : đạo Khổng Tử 2. Thần đạo : Quan Thánh Ðế Quân 3. Thánh đạo : Ðạo Thiên Chúa ( Cơ Ðốc ) 4. Tiên đạo : đạo Lão Tử 5. Phật đạo : đạo Thích Ca Theo lời đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, thì hôm 13-1-1927 trước sự chứng kiến của một số nhà chức trách Pháp Tiên, ông Lý Thái Bạch, nhà thi hào đời Ðường, có tuân lịnh đấng Cao Ðài giáng bút về truyền nguyên tắc Ngũ chỉ Ðại Ðạo như trên . - Thưa ý nghĩa của Con Mắt vẽ trên quả cầu là sao ? - Ðó là Thiên Lương . L Oeil Divin . Con Mắt tượng trưng lương tâm con người và lương năng vũ trụ . Quả cầu là tượng trưng vũ trụ . Trong buổi lễ đầu tiên, Tuấn chú ý đến một vài chi tiết sau đây của nghi lễ Cao Ðài : Tín đồ cũng đọc như bên Phật giáo : “ Nam mô Phật . Nam mô Pháp . Nam mô Tăng ." rồi tiếp theo : “ Nam mô Cao Ðài Tiên Ông Ðại Bồ Tát Ma-ha-tát Nam mô Quan Thế Âm bồ tát ma-ha-tát Nam mô Lý Thái Bạch tiên trưởng . Nam mô Hiệp thiên Ðại đế Quan Thánh đế quân . Nam mô chư Phật chư Tiên, chư Thánh, chư Thần ! " Hỏi về ý nghĩa ba mầu áo khác nhau của các vị chức sắc Cao Ðài, Ðức Hộ Pháp trả lời cho Tuấn : - Màu vàng : tượng trưng cho Phật - Màu đỏ : đạo Khổng - Màu xanh : đạo Lão . Những chức sắc thuộc về ngành đạo Phật đều có tên đệm chữ Thái, và mặc áo màu vàng tượng trưng Ðạo đức . Những chức sắc thuộc về ngành đạo Khổng đều có tên đệm chữ Ngọc, và mặc áo màu đỏ, tượng trưng Uy quyền . Những chức sắc thuộc về ngành đạo Lão, đều có tên đệm chữ Thường và mặc áo màu xanh da trời, tượng trưng Thanh cao, Hoà bình . Trên các vị chức sắc có Ðức Hộ Pháp, là chủ tọa Hiệp thiên đài, đức Giáo tông, là chủ tọa Cửu trùng đài . Ðức Hộ Pháp có đeo một huy hiệu trên mão, gồm ba vật tượng trưng linh bát ( Phật ), bộ Kinh Xuân Thu ( Khổng ), Phất Trần ( Lão ) . Anh Hiển, thư ký Toà thánh, đưa Tuấn đến bàn thờ chỉ cho Tuấn những chi tiết sau đây : - Theo Bạch Ngọc Kinh ( Niết Bàn ), Ngôi Cao Ðài ở hướng Bắc, mặt trời mọc bên trái, mặt trời lặn bên phải . Cho nên, trên bàn thờ, con Mắt ( Thiên lương ) luôn luôn ở hướng Bắc, bên trái là Dương, bên phải là Âm . Giữa bàn thờ, đặt cả đèn con, thắp luôn ngày đêm gọi là Thái Cực Ðăng, tượng trưng Ánh Sáng của Thượng Ðế soi khắp vũ trụ . Ðến giờ niệm kinh thắp hai đèn cầy lớn, đèn bên trái tiêu biểu mặt trời ( dương ) phải thắp trước . Ðèn bên phải tiêu biểu mặt trăng (âm ) thắp sau . Hai ngọn đèn cầy gọi là Lưỡng nghi quang . Mỗi lần cúng và niệm Kinh, phải đốt năm nén hương tiêu biểu : Giải hương, Ðinh hương, Huệ hương, Tri kiến hương, Giải thoát hương . Một tách nước lạnh, tiêu biểu dương thuỷ, phải đặt bên phải . Hai tách nước trà trộn vào nhau thành nước âm dương, để làm phép cho tín đồ, hoặc chữa bệnh cho những bệnh nhân cầu nguyện Ðấng Thiêng Liêng . Bình bông ( dương ) đặt bên trái Linh Nhãn, Cổ quả ( trái cây : âm, đặt bên phải ) . Bông cúng rồi để khô, nấu thành nước trị bệnh rất có linh nghiệm nếu bệnh nhân tin tưởng vào sức mầu nhiệm của Thượng Ðế . Cũng theo lời anh Hiển, bài Thánh ca dâng lên Ðấng Cao Ðài, là do các vị cố tăng ở Hàn Sơn Tự trong thành Cô Tô Trung Quốc, cách đây 1200 năm về giáng cơ bút đọc cho . Bên trái bàn thờ Ðức Cao Ðài, có đặt bàn thờ Ðức Quan Âm Bồ Tát, là bên dành riêng cho tín đồ nữ phái trong lúc làm lễ . Bên phải là bàn thờ Quan Thánh Ðế Quân, dành riêng cho tín đồ nam phái . Ðức Hộ Pháp Phạm Công Tắc có tặng cho Tuấn một tấm ảnh chụp đồ nghi lễ chánh thức giống hệt tượng Hộ Pháp thờ trong các chùa . Nhưng ngày thường, Ông Hộ Pháp Phạm Công Tắc mặc bộ đồ giản dị hơn nhiều, và tân tiến hơn . Tuấn không được hoàn toàn thỏa mãn trong ước vọng được chứng kiến tận mắt một buổi Cơ bút chính thức tại Toà Thánh Cao Ðài . Nhưng Tuấn xác nhận một sự kiện thực tế là một phong trào tôn giáo mới phát động đã được hằng triệu người hưởng ứng, tất nhiên là phải có một vài đặc điểm nào đó kích thích lòng người, hoặc thích hợp với tâm tư, ý niệm của một khối quần chúng vĩ đại như thế . Dù chúng ta có tin hay không tin, có chấp nhận hay hoài nghi lý thuyết của tín ngưởng mới ấy, sự xuất hiện và bành trướng ào ạt của Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ ở Tây Ninh cũng là một biến cố quan trọng, có ý nghĩa trong Lịch sử dân tộc, bắt nguồn từ miền Nam . Song song với các cuộc tranh đấu hoặc công khai, bán công khai, hoặc ngấm ngầm của các đảng phái chính trị chống thực dân đế quốc Pháp, đạo Cao Ðài tuy được sơn phết dưới một lớp màu sắc tôn giáo, vẫn được các giới trí thức thượng lưu và trung lưu coi như che dấu một khuynh hướng cách mạng lẫn với huyền bí, có tính chất đặc biệt Á đông. Tuấn cảm thấy vô cùng thích thú, một hôm sau bữa cơm chay chiều với ông Phạm Công Tắc, trong lúc dùng trái cây tráng miệng, Tuấn gợi chuyện quốc sự, được ông Hộ Pháp, lãnh tụ Cao Ðài tin cậy nói nhỏ cho Tuấn nghe : - Từ ngày ông Phan Chu Trinh từ nước Pháp về diễn thuyết ở Saigon, và ông Phan Bội Châu ở Tàu về cư ngụ tại Huế, quốc dân An nam đặt nhiều tin tưởng nơi các bậc chí sĩ làm cách mạng ở hải ngoại . Hiện giờ, còn Ðức Kỳ ngoại hầu Cường Ðể, rể của vua Nhựt bổn, và chính là cháu ba đời dòng dõi vua Gia Long, đang ở Tokyo. Ngài là tất cả hy vọng phục quốc của quốc dân ta bây giờ . Ðối với Tuấn, câu nói của ông Phạm Công Tắc chẳng phải là một tiết lộ đặc biệt gì cho lắm, nhưng là một xác nhận đầy ý nghĩa về một vài dư luận mà Tuấn đã nghe được của giới cách mạng Hà Nội . Sự xác nhận không ngờ ấy khiến Tuấn có rất nhiều cảm tình với đạo Cao Ðài trên bình diện cách mạng hơn là tôn giáo . Tuấn quan niệm rằng một vài chống đối xao động giữa các môn phái Cao Ðài Tây Ninh, Bến Tre, Cầu Kho, giữa các ông Phạm Công Tắc, Nguyễn Ngọc Tường, Nguyễn Phan Long, v.v…chỉ là những tranh chấp nội bộ không có ảnh hưởng đến hệ thống trung ương . Về Hà Nội, với một mớ tài liệu đầy đủ và tranh ảnh sặc sỡ màu sắc của Toà Thánh Tây Ninh, Tuấn viết trong một tuần báo Pháp ngữ và Quốc ngữ một loạt bài đề là : "Le vrai visage du Caodaisme”, Tuấn trình bày cho công chúng nhất là ở Bắc kỳ và Trung kỳ biết rõ tất cả những gì Tuấn đã mục kích và tìm hiểu về giáo lý và nghi lễ của tôn giáo mới . Nhiều đoạn bài này đã được trích đăng trong quyển “ Histoire de Caodaisme “ của Gabriel Gordon, một nhà triết học Pháp theo đạo Cao Ðài và đại diện Cao Ðài giáo ở Âu châu . ( Histoire de Caodaisme, Bouddhisme rénové, spiritisme annamite, religion nouvelle en Eurasie, par Gabriel Gordon, Juin 1948. Ed. Devry, 20 rue de la Trémoille. Paris.) Dĩ nhiên, Tuấn chỉ nói đến trạng thái tôn giáo mà thôi, không tiết lộ khuynh hướng chính trị . Trong quyển ấy, trang 126,127,128, Gabriel Gordon có kết luận về bài của Tuấn : (dịch) : “ Hàng ngàn vạn tín đồ Cao Ðài đâu phải toàn là những kẻ mê tín dị đoan, một số rất đông những người theo đạo mới ở Nam kỳ, ở Pháp, là những nhà trí thức uyên bác, những giáo sư, luật sư, văn sĩ, ký giả, dân biểu quốc hội . Không phải là không có lý do chính đáng mà đạo Cao Ðài đã khiến cho cả thế giớ đã bàn tán xôn xao về đạo ấy, mà nhiều tạp chí nổi danh ở Paris, London, Lisbone, Varsovie, cả ở Roma và Buenes-Ayres, hai kinh đô của Thiên Chúa giáo ở Âu châu và Nam Mỹ, đã khởi sự nghiên cứu về tín điều và giáo lý Cao Ðài . “ Tiên giả thiên điều tra này đã được đặc ân lục lọi trong văn khố của Toà Thánh Tây Ninh, và đã được đọc những bức thư những tài liệu quý báu, những đơn xin quy y gửi đến đức Hộ Pháp do những nhân vật ngoại quốc ở nhiều thủ đô Âu châu và Mỹ châu . Cho đến cả nước Nhật Bổn, là một xứ rất hãnh diện về Võ sĩ đạo, cũng đã gửi đến Toà Thánh Tây Ninh một phái đoàn học giả để nghiên cứu và tìm hiểu xem Cao Ðài là đạo giáo mới lạ như thế nào mà đã làm xôn xao dư luận quốc tế …” Tuấn về Hà Nội, vội vàng tìm đến ông Lục sự Abadie tại văn phòng của ông ở toà án, để biết Toà đã xử tội viết báo của Tuấn như thế nào . Trông thấy Tuấn, ông Abadie vui cười, khẽ bảo : - Toà xử vắng mặt anh : 6 tháng tù và 3000 quan tiền phạt . Bây giờ anh ký giấy chống án qua toà Phá án Paris . Tuấn không hiểu gì cả, hỏi ông Lục sự : - Tại sao vậy ? Tôi có quyền chống án sang Paris sao ? - Ðây là một phương pháp để kéo dài vụ này, chứ sớm muộn gì rồi anh cũng sẽ bị án . Nhưng tòa Phá án Paris sẽ bác bản án của toà Hà Nội vì khuyết điểm hình thức ( vice de forme) . Còn lâu lắm toà Phá án Paris mới gửi trả hồ sơ về đây . Từ nay tới đó, anh còn rộng thời giờ bay nhảy … Nói xong ông Abadie đưa ra sổ sách và giấy tờ gì đó, bảo Tuấn ký tên . Tin cậy hoàn toàn nơi ông Abadie, ( chỉ vì cảm tình riêng của ông đối với Tuấn), không cần tìm hiểu thêm . Tuấn cầm bút ký đại, và cảm ơn ông Lục sư . Tuấn trao cho ông bức thư của ông Hộ Pháp Phạm Công Tắc nhờ Tuấn chuyển lại . Ông tín đồ Cao Ðài Pháp vui mừng xem thư của ông “ pape “ (đức Giáo Hoàng), danh từ này của người Pháp thời bấy giờ tặng cho vị lãnh tụ Cao Ðài giáo ( Le Pape Caodaiste) . Rồi ông cho Tuấn biết tuần tới ông sẽ diễn thuyết về đạo Cao Ðài tại rạp chớp bóng Majestic, đại lộ Ðồng Khánh . Ông trao cho Tuấn một thiệp mời, 5 giờ chiều thứ Bảy . Tuấn có đi dự buổi diễn thuyết . Majestic là một rạp chớp bóng mới mở, lớn nhất và sang nhất ở Hà Nội lúc bấy giờ .Phòng thật rộng có thể chứa được một nghìn khán giả . Một số dự thính khá đông Tây và Ðầm ngồi chật hết các dãy ghế đầu . Chỉ có vài người “ An nam “ nào đó, thuộc về hạng quan lại, ngồi với họ . Còn tất cả “ An-nam-mít “ trí thức lẫn học sinh, sinh viên, đều ngồi các dãy ghế sau . Lúc bấy giờ chưa có máy vi âm ( microphone ) . Ông Abadie phải nói lớn, ông cố nói thật to nhưng vẫn khó nghe cho những người “An nam “ ngồi xa . Bắt đầu ông Cao Ðài Abadie thuyết trình về lịch sử và giáo lý đạo Cao Ðài dài hết nửa tiếng đồng hồ . Xong ông giới thiệu với thính giả một người Pháp, bạn đồng đạo của ông, tên là De Lagarde Chủ sự nha Bưu Ðiện Vientiane, Lào, hôm ấy có mặt ở Hà Nôị . Ông Abadie, kể chuyện về ông De Lagarde, như sau đây : "Ông De Lagarde trước kia không theo đạo nào hết . Ông là một người “ tin tưởng tự do “ un libre penseur. Ông làm chủ sự sở Bưu Ðiện ở thủ đô xứ Lào đã mấy năm, và có vợ người Nam kỳ quê ở Cần Thơ . Một hôm chủ nhật, ông đi săn bắn trong rừng sâu, bị một bầy voi rừng đuổi, ông liệu bề không bắn được và không dám chống cự, bèn ù té chạy . Vì kinh hoảng, và sớn sác sao đó, ông bị vấp ngã vào một bụi gai cào chảy máu mặt mày . Do tai nạn bất thần đó, ông De Lagarde bị thương nặng nơi hai con mắt . Về Vientiane, mấy vị bác sĩ chữa không khỏi . Ông bị đui luôn . Người vợ Nam kỳ của ông, đưa ông đi các nhà thương lớn ở Hà Nội và Saigon, được các bác sĩ danh tiếng săn sóc, nhưng bệnh không lành . Ông tốn hết biết bao nhiêu tiền bạc nhưng đành chịu tật mù . Ông lại phải nghĩ việc, chức vị của ông bị một người khác thay thế . Bỗng dưng một hôm nghe lời mấy người bạn đàn bà khuyên bảo, bà vợ Nam kỳ của ông De Lagarde đưa ông đi Tây Ninh đến Toà Thánh Cao Ðài . Người ta đồn rằng nơi đây, nếu bệnh nhân thành tâm cầu cơ, sẽ có Tiên giáng bút về cho thuốc chữa bệnh gì cũng lành . Trong lúc tuyệt vọng về y khoa tây phương, Ông Tây De Lagarde đành nghe theo lời người vợ An nam và thành tâm nguyện rằng nếu có vị Tiên hay vị Thánh nào giáng cơ bút chữa khỏi bệnh của ông, ông sẽ theo đạo Cao Ðài liền, và sẽ hy sinh suốt đời ông cho Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ . Buổi cầu cơ được tổ chức tại Toà Thánh Tây Ninh, một đêm rằm . Vợ chồng ông De Lagarde đều thành tâm cầu nguyện và chính ông cũng theo đúng các nghi lễ cúng dường các Phật Thánh Tiên của Cao Ðài giáo . Ông phải ăn chay, giữ gìn thân thể và tâm hồn trong sạch suốt ba ngày đêm trước buổi cầu cơ . Thể rồi trong không khí trang nghiêm tỉnh mịch của đêm khuya trước điện Huyền Linh, ông De Lagarde ngồi vào dàn cơ, không nói tên tuổi, nhưng giáng bút cho ông một bài thơ bằng tiếng Việt trong đó chỉ bảo ông lấy một ít tro nhang hoà vào ly nước lạnh đang cúng trên Ðiện Thờ mà xoa vào đôi mắt . Xoa như thế thường xuyên ba ngày đêm, sẽ thấy lại ánh sáng . Ông Tây De Lagarde làm đúng như lời Tiên dặn . Ngày thứ nhất, ngày thứ hai, ngày thứ ba . Sáng ngày thứ tư, bà vợ Nam kỳ xoa cho ông giọt nước mầu nhiệm cuối cùng còn ở đáy ly . Bỗng tự nhiên cặp mắt của ông Tây dần dần hé mở …lim dim như người mới ngủ dậy …rồi mở hẳn . Ông De Lagarde mừng quýnh, đang nằm trên giường, liền ngồi vùng dậy reo cười lớn lên : - Tôi đã tìm lại được nhãn quan của tôi rồi ! Tôi đã thấy lại được rồi ! Và thật thế, ông De Lagarde đã hết đui . Và ông đã trở thành một tín đồ Cao Ðài nhiệt thành nhất trong đám một triệu tín đồ của Tôn Giáo mới . Ông Abadie nói xong đến đây rồi nói tiếp : Thưa quý Bà, quý Ông, tôi xin mời ông De Lagarde lên đây để xác nhận câu chuyện tôi vừa kể . Ông mỉm cười đưa bàn tay ngoắc một người trong đám cử tọa Pháp . Người này vui vẻ và hãnh diện, từ giã ghế ngồi tiên lên diễn đàn . Cả phòng đều im lặng, đăm đăm nhìn ông De Lagarde không cao lắm, mảnh khảnh, đôi mắt sáng, nhã nhặn chào khán giả với một nụ cười : -Thưa quý Bà, quý Ông, tôi là De Lagarde, chủ sự của Bưu Ðiện Vientiane, tôi xin xác nhận câu chuyện của bạn tôi, ông Abadie, vừa nói là hoàn toàn đúng dự thật … Cả phòng vỗ tay hoan hô ông . Ông nói tiếp : - Vả lại trong đám cử tọa sang trọng này, có nhiều bạn thân của tôi, nhất là trong ngành Bưu Ðiện Ðông dương, đã biết tai nạn xẩy ra cho tôi trước đây 3 năm, và đã làm cho tôi phải nghỉ việt vì đôi mắt bị mù hoàn toàn . Bây giờ tôi được trở lại làm việc trong ngành Bưu Ðiện vì cặp mắt tôi hết mù nhờ ơn của vị Tiên Cao đài đã cứu chữa bằng một ít tro nhang hoa với nước thánh . Tiếng vỗ tay lại nổi dậy vang cả phòng Majestic, và cuộc diễn thuyết chấm dứt . Tây Ðầm bu lại hỏi han ông De Lagarde, nhất là các mụ đầm có vẻ tin tưởng hơn ai hết thảy . Sau đó, Tuấn thường gặp ông De Lagarde tại Thánh thất Cao đài Hà Nội, một căn nhà ngói ở một đường phố khu Chợ Hôm (gần Route de Hue) . Ông Abadie cũng thường đến đây hành lễ . Chỉ hai ông đó là tín đồ Pháp của đạo Cao Ðài mới bành trướng ở thủ đô Bắc kỳ không lâu . Về trường hợp De Lagarde, Tuấn cho rằng đó là một hiện tượng đặc biệt hy hữu . Cũng như chính Tuấn đã chứng kiến những cuộc Cầu cơ nghiêm trang trong đó có một vị Tiên Ông xưng danh là Hư Không, hay Huyền Mặc Ðạo Nhân giáng cơ bút làm những bài thơ Ðường luật rất hay và ý nghĩa thâm trầm thanh thoát . Những chuyện Tiên Thánh, Phật, thỉnh thoảng xuất hiện trong cơ, bút báo trước một biến cố thời sự quan trọng, hoặc cho thuốc chữa bệnh, đều không phải là hoàn toàn bịa đặt . Nhưng trí óc phàm tục của chúng ta không thể nào giảng dạy được .