Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Tuấn, chàng trai đất Việt

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 64683 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tuấn, chàng trai đất Việt
Nguyễn Vỹ

Chương 4

Thì giờ thoáng qua rất nhanh chóng. Nhất là trong giai đoạn giao thời, bao nhiêu cái văn minh do "Nhà Nước Đại Pháp" mang sang truyền bá trong xã hội Việt Nam đang dần dần thay đổi mới, mọi sự biến chuyển xẩy ra rất mau lẹ, và đa số dân chúng mặc nhiên "công nhận" và hùa theo tán thưởng. Trừ ra một số Nhân sĩ Cựu học, có đầu óc ái quốc nồng nhiệt, gọi là Văn Thân, ngấm ngầm phản đối, và tuyên truyền chống Pháp về phương diện chính trị, còn thì đa số dân chúng gần như thụ động "sợ Tây" và dần dần làm quen với tình trạng mới, ưa chuộng những thay đổi mới của "ông Tây".
Nhất là giới thanh niên. Một lẽ dễ hiểu, là lớp người trai trẻ vừa mới lớn lên chưa kịp thâm nhiễm cựu học đã tiếp xúc ngay với hoàn cảnh mới và sự hiện diện chính thức của người Pháp, đại diện "Nhà Nước Bảo Hộ".
Cho nên các lớp thanh niên Việt Nam từ 1910 đến 1925 đều hùa theo phong trào "bỏ chữ Hán, học chữ Tây" để theo đòi nếp sống "văn minh tiến bộ" do người Pháp tạo ra.
Cho đến một số các ông Tú, ông Cử nhà Nho "cựu học" cũng bắt đầu nhảy qua "tân học", và "Nhà Nước Bảo Hộ" mở rộng cửa trường Quốc học Huế, trường Hậu Bổ (Collège des Interprètes) Saigon, Hà Nội, để tiếp đón niềm nở các nhà Nho học trẻ tuổi ấy, cùng với các thanh niên Tây học, khởi điểm của giới "trí thức thượng lưu" sau này.
Ở các tỉnh, trừ một số rất ít thanh niên được ưu đãi, con các quan, thi đỗ bằng "ri me" rồi được ra Huế học trường Quốc Học, còn hầu hết được bổ dụng ra làm việc ngay ở các sở, làm "thầy Thông, thầy Ký".
Lê văn Thanh, chàng thanh niên của chúng ta, con nhà bình dân, ở vào lớp này. Sau khi thi đỗ bằng "Sơ Học Pháp Việt", bằng "Ri me", và được quan Công Sứ cho vào làm Thầy Ký ở Toà Sứ, lương tháng 10 đồng, chàng đã nghiễm nhiên được một địa vị sang trọng ở tỉnh nhà. Thân sinh của chàng là ông Xã Quý, bây giờ được lên chức "Hương Cả" liền giết hai con bò và năm con heo để làm tiệc ăn mừng.
Tiệc khao này kéo dài suốt ba ngày đêm, toàn thể dân phố ở Cửa Bắc và Cửa Tây, tức là dân làng sở tại ở tỉnh lỵ đều nô nức vui mừng, và khen ngợi nhà "ông Hương cả có phước". Bây giờ không ai dám gọi cậu Bốn Thanh nữa, mà cung kính cúi đầu, xá: "Thầy Ký Thanh".
Hôm đầu cuộc lễ ăn mừng, ông Hương Cả làm lễ "Tế Thần", có các hương chức trong làng tham dự, tức là lễ tạ Ơn vị Thành Hoàng ở đình làng. Trong đình, có trống lớn, trống nhỏ, chiêng, phèn la, có nhạc bát âm, ngoài sân có cờ, có lọng, có dân chúng, đàn ông, đàn bà, con trai, con gái, bà già, con nít, tụ hợp đông đủ để coi.
Thầy Ký Thanh bây giờ không còn mang đôi guốc cùn như hồi đi học nữa. Thầy được mang đôi "giầy Hạ", thứ giầy bằng da đen bóng, chỉ có các quan và các thầy Thông thầy Ký, thầy giáo, mới được mang mà thôi. Giầy này do người Bắc làm ở Bắc, đem vào bán tại các tỉnh. Lúc bấy giờ, giầy tây chưa có ai mang.
Tính ra, từ hồi cậu Bốn Thanh còn để cái búi tóc trên đầu, trông thấy ông Tây bà Đầm đã vội chạy trốn, hoặc giả vờ đứng câu cá ở đường mương, ngoài Cửa Bắc để đợi cô Ba Hợi đi chợ mà lẽo- đẽo theo sau tán tỉnh bằng một câu chữ Nho "nhất nhựt bất kiến như tam thu hề... " cho đến bây giờ là thầy Ký Thanh chân mang giầy Hạ, đầu đội mũ trắng, đi làm việc trên "Toà Sứ" với chức "Thông ngôn Ký lục" cả sự biến đổi lớn lao hay mới mẻ ấy chỉ xẩy ra trong khoảng 5 năm, từ 1910 đến 1915. Thực ra, sức hiểu biết chữ Pháp trong 5 năm sơ học ấy có là bao, nhưng thầy Ký Thanh bây giờ hãnh diện được "nói tiếng Tấy" với tất cả mọi người. Thầy không còn xổ những câu trong sách "Thánh Hiền" của Đức Khổng, Đức Mạnh nữa. Ở nhà thầy khoe tiếng Tây với bà con hàng xóm, thiên hạ lại ùa nghe đông nghẹt. Ai cũng tò mò muốn hỏi thầy cái nầy cái nọ gọi bằng tiếng tây như thế nào. Nhiều chữ dễ, thầy trả lời thông suốt cả. Gặp những chữ khó, thầy chưa học tới, thì thầy nói bậy bạ, thì họ cũng nghe mê.
- Cái chén, chữ tây gọi là gì thầy Ký?
- La tách-xờ (la tasse)
- Cái bình điếu?
- La píp-pờ. (la pipe)
- Cái áo?
- La rốp-bờ. (la robe)
- Cái quần?
- Lơ Pang ta lông. (le pantalon)
Đó là những cái dễ. Đến lượt bà Xã hỏi:
- Cái yếm, tây nói sao?
Thầy Ký chưa học chữ cái yếm liền trả lời:
- Ông Tây bà Đầm có đeo yếm đâu mà thím Xã hỏi kỳ vậy?
Cả đám thính giả cười rộ lên. Thầy Ký được thể, phê bình:
- Thím Xã hỏi nhà quê quá!
Cô Hai Nghĩa, con bà Hương Kiểm em họ của thầy Ký Thanh hỏi:
- Anh Ký ơi, tây họ gọi cơm là gì?
- Lơ ri. (le riz)
- Rau muống?
Chữ này thầy Ký chưa học tới, nhưng không lẽ thầy chịu dốt nên thầy bịa đặt, nói bố láo:
- Rau muống, tây gọi là "légume ramper dans l eau".
- Chữ rau muống sao mà dài thượt vậy?
- Tại rau muống nó dài, nó bò tràn lan, cho nên Tây đặt cho nó cái tên vậy chớ sao!
- Con... con bò?
- Bớp. (boeuf)
- Con heo?
- Cô son. (cochon)
- Con heo sao gọi bằng "cô" ?
- Cô son là con heo cái.
- Con heo đực?
- Heo đực là... cu son.
Cô Hai Nghĩa và mấy người đàn bà mắc cở, đỏ mặt.
Bọn đàn ông con trai thì cười ầm ỉ cả lên. Ông Hương Bổn nói:
- Tiếng Tây cũng có chữ "cu" he . Giống tiếng ta quá há!
Thằng Đít, con chú thợ mộc hỏi:
- Con heo kêu ụt ịt, tây nó nói sao thầy Ký!
- Lơ cu son út xờ, ít xờ.
Thầy Ký Thanh sợ người ta hỏi nhiều chữ khó quá, trả lời không được, thầy đứng dậy bảo:
- Thôi, đừng hỏi nữa. Muốn biết chữ Tây thì đi học trường nhà nước, đừng học sách Khổng Tử, Mạnh Tử nữa.
Ông Hương Cả quý cưng cậu con trai "Ký Lục", cũng bảo bà con hàng xóm:
- Để anh Ký nó đi nghỉ cho khoẻ, sáng mai còn đi làm việc trên Toà.
Thầy Ký Thanh vào nhà, đi ngủ. Ông Hương Cả còn nói với bà con:
- Nó giỏi chữ Tây, cho nên quan Sứ ngài thương nó lắm...
Sự thật, thì cái tiếng Tây của thầy Ký Thanh là loại "tiếng bồi", nhưng trong buổi sơ giao, người Pháp cần gấp một số thông ngôn tạm hiểu chút ít tiếng của họ, một cậu "lắc léo mê dòng lô" nói tiếng Tây "ba xí ba tú" như thầy Ký Thanh vẫn được nhà nước Bảo Hộ trọng dụng.
Nhưng Ký Thanh vào sở, chạm trán phải một "quan Phán đầu Toà" rất khó chịu. Ông này, cũng là thanh niên, chỉ lớn hơn Thanh độ 6, 7 tuổi, nhưng nguyên là con một Quan Án Sát ở Hà Tĩnh, và tốt nghiệp trường Quốc Học Huế, học giỏi hơn và được bổ làm "Thông Phán", chức vị cao nhất ở Toà Sứ.
"Quan Phán Đầu Toà" biết thầy Ký Thanh mới có bằng sơ học, tiếng Tây còn kém, nên thường tỏ vẻ khinh khi thầy. Chỉ tại thầy Ký được "cụ Sứ" thương vì thầy giỏi khoa nịnh bợ - nên Quan Phán phải nể đôi chút đó thôi. Có điều phân biệt hẳn, là Quan Phán đến sở thì đi bằng xe kéo, loại xe kéo bánh sắt do Quan Phán mua riêng một chiếc làm "xe nhà", và do một người "cu li" kéo ngày hai buổi đưa quan đi đến Toà và rước quan về. Còn thầy Ký Thanh vẫn phải đi bộ. Xe máy (xe đạp) lúc bấy giờ cũng chưa có. Bắt đầu từ 1919, mới có lưa thưa vài chiếc xe máy bánh sắt, những nhà giàu mới mua nổi. Sự thù ghét và ganh tỵ nhỏ nhen giữa hai chàng thanh niên công chức địa vị khác nhau. Quan Phán Đầu Toà và thầy Ký Thanh, chỉ ngấm ngầm mà thôi. Nhưng luôn luôn, Ký Thanh vẫn hãnh diện được "Cụ Sứ" tin cậy hơn. Quan Phán ỷ mình là con Quan Án và tốt nghiệp trường Quốc Học Huế, và chút lòng tự ái không thể bắt chước nịnh nọt như thầy Ký Thanh, con nhà bình dân, mới đỗ bằng "bờ ri me".
Vì thế mà "cụ Sứ" đi đâu cũng bảo Thanh đi theo để làm thông ngôn.
Biết bao nhiêu lần Thanh thông ngôn sai lạc hẳn những lời nói của viên Công Sứ Pháp, và dịch ra tiếng Pháp sai lầm những lời của đồng bào Việt.
Có lần, vào khoảng giữa mùa hè, trời nắng bức oi ả, ông sợ có hoả hoạn vì hầu hết các nhà quanh tỉnh đều lợp tranh, nên ông cho gọi hương chức làng sở tại đến, căn dặn phải coi chừng củi lửa để phòng nạn cháy nhà. Ông còn bảo 8 giờ sáng mai ông sẽ thân hành đi thăm các xóm để xem xét về vấn đề thiếu vệ sinh. Nhưng không rõ thầy Ký Lê văn Thanh hiểu tiếng Pháp như thế nào, mà thầy thông ngôn lại cho các vị hương chức như thế này:
- Cụ lớn bảo trời nóng nực mà các nhà An Nam không có vệ sinh nên 8 giờ sáng mai cụ Sứ sẽ thân hành đến đốt các nhà tranh trong làng cho cháy hết.
Các vị hương chức sợ hoảng, run cầm cập. Ông Xã khúm núm thưa:
- Dạ thưa thầy Ký, nhờ thầy bẩm lại với cụ Lớn, cụ Lớn dạy vệ sinh như thế nào thì dân làng xin tuân lệnh làm theo, chứ cụ Lớn đốt nhà chúng tôi thì tội nghiệp quá.
Lê văn Thanh thông ngôn lại cho viên Công Sứ Pháp bằng tiếng tây đại khái ý nghĩa như thế này:
- Thưa cụ Sứ, dân làng xin tuân lệnh cụ Sứ nếu cụ Sứ biểu họ đốt nhà cho có vệ sinh họ cũng chịu.
Ông Sứ cười ha hả, rồi bảo:
- Tôi không biểu họ đốt nhà. Tôi chỉ biểu họ đề phòng mùa nắng, kẻo cháy nhà. Tôi sẽ thân hành đến thăm từng xóm, và sẽ tự tôi bày cho cách thức vệ sinh.
Lê văn Thanh thông ngôn lại cho các vị hương chức như sau đây:
- Cụ Sứ nói cụ Sứ sẽ thân hành đến tận tay cụ châm lửa đốt từng xóm rồi cụ bày cho cách thức làm nhà có vệ sinh.
Sợ nói nhiều, khó thông ngôn, Lê văn Thanh liền đuổi các công làng:
- Thôi, các ông đi về, đừng xin xỏ gì nữa, cụ Lớn bỏ tù đấy.
Các ông Hương chức về làng, lập tức nổi mõ nổi trống lên vang động cả xóm, gọi dân làng đến báo tin cho biết rằng 8 giờ sáng mai, cụ Sứ về đốt hết nhà cửa cho có vệ sinh. Dân lành không hiểu rõ lý do, nhưng ai nấy đều hoảng hốt, chạy về dọn hết đồ đạc trong nhà ra ngoài vườn, ngoài sân, ngoài đường cái. Suốt buổi chiều và đêm hôm ấy, cả làng đều rối loạn, đàn ông, đàn bà, người già, trẻ nít đều lo sợ, kêu khóc ầm ĩ cả lên, bên cạnh những đống giường, phản, nồi niêu, bàn ghế, chum, vại chất đống lổn ngổn ngoài các đồng ruộng mía, chung quanh tỉnh thành... Suốt đêm đều có tiếng kêu la thảm thiết. Nhiều người bàn rằng: "Có lẽ quan Sứ đốt nhà tranh, rồi cho tiền cất nhà ngói cho có vệ sinh."
Nhưng một số khác lại quá sợ sệt nghĩ rằng: "Nhà Nước đốt nhà dân, chắc là phạt dân chuyện gì đấy". Và họ với nhau sáng ngày mai cụ Sứ đến thì họ sẽ sụp xuống lạy cụ Sứ và kêu khóc xin cụ tha tội...
8 giờ sáng mai, Quan Sứ và Quan Tuần Vũ đi bộ đến làng có thầy Ký Lê văn Thanh và Quan Phán Đầu Toà đi theo. Viên Công Sứ Pháp và cả Quan Tuần Vũ đều hết sức ngạc nhiên thấy một đám đông dân làng, cả đàn bà con nít sụp xuống lạy và kêu khóc rất thê thảm, bên cạnh những đồ đạc trong nhà dọn ra ngổn ngang ngoài đường. Nhờ Quan Phán Đầu Tỉnh hỏi kỹ mới biết có sự hiểu lầm. Ông Sứ phì cười rồi ông lắc đầu tỏ vẻ thất vọng, truyền lệnh cho mọi người dọn đồ đạc vào nhà, rồi ông buồn bực trở về toà Sứ.
Ông gọi Lê văn Thanh vào văn phòng của ông, đập bàn đập ghế, mắng một trận nên thân.
Hai hôm sau, dân làng hùn tiền mua một con bò và một con heo, cúng tạ Thành Hoàng để ăn mừng vụ "khỏi bị cụ Sứ đốt nhà" .
Thầy Ký Lê văn Thanh lại nói với làng rằng:
- Cụ Sứ có lòng nhơn đức, thấy làng khóc xin, nên cụ tha cho không đốt nhà của dân.
Dân làng biết ơn thầy Ký Lê văn Thanh nhiều lắm.
Một tháng sau. Lê văn Thanh cưới cô Nguyễn thị Hợi, con gái ông Bá Hộ.

<< Chương 3 | Chương 5 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 427

Return to top