Hà Nội - 1927 - Lỗ đạn đại bác " Souvenir de 1882 " trên thành Cửa Bắc. - Các thắng cảnh. Hà-Nội so sánh tổng quát với Saigon - Nhà cụ Ngô Ðức Kế ở Bạch Mai. Ðám táng cụ Ngô Ðức Kế. - Sinh viên , học sinh. Báo chí. - Toà soạn báo L Argus Indochinois, báo cách mạng của người Pháp chống thực dân Pháp , hô hào An Nam độc lập. - Đảng Ðộc Lập An Nam Tuấn quyết định để một tuần lễ , hoặc mười ngày, đi xem cho hết tất cả Hà Nội về tất cả mọi mặt , nhất là về phương diện lịch sử , phong tục , xã hội , văn hóa. Tuấn nhờ một người bạn đồng hương , ở Hà Nội đã lâu học trường Cao đẳng Sư phạm , hướng dẫn Tuấn đi chơi khắp các phố phường nơi “nghìn năm văn vật “. Tuấn tự hứa sẽ tiếp tục lo học sau khi biết qua bộ mặt của kinh đô Thăng Long. Một di tích làm cho Tuấn chú ý hơn cả ở đại lộ Carnot dọc theo bức thành Hà Nội cũ , kế cận Cửa Bắc đã bị bịt kín lại , có một lỗ thủng khá sâu và trên độ 5 tấc đường kính , ở phía trên có một tấm biển đồng đóng vào thành , chạm mấy chữ Pháp : Souvenir de 1882 Vết lủng lớn bên trái cửa thành là do đạn đại bác của Pháp từ chiếc thuyền đậu trên sông Nhị Hà bắn vào thành lúc 5 giờ sáng ngày 8-3-1882, trước khi đổ bộ chiếm thành . Vua Tự Ðức phải ký hòa ước chịu để cho Pháp đô hộ toàn lãnh thổ “An Nam“ sau khi thất thủ Hà Nội, Tổng Ðốc Hoàng Diệu thắt cổ tự tử trong thành ngay sáng hôm đó . Người Pháp giữ y nguyên Cửa Bắc và vết đại bác trên thành để làm kỷ niệm cuộc chiến thắng và đô hộ của họ . Phía dưới lỗ đại bác có gắn tấm đồng : SOUVENIR DE 1882 Tuấn hỏi người bạn : - Nếu tôi nhớ không lầm thì năm 1882 , hải quân Pháp của đại tá Henri Rivière đậu ngoài sông Hồng Hà bắn đại bác vào thành Cửa Bắc trong lúc quân Pháp đổ bộ lên chiếm Hà Nội . Tổng đốc Hoàng Diệu thấy thành Hà Nội bị thất thủ liền treo cổ tự tử , có lẽ người Pháp đóng tấm biểng đồng nơi đây là để kỷ niệm một viên đạn của Pháp đã làm thủng thành Cửa Bắc , và do đó mà thành Hà Nội bị thất thủ , và vua Tự Ðức phải ký hiệp ước nhìn nhận nước Pháp bảo hộ xứ Bắc kỳ. Tấm biểng bằng đồng đó , theo cảm nghĩ của Tuấn , là một cái nhục lớn cho nước Việt Nam và cho dân Việt Nam. Tuấn không hiểu sao cho đến năm 1927 người Pháp vẫn còn để y nguyên kỷ niệm ấy trên thành Cửa Bắc ? Tại sao các báo và các nhà trí thức An nam ở Hà Nội không có lên tiếng yêu cầu viên Toàn Quyền Pháp cho gỡ tấm biểng ấy đi ? Có lẽ người Hà Nội thường qua lại trên đại lộ Carnot ( tục gọi là phố Cửa Bắc ) trông thấy tấm biểng đồng kia đã quen mắt rồi nên không còn cảm thấy chút sỉ nhục nào nữa chăng? Tuấn ngắm tượng Paul Bert ở vườn hoa ở cạnh tòa Ðốc lý , tên Bờ Hồ , tượng “ Bà Ðầm Xoè “ở vườn hoa Cửa Nam , cũng như đài kỷ niệm trận vong chiến sĩ Pháp ở vườn hoa Puginier, chỉ thấy có mỹ thuật mà không thấy có gì là khêu gợi Quốc hận và Quốc sỉ như hai giòng chữ vắn tắt khắc trên tấm biểng đồng Cửa Bắc . Phong cảnh thiên nhiên ở Hà Nội theo người bạn cho Tuấn biết thì nghìn năm không thay đổi . Chung quanh Bờ Hồ có vài chục cây dương liễu , từ trước đến giờ vẫn buông rủ những “ màn tơ “ thơ mộng . Tháp Bút , cầu Thê Húc , đền Ngọc Sơn , vẫn là nơi gặp gỡ của những khách thừa lương , mà phần đông dĩ nhiên là những bạn trẻ . Buổi chiều , từ khoảng 5-6 giờ , trên một khoảng đất trống trên Bờ Hồ sau ga “ tàu điện “ ( tramway ) , và đầu phố Cầu Gỗ , người ta bày la liệt những bàn vuông nho nhỏ để bán kem và kẹo dừa cho khách nhàn du. Bọn trẻ con chơi trên các bãi cỏ gần đấy thường hát một bài hát khôi hài , theo điệu một bài hát Tây rất được phổ biến trong dân gian hồi đó : Mình ơi có đi Bờ Hồ Cùng nhau chén kẹo kem dừa Xin mình ( là mình) đừng từ chối Túi ta có mười đồng xanh Cứ đi là đi mình nhé ! Nếu cô mình muốn sắm cái chi Áo vàng , ô tây , bít tất phín , giầy cườm , ô đầm !
Tuy là bài hát của học sinh và trẻ em nhưng Tuấn vẫn thường nghe sinh viên vui mồm hát chơi luôn và cả người lớn nữa . Cũng trên đường Francis Garnier dọc theo Bờ Hồ , gần hiệu sách Nam Kỳ , có một tiệm kem , rất đông khách , nơi hẹn hò của những đôi trai gái có chút ít tiền xốc-xếch trong túi . Ðây là hiệu kem đầu tiên bài trí “ vui vẻ trẻ trung “ và cũng là tiệm kem độc nhất của cả thành phố Hà Nội . Khác hơn Sàigon, Hà Nội có vẻ một thành phố văn hóa nhiều hơn , và không có những tiệm ăn ở khắp các ngã tư đường như ở Saigon. Cả Hà Nội chỉ có vài tiệm ăn sang trọng của Hoa Kiều ở phố Hàng Buồm , phố Hàng Long , bán toàn các món ăn Tàu . Tuấn chưa có lần nào bước chân vào đây vì lẽ không có tiền . Rải rác có những hàng phở ở các phố gần chợ , như phố Chợ Hôm , Ô Chợ Dừa v.v… Ở Ô Chợ Dừa , có một tiệm con con chuyên bán thịt chó . Ở phố Hàng Cân có vài tiệm bán chả cá . Phố Hàng Nén có một tiệm phở đông khách nhất , là tiệm Nghi Xuân , đặc biệt có phở tái sách . Sở dĩ Hà Nội có rất ít tiệm ăn vì người Hà Nội ít thích đi ăn tiệm . Cơm khách , tiệc tùng , đều đãi ở gia đình . Các món qùa vặt , ngoài các bữa ăn , đều mua của các gánh hàng rong , nhiều nhất là phở , mỗi tô 3 xu . Sau khi Tuấn đến Hà Nội một vài hôm , Tuấn bảo một người bạn : - Tôi muốn đi thăm cụ Ngô Ðức Kế . Anh biết địa chỉ của cụ không ? Bạn Tuấn biết , nhưng chưa đến thăm cụ lần nào , chỉ nghe danh cụ là bạn thân của cụ Phan Bội Châu , Phan Chu Trinh , Huỳnh Thúc Kháng . Cụ có ở tù ở Côn Lôn với cụ Huỳnh , và sau khi được phóng thích về Hà Nội cụ mở tờ tạp chí Hữu Thanh . Bạn Tuấn dắt Tuấn đi ngã tư Bạch Mai . Lên tàu điện từ đầu Bờ Hồ , mua mỗi vé 1 xu , Tuấn được bạn chỉ cho dọc đường đại lộ Francis-Garnier, Ðồng Khánh , Dốc Hàng Gà , Route de Huế ( chợ Hôm ) Ô-cầu đền rồi thẳng xuống ngã tư Trung Hiền , Bạch Mai , nơi cuối đường tàu điện . Nơi đây có nhà cụ Nghè Ngô Ðức Kế . Hai cậu học trò quê mùa thấy nhà Cụ đóng kín , đứng mãi một lúc ngoài hè , không dám gọi cửa . Một lúc , một thiếu nữ đi chợ về , hỏi : - Hai cậu tìm ai ? Tuấn đáp : - Thưa cô , chúng tôi từ Trung kỳ ra Hà Nội học , muốn đến viếng cụ Nghè Ngô . Thiếu nữ mặc y phục Bắc , đầu quấn vành khăn nhung đen , bỏ thòng xuống một đuôi tóc ngắn sau ót , áo cổ thấp , vạc dài đến quá đầu gối . Dĩ nhiên hai cậu học trò cũng mặc quần áo “ An nam“ như hầu hết học sinh lúc bấy giờ . Thiếu nữ mở cửa : - Mời hai cậu vào . Nhà dưới trống trơn , không có người . Ði thẳng ra sau , cô đưa hai cậu học trò bước cầu thang lên gác . Vào cửa , cô bảo hai cậu ngồi ghế . Ðây là một chiếc bàn khách với bốn chiếc ghế . Trên tường treo bốn bức ảnh lồng kính : hai cụ Phan , cụ Huỳnh và cụ Ngô . Hai cậu học trò nghe tiếng một ông già ho sù sụ ở phía sau bức bình phong . Cô thiếu nữ vào đấy một lát rồi trở ra khẽ bảo : - Cụ tôi mệt , phải nằm nghỉ trên ghế xích đu , phía sau bình phong , mời hai cậu vào . Tuấn và bạn Tuấn đi guốc nhè nhẹ , rón rén vào . Trông thấy một cụ già ốm yếu ngồi trên ghế xích đu bằng mây và đang ho , hai cậu cúi đầu chào : - Lạy cụ ạ . Cụ Ngô Đức Kế nói tiếng Nghệ An , rất yếu ớt : -Mời hai cậu ngồi . Có sẵn hai chiếc ghế kê sát tường . Tuấn lễ phép : -Thưa cụ , trước khi ra Hà Nội con có đến toà báo Tiếng Dân thăm cụ Huỳnh Thúc Kháng . Cụ Huỳnh có trao con một bức thư để đưa lại cụ . Tuấn lâý trong túi áo ra một phong thư có tên và địa chỉ báo Tiếng Dân in nơi góc trên , trao cụ Ngô . Cụ mở ra xem rồi nói : - Cụ Huỳnh nhờ tôi viết bài cho báo Tiếng Dân , nhưng cụ không biết là dạo này tôi yếu lắm , viết lách gì được đâu . Xong cụ Ngô hỏi han việc học hành của hai cậu khách trẻ tuổi , và có đôi lời khuyên bảo : - Các cậu học theo tây học , nhưng nên nhớ rằng ta chỉ học theo cái hay của họ , mà đừng học theo cái dở. Học mà không trọng đạo đức và tinh thần ái quốc , như cái bọn Phạm Quỳnh , thì thà đừng học … Nói bấy nhiêu đó , xem chừng cụ đã mệt , nên cụ không nói nữa . Cụ cúi đầu xuống ho một hồi lâu , trông rất đáng thương . Hai cậu học trò kính cẩn cáo biệt , sau khi để lại địa chỉ cho cụ theo lời cụ bảo . Không ngờ hai hôm sau , cô thiếu nữ là cháu gọi cụ bằng bác , đến nhà hai cậu để tin cho biết cụ Ngô Đức Kế vừa từ trần . Ðám táng sẽ cử hành ngay chiều hôm đó theo lịnh của Sở Mật Thám bắt buộc . Tuấn và bạn Tuấn vô cùng xúc động , liền nhờ bà chủ nhà trọ đi mua gấp dùm cho mấy thước vải trắng , hai cậu lấy một que tre lớn chấm vô bình mực viết trên vải mấy chữ : ” Khóc cụ Ngô Tập Xuyên “. Tập Xuyên là bút hiệu của cụ . Phơi nắng vài giờ đã khô , hai cậu học trò cuốn tấm vải rôì đi Bạch Mai để kịp phúng điếu và đưa đám cụ . Theo cô cháu cụ cho biết thì sở Mật thám Pháp bắt buộc đám táng cụ phải cử hành lúc 5 giờ chiều hôm đó ( cụ chết lúc 5 giờ sáng ) nhưng lúc 3 giờ chiều hai cậu học trò đến nhà cụ thì được biết là đám táng đã đi lúc 2 giờ . Vì Mật thám đã trở lại lúc 12 giờ trưa , bắt buộc phải đổi thời khắc biểu , không cho phép cử hành lúc 5 giờ , sợ dân chúng đi đưa cụ đông đảo . Nghe bà u gìa nói lại thì đám táng của cụ Ngô chỉ có nhân viên mật thám đi đưa mà thôi , còn tất cả bạn bè thân thuộc đều không được phép đi theo quan tài cụ . Ba vòng hoa cườm được đem theo . Còn tất cả các vòng hoa tươi , và đôi liễn, trướng , đều phải để lại nhà . Hai cậu học trò thất vọng và tức tối , chỉ được vào lạy bốn lạy trước bàn thờ của cụ rồi ra về . Tuấn nghe các cụ đi phúng điếu nói với nhau rằng Mật Thám Pháp bắt buộc gia đình cụ Ngô Đức Kế phải tống táng cụ vội vàng , lúc 2 giờ thay vì 5 giờ như đã báo trước, là vì họ rút kinh nghiệm ở đám táng của cụ Lương Ngọc Can , cũng là một bậc lão Nho cách mạng trứ danh ở Bắc Hà , cùng một lớp với các cụ Phan Bội Châu , Nguyễn Thượng Hiền , Ngô Đức Kế . Một nhà lãnh đạo của Ðông Kinh Nghĩa Thục , bị kết án lập “ hội kín “ mục đích phá rối cuộc trị an của nhà nước bảo hộ , cụ cử Lương Ngọc Can cũng bị tù đày, và mãn hạn tù về ở căn phố của cụ , bán tơ lụa phố Hàng Ðào ( rue de la Soie). Vì cụ là một bậc bô lão cách mạng đã nổi tiếng , lại là một nhà nho uyên bác , một danh nhân có cốt cách quân tử , rất được dân chúng Hà thành kính phục , cho nên hôm cụ mệnh chung , cả thành phố Hà Nội đều xôn xao xúc động . Trong không khí cách mạng còn đang sôi nổi lúc bấy giờ , đám táng của cụ Lương Ngọc Can tự nhiên thành ra một đám táng lớn nhất nước , có cả hàng vạn người tham dự , nhất là sinh viên trường Cao đẳng Ðông Dương (Ðại học Hà Nội ) và học sinh trường Trung Học Bảo Hộ , tục gọi là trường Bưởi (collège du Protectorat ) , trường Trung học Pháp-Việt duy nhất của Hà Nội thời bấy giờ . Tuy không được vĩ đại như đám táng của cụ Phan Chu Trinh ở Saigon mấy năm về trước , nhưng cụ Lương Ngọc Can cũng được đám táng cực kỳ long trọng , mà ý nghĩa chính trị và cách mạng là một thách đố đối với chính quyền Pháp , nhất là sở Mật thám Bắc kỳ . Ai cũng biết rằng đám táng Lương Ngọc Can là một tượng trưng đúng hơn là một sự kiện lịch sử : ban tổ chức gồm những nhà cách mạng lão thành và những sinh viên ái quốc hăng hái nhất của trường Cao đẳng , muốn tỏ cho người Pháp thấy rằng mặc dầu ở dưới quyền cai trị của Bảo hộ Pháp , dân chúng Việt Nam vẫn sùng bái những nhà chí sĩ của họ , những bậc lão nho cách mạng đã bị Pháp kết án tù đày . Dĩ nhiên là người Pháp căm giận lắm và sở Mật thám Bắc kỳ tìm cách hăm dọa ban tổ chức sau khi đám táng đã xong . Rút bài học kinh nghiệm đó , họ đã ngăn cản đám táng cụ Nghè Ngô Đức Kế không cho cử hành long trọng . Hơn nữa , họ túc trực ngay tại nhà cụ Ngô và làm xáo trộn hết chương trình các lễ nghi , không kịp để thì giờ cho những người đến phúng điếu . Họ truyền lịnh đem chôn cụ vội vàng , tức tốc , sau khi lịm xong , vào quan tài , và buộc con cháu cụ làm lễ phục tang nội buổi sáng ấy . Cho nên lúc 3 giờ chiều , Tuấn đi với ba bạn học sinh quê quán miền Trung đến phúng điếu cụ , thì các cậu ngơ ngác bị một người lính mã tà ngồi gác cửa nhà cụ Nghè Ngô , cho biết đám táng đã đi từ lâu . Ba đứa bạn ở lại đây , còn Tuấn hỏi thăm , người ta chỉ đường , lật đật chạy đến mộ cụ . Tuấn tới trong lúc đã chôn xong . Ði đưa đám, trừ con cháu của cụ độ năm ba người chit khăn trắng và khóc nức nở , chỉ còn toàn là nhân viên sở Mật thám Bắc kỳ , người An nam , mặt mũi người nào cũng dữ tợn , đôi mắt như cú vọ đăm đăm ngó Tuấn . Nhưng Tuấn lì lợm , tự xét rằng mình đi đưa đám ma một ông cụ già , chớ không làm điều gì nên tội , nên cóc sợ . Thanh niên học sinh thởi bấy giờ hiền lành lắm . Chỉ có đám sinh viên Cao đẳng là hăng hái mà thôi . Cả thành phố Hà Nội chỉ có một trường Trung học Bảo Hộ của Nhà Nước và trường Nữ Trung học đường Ðồng Khánh . Không kể trường Trung Học Pháp Lycée Albert Sarraut mà đại đa số là học sinh Pháp , còn học sinh An nam toàn là con nhà giàu và con các quan . Ngoài ra chỉ có hai Trung học tư thục An nam : “Thăng Long , Gia Long , và một trường Trung học tư thục Pháp , Lycée Hồng Bàng" . Còn thì toàn là các trường Tiểu học cả . Phải nói ngay rằng toàn thể các học đường ở Hà Nội cũng như ở các thành phố khác , đều có một kỷ luật rất nghiêm khắc . Các trường tư cũng thế . Tất cả học trò đều lo chăm chỉ học hành , và luôn luôn giữ gìn hạnh kiểm rất đứng đắn . Phong trào “ cao bồi “ , “ lưu manh “ chưa có . Ða số học sinh hãy còn mặc quốc phục : quần trắng , áo dài đen , mang guốc . Số học sinh mặc âu phục cũng bắt đầu khá đông , nhưng hầu hết là mặc nguyên bộ costume, áo veste , đeo cravate, chớ không bao giờ mặc áo sơ mi trần . Lý do là theo phong tục người Bắc , ra đường phải y phục chỉnh tề . không thể cẩu thả được . Cũng vì lý do ấy , các trẻ em thiếu niên 9, 10 tuổi ra phố cũng mặc áo dài . Thiếu nữ không bao giờ được mặc áo cánh , áo cụt , áo “ bà ba “ kiểu Saigon, dù là con nhà lao động nghèo khó . Trò Tuấn mặc âu phục loại vải rẻ tiền , và tiếp tục học thi tú tài Pháp ( Baccalauréat metropolitain. Gọi tắc là : Bac Métro ) . Trò học thêm Anh ngữ trong quyển sách Anh ngữ tự học dạy bằng tiếng Pháp "L’ Anglais Sans Maitre“ hơn 30 bài , của giáo sư Xavier de Bouge. Học trong 6 tháng , chuyên cần mỗi ngày 2 tiếng đồng hồ là có thể viết được thông thạo , đọc được , nói được tiếng Anh . Ngoài ra, Tuấn được giới thiệu với hiệu sách Nam Ðồng thư xã , ở góc phố Hàng Bồ ( rue des Paniers) kế rạp chớp bóng Ciné Moderne . Hiệu sách naỳ là một căn phố hẹp chuyên bán sách Quốc ngữ về các loại Lịch sử và Chính trị . Sách mỏng , bìa mỏng đủ các màu và bán rất chạy . Tuấn mua nơi đây những cuốn sách được dân chúng nhất là những thanh niên học sinh và sinh viên hoan nghênh nhất thời bấy giờ . Sách của Nam Ðồng thư xã được phổ biến sâu rộng về các nhân vật của Lịch sử Cách mạng Trung Hoa Quốc Dân Ðảng , dịch trong các sách Tầu xuất bản ở Thượng Hải như : Hồng Tú Toàn , Tam Dân chủ nghĩa , Tôn Trung Sơn , Trình Dục Tú , Hồng Hiên đế chế , Ẩm băng của Lương Khải Siêu , Mã Chiếm Sơn ; Tưởng Giới THạch , Lịch sử Hoàng Hoa Cương v.v… Nhiều câu thơ Tàu , dịch ra thơ Việt . Có tính chất cách mạng , được thanh niên An nam học thuộc lòng , như bốn câu thơ in trên bìa Trịnh Dục Tú : Chàng như mây mùa Thu , Thiếp như khói trong lò Cao thấp tuy có khác , Một thả cùng tuyệt vời . Có thể nói rằng thanh niên của thế hệ 1927 rất ham đọc những sách của nhà xuất bản Nam đồng thư xã , và hầu hết đều tiêm nhiễm tư tưởng chính trị và cách mạng của Trung Hoa Quốc Dân Ðảng . Song song với việc học tiếp tục chương trình “ tú tài Tây “, Tuấn tìm đọc vồn vập lấy , như khao khát thèm thuồng , các sách của Nam Ðồng thư xã , Hà Nội , chuyên về chính trị và cách mạng do lớp trí thức đàn anh viết , hoặc dịch ra . Ðồng thời , các sách của Quan Hải Tùng Thư ở Huế , và của Nữ Lưu thư quán ở Gò Công ( Nam kỳ ) , đều được các thanh niên học sinh , như Tuấn , dùng lam sách để đầu giường . Ba loại sách khác hẳn nhau về nội dung cũng như hình thức , nhưng tựu trung vẫn đào tạo cho thanh niên một tinh thần cách mạng , và bồi dưỡng lòng ái quốc hăng say . Loại sách Nam Đồng Thư xã của Nhượng Tống phần nhiều là dịch thuật theo các sách cách mạng của Trung hoa dân quốc . Sách Quan Hải tùng thư của Ðào Duy Anh và Trần thị Như Mân chuyễn dịch , hoặc biên soạn sơ lược, về đại cương các vấn đề phổ thông , về chính trị kinh tế , lịch sử , theo các tác giả Tây phương . Loại sách này , có lợi ích cho sự giáo hóa chánh trị , được các học sinh Trung Kỳ và Bắc Kỳ hoan nghênh nhiều hơn. Trái lại , sách của Nữ Lưu thư quán ở Gò Công mỗi tháng xuất bản hai quyển , bìa vàng in chữ đỏ , do cô Phan thị Bạch Vân và một nhóm chủ trương , được bán ở Nam Kỳ chạy hơn ở Trung và Bắc . Ðây là loại sách mỏng khuôn khổ một tờ giấy báo gấp thành 32 trang , và hoàn toàn sáng tác về những đề taì chính trị và cách mạng . Ngoài ba loại sách kể trên , thanh niên học sinh còn ham đọc các báo chính trị như : - L’Argus Indochinois ( Pháp văn ) do ông Amédée Clémenti xuất bản ở Hànội . - Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Huế . - La Cloche Fêlée ( Pháp văn ) của Nguyễn An Ninh ở Saigon. Ðó là ba tờ báo nổi danh nhất và được giới thanh niên học sinh “ có đầu óc “ và một số sinh viên trường Cao đẳng Hà Nội ham thích nhất. Nhưng lần đầu tiên , Tuấn bị một thất vọng chua-chát trong lúc tuổi trẻ còn những nhận xét trong trắng , ngây thơ . Vốn là độc giả trung thành từ lâu của tờ báo L’ Argus Indochinois , từ lúc còn là một cậu học trò lớp Ðệ Tam Niên ở “ Collège de Qui Nhơn “ Tuấn bây giờ học ở Hà Nội , tìm đến toà báo L’Argus Indochinois ở số nhà 12 đường Doudart-de-Lagrée , người Việt gọi là phố Hàm Long . Chàng đến đây có hai mục đích : để trả tiền mua tiếp tục 1 năm báo , và để được “ yết kiến “ông chủ nhiệm Amédée Clementi mà chàng vẫn tôn kính và khâm phục những bài báo hăng hái đòi độc lập cho nước An nam , và kịch liệt công kích chính sách thuộc địa Pháp ở Ðông Dương . Sở Mật Thám Pháp ở Hà Nội ghét ông ấy lắm . Ðáng phục hơn nữa vì ông là người Pháp , mà ông viết bài chửi Pháp và bênh vực ngươì An namcòn mạnh hơn người An nam nữa . Tuấn đến nơi cổng số 12 đường Doudard de Lagrée thấy cổng cài then , đóng chặt . Nếu không có tấm bảng bắt ngang qua hai trụ ngõ , thì Tuấn không thể biết đó là toà báo . Trên bảng được ghi bằng những nét đậm mấy giòng chữ sau đây : L’Argus Indochinois Journal de combat contre l’injustice et l’oppression. Directeur : AmédéeClémenti. (Minh Trĩ Ðông Dương , tờ báo chống bất công và áp bức ) Trên trụ cổng bên phải , lại còn có đóng chặt một tấm bảng quảng cáo như sau đây : L’argus Indochinois est un journal d’opposition, car il crie : Vive l’ Indochine ! (Minh Trĩ Ðông Dương là một tờ báo đối lập , vì nó kêu lên : Ðông Dương vạn tuế ! ) Tuấn bấm chuông điện . Một lúc lâu , một u già đủng đỉnh ra mở cổng . Tuấn vào sân . U già bảo : “ Muốn gặp ông chủ thì cậu cứ đi lên gác . Ði vòng ngã sau có cầu thang “ . Tuấn hơi lo lo … Ai mà chả lo khi tìm đến “ yết kiến “ông chủ nhiệm một tờ báo lớn , lại là tờ báo cách mạng , của một ông Tây mà trí thức toàn quốc ai cũng kính phục ? Tuấn rón rén bước lên cầu thang , mong đừng có ai nghe tiếng bước của chàng . Chàng gõ cửa phòng đang được khép kín . Có tiếng đàn bà từ trong nói vọng ra: - Entrez ! ( mời vào ) Tuấn khẽ mở cánh cửa ra , thấy một ông Tây đang nằm hút thuốc phiện và một người đàn bà An namtrẻ đẹp ngồi bên cạnh . Tuấn hết sức ngạc nhiên , và bỡ ngỡ chưa biết là ai , nhưng cũng lễ phép cúi đầu chào . Người đàn bà An nam nhã nhặn đáp lễ rồi hỏi bằng tiếng Pháp - một tiếng Pháp rất lưu loát , giọng nói rất hay , tuy là giọng Bắc : - Anh đến có mục đích gì ? Tuấn cũng trả lời bằng tiếng Pháp . Và từ đây câu chuyện toàn bằng tiếng Pháp giữa ông Tây , người đàn bà An nam kia và Tuấn : - Thưa bà , tôi đến mua tiếp một năm báo ( Tuấn móc túi lấy tiền đưa cho bà) - À ra thế ? Bà nhận tiền và nói tiếp : - Ðể tôi sẽ viết biên lai ngay bây giờ cho anh . Anh chờ một phút. Ông Tây nằm cạnh bàn đèn thuốc phiện , ngó Tuấn : - Ðộc giả trung thành mua báo L’Argus Indochinois và trả tiền song phẳng như anh , thật là hiếm lắm . Có khi chúng tôi gửi liên tiếp ba lá thư nhắc nhở , họ mới chịu mua bưu phiếu gửi cho chúng tôi . Người đàn bà An nam tiếp lời : - Vì thế nên chồng tôi chán lắm, nhiều khi muốn giải nghệ. Làm báo ở Ðông Dương là một nghề rất bạc bẽo . Cũng may là có tôi ở đây để lên giây tinh thần cho nhà tôi (Ðúng câu của bà : Heureusement que je suis là pour remonter le moral de mon mari.) Trong lúc ông chồng Pháp tiếp tục hút thuốc phiện , bà vợ An nam trẻ đẹp đứng dậy , lại bàn ngồi viết . Xong bà trao cho Tuấn một tấm biên lai nhận tiền mua báo 12 tháng , với tên ký rất đẹp :” Mme Amédée Clémenti “ . Bấy giờ Tuấn mới biết chắc rằng ông Tây nghiền á-phiện đích là Amédée Clémenti , và người đàn bà An nam nói tiếng Tây giỏi kia là vợ chính thức của ông . Tuấn rất phục bà vợ , nhưng rất thất vọng về ông chồng . Một nhà báo Pháp cự phách , thần tượng cả một thế hệ thanh niên cách mạng An nam, lại là một dân nghiện thuốc phiện đáng khinh . Từ thuở bé , Tuấn đã ghê tởm những người nghiện thuốc phiện . Nguyên nhân là ở ngay trong làng của Tuấn có một người chú họ làm nghề buôn quế , thường đi tỉnh này tỉnh nọ , mà Tuấn rất ghét và luôn luôn xa lánh vì người ấy nghiện thuốc phiện lại còn đau bịnh “tim la“ . Mỗi lần về quê nghỉ hè . Tuấn đi dạo chơi trong xóm , hễ trông thấy “ông nghiền “ấy chỗ nào là Tuấn tránh đi chỗ khác . Cho nên Tuấn có thành kiến thực là ngây thơ rằng chỉ hạng người bần tiện , những kẻ ăn chơi , đĩ điếm , bọn thất học mới ghiền thuốc phiện . Không ngờ ông chủ nhiệm L’Argus Indochinois , một nhà cách mạng Pháp , tranh đấu không ngừng cho nền độc lập của Việt Nam , một người mà Tuấn rất kính phục , tôn sùng mỗi khi đọc những bài xã luận đanh thép trên tờ báo Pháp-văn của ông , người ấy , hôm nay chính mắt Tuấn trông thấy , lại là một tên nghiền thuốc phiện như người chú đau tim-la ở nhà quê . Ôi, Tuấn thất vọng xiết bao ! Dĩ nhiên là cảm tình của Tuấn đối với ông Amédée Clémenti bị sút đi nhiều , và Tuấn cứ thắc mắc về cá nhân của nhà báo cách mạng ấy . Trẻ tuổi và ngây thơ , Tuấn cứ tưởng rằng một người làm cách mạng , có những tư tưởng siêu việt tất nhiên là một người hoàn toàn đáng kính đáng quí , một vĩ nhân siêu quần bạt chúng . Tuy nhiên Tuấn vãn tiếp tục đọc tờ báo L’ Argus Indochinois . Nhờ đó mà Tuấn hấp thụ được rất nhiều tư tưởng mạnh mẽ , trong sạch , cao siêu , về chính trị , về cuộc tranh đấu chống bất công và áp bức , chống chủ nghĩa thực dân . Tuấn quí tờ báo đó cho đến nổi mỗi tuần nhận được nó , vào lúc 8 giờ sáng mỗi ngày thứ tư , do người phát thư Chà Và của nhà Bưu điện đưa đến tận nhà là Tuấn bỏ buổi học , nằm nhà đọc nghiền ngẫm cho hết bốn trang báo lớn . Cái đặc điểm của báo L’ Argus Indochinois là in trên giấy satiné xanh , trong lúc tất cả các tờ báo khác đều in trên giấy trắng . Mỗi năm xuất bản một lần , và số nào cũng đăng toàn những bài cách mạng chửi Tây kịch liệt , công kích chính sách thực dân Pháp thậm tệ , và luôn luôn hăng hái hô hào cho An nam độc lập . Có một số báo đăng kín cả 8 cột trang nhất một bài dài của ông Amédée Clémenti, nhan đề là “ Le Parti de l’Indépendance Annamite” (đảng Ðộc Lập An nam ) . Trong bài ấy , ông chủ nhiệm kiêm chủ bút người Pháp đưa ra đề nghị thành lập một chính phủ Ðộc Lập An nam với những nhân vật sau đây : - Tổng Thống : Phan Bội Châu - Thủ tướng : Huỳnh Thúc Kháng - Và các bộ trưởng : Dương bá Trạc , Nguyễn Thế Truyền , Nguyễn An Ninh , Phan Văn Trường v.v… Toàn là những nhà cách mạng Việt Nam , danh tiếng nhất lúc bấy giờ . Bài báo đó , làm xôn xao dư luận các giới trí thức và sinh viên cả Tây lẫn Nam , không những ở Hà Nội , mà cả ở Huế và Saigon . Sau đó , xẩy ra hai vụ khíến báo L’ Argus Indochinois càng quyết liệt đã kích phủ Toàn Quyền , phủ Thống Sứ và ty Mật Thám Bắc Kỳ . Vụ thứ nhất là đêm thứ bảy tuần đó có người lẻn đến dán trên cổng tòa báo một tờ “cảnh cáo “ của một bọn người vô danh tự xưng là “ nhóm người ái quốc “ hăm giết Amédée Clémenti . Ông chủ nhiệm báo L’ Argus Indochinois , làm bản kẽm tờ “ cảnh cáo ấy “ đăng lên báo , và nhất quyết rằng tác giả mạo danh “ một nhóm người ái quốc “ không ai khác hơn là viên Chánh Mật Thám Bắc Kỳ với sự đồng lõa của Phủ Toàn Quyền và Phủ Thống Sứ . Vụ thứ hai , là một buổi sáng thứ bảy , ông Amédée Clémenti được tin đêm hôm trước người chef typo ( cai ê-kíp thợ sắp chữ ) của báo L’Argus Indochonois bị mẹ mìn dụ dỗ đem đi mất tích . Ông Clémenti loan tin ấy trên báo của ông , và cũng quả quyết rằng “tên mẹ mìn “ấy không ai xa lạ hơn là Chánh Mật Thám Bắc kỳ . Nên nói thêm rằng lúc bấy giờ Hà Nội đang xôn xao về phong trào “ mẹ mìn” . Mẹ mìn là những con mẹ đàn bà bình dân , đi lang thang các phố và dùng một thứ bùa ngải bí mật gì đó làm mê những người đi đường , khiến những ngươì này đi theo họ . Ðó là một hình thức bắt cóc bằng bùa ngải. Thường thường mẹ mìn hay bắt người lao động đem bán cho các “ Hội Ðồn Ðiền Cao Su và Hầm Mỏ “ Pháp để các Hội này chở họ qua Tân Thế Giới dùng làm nhân công rẻ tiền . Nguyên nhân phong trào mẹ mìn, theo dư luận các giới cách mạng An nam là người Pháp mộ phu đồn điền khó khăn lắm , vì bị đi làm phu đồn điền ( các đồn điền cao su của Pháp ở Nam Kỳ ) , không khác nào bị đi đày khổ sai chung thân vậy. Ðó chỉ là một luồng dư luận ở Bắc Kỳ . Thỉnh thoảng mẹ mìn cũng bắt trẻ con đem đi bán ở nơi xa . Nhưng chưa ai nghe mẹ mìn bắt đàn bà con gái . Phong trào mẹ mìn chỉ sôi nổi một dạo , rồi dần dần biến biến mất vì một số “mẹ mìn “đã bị “ lính mã tà “ , tức là lính mật thám theo rõi , bắt được quả tang , và bị tù. Ðặc biệt về vụ anh cai thợ sắp chữ của báo L’ Argus Indochinois , thì dư luận cho rằng anh ta bị lính mật thám bắt , rồi phao tin là bị mẹ mìn . Có lẽ anh bị mật thám bắc cóc để điều tra về tờ báo L’ Argus Indochinois và ông Amédée Clementi . Nhưng tờ báo này vẫn tiếp tục ra đều đều mỗi tuần , không bị lôi thôi hay thiệt hại gì cả . Tuấn để dành báo L’ Argus Indochinois trọn bộ , không mất một tờ . Vẫn để các bạn bè truyền tay nhau xem , nhưng rồi Tuấn cũng cố đòi lại cho kỳ được , để giử đủ số . Nghỉ hè , Tuấn dồn hết mấy chồng báo ấy vào va li đem về quê , giấu kín trong cái rương lớn của gia đình , rương này mẹ của Tuấn dùng để cất những vật được coi như quí giá : tiền bạc , đồ đồng, đồ vàng, quần áo đắt tiền v...v… Tuấn yên chí rằng cất mấy chồng báo L’ Argus Indochinois cũ trong cái rương rộng lớn và đóng kín này , thì chắc chắn không bao giờ mất được , để ngày sau , khi Tuấn lớn lên , sẽ coi lại và sẽ dùng làm tài liệu lịch sử . Ba năm sau , Tuấn đang học ở Hà Nội , được giây thép trong nhà gởỉ ra báo tin cha của chàng qua đời . Tuấn vội vàng về quê . Ðến nhà thì gặp ngay lúc người ta đang liệm xác cha . Mẹ chàng vô tình đã lấy tất cả chồng báo L’Argus trong rương , trên 200 tờ , đưa hết cho mấy người dân làng dùng lót trong quan tài và đệm hai bên để cha chàng được nằm “ chặc chẽ ấm cúng “ trong hòm . Trông thấy thế , Tuấn không dám phản đối . Nhưng , trong lúc chàng đau đớn khóc cha , gục đầu trên nắp quan tài , chàng khóc luôn cả 200 tờ báo quí của chàng sẽ bị chôn vùi với cha và sẽ mục nát thành ra đất bụi .