1936 – 37 - Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp được thành lập ở Paris, có ảnh hưởng xáo trộn đời sống chánh trị của Việt Nam. - Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, trong vụ án Trần Huy Liệu có hai vợ. - Nghị sĩ Cộng sản Pháp Maurice Honel qua An Nam đến Hà Nội. - Vụ Honel mất bóp ở Ðáp Cầu trong khi đi thăm những làng bị nạn lụt. - Vụ đón tiếp Justin Goddart tại ga Hà Nội. Xét tổng quát trên bình diện lịch sử và xã hội của Dân Tộc Việt nam từ 1932 đến khởi điểm của Ðệ Nhị Thế Chiến, tháng 9 năm 1939, nghĩa là trong thời gian bảy năm trước cuộc đại khủng hoảng thế giới, sự tiến triển của Văn Nghệ Việt Nam, đặc biệt là văn chương và âm nhạc, đã ghi những dấu vết sâu đậm nhất của ảnh hưởng Pháp, về thể thức cũng như về tư tưởng. Nhưng không một lúc nào tinh thần dân tộc bị truất phế trước hiện tượng hăng say tiếp nạp và canh tân ấy. Mặc dầu có những xáo trộn rõ rệt, do những chuyển hướng mới nghiêng hẳn về văn hoá Âu Tây, tính chất căn bản của Nòi Giống, tinh túy thuần thục của Dân Tộc, vẫn không hề thoái vị trước sức quyến rũ mãnh liệt của các phong trào tân văn nghệ. Trong Thơ Mới, Văn Xuôi mới, Âm nhạc mới (đương thời gọi là Âm nhạc cải cách). Chính vì được thích hợp với tinh thần dân tộc và đáp đúng nhu cầu văn hoá mới của một xã hội đang tiến triển đến cao độ, mà Thơ mới, Văn xuôi mới, và Âm nhạc cải cách, mặc dầu chứa đựng rất nhiều yếu tố ảnh hưởng của nghệ thuật và văn chương Pháp, và sáng tác bởi các lớp thanh niên trí thức Tây học, vẫn được quảng đại quần chúng Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh. Nhưng phong trào thơ mới chỉ sôi nổi trong thời gian bộc phát từ 1932 đến 1936. Hầu hết những nhà thơ nổi tiếng đều sáng tác thơ mới trong khoảng thời gian ngắn này. Ðầu năm 1936, tình hình chính trị nội bộ bổng trở nên căng thẳng ở Pháp. Một chính phủ mệnh danh là Front Populaire (Mặt Trận Bình Dân) lên nắm chính quyền, sau các cuộc biểu tình náo động của dân chúng tại Paris ngày 6 tháng 2, 1936. Dĩ nhiên, năm xứ Ðông Dương, thuộc địa Pháp, đặc biệt nhất là ba xứ Việt Nam : Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ, đều chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến cố rất quan trọng kia. Chính phủ “ Mặt Trận Bình Dân “ Pháp áp dụng một chính sách rất khoan hồng đối với các thuộc địa. Do đó, phong trào " Mặt Trận Bình Dân "được thành lập hoạt động công khai ở Hà Nội, Saigon và khắp các tỉnh Nam kỳ, Bắc kỳ. Ở Huế và các tỉnh Trung kỳ, tuy mặt trận bình dân không bị cấm, nhưng Tòa Khâm Sứ Pháp viện cớ Trung kỳ là lãnh thổ riêng của " Hoàng Ðế An nam ", nên hạn chế đến mức tối thiểu các hoạt động công khai của các giới nhân dân. Ở Hà Nội và Saigon, các phong trào tranh đấu chính trị bị kềm hãm từ sau các vụ khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Ðảng và nổi loạn của An nam Cộng Sản Ðảng, bây giờ được cơ hội bừng dậy, hăng hái và sôi động hơn bao giờ hết. Phong trào Văn Nghệ tự nhiên bị chìm xuống. Một số các nhà văn có tinh thần cách mạng, gác câu chuyện văn chương ra một bên, đem hết tâm chí, khả năng, vào các cuộc hoạt động chính trị, nửa công khai, nửa bí mật. Trương Tửu, nhà phê bình Bạch Nga, nhảy qua nhóm Ðệ Tứ Quốc Tế. Mộng Sơn, nhà thơ Bạch Nga, gia nhập vào nhóm " Tiến Bộ khuynh tả. Tờ báo Bạch Nga (Le Cygne), một nửa Việt Ngữ, một nửa Pháp Ngữ, củng cố lập trường cách mạng quốc gia, và bớt hoạt động văn nghệ. Chủ nhiệm của nó viết một loạt bài luận thuyết đả kích kịch liệt chính sách thuộc địa Pháp, kêu gọi Việt Nam Ðộc Lập và đạp đổ chế độ Triều đình Huế. Báo Bạch Nga ra được 6 số thì người chủ nhiệm bị truy tố ra tòa án Pháp ở Hà Nội vì tội "phá rối cuộc trị an ", và xúc phạm đến chủ quyền Pháp ở Ðông Dương, bị 6 tháng tù và 2000 quan tiền vạ. Lan Khai, nhà văn chuyên về tiểu thuyết đường rừng, gia nhập vào Việt Nam Quốc Dân Ðảng cũng bí mật hoạt động trở lại. Nhà văn Nguyễn Triệu Luật, cũng tham gia vào VNQDÐ. Nhà văn Khái Hưng lập ra Việt Nam Dân Chính Ðảng, chủ trương thân Nhật, nhưng về sau ông nhảy qua VNQDÐ của Vũ Hồng Khanh. Nhà thơ Lưu Trọng Lư, trong thời Mặt Trận Bình Dân chưa hoạt động gì, nhưng bắt đầu Ðệ Nhị Thế Chiến ông theo nhóm Khái Hưng. Nhà văn Nguyễn Tường Tam cũng không hoạt động trong thời Mặt Trận Bình Dân, nhưng bắt đầu Ðệ Nhị Thế Chiến, gia nhập vào Dân Chính Ðảng của Khái Hưng, và 1945 theo Khái Hưng qua VNQDÐ của Vũ Hồng Khanh. Vũ Đình Duy, một nhà trí thức cách mạng rất hăng hái, chủ trương tờ báo Pháp ngữ “ La Jeune Indochine” xuất bản tại Saigon, bị tù, rồi về Hà Nội ra tờ " Effort Indochinois " trong thời Mặt Trận Bình Dân, đại diện Bắc kỳ cho đảng Việt Nam Phục Quốc do cụ Cường Ðể làm chủ tịch ở Nhật bổn. Trên đây kể đại khái các nhà Văn phục vụ lý tưởng Quốc gia Dân tộc trong thời Mặt Trận Bình Dân Pháp. Bên đảng Cộng Sản An nam lúc bấy giờ đã đổi tên là Ðông Dương Cộng Sản Ðảng, họ cho ra một tờ báo Pháp ngữ, lấy tên là " Le Travail ", tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản Ðệ Tam Quốc Tế. Chủ nhiệm và quản lý : Nguyễn Văn Tiến, Trịnh Văn Phú, là hai người giàu từ trước đến giờ không ai biết tên, đứng ra làm bung xung. Võ Nguyên Giáp là người viết những bài quan trọng nhất, thì lại dấu tên thật, chỉ ký những bút hiệu lạ, và không mấy khi đến toà soạn. Tờ " Le Travail " cũng bị truy tố ra tòa, Nguyễn Văn Tiến và Trịnh Văn Phú bị tù, báo bị đóng cửa. Võ Nguyên Giáp lúc bấy giờ mới đậu được một chứng chỉ Cử nhân Luật, trường Cao đẳng Ðông Dương ở Hà Nội, và dạy môn Sử ký ở tư thục Thăng Long mà hiệu trưởng là Hoàng Minh Giám, hợp tác về tài chánh với Tôn Thất Bình, con rể của Phạm Quỳnh, người của phe Bảo hoàng. Ðảng Cộng sản còn có hai tờ báo khác, một tờ Pháp ngữ " En Avant ", và một tờ Việt ngữ “ Thời Thế “. Ba người đóng vai trò chính trong hai tờ báo này là Võ Nguyên Giáp, Ðặng Xuân Khu (Trường Chinh) và Trần Huy Liệu. Ðặng Xuân Khu lại là tổng thư ký Hội truyền bá Quốc ngữ mà hội trưởng là nhà học giả Nguyễn Văn Tố, phó giám đốc Viện Viễn Ðông Bác Cổ Pháp (Ecole Francaise d Extrême – Orient). Hội Truyền Bá Quốc Ngữ, bề ngoài đeo đuổi mục đích “ chống nạn mù chữ " nhưng bên trong là cơ quan dùng làm phương tiện hoạt động bí mật của Ðảng Cộng Sản Ðông Dương. Trần huy Liệu lúc trước viết báo ở Saigon, là người cách mạng quốc gia hăng hái nhất. Sau khi bị tù, và bị trục xuất về Bắc, anh gia nhập vào Ðảng Cộng Sản, nhưng vẫn còn giữ phong độ của một nhà cách mạng tiểu tư sản, khác hẳn Ðặng Xuân Khu, một đệ tử sùng tín nhất của Staline. Trần Huy Liệu là một đồ đệ của Nho giáo thì đúng hơn vì anh còn rất nhiều thành kiến Nho giáo, cho nên anh thường bị nhóm đồng chí của anh phê bình gắt gao. Tuấn có nhiều dịp chơi thân với Trần Huy Liệu. Tuy không đồng tư tưởng chính trị - Tuấn không bao giờ chấp nhận được lập trường cộng sản, - nhưng Tuấn vẫn giao du với Liệu về phương diện văn nghệ. Trần Huy Liệu, cán bộ cộng sản, trong thành phần chỉ huy cao cấp, lại cũng là một nhà thơ lãng mạn. Ðiều đó, Tuấn thật không ngờ, Trần Huy Liệu có đưa cho Tuấn xem vài ba chục bài thơ Ðường Luật, hoặc Lục Bát của anh (Trần Huy Liệu không làm Thơ Mới), trong đó có những bài xướng họa tình tứ với một nữ hộ sinh đã lớn tuổi, kiêm nữ thi sĩ. Chị này đã săn sóc cho anh rất tận tình trong khi anh bị tù ở Khám Lớn Saigon, và đã lấy anh sau khi anh mãn hạn tù. Vợ lớn chính thức của Trần Huy Liệu là người Bắc, quê mùa, ít học, chỉ lo buôn bán tần tảo nuôi một bầy con rách rưới, vì thời kỳ đó Trần Huy Liệu rất nghèo. Tuấn được biết rõ bà vợ lớn của anh, do anh giới thiệu. Anh cũng cho Tuấn biết anh bị đảng kiểm thảo gắt gao về vụ hai vợ, và buộc anh phải từ bỏ bà vợ hai. Trần Huy Liệu phải tuân lịnh của đảng, nhưng anh rất buồn và đau khổ. Kể riêng tâm sự cho Tuấn nghe, anh cố giữ thái độ bình tỉnh nhưng không ngăn được hai dòng lệ trào ra trên đôi mắt lèm-nhèm của anh. Ðể xử vụ " hai vợ " của Trần Huy Liệu, Trung Ương đảng bộ đảng Cộng sản Ðông Dương họp phiên đặc biệt trên lầu tờ báo "En Avant " của đảng, nơi góc đường Henri d’ Orléans và Hàng Vải Thâm (rue des Etoffes prolongée). Dự phiên tòa đó, có Võ Nguyên Giáp, Ðặng Xuân Khu (lúc bấy giờ chưa có biệt hiệu Trường Chinh) và Khuất Duy Tiến. Trước hôm đó Tuấn có gặp Ðặng Xuân Khu ở phố Hàng Cót, và bảo : - Nếu các anh cho tôi tới xem buổi họp với tư cách là đồng nghiệp của các anh, thì tôi sẽ bào chữa cho anh Liệu. Ðặng Xuân Khu cười, bảo Tuấn : - Anh bào chữa thế nào, nói cho tôi nghe bây giờ được không ? - Tại sao các anh cấm anh Liệu có hai vợ ? Chính chị Liệu có phàn nàn gì về vụ chồng chị có vợ hai đâu ? Khu vỗ vai Tuấn, cười : - Toa mơ mộng lắm ! Toa thích có hai vợ lắm hả ? - Không phải thế. Nhưng moa thấy các toa ăn hiếp Trần Huy Liệu, tội nghiệp lũy chứ ! Chính mõa biết rõ hai người vợ của Trần Huy Liệu, người nào cũng tốt, và tận tụy với lũy lắm, có hại gì cho hạnh phúc gia đình của lũy đâu ? Chuyện cá nhân của lũy, các cậu can thiệp vào làm chi rứa ? Mõa phản đối vụ đó. Sáng mai toa cứ cho thằng Tuấn này tới, nó nhất định sẽ bênh vực cho Trần Huy Liệu. Ðặng Xuân Khu lại cười : - Tuấn ơi, óc của toa còn phong kiến lắm …Một vợ không được sao, phải hai vợ ? Moa đây chẳng có vợ con gì cả thì cũng có sao đâu ! Rồi Khu cười, nói sang chuyện khác. Bảy giờ tối hôm đó, Liệu đến tìm Tuấn tại gác trọ của Tuấn ở phố Hàng Cót. Nét mặt buồn rầu, Liệu trao cho Tuấn một quyển " carnet " nhỏ nhưng khá dầy, trong đó chép rất nhiều những bài thơ xướng họa giữa Trần Huy Liệu và người yêu đã trở thành vợ hai mà anh vừa bị đảng bắt buộc phải từ bỏ. Ngoài ra còn một ít thơ lãng mạn của anh bằng Quốc Ngữ hoặc Hoa Ngữ, vì Trần Huy Liệu có một căn bản Nho học khá vững. Anh bảo Tuấn : - Anh xem mấy bài thơ, rồi cất dùm quyển carnet cho tôi. Tuấn ái ngại nhìn Trần huy Liệu. Anh ta gượng cười nói tiếp : - Anh cứ cất đi, hay là xé đốt tuỳ ý. Tuấn hiểu ngầm rằng, chắc chắn buổi sáng Trần Huy Liệu đã bị các đồng chí của anh kết án nặng, cho nên một quyển thơ bỏ túi, kỷ niệm cuộc tình duyên êm đẹp của anh với Thu Tâm, anh cũng không dám giữ, phải nhờ Tuấn cất hộ “hoặc xé đốt”. Tuấn định sẽ tìm chị Thu Tâm để trao kỷ niệm ấy cho chị, vì trong lúc xẩy ra vụ án, Thu Tâm đã về ở Thái Bình quê của chị. Nhưng Tuấn chưa kịp làm công việc ấy thì sau đó ít lâu, năm 1940, Tuấn bị bỏ tù lần thứ hai, nhà Tuấn bị hiến binh Nhật khám xét và quyển carnet của Trần Huy Liệu cũng bị Nhật lấy luôn. Mấy tháng sau vụ "án hai vợ " của Trần Huy Liệu, Tuấn làm chủ bút một tở tuần báo Phụ Nữ. Liệu làm chủ bút tuần báo Thời Thế, một cơ quan của đảng Cộng sản. Một hôm, Tuấn nhận được thư của chị Thu Tâm gởi mua báo Phụ Nữ, và dặn đề ngoài " bằng " tên và địa chỉ như sau : Bà Trần Huy Liệu Làng…….. Huyện ……… Tỉnh …….. Tuấn tủm tỉm cười, cho gửi báo theo đúng ý muốn của Thu Tâm. Hai tháng sau, Trần Huy Liệu đến toà soạn Phụ Nữ, vẻ mặt hớt hãi, rút trong túi áo ra một " băng “ báo giống hệt cái băng báo Phụ Nữ có đề tên và địa chỉ như trên, và đã đóng dấu nhà bưu điện. Anh khẽ hỏi Tuấn : - Thu Tâm mua báo của anh hả ? - Ừ, Chị ấy có gửi thư mua năm, nhưng tôi gởi báo biếu. - Thu Tâm bảo đề tên như trên băng này hả ? - Ừ - Anh bỏ đi nhé ! Ðề tên Thu Tâm, đừng đề Madame Trần Huy Liệu nữa. Tuấn tò mò hỏi : - Sao anh có cái băng này ? Liêụ cười không trả lời, nhưng căn dặn hai ba lần : - Anh nhớ nhé, bảo tuỳ phái đừng đề “ Madame Trần Huy Liệu “. - Vâng. Xong, Trần Huy Liệu nói sang chuyện khác. Tuấn còn gặn hỏi : - Các đồng chí trong nhóm Cộng sản của anh có biết vụ này không ? Liệu trả lời : - Biết. Rồi anh bắt tay cáo biệt : - Thôi, moa về nhá. Cảm ơn toa nhé. Nhớ hộ chút nhé ! - Ðược rồi. Câu chuyện rắc rối đó còn tiếp tục với bức thư của chị Thu Tâm hỏi tại sao có sự thay đổi tên trên băng báo. Tuấn phải viết thư phúc đáp như việc đã xẩy ra. Sau đó, Thu Tâm bỏ đi Saigon và Tuấn không có tin tức gì của chị nữa. Maurice Honel, nghị sĩ Cộng sản trong Quốc Hội Pháp, do đảng Cộng sản Pháp phái qua Ðông Dương năm 1936 để tiếp xúc với Cộng sản “ An nam “được nhóm này đón tiếp rất là niềm nở tại tòa báo En Avant. Một số đông các nhà văn nhà báo theo khuynh hướng quốc gia cách mạng chống lý thuyết cộng sản, cũng rũ nhau đến xem cuộc đón tiếp. Khi Honel bước vào cửa tòa báo En Avant, cơ quan của nhóm trí thức cộng sản An nam, ông được nhóm này chào mừng hăng hái bằng bài " Quốc Tế Ca " (l’ Internationale) bằng tiếng Pháp mà họ la rùm lên hơn là hát. Vì thật ra họ hát lệch lạc hết, không ăn nhịp với nhau, chỉ nghe ồn ào inh ỏi. Duy có Maurice Honel là hát đúng mà thôi. Tuấn không hát bài L’ Internationale vì Tuấn không phải là Cộng sản, nhưng có chép bài đó làm tài liệu nghiên cứu về Ðệ Tam Quốc Tế. Lúc bấy giờ thành phố Ðáp Cầu đang bị một trận lụt lớn.Muốn lợi dụng cơ hội để tuyên truyền cho Cộng sản, Maurice Honel có trao cho Ðặng Xuân Khu một món tiền để mua mấy chục bao gạo và ông đi với một phái đoàn cộng sản An nam đến Ðáp Cầu để tặng tiền và gạo cho dân chúng bị lụt. Trong lúc ông trao các tặng phẩm giữa đám đông người, thì không biết một bàn tay bí mật nào thừa cơ hội thuận tiện rút mất cái bóp của nghị sĩ cộng sản nơi túi quần sau của ông. Sáng hôm sau các báo Cộng sản Hà Nội đề cập đến vụ mất bóp ấy, đều đồng thanh nói quyết rằng thủ phạm vụ lấy cắp chính là nhân viên Sở Mật Thám Pháp ở Hà Nội len lỏi trong đám đông. Nghe nói trong bóp của Maurice Honel có nhiều giấy tờ bí mật và quan trọng ngoài một số tiền lớn bằng giấy bạc Ðông dương, Honel rất quạu về vụ này và hai hôm sau đi xe lửa vô Saigon để đáp tàu về Pháp. Trước Ðệ Nhị Thế Chiến, muốn rãnh tay ở phương Ðông để tấn công các nước Ðồng Minh phương Tây, Hitler ký hiệp ước tương trợ và bất xâm phạm với Staline. Sự hợp tác bất ngờ này gây một dư luận vô cùng ngạc nhiên và sôi nổi ở các nước Tây phương. Một số đảng viên Cộng Sản Pháp công phẫn cũng nổi lên chống kịch kiệt chánh sách của Staline, và rời bỏ đảng cộng sản, làm sôi nổi cả dư luận thế giới. Hằng ngày Tuấn đọc báo “ Paris- Soir “ của Pháp để theo rõi tình hình căng thẳng ở Âu châu, thấy trong danh sách các nghị sĩ cộng sản Pháp rút tên ra khỏi Ðảng có tên của Maurice Honel. Maurice Honel đi rồi, để lại cho dân chúng Hà Nội nhiều câu chuyện bàn tán khá lý thú về thời gian một tuần lễ ông ở Thủ đô Bắc kỳ. Nhờ tiếp xúc rộng rãi hàng ngày trong các giới trí thức sinh viên, lao động, và làng Văn, làng Báo, Tuấn học hỏi rất nhiều trong các biến cố đặc biệt này. Khó mà biết được những cảm nghĩ xác thực của anh em bên Ðảng Cộng sản, vì thường họ tất dè dặt, khôn khéo, không thành thật trong việc phát biểu ý kiến, nhưng Tuấn có thể biết rõ dư luận tổng quát và khách quan của các phần tử khác trong quần chúng nghĩa là của đại đa số nhân dân. Dư luận chung nổi bật trên hết, là nếp sống trưởng giả của người đại diện Ðảng Cộng Sản Pháp.Theo tuyên truyền của các nhóm Cộng sản An nam, quần chúng lao động, sinh viên, trí thức đã có sẵn thành kiến rằng cộng sản tổ chức đấu tranh vô sản, của khối nghèo đói, nên khẩu hiệu chiến đấu của Cộng Sản Quốc Tế là : Prolétaires de tous les pays, unissez-vous ! (hởi những người vô sản của tất cả các xứ, các anh hãy kết hợp nhau lại). Bài Quốc Tế Ca “ L’Internationale “ của toàn thể cộng sản thế giới cũng bắt đầu bằng hai câu sôi động. Trước khi Honel đến Hà Nội, trong giới lao động có khuynh hướng cộng sản ai cũng đoán chừng rằng “đồng chí “ Honel, Nghị sĩ Quốc hội Pháp, sẽ có một nếp sống rất bình dân, ăn ngủ ở các xóm lao động, và sẽ có những hành vi đề cao “ Lao Ðộng Thần Thánh “ theo danh từ của các báo công sản hay dùng. Người ta chờ đợi những hành vi đó, và nhất là những bài diễn thuyết hùng hồn, những lời kêu gọi nẩy lửa chống chủ nghĩa đế quốc, chống thực dân Pháp, chống bọn tư bản v.v…mà chính phủ thực dân đế quốc sẽ không dám làm gì ông. Ông là một đảng viên có uy tín của Cộng sản Pháp, đại diện chính thức của Lao Ðộng Pháp thuộc Ðệ Tam Quốc Tế, đến Hà Nội để công khai đề cao giới Lao Ðộng, bảo vệ dân nghèo, và để chửi vào mặt bọn thực dân Pháp, bọn đế quốc Pháp, tư bản Pháp, bọn phong kiến An nam, và bắt buộc tụi phản động đó phải lo đầy đủ “ cơm áo tự do “ cho vô sản An nam (prolétaires Annamites, theo danh từ thông dụng). Cho nên cái tin Maurice Honel sắp đến Hà Nội đã gây lên một niềm hy vọng lớn lao, trong các giới gọi là vô sản. Honel được coi như là một vị cứu tinh do đảng Cộng sản Pháp phái sang để giúp đỡ vô sản An nam đấu tranh thắng lợi. Một hôm Tuấn đang ngồi chơi trong tòa soạn báo En Avant với Ðặng Xuân Khu và Trần Huy Liệu, có một anh và một chị bước vào, khúm núm, nói với Trần Huy Liệu : - Thưa anh, đồng chí Hô-nen sắp sang, chúng em sẽ tham gia đón rước như thế nào, xin anh cho biết trước để chúng em lo sắp đặt ạ. Trần Huy Liệu hỏi : - Anh ở đoàn thể nào ? - Thưa anh, em là Tổng thư ký “ Hội Ái hữu công nhân bồi bếp “. Còn đây là chị Tuyết, thủ quỹ đây ạ. Trần Huy Liệu bảo : - Chúng tôi cũng chưa biết nhất định hôm nào đồng chí Honel đến. Sự tổ chức đón rước như thế nào, chúng tôi sẽ loan báo sau. Sau khi hai người này ra về, Ðặng Xuân Khu bảo Tuấn : - Chắc Arnoux không cho phép đón rước long trọng đâu anh ạ. (Arnoux là tên của viên Chánh Mật Thám Pháp Hà Nội lúc bấy giờ). Quả nhiên, sau đó Honel đến lúc nào ít người biết đến. Một buổi chiều, Trần Huy Liệu ở toà soạn về, ghé qua nhà Tuấn, bảo: - 9 giờ sáng mai, đồng chí Maurice Honel sẽ đến thăm chúng tôi ở tòa báo. Anh muốn đến nói chuyện chơi thì đến. Tôi sẽ giới thiêụ anh nếu anh muốn. - Ừ, muốn chứ. Các anh cho tôi nói chuyện với ông ấy độ 10, 15 phút nhé. Chắc ông ấy đâu có thì giờ tiếp chuyện lâu nhỉ ? - Nhất kiến vi kiến, nói chuyện qua loa để làm quen rồi hôm nào rảnh sẽ gặp lâu hơn. Chúng tôi định tổ chức một cuộc gặp gỡ đông đủ anh em làng Báo trong một tiệc trà đãi ông Honel. Chừng đó tha hồ nói chuyện. Trần Huy Liệu quên cho Tuấn biết Honel đến Hà Nội lúc nào. Ông ở khách sạn sang nhất của người Pháp, hút thuốc thơm Craven A. Một người bạn của Tuấn làm giáo sư tư thục, có kể chuyện lại cho nhiều người nghe rằng được ông Maurice Honel tiếp tại khách sạn Hôtel de la Gare, anh lấy ra gói thuốc Mélia (giá bán 6 xu) mời ông Nghị sĩ Cộng sản 1 điếu, nhưng Honel đỏ mặt, cười gượng : - Cám ơn ông, tôi không chịu được mùi thuốc bổn xứ (tabac indigène) Xong Honel lấy gói thuốc thơm Craven A. mời lại ông giáo sư. Ðến phiên ông này từ chối với một nụ cười hóm hỉnh : - Cám ơn đồng chí, tôi không chịu được mùi thuốc đế quốc. Biết anh chàng An-na-mít muốn chơi xỏ mình, Maurice Honel trả lời : - Ở Paris, thợ thuyền An-na-mít cũng hút Craven A. Những mẫu chuyện như trên được kể ra cho người này người nọ nghe, và làm đầu đề bán tán trong các cuộc nhóm họp của sinh viên lao động, trí thức trong thởi gian Maurice Honel ở khách sạn và sau khi ông từ giã Hà Nội vào Saigon. Nhiều anh chị em thợ thuyền đến khách sạn thăm Honel vào những giờ bất thường, như 7 giờ sáng, 1 giờ trưa, vì các giờ khác đồng chí không có ở nhà. Nhưng thường bị Honel từ chối không tiếp trong giờ giấc ngủ trưa, các bạn tỏ ý bất mãn. Một buổi sáng chủ nhật, một nhóm 5 anh thợ máy An nam ở một hãng sửa xe hơi của Pháp, đến khách sạn chờ từ 7 giờ sáng. Gặp anh bồi khách sạn, một người bảo : - Chúng tôi muốn xin yết kiến đồng chí Hô nen. Anh bồi đáp : - Ông Honel còn ngủ, 7 giờ 30 ông mới dậy. Anh em chờ đến 8 giờ. Anh bồi cho biết ông đang thay quần áo, sắp sửa ra đi. Anh em yêu cầu cho đợi ở phòng khách. Trong đám anh em, có một người nói tiếng Pháp thạo hơn, được chọn làm thông ngôn. 8 giờ 15, Maurice từ trên lầu bước xuống tỏ vẻ ngạc nhiên thấy nhiều người ở phòng khách đang chờ ông mà ông không được báo tin trước. Nhưng ông cũng nhã nhặn tiếp. Anh thông ngôn nói : - Thưa đồng chí … Anh nói bằng tiếng Pháp, nhưng hình như “đồng chí “ Honel không hiểu, nên phái đoàn "An nam “ chỉ thấy ông trố mắt ngó anh “ thông ngôn “, không đáp lại một lời nào cả. Sau cùng, Honel bảo : - Tôi cám ơn các bạn đến thăm. Nhưng tôi tiếc rằng tôi có “ rendez- vous “ 8 giờ 30. Vừa lúc đó, có một anh ở tòa báo “ En Avant “ phái đến để đưa Honel đi đến nơi đã hẹn. Phái đoàn thợ máy xe hơi đành phải ra về, và đi thẳng đến tòa báo phàn nàn về sự đồng chí Honel tiếp anh em một cách lạnh nhạt. Mặc dầu nhân viên toà báo giảng giải, anh em vẫn không thông cảm. Do đó và do nhiều chuyện khác mà có dư luận rằng đại diện Ðảng Cộng Sản Pháp và Mặt Trận Bình Dân ở Paris có thái độ quan liêu lắm, không có gì là “ bình dân “ theo như người ta tưởng. Bài quốc tế ca “ L’Internationale “ không có bản dịch ra Việt Ngữ (theo lời Trần Huy Liệu thì bản ấy khó dịch ra tiếng Việt theo đúng những nốt nhạc của bản chính tiếng Pháp). Hôm tiệc trà thiết đãi Honel, chỉ có một số ít đảng viên trí thức hát tàm tạm được bài quốc tế ca với Honel mà thôi, còn đám đông đại diện lao động các giới đều đứng làm thinh nghe. Có vài ba anh, trong đó có một người mắt lé, miệng to, biết chút ít tiếng Pháp, nhưng hát bậy bạ, mà lại giọng hát của anh ta ồ ồ làm át cả các tiếng hát khác, thành thử chẳng ai nghe được gì cả. Honel tỏ vẻ khó chịu và quạu quọ, kiêu căng lắm. Suốt buổi tiệc, không khí gượng gạo, giả dối, mặc dầu Ðặng Xuân Khu và Võ Nguyên Giáp luôn luôn cười nói để gây ra đôi chút niềm nở thân mật với đồng chí Pháp. Vụ mất chiếc bóp của Honel hôm ông đi thăm đồng bào bị nạn lụt ở Ðáp Cầu càng gây thêm cho Nghị sĩ Cộng Sản Pháp một cảm tưởng rất xấu xa về dân tộc Việt Nam. Mặc dầu Ðặng Xuân Khu quả quyết thủ phạm là một tên mật thám, Honel vẫn nghi cho một tên móc túi (pickpocket) trong đám dân chúng, vì Honel được một số đông đảng viên cộng sản luôn luôn đi kèm bên cạnh để che chở và giữ an ninh cho ông, mật thám không thể đến gần ông được. Vụ mất bóp của Honel gây ra một dư luận xôn xao vô cùng. Chung qui Honel chỉ mất một số bạc. và một ít giấy tờ quan trọng, còn dân tộc Việt Nam thì mất cả danh dự và uy tín. Trong vụ này “đồng chí “ nghị sĩ Pháp không muốn phân biệt đảng viên cộng sản An nam và người An nam. Chắc ông ấy nghĩ như bọn thực dân rằng “ chúng nó là dân ăn cắp “. Dĩ nhiên có liền sự phản ứng trên vài tờ báo của các phe Cách mạng Quốc Gia. Những bài này thuật lại vụ Honel bị mất bóp, cho rằng, nếu không phải bọn mật thám Tây lấy thì là một “đồng chí gạc-đờ- co “ của ông nghị sĩ Cộng sản, chớ không thể là một ngươì thường dân được, vì thường dân đâu được đến gần vị đại diện chính thức của Ðảng Cộng sản Pháp. Nhưng Maurice Honel chí là phái viên của Ðảng Cộng sản Pháp, mà Ðảng Cộng sản chỉ là một thành phần của chính phủ Mặt trận Bình dân ở Paris. Trái lại, Justin Goddart, thanh tra Lao động, nhân viên chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp, được phái sang kinh lý Ðông Dương, mới thật là một nhân viên chính thức có đầy đũ uy tín hơn. Vỉ thế nhà cầm quyền Pháp ở thuộc địa phải dành cho ông một cuộc tiếp rước trọng thể. Các tổ chức chính trị và lao động của dân chúng cũng được công khai tham gia cuộc đón tiếp ấy. Mục đích viếng thăm của Justin Goddart là thu thập những nguyện vọng của dân chúng thuộc địa, đặc biệt hơn hết là giới bình dân, thợ thuyền, lao động …Nói đúng ra, về tổ chức chính trị của dân chúng chỉ có Ðảng cộng sản là hoạt động công khai mà thôi, tuy họ vẫn có thành phần hoạt động bí mật. Còn hầu hết các đảng phái quốc gia đều nằm trong bí mật và để bảo vệ hoàn toàn sự bí mật ấy họ không tham gia một phong trào công khai nào cả, dù phong trào có tính chất cách mạng và được chính quyền thuộc địa cho phép. Ngay đảng cộng sản được cơ hội bành trướng mạnh mẽ nhưng các tổ chức thợ thuyền của họ cũng được che đậy khéo léo dưới hình thức các “ Hội Ái Hữu “ không làm chính trị, với mục đích tương thân tương trợ trong phạm vi nghề nghiệp mà thôi. Ðại khái như các “Ái Hữu thợ đóng giày dép, Ái Hữu thợ máy xe hơi, Ái Hữu thợ giặt ủi, Ái Hữu bồi bếp v.v…Họ tổ chức đúng theo luật lệ hiện hành : một số người cùng nghề ký vào một là đơn xin nhà cầm quyền cho phép lập “ Hội Ái Hữu “ và cam kết tôn trọng luật pháp của “ Nhà Nước “. Nhưng bên trong thì họ hoạt động bí mật theo Cộng Sản, và phần đông là đảng viên cộng sản. Ðám đông người tham gia cuộc đón tiếp Justin Goddart trước nhà Ga xe lửa Hà Nội gồm hầu hết những anh chị em các “ Hội Ái Hữu “ bình dân. Mỗi hội tham gia chừng 20 người, đứng ngay hàng thẳng lối, với một tấm bảng viết bằng sơn đỏ tên của hội bằng Pháp ngữ : Amicale des boys et des cuisiners (Aí Hữu Bồi Bếp). Amicale des cordonniers (aí hữu thợ giày) v.v… Và những tầm biểu ngữ như : Vive le camarade Justin Goddart (hoan hô đồng chí Justin Goddart) Vive le Front Populaire (Hoan hô Mặt trận bình dân). Justin Goddart là người của đảng Xã Hội S.F.I.O của Léon Blum, Thủ tướng Nội Các Mặt trận các mặt trận bình dân, chứ không phải người của Ðảng Cộng Sản. Nhưng các khẩu hiệu đón tiếp Goddart được căng lên là của cộng sản : - Cơm áo, Tự Do - No ấm, Tự Do. - A bas le colonialisme à la trique (đả đảo thực dân dùi cui !) “ Thực dân dùi cui “ là chỉ bọn cảnh sát của thực dân hay cầm dùi cui để đánh đập và giải tán các người biểu tình. Justin Goddart từ Paris sang Saigon, rôì từ Saigon , đi xe lửa tốc hành ra Hà Nội. Dĩ nhiên, đại diện của chính phủ Léon Blum đi toa đặc biệt trong chuyến tàu suốt (train direct) Saigon - Hà Nội. Nửa giờ trước khi tàu suốt đến ga, Tuấn và vài người bạn với tư cách nhà báo, đến ga để xem. Viên chánh mật thám Arnoux mặc lễ phục và đeo băng tam sắc (xanh –trắng – đỏ, màu cờ Pháp) quấn vòng nơi thắt lưng, đứng giữa sân ga. Y đeo nơi hông một chiếc súng lục (revolver) đã cũ, và một chiếc dùi cui bằng cao su sơn trắng. Nét mặt của y đầy vẻ hăm dọa. Cuộc tập trung biểu dương lực lượng thợ thuyền và đưa yêu sách đã được cho phép chính thức, nhưng Arnoux vẫn tỏ nét mặt hầm hầm, quyết ra tay đàn áp nếu thợ thuyền biểu tình làm mất trật tự. Y đã bảo trước cho ban tổ chức cộng sản như thế. Tuấn và hai người bạn sinh viên Cao đẳng Ðông Dương ra đến trước sân ga, còn đứng xem bên góc trụ đèn đầu đường Gambetta, liền bị Arnoux chạy tới đuổi đi. Y bảo : - Các anh không có phận sự gì ở đây, cút đi chỗ khác. Dĩ nhiên y nói tiếng Pháp. Tuấn trả lời : - Chúng tôi đến xem các ông đón rước ông Justin Goddart. - Các anh là ai ? - Chúng tôi là sinh viên trường Cao đẳng Ðông Dương, và cũng là nhà báo. - Nếu thế thì các anh phải đứng vào hàng ngũ theo trật tự. - Chúng tôi không có hàng ngũ. Chúng tôi chỉ đi xem với tư cách cá nhân. Xe lửa tốc hành Saigon - Hà Nội sắp tiến vào ga. Tiếng còi của nó vang lên từ ngã tư Khâm Thiên, khiến mọi người xôn xao. Arnoux vội vàng chạy đến cửa ga, truyền lịnh cho nhân viên của y, độ ba chục người đang chờ nơi đấy, đi tản mác đến các vị trí tập trung của quần chúng thợ thuyền đông đảo, để kiểm soát những hành động của họ lúc Justin Goddart đến. Vị đại diện của Chính phủ Mặt Trận Bình Dân Pháp là một ông Tây cao lớn, ước độ 60 tuổi, nét mặt nghiêm nghị. Trái với sự mong muốn của đám bình dân sắp hàng ngũ chỉnh tề để đón tiếp và hoan hô ông, vị đại diện của Chính phủ Mặt trận Bình Dân Pháp, ngồi xe hơi của Phủ Toàn Quyền, đi ngang qua hàng nghìn thợ thuyền, được họ hoan hô nghiệt liệt, mà ông không bảo ngừng xe, không hỏi han một câu, không nghe những nguyện vọng và yêu sách của họ. Trong số cán bộ Cộng sản điều khiển đám biểu tình đón tiếp, một cô giáo vừa thi đỗ Tú Tài Pháp, tên là Tâm Kính, cộng sự viên của một tờ báo Pháp ngữ. Tuy người không đẹp nhưng căn bản văn hoá rất vững, tinh thần cách mạng rất mạnh, viết và nói tiếng Pháp rất giỏi, tài hùng biện rất cao, cô được các giới bình dân rất kính phục. Cô được đề cử đại diện cho toàn thể anh chị em lao động để đón chào ông Justin Goddart và đưa các yêu sách “ cơm no áo ấm “. Nhưng Justin Goddart ngồi trong xe hơi, phớt tỉnh đi ngang qua, không chú ý đến cô thiếu nữ 20 tuổi mạnh dạn tiến đến xe ông. Xe của “đồng chí “ chạy thẳng luôn về Phủ Toàn Quyền. Một luồng gió thất vọng thổi qua đám biểu tình chào mừng vị đại diện của Nội các Mặt trận Bình dân Pháp, không được ông này ngó ngàng đến. Tuấn thấy một cảnh tượng mĩa mai làm sao ! Ðám biều tình đã hăng say chuẩn bị từ một tuần lễ trước cuộc đón tiếp đầy hứa hẹn tốt đẹp. Giờ đây, sau khi chiếc xe xủa Justin Goddart đi qua rồi, dân chúng liền bị giải tán một cách tàn nhẩn, bởi các nhân viên mật thám và lính “ phú lít “ dưới sự điều khiển của Arnoux và mấy viên Cẩm Tây. Những biểu ngữ “ cơm no áo ấm, tự do “ Vive le Front Populaire, “ Hoan hô đồng chí Justin Goddart đều bị gở ra lập tức, xếp lại và nhét trong túi quần của các “đồng chí “ lao động An-na-mít. Sự viếng thăm của Justin Goddart, đại diện Chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp, không có một tiếng vang nào khác. Hôm ông lên tàu hỏa trở vào Nam kỳ do chuyến tốc hành Hà Nội – Saigon, chỉ có nhà cầm quyền thuộc địa ra tiễn ông tại nhà ga mà thôi. Cuộc nổi dậy của dân chúng và thợ thuyền Paris ngày 6- 2-1936, kết quả lật đổ một chính phủ bất lực của phe tư bản, và đưa lên chính quyền một Chính Phủ Bình Dân do 3 Ðảng lớn cầm đầu. Ðảng Xã Hội (Sfio, Section Francaise de L’ Internationale Ouvrière) chi nhánh Pháp của Quốc Tế Lao Ðộng. Sự thực toàn là những nhân vật tư bản và tiểu tư sản, như kiểu Léon Blum – Justin Goddart, Marius Moutet, đảng Cộng sản Pháp (PCF, Parti communiste Francaise) dưới quyền điều khiển và kiểm soát của lãnh tụ Nga, Staline, và đảng Xã hội Cấp tiến (Parti Radical Socialiste) của nhóm Edouard Henriot, nghị sĩ và Thị trưởng Lyon. Ở Việt Nam, sự nắm chính quyền của Mặt trận Bình dân Pháp năm 1936 đã đem lại cho toàn thể dân chúng thuộc địa một niềm hy vọng lớn lao, ngay lúc đầu tiên. Nhưng về thực tế, không có biến cố nào quan trọng ngoài một vài thay đổi về hình thức không có ảnh hưởng mảy may đến đời sống chính trị và kinh tế của dân thuộc địa.