1931 - Phong trào chấn-hưng Phật Giáo - Ở Saigon - Ở Huế - Ở Hà-nội - Châm ngôn " Phi cao đẳng bất thành phu phụ " của giới " tiểu thư lãng-mạn" Hà-thành. Một hậu quả không ngờ của sự giác ngộ về chính trị, và tinh thần ái quốc phấn khởi của các giới chức Việt Nam, từ khi hai cụ Phan về nước và sau cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quốc Dân Ðảng, là phong trào “Chấn hưng Phật giáo," bộc phát ở Saigon năm 1931. Theo dõi các biến chuyển trong đời sống xã hội của Dân Tộc, Tuấn tìm hiểu đến tận gốc nguyên nhân cụ thể của các phong trào mới. Từ khi người Pháp đô hộ Việt Nam ta gần một thế kỷ, đạo Thiên Chúa đã gây được một thế lực khá rộng rãi và bành trướng khá mạnh. Ðồng thời đạo Phật bị hạn chế nghiêm khắc, bị khinh rẻ bởi triều đình Huế và bởi các quan An nam tôi tớ trung thành của Nhà Nước Bảo Hộ. Nhưng từ năm 1920, ở Trung Hoa Dân Quốc đã nổi lên phong trào “bài ngoại “ chống văn minh tây phương, do đó chống cả Thiên Chúa Giáo. Một cuộc vận động chấn hưng Phật giáo được cổ xuý khắp nước Tàu, khởi điểm từ Nam Kinh, do các nhà trí thức đề xướng. Cuộc vận động ấy tràn qua Việt Nam được một số các nhà lão Nho hưởng ứng. Nhưng uy quyền của Pháp đang mạnh, thế lực Thiên Chúa Giáo mà thực dân Pháp coi như Công Giáo, được che chở, kính nể, đang bành trướng khắp nơi, nên các cuộc vận động chấn hưng Phật Giáo ở Việt Nam bắt nguồn từ Trung Hoa Dân Quốc năm 1920 đều bị ngăn trở và cấm đoán. Phải đợi đến mười một năm sau, các trào lưu cách mạng làm xáo động tinh thần ái quốc của các giới trí thức ngấm ngầm đả kích các hình thức văn minh Pháp, lấy câu “ bảo vệ Quốc hồn Quốc Tuý “ làm châm ngôn cách mạng, đạo Phật mới gặp cơ hội thuận tiện để vùng dậy, bắt đầu từ Saigon, nhượng địa của Pháp. Ngày Tuấn vào Saigon lần thứ nhất, cuối năm 1930, phong trào chấn hưng Phật Giáo đã được cổ động khá rầm rộ trên các mặt báo Saigon. Theo phong trào này, Tuấn thân hành đến chùa Linh Sơn, đường Douaumont (nay đổi tên là đường Cô Giang) là trụ sở của “ Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học Hội “, Tuấn được gặp vị trụ trì ở đây, Hòa Thượng Lê Khánh Hòa, vị Sư ái quốc, chủ trương chấn hưng Phật Giáo, và hội trưởng N.K.N.C.P.H.H. Tuấn được Hòa thượng biếu một mớ Kinh Phật mới in xong. Hầu hết các nhân viên của Hội Phật Học này đều là cư sĩ, trí thức thượng lưu nam nữ, như đệ nhứt Phó Hội Trưởng Commis Chấn. Phong trào Chấn hưng Phật Giáo ở Saigon được truyền bá ra Trung Kỳ rất mau chóng, và ngay năm sau, 1932, một Hội Phật Học được thành lập Huế, gọi bằng tiếng Pháp là : "Société d’ Encouragement à l’ étude de la Religion Bouddhique en Annam“, viết tắt là S.E.E.R.B.A. Tuấn không hiểu sao người ta lại đặt cho Hội một cái tên Pháp dài dòng như vậy : “ Hội Khuyến học Phật Giáo Trung Kỳ “. Tại sao không rút ngắn lại thành hội Phật Học Trung Kỳ chẳng hạn, vừa giản dị vừa đầy đủ ý nghĩa hơn. Tuấn tò mò hỏi một vài người bạn làm Tham Tá ở toà Khâm thì họ giải thích rằng : Nhà Nước Bảo Hộ sợ có những người lợi dụng danh từ “ Hội Phật Học “ quá rộng nghĩa để phát triển mạnh mẽ phong trào Phật Giáo, cho nên bắt buộc những người sáng lập Hội rút hẹp phạm vi hoạt động. Mục đích của Hội chỉ là “Khuyến Học“ Phật giáo mà thôi. Vì thế, cho nên hội S.E.E.R.B.A. chỉ được coi như là một hội khuyến học đặt dưới quyền kiểm soát chặt chẻ của Chính quyền, theo những luật pháp bó buộc của chánh thế Bảo Hộ. Tất cả mọi hoạt động của Hội, dù là có tính cách hoàn toàn tôn giáo đều bị hạn chế trong khuôn khổ học Ðạo, và riêng trong lĩnh vực Trung Kỳ mà thôi. Tuy vậy, phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ và Trung kỳ vẫn ngấm ngầm truyền bá ra đất Bắc. Năm 1934, một số trí thức Phật tử có tinh thần bài Pháp và chống Thiên Chúa giáo, đứng ra lập một hội Phật Giáo Bắc Kỳ và tôn Sư Cụ Vĩnh Ngiêm ở Bắc Giang làm Pháp chủ. Hội quán của Hội được đặt tại chùa Quán Sứ, đường Richaud, Hà Nội. Hội lại mở một nhà in và nhà xuất bản. Tạp chí Ðuốc Tuệ của Hội được khá đông tín đồ hoan nghênh. Hội Khuyến Học Phật Giáo Trung Kỳ cũng xuất bản tại Huế một tạp chí Phật Học lấy tên là Viên Âm. Tuấn học ở Hà Nội, nhận thấy rằng các phong trào Chấn Hưng Phật Giáo không được bành trướng mạnh, một phần vì bị luật pháp của Nhà Nước Bảo Hộ hạn chế, một phần vì chính các Hội kia không có đủ phương tiện phát triển. Ngân quỷ rất nghèo nàn với tiền cúng dường của số ít hội viên giàu. Song song với phong trào Chấn Hưng Phật Giáo năm 1931 ở Saigon, một “ Thông Thiên Hội “ cũng được thành lập do một nhóm người chủ trương, ở đường Vassoigne, Tân Ðịnh. Tạp chí Niết Bàn của nhóm ấy phát hành cũng được giới tín đồ Phật giáo hoan nghênh. Phong trào chấn Hưng Phật Giáo bồng bột trong những năm 1931,1932, 1933, 1934, xét kỹ ra thì chỉ thích hợp với những lớp trí thức từ 40 tuổi trở lên và có tinh thần chống Pháp tiêu cực, nhất là ngấm ngầm chống ảnh hưởng và uy quyền của Thiên Chúa Giáo, lúc bấy giờ được Chánh Phủ Bảo hộ rất kiêng nể. Ðồng thời các nhà Sư chủ trương phong trào ấy cũng có tinh thần ái quốc kín đáo, khéo che đậy dưới một cuộc hoạt động tôn giáo hoàn toàn vì Ðạo Pháp. Những nhân vật nổi bật của Phong Trào Chấn Hưng Phật giáo là Sư Cụ Lê Khánh Hòa, trụ trì chùa Linh Sơn, Saigon và ông Commis Chấn. Hội trưởng và đệ nhất phó Hội trưởng Hội “Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học Hội “ – sau đổi là “Linh Sơn Nghiên Cứu Phật Học Hội “ – Hòa thượng Thích Mật Thể và ông Lê Đình Thám, Y-sĩ Ðông Dương (médecin Indochinois) ở bệnh viện Trung ương Huế, Hội trưởng Hội S.E.E.R.B.A (Trung Kỳ Phật Giáo Khuyến Học Hội) và ở Hà Nội là ông Nguyễn Văn Vĩnh và Sư Tổ Vĩnh Nghiêm. Về sau, Chính phủ Bảo hộ muốn kiểm soát phong trào Phật Giáo Bắc kỳ, đã tìm cách đưa ông Nguyễn Năng Quốc, tổng đốc hưu trí, vào làm Hội trưởng Hội Phật Giáo Bắc kỳ. Tuấn, chàng trai trưởng thành trong thế hệ Nguyễn Thái Học, đầu óc bị kích thích quá mạnh, và tinh thần tò mò qúa độ, chuyện gì cũng muốn biết, muốn xem, muốn học hỏi, nhân đi Saigon để tính lập một Kỳ bộ Thanh Niên Việt Nam Quốc Dân Ðảng nhưng không thành, đã tìm hiểu về các đảng cách mạng khác, và đồng thời cũng ghé thăm chùa Linh Sơn. Ði ngang Trung Kỳ, chàng ghé thăm Huế và viếng thăm chùa Từ Ðàm, chùa Bảo Quốc, chùa Linh Mụ, và gặp ông Lê Đình Thám. Về Hà Nội, chàng tìm hiểu những hoạt động của Hội Phật Giáo Bắc kỳ ở chùa Quán Sứ. Chàng nhận xét hai điều : - Một là thanh niên không tham gia vào các phong trào này. Thấy trên bàn của chàng những tạp chí Ðuốc Tuệ (Hà Nội), Viên Âm (Huế), Niết Bàn của Hội Thông Thiên học Saigon, và các sách Phật của Hội Nam Kỳ. Nghiên cứu Phật học, nhiều bạn của chàng chế nhạo chàng là “ gàn“. “ 21, 22 tuổi mà muốn đi tu “ … Vả lại, đối với đa số thanh niên không nghiên cứu đến Phật giáo, những tạp chí trên quả thật là khó hiểu. Chúng thuộc về các loại sách mà giới sinh viên học sinh thời bấy giờ gọi là “sách nhồi sọ” (bourrage de crâne). Chỉ có những kẻ ương ương, gàn gàn thích những triết lý vẩn vơ, mới đọc những sách báo nhồi sọ ấy. Tuấn bị một số đông bạn bè liệt và hạng “ cụ non “ bất hủ. Những ngày Rằm. Mồng Một hoặc những ngày Vía Phật, Tuấn đến chùa Quán Sứ chỉ thấy toàn là các cụ, các ông, các bà, với vẻ mặt thành kính, tin tưởng. Thỉnh thoảng mới có một cô thiếu nữ đi theo các bà cụ, nhưng để bưng các quả đèn hương, oản, chuối, để cúng nhà Chùa. Trên điện thờ, tượng Phật ngồi điềm nhiên, lặng lẽ, mắt nhắm như không muốn thấy cảnh tín ngưỡng nhộn nhịp chung quanh. Các nhà Sư cũng vậy, không niềm nở sốt sắng, ông nào cũng có vẻ trầm ngâm, đạo mạo, như tách hẳn ra ngoài vòng thế tục. - Hai, là Phật giáo như một thế giới riêng biệt, huyền mơ trong sương khói, không trực tiếp liên quan gì đến Ðời Người. Phong trào Chấn Hưng Phật Giáo có lẽ vì thế mà không được bành trướng sâu rộng trong xã hội. Tuấn suy nghĩ về tình hình tổng quát của Nước Nhà, nhận thấy rằng sau một cuộc chiến tranh, hay một biến cố rung rợn khủng khiếp như cuộc khởi nghĩa đầy máu lửa của Việt Nam Quốc Dân Ðảng ở các tỉnh Bắc kỳ (người Pháp Albert de Pouvourville có viết một quyển sách nói về đêm khởi nghĩa ở Yên Bái, nhan đề là “ La nuit rouge de Yên Bái) và cuộc xử chém Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí, lòng người dân Việt Nam đâm ra chán nản, tự nhiên quay về tìm Ðạo Từ Bi, Hỷ Xã để được yên tỉnh trong tâm hồn. Những người đến chùa lạy Phật, không có quan niệm chen đua với đời, nên phong trào Chấn Hưng Phật Giáo chỉ có đôi chút nôn nao trong khung cảnh lặng lẽ của Nhà Chùa, ít có tiếng vang xao động ngoài trần thế. Phái thanh niên, cả nam lẫn nữ, ở Bắc kỳ cũng như ở Trung và Nam kỳ, không những đã không tha thiết tham gia vào công cuộc trùng hưng Phật học, mà trái lại họ còn hùa theo các phong trào lãng mạn vừa chớm nở, sau 1931. Tuấn cũng theo sát những biến cố gây ra phong trào này. Nói đúng hơn, đây là một cuộc phục hưng của phong trào lãng mạn (renaissance du courant romantique de 1925). 1925, Tuấn còn học ở Qui Nhơn, mới 13 tuổi chưa biết gì, hãy còn là một cậu học trò quê mùa, ngớ ngẩn, thì ở Hà Nội, trường Cao đẳng Ðông Dương (Université Indochinois) - Ðại học “ lô can “ – đang đào tạo một lớp sinh viên Tây học hoàn toàn theo ảnh hưởng văn học Pháp. Một trong đám sinh viên trẻ tuổi ở lớp Sư Phạm, là Hoàng Ngọc Phách, có viết một quyển tiểu thuyết nhan đề là “ Tố Tâm “. Ðó là quyển tiểu thuyết lãng mạn đầu tiên, do nhà sách Nam Kỳ ở Bờ Hồ, xuất bản. Trong lúc các sinh viên trường Cao đẳng Hà Nội được trọng vọng và phong trào các cô “tiểu thơ “ khuê các chỉ ham lấy chồng Cao đẳng được lan tràn trong giới Nữ Lưu (Phi Cao đẳng bất thành phu phụ) thì tiểu thuyết Tố Tâm ra đời, vừa đúng lúc để đưa phong trào ấy lên đến tuyệt đỉnh. Tác giả Song An Hoàng Ngọc Phách, sinh viên Cao đẳng Sư phạm, trở thành thần tượng của tất cả các cô gái Hà Nội, Tố Tâm thành quyển truyện đầu giường của toàn thể thanh niên nam nữ vào lứa tuổi từ 18,19 đến 30. Tố Tâm được bạn trẻ thế hệ 1925 hoan nghênh nhiệt liệt, chính vì nó là quyển truyện ái tình, trong đó diễn tả tình yêu của một sinh viên Cao đẳng, với một “ tiểu thư “ khuê các, tượng trưng cho những tình yêu lãng mạn trưởng giả thời bấy giờ. Phong trào tiền lãng mạn (mouvement pré-romantique) của Tố Tâm còn dư âm đến những năm 1926-1930 thì bỗng dưng ngưng hẳn lại vì cuộc khởi nghĩa đẩm máu của Việt Nam Quốc Dân Ðảng ở các tỉnh Bắc Kỳ, và nhất là vụ 13 liệt sĩ QDÐ bị lên đoạn đầu đài ở Yên Bái, tháng 6.1930. Ngưng chỉ ngưng được 2 năm, thời gian Phật giáo muốn nổi lên dưới hình thức “ chấn hưng và khuyến học “ của các nhà tu sĩ lão thành nặng lòng vì nước muốn bảo tồn một truyền thống quý báu của Dân Tộc. Lớp thanh niên trí thức lứa tuổi của Tuấn, chỉ theo dõi với nhiều thiện cảm phong trào Phật Giáo, như một phong trào có khuynh hướng bảo vệ “ Quốc Hồn Quốc Tuý “. Nhưng họ không sốt sắng hưởng ứng những hoạt động tiêu cực mà tuổi trẻ cho rằng có tính cách yếm thế, có lý tưởng quá mờ mịt cao xa.