Ninh nói tiếp:
− Anh gặp Su Su ở Ngàn Khơi, nhưng cô bé cứ tưởng anh là dân bảo kê nhà hàng. Khổ một điều, chẳng biết lý do gì mẹ anh yêu cầu dượng Bài cho Su Su nghỉ việc.
Thụy hỏi ngay:
− Ba em có làm thế không?
Ninh thở dài:
− Dượng Bài vẫn để Su Su tiếp tục, nhưng mẹ anh rất cương quyết. Anh rất khó chịu trước tình cảnh này.
− Anh thật lòng thích Su Su à?
Ninh chép miệng:
− Thích là thích chớ thật hay giả gì.
Thụy xoa hai tay vào nhau:
− Chà! Tự thú rồi nghen. Hình như lần đầu tiên em nghe anh nói thích một người. Su Su cũng đáng để anh thích lắm, nhưng nhớ tới ông Tư Thụ, em thấy ngại cho anh quá.
Ninh tự tin:
− Anh nghĩ mình có thể lấy được tình cảm của ông Thụ.
Thụy nhấn mạnh:
− Em muốn nói tới bản chất của ông ta kìa. Không đơn giản chút nào nếu phải chịu đựng lâu dài một ông bố vợ như vậy.
Ninh xua tay:
− Chú mày nghĩ xa xôi quá.
− Điều đó chứng tỏ em có kinh nghiệm hơn anh. Thích một người, yêu một người rồi cưới một người là cả một quá trình đầy khó khăn thử thách. Thà anh cứ chơi chơi qua ngày như lâu nay, trái tim anh sẽ nhẹ nhàng, đầu óc anh sẽ thanh thản hơn.
Ninh im lặng. Thật tình anh chưa nghĩ xa xôi như Thụy đang nói. Thích một người, anh đã thích rất nhiều lần nhiều người nào đó, sau một thời gian thoáng qua rồi thôi. Cho dù các cô gái ấy có cố tình níu kéo, Ninh vẫn tìm cách giữ khoảng cách an toàn đến mức độ bè bạn sơ giao. Với Khuê Tâm thì sao? Anh đang thích Tâm, nhưng Ninh muốn tiến sâu hơn, chớ không giữ lại ở khoảng cách bạn bè với cô bé.
Thụy hỏi:
− Su Su yêu anh chớ?
Thấy Ninh lặng thinh, Thụy tự trả lời:
− Chắc trăm phần trăm là vậy rồi. Dại gì không yêu một anh chàng Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoá thế này.
Ninh lừ mắt:
− Không được nghĩ xấu về người khác như vậy. Khuê Tâm rất giữ ý với anh.
Thụy nhún vai:
− Đó là thực tế. Anh thấy, trong những bộ phim lãng mạn vẫn có cốt truyện na ná kiểu cô gái đẹp nhà nghèo được một tiểu thiếu gia giúp đỡ. Thế là cô gái yêu tiểu thiếu gia. Qua nhiều khó khăn, sóng gió, kết cuộc vẫn là một đám cưới. Chậc! Em mong anh cũng thế.
Ninh thấy rõ Thụy rất ác cảm với ông Thụ, có lẽ chính vì vậy nên cậu ta cũng có ấn tưỡng xấu với Khuê Tâm.
Anh gằn giọng:
− Em muốn nghĩ sao cũng được, nhưng anh đề nghị em không nói gì về Khuê Tâm với mẹ anh.
Thụy thản nhiên:
− OK. Em biết rồi.
Ninh nhìn đồng hồ. Giờ này chắc Khuê Tâm đã đi làm. Anh thấy nhớ và khao khát được gặp cô. Suốt ngày hôm nay anh đã ở trong Ngàn Khơi để làm việc với ông Bài, nhưng anh chưa gặp Tâm, thay vào đó là Cẩm Nhung. Cô ta luôn lượn lờ trước mặt Ninh và luôn liếc mắt đưa tình một cách trắng trợn, khiến anh chợt ngán ngẩm sự đời.
Ninh đứng dậy:
− Anh tới Ngàn Khơi.
Thụy hóm hỉnh:
− Dạo này anh siêng nhỉ? Nhờ động lực yêu nên có khác. Vậy cũng tốt, chắc dì Ảnh rất hài lòng.
Ninh lắc đầu:
− Chú mày nói nhiều quá.
Dứt lời anh dắt xe ra, Thụy bước theo để đóng cổng. Vừa đi anh chàng vừa huýt gió một bài tình ca nghe thật rộn ràng.
Ninh lướt chiếc xe êm ru trên đường. Lòng không thôi nghĩ về Khuê Tâm.
Mẹ anh đang tìm hiểu cô bé để biết đối thủ của Hương Ngu và anh sâu đậm cỡ nào. Nhưng tại sao vừa gặp Tâm lần đầu bà đã muốn cô bé nghỉ việc? Vào thời điểm đó đã có ai biết Ninh có mối quan hệ với Khuê Tâm đâu.
Lẽ ra anh nên tìm hiểu chuyện này từ ông Bài, nhưng vì Ninh nghĩ không nên đặt nặng vấn đề nên đã thôi. Bữa nay anh sẽ hỏi cho ra lý do vì sao mẹ mình lại có thành kiến với Khuê Tâm từ cái nhìn đầu tiên.
Gởi xe, Ninh bước vào Ngàn Khơi và đi rảo một vòng. Tối nay khách khá đông, nhân viên phục vụxoay như chong chóng, nhờ thế, anh không bị Cẩm Nhung quấy rối.
Tới quầy thu ngân, anh hỏi Hường:
− Khuê Tâm đâu chị?
Hường nhăn mặt:
− Nó đang bị sao quả tạ chiếu...
Ninh sốt ruột:
− Nghĩa là sao? Chị nói đại đi!
Hường hạ giọng:
− Cô Nhu gọi con nhỏ vào phòng của ông Bài. Không biết cổ mắng mỏ gì trước khi bắt con bé nghỉ việc mà lâu thế.
Người Ninh nóng bừng cơn nóng. Anh hầm hầm đi về phía văn phòng, không cần gõ cửa, anh đẩy mạnh vào.
Có hai người bên trong cùng nhìn ra, nhưng duy nhất anh chỉ thấy Khuê Tâm với đôi mắt rơm rớm và đôi môi mím chặt.
Đứng ngay cửa. Ninh hít vào một hơi dài để dằn cơn nóng xuống, anh nhỏ nhẹ:
− Có chuyện gì vậy Hương Nhu?
Dù khá bất ngờ trước sự xuất hiện của Ninh, nhưng Nhu vẫn ngọt ngào:
− Chuyện bình thường thôi mà anh. Có một vài sai sót do cô gái này cố tình ghi sai khi cộng hoá đơn. Em đang tìm hiểu xem mức độ sai lệch tới đâu để còn xử lý.
Ninh lạnh lùng:
− Ai yêu cầu em làm chuyện này khi đây không có việc của em?
Mắt Hương Nhu tròn xoe:
− Thì bác Ảnh chớ ai. Nếu không vì bác, em đâu tới đây vào giờ này cho cực thân.
Ninh nhếch môi:
− Cám ơn sự nhiệt tình của Nhu. Em cứ về, để anh xử lý mọi việc ở đây.
Hương Nhu dỗi:
− Anh đuổi em đấy à?
Ninh dài giọng:
− Anh không muốn em cực thân.
Liếc xéo Khuê Tâm, Nhu nói:
− Vậy em về.
Đứng dậy, Nhu thản nhiên bước ngang mặt Tâm và nói trỏng:
− Đừng tưởng có chỗ dựa là ngon nha. Tất cả chỉ mới bắt đầu thôi.
Đưa chân sập mạnh cánh cửa khi Nhu bước ra. Ninh nhào tới chỗ Tâm ngồi, giọng thắc thỏm:
− Su không sao chớ?
Khuê Tâm khẽ lắc đầu, Ninh hỏi:
− Nhu đã nói gì em?
Tâm đều giọng:
− Chị ấy bảo em tắc trách trong công việc, nên nghỉ làm cho rồi.
Im lặng một chút, Tâm bảo:
− Có lẽ em không nên tiếp tục nữa.
Ninh khẽ nhíu mày:
− Sao lại thế?
− Em không muốn bác Bài gặp phiền phức... Và cả anh nữa.
Ninh bật cười:
− Anh mà phiền phức gì.
Khuê Tâm chớp mi:
− Em không muốn chị Nhu có cái nhìn sai về em, thưa cậu chủ.
Ninh chặc lưỡi:
− Cái gì mà cậu chủ. Với Su, anh muốn chúng ta là bạn.
− Vì vậy anh mới nói dối anh là bảo kê. Anh nghĩ tình bạn có thể bắt đầu trong gian dối sao? Em thật sự bị hẫng và thấy bị xúc phạm.
Ninh nhỏ nhẹ:
− Anh xin lỗi Su. Anh không muốn em biết anh làm gì trong nhà hàng. Anh không muốn giữa chúng ta có khoảng cách. Lần đầu gặp em, trong Ngàn Khơi, anh rất bất ngờ bà bối rối. Anh nghĩ từ từ sẽ giải thích với Su.
Khuê Tâm buồn bã:
− Anh đâu cần phải làm thế. Trước sau gì em cũng là nhân viên của anh.
Khoảng cách trên dưới đã sẵn có, dù anh không muốn.
Nhìn Ninh bằng ánh mắt rấn nước, Tâm nói:
− Xin phép anh em về.
Ninh tha thiết:
− Su Su...
Khuê Tâm bước đi không đành lòng. Cô nuốt nghẹn xuống:
− Em cám ơn anh đã tốt với em.
Khuê Tâm chưa kịp mở cửa phòng, Ninh đã nắm tay cô giữ lại:
− Ngồi xuống đã. Anh sẽ tìm cho em một công việc khác, một chỗ làm bán thời gian khác. Lúc ấy giữa chúng ta không có khoảng cách nào hết. Anh rất thích em, Su Su à.
Khuê Tâm thấy tim mình thổn thức vì ánh mắt, vì lời nói của Ninh. Cô lo lắng vì Ninh quá quan tâm tới mình.
Anh là ông chủ nhỏ, còn Tâm chỉ là người làm công. Tâm xuất thân nghèo nàn với một ông bố vô công rỗi nghề lại nát rượu. Ninh thích cô ở điểm nào kìa? Nếu đem so sánh, chắc chắn Tâm thua hết thảy những cô gái quanh cậu chủ Ninh. Bởi vậy cô nên thực tế một chút. Thực tế vẫn dễ tồn tại hơn.
Trấn tĩnh lại, Khuê Tâm ấp úng:
− Nhưng... ba... ba em không thích anh đâu.
Ninh nghiêng đầu. Anh ngắm gương mặt bừng đỏ của Tâm và thì thầm:
− Không sao. Miễn Su thích anh là được rồi.
Khuê Tâm bật giọng:
− Em không thích anh.
Và giật mạnh tay mình ra khỏi tay Ninh. Anh tủm tỉm cười trong khi Tâm ấm ức dậm chân:
− Em ghét anh. Mở cửa cho em về, không thôi chị Hương Nhu sẽ nổi điên lên mất.
Ninh khoanh tay nhìn cô:
− Sao lại lôi Hương Nhu vào chuyện ưa hay ghét anh?
Khuê Tâm dẩu môi lên:
− Anh còn giả vờ nữa. Vì anh mà vừa rồi chị Nhu làm khó làm dễ người ta.
Ninh gật gù:
− Rồi vì vậy nên người ta ghét anh.
Tâm dài giọng:
− Có vợ sắp cưới đẹp là thế, giỏi giang là thế, chả lẽ người ta nên ưa anh?
Ninh phân bua:
− Anh và Hương Nhu chỉ là chỗ quen biết, là bạn bè bình thường thôi.
Khuê Tâm khịt mũi:
− Vậy chắc bà chủ cưới dâu cho mình quá! Thật khó tin.
Ninh chép miệng:
− Em đúng là đa nghi!
Tâm nghênh mặt lên:
− Với người đã từng nói dối, đa nghi là cần thiết.
Ninh bước tới sát Tâm, anh nhìn sâu vào mắt cô và nói:
− Em đúng là chua ngoa.
Khuê Tâm lùi ra sau trong khi Ninh cứ lừ lừ tiến tới khiến cô rối cả lên.
Tâm khựng lại khi đã sát tường.
Cô bướng bỉnh:
− Em vốn chua ngoa cơ mà...
Ninh cúi xuống sát mặt Tâm:
− Anh muốn nếm thử xem em chua ngoa đến cỡ nào.
Khuê Tâm bỡ ngỡ không hiểu ý Ninh muốn nói gì. Cô chớp mi nhìn lên và hốt hoảng khi thấy gương mặt Ninh thật gần. Gần đến mức cô vội nhắm mắt lại vì quá bối rối. Không dằn được lòng khao khát, Ninh đặt môi lên bờ môi căng mọng có một đường chủ hết sức gợi cảm của Tâm. Cô mím miệng lại và cố đẩy Ninh ra, nhưng bao nhiêu sức lực trong cô như tiêu tan mất, Khuê Tâm cố cưỡng lại sự cuống hút cuồng nhiệt toa? ra từ bờ môi dày nóng bỏng, tham lam của Ninh, nhưng không sao được.
Cô gồng mình cứng đơ như khúc củi để chống đỡ, rồi sau đó run rẩy, yếu đuối, mềm người tựa hẳn vào Ninh. Đôi môi hồng mềm mại của Tâm dè dặt hé mở để đón nhận tất cả cảm giác đầu đời mê đắm.
Vừa táo bạo vừa dịu dàng, Ninh lướt môi mình trên đôi môi tơ non của Tâm.
Anh đắm đuối gọi tên cô:
− Su... Su... nhìn anh đi.
Khuê Tâm khép mi ngây ngất. Cô bấu vào hông Ninh và úp mặt lên vai anh:
Ninh thì thào:
− Môi em có vị chua của trái dâu Đà Lạt, vừa đỏ hồng vừa thơm. Suốt đời anh không sao quên được mùi hương của thứ trái cấm đó.
Khuê Tâm chợt rùng mình khi nghe tới hai từ Trái cấm . Nó nhắc cô nhớ đến ba. Ông đâu có ưa Ninh và từng bảo cô không được giao thiệp, tiếp xúc với anh cho dù bất kỳ lý do nào. Nếu ông biết hai người đã tiến xa tới mức hôn nhau như vầy chắc chết.
Hốt hoảng, Tâm đẩy Ninh ra nhưng vòng tay mạnh mẽ của anh vẫn ôm vòng ngang cô. Giọng Ninh nhẹ như hơi thở.
− Anh làm em sợ phải không Su?
Vùi mặt vào ngực Ninh, cô gần như khóc:
− Anh biết là chúng ta sẽ không tới đâu mà.
Ninh hôn lên tóc cô:
− Nếu thật lòng yêu nhau, chúng ta sẽ đi tới cùng trời cuối biển.
− Em không thể yêu anh. Và em cũng chưa bao giờ yêu anh.
Tâm nghe Ninh cười, tiếng cười thật khẽ, nhưng đầy tràn hạnh phúc.
− Em yêu anh. Anh tin chắc như vậy.
Khuê Tâm ngẩng lên:
− Ai bảo với anh thế?
Ninh âu yếm:
− Vừa rồi môi em đã nói với anh. Nếu không yêu, môi em đâu mềm, đâu ngon đến mức anh không nỡ dứt lời.
Khuê Tâm nóng bừng người, cô nghe Ninh gọi tên mình rồi môi anh tìm lấy môi cô...
Nhẹ nhàng nhưng nóng bỏng ngọt ngào, hai người chỉ biết có nhau mà thôi.
Ninh siết nhẹ cô trong tay:
− Anh yêu em. Yêu nhiều lắm Su Su ạ!
Tâm như ngợp đi trong hạnh phúc. Cô vừa sung sướng vừa hoang mang, lo lắng. Yêu anh là hạnh phúc hay đớn đau vậy?
Khuê Tâm yếu ớt:
− Chúng ta phải làm sao hả anh? Có lẽ em không nên tiếp tục ở đây. Nếu không...
Ninh nói:
− Anh hiểu. Anh sẽ tìm việc cho em ở chỗ khác.
Khuê Tâm ngập ngừng:
− Sao anh lại thương em?
Ninh nhỏ nhẹ:
− Anh không biết. Khi thấy em lần đầu trong quán bà Tám Minh, anh đã thích rồi. Từ đó lòng anh luôn khao khát được gặp lại em cho dù bác Tư đã hăm he không được lảng vảng tới gần con gái bác.
Tâm thở dài:
− Ba em không thích anh.
Ninh tự tin:
− Đó là lẽ thường ở các ông bố quá thương con gái. Anh tin rồi bác sẽ nghĩ khác.
− Thế còn bác gái thì sao? Bác đã chọn người cho anh rồi kìa.
Ninh vuốt tóc Khuê Tâm:
− Anh có cuộc sống của riêng anh từ rất lâu rồi. Anh không ham làm chủ nhà hàng hay chủ tài sản của mẹ, bởi vậy mẹ không ràng buộc được anh.
Em phải tin anh.
Áp mặt vào ngực anh êm ấm, vững vàng, Tâm và Ninh kể cho nhau nghe những buồn vui trong cuộc sống của mình. Nhưng thời gian được bên nhau luôn trôi nhanh. Ninh đưa Tâm về tới đầu ngõ bằng cách chạy theo chiếc xe đạp của cô. Anh bảo mình là vệ sĩ của tình yêu, và Tâm thật hạnh phúc được anh hộ tống. Tâm cứ như người sống trong mơ cho tới khi về đến nhà.
Vừa mở cánh cổng gỗ, Tâm đã thấy ông Thụngồi uống rượu ở cái bàn dưới gốc mận.
Ông nói trỏng:
− Làm gì tối nay về trễ dữ vậy?
Tâm ngồi xuống đối diện với ông.
− Con không làm việc ở đó nữa.
Ông Thụrót rượu vào ly, giọng cộc lốc:
− Biết rồi!
Tâm ngạc nhiên:
− Bác Bài nói với ba à?
Ông Thụtợp cả ly rượu vào miệng:
− Không! Nhưng mày nghỉ là đúng. Lẽ ra mày nên nghỉ khi gặp thằng Ninh trong nhà hàng đó.
Tâm ấp úng:
− Anh Ninh không liên quan gì...
Ông Thụlừ mắt nạt:
− Nói láo trơn miệng y như mẹ mày ngày xưa. Đồ hư đốn!
Tâm nóng người. Cô rất ghét bị so sánh với mẹ, dù là so sánh để đánh giá sự tốt, xấu. Với cô, bà không rõ nhân dạng, tính tình, và là một người không hiện hữu, Tâm chẳng mảy may cảm động khi nghe nhắc đến bà, ngược lại, Tâm luôn có cảm giác khó chịu.
Giọng ông Thụrin rít nghe ê cả đầu:
− Mày và mẹ mày làm tiêu tan cả cuộc đời và sự nghiệp của tao. Tao căm thù, tao căm thù có nghe rõ chưa.
Khuê Tâm ngồi chết trân trên ghế. Đây là lần đầu tiên ông Thụthốt lên những lời độc địa như vậy với Tâm. Hình như ông đã uống quá nhiều rượu? Nhưng nhìn ông đâu có vẻ say. Đã xảy ra chuyện gì khi Tâm vắng nhà?
Bà Yên từ trong bước ra với đôi mắt đỏ hoe.
− Con nhỏ mới vừa về tới nhà, ông làm ơn để nó yên.
Ông Thụquát:
− Hừ! Nó có phải con bà đâu mà bênh? Cả bà nữa. Tôi cũng thù bà. Hừ!
Các người chết hết đi.
Khuê Tâm đứng dậy, cô mím môi bước tới chỗ dựng xe đạp. Bà Yên lật đật bước theo.
Giọng sũng nước, bà nói như năn nỉ:
− Giờ này còn đi đâu. Ba đã ghét dì, cả con cũng thế sao Su Su?
Mắt Tâm cay xè vì những lời của bà Yên. Thật khốn khổ! Số bà mắc nợ cha con cô hay sao ấy! Từ khi Tâm biết nghĩ đến nay, cô thấy hầu như dì Yên không bao giờ có hạnh phúc. Dì tất bật, ngược xuôi lo cho ba Tâm từng chút, nhưng ít khi nào nhận được sự chăm sóc hay lời nói ngọt ngào từ ông. Dì Yên y như cái bóng thầm lặng bên cha con Tâm. Dì rất thương Tâm và cô cũng xem dì như mẹ ruột, chỉ có điều dì không muốn Tâm gọi mình là mẹ nên cô đành gọi là dì.
Im lặng, Khuê Tâm theo bà Yên vào nhà.
Vào tới bếp, Tâm hỏi ngay:
− Đã có chuyện gì xảy ra vậy dì?
Bà Yên ra vẻ tự nhiên:
− Chuyện gì đâu? Ông ấy nhậu vào rồi nói linh tinh ấy mà.
Tâm lắc đầu:
− Con không tin. Bữa nay ba rất lạ. Ba uống rượu chớ không uống bia. Ông vừa đụng chuyện gì vời ai đó. Con dám cá như thế.
Bà Yên nói:
− Đụng người khác là chuyện thường ngày mà. Con để ý làm chi. Tắm rửa rồi đi ngủ đi. Con nghỉ chỗ đó dì còn mừng nữa.
Khuê Tâm nhìn ra sân. Ba cô vẫn khè khà bên chai rượu. Rất ít khi ông uống một mình như vầy.
Cô sốt ruột:
− Trời ơi! Hết chai đó chắc chết.
Bà Yên thở dài:
− Dì không dám cản đâu. Lúc này ổng đang nhớ mẹ con đấy.
Khuê Tâm thoáng thấy vẻ đau đớn lẫn cam chịu hiện lên trên gương mặt rất dịu dàng của bà Yên.
Bỗng dưng Tâm thấy thương bà quá. Vòng tay ôm eo bà Yên, Tâm thủ thỉ:
− Con thì chả bao giờ nhớ. Cứ để mặc ba nhớ bà ta, con không thèm, với con bà ta không hề tồn tại.
Bà Yên lắc đầu:
− Không được nói vậy! Đó là mẹ con, không có bà con cũng không có mặt trên đời này.
Khuê Tâm chua chát:
− Có mặt trên đời này để làm gì? Đó là câu hỏi chưa ai giải đáp cho con.
Con có muốn hiện hữu đâu.
Bà Yên lo lắng, giữ Tâm trong tay, bà kêu lên:
− Sao con lại bi quan vậy? Ở tuổi của con, cuộc sống luôn màu hồng.
Tâm quay mặt đi:
− Người khác có thể thấy như vậy, riêng con thì không. Chính ba mẹ, người tạo ra con đã bôi đen cuộc sống lẽ ra màu hồng đó.
Giọng nghẹn lại, Tâm nói:
− Nếu không có dì, con không biết mình đã như thế nào rồi. Con chỉ thương dì thôi. Dì còn hơn là mẹ con nữa.
Bà Yên chớp mắt nhìn Tâm lặng lẽ bước lên gác. Bà không dám cho Tâm biết vừa rồi bà Ảnh chủ nhà hàng Ngàn Khơi đã tới đây. Bà không nỡ để con bé đang buồn phải buồn hơn, nhưng nếu im lặng bà cũng không đành.
Bước theo Tâm lên căn gác nhỏ, bà ngập ngừng:
− Con và cậu Ninh có tình ý gì không?
Tâm nóng người. Một lát sau cô ấp úng:
− Sao dì lại hỏi vậy?
Bà Yên ậm ự:
− Tại ba con không thích cậu ấy.
Khuê Tâm dè dặt hỏi:
− Nhưng tại sao, dì biết chớ?
Bà Yên thở dài:
− Trước đây ông ghét Ninh vì cậu ta giống một người mà ông không ưa, thậm chí còn căm thù. Ông ghét vu vơ, không lý do chính đáng.
Tâm hỏi tới:
− Còn bây giờ thì sao hả dì?
Bà Yên lại thở dài:
− Giờ thì có lý do rồi. Cậu Ninh chính là con trai ông Thất.
Nhìn bà, Tâm hoang mang:
− Nhưng ông Thất là ai? Tại sao ba lại ghét ổng? Ghét đến mức không ưa cả người nào giống ông ta?
Bà Yên đều giọng:
− Ông Thất là người mẹ con yêu đến mức bỏ cả chồng con.
Khuê Tâm nghe ù cả hai tai. Cô ấp úng:
− Có... có đúng như vậy không dì?
Bà Yên gật đầu:
− Đúng. Vừa mới tức thời, bà Ảnh đã tìm tới đây và nói rất nhiều câu khó nghe. Bà ta khiến ba con ngồi lì bên chai rượu mấy tiếng đồng hồ liền.
Trái tim Tâm như bị ai bóp. Cô nhức nhối, ngạt thở và đau đớn không chịu được.
Bà Yên nói tiếp:
− Dì khuyên con nếu đã từng nghĩ tới Ninh thì nên quên đi, bằng không con sẽ khổ dài vì tất cả sẽ chẳng tới đâu ngoài một kết thúc bi thảm. Bà Ảnh rất độc miệng khi cao giọng bảo rằng con đang mồi chài quyến rũ con trai bà ta. Giống như mẹ con ngày xưa, đã quyến rũ chồng bả. Con sẽ gặp toàn bất hạnh nếu tiếp tục với Ninh, con hiểu chưa?
Dứt lời, bà trở xuống nhà dưới. Tâm còn lại một mình trong căn gác đìu hiu không một ngọn gió, nhưng hồn Tâm đùng đùng giông bão.
Đêm bỗng dưng tù túng, ngột ngạt khiến Tâm có cảm giác sắp tận thế. Cô đưa tay lên môi. Hương vị ngọt ngào của tình yêu vẫn tràn đầy, thế nhưng tất cả dường như phải chấm dứt vì những trớ trêu của cuộc đời. Tâm như người đang dạo chơi nơi thiên đàng bỗng sa chân rơi tòm vào hố sâu đen ngòm của địa ngục.
Ninh chưa biết mẹ cô là ai nên mới yêu cô. Nếu rõ chuyện, chắc chắn anh chẳng những không yêu mà còn ghét cô là khác. Vừa rồi khi kể chuyện đời mình, anh đã trách ba anh và người phụnữ đã khiến gia đình anh vỡ đôi.
Vậy thì dễ gì anh chấp nhận Tâm khi hai bên vẫn còn hận thù. Riêng mình, Tâm cũng oán người đàn ông đã khiến ba mình mất vợ, mình mất mẹ. Anh và cô gặp nhau làm chi mà oan trái thế này.
Nhưng suy cho cùng Tâm và anh nào có lỗi gì. Sao phải lãnh hậu quả từ cái sai của người lớn.
Đau đớn, Tâm lẩm bẩm hát bằng giọng đầm nước mắt.
Nghe xót xa hằn lên tuổi trời trẻ thơ ơi!
Trẻ thơ ơi!
Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp ngườí.
Khuê Tâm tò mò nhìn ra cổng, thằng nhóc Bu, cháu anh Tư Lắm đang đưa tay ngoắc cô lia lịa. Vừa ngoắc nó vừa nhảy cẫng lên mừng rỡ khiến Tâm hết sức ngạc nhiên vì không biết thằng nhóc định giở trò gì.
Thường thì bọn con nít rất dị ứng với ngôi nhà của Tâm. Không khi nào bọn chúng tụtập, đùa giỡn trước cổng nhà Tâm, bọn chúng rất sợ Ông Tư Đờn. Vậy nhóc Bu gọi cô chắc phải có việc.
Tâm vừa ló đầu ra khỏi cổng, thằng Bu đã dúi vào tay cô cái đĩa C.D.
− Chú Ninh gởi chị nè. Chú nhờ em đưa từ hôm qua, nhưng lúc nào ông Tư cũng ở nhà, em hổng dám kêu chị.
Tâm chưa kịp hỏi thêm gì, thằng nhỏ đã chạy mất. Cô mân me cái đĩa CD trong tay. Đó là một CD mới của Hồng Nhung. Tâm thích Hồng Nhung nên Ninh muốn nhắn nhủ tình yêu của mình qua những tình khúc cô ca sĩ răng khểnh này hát chớ gì.
Vào nhà, Tâm săm soi cái đĩa và mở hộp ra xem. Một mảnh giấy bé xíu rơi xuống khiến cô giật mình nhìn quanh dù ông Thụvắng nhà.
Những con chữ nét cứng cỏi đập vào mắt Tâm. Anh nhớ Su quá. Hẹn Su chiều thứ ba, hai giờ tại Đen Giòn. Yêu em nhiều. N. Tâm rối cả lên. Cô đọc tới đọc lui những dòng ngắn ngủi nhưng hết sức nồng nàn. Nồng nàn y như những nụhôn.
Tâm nhìn đồng hồ. Đã hơn một giờ. Nếu tới chỗ hẹn, giờ này cô chuẩn bị là vừa. Nhưng Tâm không thể. Tới đó cô sẽ nói gì đây khi hai người khó tiến xa hơn cái ranh giới mỏng manh hiện giờ. Cô không muốn khóc trước mặt Ninh, cũng không muốn thấy anh đau lòng khi chính cô phải nói lên sự thật. Thà Ninh biết chuyện từ ai khác rồi âm thầm cả hai sẽ chia xa.
Nước mắt Tâm rưng rưng. Cô cũng nhớ anh điên cuồng. Anh là mối tình đầu vụng dại của cô. Anh là người đầu tiên cho cô biết sự đắm say trói buộc của nụhôn. Tâm mà xa anh thì khác nào sắp lìa xa cuộc sống. Nhưng gần anh thì sao? Anh có đủ bản lãnh bỏ qua chuyện của người lớn để tiếp tục mãi yêu Tâm không? Riêng lòng Tâm lúc này vẫn trăn trở oán hận khi nghĩ tới ba của anh. Cô đã hiểu vì sao vừa thấy mình bà Ảnh đã nổi trận lôi đình và một hai buộc ông Bài phải cho cô nghỉ việc. Rồi ba Tâm nữa. Ông hận ba Ninh cũng phải. Tâm không trách ba cũng không trách bà Ảnh. Số mệnh đã sắp xếp như vậy biết làm sao hơn.
Kim đồng hồ bình thản nhích từng giây. Hai giờ kém năm rồi. Từ đây tới quán Đen Giòn ít ra cũng nửa tiếng. Cô tới nơi chắc Ninh đã về.
Nằm xuống giường, Khuê Tâm ôm gối, có thẫn thờ, ngơ ngác như vừa đánh mất một vật rất quý. Tâm trăn trở, thổn thức với nỗi đau của mình.
Chịu không nổi, cuối cùng cô vùng dậy lấy vở ra học. Tời giấy ghi số điện thoại của Cang rơi xuống bàn, Tâm cầm lên lẩm nhẩm đọc.
Cô đang cần một chỗ làm, sao không thử điện cho Cang. Phải có một...
bận rộn nào đó để thôi phải nghĩ tới Ninh vào lúc này chớ.
Nghĩ là làm, Khuê Tâm đạp xe ra quán bà Tám Minh, nơi có một máy điện thoại ông công cộng.
Khuê Tâm nhấn số của Cang, không đợi tới hồi chuông thứ hai, đã nghe giọng anh điệu đàng.
− Cang đây! Xin lỗi, ai gọi Cang vậy ạ?
Chà, nghe giọng điệu Cang thật phong độ, khác hẳn kiểu khúm núm, đẩy đưa trước đây, chẳng biết anh ta làm tới chức gì rồi.
Tâm ngập ngừng:
− Chào anh. Em là Khuê Tâm. Anh còn nhớ em không?
Cang gần như reo lên trong điện thoại:
− Trời ơi! Nhớ chớ sao không? Cần một việc làm phù hợp với khả năng chớ gì? Vẫn còn chỗ con em đấy.
Tâm mừng rỡ:
− Vậy sao? Số em vẫn còn may.
− Anh ngắn gọn để em đỡ tốn tiền điện thoại. Nếu được, ngay bây giờ em tới phòng trà Hầm Gió ở đường Lê Lai. Anh sẽ giới thiệu em với sếp của anh.
Tâm kêu lên:
− Ngay bây giờ à?
− Ờ... Cơ hội không đến lần thứ hai đâu.
Tâm quyết định trong tích tắc:
− Vâng. Em sẽ đến.
Cang dặn dò:
− Ăn mặc đẹp một chút nghen. Anh chờ đó. Vào cửa ai hỏi em cứ nói tên anh.
Khuê Tâm gác điện thoại. Cô trả tiền rồi vội vàng về nhà.
Gay go nhất là yêu cầu ăn mặc đẹp của Cang. Đẹp là thế nào? Sang trọng?
Đắt tiền? Hở hang? Loè loẹt hay hầm hố, bụi đời?
Khuê Tâm đâu có quần áo đẹp. Thôi thì có gì mặc nấy, miễn đàng hoàng, lịch sự là được rồi. Nghĩ vậy nên Khuê Tâm lấy cái áo sơ mi mới nhất của mình ra ngắm nghía.
Đó là cái áo màu cốm non bằng vải xô mỏng trông rất dễ thương. Bà Yên vừa mua cho Tâm hồi tết vừa rồi, đi kèm với nó là cái quần tây màu rêu nền nã.
Ủi sơ bộ đồ vía, Tâm thay vội vào rồi dắt xe đạp ra. Vừa đạp xe Tâm vừa nghĩ mông lung, nếu có suy nghĩ nào hướng về Ninh, cô liền nghĩ ngay sang chuyện khác.
Cô cần một việc làm, vậy hãy tập trung tâm trí cho nó. Hãy chuẩn bị tâm lý để khi tới chỗ Cang cô đủ thông minh để trả lời những câu hỏi người ta đặt ra cho cô.
Số nhà Cang cho cô là một quán bar có tên khá ấn tượng. Hầm Gió. Khuê Tâm lúng túng nhìn hàng xe toàn thứ dữ dựng trước quán. Cô không biết phải gởi cái xe đạp của mình ở đâu khi người giữ xe tỏ ý không mặn mà gì với nó.
Mặt mày lạnh tanh, gã giữ xe hất mặt:
− Để đại ở gốc cây kìa. Chả ai thèm lấy đâu.
Tâm nói:
− Nhỡ mất thì sao? Anh cứ trông hộ, tôi sẽ gởi tiền.
− Được thôi! Xế điếc, xế nổ gì cũng đồng giá nghen. Tiền đưa trước.
Khuê Tâm bấm bụng đưa năm ngàn cho gã để lấy thẻ xe.
Đẩy cánh cửa kính dày, màu nước trà vào, Tâm hết sức dễ chịu bởi không khí mát lạnh của máy điều hoà và không gian âm âm tối của khán phòng.
Khuê Tâm đảo mắt tìm và cô thấy ngay Cang. Anh ta đưa tay lên ra hiệu, Tâm liền bước vội về phía đó.
Cang đứng lên tay bắt mặt mừng. Trông anh khác hẳn với lúc chạy bàn trong nhà hàng Ngàn Khơi.
Không cần rào đón, Khuê Tâm hỏi ngay:
− Nếu được nhận, công việc của em sẽ là gì?
Cang cao giọng:
− M.C như anh đã từng nói trước đây.
Tâm kêu lên:
− Dẫn chương trình à? Nói thiệt, em sợ đứng trước đám đông lắm.
Cang phất tay:
− Sợ gì mà sợ. Ối người mơ được đứng trước đám đông ấy. Đây là một nghề đang là thời thượng đó.
Khuê Tâm nhìn Cang:
− Nhưng em có biết gì về nghề đó đâu. Giờ như vầy, lát nữa sẽ có người phỏng vấn để xem em đủ khả năng làm M.C không.
Tâm thắc mắc:
− Người ta sẽ hỏi gì, anh biết không?
Cang nói đại:
− Một vài điều về... văn nghệ như cảm nhận về một bài hát, suy nghĩ về một bài thơ hay cảm nhận về một bức tranh chẳng hạn.
Khuê Tâm méo mặt:
− Vâng chắc em... rớt đài quá.
Cang cười cười:
− Nghề dẫn chương trình coi vậy chớ khắt khe lắm, nếu không tự tin em có thể về. Anh chỉ giúp em cơ hội chớ đâu giúp em tài năng.
Khuê Tâm chợt bừng bừng tự ái. Cô nói:
− Em sẽ cố gắng để biến cơ hội của anh giúp thành hiện thực.
Ngay lúc đó có một người đàn ông tướng tá dềnh dàng bước đến.
Rất tự nhiên, anh ta kéo ghế ngồi rồi ngắm nghía Tâm.
− Cô nàng này đây hả?
Cang gật đầu:
− Vâng. Đây là Khuê Tâm. Còn đây anh Đình, đạo diễn...
Khuê Tâm dè dặt bắt tay... Ông đạo diễn. Anh ta nheo nheo mắt.
− Về hình thức thì duyệt được rồi, riêng phần nội dung phải kiểm tra. Nè!
Em hát được chứ?
Tâm thật thà:
− Được, nhưng không hay.
− Thẳng thắn lắm. Nếu được yêu cầu em sẽ hát bài gì?
Khuê Tâm đắn đo:
− Em thích bài Vẫn có em bên đời... .
Đinh gật gù:
− Nhạc Trịnh. Được lắm! Em hãy làm Quỳnh Hương của Thay lời muốn nóí giới thiệu cá khúc này. Tôi cho em mười phút chuẩn bị.
Cang kỳ kèo:
− Gì có mười phút phù du hà! Ít quá, anh cho Khuê Tâm thêm thời gian đi.
Đinh dứt khoát:
− Mười phút chuẩn bị để nói trong vòng hai phút về một bài hát mình yêu thích là quá nhiều. Cậu không cần kỳ kèo. Bây giờ xéo chỗ khác cho con nhỏ tập trung.
Cang đứng dậy:
− Ráng lên nghen Tâm!
Khuê Tâm gật đầu mà trong hồn trống không. Lôi trong xách tay ra quyển vở, cây bút cô mím môi viết... Cô viết rồi xoá, rồi lại viết. Ngồi quán máy lạnh trông nhàn hạ thật, nhưng có ai biết Tâm đang đánh vật với từng con chữ đến mức đổ mồ hôi hột.
Thời gian qua nhanh quá. Tâm giật mình khi Cang khều nhẹ vai cô.
− Vào đây làm thử cho ổng coi.
Hai người bước vào phòng. Sau cánh cửa gỗ cách âm là một căn phòng khá bề bộn. Với lỉnh khỉnh nhạc cụ, máy quay phim, đèn, phông.
Trên cái ghế có bánh xe cũ kỹ, Đình ngồi khoanh tay, anh ta hất hàm.
− Tôi là khán giả. Nơi em đứng là sân khấu. Bắt đầu đi.
Tâm nhìn Cang cầu cứu. Anh bảo:
− Nghĩ sao làm vậy... Cố lên!
Khuê Tâm lúng túng trước vẻ mặt lầm lì của Đình. Anh ta không nở một nụcười nào từ khi gặp Tâm. Nhìn vẻ khó đăm đăm của Đình, Tâm chả có chút hy vọng nào. Nhưng đã lỡ leo lên lưng cọp rồi thì phải cố thôi.
Hơi nghiêng đầu như để chào, Khuê Tâm cất lời và nghe giọng mình lạ hoắc.
− Bây giờ đã cuối mùa xuân. Nắng đã vàng hơn và mây trời đã xao xuyến hơn. Từ một chỗ ngồi cũ kỹ và khuất kín nơi quán cà phê quen thuộc, tôi dõi mắt nhìn ra con đường phía trước... Ở đâu đó tận cuối đường, ở đâu đó rất sâu nơi vùng ký ức của tôi, em huyền hoặc bước ra và khẽ khàng đặt lên tôi những tinh khôi tình cũ...
Chúng ta đã từng có một mối tình dịu dàng như hương hoa xuân. Chưa thắm đẫm đớn đau, chưa chất ngất khổ sầu vì chúng ta thưở ấy còn thơ ngây quá. Nhưng đã rất nhiều năm tháng trôi qua, rất nhiều mùa đã đến rồi đi tôi Vẫn thấy bên đời còn có em .
Đình ngắt ngang lời Tâm một cách thô bạo:
− Được rồi! Mười phút mà nói được như vậy là tốt. Em cần luyện giọng cho diễn cảm hơn. Cung cách, điệu bộ cần được tập tành cho tự nhiên nhưng lôi cuốn. Cang sẽ giúp em những cái lặt vặt này.
Khuê Tâm hỏi đại:
− Em có... có được nhận không?
Đình nói:
− Tôi sẽ cho em một cơ hội. Tối nay em vào đây xem người ta chạy chương trình rồi tự rút ra cho mình cách làm việc.
Khuê Tâm chớp mi:
− Cám ơn anh.
Đình nhếch mép:
− Cám ơn ba mẹ đã sinh ra mình xinh đẹp và thông minh, chớ cám ơn gì ở tôi.
Tâm gượng gạo cười. Cô không nghĩ Đình lại nói như vậy.
Cám ơn cha mẹ đã sinh ra mình . Thật mỉa mai thay, chua xót thay cho Khuê Tâm. Khi cô chưa bao giờ nghĩ sự có mặt trên đời này của mình là một ân sũng.
Bước ta ngoài, Tâm nghe Cang nói:
− Anh sẽ nhờ lại chị Thủy Lê dạy em cách đi đứng, ăn mặc, nói năng thế nào cho thu hút khán giả. Chị ấy giỏi về chuyện này lắm.
Khuê Tâm tò mò:
− Bà Thủy Lê làm gì ở đây?
Cang gọn lỏn:
− Bà chủ.
Rồi anh nói tiếp:
− Một bà chủ cực kỳ chịu chơi và thoải mái chớ không như mụchủ Ngàn Khơi. Thủy Lê và bà Ảnh đối đầu không khoan nhượng với nhau đó. Ngạc nhiên chưa?
Tâm mở to mắt:
− Nhưng tại sao họ lại đối đầu?
Cang ra vẻ bí mật.
− Vì bà Ảnh từng đuổi bà Thủy như vừa đuổi em.
− Nhưng vì lý do gì?
Cang khoát tay:
− Đừng tò mò hơn nữa. Biết nhiều quá chưa hẳn là hay.
Nhìn đồng hồ, Cang lẩm bẩm:
− Hy vọng giờ này bà Thủy rảnh.
Lấy cái di động ra, Cang vừa nhấn số vừa nói:
− Rồi em cũng phải sắm một cái để dễ dàng làm ăn.
Cang đổi giọng ngọt ngào như kẹo caramen.
− Cang đây Thủy ơi. Anh Đình đã OK người Cang vừa giới thiệu, giờ nhờ Thủy chỉ vẽ cô ấy đôi điều nhá. Bao giờ Cang đưa người ta tới được...
Ngay bây giờ hả? OK.
Thấy Tâm nhìn mình, Cang tự bào chữa:
− Bà Thủy thích xưng hô như vậy nên anh vô tư... chiều. Nhưng em thì khác nghe. Phải gọi chị đàng hoàng đó. Bây giờ mình tới nhà bả. Quên nữa, em tới đây bằng gì?
− Xe đạp!
Cang xoa cằm:
− Chà! Anh sẽ chở tới đó cho mau.
Khuê Tâm gật đầu. Cô lên ngồi sau chiếc Citi của Cang.
− Bao giờ anh đổi xe?
Cang cười to:
− Cũng sắp rồi đó. Anh sẽ sắm xe ca- còng.
Tâm thắc mắc:
− Anh làm gì cho bà Thủy Lê?
Cang bâng quơ:
− Tối, anh hát lót khi ca sĩ chánh chưa chạy sô kịp, ban ngày anh chạy lung tung những việc bà ta nhờ rồi tập hát... Cũng chua lắm nhưng đỡ nhọc nhằn hơn lúc làm ở Ngàn Khơi. Nói chung chỉ làm chủ là sướng, còn làm công cho thiên hạ thì ủ ê trăm bề.
Khuê Tâm tò mò:
− Bà Thủy Lê là người thế nào? Em muốn biết chút ít về bà ta để tiện việc giao thiệp.
Cang hơi nghiêng đầu ra sau:
− Thủy Lê là vợ của một tay bầu sô nổi tiếng ở thành phố này. Nhưng hai ông bà dường như đã hết mặn nồng nên chả mấy khi họ đi chung.
− Họ có con không?
− Không, Thủy Lê thích chơi hơn thích con nít, còn ông chồng thì... hơi già để đủ sức có những đứa con mạnh khoẻ. Nghe đâu ông ta là một Đoàn Chính Thuần thời đại, vây quanh ông ta toàn là diễn viên, người mẫu phơi phới.
Tâm chép miệng:
− Vậy làm vợ Ông ta cũng chẳng sung sướng gì.
Cang nhún vai:
− Anh cũng chẳng biết bà Thủy thế nào nữa, nhưng quanh bà ta cũng dập dìu tài tử ấy chớ.
Tâm che miệng:
− Chắc anh là một trong số họ?
− Hổng dám đâu!
Khuê Tâm im lặng. Cô thấy mình hơi quá lố khi nói thế với Cang.
Hai người chả ai nói thêm gì với ai cho tới khi Cang dừng xe trước một ngôi nhà ba tầng hiện đại.
Dựng chống xe, Cang nhấn chuông. Một phụnữ trung niên ra kéo cửa sắt.
Bà ta nói:
− Cô Thủy đang chờ cậu đó.
− Vâng. Tôi biết mà.
Khuê Tâm theo Cang vào trong. Thủy Lê trong áo kimônô màu tím sim thêu hoa cúc vàng. Thủy Lê ngồi trên salon hất mặt nhìn hai người.
Tâm khẽ gật đầu chào nhưng mặt Thủy Lê vẫn thản nhiên như không có cô ở đó.
Cang sà xuống kế bên Thủy:
− Đây là Khuê Tâm, Thủy đã từng gặp nhưng Cang dám cá là Thủy không nhớ đâu.
Thủy Lê nhếch môi:
− Nhớ chớ sao không. Lính của bà Mão ở Ngàn Khơi chứ gì. Thủy thích nhận người bên Ngàn Khơi lắm. Rồi Cang và Tâm sẽ nổi tiếng cho mà xem. Muốn thế... quý vị phải cố gắng hết khả năng của mình.
Hất Hàm, Thủy bảo:
− Ngồi xuống đi Tâm. Chị sẽ bày vẽ cho vài tuyệt chiêu.
Khuê Tâm mạnh dạn ngồi đối diện với bà Thủy Lê và nhận ra ở nhà, bà ta cũng trang điểm thật kỹ, tuy vậy son phấn cũng không giấu được những vết chân chim trên gương mặt mệt mỏi của người thức thâu đêm.
Bà Thủy nói tiếp:
− Hầm Gió là phòng trà dành riêng cho giới thượng lưu chớ không phải là hàng karaoke rẻ tiền, bát nháo như ở Ngàn Khơi. Khách ở đây rất sành nghe nhạc và yêu cầu của họ rất cao. Do đó người dẫn chương trình phải là người tinh tế, nhạy bén với những cảm nhận về âm nhạc, về ca từ. Phải làm sao bằng lời giới thiệu của mình, M.C sẽ khiến cho bài nhạc trở nên sâu lắng hơn, thổn thức hơn, cũng như khiến người nghe phải bâng khuâng, ngậm ngùi khi nhớ về một kỷ niệm, một mối tình, người tình đã qua. Chị nghe Đình khen em viết lời dẫn hay, đọc cũng có hồn. Hy vọng em sẽ biến những đêm Hầm Gió trở thành lãng mạn hơn, tình tứ hơn nhờ những lời viết bằng tâm huyết của em.
Khuê Tâm chớp mi:
− Chị nói hay quá làm em khớp.
Thủy Lê mỉm cười thích thú:
− Đừng nịnh nhóc con. Nghe tiếp đây!
Khuê Tâm im lặng nghe bà Thủy nói một hơi về cách ăn mặc, cử chỉ, điệu bộ khi bước ra sân khấu.
Cuối cùng, Thủy Lê chỉ vào xấp giấy trên bàn:
− Mang về nhà nghiên cứu. Đây là danh sách những bài hát được phép hát ở Hầm Gió. Em phải thuộc những bài này để có những lời dẫn ấn tượng.
À... Em phải chuẩn bị một vài bài hát để khi cần phải hát thì hát.
− Vâng, em sẽ cố gắng.
Ngay lúc đó, có một người từ trên lầu bước xuống.
Cang đon đả chào:
− Anh Năm sắp đi công chuyện.