- Đóng cửa lại cho mẹ!
Mẹ chồng lay lay vai nàng, như thường lệ. Không! Bà sẽ không đánh thức ông con trai quý báu của mình.
- Con ra ngay
Nàng lờ nhờ đáp. Khi mẹ chồng lệt xệt bước ra cửa, nàng trườn qua “người quý báu”, mặc váy vào, khoá cửa và không trở lại chiếc giường ấm áp mà ngồi bệt xuống gian bếp, kéo cửa bếp khép lại sau lưng. Kim chỉ giờ chưa lê đến số bảy.
Bên ngoài chưa có dấu hiệu gì của buổi sáng. Những chiếc xe điện trống trơn uể oải bò dọc theo đường ray. Những giọt lệ đêm trên khóe mắt lặng lẽ, chầm chậm chảy xuống đôi gò má nàng. Đức ông chồng quý báu và đứa con trai sẽ ngủ tới mười giờ. Rồi mẹ chồng sẽ đi chợ về. Chỉ có một vài giờ khắc là của riêng nàng mà thôi.
Mỗi chủ nhật mẹ chồng nàng làm một vòng quanh khu chợ Kyiv rộng lớn. Bà sẽ đi từ Lukianivskyi tới Zhytnyi, rồi tới Besarabskyi, rồi nếu vẫn còn sớm và còn tiền, bà sẽ đi đến Volodymyrskyi. Đi chợ chủ nhật đối với bà cứ như là một nghi thức tôn giáo vậy. Bà sẽ kể lể về chuyện mua bán của chủ nhật tuần trước cho tới ngày thứ tư ra sao. Rồi bà bắt đầu hình dung xem mình sẽ đi đâu vào chủ nhật tới. Bà không bao giờ mang theo chìa khoá nhà, như thể để nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại rằng bà không đăng ký sống ở đây. Nếu bà không phải là bà chủ nhà thì tại sao bà lại phải mang theo chìa khoá cơ chứ? Cứ để cho bà chủ nhà đích thực đóng cửa cho bà.
Kể từ khi cha mẹ và đứa em trai chuyển sang căn hộ mới, để lại căn hộ có hình thù như chiếc xe điện cho gia đình cô con gái, thì hầu hết thời gian bà mẹ chồng sống chung với họ.
- Ít ra mẹ sẽ nói tiếng Ukraine với thằng bé
Người quý báu đã nói như vậy, dù khá là căng để gọi cái thứ ngôn ngữ mà bà mẹ chồng nói là tiếng Ukraine. Nhưng thỉnh thoảng bà đón thằng bé từ vườn trẻ về nhà, và cũng thường hay nấu bữa tối. Bà không thể chịu đựng được cái ý nghĩ trở lại thị trấn quê nhà nơi mà thằng con rể nông dân man rợ của mình đang là thống soái.
- Trời ơi, thiên hạ phát điên hết cả rồi! Trái đất đang quay ngược mà!
Bà già than phiền với mấy người hàng xóm hay hóng hớt trong sân, và họ gật gù ra chiều đồng cảm.
- Có ai đã thấy giống như vậy chưa? Một bà mẹ chồng sống như một người ở thuê ở mướn trong nhà con dâu! Làm sao một gia đình có thể tiếp tục sống theo kiểu này được chứ? Tôi bảo nó: sao cô gọt vỏ khoai tây dày thế? Cô có trồng nó không? Cô có đào nó lên không? Cô có chổng mông lên trời mà thu hoạch nó không? Mấy người biết nó trả lời sao không? Nó nói: bây giờ mức độ phóng xạ rất cao; ngay cả trên tivi người ta cũng khuyên mọi người nên gọt vỏ khoai tây dày vào. Nó nói thế đấy. Kính trọng người lớn thế đấy!
Thật tình mà nói thì bà mẹ chồng của cô rất là mãn nguyện. Chỉ có một chi tiết vụn vặt đứng giữa bà và sự hài lòng trọn vẹn - đó là giấy phép cư trú propyska (*) - con tem nhỏ đó có thể mang lại cho bà quyền lưu trú hợp pháp trong căn hộ và thành phố.
- Mẹ có thể kiếm được một công việc phục vụ ở học viện. Mẹ làm việc nguyên một ngày 24 tiếng đồng hồ cho bốn ngày trong tuần, rồi nghỉ ba ngày. Chắc chắn là có thêm tiền cũng đâu có chết ai, càng tốt chứ sao. Nhưng mẹ không thể xin được việc làm nếu như không có…
Nhưng cô con dâu từ chối thấu hiểu cái “không có” đó. Người có tuổi không cần thiết phải làm việc. Chúng ta đâu có thiếu ăn. Và, luôn tiện, còn căn nhà riêng của mẹ ở tỉnh thì thế nào? Chẳng phải đã đến lúc mẹ về thăm con gái mẹ và chàng rể sao?
Lý lẽ này sẽ khiến cho mẹ chồng ngậm miệng và thôi không bàn đến chủ đề đó trong một quãng thời gian dài. Có lẽ rốt cuộc bà sẽ trở lại thị trấn nhỏ của mình và sống cùng ông con rể nông dân. Điều đó có nghĩa là những ngày chủ nhật sẽ không ở những khu chợ Sinnyi hay Lukianivskyi mà ở khu chợ làng, nơi mà bà biết rành rẽ từng gương mặt một, nhưng đồ ăn thức uống không được tốt cho lắm và không khí cũng khác.
Và chẳng có gì thay đổi. Xe điện vẫn lăn ầm ầm trên đường ray, căn hộ vẫn rung bần bật trước mỗi tiếng ồn. Tuần lại tuần kéo lê vào những ngày cuối tuần, thứ bảy chủ nhật thậm chí còn tẻ nhạt hơn cả những ngày thường u ám. Sáng chủ nhật nào mẹ chồng cũng đi đến chợ theo nghi lễ, người quí báu thì ngủ mê mệt, còn nàng ngồi trong căn bếp, đơn độc, lắng nghe âm thanh ầm ào của xe điện.
Nàng kéo cửa bếp một lần nữa để chắc chắn là nó đã đóng chặt và vặn cátxét. Tiếng rè rè của băng nhạc thời nàng còn con gái vang lên trong bếp. Đó là thời kỳ của cái gọi là tiền Peter. Người quí báu tên là Peter. Nhạc xua tan dư vị buồn ngủ nơi nàng. Thêm nhiều chiếc xe điện hơn đang ngao du ngoài kia. Nàng nghe thấy tiếng người quí báu trở mình trên giường.
Điều cuối cùng nàng chờ đợi là thấy anh nhào vào bếp quàu quạu rằng giấc ngủ của mình bị gián đoạn. Chuyện này đã xảy ra trước đây. Nàng tắt máy cátxét, liếc về phía cửa, quì xuống và mở tủ bếp. Nàng với ra sau mấy lọ mứt từ năm ngoái và lôi ra một quyển sổ; bắt đầu búng búng vào mấy trang giấy toàn nét chữ của nàng. Một số trang chỉ có hai hay ba dòng, vài trang chỉ một dòng…
Những dòng nước lũ tuôn trào cửa sổ
Trong giá lạnh mù sương thu…
- Trời đất, sao mà vô nghĩa, - nàng trợn mắt lẩm bẩm. Vài năm trước, khi đang mang thai đứa nhỏ, hứng khởi bởi vẻ đẹp của mưa trên đường trở về nhà, nàng đã ghi nhanh:
Ôi mưa, mưa, mưa!
Tràn lên ta say sưa!
hay
Dưới mưa, ngào ngạt hương say
Dưới mưa, không thể nào trầm mặcNgười chồng quý báu của nàng đã vò nát tờ giấy đó và nhét vào miệng nàng. Dĩ nhiên sau đó anh cầu xin nàng tha thứ và trong ba ngày liền sẽ không để nàng phải tự mang giày. Nhưng cũng thế cả thôi, sau vụ xô xát đó bất cứ khi nào những hình ảnh xoáy vù lên trong tâm trí nàng giống như những con bươm bướm vùng nhiệt đới, và những âm thanh xa vời của làn gió bất diệt rít lên trong tai nàng, thì vị bút mực lại túa trên lưỡi nàng.
Sáng nay làn gió bất diệt không rít. Nàng không hồ nghi đó là tiếng khóc hay tiếng cười đâu đó ngoài kia, chỉ là linh hồn nàng không thu nhận những tín hiệu đó. Nàng nhớ lại một buổi tối những tín hiệu đó trở nên quá mãnh liệt ra sao, đến độ nàng không thể kìm được và ghi nhanh chúng xuống mẩu giấy tìm thấy trên bàn điện thoại. Người quí báu nhìn qua vai nàng: “Ồ, chà, mình có t…à…i quá hả!
Kể từ đó nàng hiểu rất rõ thời điểm duy nhất cho làn gió bất diệt là sáng chủ nhật, khi người quí báu đang ngáy, đứa nhỏ đang ngủ và bà mẹ chồng thiếu-giấy-phép đang đi lòng vòng. Khi cha mẹ nàng chuyển sang căn hộ mới, mẹ nàng đã cảnh báo:
- Cứ sống theo cách con muốn, con gái ạ, đừng có bảo trợ propyska cho mẹ chồng con. Ngay khi bả có được thì bả sẽ làm mưa làm gió ở cái nhà này đó.
Nàng nghe theo lời khuyên. Nàng nhớ như in: ngay trong tháng đầu tiên sau ngày cưới, khi cả hai vẫn sống chung với cha mẹ nàng, người quí báu đã bẻ gãy quai một cái tách trong đám đồ sứ trong bếp để đánh dấu nó là của mình. Không ai khác được sử dụng cái tách này. Một lần, không hài lòng với chiếc gối mà cha mẹ nàng đã soạn cho, anh liền tự mang từ làng về một chiếc gối đặc biệt của bà ngoại anh. Nàng nhớ cái đêm anh đã giật nó ra khỏi đầu nàng ra sao.
Nhưng cuộc sống cứ hối hả tiến về phía trước như một chiếc xe buýt tốc hành, không ngưng nghỉ. Mẹ chồng và đứa nhỏ ngủ ở trong phòng ngủ. Nàng và người quí báu ngủ trên một chiếc trường kỷ mở ra được thành giường trong cái gọi là phòng khách. Và đêm đến, bất cứ khi nào người quí báu nhớ ra rằng mình có một người vợ, thì bà mẹ chồng sẽ đi vào nhà tắm.
- Mẹ nghĩ là mẹ đang diễu qua đâu vậy hả? - ông con trai sẽ hét tướng lên và bà mẹ sẽ lầm bầm rằng trong những trường hợp như vậy thì bà và ông chồng quá cố của bà sẽ vào trong kho thóc.
- Sao mẹ có thể ăn nằm với người đã khuất cơ chứ? - cô con dâu sẽ bình luận để cho đức ông chồng tán dương. Anh không thể lơ đễnh đến độ không thấy rằng vợ anh không tôn trọng mẹ anh. Anh chỉ quan tâm đến bản thân anh mà thôi.
Những giọt lệ thu ảm đạm đang tuôn xuống cửa sổ, xe điện chạy rầm rầm, bóp nghẹt tín hiệu của làn gió bất diệt.
Nhưng một ngày kia một ngôi sao băng sáng rực cắt ngang qua bầu trời ảm đạm. Rybina tổ chức tiệc sinh nhật. Nàng và người quí báu luôn dự những bữa tiệc của Rybina. Người phụ nữ này sống như cách chị ta thích, không phải theo cái cách mà mọi người thường đặt ra. Chị ta bận mấy cái áo len dày cui với quần dài, nhuộm tóc đủ màu, kết hôn và li dị và lại kết hôn hoặc là chỉ chung sống với nhau. Người quí báu thích đi dự tiệc sinh nhật của Rybina để mà sau đó anh có thể chỉ trích lối sống của chị ta từ cảm quan luân lý đạo đức ưu việt của riêng anh.
Thế nhưng năm nay câu lạc bộ Những Người Lái Xe Điện đăng cai tổ chức buổi chiếu bộ phim Pan Volodyiovskyi. Chỉ có mỗi một suất xem phim nên họ đồng ý với nhau rằng nàng sẽ tới chỗ Rybina một mình. Nhà Rybina đông nghẹt như thường lệ, và như thường lệ, chín mươi phần trăm khách khứa của chị ta toàn là những người mới quen biết.
- Marcello đang tới kìa - Rybina khoe khoang. Marcello xoay ra, chỉ là một anh chàng trông bình thường với quần jean xanh và áo len. Chí ít ra trông anh ta cũng không giống một ngôi sao màn bạc nổi tiếng. Cái tên bóng bẩy này chắc không phải tên thật của anh ta, có lẽ chỉ là một biến thể từ họ của anh ta chăng? Tên thật anh ta là gì nhỉ? Nàng chưa bao giờ tìm hiểu.
Họ trò chuyện suốt cả buổi tối. Rybina gỡ mình ra khỏi cái siết chặt của một gã nha sĩ tóc đỏ và chen vào giữa họ một cách thô lỗ. Họ tiếp tục câu chuyện sau lưng chị ta hay qua bộ ngực của chị ta.
Họ cùng rảo bước về nhà. Trời đã tạnh mưa. Anh nhấc nàng băng qua đám sỏi cuội đẫm nước, nhưng anh không xoay trở được và bỏ nàng xuống ngay vũng nước sâu nhất. Bởi nhà anh ngay gần đó nên họ vào trong nhà để hong khô quần áo. Chỉ có mỗi mình họ. Đồ lót của trẻ con và phụ nữ rải rác khắp nơi trong nhà, nhưng sao phải quan trọng chuyện đó chứ? Điều quan trọng là tủ sách chất đầy những tựa nàng yêu thích. Những tựa mà cha mẹ nàng thường mua, những tựa mà nàng hằng mơ ước. Nàng mê mẩn trước một kệ thơ. Anh bước đến sau nàng và thầm thì:
- Em biết không, ngày nọ trong một thư viện, tôi đi ngang qua một bài thơ viết trên tấm thẻ thư mục màu vàng. Nó được dùng như là thẻ đánh dấu sách vậy. Chỉ có ba đoạn thơ. Tôi đem nó về nhà. Thỉnh thoảng tôi vẫn đọc. Tôi để nó đâu rồi nhỉ?
Nàng bắt đầu ngâm nga:
Tình yêu đã ra đi
Như chưa từng ở đó
Nhưng ánh trời chạng vạng đã điểm tô
những con đường
Nhưng những con đường đã hát
Và duyên trời đã định.
Như thể bị bùa mê, anh khum hai tay vòng qua vai nàng:
Bầu trời cao và xa
Những vì sao tràn tràn mênh mang quá
Làm sao chịu bó hẹp trong khoảng trời
Giới hạn bởi những toà cao tầng nối nối nhau rất chặtAnh cố hôn lên đôi môi nàng, nhưng nàng sẽ không để cho anh làm vậy, nên anh hôn lên mắt nàng, lên má, lên đôi tai bé nhỏ. Những vần thơ cho đến bây giờ chỉ sống trên tấm thẻ thư mục, ngân lên nghe sao lạ:
Nhưng những vì sao đã khép mắt trong ánh dương hạnh phúc
Qua dòng tử đinh hương
Qua mù sương tử đinh hương
Và tiếng dương cầm vang vọng
Tình yêu lỗi nhịpHọ hôn nhau. Và mọi việc khác tiếp theo sau, bởi vì họ là những người đã trưởng thành và họ biết rất rõ phải làm gì và làm như thế nào. Đèn phòng kế bên để sáng. Một ánh đèn đường hắt qua cửa sổ.
Ảo ảnh phút giây này không bao giờ lưu lại
Phải chăng chỉ là một phần của giấc mơ kỳ quặc?
Vẻ đẹp nàng ngây ngất lòng chàng, kết vòng hào quang
- Vĩnh biệt”, ảo ảnh bay đi mất.
Những dòng thơ này đến với nàng trước đây lâu lắm rồi. Chỉ có quyển sổ nhà bếp là lưu lại những kỷ niệm của buổi tối hôm đó. Trời ơi, sao thời gian bay đi nhanh quá. Mới đó đã ba, không, gần bốn tháng rồi. Anh ấy ra sao? Anh ấy có giống như người quí báu, vội vã về nhà để thưởng thức bữa tối đầy hương vị và rồi thả mình sảng khoái trong ghế trường kỷ? Và liệu chủ nhân của những bộ đồ lót vương vãi khắp nơi anh ở cũng lãnh đạm trườn qua người anh mỗi buổi sáng, đi xuống bếp chuẩn bị bữa sáng cho gia đình? Anh ấy có nhớ về bữa tiệc sinh nhật của Rybina? Anh ấy có nhớ đến nàng? Sao thời gian bay nhanh quá! Những chiếc xe điện đã tắt đèn pha trên mũi xe. Kim chỉ giờ đã trôi qua khấc chín. Mẹ chồng sẽ về nhà ngay thôi.
Tiếng nước chảy trong phòng tắm. Người quí báu hí hửng hít hà. Rồi anh sẽ bắt đầu nghiền cà phê. Họ không có máy xay cà phê bằng điện. Người quí báu nghiền cà phê bằng tay. Anh tự hào rằng anh có thể đóng góp sức mạnh cơ bắp của mình cho công việc nhà. Anh đoan chắc rằng sự đóng góp này là rất vĩ đại. Thằng bé thức giấc. Nàng đến bên nó. Và mẹ chồng trở về.
- Ở chợ Lukianivskyi họ đang bán thịt gà, chín rúp một miếng mà chả thấy thịt đâu cả. Mẹ đã mua thịt gà ở chợ Zhytnyi, mười hai rúp một miếng. Chẳng biết cái gì đó bên trong mẹ mách bảo mẹ: “Mua ngay đi!”. Và thế là mẹ đã quyết định đúng: khi mẹ đến chợ Besarabka, họ bán cùng một loại gà như thế mà những mười lăm rúp một miếng cơ đấy. Nhưng mẹ đã mua dưa cải bắp của Đức ở đó. Peter, anh có muốn thử món dưa cải không?
- Mẹ biến đi với cái món dưa cải chết tiệt của mẹ! Mẹ không thấy tôi đang giã cà phê à?
- Mày chết đi với cà phê của mày!
Ly Hoàng Ly dịch