Thảy đã xảy đến rất là đơn giản và không lôi thôi tí nào cả. Vì những lý do tốt hơn chớ nên kể ra, quần chúng đã bị thiếu thịt trầm trọng. Mọi người đều lo lắng. Có kẻ đã xuyên tạc bằng những lời chua chát, có kẻ đã bàn tính chuyện nổi loạn. Nhưng rồi, theo thông lệ, sự phản đối không đi xa hơn sự hăm doạ suông, và người ta được chứng kiến cái cảnh dân chúng kiệt quệ bức lá bức cỏ bỏ vô mồm nhai nuốt.
Tuy nhiên, bác Ansaldo thì không cần làm như thiên hạ. Rất ư là tỉnh bơ, bác ấy lấy một con dao xắt thịt lớn đem ra mài, rồi lập tức quần tuột xuống tới gối, bác thẻo một miếng bíp tết thật to bên mông trái. Sau khi rửa sạch và tẩm muối dấm, bác nướng sơ trên vỉ sắt rồi chiên trên cái quánh để rán trứng trong ngày chủ nhật. Xong, bác mang miếng bíp tết lớn ra bàn ngồi xơi ngon lành. Bỗng nhiên có tiếng gõ cửa, một trự hàng xóm chạy qua tâm sự -. Bác Ansaldo trịnh trọng chỉ cho ông bạn láng giềng xem miếng thịt chiên. Người hàng xóm tò mò hỏi, Ansaldo chỉ cần chìa cái mông trái ra cho y coi. Khỏi cần phải nói. Ông hàng xóm phục lăn và á khẩu, bỏ đi rồi trở lại tức thì với ông thị trưởng. Ông này bày tỏ với bác Ansaldo cái ước nguyện được thấy đám quần chúng yêu mến của ổng có thể sống tự túc như bác Ansaldo. Hay nói cách khác: có thể nuôi thân bằng chính thịt của mình. Quyết định nhanh, rồi trao đổi chóng những lời nồng nhiệt giữa dân có giáo dục, thế là bác Ansaldo bươn bả đi ra cái công trường lớn, để, theo đúng nguyên văn của bác, cống hiến “một màn biểu diễn thiết thực cho đám đông.
Vừa tới nơi, bác bảo mọi người nên cắt hai miếng bíp tết bên mông trái, giống hệt từng điểm một với miếng thịt bằng thạch cao màu đỏ toòng teng trên cái móc sắt lóng lánh. Hai miếng thay vì một, bác tuyên bố như vậy: hai miếng để chẳng có ai bị thiệt thòi, mọi người đều có thịt thà đồng đều như nhau, được ngốn hai miếng bíp tết, bởi vì cắt một miếng bên mông trái bác đã làm rồi. Sau các lời chính xác ấy, mọi người bắt đầu thi hành phận sự cắt hai miếng bíp tết bên mông trái. Một cảnh tượng vô cùng ngoạn mục, nhưng đã có yêu cầu không nên mô tả lại. Người ta bắt đầu làm bản thống kê để tính xem dân chúng sẽ được hưởng món thịt trong khoảng thời gian bao lâu. Một nhà giải phẫu học xuất chúng đã dự tính, nếu dựa trên sức nặng một trăm cân và trừ bớt bộ đồ lòng và những bộ phận không ăn được, thì mỗi người có thể xơi thịt trong khoảng một trăm bốn mươi ngày theo dung lượng nửa cân thịt mỗi ngày. Dù sao thì đó chỉ là một bài toán hão huyền. Điều cốt yếu là ai cũng được nhai một miếng bíp tết bự.
Chẳng bao lâu đã có nhiều bà ca tụng sự khám phá của bác Ansaldo. Thí dụ, các bà đã xơi vú mình, thấy chẳng cần phải che đậy bộ ngực nữa, và áo quần của họ chỉ còn lên tới trên mức lỗ rốn tí thôi. Vài bà khác, nhưng không phải là tất cả, đã thôi chuyện trò, vì họ đã nhai nuốt lưỡi. Mà cũng xin thưa rằng, lưỡi là một món ngon đặc biệt, thuộc hàng vương giả. Ngoài phố đã diễn ra những cảnh tượng quá đỗi tuyệt vời, chẳng hạn, có hai bà nọ xa cách nhau lâu ngày, khi gặp nhau lại, thì không thể hôn nhau, vì họ đã dùng môi để lăn bột chiên, sáng tạo một món mới rất thành công. Ông giám đốc nhà lao thì không thể ký tên vào bản án tử hình của một tội nhân vì ổng đã gậm sạch các đầu ngón tay, mà những tay sành ăn (ông giám đốc cũng là một người sành ăn) bảo rằng đã cho ra đời cái câu nói rất thông dụng: “Ngon như liếm ngón”
Thỉnh thoảng cũng có vài cuộc phản kháng. Nghiệp đoàn công nhân may áo nịt vú đệ trình một bản kiến nghị và được nghe chính phủ bảo rằng chẳng còn “khẩu hiệu” nào trên thế giới có thể thuyết phục được giới phụ nữ mang xú chiêng. Nhưng chúng chỉ là những cuộc nổi loạn vô hại, không thể biến đổi tình trạng dân chúng tiếp tục đớp thịt của mình.
Một trong những biến cố ngoạn mục nhất ở cái thời điểm rất dễ thương này, là việc thẻo miếng thịt cuối cùng trên mình một nghệ sĩ vũ múa quốc gia. Vì tôn trọng nghề nghiệp, anh này để dành các ngón chân quí đẹp tới phút cuối cùng. Hàng xóm nhận thấy vẻ lo âu của anh trong những ngày gần đây. Anh chỉ còn vỏn vẹn cái phần nhiều thịt nhất của một ngón chân cái. Anh triệu tập bằng hữu tới nhà để chứng kiến cảnh anh ra tay. Trong sự im lặng đẫm máu, anh thẻo cái phần thịt cuối cùng, và không cần đưa qua đưa lại trên lửa, ném thẳng nó vào cái lỗ nhỏ đã từng là một chiếc miệng xinh. Một nét trang nghiêm bất thần xuất hiện trên khuôn mặt anh.
Nhưng dù sao thì mọi người vẫn tiếp tục sống và đó là điều cốt yếu. Hay là không phải vậy? - Phải chăng vì lý do trên đây mà đôi hài của một vũ công hiện được trưng bày trong một gian phòng của viện bảo tàng Kỷ Vật Danh Tiếng? Người ta chỉ được biết rằng một trong các nhân vật béo bự nhất của thành phố (ông ta cân nặng hai trăm kí) đã tiêu thụ hết cái phần thịt dự trữ khả dụng chỉ trong vòng mười lăm hôm (ông ta rất háo ăn và cơ thể ông ta cần những dung lượng thực phẩm vĩ đại). Từ dạo ấy, ông ta đã biệt tăm biệt tích luôn. Chắn chắn ông ta đã ẩn mặt. Nhưng chẳng riêng ông ta thôi, nhiều người khác cũng hành động y hệt. Vì thế mà một ngày đẹp trời, bà Orfila hỏi đứa con nhỏ - nó đang nhai rạu rạu cái vành tai trái - bà hỏi nó đã cất dấu ở đâu một món gì đó, tôi không biết, mà không có đối đáp. Van nài, đe doạ cũng đều vô hiệu quả. Được mời thỉnh tới nhà, một chuyên viên về các vụ mất tích chỉ tìm thấy một đống cứt tại cái chỗ mà bà Orfila thề có đất trời chứng giám rằng đứa con của bà đã ở đấy khi bà chuyện trò với nó. Dù sao thì mấy cái tai nạn be bé ấy cũng không phương hại đến sự vui vẻ của thị dân. Bởi họ đâu có lý do gì để mà than phiền khi cuộc sống đã được bảo đảm? Cái vấn đề hệ trọng thuộc về trật tự công cộng do nạn thiếu thịt gây ra đã chẳng được giải quyết một cách rất ổn thoả rồi à? Nếu các người kể trên đã luân phiên biến mất thì cũng chẳng ăn nhập vì tới sự cốt lõi của vấn đề, mà chỉ là một sự xiển dương không gây trở ngại tí nào cả cho sự quyết tâm của dân chúng trong việc tự kiếm lấy cái thức ăn quí báu bằng cách đó. Phải chăng đó là cái giá mà mọi người đều phải trả để có da có thịt trên cơ thể? Thế nhưng tốt hơn nên tránh cái chuyện đê tiện là đặt ra những câu hỏi khiếm nhã như vậy, bởi đây là thực kiện: các công dân ngoan ngoãn ấy đã được nuôi nấng rất ư là tuyệt trần.
Trong tập Nouveaux contes froids [Cuentos fríos],
Liliane Hasson dịch, Éditions Métailié, Paris, 1999.