Diane RaynerNiềm tin là tin những gì không thấy và rồi
niềm tin sẽ cho thấy những gì đã tin
Thánh AugustinôTôi lớn lên với một niềm tin rằng những chuyện kỳ diệu và tuyệt vời thường xảy ra trong ngày lễ Giáng Sinh, khi những nhà thông thái từ phương Đông đến, khi gia súc thì thầm với nhau trong chuồng vào lúc nửa đêm, và khi ánh sáng từ ngôi sao lạ trên bầu trời cao báo hiệu Con Thiên Chúa đã sinh xuống trần. Giáng Sinh trong tôi lúc nào cũng là một dịp reo mừng, vui hưởng hạnh phúc, và chưa bao giờ tôi hạnh phúc cho bằng lễ Giáng Sinh năm đó, năm mà đứa con trai của tôi, Mẫn, vừa tròn tám tuổi.
Đó cũng là năm mà mẹ con tôi dọn vào căn nhà xe (trailer) ở vùng đồi núi ngoại ô Redmond, tiểu bang Washington. Vào những ngày gần lễ Giáng Sinh, chúng tôi không mấy háo hức lắm; mặc dù không phải vì cơn mưa giông kéo dài mấy ngày gây sình lầy đường sá và làm sàn nhà chúng tôi ướt đẫm bùn. Từ đầu tháng 12, Mẫn trông vui tươi hẳn ra, và có vẻ bận rộn nhất nhà. Nó là con út của tôi, một thằng bé vui tính, mẫn tiệp và thân thiện với mái tóc vàng hoe. Mẫn có tật khi nghe ai nói cứ nghiêng nghiêng cái đầu về một bên trông như con chó nhỏ. Đúng ra là vì Mẫn bị điếc bên tai trái nên phải nghiêng đầu để nghe cho rõ nhưng chẳng bao giờ thấy nó mở miệng than phiền về khiếm khuyết bẩm sinh đó cả.
Tôi để ý đến nó cả mấy tuần nay. Tôi biết chắc là Mẫn đang giấu tôi một điều gì đó. Tôi nhận thấy nó siêng năng dọn giường chiếu, đổ rác, hăng hái phụ dọn bàn ăn với các anh chị. Nó âm thầm để dành tiền ăn quà, cất giữ cẩn thận. Tôi không hiểu nó đang toan tính chuyện gì nhưng tôi biết rõ một điều là chuyện nó đang toan tính chắc chắn phải liên quan đến Kha.
Kha là bạn của Mẫn và chúng nó rất thân nhau từ đầu mùa xuân. Chúng thân nhau đến nỗi nếu gọi tên một đứa, cả hai đều lên tiếng. Thế giới của chúng nằm gọn trong cánh đồng cỏ có con suối nhỏ róc rách chảy ngang, nơi mà chúng mải mê bắt ếch nhái, nơi mà chúng cứ tưởng tượng là một ngày nào đó sẽ tìm thấy một mẩu tên đã rỉ sét hoặc đào được một kho tàng của bọn cướp đã chôn dấu lâu năm. Cũng là nơi chúng thường rong chơi suốt buổi trưa, ngồi tựa gốc cây vung tay ném những hạt đậu cho bầy sóc nâu nhỏ.
Cuộc sống của mẹ con tôi trong thời gian đó vất vả, và chúng tôi cố gắng bước đi từng ngày. Lương lãnh ra từ hãng gói thịt chỉ đủ tạm cho mẹ con chúng tôi có những bữa cơm thanh đạm. Nhưng so ra vẫn tương đối sung túc hơn gia đình của Kha. Gia đình Kha rất nghèo, và bà mẹ thật chật vật mới nuôi đủ từng ấy miệng ăn, chưa kể quần áo, sách vở cho con cái. Bù lại gia đình vẫn giữ được nề nếp cổ truyền. Riêng mẹ Kha rất tự hào về nếp sống thanh bạch, đôi khi pha chút tự ái qua những luật lệ bà đặt ra cho con cái.
Tôi cố kiếm cho được một cây thông nhỏ dựng ở góc nhà, trang hoàng đèn đóm khiến căn nhà trông ấm cúng hẳn ra. Mẫn và Kha đôi khi phụ giúp tôi làm món bánh ngọt hoặc đan những rổ nho nhỏ để treo lên cây thông. Nhưng chỉ thoáng một chốc là chúng lại chay bay ra khỏi nhà, chui qua dãy hàng rào truyền điện, ngăn chia căn nhà tồi tàn của chúng tôi và nhà của Kha, và băng mình vào cánh đồng cỏ non xanh rì.
Vài đêm trước lễ Giáng Sinh, tôi đang bận rộn với những món bánh ngọt pha quế, Mẫn nói với tôi bằng một giọng vui tươi pha chút hãnh diện:
- Mẹ xem này, con mới mua cho Kha món quà Giáng Sinh. Mẹ muốn biết là cái gì không?
Ồ! Hoá ra nó để dành tiền là để mua quà cho Kha, tôi nghĩ thầm. Mẫn tiếp tục:
- Đây là món quà mà Kha mong ước từ lâu rồi.
Chùi vội tay vào cái khăn, Mẫn trịnh trọng lôi trong túi ra một hộp nhỏ. Tôi mở hé nắp hộp và thấy một cái la bàn bỏ túi, cái la bàn mà Mẫn đã nhịn ăn vặt trong nhiều tuần, để dành tiền mới đủ mua cho Kha. Chúng nó rất cần một cái la bàn như vậy để định phương hướng khi đi sâu vào khu rừng nhỏ phía sau nhà.
- Món quà thật dễ thương, con ạ!
Vừa nói xong, tôi cảm thấy một cái gì không ổn vì tôi biết mẹ Kha rất nghĩ ngợi về sự nghèo túng của gia đình họ. Trong nhà đã không dám nói đến vấn đề quà cáp cho con cái vào dịp lễ thì làm sao Kha có thể trao đổi quà với Mẫn khi nó nhận được cái la bàn. Tôi tin chắc rằng mẹ Kha sẽ không cho phép nó nhận món quà Giáng Sinh từ Mẫn, vì Kha sẽ không có gì để đổi lại. Tôi nhẹ nhàng giải thích cho Mẫn về vấn đề đó và thằng bé tỏ ra rất hiểu biết.
- Con biết, mẹ ạ! Nhưng con đã có cách. Nếu Kha không biết ai tặng quà thì mẹ nó sẽ cho nó giữ cái la bàn.
Tôi không biết phải trả lời sao với con tôi. Tôi thật sự không biết phải nói thế nào với nó.
Một ngày trước lễ Giáng Sinh, bầu trời âm u, lạnh lẽo và mưa tầm tã. Trong căn nhà nhỏ hẹp, mẹ con tôi ngồi chống cằm buồn buồn nhìn bầu trời u ám ngoài kia và không tránh được tiếng thở dài ảo não. Nhưng bốn mẹ con tôi cũng sửa soạn lại phòng khách, dựng lại cây thông có bóng đèn điện nhấp nháy cho ngay ngắn, và chuẩn bị bữa cơm chiều để chờ đón thân nhân hoặc bè bạn có thể ghé thăm.
Đêm xuống. Mưa vẫn rơi. Đứng ở bồn rửa bát, qua lớp cửa kiếng mờ hơi sương, tôi nhìn mông vào bóng đêm và lòng cảm thấy buồn bã lạ thường. Sao lại có thể mưa vào đêm áp lễ Giáng Sinh được? Mấy nhà thông thái phương Đông có thể rong ruổi trên lưng ngựa đến viếng Chúa Hài Đồng vào đêm mưa gió như thế này không? Tôi nghĩ là không! Theo tôi, những chuyện kỳ diệu và tuyệt vời chỉ xảy ra vào những đêm quang đãng, những đêm trong sáng để có thể thấy ngôi sao lạ trên bầu trời.
Khi xoay người lại nhìn nồi thịt heo hầm và khay bánh nướng trong lò, tôi thấy Mẫn mở cửa biến mình vào màn đêm. Thằng bé chỉ khoác vội chiếc áo mưa, bên trong phong phanh một bộ đồ ngủ và nó nắm chặt hộp quà trong tay. Mẫn băng qua cánh đồng cỏ sũng nước, trườn mình qua dãy hàng rào điện và tiến dần về phía nhà Kha. Căn nhà Kha kia rồi, Mẫn nhủ thầm. Nó nhón chân đi thật nhẹ đến trước cửa, nín thở mở cánh cửa lưới, đặt nhẹ hộp quà ngay ngưỡng cửa, rồi nhấn mạnh chuông.
Và nhanh như một con sóc, Mẫn quay người, chạy phăng xuống những bậc thềm, cúi đầu, cắm cổ chạy biến vào màn đêm để không ai thấy nó. Bằng bất cứ giá nào Mẫn phải chạy khỏi khu đồng cỏ nhà Kha để không một ai biết nó lảng vảng trước nhà thằng bạn. Trong đầu óc của nó chỉ còn tiếng thúc dục chạy, chạy nhanh lên… Mẫn mải miết chạy băng qua cánh đồng và thình lình nó đâm người vào dãy hàng rào điện.
Cường độ dòng điện đủ mạnh đẩy Mẫn bật ngược về phía sau, ghim cắm thân hình nó xuống mặt đất. Mẫn nằm chết cứng trên thảm cỏ ướt. Cả người Mẫn run lẩy bẩy và nó đang ôm lấy ngực, cong người để cố hớp lấy chút dưỡng khí. Nằm chết rũ một lúc khá lâu, Mẫn mới gắng gượng ngồi dậy, khuôn mặt nó vẫn còn tái mét vì sợ hãi, cố chống tay đứng lên và chậm chạp lê bước chân yếu ớt đi về nhà.
- Mẫn! - chúng tôi la lên và đâm bổ về phía cửa. “Sao vậy con?” Môi thằng bé run tái vì lạnh, đôi mắt thất thần nhìn chúng tôi mãi lúc sau mới thốt lên lời:
- Con quên mất hàng rào điện. Nó giật con mạnh quá!
Tôi ôm vội lấy thằng út người đầy những bùn. Tội nghiệp con tôi! Người nó vẫn còn run rẩy và tôi thấy rõ một vệt đỏ cháy phỏng chạy từ miệng ra đến tận mang tai. Tôi lấy ngay thuốc mỡ xoa lên vết thương rồi pha cho Mẫn một ly ca-cao nóng. Uống xong ly sữa ca-cao, Mẫn lấy lại vẻ vui tươi thường ngày. Khi ủ Mẫn vào giường ngủ, thằng bé nhìn tôi và nói:
- Mẹ ơi! Kha không thấy con đâu! Con tin chắc là nó chẳng thấy con!
Buổi tối hôm áp lễ Giáng Sinh đó, tôi buồn phiền đi vào giấc ngủ và chán nản tự hỏi tại sao một tai nạn quái ác như thế lại có thể xảy ra cho một thằng bé hết lòng vì bạn, tìm cách san sẻ niềm vui Giáng Sinh đến cho người khác kém may mắn hơn nó, làm theo đúng như lời Chúa đã dạy - làm phúc không cho tay trái biết. Cả đêm tôi nằm trằn trọc với nhiều ý nghĩ. Trong tôi đã nhuốm lên một chút tuyệt vọng về ý nghĩa truyền thống của ngày lễ Giáng Sinh: lễ an hoà, lễ tình thương. Những ý nghĩa tươi đẹp đó đang chết trong hồn tôi và tôi cũng mất hẳn niềm tin về một ngày lễ kỳ diệu, tuyệt vời nhất của đời người.
Nhưng tôi đã lầm.
Buổi sáng hôm sau, mưa tạnh hẳn và ánh nắng chiếu rọi chan hoà trên muôn vật. Vết cháy phỏng trên khuôn mặt Mẫn vẫn còn rõ nét nhưng tôi biết chắc là không còn nguy hiểm nữa. Chúng tôi mở quà và không ngờ Kha đang đứng trước cửa nhà, gõ cửa. Nó nhanh nhẩu khoe với Mẫn cái la bàn và kể lại câu chuyện bí ẩn tối hôm qua khi nó nghe tiếng ai bấm chuông và chạy ra mở cửa. Rõ ràng là Kha không thể nào ngờ Mẫn là người tặng quà vào tối hôm trước và trong khi Kha liến thoắng kể chuyện, Mẫn chỉ mỉm cười.
Và tôi để ý thấy khi hai thằng bé khoe quà với nhau - gật đầu, ra hiệu, chuyện trò, Mẫn không còn nghiêng đầu về một bên nữa. Lúc Kha nói chuyện, hình như Mẫn đang nghe bằng tai trái, bên tai bị điếc. Vài tuần sau, cô y tá ở trường báo cho tôi một chuyện mà tôi đã biết trước là Mẫn đã nghe rõ bằng cả hai tai.
Làm thế nào mà Mẫn nghe được bên tai trái vẫn là điều bí ẩn. Các bác sĩ cho rằng, khi Mẫn bị điện giật, cường độ của dòng điện đã khai thông hệ thống thính giác bị tắc nghẽn. Có thể lắm chứ! Nhưng cho dù giải thích thế nào đi nữa, tôi chỉ biết cảm tạ Thiên Chúa đã trao đổi quà và tặng cho con tôi một món quà Giáng Sinh vô giá vào đêm hôm đó.
Các bạn thấy không, những chuyện kỳ diệu và tuyệt vời vẫn tiếp tục xảy ra vào đêm Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Và người ta cũng không cần một đêm trong sáng để bước theo ngôi sao lạ trên bầu trời.
“An Exchange of Gifts”
Hải Ngữ chuyển dịch