Vừa ra khỏi chợ, Hùng hít một hơi thật sâu.Nhẹ hẳn người.
Bỗng hai người hai bên, cùng đi vượt lên, cùng gọi giật giọng:
- Đồng chí Phó chủ tịch! Đồng chí Phó chủ tịch!
Hùng nhìn người này lại nhìn người kia. Người thanh niên còn trẻ. Người phụ nữ đã cứng tuổi. Máy ghi âm nhỏ xíu trong tay. Miệng nói, tay giơ máy lên:
- Tôi là Thu Phong, phóng viên tờ Chính luận.
- Em là Vạn, phóng viên tờ Thời luận.Thẻ nhà báo của em đây. - Chị kia cũng chìa thẻ của mình ra. - Xin đồng chí cho biết…
Hùng giật mình, phản ứng bằng một câu hỏi:
- Phỏng vấn gì mới được chứ?
Vạn:
- Thì cái vụ xây chợ mới ấy.
- Sao các anh chị biết?
Thu Phong:
- Thì bọn em nghe hết cuộc đối thoại rồi mà! Tuyệt thật đấy! Quá hay anh ạ. Nếu các anh làm được việc này thì đúng là một cú đột phá cho cả nước đấy.
Hùng ngạc nhiên:
- Cái gì? Cái gì đột phá? Đột phá cái gì mới được chứ?
Phong hào hứng:
- Không phải đột phá trong việc xây chợ, mà là đột phá trong cách làm việc với nhân dân, trong mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
- Thế ra các bạn đã nghe… tất cả? Tức là…nghe… trộm? Khách không mời mà đến chứ gì?
Hai người cười. Vạn:
- Chúng em nghe đàng hoàng đấy chứ. Tại anh mải giải thích với các bà ấy nên không để ý. Bọn em ngồi dưới cùng.
- Thế sao biết tin mà đến?
Phong:
- Cái này thuộc về nghiệp vụ báo chí ạ. Cho chúng em mươi phút thôi, được không anh?
Vạn cười khoái lắm:
- Nghe các bà ấy cãi nhau thú quá. Chưa bao giờ em được nghe những câu như thế. Tất nhiên không thích bằng nghe anh trả lời họ.
Phong đi guốc vào bụng bạn đồng nghiệp:
- Anh ạ, về cơ quan, thế nào thằng này cũng tái bản mấy câu của các bà ấy cho mà xem. Không có em cứ đi đầu xuống đất!
Hùng cười, biết hai người này muốn nhắc đến mấy câu băm bổ, bỗ bà, bậy bạ của các bà. Anh xem đồng hồ:
- Thế này nhé. Dứt khoát tôi với hai bạn sẽ trò chuyện. Còn phỏng vấn, các bạn nên làm với anh Kiên. Vấn đề như thế phải tầm cỡ anh ấy trả lời mới đã.
Thu Phong:
- Nhưng, anh là người làm cụ thể, cùng sẽ rất hay.
- Làm cụ thể thì chỉ biết những cái cụ thể thôi. Tôi kể về công việc thì được. Còn tại sao làm thế, thì phải ở đẳng cấp nào mới giải thích được. Tôi dặn đây này. Chỉ đăng báo khi công việc bắt đầu triển khai thôi. Bây giờ mới là những việc chuẩn bị đầu tiên. Liên hệ lại nhé. Tôi phải về báo cáo đã.
Hùng đưa cho môi người một tấm danh thiếp, rồi đưa tay ra bắt.
***
Vừa cho con bú, Thu Phong vừa nhớ lại buổi "nghe trộm" sáng nay. Nghề làm báo có những chuyện thế đấy.
Trong một đám hỗn độn, giữa một mớ ngôn từ tục tĩu, xuất hiện một tính cách thẳng thắn, đàng hoàng, đĩnh đạc và rất người. Thằng Vạn chắc cũng nhận ra cái khác lạ trong cách làm này. Nhưng khai thác thế nào, bình luận thế nào, nâng lên tầm nào là năng lực mỗi người. Thế nào mình cũng phải làm một cuộc, không, ít nhất là hai cuộc phỏng vấn. Ông Kiên này. Ông Bí thư Thành uỷ này.
Phải chuẩn bị câu hỏi ngay từ bây giờ…
Chị bế bé Thu Hà lên, xoay lại cho nó bú nốt vú bên kia.
Cảm giác lúc cho con bú thật lạ. Hơi buồn buồn, hơi tê mê.
Tất nhiên không giống lúc Triển vục miệng vào bên này, bên kia, rồi cười "để đảm bảo công bằng".
Con làm em nhớ anh quá chừng. Giống nhau quá. Chỉ có điều, khi anh làm thế thì cả người em cứ nhũn ra. Anh đang làm gì đấy hả anh yêu? Đang duyệt bài, phải không?Công việc của em không bận bịu bằng anh, nhưng Thu Hà làm em bận bịu hơn Tổng biên tập đấy. Có nó, em không đi công tác xa được, chỉ quanh quẩn trong thành phố này thôi. Được gần con, và được gần anh, em hạnh phúc lắm. Nhưng em phải cứng rắn với mình. Em không có quyền tước đoạt của người khác. Em chỉ là kẻ nhặt nhạnh chút hạnh phúc thừa thãi mà người ta vứt bỏ không thương tiếc thôi.
Triển cứ chen vào suy nghĩ của Phong như thế. Nhất là lúc hai mẹ con quấn lấy nhau trên giường, trước khi chìm vào giấc ngủ.
Ai cũng thấy chị đẹp hẳn ra. Da thịt cứ mẩy mang, mỡ màng, mướt mát. Đôi mắt tròn to lúc nào cũng long lanh, lấp lánh niềm vui. Chiếc váy bó lửng dưới gối, càng tôn thêm vẻ đẹp đôi chân dài, khiến bọn con gái trong cơ quan cũng phải ghen. Nhâm bảo: "Em không cần viết nhiều như trước đâu. Nhưng, viết bài nào ra bài ấy như chùm phóng sự điều tra Vũ Sán là tuyệt lắm. Dành thời gian chăm sóc cô phóng viên tương lai cho chị. Hôm nọ gặp anh Triển. Anh ấy gặng hồi mãi về em. Chị bảo: "Nó sống nguyên tắc lắm đấy".
Phong nháp trong óc những câu hỏi sẽ phỏng vấn. Làm sao để các nhóm câu hỏi này không trùng nhau. Với cấp độ cao dần theo cương vị của mỗi người. Có thể sẽ mở rộng đối tượng phỏng vấn. Xem nhân dân, bạn đọc suy nghĩ thế nào, đánh giá việc này thế nào.
***
Chẳng bao lâu, trước cửa chợ, một tấm pano lớn dựng lên. Bức cảnh đồ chợ Cầu Đông thật đồ sộ. Các kiến trúc sư vẫn giữ mặt tiền chợ cũ như một mảng di tích kiến trúc, lịch sử. Người đứng xúm xít ngắm ngôi chợ mới, nhưng vẫn mang dáng vẻ ngôi chợ truyền thống. Phía sau, khối kiến trúc ba tầng cao vượt hẳn lên.
Chợ tạm, được dựng giữa lòng đường hai dãy phố gần đấy. Hai dãy kiôt quay lưng vào nhau làm thành hai dẫy hàng. Dù khách chưa quen cũng bắt đầu nhộn nhịp. Bà con buôn bán trong chợ được phát mỗi người một phiếu trưng cầu ý kiến. Ban Quản lý chợ hẹn ba ngày sau thu lại. Nếu chủ kinh doanh nào không nộp, coi như không đăng ký thuê chợ nữa. Vậy mà mất cả tuần mới thu xong.
Việc phá dỡ chợ cũ, hoá ra lại tốn nhiều thời gian và công sức hơn dự kiến. Các tấm tôn, dù đã thay mấy lần, lần gần nhất cũng đã gần hai chục năm nên gỉ cả. Các tay đòn, vì kèo sắt, không thể tháo từng chiếc bu lông mà phải dùng đèn xì cắt từng phần, ròng dây thả xuống. Sau hơn mười ngày phá dỡ phần sắt thép, đến lượt mấy chiếc máy xúc hùng hục xông vào. Nó buộc cáp vào những chỗ buộc được, gầm gừ giật cho đố, húc cho sập. Buổi tối, xe tải ghé đít vào oằn lưng hứng từng gầu gạch vữa, cùng với hàng tan bụi bặm trăm năm tích lại chở đi.
Nhiều báo đưa tin Thanh Hoa xây mới chợ Cầu Đông.
Tờ Thời luậngiật tít: "Chợ - một khâu yếu trong quản lý đô thị Lâm Du đã bị đột phá". Phóng viên Đức Vạn đề cập đến cái phức tạp của chợ, càng phức tạp hơn là những người bán buôn, bán lẻ trong những chợ ấy. Anh miêu tả tính phức tạp ấy, lúc nghe bà con nói suy nghĩ của mình, khi Ban quản lý dự án đặt ra những vấn đề phải giải quyết để xây dựng chợ mới trên nền chợ cũ, trong thời kỳ hội nhập kinh tế ( Kèm theo là ảnh cảnh đồ ngôi chợ mới ).
Tờ Chính luậnchạy hàng tít lớn giữa trang nhất: Lâm Du giải quyết bài toán chợ trước thềm WTO của nhà báo Thu Phong.
Kỳ 1. Bà già đi chợ Cầu Đông.
Dẫn bài ca dao trào lộng ngày xưa, tác giả nêu vấn đề: Đã đến lúc chợ Cầu Đông không còn những thứ "hàng" như thầy bói, người tẩm quất thuở nào. Chợ truyền thống sẽ thu hẹp dần, nhường chỗ cho siêu thị to, nhỏ, thậm chí cực nhỏ (lẫn trong các khu dân cư). Phần còn lại, bài báo tường thuật những công việc đang làm và kế hoạch phá chợ cũ, xây chợ mới, thiết kế, bố trí các gian hàng. Việc chọn chỗ sẽ tổ chức đấu thầu. (Kèm theo bài là ảnh chợ Cầu Đông họp tràn ra lòng đường.)
Kỳ 2. Một cách làm thực sự dân chủ
Bài báo đưa ra số liệu: tổng vốn đầu tư phá chợ cũ, xây chợ mới là bao nhiêu. Vốn vay ngân hàng bao nhiêu? Vốn cổ đông, kế cả vốn góp của một số hộ kinh doanh cũ…bao nhiêu? Huy động của dân, bằng tiền đóng thuế trước bao nhiêu? Tất cả đều tính ra tỉ lệ phần trăm. Từ đó rút ra kết luận: Nhà nước (UBND quận) chỉ còn làm chức năng quản lý chợ bằng pháp luật, không kinh doanh chợ.
Bài báo đặt câu hỏi: Bằng cách nào Lâm Du làm được như thế? Tác giả miêu tả cuộc đối thoại bỗ bã nhưng thẳng thắn giữa bà con buôn bán với ông Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Quận. Qua đó rút ra cách làm: giải thích mọi nhẽ -> tuyên truyền vận động -> đặt bà con trước một sự lựa chọn và tôn trọng sự lựa chọn ấy. (Bức ảnh kèm theo chú thích: Các bà trưởng ngành hàng sôi nổi thảo luận.)
Kỳ 3: Có hai bài nhỏ đặt song song, đối xứng. (Kèm theo ảnh người được phỏng vấn) Bài 1: Ý Đảng lòng dân. Bí thư kiêm chủ tịch quận Trần Kiên: Người dân phải thực sự làm chủ.
Phóng viên nêu câu hỏi: Có lẽ ai cũng thấy vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước. Từ xa xưa các cụ đã chỉ ra: phải lấy dân làm gốc. Rằng "Chở thuyền là dân, làm lật thuyền cũng là dân. Thế mới biết sức dân mạnh như nước". Đã một thời chúng ta nêu khẩu hiệu: làm chủ tập thế. Gần đây không nói đến nữa, mà đưa ra khẩu hiệu thiết thực hơn: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Xin ông cho biết cách làm của Lâm Du trong dự án chợ có điểm gì mới?
Ông Trần Kiên: Nhà báo tóm tắt rất đúng lịch sử vấn đề. Chúng tôi vẫn tiếp tục tinh thần dân chủ ấy. Nhưng có đẩy lên một bước mới. Tôi nghĩ có bước đi này người dân mới thực sự làm chủ. Nhà báo biết tình hình rồi đấy. Bà con buôn bán, chứ không phải ta buôn bán. Bà con ngồi chợ mười mấy tiếng một ngày. Buôn bán có những thói quen, có những quy định bất thành văn, từ lâu đời, không phải ngày một ngày hai thay đổi được, dù nhiều cái không phù hợp với cuộc sống công nghiệp hiện đại. Vì thế, phải để bà con lựa chọn. Chúng ta tôn trọng sự lựa chọn ấy, tức là, ý kiến đa số bà con sẽ trở thành ý kiến quyết định. Lâu nay chúng ta vẫn hay quyết định thay bà con. Và nhiều khi quyết định sai ý nguyện của bà con. Vì thế chúng tôi chỉ chèn thêm một nhóm từ nữa vào khẩu hiệu cũ. Dân biết, dân bàn, dân quyết định, dân làm, dân kiểm tra.
- Thế có nghĩa là tiến hành trưng cầu ý dân?
- Nhà báo nói thế, e to tát quá. Nhưng đúng thế thật.
- Thế nếu ý kiến đa số không phù hợp với ý đồ chỉ đạo của Quận?
- Thì chịu vậy. Có lẽ, chỉ chuối tiêu dấm hương là thơm ngon hơn chuối chín cây thôi. Còn mọi thứ quá chín ép chẳng ngon bằng chín tự nhiên dưới nắng mặt trời. Không nên áp đặt ý mình cho bà con nhà báo ạ.
Bài 2: Phấn khởi nhất là bà con chợ Cầu Đông được hỏi ý kiến, và Quận làm theo ý kiến bà con.
Phóng viên phỏng vấn một số bà con chợ cầu Đông về cách làm của quận Lâm Du và việc xây chợ Cầu Đông mới.
(Phỏng vấn ai, có kèm ảnh nhỏ người ấy)
Bà Vũ Thị Trinh, 57 tuổi, bán hàng khô: "Chưa bao giờ tôi nói chuyện với một ông Phó chủ tịch quân. Ông ấy biết mọi điều hơn lẽ phải. Tôi tin ông ấy nói thế nào là làm thế ấy.
Bà Phạm Thị Huyền, 48 tuổi, bán hàng thuỷ sản: "Nói phải củ cải cũng nghe, nữa là các ông có văn hoá cao".
Bà Nguyễn Thị Mùi, 45 tuổi, bán hàng thịt: "Bà con chúng tôi khoái nhất là được các ông quận bói ý kiến, mà các ông quận lại làm theo ý kiến bà con. Tôi xung phong đóng thuế trước hai năm để quận có tiền xây chợ. Tôi cũng mua mấy chục cổ phiếu nữa. Ích nước lợi nhà thì ai chả thích".
Bà Trần Thanh Mơ, 33 tuồi, bán đồ điện gia dụng: "Việc xây chợ mới là đúng rồi. Việc trên làm siêu thị, dưới làm chợ cũng đúng rồi. Tôi cùng muốn tham gia vào cái siêu thị ấy. Cũng mua cổ phiếu nữa. Nhếch nhác mãi, ai mà chịu được".
Kỳ 4: Ông Trịnh Trân Bí thư Thành uỷ Thanh Hoa: Lấy ý kiến của đa số dân là ý cuối cùng, cách nên làm, phải làm. (Kèm ảnh Bí thư Thành uỷ)
Phóng viên: Ông có biết quận Lâm Du tiến hành trưng cầu ý dân trong việc xây mới chợ Cầu Đông?
Bí thư Thành uỷ: Dự án chợ Cầu Đông không phải là công trình của Thành phố. Công trình này do quận Lâm Du chủ trương. Tôi có được báo cáo vế cách triển khai thực hiện.
Việc Lâm Du thực hiện trưng cầu ý dân, tôi nghĩ là việc làm sáng tạo và táo bạo nữa. Gọi là trưng cầu ý dân cũng được, vì đúng là ý kiến đa số nhân dân trở thành ý kiến quyết định. Thông thường, việc trưng cầu ý dân chỉ thực hiện vào những việc lớn. Dùng ở đây có lẽ không trật phù hợp. Còn nói về phương pháp công tác thì đấy là cách nên làm, phải làm.
Phóng viên: Trong mọi việc, ở mọi lĩnh vực, thưa ông?
Bí thư Thành uỷ: Tất nhiên không thể làm, mà cũng không nên làm trong mọi việc ở mọi lĩnh vực. Không phải chỉ vì tổ chức thực hiện mất nhiều thời gian và tiền của đâu. Còn phải dành việc cho các nhà lãnh đạo, nhà quán lý quyết định trong giới hạn quyền lực và trách nhiệm của mình chứ.
Phóng viên: Nhưng nhiều người có những quyết định sai đấy ạ, đó là những người năng lực không đi đôi với quyền lực đấy ạ?
Bí thư Thành uỷ: Đấy là khuyết điểm thậm chỉ là sai lầm của công tác tổ chức cán bộ.
Phóng viên: Khuyết điểm sai lầm cũng là chuyện thường tình trong công việc. Có điều, ở thành phố ta gần đây có một vài vụ nổi cộm. Ví như vụ Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc. Xin trở lại chuyện trưng cầu ý dân. Ông vừa nói đấy là việc nên làm, phải làm. Vậy trong tương lai có thể thực hiện việc này trong những trường hợp nào? Thưa ông?
Bí thư Thành uỷ: Tôi nghĩ, đến một thời điểm phù hợp Hiến pháp sẽ có quy định cụ thế. Ở các nước người ta làm lâu rồi. Tất nhiên chỉ thực hiện với những việc gì hệ trong, có liên quan đến thế chế. Ví dụ ở châu Âu, chính phủ hỏi dân có gia nhập Liên minh châu Âu không. Đã có nước, đa số dân không đồng ý là chịu đấy. Không có chuyện chính phủ cứ làm theo ý mình đâu. Nhưng có những việc hệ trọng, thậm chí liên quan đến đến sự sống còn của quốc gia, vì nhiều lý do, không thể làm, nên không bao giờ trưng cầu dân ý, như phát động chiến tranh, tuyên bố chiến tranh hoặc tuyên bố tình trạng khẩn cấp chẳng hạn.
Phóng viên: Thế là, không phải việc gì cũng trưng cầu ý dân. Nhưng điều quan trọng nhất là hành động của chính quyền có đại diện cho ý nguyện của dân không, có vì dân không, phải không thưa ông?
Bí thư Thành uỷ: Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến nhà báo. Việc quận Lâm Du tiến hành trưng cầu ý dân, như cách gọi của nhà báo, là rất có ý nghĩa. Cả ý nghĩa chính trị và ý nghĩa thực tiễn. Nó chứng tỏ người dân đã được tôn trọng thực sự, chứ không còn là một câu cửa miệng nói cho vui để tuyên truyền.
***
Ngay khi Ban quản lý dự án chợ quận Lâm Du thành lập, một cuộc thi thiết kế chợ Cầu Đông đã được tiến hành. Ba đồ án thiết kế được trưng bày. Hội đồng chuyên môn gồm các nhà kiến trúc nổi tiếng của Trung ương và Thành phố, một số nhà quản lý quận, đại diện ban quản lý chợ và các trưởng ngành hàng chợ được mời đến.
Vừa bước vào phòng trưng bày, mấy bà trưởng ngành hàng đã xúm vào xem ba mô hình chợ. Các bà nói, như nói giữa…chợ:
- Ối giời, cái chợ Cầu Đông nhà mình sẽ thế này á? Ghê quá nhỉ. Ra dáng lắm. Thế mới ra chợ chứ. Trông sướng cả mắt.
- Này các ông quận ơi. Ba cái chợ này, cái nào cũng đẹp. Mỗi cái mỗi vẻ. Chúng tôi thích cả ba cái. Các ông muốn xây cái nào thì xây. Chúng tôi không ý kiến ý cọt gì hết.
- Việc hôm trước các ông hỏi ý kiến chúng tôi là đúng rồi Còn việc này, biết đâu mà nói. Chúng tôi về bán hàng thôi. Chào các ông.
Nói xong, các bà kéo về luôn.
Ba kiến trúc sư, thay mặt ba nhóm tác giả lần lượt trình bày ý tưởng thiết kế của mình. Các thành viên hội đồng phân tích một hồi. Các ý kiến chụm vào mấy nhận xét: Đồ án số hai không bị chê, nhưng không được nhắc đến. Người ta khen giải pháp kiến trúc mặt tiền của đồ án số một. Nó hay, vì vẫn giữ được nguyên dáng vẻ kiến trúc cũ. Giờ đây, nó như một mảng trang trí cho ngôi chợ mới, vừa có tính lịch sử, vừa mang tính thấm mỹ. Khu vực chuyến tiếp giữa mảng này và chợ mới tạo không gian kiến trúc, làm tôn vẻ hiện đại của khu chợ mới. Khối kiến trúc chợ mới của đồ án này cũng đẹp nhưng không đẹp bằng khối kiến trúc chợ mới của đồ án thiết kề số ba.
Hùng tóm tắt ý kiến mọi người như thế và đề nghị hai nhóm tác giả thương lượng, thoả thuận với nhau để có một đồ án thiết kế hoàn chỉnh theo nhận xét chung của Hội đồng. Để cho hợp pháp, anh vẫn đề nghị các thành viên cho điểm bằng cách bỏ phiếu kín.
Sau khi thương thảo, hai nhóm thiết kế một và ba đồng ý hợp tác để ưu điểm của cả hai bên đều Đại học sử dụng như ý kiến Quận. Đó chính là đo án phóng to trên panô trước chợ.
***
Sao Việt không tham gia gói thầu phá dỡ chợ cũ.
Đã có ý tưởng về chợ mới nên Đại chỉ tham gia đầu thầu xây dựng. Có đồ án thiết kế rồi, anh huy động quân mình và thuê một số chuyên gia xây dựng vào cuộc.
Ngày Hội đồng xét thầu thông báo kết quả trúng thầu, Kiên nghĩ, Sao Việt trúng thầu là hoàn toàn xứng đáng. Nhưng anh cứ băn khoăn. Có cái gì đó không ổn nhỉ. Thì mọi chuyện công khai cả. Thành phần hội đồng xét thầu, các bước tiến hành đều minh bạch…
Đột nhiên, Sao Việt có văn bản gửi Ban quản lý dự án chợ xin thoái thầu. Đại gọi điện cho Kiên giải thích:
- Ýông đấy. Tôi tỉnh ra ngay. Chú chả dính gì đến việc này. Mà tôi cũng chả lợi dụng gì chú. Nhưng vẫn mang tiếng. Rồi lời ra tiếng vào. Báo chí moi ra, rách việc. Mặc dù có các vàng cũng không moi ra được chuyện gì khuất tất.
Kiên bảo:
- Em cảm ơn ông và bác đã giữ tiếng cho em.
Kiên nghĩ: "Ông cụ sáng suốt lắm. Từ một ông nghị quyếtduy ý chí như thế, trở thành một người thực tế, bắt kịp nhịp sống hiện đại thế này, có dễ đâu. Ăn nhau là ở phương pháp tư tưởng đấy".
Thật ra, ông Hoè đã chịu tác động tư tưởng rất nhiều của Đại. Cả đoạn đường anh đang đi, từ khi xin ra khỏi quân ngu, xin ra khỏi Đảng, rồi lại xin sinh hoạt Đảng trở lại, cho đến bây giờ. đâu có lúc ông Hoè nhẩm tính lại đời mình. Đó là một lần đi mát-xa…
Sau cái đêm khốn nạn, nhưng không thể nào quên ở Hải An, ông bị dằn vặt rất lâu. Ông thề với mình, không bao giờ lặp lại việc ấy.
Nhiều tháng sau, chợt nhớ ra, Đại bảo bố:
- Ông không muốn lặp lại chuyện ở Hái An cùng bác Vinh cũng được. Con tôn trọng suy nghĩ ấy. Nhưng thỉnh thoảng ông có thể đi tấm quất nam. Họ làm theo lối cổ truyền của những tay tẩm quất đêm vẫn rao ngày trước, nhưng có thêm bài điểm huyệt rất hay. Họ day huyệt bằng hai ngón tay cái, bằng khuỷu tay. Ông biết rồi đấy, hai hệ thần kinh và lạc kinh cùng song song tồn tại, chỉ huy mọi hoạt động cơ thể. Họ day vào huyệt lạc kinh đấy ông ạ.
Ông Tài Thu châm cứu, chính là tác động vào các huyệt lạc kinh. Rau ngải cứu có tên thế, chính là vì ngày xưa các cụ ta a biết lấy lá ngải phơi khô, viên lại thành nùi nhỏ, đặt lên huyệt đạo, châm hương cho cháy dần. Sức nóng toả ra từ nùi ngải kích thích huyệt đạo, tác động đến những vùng mà nó "phụ trách". Hai bàn chân là nơi tập trung mấy chục huyệt đạo. Người Trung Quốc gọi bàn chân là trái tim ngoài cơ thể. Các huyệt đạo dưới gan bàn chân tác động đến tất cả các cơ quan nội tạng. Lần con đi Đài Bắc, thấy nhiều công viên có con đường gắn sỏi, gọi là đường Sức khoẻ, dài vài chục mét. Đầu đường Sức khoẻlà một bệ xi măng cao ngang gối, trên đắp nổi hình hai gan bàn chân, vẽ sơ đồ mấy chục huyệt đạo, đánh số hẳn hoi. Mỗi huyệt đạo là đầu mối chỉ đạo một bộ phận trong cơ thể, kể cả cơ quan sinh dục. Con tháo giấy, cởi tất đi thử. Những viên sỏi ấn vào gan bàn chân đau nhói. Phải đi gượng nhẹ, nhưng cũng chỉ được vài bước. Trong khi các ông già bà già đã nghỉ hưu đi quen, cứ từng bước chững chạc, thẳng thớm, đàng hoàng như bố con mình nện gót khi hành tiễn trong hàng quân ấy.
Người Thái Lan có bài mát xa chân là vì thế. Đó là một cách, họ tập thể dục hộ mình. Tác động rất tốt cho sức khoẻ. Quên đấy, con sẽ mua cho ông hai cái bàn lăn chân, một để ở công ty, một để ở nhà, ông vừa ngồi làm việc, vừa tập thể dục chân.
Ông Hoè nghe con giải thích, cũng lấy làm lạ. Chả biết nó đọc nó học những chuyện này ở đâu mà cặn kẽ, rành rẽ đến thế. Đã nhiều lần ông phải thừa nhận: "Nó hiểu biết hơn mình, thực tế hơn mình, đúng hơn mình. Sống thật hơn mình".
Thấy bố im lặng nghe, không cật vấn gì, tức là bố nghe ra. Mà làm sao lại không nghe ra nhỉ? Ngay buổi chiều, Đại đánh xe đưa bố đến một cơ sở treo biển "Tẩm quất cổ truyền". Anh dẫn ông cụ lên phòng, gọi đúng nhân viên tên là Phi, đang học đại học Y học Cổ truyền năm thứ tư, mà anh rất tín nhiệm, "đấm" cho ông cụ. Đại dặn Phi:
- "Đấm" cẩn thận đấy, cụ chưa quen. Vừa làm vừa hỏi xem cụ chịu đau đến đâu thì làm đến đấy. Yên chí, có thưởng. Một tiếng rưỡi nhé.
Lúc đến đón, thấy bố tươi tỉnh, vẻ thoả mãn, người hoạt bát hẳn ra, Đại hỏi:
- Con nói có đúng không ông?
Ông bố gật gù:
- Công nhận là hay. Mà cũng rẻ.
Từ đó, trước ngày phải đi một chặng đường dài một hai trăm cây, hai bố con lại đến đấy. Lúc về, cũng vào đấy. Khi một tiếng, có khi chỉ bốn nhăm phút. Sức khoẻ hồi phục ngay. Còn bình thường mươi, mươi lăm hôm Đại lại đưa bố đến. Nếu anh bận thì ông Hoè đi "xe ôm" đến một mình.
Thế còn "chuyện kia"? Đại biết bố cũng vẫn còn nhu cầu. Tuy vào tuổi ông cụ, phải lâu lắm mới cần. Nhưng ông cụ đã nói thế thì tuỳ. Một lần, hai bố con đi tỉnh N cách nhà chỉ hơn trăm cây số. Do yêu cầu công việc phải ngủ lại để mai làm việc tiếp (Chính là chuyện dự án xe điện sau khi đã thực hiện thành công ở Thanh Hoa). Ăn tối xong, Đại chạy xe chầm chậm. Ông Hoè hỏi: "Anh tìm gì? "Con xem có chỗ nào tẩm quất không". Chỉ thấy xông hơi, mát xa, mát xa chân kiểu Thái.
Đại tạt xe vào một tiệm, đối diện với Công an phường. Anh mua hai vé. "Tiền thưởng ngoài chứ gì?". Nhân viên lễ tân lễ phép vâng dạ. Đại dặn nhỏ bố: "Thưởng bao nhiêu ông ghi vào vé, ra đợi con thanh toán. Bình thường thì chỉ vài ba chục thôi".
Một tiếng sau, Đại ra, ngồi ở quầy lễ tân uống nước đợi. Mãi mới thấy bố ra. Cô gái đưa vé ra quầy. Đại thanh toán, thấy vé của bố ghi thưởng những năm chục. Anh biết, thế tức là đã có một tiết mục mát xa đặc biệt rồi. Không thấy ông cụ trò chuyện. Vẻ hơi ngượng. Đại bảo bố: Lâu lâu ông cũng nên đi mát xa nữ thế này, nếu có nhu cầu. Đâu có lần con nói với ông rồi. Trong cơ thể ta, các cơ quan đoàn thể đều phải hoạt động điều độ. Để lâu quá nó sẽ liệt, ảnh hưởng đến sức khoẻ".
Đại còn lạ gì cái trò moi tiền của các cô. Thế nên, mới vào anh đã đe: "Đấm cẩn thận thì mới có thưởng. Anh công tác bên bảo tàng nên quán triệt khẩu hiệu "Cầm sờ vào hiện vật, đấy!" Chặn trước thế thì không sao. Còn không ấy à. Các cô chỉ mát xa qua loa chiếu lệ, vô bồm bộp rất kêu, chả day huyệt theo bài học. Vừa hỏi han tán tỉnh, những ngón tay nhỏ nhắn như con rắn cứ bò dẫn, bò dẫn, rồi tự động mát xa chỗ chả cần mát xa tí nào. Nếu bị phản ứng thì thôi. Không thì cứ thế làm tới bến. Không tốn sức lực, chỉ nhờ đôi bàn tay vàng mà được tiền boa hơn hẳn. Chắc nó đã làm thế với ông cụ. Không thì sao thưởng nhiều thế. Dặn rồi cơ mà.
"Có lẽ đối với ông cụ, cách ấy đỡ bị dằn vặt hơn. Thế cũng được. Chắc ông cụ đoán ra mình biết rồi. Cũng là một giải pháp ông cụ chấp nhận được". Đại nghĩ thế, rồi lái xe đến nghỉ ở khách sạn giữa Thành phố, ngày xưa gọi là khách sạn Giao tếthuộc Uỷ ban Nhân dân Tỉnh, mới cổ phần hoá năm ngoái, sau khi thị xã được nâng cấp lên Thành phố.
***
Việc triển khai dự án thu gom rác thải ở quê ông Hoè cũng không đến nỗi nào. Bà con thấy cống rãnh (toàn rãnh nổi), đường làng ngô xóm ngập ngụa nước thái lưu cữu từ bao giờ. Nhà nào nhà ấy, tối tối mới mang ra đổ quanh quéo xuống ao làng, vệ đường trong làng. Khá lắm mới mang đổ bên vệ đường, ở đầu làng. Thế nên, họp bàn là đồng ý ngay.
Mọi người thống nhất lập một đội thu gom rác.
"Thu bằng cái gì? Khiêng, gánh à? "Bằng xe hẳn hoi, xe đẩy thôi". "Đào đâu ra xe?" "Cái đó bà con khỏng phải lo. Khắc có xe cho bà con xem". "Ai làm không công bây giờ?" "Thì thế. Phải góp tiền vào chứ? "Góp bao nhiêu? "Tính cả rồi. Không theo hộ được. Phải theo nhân khẩu. Mỗi khẩu một ngàn/tháng". "Cũng được, bớt mồm bớt miệng cho đường làng ngõ xóm sạch sẽ một tí. Gớm khách con cháu về, trông cái mũi nó nhăn nhăn đến ngượng". "Thế nhà làm hàng cũng thế à?" "Thế là thế nào? Nhà hàng thì gấp đôi, nhà sản xuất thì gấp ba. Rác thải của các nhà xưởng thì tính riêng theo khối lượng, hợp đồng với đội thu gom rác. Chúng tôi tính ang áng thế này bà con ạ. Mỗi xóm hai xe, mỗi xe hai người, làng ta vị chi 12 xe, 24 người, thêm 3 người chuyên gạt đất chôn lấp rác. Tính ra, nếu chi hết thì mỗi người được hơn 800 ngàn tháng". "Thế thì lương thu gom nước cao quá!" "Biết rồi, tôi đã nói hết đâu. Lấy mức thu nhập bình quân của những hộ thu nhập thấp nhất làng ta thì bốn trăm rưởi là vừa, còn lại phải dành tích luỹ. Còn bao nhiêu việc phải làm nữa chứ chỉ có mỗi việc thu gom thế này đâu". "Nhưng mà làm cái việc hôi thối này là phải có bồi dưỡng độc hại đấy nhớ. Hai là những đống rác lưu cữu khắp làng, nhất là ven ao làng là không có tính vào việc thu gom rác hằng ngày đâu đấy". "Được rồi, được rồi, tôi cũng đã đi ngó quanh làng một lượt. Số rác lưu cữu không ít đâu bà con ạ. Nhất là rệ ao làng. Không thể yêu cầu đội thu gom rác được. Tôi tính thế này. Đoàn thanh niên hãy xung kích trong chuyện này có được không? Rồi hội phụ nữ nữa. Cũng là để mọi người có ý thức vệ sinh môi trường. Có thể mới thông cảm với đội thu gom rác. Còn chuyện bồi dưỡng độc hại thì…đương nhiên rồi, xã đã bàn rồi, năm mươi ngàn mỗi tháng là vừa. Vị chi là thu nhập 500 ngàn tháng. Còn làm thêm cho các xưởng sản xuất thì không kế…" "Phải đấy! ông xã nói phải đấy".
Thật ra, "ông xã" đã có nhiều cuộc làm việc với Đại, nhiều nhất là qua điện thoại. Đại khuyên nên làm thí điểm một làng (thôn) trước - Chính là làng Nành của Đại. Anh nhận tặng xe cho toàn xã, chứ không phải chỉ cho làng anh. Một ý nữa Đại nói cũng được xã đồng ý, ấy là phải xây dựng quy chế vệ sinh môi trường. Ý này, đúng ra là ông Hoè nói với anh. Hiện cùng được "ông văn hoá xã" dự thảo rồi đưa ra bàn bạc tập thể. Cuối cùng các hộ đều phải kí vào, như một bản qui ước.
Nặng nhất là chuyện bể rác thì xã phải đứng ra thôi. "Ông xã" tính vào bể chung cho toàn xã. Đại thực tế hơn, tư vấn nên làm mỗi làng một cái. Bể nhỏ dễ cắt đất, mỗi cái trên dưới 2 mẫu, đào sâu 2m là đủ dùng dăm năm. Lại tránh cho hội thu gom phải đi xa. Hai người một xe, be ba bề bốn bên thành ngọn ngất ngư mà phải gần hai cây số quanh làng mới ra được bãi đổ thì chết.
Công việc cũng không nhiều nhặn gì. Cũng chẳng động đến kĩ thuật, mỹ thuật gì mà cũng phải hơn hai tháng mới xong phần chuẩn bị.
Ngày ra quân. Khẩu hiệu lớn vải xanh chữ trắng: "Mát nhà, sạch ngõ, đẹp làng" chăng dưới gốc đa làng. Đội thu gom rác, quần áo đồng phục, mũ vải xanh trứng sáo, đứng thẳng hàng trước những chiếc xe ba bánh mới xuất xưởng từ chính mấy doanh nghiệp tư nhân ở xã (được bảo hành một năm). Đây cũng là ngày cả làng làm tổng vệ sinh. Chi đoàn thanh niên với lá cờ đoàn (lâu lắm mới có dịp mở ra) xếp thành hàng đối diện. Các quan chức huyện, xã, thôn và bố con Đại nối hai hàng ấylại thành hình chữ U. Một nhóm phóng viên Đài phát thanh và truyền hình tỉnh cũng về đưa tin. Chỉ thêm cái máy quay phim chĩa vào chỗ nọ, lia qua chỗ kia mà kỳ cuộc này oai hẳn lên.
Bố con Đại về sớm, ra mộ thắp hương những người ruột thịt. Không biết trước mộ bố mẹ, mộ bà Mận, người vợ trước và người con trai lớn, ông Hoè nghĩ gì? Hình như bộ mặt ấy không thể nào xoá đi hết nét ân hận. Hai người ra Uỷ ban chào hỏi xã giao, cũng là để xem, một ý kiến của mình, cuối cùng có được thực hiện không. Lệ làng ở đây là, hễ có công việc gì là phải có ăn mới nghe. Đại đã phải nói xẵng: "Nếu các đồng chí cứ làm thì bố con tôi xin không ngồi lại đâu đấy, Anh nói thêm: "Bắt đầu chuyện rác rưởi thì ăn cũng mất ngon". "Người ta khởi xướng, người ta đề xuất mà về thì mình mặt mũi nào ngồi ăn". ông Chủ tịch xã nói thế, mọi người mới nghe.
Hôm sau, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh chiếu một cuốn phim ngắn, chừng hơn chục phút: "Bước đột phá vệ sinh môi trường ở làng Nàng". Dĩ nhiên mở đầu phải là tầm quan trọng của vệ sinh môi trường trong đời sống cộng đồng. Hoan nghênh làng Nành, nổi tiếng về nhiều vấn đề mất vệ sinh, nay lại đi đầu toàn tỉnh trong khu vực nông thôn về vệ sinh môi trường. Cũng có nhắc đến Lê Đại, người con quê hương, cựu sĩ quan quân đội, nay là một doanh nhân thành đạt đã làm một việc nhiều ý nghĩa cho quê hương. Nhưng bài báo hình này cũng không quên nhắc dân làng Nành rằng, đây mới là bước đầu, còn nhiều con tính trong bài toán vệ sinh môi trường phải làm tiếp như nước sạch, nước thải sinh hoạt, và nhất là việc làm hố tiêu tự hoại. Mong rằng, nó sẽ được giải quyết trong thời gian sớm nhất. Việc này Đại cũng đã bàn với xã. Phải xây dựng hệ thống cống ngầm thu nước tất cả cống rãnh vào một hồ chứa để xử lý bằng phương pháp vi sinh, trước khi đổ ra sông. Có hệ thống cống ngầm mới giải quyết triệt để nước thải sinh hoạt trước nay vẫn đổ vào hai cái ao làng. Mỗi khi mưa to, nhiều ngõ xóm nước không tiêu kịp ngập mấy ngày liền. Nước thải từ cái bể phốt ba ngăn của hố xí tự hoại sẽ vận động bà con xây dựng nay mai cũng có chỗ thoát. Tuần sau Đại sẽ về tiến hành xây hai buồng vệ sinh tự hoại cho ông bác và Uỷ ban. Từng bước thế thôi, chậm nhưng việc nào xong việc ấy.
Ra khỏi làng một quãng, ông Hoè bảo đại tạt vào một quán ăn bên đường. Tấm biển viết phấn treo lủng lẳng trên cây hoè trước quán làm ông chạnh lòng: "Bánh đa rau ngót cả rô đồng". Có khi Đại cũng không biết đây là cây hoè. Mấy chiếc xe đạp, xe máy dựng ngồn ngang xung quanh, chứng tỏ quán này đông khách. Bà chủ quản đứng tuổi, quần đen áo cánh phin gụ. Sao bây giờ còn có người mặc kiểu này nhỉ? Nếu chít thêm chiếc khăn mỏ quạ thì đúng là Mận rồi. Đi nhiều nơi, không biết Đại thấy bát canh đạm bạc này thế nào?
Ông Hoè ăn có vẻ ngon lành lắm. Việc hôm nay, làm cho cả hai cha con thấy thanh thản. Cái sự thanh thản giữa thời buổi này không dễ tìm được, nhất là với Đại, sau câu chuyện với Khanh. Anh giải thích được luật chơi bây giờ có những cái ngoắt ngoéo thế, nên cũng chẳng lấy đó làm cay cú.
Việc hôm nay, ngẫu nhiên gợi ý Đại xoay sang chuyện nước thải ở Thanh Hoa. Bể rác thành phố sắp đầy. Việc xử lý rác thải sẽ thành chuyện cấp thiết. Vấn đề là phải phân loại được từ đầu nguồn, ít nhất cũng thành hai loại rác vô cơ và rác hữu cơ. Do thói quen sinh hoạt thôi. Nếu được huấn luyện thói quen ấy sẽ hình thành. Phải tính nước đón đầu.
Mới chỉ là ý tưởng thôi cũng đã làm anh vui vui. Càng ngày Đại cũng thấy suy nghĩ của bố mình là rất phải. Làm giầu không phải là mục đích. Niềm vui công việc, ý nghĩa công việc mới điều quan trọng nhất trong cuộc sống mỗi người.