Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Lửa đắng

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 26117 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Lửa đắng
Nguyễn Bắc Sơn

Chương 3

Thảo Tần mặc bộ váy áo cùng mầu đã ngẫm nghĩ chọn từ đêm qua: váy bó lửng xanh đen ô vuông kẻ chỉ đặt chéo, sơ mi vét cổ bẻ, chiếc khăn voan hoa nâu thắt hờ như cánh bướm chập chờn dưới ngấn cổ trắng ngần. Cặp chân thẳng trong đôi tất như có như không, nổi bật trên đôi giầy cao gót sen, mũi tù. Chị thấy mình trẻ lại, như sắp được trở lại với chúng mình, sẽ là mình với những thích thú, niềm vui nho nhỏ. Nhỏ thôi, nhưng không gì thấy thế được. Nhỏ thôi, nhưng nếu cứ làm công tác quản lý thì sẽ chẳng bao giờ có nữa. Ngắm mình trước gương xoay một vòng, chị hài lòng về mình.

Sáng nay, cũng như sáng hôm qua, hôm kia. Vẫn con đường quen thuộc với vỉa hè duy nhất của thành phố, một bên hè đường có hai hàng cây. Cây sữa, hoa li ti trắng trời mùa xuân. Cây sấu gân góc, mãi chớm hè mới chịu rụng lá. Mà đã rụng thì rụng tơi bời từng cơn, như trút giận hờn. Thành phố vẫn nóng lên trong quá trình đô thị hoá. Người tứ xứ đổ về ngày càng đông. Ngã ba, ngã tư vẫn rối rít quáng quàng những xe là xe. May thế, hễ Tần vừa tà tà tới, là đèn xanh lại mời đi. Ba chặng liền như thế. Tần dấn ga cho kịp một người phía trước chỉ để nhắc họ quên gạt chân chống xe. Lại nhắc thấy một chị… tuột khoá váy. Chị kia đỏ mặt cảm ơn.

Từ nhà lên sở Giáo dục Đào tạo, vẫn ngần ấy đường đất mà chị thấy như gần hơn mọi lần

Ông Hoàn, Giám đốc Sở, trạc tuổi Kiên, niềm nở rót nước mời khách. Lần đầu tiên, Tần ngồi đối diện với vị thủ trưởng ngành. Trông ông cũng được. Chỉ có một chi tiết nhỏ mà nhờ ngồi gần và để ý, chị mới phát hiện ra. Khi khách nhìn quanh phòng, rất nhanh, ông đưa mắt… liếc ngang. Tần không thiện cảm với lối nhìn ấy. Nó có cái gì đấy không đàng hoàng. Hơi gian gian.

Ông hỏi mấy câu xã giao đưa đẩy, rồi mới vào chuyện. Ông giải thích rằng, vừa rồi, phiếu tín nhiệm của chị không cao lắm nên Sở không bổ nhiệm tiếp.

Chị cứ nghĩ câu chuyện vui vẻ kia. Thật phí công, diện bộ váy áo đẹp. Lại còn thoa chút phấn, đánh tí son mới bẽ. Nói thế, quá bằng bảo mình không xứng đáng, không đủ tiêu chuẩn bổ nhiệm tiếp rồi còn gì? Chị đanh mặt lại, nhưng giọng lại cố làm ra vẻ điềm đạm, lễ phép:

- Có lẽ anh nhầm em với ai chăng?

Chị định xưng "tôi" như ngày mới ra công tác. Tần chỉ xưng "em" với chồng, hoặc các anh chị họ hàng. Nhưng, thấy các chị em khác, cứ xưng "em" với tất cả các anh chị lớn tuổi hơn, đành phải theo. Lúc này, chị cảm thấy tiếc vì đã xưng "em" với con người này.

Ông Hoàn đưa mắt liếc ngang một cái, làm chị càng khó chịu. Tại sao cái nghề dạy học lại có những người liếc ngang là thế nào nhỉ? Nói chuyện với ai, nhìn ai cũng phải nhìn thẳng vào mắt người ta chứ. Sao lại có thói nhìn… gian ấy. Không biết khi dạy học trò, ông này đã có tật ấy chưa, hay lên giám đốc mới… đốc chứng ra thế? ông Hoàn tỏ ra nắm rất chắc lý lịch Tần:

- Cô là vợ đồng chí Bí thư Quận uỷ Lâm Du chứ gì?

Đã trấn tĩnh lại, Tần thấy mình tỉnh táo hẳn:

- Chồng em bị kỷ luật, mới được phục chức. Còn em thì đã có đơn xin từ chức từ học kỳ một.

Chắc nghĩ rằng, cấp trên nói với cấp dưới thế nào chả được, nên Giám đốc trả lời cho xong chuyện:

- Thì vẫn thế. Sự thật vẫn là một.

Chị nghẹn ứ cổ. Cuộc họp chi bộ năm ngoái làm đổ vỡ trong chị điều thiêng liêng nhất - niềm tin. Chuyện Kiên bị kỷ luật làm chị không còn tin vào sự minh bạch, sáng suốt của tổ chức. Giờ lại đến vị cấp trên này. Tần nhìn thẳng vào mắt người liếc ngang:

- Báo cáo Giám đốc, hoàn toàn khác về bản chất. Một bên là kẻ muốn làm, một bên là người không muốn làm. Lẽ ra, với người đã có đơn xin từ chức thì các anh không lấy phiếu tín nhiệm mới đúng.

Không biết ông Hoàn có được Trưởng phòng Tổ chức báo cáo việc của Tần không. Nhưng bây giờ, cứ phải bảo vệ quân mình đã. Giọng ông có vẻ dàn hoà:

- Chắc cô biết rồi, tổ chức họ phải làm đồng loạt theo quy chế dân chủ.

Càng tức đẫy. Cũng không biết, tức cái điều ông Giám đốc nói, hay tức chính ông ta. Chị mỉa:

- Nếu thực sự tôn trọng ý kiến mọi người, theo quy chế dân chủ thì đã không làm thế. Trường hợp em, cả trường đều biết có đơn từ chức. Chắc chắn những người cảm thông lý do xin từ chức, sẽ không bỏ phiếu cho em. Còn những người bỏ phiếu, dù biết em không muốn làm, nhưng họ lại muốn em vẫn làm, hay vì một lý do nào khác, vẫn cứ bỏ phiếu cho em. Bây giờ các anh căn cứ vào số phiếu tín nhiệm ấy để không bổ nhiệm em, là không đúng. Anh nêu lý do ấy ra, vô hình trung coi như em bị mất tín nhiệm trước mọi người. Mà nói thật với anh… em cũng chả coi cái phiếu tín nhiệm ấy là gì đâu!

Ông Giám đốc không ngờ Tần dám nói thế.

- Này,… cô…

Cái từ "này" như một lời cảnh cáo.

- Sao cô lại nói thế nhỉ?

Chị vẫn thưa gửi cho phải phép. Nhưng trong thâm tâm, đã không còn giữ sự tôn trọng cái ông liếc ngang này.

- Thưa Giám đốc, sao em lại… không nói thế được ạ? Thì chính các anh có coi cái phiếu tín nhiệm ấy là gì đâu. Nếu thật sự coi trọng, các anh đã phải đồng ý với đa số phiếu chứ. Đằng này, hợp ý các anh thì các anh dùng, không hợp thì các anh bảo chỉ để tham khảo. Dân chủ ở chỗ nào?

- Cô đi quá xa đấy. Chúng tôi thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Cô dám phê phán cả quy định ấy thì… - ông ta định nói… "ghê thật", nhưng đã kịp dừng lại - thì… đi quá xa đấy.

nhà với chồng, chị đã quen trao đổi, tranh luận thẳng thắn, nhiều khi thẳng thừng, không úp mở, nên chị chẳng chịu khi lẽ phải chưa được làm sáng tỏ. Cần phải nói cho hết, nói đến cùng. Sẽ chẳng bao giờ còn phải đối thoại với ông ta nữa:

- Nếu anh cho là đi quá xa thì em trở lại gần vậy… Như chuyện của anh… không biết có nên nói không?

Chị hỏi mình hay hỏi người đối thoại? Tình huống đẩy ông ta đến chỗ phải đối mặt với người này. Đã là cấp trên, lại là đàn ông, rút lui thì hèn quá. Ông ta đành chấp nhận. Không biết người này sẽ dẫn câu chuyện đến đâu:

- Cần gì, cô cứ nói ra!

Tần rào đón:

- Anh cho nói thì em mới nói. Theo em biết thì, năm ngoái, phiếu tín nhiệm anh vào chức Phó giám đốc cùng rất… không cao, nên không bổ nhiệm được. Năm nay, cũng lại bỏ phiếu tín nhiệm lần nữa. So với anh Phó giám đốc cũ, cũng dự kiến đưa lên Giám đốc, phiếu của anh vẫn thua xa. Thế nhưng anh vẫn ngồi vào ghế Giám đốc, có sao đâu?

Mặt Hoàn tái đi. Vì xấu hổ? Vì giận? Hay vì cả hai?

Nhẫn nhục, ông ta làm ra ve khách quan, gượng gạo cười:

- Đấy là việc của tổ chức. Mình là đảng viên, tổ chức phân công thế nào thì phục tùng thế ấy.

Tần đứng dậy, vẫn không động đến chén nước ông ta mời.

- Em xin phép về.

- Cô cầm bản thông báo cho trường và cho cô.

Đã đứng dậy. Chị quay đi. Tránh đôi mắt hay liếc ngang của người không dám nhìn thẳng:

- Chắc là để kế toán bỏ khoản phụ cấp chức vụ khi làm lương cho em phải không ạ? Người có đơn từ chức, tức là từ chối nhận phụ cấp trách nhiệm rồi. Cần gì phải thông báo? Còn thông báo cho trường, anh cho văn thư gửi theo đường công văn. Chào đồng chí Giám đốc!

Cũng không hiểu vì sao câu cuối cùng, lần cuối cùng nói chuyện với con người này chị lại đổi cách xưng hô như thế.

Hai năm trước, Trưởng ban Tổ chức Thành uỷ có đứa con gái thiếu điểm. Ông Hoàn, khi ấy là Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm nhận vào học. Phụ huynh này liền thiết kế việc đưa thầy giáo con mình về làm Phó giám đốc Sở.

Không thành. Nhưng tổ chức thì thiếu gì mẹo vô tổ chức? Khi bà Tín - Giám đốc Sở được bổ nhiệm Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố, các cán bộ chủ chốt Sở, các hiệu trưởng các trường trực thuộc lại bỏ phiếu tín nhiệm. Phiếu tín nhiệm của ông Phó giám đốc cũ cao hơn hẳn. Nhưng ông Hoàn vẫn được bổ nhiệm.

Lý do được tổ chức đưa ra làm phòng họp gần trăm người chịu cứng:

- Ông Hoàn là Thành uỷ viên!

***

Lớp 12A, giờ toán.

Cô giáo xách chiếc cặp đen vào lớp. Lớp đứng dậy chào.

Đây là ngôi trường nổi tiếng nhất Thanh Hoa. Nổi tiếng về sự lâu đời cổ kính. Nối tiếng về truyền thống dạy tốt, học tốt. Đây lại là lớp chọn.

Học trò đưa mắt nhìn nhau. Dò hỏi. Thắc mắc. Lạ thật! Cô giáo nhận ra ngay những cái nhìn khác thường ấy. Cô đưa mắt nhìn bao quát cả lớp một lượt. Cái nhìn của người làm chủ được mình, làm chủ được tình thế. Giọng cô trong trẻo, ấm áp:

- Mời các em ngồi!

Đứa nào đứa ấy, rơi thòng người xuống ghế, như những cái máy. Mắt vẫn chăm chắm nhìn cô giáo. Đã ngồi xuống rồi, nên vẻ thắc mắc, nghi ngại càng được dịp thể hiện thoải mái.

Làm như không biết gì tâm trạng học trò, cô giáo nói rành rẽ, tự nhiên như thông báo một việc hết sức bình thường:

- Từ hôm nay tôi sẽ dạy môn toán và… chủ nhiệm lớp các em.

Cả lớp lặng đi. Không đứa nào phản ứng gì. Không biết nên mừng hay nên lo. Cô Phó hiệu trưởng lại xuống lớp dạy lại làm chủ nhiệm là nghĩa làm sao? Trên đời chưa thấy bao giờ. Dạy thay, dạy tạm bà này đẻ, ông kia ốm đã đi một nhẽ.

Hay là… một đứa ngồi hàng ghế cuối cùng, quay sang thì thào với bạn. Cô giáo nhìn vào đúng góc ấy, đúng cái đứa vừa thì thào ấy. Cả lớp chờ đợi một lời cảnh cáo. Trò đời vẫn thế. Ông bà nào mới vào lớp chả ra oai, rằng ta tinh tướng, tinh vi, rằng ta đi guốc vào bụng cả bọn chúng mày. Đừng hòng qua mắt được bà nhé.

Không, trên gương mặt cô giáo chẳng có vẻ gì là sẽ nhắc nhở, chấn chỉnh. Cứ như là đang cùng tham gia vào câu chuyện của hai đứa vừa thì thào ấy. Cô đố:

- Nếu tôi nói đúng nội dung câu chuyện hai em đang trao đổi thì sao nào?

Chúng nó đã bao lần nghe cô nói chuyện. Lúc thì phát động, khi thì sơ kết thi đua. Nào khai giảng, nào bế giảng… Nào lễ kỷ niệm v.v… Giữa cô với học sinh là một khoảng cách. Lúc này, cô đứng trên bục giảng, váy xám đen dầy, lửng, dưới gối một quàng, áo vét không cài khuy chuyển động theo mỗi động tác tay và thân thể khi di chuyển. Áo phông trắng bó chẽn tấm thân tròn lẳn. Cô đứng đấy, gần gũi thân mật.

Nhưng giám hiệu nào mà chẳng ghê gớm. Bà giám hiệu nào chẳng kèn kẹt như két tháng năm. Càng lên cao, càng cáo già. Cả lớp lặng đi. Thăm dò. Dè chừng. Cảnh giác. Đề phòng. Không biết nên thế nào? Chẳng đứa nào dám tỏ thái độ gì Cô giáo có vẻ không chờ câu trả lời, lại thong thả:

- Các em cũng hỏi, vì sao cô Phó hiệu trưởng lại đi dạy, đi làm chủ nhiệm phải không? Chắc là cô bị kỷ luật chứ gì? Đúng không nào?

Phát tên bắn trứng tim đen chúng nó. Chúng hết nhìn nhau rồi lại nhìn cô giáo. Cuối cùng một đứa, lấy hết can đảm tự thú:

- Thưa cô, đúng thế ạ!

Cô giáo không cười. Gương mặt sáng bừng lên trông càng đẹp:

- Tôi không bị kỷ luật. Nhưng có một lý do khiến tôi đi đến sự lựa chọn này - ngừng một chút như lưỡng lự, cô hất cái cằm chẻ, như quyết định - còn nhiều dịp để thày trò ta trở lại chuyện này. Bây giờ học bài nhé.

Vẫn cái đứa dũng cảm ban nãy, vừa giơ tay xin phát biểu vừa đứng dậy:

- Cô vừa nói: "Còn nhiều dịp để thầy trò…". Thưa cô, cô có nhầm không ạ?

- Sao lại nhầm được?

- Thưa cô…

- À, tôi hiểu rồi - chị cười độ lượng… Em có phản xạ ngôn ngữ rất tốt. Và can đảm nữa. Em báo tôi nhầm khi dùng cặp từ "thầy trò" chứ gì?

- Thưa cô, vâng ạ.

Cả lớp không hiểu cô giáo và cái thằng to gan lớn mật kia nói gì. Tần giáng giải:

- Các em vẫn gọi tôi là cô giáo, trong khi tôi lại nói "thầy trò" phải không. Nó là thế này. Lâu nay ta vẫn quen gọi nhưng người như tôi làm nghề dạy học là cô giáo. Thật ra không đúng lắm. Ngày xưa, đi dạy học phần lớn là đàn ông. Những người đàn ông đi dạy học được gọi là thầy giáo. Còn vợ các thầy giáo thì gọi là cô giáo. Phụ nữ đi dạy học cũng phải gọi là thấy giáo mới đúng. Đấy là một chức danh, cũng như thầy thuốc, thầy tu, thầy bói v.v… Từ "thầy" không hàm nghĩa giới tính nam. Ví dụ danh hiệu "Thầy thuốc Nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú" là dùng chung cho cả hai giới. Đúng không nào? Tôi có một người thầy rất giỏi, rất đáng kính, các em chắc đã nghe tên: Giáo sư Hoàng Xuân Sính. Người ta chỉ gọi bà như thế, có phân biệt giới tính đâu. Người nào thêm vào thành "nữ giáo sư", thì cũng được. Lý là thế đấy, nhưng thôi, ta cứ gọi như mọi người vẫn gọi nhé.

Trẻ con vốn tò mò, ham hiểu biết nên rất hay thắc mắc. Nó sẽ rất cảm phục người thầy nào giải đáp được những thắc mắc của nó. Ấn tượng Tần gây cho chúng từ nãy đến giờ là sự cởi mở, thông tuệ, tinh ý. Trẻ con rất chú ý đến hình thức người dạy nó. Người đẹp, mặc đẹp, lại dạy hay nữa thì chúng thích lắm. Chúng nó đang vui với cảm giác khoái hoạt khó tá, nên chưa đứa nào giở sách vở ra.

Trên kia, hai tay, hai cục phấn trắng, tay trái Tần đi một hàng chữ nghiêng nghiêng đều tăm tắp: "Hệ toạ độ Đề Các", tay phải kẻ một đường thẳng tắp từ trên xuống, rồi kẻ hết sức chuẩn trục toạ độ Ox, Oy.

Cả bốn bảy cặp mắt tròn xoe. Bốn bảy cái miệng há ra. Chưa bao giờ. Chưa ở đâu. Chưa nghe nói. Chưa nhìn thấy một người viết bằng cả hai tay như thế bao giờ. Phục lắm! Giữ im lặng, thình lình bật lên một tiếng vỗ tay như pháo nổ. Rồi cả lớp vỗ tay như pháo tết.

Chị quay lại, cười trìu mến:

- Nào, có phải sàn diễn đâu mà vỗ tay? Để cho hai lớp bên còn học chứ!

Bọn trẻ bị cô giáo chinh phục hoàn toàn.

Giờ lên lớp đầu tiên sau nhiều năm gián đoạn, làm Tần vui thật sự. Ngày mới được bổ nhiệm Phó hiệu trưởng, nói thật lòng, chị cũng có cái hành diện ngầm. Gì thì gì, đó cùng là một sự tín nhiệm, một sự tiến bộ. Đã làm công chức thì cũng phải có thăng tiến chứ: Không thể nói là không thích. Được phân công, cắt đặt, điều hành… những người vốn là đồng nghiệp, cùng đồng lứa… Bảo không thích là dối lòng.

Nhưng, niềm kiêu hãnh ấy lập tức tan biến khi bị phản ứng. Ai đời, bị nhắc nhớ vào lớp muộn nhiều lần, vậy mà giờ nghỉ, một giáo viên dám bĩu môi, kể với một người bạn, cố tình cho chị nghe thấy: "Mới tí Hiệu phó mà đã ra cái điều dạy đời". Người ta ném vào mặt chị những câu hỏi không thể trả lời: "Học sinh thì không chịu học. Chỉ sẵn sàng bỏ tiền ra mua điểm, mà cứ bắt lên lớp 100%, tốt nghiệp 100% thì cõng nó lên à?

Cái chết nhất là câu chất vấn ấy đúng. Cái thế trên đe dưới búa là điều thật tệ hại. Chị nói với Hiệu trưởng: "Anh biết quá rồi còn gì. Chuyện học hành bây giờ cùng phân hoá như phân hoá giàu nghèo. Đứa nào chăm thì thật chăm. Nó đã chăm, bố mẹ còn đầu tư, tìm thầy, tìm thợ, lớp nọ, lớp kia, quyết vào đại học bằng được. Còn những đứa không có sức học lên thì ỳ ra. Một chị vừa kể vừa khóc. Vào lớp học thêm mà cũng không thèm học. Hỏi: "Em có định học không đấy? Mặt nó câng câng: "Sao lại không học? Tiền nộp trước rồi còn gì!" Anh bảo còn gì nhục hơn kia chứ. Làm sao có thể cho những đứa như thế lên lớp?"

Hiệu trương cười khổ sở: "Cô ngồi vào ghế tôi xem. Sở đặt ra chỉ tiêu rồi, làm sao không thực hiện được. Nước mình nó thế, ngành nào, đơn vị nào chả chạy theo thành tích để đạt tiêu chuẩn thi đua? Biết làm thế nào?"

Chưa hết năm học, Tần đã thấy ân hận về quyết định của mình. Cũng còn tại Kiên, cứ động viên, nên chị mới gắng gỏi làm tiếp. Với lại, vừa mới nhận, lại xin thôi thì trẻ con quá. Cho đến vụ bị Phương, giáo viên sinh vật xúc phạm mà chi bộ xử hoà cả làng thì Tần quyết định rũ áo đứng dậy.

Điều chị cảm thấy mất mát lớn nhất là sợi dây nối mình với học sinh bị ngăn cách bởi các mối quan hệ khác. Dù chúng vẫn đứng xếp hàng ngay ngắn trước mặt, để sau giờ chào cờ đầu tuần, chị vẫn khen hoặc chê, mà chê nhiều hơn. Nhưng một bức tường đã dựng lên giữa chị và chúng. Chị không còn biết chúng nghĩ gì, chúng muốn gì.

Có lần tổ chức thi chọn học sinh thanh lịch. Ngồi ghế trưởng ban tổ chức, trong buổi chung kết chị nêu câu hỏi: "Nếu làm hiệu trưởng, việc đầu tiên của em là gì?" Cô lớp trưởng lớp 11b, học giỏi, có gương mặt xinh lắm, trả lời không chút đắn đo: "Thưa cô, lập tức em bỏ ngay việc bắt học sinh phải xếp hàng đầu giờ lên lớp". Tần sửng sốt. Làm sao hiểu được học sinh khó chịu thế nào lúc xếp hàng. Chả để làm gì. Rồi lại rồng rắn kéo nhau vào lớp. Chị hỏi vì sao, thì cô gái trả lời thật bất ngờ: "Các thầy coi tụi em như trẻ con mẫu giáo ấy".

Bây giờ chị đã trút được cái gánh nặng khó chịu ấy. Lại hăm hở như một giáo sinh mới ra trường.

Vừa dựng chiếc xe Honđa 90, đời 82, chị đã nghe cô giáo dạy văn mách: giờ giáo dục thể chất, thầy nghỉ, lớp chị phải xuống sân chơi, để khỏi làm ồn các lớp bên cạnh. Chúng nó phá khoá cầu thang để lên lớp. Vào phòng trực của giám hiệu, chị cũng được thông báo như thế. Sang phòng hội đồng Giáo dục, đôi mắt khiêu khích của Phương chĩa thẳng vào chị: "Bây giờ còn nói hay nói giỏi không?". Chị lướt qua. Bộ mặt ấy đã từ lâu không làm chị mảy may bận tâm.

Nhà trường mà cứ như trại giam. Giám thị sau khi lùa học sinh vào lớp liền khoá cửa hành lang. cửa cầu thang. Những tấm cửa sắt được dựng thêm chứ không phải có sẵn trong thiết kế từ thời thuộc Pháp để nội bất xuất, ngoại bất nhập. Bọn trẻ bị dồn xuống sân, nhưng không có gì chơi, không biết làm gì, đã phá khóa cầu thang lên lớp làm việc riêng.

Tần vào lớp. Bọn trẻ đứng dậy chào. Gương mặt chị tỏ ra không vui, nhưng cùng không phải mặt "đâm lê". Nhìn một lượt đám học trò, không chiếu tướng tìm thủ phạm, cũng không đáp lễ bằng câu "Mời các em ngồi" như mọi làm. Chị nói ngay:

- Đây là chuyện trẻ con. Tôi không cần biết ai đã mở khoá, ai đang cầm nó. Chỉ biết bây giờ tôi ra ngoài hành lang ngắm trời đất. Năm phút sau trở lại, chiếc khoá đã đặt trên bàn này. Chấm hết.

Nói xong, Tần thong thả bước xuống bục ra khỏi lớp.

Sân trường giữa tiết học vắng ngắt. Những cây xà cừ gân guốc, vạm vỡ vượt cả chiều cao ngôi nhà ba tầng. Không một mảng nắng nào to hơn chiếc chiếu. Sẩm tối, cò vẫn bay về, đậu trắng trên ngọn cây. Tần đã học trường này. Có nhiều kỷ niệm, những vui là kỷ niệm bạn bè, không vui là chuyện với thầy cô, với nhà trường. Nhớ lại chuyện cũ, chị khái quát được như thế. Đấy là khi trở lại trường với tư cách cô giáo.

Tần nhớ kỳ một năm học cuối cùng, đã hai lần lớp mất sổ đầu bài, một thứ "hồ sơ" làm căn cứ để kỷ luật học trò. Cô Phó hiệu trưởng gọi một học sinh cá biệt lên, có sự chứng kiến của cô chủ nhiệm: "Giang, theo báo cáo của cô chủ nhiệm thì chính em là người lấy cắp sổ đầu bài". "Thưa cô, vì sao cô lại cho là em lấy cắp sổ đầu bài ạ?" "Em luôn luôn bị ghi tên trong ấy". "Em bị ghi nhiều lần, nhưng không phải chỉ mình em bị ghi. Mà không phải cứ bị ghi nhiều là lấy cắp sổ đầu bài". "Này, anh đừng có lý sự với tôi. Anh không lấy thì ai lấy?" "Thưa cô, đấy không phải việc của em ạ". "Thế thì là việc của ai". "Thưa cô, tại cô không đọc báo đấy ạ!" "Á à, em hỗn thật. Ai bảo em là tôi không đọc báo!" "Em xin lỗi ạ, ý em nói là, cô không đọc các báo pháp luật ạ". Cả hai cô đều giật mình. Quả thật các cô chỉ đọc các loại báo thể thao, văn hoá, điện ảnh, thời trang, gia đình hạnh phúc lứa đôi… chứ chưa bao giờ cầm trên tay loại báo ấy. "Thế thi làm sao?" "Thưa cô, nếu cô muốn kết tội em lấy cắp sổ đầu bài, thì cô phải chứng minh được điều ấy. Phải có vật chứng, nhân chứng… Còn em, theo luật pháp, em có quyền, nhưng không bắt buộc phải chứng minh rằng mình không làm việc ấy".

Từ phòng giám hiệu về, anh bạn ấy kể cho bọn Tần nghe. Cả bọn khen: "khá lắm".

Giang, giờ là Trưởng phòng Pháp chế Sở Tư pháp Thanh Hoa…

Tần quay vào. Từ cửa lớp đã thấy chiếc khoá Minh Khai trên bàn thầy. Chị giơ nó lên cao:

- Các em không phụ lòng tin của tôi.

<< Chương 2 | Chương 4 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 749

Return to top