Nó đi rồi, Sán bỗng thấy có cái gì gần như ân hận. Có ác quá không? Con gái hắn chỉ bị bọn con trai trong lớp chòng ghẹo thôi, Sán đã suýt cho chúng nó một trận rồi. Hắn đến tận nhà mấy đứa, mách cha mẹ chúng, không quên kết thúc bằng một lời đe. Con bé này lớn hơn con hắn. Nghe nói xinh lắm. Nhỡ chúng nó thèm quá, không nhịn được thì sao? Nghĩ đến đấy, Sán lại gọi điện cho "thằng ấy":
- Nhớ kỹ lời tao dặn, không được làm quá đấy.
- Đại ca cứ yên tâm, quân em nghiêm lắm, đứa nào bất tuân lệnh, em trừng phạt liền.
- Bảo chúng nó, làm đúng hợp đồng sẽ có thưởng. Phè phỡn mệt nghỉ.
Phi vụ thực hiện xong, "thằng ấy" gọi ngay. Sán vội hỏi:
- Có thực hiện đúng hợp đồng không?
- Không sai một li. Em phải thả ngay mấy con dê đực ấy sang bên kia sông, cho ăn cỏ non rồi.
Sán thanh toán nốt phần còn lại, thưởng thêm một khoản hậu hĩnh. Trả đũa được rồi, Sắn mới thấy lo. Liệu công an có lần ra không? Bọn "thằng ấy" có chỗ nào sơ hở không?
Không có đứa nào bị tóm là được rồi. Không biết có để lại dấu vết gì không? Nghĩ đến chuyện bị công an lần ra đầu mối, khi chiếc còng số 8 bập vào cổ tay, người Sán túa đầy mồ hôi.
Chúng nó sẽ theo dõi mình đây. Nó phải suy ra chứ. Báo nêu đích danh mình, mà con thằng Tổng biên tập báo ấy bị đòn thì còn ai vào đây nữa. Từ nay phải cảnh giác, tất nhiên không gặp lại "thằng ấy", kể cả qua điện thoại bàn và di động trả tiền sau. Cái điện thoại là kinh lắm đấy, con dao hai lưỡi đấy Nghĩ thế, Sán mua ngay một chiếc điện thoại di động mới, lắp sim khác vào. Khi nào cần gọi đi thì dùng máy này.
Loại thuê bao trả tiền trước không thể tra ra người gọi được.
Vũ Sán cảnh giác thế, lại chấm dứt liên lạc với "thằng ấy" ngay khi thanh toán hợp đồng xong, chỉ hơn một giờ sau khi sự việc xảy ra, nên tổ của thiếu tá Chuẩn bị chậm chân. Giám sát 24/24 giờ vẫn không phát hiện ra một quan hệ nào đáng ngờ của hắn. Các cuộc điện thoại đi, đến đều bị theo dõi. Cũng không thấy có gì khả nghi. Sau một thời gian khá dài theo dòi chặt chẽ, không thấy có gì nghi vấn, Thuần đành thú thật với cấp trên về sự lúng túng của mình. Có thể là chúng thực hiện gián tiếp qua một, thậm chí hai tầng đối tượng khác chăng?
Thuần nghĩ mãi về tính mục đích hành động của chúng. Về sự nhanh gọn và chừng mực khi chúng tiến hành công việc. Thuần cho rằng hướng suy nghĩ của mình không sai. Nhưng vẫn không tìm được dấu vết gì, không một nhân chứng nào cung cấp manh mối gì. Thuần đã cho lấy mẫu tinh dịch dây trên người nạn nhân, để có cơ sở xét nghiệm khi bắt được nghi can.
Thuần nhớ gương mặt con bé lúc ở bệnh viện. Không biết có đau đớn, sợ hãi nào hơn thế? Hẳn chưa một đứa con trai nào được cầm tay nó. Bọn chó má đã làm gì con bé thì chị không giải thích được.
***
Bây giờ, nhiều người đua nhau xây nhà cao cửa rộng.
Nói đâu xa, như Phó giám đốc Trần Đương, người tiền nhiệm của Sán. Ai cũng có một biệt thự ra biệt thự, có mặt đường, mặt phố rộng. Rồi căn hộ cao cấp cho thuê, trang trại nghỉ cuối tuần. Nhiều nhà đâu có xe ô tô riêng, danh nghĩa là xe của con, giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn, hoặc làm cho công ty nước ngoài. Sán vẫn ở căn hộ cũ. Không ai nói ra nói vào được về nhà cửa đất đai anh ta được. Thật ra, Sán không đủ khôn ngoan giữ kín tài sản của mình trước mắt mọi người. Đấy là ý của Người lơ lớ. Sán vốn tôn người ấy là sư phụ trong mọi chuyện, nên tuyệt đối nghe lời ông ta. Nhà Sán vẫn là căn hộ có hai phòng và một khu phụ. Phòng to của hai vợ chồng, phòng nhỏ cho con gái. Từ sau vụ bị vợ cho một cái tát đích đáng, mỗi người một giường.
Mấy hôm nay, liền mấy đêm, Diệu thấy chồng trở mình luôn. Qua một chuyên viên trong ban Tổ chức Thành uỷ, trước khi bị đưa lên mặt báo, Diệu đã biết vụ gian lận phiếu bầu của Sán đã có kết luận. Dù mới chỉ mất ghế Đảng uỷ viên, nhưng tai tiếng thì hết chỗ nói. Diệu ngượng với bất cứ ai. Không dám nhìn thẳng vào mắt bất cứ ai. Khi không thể không nhìn người nói chuyện, chị cũng chỉ nhìn qua, theo phép lịch sự tối thiếu, rồi nhìn xuống, nhìn lên hay nhìn đi chỗ khác. Nhục nhà ê chề. Lúc nào cũng thấy gáy mình nóng lên bới nhưng cái nhìn từ phía sau. Đi bộ nhanh hay chậm, ngồi trên xe máy, đi chậm hay phóng nhanh đều không thoát. Những ánh mắt soi mói, dòm dỏ, dè bỉu, thương hại cứ bám nết lấy chị. Đến cả lúc đi chợ, cũng vẫn những cặp mắt ấy bám riết. Chỉ có hai nơi có vẻ an toàn cho chị ẩn nấp, nhưng lại không thể trốn mãi ở đây - phòng vệ sinh cơ quan và căn hộ của mình.
Ở hai nơi ấy, chị không bị những cái nhìn phía sau xói vào. Nhưng, con người là một thực thể xã hội, khi sinh ra, xã hội đã đóng dấu vào tên tuổi. Người càng có vị thế xã hội cao, người càng nổi tiếng, những người của công chúng dấu ấn xã hội càng đậm, ảnh hưởng xã hội càng rộng. Phụ nữ càng xinh đẹp, càng nhiều người biết đến. Không ai, không cách nào, con người có thể giữ kín dấu ấn xã hội, cả khi mình đã chôn dưới ba tấc đất. Diệu không thể chạy trốn dư luận xã hội vừa thương hại, vừa dè bỉu. Nó len cả vào giấc ngủ, trong hơi thở. Với cả Kiên, chị cũng trốn chạy.
Ngồi họp, Diệu chỉ còn biết nhìn vào cuốn sổ tay trước mặt. Kiên chỉ hỏi: "Chị Diệu có ý kiến gì không?" Diệu đã giật mình.
Hôm tờ Thời luận bêu chuyện Sán lên mặt báo, tối về chị hỏi chồng: "Chuyện thế nào hả anh? Vẫn là câu tìm hiểu, không hề trách cứ, phê phán gì. Vậy mà Sán đã trợn mắt:
- Còn thế nào nữa. Chúng nó vu cáo, bôi nhọ tôi. Không được ăn thì đạp đổ chứ sao?
Dù biết hỏi cũng chả để làm gì. Không nhẽ lại không hỏi. Dù biết vẫn có chuyện gian lận trong bầu cử, không chỉ ở một đại hội mà còn ở nhiều kiểu đại hội khác. Nhưng chính chồng mình làm việc gian dối ấy thì chị không hình dung được Chán chường. Đau đớn. Tuyệt vọng.
Sáng sau, phờ phạc vì mất ngủ và đầu đớn dằn vật, vừa đến cơ quan, Diệu đóng cửa phòng, hai tay ôm đầu, gục xuống bàn. Có tiếng gõ cửa. Diệu giật bắn mình, ngửng phắt dậy. "Mời vào!". Hình như chị chưa dứt câu nói, cánh cửa đã mở toang. Một thoáng hoảng hốt và bối rối, nhưng chị trấn tĩnh được ngay. Không phải vì chị có bản lĩnh, mà vì, đây là người duy nhất thấu hiểu nồi đau của chị. Người duy nhất chị dám nhìn thẳng vào mắt lúc này. Kiên kéo ghế, ngồi đối diện, qua chiếc bàn làm việc. Bốn mắt hút nhau. "Chỉ cần lúc này, anh ôm em vào lòng, em sẽ vượt qua được tất cả". Diệu thầm nói với anh, như một lời nguyện cầu. Không biết anh có đọc được ý nghĩ này không? Kiên nói vừa đủ nghe:
- Em đừng tự làm khổ mình như thế. Tội ai người ấy chịu. Đời không bất công đâu em ạ. Đừng để ảnh hưởng đến sức khoẻ và công việc. Em chuẩn bị đi công tác với anh một chuyến cho khuây khoả. Em trao đổi với Hùng, cậu ấy nắm được nội dung công việc rồi.
Công việc đầu giờ bộn bề đang đợi. Nói đến đấy, Kiên đưa tay ra phía Diệu. Chị rụt rè nắm lấy. Nhưng Kiên nắm thật chặt, thật lâu. Anh muốn truyền sức mạnh và hơi ấm sang chị. Cho đến lúc có tiếng giầy để kim loại của phụ nữ gõ rất kêu ngoài hành lang, Kiên mới miễn cưỡng buông tay ra.
***
Chỉ sau một đêm, một ngày mà con bé biến thành một đứa trẻ ốm yếu bệnh tật. Nó không thể đi một mình nếu mẹ nó không dìu một bên. Nhìn cái gì cũng ngơ ngác. Thấy người lạ là nhắm tịt mắt lại. Mai tắm cho nó, như tắm cho đứa trẻ. Nghĩa là phải làm hết mọi động tác. Từ cởi quần áo, đến đỡ vào bồn tắm, xối nước vào đầu, vào người, xát xà phòng.
Nó nằm gối đầu lên tay mẹ, hai chân co lại trong hai chân cặp chặt của Mai, chẳng khác gì khi còn là cái bào thai trong bụng mẹ. Thế mà vẫn thon thót giật mình. Ba lần nó giẫy giụa bật tung tay, chân chị đang ôm chặt, hét gọi: "Bố mẹ cứu con". Mai thấp thỏm cả đêm. Không hiểu nó đã phải chịu đựng những gì trong thời gian ấy. Nếu không bị chúng nó làm nhục thì sao con bé lại hoảng loạn đến thế?
Mãi đến gần trưa, con bé mới tỉnh dậy. Hình như, lúc này nó mới nhận ra nhà mình. Mai đưa bát cháo cho con. Hai tay nó run run đờ. Chị phải cầm, xúc cho nó vậy.
Ăn hết bát cháo, nó hỏi mẹ mấy giờ rồi, hôm nay là thứ mấy, để còn chuẩn bị sách vở đi học.
- Thế xe đạp đâu rồi?
- Xe đạp? Xe đạp? Chắc vẫn ở chỗ ấy.
- Chỗ ấy là chỗ nào hả con?
- Là chỗ con ngã xe ấy.
- Làm sao mà ngã?
- Mẹ đừng hỏi nữa…
Từ sáng đến giờ, mấy lần Thuần gọi điện xem Minh dậy chưa. Bây giờ chị đến. Mai bảo: "Cháu chưa nhớ được cái gì".
Thuần hỏi Minh mấy câu, thử xem trí nhớ nó thế nào, rồi đi.
Hai hôm sau nó mới tỉnh hẳn. Thấy có thể nói chuyện được, Mai gọi điện cho Thuần. Mai vẫn ôm con trong vòng tay, tưởng như nếu buông ra, sẽ có kẻ cướp mất!
- Con đang đi thì một chiếc ô tô ép sát vào. Con vội vàng phanh đứng lại. Người và xe đạp đổ sang vệ đường.
Chưa kịp ngồi dậy, đã bị hai người trong xe nhảy ra, ấp một chiếc khăn ướt vào cả mũi, mồm. Đến lúc tỉnh dậy, thấy đã bị lột hết quần áo. Hai tay bị hai đoạn xích khoá, căng vào hai góc giường. Hai chân cũng bị xích khoá căng vào hai góc kia.
Con biết là chúng nó sắp làm nhục mình. Con hét lên, gọi mẹ, gọi bố. Con khóc, con gào thật to, kêu bố mẹ đến cứu con…Kêu một lúc lâu, chỉ thấy tiếng mình. Con mệt quá. Nỗi lo sợ bị làm nhục khiến mồ hôi tháo ra như tắm.
Cửa phòng bỗng mở toang. Con hoảng hồn co rúm người lại. Con giẫy giụa. Nhưng không làm sao dứt ra khỏi bốn sợi xích ở cổ tay, cổ chân…
Thuần xem kỹ tay chân Minh. Chỉ thấy da bị đỏ. Không có vết hằn sâu vào thịt. Chị hỏi:
- Cái xích to bằng ngần nào hả cháu?
- Xích nhỏ thôi cô ạ. Nhưng đã quấn giẻ. Sợ quá không còn khóc được, con lại kêu bố mẹ đến cứu. Hai thằng đàn ông vừa vào cười rất đểu.
- Con có nhớ mặt nó không?
Câu hỏi ấy là của Mai.
- Nó bịt mặt mẹ ạ. Chỉ hở hai mắt thì làm sao biết được. Nó bảo cửa kính cách âm tuyệt đối. Lại cách xa nhà xung quanh. Bố mẹ mày có đứng ngay ngoài cửa cũng không nghe thấy gì đâu.Thế rồi… - Minh kể trong tiếng nức nở - hai thằng ấy, cứ thế sờ soạng khắp người con. Con nhắm mắt lại. Con nhổ nước bọt. Con…con chửi. Chúng nó cũng không tha. Con uất quá. Không kêu được. Không khóc được. Người co cứng lại vì xấu hổ và sợ hãi.
Minh khóc nấc lên. Mai cùng khóc theo. Thuần cắn chặt răng. Chị nắm bàn tay thon thả, thanh mảnh của con bé, âu yếm vuốt ve như một người chị, người mẹ. Mai thì nguyền rủa bọn chó má, lúc rủa thầm, lúc rủa ra miệng. Thuần bảo Mai lấy cho cháu cốc nước cam…
Có tiếng chim cúc cu. Mai ra mở cổng. Cô giáo chủ nhiệm và các bạn nữ lớp Minh kéo đến. Thấy tiếng nhiều người ở tầng dưới, Thuần vội xuống nhà. Chị nói với cô chủ nhiệm, mừng là cháu chỉ bị một cơn sức tâm lý, không bị xâm hại…Bây giờ đang nghỉ ngơi để hồi phục dần. Chỉ vài hôm là lại đi học như thường…Mai giới thiệu Thuần với cô giáo chủ nhiệm và các bạn Minh. Họ chuyện trò một tí rồi về.
Thuần dặn Mai, không nói cho Minh biết đó là cô giáo và bạn nó đến, tránh cho nó khỏi tâm trạng xấu hổ về nỗi nhục phải chịu đựng. Minh tiếp tục kể:
- Lúc tỉnh lại…Chúng nó bảo, nếu con mở mắt ra, cho nó chụp ảnh, thì sẽ thôi không sờ soạng nữa. Con tưởng chúng nó nói thật, nên mở mắt ra… Nếu thức, người ta không thể mở mắt mãi mà không chớp. Nếu thức, cũng không thể nhắm mắt mãi mà không mở. Con bé buộc phải nhắm nghiền mắt. Không biết chúng còn giở trò đê tiện gì nữa.
Minh lại giàn giụa nước mắt. Nó nằm yên một lúc rất lâu.
Hơi thở đều đều. Hai người mẹ nhìn nhau, cùng giữ yên lặng cho con bé chợp mắt. Đến mình còn không tưởng tượng nổi trò man rợ này, nói gì đến con bé chưa đến mười bảy tuổi.
Thỉnh thoảng Thuần lại lắc đầu như đang cố xua đi những trò ma quái kinh tởm. Loại tội phạm này, quái đản quá, thú tính quá. Làm thế nào tóm được chúng đây? Xem ra chúng chuẩn bị rất tỉ mỉ, tính toán rất cẩn thận.
Tự nhiên con bé giật bắn mình. Tay co lại che ngực, chân co quắp thu vào bụng. Rồi lại bật khóc nức nở. Mai rối rít:
- Mẹ đây mà con, mẹ đây mà. Đừng sợ: Có cô Thuần đây rồi! Không đứa nào dám động đến con nữa đâu.
Chắc trong cơn mê, lũ đầu trâu mặt ngựa lại nhảy vào nó… Nó lại thiếp đi. Thuần nghĩ đến việc viết báo cáo. Chị sẽ phải đưa ra nhận định của mình. Phải đề xuất phương án phá án.
Minh thiếp đi được hơn nửa giờ. Vừa tỉnh dậy, nó lại vội co hai tay che ngực, thu hai chân lên bụng.
- Mẹ biết không…Con mở mắt ra, một lúc mới quen được ánh sáng. Kinh tởm quá, con rú lên. Bằng cách lừa đều giả ấy, chúng buộc con phải nhìn thấy chúng trong tư thế không mặc gì. Rồi chúng cứ thế thay nhau nằm đè lên người con. Con ngất đi, không còn biết gì nữa.
Sấm tối, chúng bịt mắt con bằng băng dính đen kịt, rồi mới mở khoá, tháo xích chân xích tay. Sau một đêm một ngày bị xích. Chân tay tê dại, không cử động được. Con buồn nôn vì cái thứ kinh tởm chúng nó để lại trên khắp người, cứ thế chúng đưa tay chân con vào bộ quần áo của mình. Hai thằng giữ hai tay con đưa lên xe.
Xe chạy một lúc lâu, chúng lôi con ra khỏi xe ô tô.
Chúng đi được một lúc, con mới gỡ được băng dính ra. Phải ngồi bệt xuống vệ đường một lúc nữa, mới nhìn được rõ cảnh vật xung quanh…
Thuần để Mai ngồi với con. Chị xuống nhà nói chuyện với Triển.
- Theo lời cháu kể và kết quả khám hôm trước ở bệnh viện, thì đúng là cháu chưa bị xâm hại trinh tiết, nhưng lại bị quấy rối. Chắc từ này không thoả đáng. Em chưa nghĩ ra từ khác, vì chưa gặp trường hợp nào thế này. Thật ra cùng có thể gọi là xâm hại tình dục được rồi. Cái ác nhất là, chúng để lại một vết sẹo tâm lý kinh khủng, không biết đến bao giờ mới lành được. Nó sẽ tác động xấu đến tâm lý, tình cảm lâu dài của cháu, ngay cả khi xã trưởng thành và khi có bạn trai.
Về cơ quan, Thuần báo cáo với Trưởng phòng. Trưởng phòng bảo, đợi một lát. Rồi hai người lên phòng giám đốc, để ông nghe luôn thế. Ông Truân nói:
- Đồng chí Thuần nêu nhận định của mình đi!
Thuần băn khoăn lắm:
- Báo cáo Giám đốc và Trưởng phòng, tôi chưa lý giải được, vì sao hoàn toàn có điều kiện xâm phạm trinh tiết nạn nhân, mà chúng lại không làm. Chỉ dừng lại ở mức ấy.
Xin phép cho tôi kể một chuyện đã đọc ở đâu đó để minh hoạ cho điều khó lý giải ấy.
Tống Mỹ Linh khi biết Tường Giới Thạch dan díu với một cô gái trẻ đẹp. Qua đám tay chân, bà ta đến gặp cô gái kia, nói cho cô ta điều hơn lẽ thiệt, rồi đưa cho cô ta một số tiền lớn, cùng vé máy bay, buộc cô ta phải rời Trung Quốc ngay sáng hôm sau. Tưởng Giới Thạch như thường lệ, đến với cô ta thì chỉ thấy cửa đóng then cài. Biết ngay đòn này là của vợ, mới về hằm hè bà ta. Người đàn bà sắc nhọn ấy nói: "Em biết, khi anh đã cởi hết quần áo ra, trước một cô gái đẹp trần truồng thì cũng chẳng khác gì con thú".
Vận dụng điều nhận xét tâm lý đàn ông ấy vào trường hợp này thì chỉ có thể giải thích rằng, những kẻ làm nhục nạn nhân, đã nhận lệnh một kẻ nào đó là, có thể làm đủ mọi chuyện đến cận Z, nhưng nhất thiết không được đến Z!
Theo phương pháp hộp đen, có thể suy ra, kẻ ấy muốn đánh một tín hiệu cho anh Triển biết, nó còn gia ân với bố con anh, nghĩa là còn để một khoảng trống cho anh suy nghĩ mà biết điều.
Thuần được phong thiếu tá trước niên hạn sau một vụ phá án thông minh. Đến hai vụ bố con nhà báo nổi tiếng này, chị cảm thấy bế tắc. Chị cũng đồng tình với suy nghĩ của Triển, kẻ thù của anh không tư thù cá nhân anh mà thâm thù tờ Thời luậndo anh đứng đầu. Vụ trước, khoanh vùng đối tượng rất khó, vì quá rộng. Vụ này rõ là đụng trực tiếp đến một cá nhân. Do đó chắc chắn phải có mối liên quan đến cá nhân này. Hướng suy nghĩ ấy chắc đúng. Nhưng chị cũng chưa thật tự tin khi trình bày với cấp trên.
Trưởng phòng đồng ý với hướng điều tra của Thuần.
Giám đốc chỉ thị:
- Tổ chức ngay việc giám sát chặt chẽ mọi động thái của cá nhân ấy, để tìm ra mối liên hệ của hắn với đồng bọn hoặc tay chân.
***
Ngày đầu tiên đến trường, sau hơn một tuần nghỉ học, Minh không dám nhìn ai, nhất là lũ con trai. Cái tin em bị bắt cóc cả trường đều biết. Điều tệ hại nhất đối với em là, ai cũng cho rằng em đã bị bọn xấu cưỡng bức. "Nó xinh thế kia, làm sao thoát được chuyện ấy".Không thể cải chính được vì đấy là dư luận ngầm, là ýnghĩ trong đầu mọi người. Minh thấy, nhiều đứa con trai, cố tình đi ngang trước mặt mình, nhìn thẳng vào mặt mình với vẻ tò mò. Có đứa nhếch mép cười.
Ngồi trong lớp một tiết, chẳng hiểu thầy giảng gì. Đầu cứ căng lên như sắp nứt vỡ. Gáy bỏng rất, bởi những ánh mắt phía sau. Có lần, hai đứa con trai đi qua còn quay lại nhìn Minh, một đứa ghé tai thằng đi cùng nhỏ to điều gì.
Minh xuống sân trường, gọi bố. Triển đã mua cho con gái máy Cityphone để liên lạc và dặn kỹ không được về một mình. Cơ quan yêu cầu anh phải dùng xe cơ quan đưa đón cháu đi học. Chi bộ có hẳn một nghị quyết. Hội nghị toàn cơ quan có biên bản về việc này. Lí do được mọi người thống nhất là bảo vệ con gái anh chính là bảo vệ anh. Con gái anh đã phải hứng chịu hậu quả đấu tranh chống tiêu cực của cả tập thể này thì nó phải được tập thể này chăm sóc, bảo vệ.
Chú lái xe đưa Minh về cơ quan bố.
Minh thầy bớt bị cảm giác mọi người tò mò khi nhìn mình. Các cô các chú đều vui vẻ hỏi Minh, hoặc niềm nở: "Đến tìm bố à? Bố cháu đang ở trong phòng đấy".
Minh vừa trông thấy bố đã khóc nấc lên:
- Con không thể chịu được cái kiểu bọn bạn bè nhìn con, nhất là đám con trai.
Triển đau quá. Chúng nó chơi đòn này thật khủng khiếp. Mình còn dám đương đầu với chúng. Con bé mong manh, trong suốt như lá thuỷ tinh. Làm sao bây giờ? Nó vừa khóc vừa nói:
- Bây giờ con mới hiểu vì sao bố khó chịu với cái kiểu người ta nhìn mình. Con…con không đi học nữa đâu? Con không thể chịu được nỗi nhục nhã này.
Điện thoại bàn đổ chuông. Cô giáo chủ nhiệm Minh hốt hoảng gọi đến vì Minh bỏ về mà không nói với ai. Một lát sau là điện thoại của Thuần. Biết Minh đang ở đây, Thuần nói sẽ qua trường, kéo cả cô chủ nhiệm cùng đến trao đổi với Triển.
Anh bảo con gái:
- Mọi người đều quan tâm đến con. Cô Thuần và cô Chủ nhiệm cũng đến bây giờ. Con hãy nghĩ đến bố mẹ. Con hãy nhìn bố đây. Bố vẫn ngẩng cao đầu, nhìn thẳng vào mắt mọi người mà làm việc.
Con bé vẫn khóc. Nó gắt lên:
- Nhưng bố là bố. Là đàn ông. Là công việc… Con làm sao sống được trong cảnh này?
Triển không biết nói sao. Con bé nói đúng quá. Phải có cách gì hoá giải việc này.
Có tiếng gõ cửa. Triển bảo con gái vào căn phòng vẫn dành cho anh nghỉ trưa. Anh ra mở cửa, mời khách sang phòng họp gần đấy.
Triển kể cho hai người nghe tâm trạng con mình. Anh bộc bạch:
- Khi con tôi rơi vào cảnh này, tôi càng hiểu dư luận xã hội ghê gớm đến thế nào, bị dư luận hiểu lầm là khổ thế nào, bị xã hội phanh phui, mổ xẻ thì sợ thế nào. Hai chị có cách gì tác động vào dư luận học sinh trường cháu không? Tôi không thể tác động vào dư luận bằng công cụ của mình được.
Cô chủ nhiệm:
- Để tôi giải thích đầu đuôi câu chuyện với các em lớp tôi có được không?
- Thế còn với học sinh toàn trường? - Triển hỏi.
Thuần:
- Tôi sẽ xin ý kiến anh Truân. Có thể có một sự giải thích cho toàn trường.
Triển thấy khó lòng đạt được mục đích. Anh phân tích:
- Rất có thể, càng giải thích, sự dị nghị càng tăng. Đây là một việc khó nói. Lại dễ bị hiểu theo lôgic thông thường. Vì thế, dư luận rất khó tin vào điều chúng ta giải thích. Trừ khi…
Hai người nhìn anh chờ đợi. Có vẻ vừa thất vọng, vừa chua chát, Triển nói:
- Trừ khi vụ án kết thúc, may ra mới đỡ.
***
Sau nhiều lần trao đổi qua điện thoại với một bạn đồng nghiệp có uy tín trong giới báo chí Sài Gòn và với một người bà con trong ấy, mấy ngày sau, Triển cùng con gái bay vào.
Ổn định chỗ ăn ở, đến trường xin học, gặp thầy hiệu trưởng, cô giáo chủ nhiệm gửi gắm xong, Triển bay ra. Mai vẫn ở bên ngoại, như một cuộc lánh nạn.
Những ngày đầu xa con, ngày nào Triển cũng gọi điện cho con vào khoảng mười giờ đêm. Thời gian này, nó rất cần trao đổi, cần giải thích, điều chỉnh để lấy lại thăng bằng và thích nghi với hoàn cảnh mới. Môi trường mới, chỗ ở mới, kiểu cách ăn uống mới, trường mới, thay mới, bạn mới…là khó khăn, nhưng cũng là điều kiện cho Minh quên đi mối quan hệ ở ngoài này. Nó sợ gặp tất cả những người quen ở Thanh Hoa. Là người đoạt giải nhất cuộc thi nữ sinh thanh lịch của trường, những người biết nó, nhiều hơn rất nhiều những người nó biết. Thành người nổi tiếng, hoá ra mọi chuyện rất dễ rắc rối, lôi thôi.
Lần nào nói chuyện với bố, Minh cũng nói lời cảm ơn, vì bố đã quyết định thay đổi môi trường sống cho mình.
Thỉnh thoáng mẹ con cũng nói chuyện với nhau. Nó hỏi: "Mẹ về ông bà ngoại, thì ai cơm nước cho bố?" Mẹ nó bảo: "Lo gì, thiếu gì người sẵn sàng chăm sóc ông ấy". Minh ở với cô ruột, có hai người con đều là gái, kém nó vài tuổi nên vui. Một lần Minh hỏi bố, thế cái cô cảnh sát đã tìm ra bọn mất dạy hại con chưa? Triển nói để con yên tâm, lưới trời rộng, không thể thoát được, rồi cũng có lúc tóm được chúng thôi.
Được ít lâu, Triển quy định, bố con gửi thư điện tứ cho nhau tuần hai lần, có gì đột xuất thì gọi. Triển mừng vì con bé có vẻ đã bình thường trở lại. Anh sợ nhất hôm nó bỏ học, khi con bé nói "con làm sao sống được trong cảnh này?".
***
Đã từ nhiều năm nay Thời luận có lệ, buổi trưa, ai ở lại làm việc chiều, đều dùng cơm văn phòng của toà soạn. Thỉnh thoảng Nhâm cũng mời Triển đi ăn trưa, dĩ nhiên có cả Phong. Tai hoạ liên tiếp giáng xuống gia đình Triển làm Nhâm rất thương. Chị còn phán đoán, một tai hoạ nữa, như cơn bão sẽ đổ bộ vào gia đình anh. Ấy là sự tan vỡ hôn nhân.
Bằng sự nhạy cảm của phụ nữ, chị có thể giảm bớt nỗi bất hạnh ấy cho bạn, bằng một sự bù đắp khác, và xem ra, có vẻ thành. Nhưng chị không nói gì với Phong. Với sự nhạy cảm của phụ nữ, của một nhà báo sắc xáo như Phong, cứ trong tình trạng lơ lửng, không rõ ràng, có khi hay hơn. Ngoài những bữa ăn trưa, thỉnh thoảng Phong cũng đến nhà Triển làm bữa tối. Những hôm ấy, Phong báo trước, để Triển không ăn cơm ngoài.
Hôm nay Phong làm món hơi cầu kỳ: chả rươi. Mâm cơm dọn ra vẫn chỉ có một chiếc bát, một đôi đũa, Triển nài nỉ bằng một câu hỏi:
- Em vẫn không ăn với anh à?
Phong nhìn ra ngoài trời, khê gật gật như nói với mình:
- Em không có quyền ăn với anh, ở nhà anh.
- Em kỹ tính quá!
- Đấy là nguyên tắc anh ạ, - ngừng một chút, cô nói thêm. - Em tôn trọng cuộc sống gia đình anh.
Triển đành ăn một mình. Bữa cơm sẽ ngon hơn bao nhiêu khi cô cùng ăn. Anh ăn miếng chả rươi. Vừa nhai vừa ngẫm nghĩ. Nghĩ về người phụ nữ này và cố nhận ra hương vị của món ăn lạ miệng.
- Mùi thì là thì đã đành rồi. Hình như có mùi cay cay, thơm thơm của…không lẽ là vỏ quýt hả em?
- Đúng là vỏ quýt đấy anh ạ. Có một mùi gì lạ lắm, anh không gọi ra được.
- Anh không gọi ra được đâu. Chỉ những phụ nữ Thanh Hoa gốc, mới biết thứ gia vị này cho món chả rươi - lá gấc non.
- Quả thật, anh chưa nghe nói bao giờ.
- Với rươi, người ta không dùng vị cay của ớt, cũng không dùng vị cay hạt tiêu, mà dùng vị cay vỏ quýt. Còn lá gấc, nó cũng có vị cay ngai ngái, thơm nồng rất riêng của nó anh ạ.