Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Xin Đừng Hoài Nghi

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 8708 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Xin Đừng Hoài Nghi
Song Loan

Chương 5

Ông Hoàng đang chăm chú bên bàn làm việc thì bà Hoàng đẩy cửa, bước nhanh vào. Nghe tiếng chân, ông Hoàng ngước lên. Nhìn nét mặt giận dữ của vợ, ông ngạc nhiên:
– Làm gì mà bà hầm hầm vậy?
Bà Hoàng ngồi xuống ghế, xẵng giọng:
– Ông còn nhớ thằng giám đốc trẻ mà mình gặp ở nhà ông Độ không?
– Nhớ. Mà có gì vậy?
Bà Hoàng nói như hét lên:
– Nó chính là cái thằng khi xưa yêu con gái mình đấy.
Ông Hoàng giật mình, sững sờ:
– Bà nói gì? Là nó đó à?
– Phải! - Bà Hoàng gật đầu.
Ông Hoàng thừ người ra một lúc rồi nhìn vợ:
– Bà có nhìn lầm người không?
– Sao, ông không tin à? - Bà Hoàng tròn mắt nhìn chồng.
Ông Hoàng gật đầu:
– Một thằng nghèo rớt mồng tơi như nó, sao có thể được như ngày nay chứ.
Chỉ có vài năm mà giàu vậy sao? Tôi không tin.
Bà Hoàng nhếch mép:
– Không tin cũng không được. Vì chính con gái ông cũng đã xác nhận nó chính là thằng Tùng ngày trước.
Ông Hoàng lẩm bẩm:
– Nó làm gì mà giàu nhanh thế. Tôi không ngờ nó lại giỏi đến thế.
Bà Hoàng cau mày:
– Ông khen nó đấy à?
– Nó giỏi thì tôi khen, có gì không đúng. Mà bà gặp tôi, không chỉ để nói chuyện này đấy chứ.
Bà Hoàng chợt quắc mắt, hằn học:
– Không ... à ... mà có dính líu đến nó đấy.
Ông Hoàng cười nhẹ.
– Làm gì mà bà có vẻ hốt hoảng vậy. Nó làm gì đến mình nào?
Bà Hoàng gằn giọng:
– Nó trả thù chuyện cũ đấy ông ạ.
Ông Hoàng cau mày:
– Cụ thể thế nào, bà nói ra cho tôi nghe. Nó làm gì mà bà bảo là trả thù chuyện cũ?
Bà Hoàng đanh giọng thật dữ:
– Những hơp đồng mà công ty của mình bị vuột mất, đều do nó nhúng tay vào phá bĩnh.
Ông Hoàng giật bắn cả người, hai tay chống lên bàn và bật dậy.
– Bà nói sao? Là nó à?
Vẻ mặt bà Hoàng cũng căng thẳng và tái nhợt như chồng, môi cong lên, hằn học:
– Là nó đấy!
– Bà có chắc không? – Ông Hoàng gặng hỏi.
Bà Hoàng gật đầu, chắc nịch:
– Sao lại không chắc?
– Làm sao bà biết được chuyện này?
Bà Hoàng nhăn mặt, cao giọng:
– Tôi phải nhờ đến thám tử điều tra mới tìm ra được, chứ cứ ngồi ở nhà như ông thì biết thế nào.
Mở túi xắc, bà Hoàng ném mạnh lên bàn một phong bì dầy cộm, gằn giọng:
– Tất cả bằng chứng đều ở đây cả, ông xem đi thì rõ.
Ông Hoàng lật đật chụp lấy, hai tay run run và hấp tấp mở ra xem, nét mặt biến đổi liên tục, mồ hôi rịn đầy trên trán.
Ngồi xuống ghế, ông Hoàng bàng hoàng và thẫn thờ như ngây dại.
Bà Hoàng lo lắng:
– Ông không sao chứ?
Lấy khăn tay, ông Hoàng chặm lên trán, lắc đầu, giọng yếu ớt:
– Tôi không sao.
Bà Hoàng hằn học:
– Ông tính thế nào, không lẽ khoanh tay ngồi nhìn nó lộng hành như vậy sao?
– Bà định làm gì, đã có cách chưa?
Bà Hoàng gật đầu, rít lên:
– Rồi. Tôi sẽ cho người xử nó theo luật giang hồ. Chỉ cần vung ra vài chục triệu là nó tàn đời.
Ông Hoàng lo ngại, lắc đầu phản đối:
– Không làm vậy được.
– Sao lại không hả ông?
Mình là dân làm ăn, làm như kiểu bà nếu đổ bể ra, dính dáng đến pháp luật thì công ty mình kể như tiêu tùng, phá sản luôn.
Bà Hoàng cười nhạt, trấn an:
– Ông yên trí! Mình ra tay bất ngờ, nó không thể nào biết được. Vả lại, mình đâu có ra mặt mà phải sợ.
– Nhưng ...
– Còn nhưng nhị gì nữa? - Bà Hoàng quắc mắt nóng nảy - Ông muốn nó phá tan cả sản nghiệp của vợ chồng mình à?
Ông Hoàng trầm ngâm suy nghĩ, rồi đắn đo:
– Tôi thấy cách này, không ổn đâu bà à.
– Tại sao lại không! Tôi có biết một tay anh chị thuộc loại máu lạnh lắm.
Chịu tốn một khoản tiền là xong ngay.
– Bà quên thằng Tùng xuất thân từ gia đình nghèo khổ hay sao?
– Thì sao chứ? - Bà Hoàng ngạc nhiên nhìn chồng.
Ông Hoàng thong thả:
– Tôi không tin nó làm ăn đàng hoàng mà giàu như vậy.
– Ý ông là ...
– Phải. Theo tôi thì 99% là nó phải lăn lộn nhiều, va chạm nhiều và bất chấp tất cả để có được ngày này. Bà biết tại sao không?
Bà Hoàng chợt nhớ lại câu nói của Sơn Tùng ngày trước, nét mặt bà biến sắc và hạ giọng:
– Nó định thực hiện lời hăm dọa.
Ông Hoàng gật đầu:
– Một thằng như nó thì dám làm tất cả. Thử hỏi bà, trong đám anh chị, bà có quen biết nhiều bằng nó không?
– Không khéo mình chưa kịp hại nó thì nó đã hại lại mình không chừng.
Bà Hoàng nghe chồng phân tích thì lo lắng lắm. Bà nhìn chồng, hỏi nhỏ:
– Vậy phải làm sao hả ông?
– Bà cứ bình tĩnh để tôi tìm cách giải quyết khác ôn hòa hơn, coi có được không đã.
Bà Hoàng lắc đầu vẻ không tin tưởng:
– Nó căm thù tôi và ông đến tận xương tủy, đời nào lại chịu ngồi nói chuyện với mình như ông nghĩ.
Ông Hoàng bỗng ngước lên nhìn vợ:
– Mà các hợp đồng của mình đâu phải ngon lành gì. Toàn là xương xẩu không, nó nhào vào mà lại hạ giá thì tôi e là nó không cầm cự bao lâu đâu.
– Ông nói vậy cũng phải. - Bà Hoàng gật đầu nhưng rồi bà lại hạ giọng - Biết đâu công ty của nó chỉ là bức bình phong thì sao.
– Bà nói vậy là sao?
Bà Hoàng nhăn mặt, gắt lên:
– Ông chậm hiểu vậy! Ngộ nhỡ nó lập công ty để là nơi rửa tiền cho các hoạt động phi pháp khác thì chúng ta còn mệt với nó.
– Có thể lắm ... Nó quyết tâm hại mình dám làm thế lắm.
– Vậy ông mau tính cách nào đi để đối phó với nó.
Ông Hoàng bộp tay lên trán, mệt mỏi:
– Bà cũng phải cho tôi thời gian chứ, đùng một cái làm sao tôi nghĩ được khi mọi chuyện rố tung như canh hẹ.
Bà Hoàng đồng ý và đứng dậy.
– Tôi chỉ nhắc ông vậy thôi, còn giờ tôi về đây.
– Bà về nhà hay đi đâu?
– Hôm nay vợ chồng cóo Chi về nhà chơi, tôi định nấu cho con gái các món ăn mà nó thích.
Ông Hoàng gật đầu:
– Vậy bà về đi, tôi cũng thu xếp rồi về sau.
Bà Hoàng ra đến cửa thì ông Hoàng gọi giật lại:
– Bà khoan đã, đợi tôi dặn điều này!
– Gì nữa thì ông nó mau đi.
Ông Hoàng dặn dò.
– Việc thằng Tùng, bà đừng cho con biết.
– Sao ông giấu con chứ?
– Thằng Tùng và con mình không còn quan hệ gì nữa. Con mình cũng đã có gia đình, tôi không muốn con Chi biết được, nó sẽ lo lắng.
Bà Hoàng nghĩ ngợi rồi đồng ý:
– Ông nói rất đúng. Chuyện này không nên cho Quỳnh Chi biết làm gì?
– Bà đóng cửa lại hộ tôi luôn.
Cánh cửa đóng lại, ông Hoàng gỡ gọng kính đặt lên bàn, đôi mày như nhíu lại. Hàng loạt câu hỏi đang nảy sinh trong ông.
Tuy không tiếp xúc với Sơn Tùng lần nào, nhưng những gì ông nghe được về anh ta, đủ cho ông biết Sơn Tùng không phải thứ dễ nuốt.
Ông Hoàng không sợ Sơn Tùng, mà ông sợ những thế lực đứng sau lưng anh ta. Bằng kinh nghiệm sống, ông Hoàng biết rằngvợ chồng ông đang đối mặt với kẻ thù khá nguy hiểm, đầy mưu mô và bản lĩnh.
Đêm đã khuya rồi mà ông Phú vẫn chưa ngủ, ông cứ trăn trở mãi làm cho bà Phú nằm bên ông phải ngạc nhiên và thắc mắc.
Xoay người lại, bà Phú nhìn chồng, dịu dàng:
– Sao anh không ngủ mà cứ nằm trằn trọc mãi vậy, có chuyện gì hả anh.
– Em chưa ngủ sao?
Bà Phú mỉm cười:
– Anh cứ cựa quậy mãi, làm sao em ngủ được. Nói cho em biết, có chuyện gì vậy anh?
Nhìn vẻ mặt chờ đợi của vợ, ông Phú nhẹ nhàng:
– Em à! Anh muốn nói với em chuyện này.
Bà Phú gật đầu:
– Anh nói đi, em đang chờ nghe đây.
Ông Phú ngồi dậy, tựa lưng vào thành giường, giọng thật lạ:
– Chiều nay, anh có gặp cậu Tùng.
– Cậu Tùng nói gì mà anh căng thẳng vậy?
Ông Phú trầm tư:
– Cậu ta nói là cậu và Hà My yêu nhau, và cậu ta không thể sống thiếu Hà My.
Bà Phú mỉm cười:
– Có vậy mà anh suy nghĩ vậy sao?
Vẻ bình thản của bà làm ông Phú ngạc nhiên, ông nhìn vợ, dò hỏi:
– Vậy là em đã biết chuyện này?
– Tùng yêu con mình, em biết lâu rồi, Tùng cũng thường hay đến đây và đưa con gái mình đi chơi.
– Sao em không cho anh biết? - Ông Phú cau mày trách vợ.
Bà Phú ngạc nhiên:
– Ô hay? Em cứ nghĩ là anh đã biết rồi nên cũng không nói.
– Em thấy cậu ta thế nào.
Bà Phú chậm rãi:
– Em thấy Tùng là một thanh niên đàng hoàng, có tư cách, nói năng rất hòa nhã không kiêu căng.
– Còn Hà My có nói gì với em không?
Bà Phú cũng ngồi dậy thong thả:
– Anh ra phòng khách nói chuyện nha, chứ người nằm, người ngồi, khó nói lắm.
Biết tính vợ, ông phú vui vẻ chiều theo. Ngồi xuống ghế, bà Phú châm trà vào tách theo thói quen rồi nhẹ nhàng:
– Con có nói với em, là cũng có tình cảm với Tùng lắm, còn chuyện cưới hỏi thì em không nghe con nói tới.
Rồi bà nhìn ông Phú, vẻ băn khoăn lắm:
– Anh không thích Tùng à?
Ông Phú có vẻ đăm chiêu. Bà Phú lại nhẹ nhàng:
– Em vẫn nghe anh khen Tùng lắm mà. Tưởng đâu anh cũng thích, ai dè ...
Ông Phú điềm đạm giải thích với vợ:
– Khen thì anh vẫn khen, vì cậu ta quả là giỏi trong làm ăn, giao tiếp rộng lại có uy tín trong giới, cho dù cậu ta mới chập chững làm ăn.
– Vậy anh còn băn khoăn gì nữa?
– Về gia đình cậu ta thế nào, quê quán, gốc gác ra sao, anh cũng dò hỏi nhiều người, nhưng không ai biết cả.
– Có chuyện vậy sao anh? Bà Phú thảng thốt.
Ông gật đầu, ôn tồn:
– Chính vì vậy, anh mới suy nghĩ ... Vợ chồng mình chỉ có mình Hà My, làm sao anh có thể gả con cho một người mà mình không biết rõ về bản thân họ và gia đình được.
Bà Phú nhíu mày rồi nhỏ nhẹ:
– Để ngày mai, em hỏi lại con. Nếu hai đứa nó yêu nhau thật lòng và chân thành thì Tùng phải nói hết cho con mình biết, cậu ta không thể giấu giếm.
– Anh cũng nghĩ như em. Trong công việc, Tùng giúp đỡ cho anh rất nhiều, ít nhiều anh cũng có chút thiện cảm với cậu ta.
Bà Phú nhìn chồng với ánh mắt yêu thương trách nhẹ:
– Có vậy mà anh không nói ngay, cứ nằm đó mà dằn vặt mãi.
Ông Phú cũng âu yếm:
– Anh không muốn em phải lo lắng.
– Con gái lớn phải lấy chồng. Là mẹ, em phải có bổn phận lo cho con chứ.
Anh đã bận rộn ở công ty rồi, những chuyện còn lại trong gia đình, đừng nên ôm đồm nữa, để em lo liệu cho anh.
Ông Phú hạnh phúc khi nghe được những lời chia sẻ của vợ. Ông đứng dậy, nhẹ nhàng.
– Ngày mai, em nhớ hỏi con cho khéo rồi cho anh hay.
Vừa nói dứt câu thì ông Phú đã thấy Hà My từ ngoài bước vào, cô cúi đầu chào ba mẹ.
Ông Phú giật mình:
– Con làm gì ngoài đó?
– Cây nguyệt quế mà con trồng tối nay nở hoa, con ra ngoài đó ngắm chúng và ...
– Con đã nghe ba mẹ nói chuyện?
Hà My gật đầu dạ nhỏ.
Bà Phú nghiêm mặt, nạt khẽ:
– Con có biết nghe lén như vậy là xấu lắm không?
Thấy mẹ giận, Hà My sợ hãi, lí nhí:
– Con không cố ý, nhưng thấy ba mẹ nói về anh Tùng, nên con ... con ... muốn biết ba mẹ nhận xét thế nào về ảnh.
Ông Phú điềm tĩnh chỉ tay vào ghế, ôn tồn:
– Con ngồi xuống đi!
Hà My ngoan ngoãn ngồi đối diện với ba mẹ.
Hà My hơi ngẩng lên, giọng nhẹ nhàng mạch lạc:
– Con và anh Tùng yêu nhau.
– Ba mẹ đã biết. - Ông Phú gật đầu - Thế con đã biết gì về Tùng chưa?
Hà My gật đầu:
– Dạ, anh Tùng đã kể cho nghe tất cả về cuộc đời của ảnh ạ.
– Tùng nói sao với con?
Hà My khẽ chớp mắt:
– Ảnh nói gia đình ảnh nghèo lắm, ba ảnh mất sớm, ảnh chỉ còn có mẹ ở dưới quê.
Ông Phú thắc mắc:
– Nghèo lắm à?
– Dạ. Trước kia, ảnh đi làm công nhân ở một công ty tư nhân, lương cũng không cao lắm.
Ông Phú cau mày:
– Vậy làm thế nào cậu ta có được như ngày nay.
Hà My đan hai tay vào nhau, nhỏ nhẹ:
– Chuyện là vầy thưa ba mẹ. Lúc trước, ảnh có yêu một cô gái con nhà giàu, ba mẹ cổ không đồng ý và nặng lời mạt sát ảnh, vì vậy ảnh quyết tâm phải làm sao để trở thành giàu có.
Ông Phú cắt lời con gái:
– Cậu ta có nói với con là làm gì không?
– Dạ có. Sau khi ra khỏi nhà cô gái ấy, ảnh gặp được một người nhận vào làm việc cho công ty ông ta với mức lương hậu hĩnh. Suốt năm năm đó, ảnh tằn tiện, chắt chiu từng đồng để tạo dựng sự nghiệp.
Bà Phú ngạc nhiên:
– Chỉ năm năm mà cậu Tùng được như ngày nay, mẹ thấy thật khó tin.
– Dạ, ảnh có nói là với số tiền dành dụm, ảnh đem đầu tư vào các nơi quen biết và hùn hạp làm ăn với các đối tác của ông chủ ảnh. Sau năm năm, với số vốn đã khá, ảnh xin nghỉ và tạo dựng cơ nghiệp cho riêng mình.
Hà My nói dứt lời, bà Phú liền đưa mắt nhìn chồng như chờ đợi.
Ông Phú vẫn ôn tồn hỏi con:
– Tùng nói với con vậy à?
– Dạ. Mà con cũng có hỏi vài người bạn của ảnh, họ cũng nói như vậy ạ.
Bà Phú nhìn chồng, dò xét:
– Anh nghĩ sao?
Ông Phú trầm ngâm rồi khẽ khàng:
– Nếu đúng vậy thì ba thật sự khâm phục ý chí của cậu ta.
Rồi nhìn con gái, ông âu yếm:
– Khuya rồi, con về phòng nghỉ đi, ba mẹ cũng đi nghỉ đây.
Hà My ngoan ngoãn đứng dậy. Bà Phú chợt hỏi:
– Con có biết quê Tùng ở đâu không?
– Dạ, ở gần thị xã của thành phố Cần Thơ mẹ ạ.
Hà My nói xong liền bỏ đi. Chờ cho con gái đi hẳn, bà Phú nhẹ giọng hỏi chồng:
– Anh thấy sao, có thấy gì đáng ngờ không anh?
Ông Phú lắc đầu:
– Tùng đã dám nói là nhà cậu rất nghèo, cũng có nghĩa là cậu ta không giấu giếm thân phận. Ngay cả chuyện yêu đương, rồi bị sỉ nhục thế nào, cậu ta cũng nói ra, thì anh nghĩ cậu ta không nói dối đâu.
– Nhưng làm gì mà mau giàu vậy anh.
– Điều này cũng có thể lắm.
– Anh căn cứ vào đâu?
– Vào sự quen biết của cậu Tùng, toàn là những tay có máu mặt. Anh nghĩ trước kia cậu ta cũng đảm nhận một vai trò không nhỏ đâu.
– Nếu anh đã nói vậy thì anh tính sao về chuyện Tùng muốn cưới con mình?
– Hà My còn đi học, chưa thể gấp gáp được. Vả lại, còn tùy thuộc vào con gái mình nữa.
Bà Phú tươi cười nhìn chồng:
– Xem ra anh đã có cái nhìn khác về cậu Tùng rồi đấy.
Ông Phú không trả lời vợ, mà vươn vai ngáp dài rồi bảo:
– Anh buồn ngủ quá rồi, không nói chuyện với em nữa.
Ông đưa tay tắt đèn, và quàng tay qua người vợ, vài phút sau cả hai đều ngủ say.
Hà My dừng lại trước dãy hàng bánh kẹo. Trông thấy loại sô-cô-la mà cô vẫn ưa thích được bày bán ở đây, nên cô quyết định mua vài hộp.
Chúng được đặt trên ngăn kệ khá cao, Hà My đã rướn người mấy lần vẫn chưa với tới. Còn đang loay hoay tìm cách thì ai đổ đã cầm xuống và trao tận tay cho cô.
Hà My đón lấy, cô tươi cười:
– Cám ơn anh ...
Bỗng cô khựng lại ngay khi nhận ra đó là người đã cứu cô hôm nào.
Người thanh niên cũng tươi cười:
– Gặp lại cô bé thật là bất ngờ.
Hà My đã bình tĩnh lại, cô nhẹ nhàng:
– Tối hôm đó, tôi thật sơ suất khi chưa hỏi tên anh và cám ơn anh.
– Có gì mà cô bé phải bận tâm vậy. Tôi là Xuân Kiên. Còn cô bé?
– Tôi là Hà My. - Cô đáp nhỏ, vẻ mặt hơi thẹn thùng trước cái nhìn của Xuân Kiên.
– My còn mua gì nữa không, để tôi lấy giùm cho.
Hà My lắc đầu:
– Không anh à, tôi chỉ mua chừng đây thôi.
Xuân Kiên theo Hà My tới chỗ thâu ngân, anh tính luôn cả phần Hà My, mặc cho cô phản đối.
Ra đến ngoài cửa, Hà My nói như không vui lắm:
– Sao anh lại làm vậy?
Xuân Kiên chỉ thản nhiên nhún vai:
– Có đáng gì đâu mà cô bé phải để tâm.
– Nhưng tôi không thể nợ anh mãi được, ơn anh giúp tôi, tôi còn chưa trả nổi mà.
Xuân Kiên mỉm cười:
– Thế cô bé định trả ơn cho tôi thế nào đây?
Nụ cười của anh thật đẹp, một cái lúm đồng tiền trên má trái càng làm cho anh thật thu hút và quyến rũ.
Hà My lúng túng:
– Tôi ... tôi ... cũng ... không biết nữa.
– Tôi thì đang khát nước, hay cô bé mời tôi một ly nước, được không?
Lời đề nghị thật bất ngờ được Xuân Kiên đưa la làm cho Hà My bối rối.
Từ chối thì Hà My thấy mình bất lịch sự quá, còn nhận lời thì cô thấy ngại ngại. Vì vết thẹo trên mặt anh làm cô lưỡng lự.
Như đọc được suy nghĩ của cô, Xuân Kiên thong thả:
– Nếu cô bé không thích đi cùng tôi thì thôi, tạm biệt!
Xuân Kiên quay người bỏ đi, Hà My đưa mắt nhìn theo, cho đến khi cái dáng cao lớn của anh lẫn vào đám đông mới thôi.
Hà My không lấy xe ngay, mà thả bộ lững thững trên đường, đi đâu thì cô cũng không xác định được.
Ngang qua một quán nước, Hà My không thấy khát khô cả họng. Cái nắng oi bức làm cho Hà My thấy khó chịu, nên ghé vào đó để nghỉ chân.
Kêu cho mình một ly sữa chanh như thường lệ Hà My nhớ lại đề nghị khi nãy của Xuân Kiên mà mỉm cười một mình, và cô nhận ra anh ta rất tế nhị trong cách cư xử.
Hà My trầm ngâm bên ly nước thật lâu, cô đang nhớ tới Xuân Kiên, với bộ rầu quai nón, đôi lông mày rậm, nụ cươi thật quyến rũ, nếu không có cái sẹo vắt ngang trên má, có lẽ anh ta sẽ đẹp trai rất nhiều.
Uống xong ly nước, Hà My kêu tính tiền, và cô vô cùng ngạc nhiên khi cô gái phục vụ đến bên và tươi cười:
Tiền nước của chị, đã có ngươi trả rồi ạ.
Hà My hoang mang:
– Chị có lầm lẫn không? Tôi chỉ đi một mình – Dạ không. Chị có phải tên Hà My không? - Cô phục vụ hỏi lại.
Hà My gật đầu:
– Phải, là tôi.
– Vậy thì tôi không nhầm ạ.
Hà My nhìn cô ta, thắc mắc:
– Là ai đã trả tiền cho tôi vậy chị?
– Dạ, là một thanh niên, anh ta không nói tên.
Hà My thoáng nghĩ đến Xuân Kiên, nên nói ngay:
– Có phải anh ta có một vết sẹo trên má.
– Dạ, đúng ạ.
Hà My vội nhìn quanh rồi hỏi, vẻ nôn nóng:
– Anh ta ngồi đâu hả chị?
Cô phục vụ chỉ tay vào một bàn sát góc, thong thả:
– Dạ ngồi đây, nhưng vừa ra khỏi quán vài phút ạ.
Hà My bỗng cảm thấy hụt hẫng, cô thở nhẹ vẻ thất vọng và gật đầu:
– Cám ơn chị.
Cô phục vụ mỉm cười:
– Không có gì, thưa chị.
Hà My bước ra đường, cô cảm thấy mình mắc nợ Xuân Kiên nhiều quá.
Nhìn hộp kẹo sô-cô-la, Hà My nhớ lại ánh mắt của Xuân Kiên nhìn cô lúc đó, có chút gì thật lạ trong mắt anh ta.
Hà My trầm ngâm và tự hỏi rất cuộc anh ta là ai?
Hà My lái xe chạy thật chậm trên đường. Chiều thứ bảy, Sài Gòn vẫn đông đúc hơn mọi khi.
Một chiếc xe buýt chạy thật sát bên cạnh. Hà My vội vàng ngẩng lên khi nghe tiếng một thanh niên vọng xuong, nghe thật quen:
– Chào cô bé!
Nhận ra Xuân Kiên đang tươi cười vẫy tay chào, bất chợt Hà My cũng nở một nụ cười thật tươi đáp lại.
Về đến nhà, Hà My đã thấy Sơn Tùng chờ sẵn trong phòng khách với dáng vẻ bồn chồn:
Vừa thấy cô, Sơn Tùng hỏi ngay:
– Em đi đâu đến giờ mới về, mà anh gọi điện thoại cho em mãi không được.
Nhìn nét mặt của anh, Hà My ngạc nhiên khi thấy anh không vui, nhưng cô vẫn mỉm cười:
– Em không mang điện thoại theo, mà có gì không anh?
Sơn Tùng vẫn cau có:
– Em chưa trả lời cho anh biết em đi đâu về vậy?
Chìa mất hộp kẹo ra trước, Hà My dịu dàng:
– Em vào siêu thị mua mấy thứ này.
Nét mặt Sơn Tùng như giãn ra, anh nhìn cô, giọng vui hẳn:
– Em có nhớ hôm nay anh đưa em đi đâu không?
Hà My gật đầu mỉm cười:
– Nhớ chứ anh, nhưng vẫn còn sớm kia mà. Sơn Tùng cũng nở nụ cười hài lòng.
– Em lên chuẩn bị đi, anh chờ.
Một lúc sau, Hà My trở xuống trong chiếc đầm dài màu trắng rất đẹp, gương mặt cô trang điểm thật nhẹ và hài hòa, càng làm cho Hà My thêm xinh đẹp bội phần.
Sơn Tùng trầm trồ:
– Em đẹp lắm, Hà My!
Xoay một vòng thật lả lướt, Hà My cong môi làm duyên.
– Anh muốn điên lên vì em đây.
Ngắt vào ngực người yêu một cái thật mạnh, Hà My liếc anh thật dài:
– Chỉ nói bậy là giỏi.
– Anh nói thật đấy!
Vừa nhăn nhó vì đau, Sơn Tùng vừa đáp lại, mắt anh ánh lên những tia sáng thật lạ, rồi anh dìu cô ra cửa.
Xe qua phố đông người. Nhìn họ như một đôi uyên ương ... màu trắng tinh khiết của chiếc đầm, màu đen của bộ veston thật tương phản càng làm cho họ như nổi bật trong dòng xe cộ.
Sơn Tùng vừa dừng xe trước ngôi biệt thự nguy nga thì ông Độ đã bước lại, tươi cười:
– Cậu Tùng luôn luôn đúng giờ!
Bắt chặt tay ông Độ, Sơn Tùng cũng cười thật tươi, khiêm tốn:
– Được ông chiếu cố đến, sao tôi có thể đến trễ được.
Ông Độ cười sảng khoái vẻ thích thú:
– Ha ha ... Cậu Tùng quả là khéo ăn nói.
– Cám ơn ông đã khen.
Ông Độ nhìn sang Hà My rồi hỏi Sơn Tùng:
– Bạn gái cậu Tùng đấy à?
Sơn Tùng gật đầu và giới thiệu cho họ biết nhau.
Hà My khép nép cúi đầu:
– Cháu chào bác.
Ông Độ vồn vã gật đầu và bảo Sơn Tùng:
– Cậu tinh mắt lắm! Bạn gái của cậu thật dễ thương.
Sơn Tùng có vẻ hãnh diện lắm, anh nhìn Hà My và mỉm cười.
Chỉ tay vào trong, ông Độ xởi lởi:
– Cậu và bạn gái vào trước, tôi còn đón vài người khách nữa.
Hà My nép sát vào người Sơn Tùng, cô rụt rè và ngại ngùng theo anh vào trong.
Đang băng qua khoảng sân rộng, họ chợt thấy Hữu Tường từ xa đi lại. Nét mặt Sơn Tùng như sầm lại và không cười khi nhận ra Hữu Tường đang đi về phía anh và Hà My.
Hữu Tường đến gần hai người thì đứng lại, anh điềm đạm:
– Chào hai bạn!
Sơn Tùng thờ ơ gật đầu và bắt tay Hữu Tường một cách hờ hững. Thái độ của anh làm cho Hà My khó chịu, đôi mày của cô như cau lại, nhưng Hà My vẫn im lặng.
Hữu Tường vẫn thản nhiên như không quan tâm đến chuyện đó, anh vần ôn tồn với Hà My:
– My vẫn khỏe đấy chứ?
Hà My mỉm cười.
– Cám ơn anh.
– Anh thấy My cô vẻ hơi xanh đấy.
– Chắc tại My thức khuya để học thi nên anh thấy vậy. - Hà My đổi cách xưng hô với Hữu Tường.
Hữu Tường vẫn ần cần:
– Nếu vậy My cần tẩm bổ vào, con gái mà ốm thì không đẹp đâu.
Nghe Hữu Tường nói vậy, Sơn Tùng sôi máu, mặt nóng bừng gằn giọng:
– Không cần đến anh, tôi biết mình phải làm gì cho Hà My.
Anh quay sang Hà My, nói nhanh:
– Mình vào trong đi em!
Không chờ Hà My đồng ý, anh nắm tay cô liếc đi thật nhanh để mặc Hữu Tường đứng lại một mình.
Đi được một đoạn, Hà My đứng lại, cô giựt tay ra và gay gắt:
– Anh làm gì vậy anh Tùng?
Sơn Tùng đứng lại quay sang cô:
– Anh hỏi em câu này mới đứng.
– Anh nói vậy là sao?
Sơn Tùng cũng gay gắt:
– Tại sao đang đi, em đứng lại. Có phải em không vui khi bị anh kéo đi không?
Hà My gật đầu:
– Đúng thế! Anh có thấy anh cư xử như vậy là quá đáng không?
Sơn Tùng nhướng mày cười nhạt hỏi lại:
– Hừ! Em cho đó là quá đáng à?
– Không phải sao?
– Em muốn anh phải làm gì? Nói chuyện niềm nở, vồn vã và thân mật với nó hay sao?
Nghe Sơn Tùng gọi Hữu Tường là “nó”, Hà My cảm thấy khó chịu, cô cau mày:
– Anh không còn từ nào khác hả anh Tùng?
– Dù anh không thích anh Tường, nhưng anh cũng không nên gay gắt và lỗ mãng như như thế.
Sơn Tùng hơi sững người, anh trầm giọng:
– Em nặng lời với anh vậy sao?
– Em xin lỗi anh. - Hà My bơi dịu giọng - Nhưng anh thấy đó, anh Tường vẫn lịch sự với anh kia mà.
– Nhưng anh không chịu được thái độ quan tâm của hắn dành cho em, khi mà anh đang đứng bên cạnh em lù lù ra đấy. - Sơn Tùng xẵng giọng, vẻ bực bội.
Hà My biết anh vì ghen nên mới như thế, nên cô mỉm cười nhẹ nhàng:
– Em và anh Tường cũng là bạn bè, ảnh có hỏi thăm một chút cũng đâu có gì là quá chứ anh.
Sơn Tùng bực dọc:
– Có phải là tình bạn đơn thuần hay không em cũng biết mà, có cần anh phải nói ra không.
Hà My khẽ gật đầu:
– Em biết. Nhưng với em, em chỉ yêu mình anh mà thôi. Còn về phía anh Tường, rồi ảnh sẽ hiểu và biết ảnh phải làm gì?
Sơn Tùng bỗng buột miệng:
– Đúng ra anh không nên đưa em đến đây.
Hà My nóng ran cả mặt, cô giận dữ:
– Nếu anh nói vậy thì em về đây.
Cô quay người bỏ đi thật nhanh. Sơn Tùng vội vàng nắm tay níu cô lại, anh hạ giọng:
– Anh xin lỗi, anh lỡ lời, em đừng giận anh nha.
Hà My vẫn vùng vằng, cô giật tay thật mạnh rồi bước tiếp.
Sơn Tùng chặn cô lại, anh dang tay ôm cô vào lòng, khắc khoải:
– Anh biết anh sai rồi, em đừng giận anh nữa.
Giọng nói ngọt ngào quá, trầm ấm và truyền cảm của anh, thêm vào đó là ánh mắt nồng nàn của anh làm cho Hà My xao lòng, cô đứng yên trong vòng tay của anh, nét mặt giận dỗi.
Biết cô đã nguôi ngoai, Sơn Tùng ghé sát tai cô thì thầm:
– Vì anh quá yêu em, anh không muốn bất cứ ai gần gũi với em. Em hiểu chứ?
Hà My nhìn anh trách móc:
– Nhưng không có nghĩa là muốn nói sao thì nói.
Sơn Tùng gật đầu, nhanh nhảu:
– Anh biết, tha lỗi cho anh nha em.
Ánh mắt khẩn khoản trên gương mặt điển trai của anh làm Hà My không thể giận anh được, cô khẽ gật đầu.
Hôn lên môi người yêu thật ngọt ngào, Sơn Tùng âu yếm:
– Mình vào nha em!
Hà My ngoan ngoãn nghe theo, cô không giận Sơn Tùng vì cô biết anh nói thật. Anh quá yêu cô nên cảm thấy khó chịu trước sự săn đón của Hữu Tường dành cho cô.
Vào đến đại sảnh, Sơn Tùng bắt gặp cái nhìn hằn học của ông bà Hoàng dành cho mình, nhưng Sơn Tùng vẫn thản nhiên và dửng dưng dìu Hà My đi ngang qua mặt họ. Đại sảnh đang ồn ào náo nhiệt bỗng im phăng phắc, ai nấy đều hướng lên sân khấu khi thấy ông Độ xuất hiện với chiếc micro trên tay.
Ông Độ nhìn mọi người rồi cất gọng sang sảng:
– Kính thưa anh em, bạn bè! Hôm nay, tôi mời các vị đến đây để dự buổi tiệc với tôi. Qua đây, tôi muốn tuyên bố cùng các vị một điều.
Nói đến đây, ông ngừng lại như muốn tạo thêm cảm giác hồi hộp cho mọi người.
Quả vậy, ai cũng chăm chú lắng nghe lý do của bữa tiệc mà ông Độ cố giấu khi mời họ đến đây.
Và thái độ nghiêm trang, những cầu nói thanh trong của ông Độ đã làm cho các khách khứa phải quan tâm.
Ông Độ mỉm cười, từ tốn:
– Tôi muốn tuyên bố cùng quý vị là kể từ ngày mai, tôi sẽ giao lại toàn quyền điều hành công ty “Đình Lực” của tôi cho con trai tôi, còn tôi già cả rồi, không còn nhanh nhạy trong thương trường nữa, nên sẽ về nghỉ ngơi và dưỡng già.
Mọi người cùng "ồ lên một lượt, thật là quá bất ngờ đối với họ khi nghe từ này. Ai nấy cũng đưa mắt nhìn nhau và im lặng chờ đợi.
Trên sân khấu, ông Độ lại trịnh trọng:
– Sau đây, tôi xin giới thiệu cùng các vị, người sẽ thay thế và kế tục sự nghiệp của tôi. Đó là con trai tôi.
Một thanh niên bước lại gần ông Độ và tươi cười chào mọi người.
Lại một lần nữa, khách khứa lại ngạc nhiên khi thấy anh ta.
Và người ngạc nhiên nhất chính là Sơn Tùng và Hà My.
Vì đó chẳng ai xa lạ mà chính là HữuTường.
Sơn Tùng nhìn trừng trừng lên sân khấu không chớp mắt, anh như không tin vào mắt mình.
Mặc cho ông Độ và Hữu Tường nói rất nhiều, Sơn Tùng như không nghe được gì, anh quay sang Hà My:
– Thế này là sao hả em? Hữu Tường là con trai của ông Độ à?
Hà My cũng ngơ ngác:
– Em cũng không biết nữa.
Nhìn mặt Hà My, Sơn Tùng biết cô không gạt anh nên anh không giấu được nét hoang mang trên gương mặt thẫn thờ của mình.
Hà My lo lắng:
– Anh Tùng ... Anh có sao không?
Phải gọi đến lần thứ ba thì Sơn Tùng mới nghe thấy, anh như sực tỉnh, lắc đầu:
– Không, anh không sao.
Hà My dịu dàng:
– Mặt anh kém lắm, hay mình về đi anh.
Sơn Tùng lắc đầu, giọng thật lạ:
– Không được em à.
– Tại sao hả anh?
– Rượu chúc mừng cho tân tổng giám đốc, anh chưa uống mà, làm sao có thể về được.
Nắm tay người yêu, Hà My ân cần:
– Nhưng anh không được khỏe, thì đừng miễn cưỡng làm gì.
– Em lạ thật! Nếu anh về lúc này, hắn sẽ đánh giá anh ra sao?
Hà My ngơ ngác. Cô không hiểu Sơn Tùng muốn nói gì?
Nhìn Sơn Tùng, cô bỗng thấy ở anh có những gì mà cô chưa hiểu hết được.
Hà My chỉ thắc mắc một điều, khi nãy anh lạnh nhạt với Hữu Tường bao nhiêu thì giờ đây lại có thái độ khác hẳn như vậy.
Hữu Tường theo ông Độ đến chào từng người. Với ai, anh cũng chỉ chạm ly và nhấp môi chứ không uống.
Đến trước mặt Sơn Tùng, ông Độ vồn vã bảo con trai.
– Đây là cậu Tùng, một trong những đối tác của công ty.
Hữu Tường chạm ly cùng Sơn Tùng, anh chỉ cười không nói.
Ông Độ vẫn hồ hởi:
– Cậu Tùng cũng bằng tuổi con, nhưng giỏi lắm. Ba hy vọng con và cậu Tùng sẽ hợp tác tốt đẹp như ba.
Sơn Tùng trầm giọng:
– Anh nghe thấy ba anh nói gì rồi chứ?
Hữu Tường gật đầu, nheo mắt:
– Tôi nghe rất rõ. Vậy ý anh thế nào?
– Như lời ba anh, tôi hy vọng là thế!
Hữu Tường tươi cười:
– Chỉ vậy thôi sao? Tôi thì nghĩ còn hơn thế nữa kia.
Sơn Tùng nhìn Hữu Tường thật lâu như dò xét rồi chậm rãi:
– Nếu vậy thì tốt quá. Xin mời!
– Cạn ly chứ? - Hữu Tường nâng ly rượu trên tay, hỏi khẽ.
Sơn Tùng thoáng ngạc nhiên trước đề nghị của Hữu Tường, nhưng anh không để lộ ra mặt mà bình thản gật đầu.
– OK.
Cạn ly xong, Hữu Tường điềm đạm chào Sơn Tùng rồi cùng ông Độ sang những người khác.
Đặt chiếc ly lên bàn, Sơn Tùng nắm tay Hà My nói nhỏ:
– Mình về đi em!
Sơn Tùng không chào ông Độ mà lẳng lặng đưa Hà My ra về.
Đọc đường về, anh cứ lầm lì lái xe, không nói không rằng.
Đến nhà Hà My, anh dừng xe và chờ cô bước xuống, Sơn Tùng nói nhẹ giọng:
– Anh về đây. Chúc em ngủ ngon!
Hà My cũng nhẹ nhàng từ biệt. Cô không giữ anh lại như mọi lần vì cô biết tâm trạng Sơn Tùng cũng giống như cô lúc này, hoang mang và ngạc nhiên, khi biết Hữu Tường là con trai của ông Độ.
Về đến công ty, Sơn Tùng lên thẳng phòng, rót một ly rượu mạnh và uống cạn sạch, nét mặt căng thẳng lắm.
Sơn Tùng đang ngồi trong phòng làm việc thì có tiếng gõ cửa. Không ngẩng lên, Sơn Tùng dõng dạc:
– Ai đó, vào đi!
Cánh cửa mở ra, Hoài Lưu bước vào lên tiếng, giọng thắc mắc:
– Tùng này! Hợp đồng này là thế nào?
Sơn Tùng ngẩng lên:
– Lưu hả? Có gì không?
– Mày xem rồi giải thích cho tao, thế này là sao chứ?
Nhìn vào mớ giấy mà Hoài Lưu đặt lên bàn, Sơn Tùng mỉm cười:
– Mày thắc mắc chuyện gì?
Hoài Lưu ngồi vào ghế xa lông gần đó, nóng nảy:
– Mày bắt tao một hai phải giành cho được nó, rồi giờ lại bán cho bên công ty “Phú Quý” là thế nào?
Sơn Tùng điềm nhiên:
– Bên mình lu bu quá thì bán lại cho họ làm, có gì là lạ đâu.
Hoài Lưu cười nhẹ:
– Mày cho tao là con nít à? Bán thì phải có lời chứ. Còn đây, mày đưa cho họ làm chẳng khác nào dọn cỗ cho họ ăn.
Sơn Tùng đứng dậy, anh mở tủ lấy ra chai rượu và lại ngồi bên bạn. Vừa rót rượu vào ly, Sơn Tùng vừa nói như giải thích:
– Lúc đầu, tao tưởng đâu ngon ăn, nên nhào vào, giờ mình đã có hợp đồng khác béo bở hơn thì nhường cho người khác. Có qua có lại, đi đâu mà thiệt.
Hoài Lưu vẫn hậm hực:
– Mà đâu phải lần đầu, đã ba, bốn lần như thế này, tao không thể hiểu nổi.
Vỗ lên vai bạn, Sơn Tùng lên giọng:
– Mày còn khờ lắm! Trong làm ăn, đôi khi mình chịu thiệt thòi một chút đã chết đâu. Cái này kêu là “thả con tép, bắt con tôm” đó, mày hiểu chưa?
Vốn chậm hiểu và vô tâm, Hoài Lưu xưa nay chỉ an phận với cuộc sống nên những lời giải thích của Sơn Tùng, dù anh không hiểu lắm nhưng vẫn gật đầu.
Sơn Tùng thong thả:
– Mày cứ làm theo lời tao, không có gì phải lo lắng cả.
– Tao biết, công ty của mày, vốn liếng là của mày, nhưng tao chỉ thắc mắc và lo cho mày thôi.
Sơn Tùng nhướng mày mỉm cười:
– Mày lo gì cho tao vậy, nói ra nghe.
– Tao sợ mày lu bu quá nên không còn sáng suốt nữa, cứ tính toán thế này, không chừng ... - Nói đến đây Hoài Lưu ngập ngừng như khó nói.
Đập tay lên vai bạn, Sơn Tùng cười lớn:
– Mày sợ tao phá sản à?
Hoài Lưu gật đầu:
– Ờ, tao chỉ sợ vậy.
Giọng Hoài Lưu rất thật và chân tình làm cho Sơn Tùng bùi ngùi và cảm động lắm.
Anh nắm tay bạn, giọng khàn đi:
– Tao cám ơn mày nhiều lắm.
Hoài Lưu đứng dậy, anh nhìn bạn:
– Tao về đây. Mày đã nghĩ đến điều tao nghĩ thì tao an tâm rồi.
Sơn Tùng đưa tay ra bắt. Hoài Lưu thoáng ngỡ ngàng trước thái độ khác lạ và khách khí của Sơn Tùng, nhưng anh vẫn bắt tay bạn.
Bắt chặt tay Hoài Lưu trong tay mình, Sơn Tùng trầm giọng:
– Hãy an tâm và làm theo những gì tao yêu cầu. Tao không để công ty này phá sản đâu.
Hoài Lưu gật đầu, và chợt hỏi:
– Sao những việc này, mày không giao cho thằng Thành, nó nhanh nhẹn và thành thạo hơn tao.
Sơn Tùng lắc đầu, gạt đi:
– Thằng Thành đã có công chuyện khác.
– Nhưng tao sợ tao làm không tốt bằng nó.
– Mày sao vậy Lưu, chẳng phải mày đã làm rất tốt đó sao?
Rồi Sơn Tùng hạ giọng như động viên:
– Tao tin là mày có năng lực nên mới giao cho mày, và tao đã không nhìn lầm người. Mày giỏi lắm Lưu à!
Lời khen tặng ngọt ngào mà Sơn Tùng khéo léo tung ra đã đánh vào tâm lý háo thắng của Hoài Lưu, làm cho anh cảm thấy thích thú và tự hào về mình.
Hoài Lưu gật đầu:
– Tao hiểu rồi.
Sơn Tùng trầm giọng, anh nói thật nhỏ như dặn dò:
– Mày nhớ, đừng cho thằng Thành biết.
– Sao vậy?
– Tao không muốn nó trách tao là thiên vị. Tao coi hai đứa bây như nhau, nhưng thằng Thành thì tao không lo nhiều bằng mày, vì nó nhanh nhẹn, hoạt bát và nói thẳng là nó có trình độ hơn mày.
– Mày tốt với tao vậy sao Tùng? – Hoài Lưu cảm động.
Sơn Tùng cau mày, anh cười nhẹ, và nói thân tình như trách móc:
– Đừng nói với tao câu đó. Tại mình là anh em mà, phải không?
Hoài Lưu gật đầu, anh nhìn Sơn Tùng thật lâu rồi quay đi.
Đóng cửa phòng, Sơn Tùng trở vào bàn làm việc ngả người vào trong ghế, hai chân gác lên bàn trong thật thoải mái và nở nụ cười đắc chí.
Sơn Tùng biết chắc Hoài Lưu sẽ tin những lời anh vừa nói và sẽ nhất nhất làm theo anh.
Thật ra, Sơn Tùng giấu Nam Thành việc này vì anh quá hiểu tính Nam Thành. Một kẻ sâu sắc và tinh tế như Nam Thành thì anh ta sẽ nhận ra những bất thường trong việc này. Làm với Hoài Lưu thì Sơn Tùng không phải khó khăn gì để qua mặt anh ta.
Đang miên man suy nghĩ cho những kế hoạch sắp tới thì tiếng của cô thư ký vang lên trong máy:
– Thưa giám đốc, có người muốn nói chuyện với giám đốc ạ.
– Là ai vậy cô? - Sơn Tùng hỏi lại.
– Dạ, tôi không biết ạ.
Sơn Tùng cau mày:
– Cô nói vậy là sao?
Giọng Thu Nga có vẻ lo sợ:
– Dạ .... dạ .... tôi có hỏi nhưng ông ta không chịu nói tên, mà chỉ nói là một người rất quen với giám đốc thôi ạ.
Đôi mày Sơn Tùng nhíu lại, anh đang thắc mắc là ai mà bí ẩn vậy? Một suy nghĩ thoáng qua làm Sơn Tùng buột miệng “chẳng lẽ lại là ông ta?”.
– Ông ta còn đó không?
– Dạ có, ổng đang chờ máy.
– Thôi được, cô nối máy cho tôi.
Sơn Tùng cau mày khi nhận ra giọng nói của ông Thường vang lên:
– Chào chú em! Không muốn nói chuyện với anh sao?
– Lại là ông à? - Sơn Tùng xẵng giọng - Ông muốn gì nữa?
– Coi kìa! Làm gì mà gay gắt với anh vậy cưng? - Giọng ông Thường thật nhão làm cho Sơn Tùng khó chịu:
– Tôi không có thời gian, ông muốn nói gì với tôi thì nói mau đi. - Sơn Tùng gay gắt:
– Lâu ngày nhớ cưng quá, anh muốn nói chuyện với cưng vậy mà.
Sơn Tùng nổi đóa, hét lớn:
– Ông im đi! Nếu không có gì để nói nữa thì tôi tắt máy đây.
– Khoan đã cưng! - Giọng ôngThường gấp gáp - Anh có chuyện này muốn nói với cưng đây.
– Ông nói nhanh đi, đừng làm mất thời giờ của tôi.
– Chuyện này tế nhị lắm, nếu nói qua điện thoại, anh sợ không kín đáo.
Giọng điệu úp mở của ông Thường làm cho Sơn Tùng có chút ngạc nhiên, và anh cũng thấy trò chuyện với ông qua điện thoại cũng không phải là cách hay.
Biết đâu được "tai vách, mạch rừng".
Nghĩ vậy, nhưng Sơn Tùng vẫn dấm dẳng:
– Ông muốn thế nào?
– Mình gặp nhau ở đâu đó nói chuyện thì hay hơn. Cưng muốn gặp nhau ở đâu?
Sơn Tùng suy nghĩ thật nhanh. Địa vị của anh lúc này không còn là hạng vô danh tiểu tốt nữa, vì vậy anh cần hạn chế gặp ông Thường ở chỗ đông người.
– Tôi cho ông quyền quyết định chỗ hẹn đấy - Sơn Tùng đáp.
– Hay lắm! Vậy gặp nhau ở chỗ cũ nha.
– Mấy giờ?
– Tùy cưng thôi, lúc nào anh cũng sẵn sàng chờ cưng.
Sơn Tùng quyết định thật nhanh.
– Năm giờ chiều này, chào ông!
– Bye cưng nha!
Sơn Tùng tắt máy, hai tay khoanh lên bàn, mặt anh căng thẳng lắm.
Nghe giọng điệu của ông Thường, Sơn Tùng có linh cảm là ông ta đang nắm phần lợi thế thì phải, nên mới dám bỡn cợt với anh như vậy.
Sơn Tùng rà soát lại mọi hành động và việc là của mình trong thời gian qua, anh thấy mình không phạm phải sai lầm nào cả. Vậy ông ta dựa vào cái gì mà giở giọng bề trên ra với anh như vừa rồi chứ?
Sơn Tùng ấn nút, anh ra lệnh cho cô thư ký hủy hết mọi cuộc hẹn của mình chiều này ... Anh muốn tìm ra lời giải đáp để có cách đối phó với ông Thường.
Đúng hẹn, Sơn Tùng lái xe đến ngôi biệt thự nằm ven Sài Gòn.
Cửa không đóng mà đã mở sẵn như chào đón anh. Chạy xe vào giữa sân, Sơn Tùng bước xuống xe và đi thẳng lên lầu hài mà không cần thông báo.
Ông Thường đã ngồi chờ anh nơi phòng khách. Một bàn tiệc nhỏ đã được dọn sẵn, và chai rượu Hennessy còn nguyên chưa khui đặt bên cạnh.
Vừa thấy anh bước lên, ông Thường đã vồn vã:
– Cưng thật đúng hẹn như xưa, không thay đổi chút nào.
Sơn Tùng cau mày, người anh nổi gai khi nghe giọng nhão nhoẹt của ông Thường.
Ngồi xuống ghế đối điện, Sơn Tùng trầm giọng:
– Ông nói gì, nói ngay đi.
– Cưng sốt ruột vậy sao? Thức ăn dã dọn rồi, làm một miếng với anh cho vui.
Sơn Tùng trừng mắt:
– Ông bỏ cách nói chuyện đó đi. Tôi không còn muốn thấy nó nữa. Hãy nói năng như ... như bao người khác đi. - Sơn Tùng muốn nói như những người đàn ông, nhưng thấy không hay lắm nên nói tránh đi.
Ông Thường gật đầu:
– Cưng đã không thích thì anh xin nghe theo. Nào, cầm đũa lên đi!
– Tôi không ăn đâu. Ông đừng làm mất thời gian của tôi. - Sơn Tùng lạnh lùng.
Ông Thường dễ dãi:
– Không ăn thì uống với anh một ly được chứ. Rượu còn nguyên chai, chú em đừng sợ.
Sơn Tùng nhếch mép:
– Việc gì tôi phải sợ. Được, tôi uống với ông một ly, chỉ một ly thôi đấy.
Ông Thường rót đầy hai ly, rồi nhẹ giọng:
– Mời chú em!
Sơn Tùng nâng ly, anh không cụng ly với ông Thường mà ngửa cổ uống cạn, rồi đặt mạnh cái ly xuống bàn như dằn mặt.
Ông Thường hơi hụt hẫng, nhưng vẫn tươi cười và uống theo anh.
Giọng Sơn Tùng khàn đặc:
– Rượu tôi đã uống, ông cũng nên nói điều ông muốn nói đi.
Ông Thường mỉm cười nhìn anh với ánh mắt thật lạ:
– Dạo này, công ty của chú em ngày càng phát đạt lắm phải không?
– Cám ơn ông. - Sơn Tùng khô khốc.
– Anh hẹn chú đến đây là có lời mừng cho chú em.
Sơn Tùng mở to mắt, tức giận:
– Ông gặp tôi chỉ để nói những lời này thôi sao?
Ông Thường gật đầu:
– Và có chút quà tặng cho chú em.
Sơn Tùng đứng bật dậy, quắc mắt thật dữ, ông lớn tiếng:
– Ông dẹp ngay cái trò con nít đó đi. Đừng dùng bền bạc, vật chất ra với tôi nữa và cũng đừng làm mất thời gian của tôi vào những việc thế này nữa. Ông nhớ chưa?
– Chú em đổi tính, đổi nết từ bao giờ vậy? Khi trước, cưng đâu có to tiếng với anh.
Sơn Tùng trợn mắt, anh định nói gì nhưng nghĩ sao lại thôi, ném cái nhìn lạnh lùng về phía ông Thường, anh buông thõng:
– Tôi về đây!
Vừa đến cầu thang, Sơn Tùng dợm bước uống thì ông Thường hỏi:
– Có bao giờ cưng tự đặt câu hỏi tại sao cưng thành công dễ dàng trên thương trường không? Tại sao những công ty lớn mạnh, những đại gia tên tuổi tìm đến cưng và ưu ái cho cưng những phi vụ ngon lành không?
Ông Thường nói bằng một giọng điệu rất đều đều, chậm rãi nhưng rất rành rẽ làm Sơn Tùng ngạc nhiên.
Anh quay phắt lại:
– Ông nói vậy là sao?
– Nếu như không có anh đứng ra đỡ đầu và lên tiếng cho cưng, thì liệu họ có dám giao những hợp đồng cả mấy chục tỉ cho một công ty không chút tăm tiếng như cưng không?
Sơn Tùng trân trân nhìn vào ông Thường, anh lắp bắp mãi mà không nói thành tiếng.
Ông Thường vẫn thong thả:
– Cả những hợp đồng mà cưng dành được từ công ty "Minh Hoàng", cưng nghĩ các công ty đó dễ dàng chấp nhận lời đề nghị của cưng mà trở mặt với công ty "Minh Hoàng" hay sao?
– Hóa ra ... tất cả ... là ... do ông à?
Ông Thường gật đầu:
– Đúng vậy, mọi chuyện là do anh.
– Tại sao ông làm vậy?
– Vì cưng, cưng thừa hiểu rồi mà.
Một chút cảm động thoáng nhẹ trơng Sơn Tùng, anh không ngờ ông Thường lại có thể làm mọi chuyện vì anh.
Vậy mà bao lâu nay, anh vẫn cho mình là một người tài giỏi, hóa ra anh cũng chỉ là con rối trong tay ông.
Sơn Tùng nhẹ giọng:
– Nếu quả thật vậy, thì tôi thành thật cám ơn ông đã giúp đỡ tôi.
– Đừng nói chuyện ơn nghĩa, anh chỉ muốn chúng mình vui vẻ như xưa.
Sơn Tùnglắc đầu:
– Tôi không thể tiếp tục được. Tôi đã lớn rồi, tôi muốn có một cuộc sống đúng nghĩa của một thằng đàn ông.
– Nhưng đừng quên, anh đã làm tất cả vì cưng.
Sơn Tùng nhìn ông Thường, anh thấy ông ta thật tội nghiệp và đáng thương hại, nhưng anh không thể tiếp tục cuộc sống mà anh đã ghê tởm và chịu đựng suốt mấy năm qua. Anh hạ giọng:
– Tôi đã ba mươi ngoài, không còn trẻ trung nữa, ông níu kéo tôi làm gì?
– Nhưng trong mắt anh, cưng vẫn hấp dẫn như xưa.
Câu nói của ông Thường như khơi gợi lại những gì mà Sơn Tùng đã cố quên, sắc mặt của Sơn Tùng biến đổi liên tục. Từ đỏ bừng sang tái nhạt, rồi xanh xám và cuối cùng trắng bệch như được đắp bằng sáp.
Nghiến chặt răng, Sơn Tùng rít lên:
– Không đời nào! Ông câm miệng đi! Sau này tôi cấm ông can thiệp vào cuộc sống của tôi nữa. Nếu ông không nghe thì đừng trách tôi vô tình.
Nói xong, Sơn Tùng giậm mạnh chân bước đi, tiếng gót giày của anh vang mạnh theo từng bước chân giận dữ của anh.
Ông Thường đứng dậy nói với theo:
– Chú em đừng quên rằng, anh đã đưa chú em lên đỉnh cao danh vọng, thì anh cũng có thể kéo chú mày trở về con số "không" và còn hơn thế nữa.
Sơn Tùng đứng lại giữa cầu thang, cười khẩy:
– Ông hăm dọa tôi đấy à?
– Anh chỉ nói để nhắc nhở cưng.
– Ông dám không? Tôi chờ đấy! Nếu tôi có chết thì ông cũng không sống được. Đừng quên câu “dưa gang đỏ đít thì cà đỏ trôn”. Tôi chờ đấy! Sơn Tùng khinh khỉnh đáp lại và bỏ đi.
Ông Thường như dán chặt mắt vào Sơn Tùng, thân hình nỡ nang và rắn chắc của anh làm cho ông không rời được.
Ông cứ đứng nhìn theo cho đến khi Sơn Tùng đi mất mới thẫn thờ ngồi xuống ghế. Chợt ông quắc mắt rít lên và thế răng phải khiến cho Sơn Tùng thân bại danh liệt và phải quay về để cầu cạnh ông.
Sơn Tùng bỏ đi vài phút thì êng Thường có một tin nhắn. Nhận ra là của Sơn Tùng gởi cho mình. Ông Thường hấp tấp mở ra xem. Ông tái cả mặt khi xem xong đoạn phim mà Sơn Tùng vừa gởi cho ông, kèm theo một tin nhắn:
“Ông nghĩ sao khi đoạn phim này được tôi tung lên mạng? Hấp dẫn đấy chứ?”.
– Đồ khốn nạn!
Ông Thường nghiến răng buột miệng chửi thề và ném mạnh chiếc điện thoại đời mới vào tường.

<< Chương 4 | Chương 6 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 343

Return to top