Trong căn phòng khách xa hoa và tráng lệ, bà Hoàng nhìn người thanh niên đối diện với mình một cách dò xét. Thật lâu sau bà mới cười nhạt, hất hàm:
– Cậu là Tùng đấy à?
Sơn Tùng gật đầu, lễ phép:
– Dạ.
– Cậu và Quỳnh Chi, con gái tôi quen nhau đã lâu chưa?
– Dạ thưa bác, chúng cháu quen nhau đã gần hai năm rồi ạ.
Vậy à! - Bà Hoàng lạnh nhạt.
Sơn Tùng ngước lên, nhưng rồi một lần nữa, anh phải lẩn tránh cái nhìn đầy dò xét của bà Hoàng.
Nhìn Sơn Tùng chằm chằm, bà Hoàng vẫn hỏi bằng giọng xách mé và trịch thượng:
– Nghe đâu gia đình cậu cũng không được khá giả?
Sơn Tùng gật đầu, thẳng thắn:
– Ba cháu mất sớm, chỉ còn mẹ cháu ở dưới quê. Cuộc sống cũng khá chật vật ạ.
– Thế sao? - Bà Hoàng thờ ơ.
Nụ cười của bà vừa kiêu ngạo, vừa châm biếm, lại kèm theo một chút gì khinh khi.
Ánh mắt sắc lạnh của bà cứ tiếp tục dò xét Sơn Tùng.
Hắn rất đẹp trai! Nét đẹp của hắn vừa ngang tàng, vừa lịch lãm, đầy chất nam tính. Chẳng trách được tại sao Quỳnh Chi lại yêu hắn đến thế. Đẹp trai mà nghèo thì có ích gì. Hay lại tốt mã giẻ cùi" Bà Hoàng hừ nhẹ trong cổ khi nhớ lại những gì mà Quỳnh Chi đã khen ngợi khi nói về Sơn Tùng. Mồ côi cha, học rất giỏi, có chí tự lập ... chỉ có tội là hắn quá nghèo.
Bà Hoàng cười nhạt, cao giọng:
– Cậu có biết tôi cho gọi cậu đến đây về việc gì không?
Sơn Tùng lắc đầu, điềm đạm:
– Bác có điều gì dạy bảo ạ?
Cách nói nhã nhặn và lễ phép của anh làm bà Hoàng thêm giận. Vì nó ngọt ngào quá, truyền cảm và trầm ấm thế kia, bảo sao con gái bà không si mê hắn như điếu đổ.
Bà Hoàng cười nhạt, giọng lạnh tanh:
– Tôi nghe nói là cậu yêu con gái tôi, chuyện này có không?
Sơn Tùng thẳng thắn gật đầu:
– Dạ, đúng ạ. Cháu và Chi yêu nhau.
Nghe vậy, bà Hoàng không dằn được cơn tức giận. Chiếc tách đang cầm trên tay bị bà dằn mạnh xuống bàn một tiếng cạch" khô khan vang lên.
Sơn Tùng giật mình nhưng anh không nói gì, chỉ im lặng.
Bà Hoàng dài giọng:
– Năm nay, cậu bao nhiêu tuổi rồi?
– Dạ, cháu hai mươi bốn ạ.
– Công việc của cậu là gì?
– Thưa bác, cháu đang làm cho một công ty chuyên về máy tính ạ.
– Thế ư! Cậu là phó giám đốc hay trưởng phòng?
Sơn Tùng thành thật:
– Dạ không, cháu chỉ là một nhân viên kỹ thuật thôi ạ Nụ cười ngạo mạn nở trên môi bà Hoàng. Bắt tréo chân vào nhau, ngửa người tựa vào lưng ghế, bà Hoàng hất hàm:
– Khi yêu Quỳnh Chi, có lẽ cậu thừa biết Chi là con gái một của vợ chồng tôi chứ?
Sơn Tùng ngạc nhiên trước câu hỏi của bà Hoàng. Anh đã lờ mờ hiểu được việc bà Hoàng cho gọi anh đến đây không phải là điềm tốt lành cho tình yêu của anh và Quỳnh Chi.
– Sao cậu không trả lời câu hỏi của tôi? - Bà Hoàng nhắc anh.
Tuy vậy, Sơn Tùng cũng điềm đạm:
– Cháu biết ạ.
– Biết? Biết mà cậu vẫn cố ý gây tình cảm với con gái tôi.
– Bác nói vậy là sao? Cháu không hiểu nổi ạ.
Bà Hoàng cười khẩy:
– Và cậu cũng biết gia đình tôi là tầng lớp nào trong xã hội chứ?
– Dạ, cháu biết ạ.
– Vì vậy, cậu cố ý yêu con gái tôi để mong thừa hưởng cái gia sản kếch xù này, phải không?
Câu nói của bà Hoàng làm cho Sơn Tùng cảm thấy bị tổn thuơng. Tự ái và nhân cách của anh đang bị bà chà đạp.
Cố gắng kiềm chế, Sơn Tùng nhìn thẳng vào bà Hoàng, giọng anh rành rọt:
– Thưa bác, cháu yêu Chi không phải vì những thứ đó ạ.
– Làm sao tôi tin được cậu.
– Cháu tuy nghèo hèn, nhưng cháu vẫn còn trẻ tuổi.
– Trẻ tuổi thì sao nào?
– Với hai bàn tay này, cháu tin rằng đến ngày nào đó, cháu sẽ gầy dựng nên sự nghiệp.
Bà Hoàng cười thầm:
Đúng là lời lẽ của một đứa nhãi ranh!".
Sơn Tùng vẫn thong thả:
– Cháu yêu Chi với một tình yêu chân thành, giữa cháu và Chi có một sự đồng cảm với nhau.
Bà Hoàng cười khẩy, giọng miệt thị:
– Đồng cảm là gì? Liệu cậu có lo cho con gái tôi một cuộc sống giàu sang như hiện nay mà nó đang hưởng thụ không?
Câu hỏi của bà khiến cho Sơn Tùng ngắc ngứ, vì nó quá cao so với tầm tay và khả năng của anh lúc này.
– Sao cậu lặng im vậy? - Bà Hoàng nhìn Sơn Tùng giễu cợt.
– Cháu tin rằng cháu có thể lo cho Quỳnh Chi một cuộc sống hạnh phúc, dù không bằng như hiện tại.
– Với đồng lương công nhân của cậu, thì có đáng là bao mà cậu dám nói vậy.
– Nhưng thưa bác ...
Bà Hoàng lạnh lùng cắt ngang:
– Cậu định nói theo kiểu một túp lều tranh hai trái tim vàng đấy à? Không thực tế đâu cậu ơi.
Sơn Tùng nghe cổ họng đắng ngắt.
Bà Hoàng vẫn tiếp tục như kể lể:
– Quỳnh Chi là con gái duy nhất của chúng tôi. Do vậy, chúng tôi muốn chồng của nó phải là một người thành đạt, có địa vị trong xã hội, phải môn đằng hộ đối chứ không phải là hạng nghèo kiết xác như cậu.
Sơn Tùng thấy bẽ bàng quá. Anh đã hiểu tất cả. Nghèo như anh thì nên an phận, đừng nên yêu một tiểu thư đài các.
Sơn Tùng cố nhịn nhục, và cất giọng mềm mỏng:
– Cháu yêu Chi rất chân thành, mong bác hiểu cho cháu.
Bà Hoàng háy mắt:
– Tôi phải hiểu cậu thế nào nhỉ? Hay cậu yêu con gái tôi không ngoài mục đích lợi dụng?
– Thưa bác, hai năm yêu nhau, cháu chưa hề lợi dụng Chi điều gì.
Bà Hoàng lạnh tanh:
– Chỉ là “khổ nhục kế” thôi. Kẻ đào mỏ nào chẳng làm vậy.
Sơn Tùng tái mặt, anh không còn giữ phép tắc nữa, anh nói như quát:
– Bác không được xúc phạm cháu. Cháu không hèn hạ và bỉ ổi như bác nghĩ đâu.
Bà Hoàng vẫn thản nhiên:
– Làm sao tôi tin được. Tôi không tin ai ngoài chính mình.
– Cháu tuy nghèo, nhưng cũng có lòng tự trọng, bác đừng nên nhục mạ cháu.
Bỏ ngoài tai những lời nói của anh, bà Hoàng nhướng mày.
– Tôi có một yêu cầu để trao đổi với cậu.
– ...
– Cậu phải chia tay với Quỳnh Chi. Ngược lại, tôi sẽ cho cậu một số tiền.
Sơn Tùng bỗng lạnh lùng:
– Cháu yêu Quỳnh Chi, nhưng bác định mua lại với giá bao nhiêu? Bác cứ ra giá đi!
Câu trả lời của Sơn Tùng làm bà Hoàng nhìn anh.
Nét mặt lạnh lùng và ánh mắt sắc bén của anh làm bà tin là anh nói thật.
“Mày cũng đã lột bỏ mặt nạ ra rồi đấy, con ạ!” - Bà Hoàng nghĩ thầm.
Sơn Tùng vẫn im lặng chờ đợi.
Bà Hoàng nhìn Sơn Tùng bằng đuôi mắt như muốn đánh giá cho số tiền mà bà sắp bỏ ra.
Trong cái áo sơ-mi trắng và quần Jeans, Sơn Tùng vẫn thản nhiên nhìn bà.
Trên người anh không có gì quý giá, ngoài chiếc đồng hồ đeo tay rẻ tiền.
– Hai chục triệu. - Bà Hoàng buông thõng.
Sơn Tùng chợt cười nhạt:
– Ít vậy sao bác?
– Cậu cho là ít à?
Sơn Tùng gật đầu:
– Nếu cháu lấy Quỳnh Chi, bác cũng biết cháu sẽ thừa hưởng một gia tài không nhỏ rồi mà.
Bà Hoàng giật mình trước câu trả lời của Sơn Tùng. Hắn nói đúng! Nếu hắn không buông tha Quỳnh Chi, thì hắn sẽ có tất cả.
Không được, gia sản này, vợ chồng bà đã tốn biết bao mồ hôi và nước mắt, thậm chí cả xương máu mới gầy dựng được.
– Năm chục triệu.
Sơn Tùng vẫn lắc đầu.
Bà Hoàng gay gắt:
– Cậu muốn bao nhiêu?
– Một trăm triệu. – Sơn Từng lạnh lùng.
Bà Hoàng giật mình, thảng thốt:
– Một trăm triệu?
– Bác không đồng ý vì cho là mắc quá à? Vậy thì chào bác.
– Thôi được - Bà Hoàng gật đầu - Cậu chờ tôi vào lấy tiền.
Sơn Tùng bỗng cười lên khanh khách, tiếng cười của anh nghe thật cay đắng, chua chát pha lẫn bi ai và thê lương, làm cho bà Hoàng bỗng thấy gai cả người và nổi da gà.
– Cậu cười gì vậy?
Dứt tiếng cười, Sơn Tùng nhìn bà Hoàng, giọng anh thật lạ:
– Bác nghĩ cháu nói thật à? Dù cháu có nghèo đến đâu cũng không bán tình yêu của mình cho ai cả.
– Vậy cậu muốn gì?
– Cháu chẳng muốn gì cả. Dù sao cũng xin cảm ơn bác. Cháu chia tay Quỳnh Chi chỉ vì cháu là một thằng con trai nghèo.
Lòng tự ái và háo thắng của một chàng trai hai bốn tuổi trỗi dậy trong Sơn Tùng, anh cao giọng:
– Bác đã dạy cho cháu một bài học rất hay. Cháu đã mở mắt để nhìn nhận, trong xã hội này, không có chỗ đứng cho những đứa nghèo hèn như cháu.
Giọng Sơn Tùng thật bi ai, thống thiết làm bà Hoàng cảm thấy sợ. Bà ngồi như pho tượng, mắt lấm lét nhìn Sơn Tùng, vẻ kiêu ngạo, hợm hĩnh của bà đã biến mất từ khi nào, giờ chỉ còn lại nỗi hoang mang và lo lắng.
– Cậu định làm gì? Tôi la lên bây giờ. – Bà Hoàng chợt hốt hoảng khi thấy Sơn Tùng tiến lại Sơn Tùng nhìn bà, anh gằn giọng:
– Không khi nào cháu quên được ngày hôm nay. Chào bác!
Bà Hoàng thở phào nhẹ nhõm khi thấy Sơn Tùng đi ra cửa.
Đến cửa, Sơn Tùng quay lại, mắt anh như tóe lửa, rít lên:
– Đến một lúc nào đó, bác sẽ ân hận về việc này.
Sơn Tùng đi một lúc lâu, bà Hoàng mới định thần lại được. Bà lại cười nhạt.
Câu hăm he của Sơn Từng không có nghĩa lý gì với bà cả. Nó không đáng cho vợ chồng bà phải quan tâm.
Điều quan trọng nhất là bà đã đạt được mục đích:
Nhổ bỏ một cái gai trong mắt.
Ông Hoàng từ ngoài cửa bước vào, lên tiếng:
– Bà đã giải quyết xong chưa?
Bà Hoàng cao giọng, tự đắc:
– Với tôi, không có gì là không xong cả.
– Còn QuỳnhChi, bà tính nói với con gái thế nào?
– Tôi đã sắp đặt rồi. Ngày kia, sẽ cho nó sang Mỹ du lịch vài tháng. Rồi nó sẽ quên ngay thằng khố rách áo ôm đó.
– Bà tính vậy phải lắm.
Bà Hoàng hất mặt vênh váo:
– Quá hay đấy chứ!
– Bà đi đâu vậy?
– Tôi lên phòng Quỳnh Chi. Dù gì cũng phải khuyên nhủ và an ủi con một chút.
Mở khóa cửa, bà Hoàng đẩy cửa bước vào.
Quỳnh Chi đang nằm trên giường, tóc tai rũ rượi, nước mắt ràn rụa trên gương mặt xinh đẹp của cô.
Trông thấy mẹ, Quỳnh Chi kêu lên:
– Mẹ đi đi, con không muốn nhìn thấy mẹ nữa.
Bà Hoàng nghiêm mặt, cứng rắn:
– Con coi trọng thằng đó hơn cả mẹ nữa sao?
Quỳnh Chi gào lên tức tưởi:
– Mẹ có phải là mẹ của con không? Mẹ có còn là mẹ của con nữa không hả mẹ? Mẹ nói đi!
Bà buông người xuống bên con, nhẹ nhàng:
– Sao con hỏi lạ vậy? Mẹ là mẹ của con đây.
Quỳnh Chi vùng vằng thoát khỏi tay mẹ, cô lui vào sát tường, nghẹn ngào:
– Con yêu anh Tùng, tại sao mẹ lại ngăn cản con, cấm đoán con đến với ảnh?
Bà Hoàng mềm mỏng, vuốt ve con:
– Con còn nhỏ dại nên khờ khạo lắm. Con tin là nó yêu con à?
– Chúng con yêu nhau thật lòng, tại sao mẹ và ba lại ngăn cản con?
– Nó không yêu con, nó chỉ yêu cái gia tài mà con sẽ thừa hưởng sau này.
Quỳnh Chi lắc đầu gào lên:
– Không, không ... anh Tùng không tồi tệ như vậy.
– Vậy thì con nghe đây, để xem là mẹ đúng hay con đúng.
Bà Hoàng mở cuộn băng ghi âm cho Quỳnh Chi nghe cuộc nói chuyện của bà và Sơn Tùng khi nãy mà bà đã khéo léo xóa bỏ toàn bộ phần sau.
Quỳnh Chi nghe xong thẫn thờ, cô lẩm bẩm:
– Không ... không thể như vậy.
– Nhưng con đã nghe rồi đấy.
Quỳnh Chi nhìn mẹ bằng đôi mắt thẫn thờ:
– Do mẹ nhục mạ nên anh Tùng mới làm vậy.
– Mẹ làm vậy để thử xem nó yêu con đến mức nào. Nếu thật lòng yêu con, nó đã không làm vậy. Chung quy cũng chỉ vì tiền thôi con ạ.
– Con phải gặp anh Tùng để hỏi cho ra lẽ.
Bà Hoàng thản nhiên:
– Nếu con muốn đi, mẹ cũng không cản. Mẹ đã mất một trăm triệu rồi thì cũng chẳng cần gì phải giữ con nữa.
Một cô gái mới hai mươi như Quỳnh Chi làm sao có thể đối phó với những thủ đoạn của một người đàn bà đã gần ba chục năm lăn lộn trên thương trường như bà Hoàng.
Bà Hoàng khéo léo đánh vào tâm lý của con gái. Bà biết Quỳnh Chi rất nông nổi và tự ái cũng cao ngất trời.
Vì vậy, bà nhẹ nhàng nói thêm:
– Tuy mẹ mất một trăm triệu, nhưng coi như là cái giá để mua một bài học và cách đánh giá con người sâu sắc hơn. Tiền là tất cả!
Quỳnh Chi hoang mang nhưng rồi lại dao động ngay trước vẻ điềm tĩnh và bình thản của mẹ:
Vô tình, Quỳnh Chi đã rơi vào bẫy", cô gật đầu:
– Mẹ nói đúng! Con cũng chẳng nên gặp anh ta làm gì.
– Con đừng buồn và suy nghĩ nữa. Mẹ sẽ đưa con sang Mỹ thăm chị con một thời gian cho con khuây khỏa. Con nghĩ sao?
Quỳnh Chi gật đầu đồng ý. Bà Hoàng kín đáo nở nụ cười đắc thắng và ra ngoài.
Quỳnh Chi nghe đi nghe lại đoạn băng đến thuộc lòng. Từng lời nói của Sơn Tùng khi anh lạnh lùng ra giá bán tình yêu của cô và anh cho mẹ mình làm Quỳnh Chi căm hận.
Cô nghiến răng và trách mình quá mù quáng trước vẻ đẹp bên ngoài của Sơn Tùng. Cô đã bị anh lừa gạt mấy năm trời mà không biết.
Quỳnh Chi quăng mạnh chiếc máy ghi âm vào tường.
Chiếc máy vỡ tung làm nhiều mảnh. Quỳnh Chi lẩm bẩm trong kẽ răng:
"Sơn Tùng, tôi hận anh .
Hoài Lưu đưa tay giữ ly bia lại, ôn tồn:
– Mày say lắm rồi, đừng uống nữa.
Sơn Tùng gạt tay bạn lè nhè:
– Ai bảo ... tao say ... Tao không say.
– Mày định uống cho chết hay sao? Cả mấy ngày nay không chịu ăn mà cứ uống mãi.
Nam Thành cũng lên tiếng khuyên nhủ:
– Đừng uống nữa Tùng ơi, không giải quyết được gì đâu.
Sơn Tùng nhướng mày, buồn bã:
– Tụi mày bảo tao phải làm sao đây? Vì nghèo mà tao bị mẹ Quỳnh Chi nhục mạ không xót thương.
– Những người giàu là thế. Họ coi nghèo như tụi mình là có tội.
– Giàu ... - Sơn Tùng cay đắng.
Nam Thành gật đầu:
– Phải, chỉ có giàu mới có thể ngẩng cao đầu nhìn thiên hạ, còn như tụi mình thì dám nhìn ai.
Sơn Tùng chợt đanh giọng:
– Nhất định tao phải giàu, thật giàu mới được.
Hoài Lưu cười khì, vỗ vai bạn:
– Mày say thật rồi, làm công như tụi mình thì đủ ăn là may rồi.
Sơn Tùng nghiến răng, mắt anh long lên thật dữ. Anh rít qua kẽ răng:
– Rồi mày sẽ thấy. Tao sẽ giàu cho mày coi.
– Bằng cách nào hả ông? - Hoài Lưu cười bỡn cợt.
Sơn Tùng đứng dậy, giọng tỉnh táo:
– Không uống nữa. Về tụi bây!
Tính tiền xong, cả ba về phòng trọ. Sơn Tùng lục lọi trong va ly lấy ra một mảnh giấy có ghi số điện thoại của ai đó. Nhìn trừng trừng vào đó, Sơn Tùng lại nghiến răng:
– Tao sẽ làm mọi cách để mau giàu. Rồi tụi bây sẽ thấy điều tao nói là đúng.
Hoài Lưu và Nam Thành nhìn sững vào bạn.
Chơi với nhau đã hơn ba năm, lần đầu tiên họ thấy Sơn Tùng thế này.
Trên gương mặt điển trai của Sơn Tùng, hai mắt anh đang long lên sòng sọc như có lửa bên trong.
Chiều, Sơn Tùng vươn vai, một giấc ngủ dài khiến anh tỉnh táo. Ngồi bần thần như đang suy nghĩ điều gì đó, Sơn Tùng bỗng đứng dậy, anh gọi điện thoại một lúc lâu rồi bước nhanh vào nhà tắm, dáng điệu dứt khoát lắm.
– Tụi bây thấy tao thế nào? - Sơn Tùng dang rộng hai tay nhìn bạn.
Hoài Lưu ngạc nhiên:
– Mày đi đâu nữa vậy?
Sơn Tùng khẽ cau mày:
– Đi công chuyện.
Nam Thành tròn mắt:
– Đi công chuyện mà ăn mặc chải chuốt thế à?
– Ừ. Mà có được không?
Hoài Lưu gật đầu:
– Đẹp lắm! Còn hơn là diễn viên tài tử nữa.
Biết bạn nói thật, Sơn Tùng nở nụ cười thỏa mãn.
– Tốt lắm! Tao đi đây.
Nam Thành nhìn bạn, anh thắc mắc lắm nhưng không nói gì, chỉ nhìn bạn chăm chú.
Trong chiếc áo thun body ôm sát thân hình nở nang rắn chắc của Sơn Tùng, chiếc áo Jeans khoác bên ngoài, cái quần Jeans bạc rất mốt và đôi giày thể thao, nhìn Sơn Tùng rất quyến rũ và thu hút. Mái tóc được vuốt gei rất ấn tượng càng làm nét mặt Sơn Tùng thêm ngang tàng. Ở con người Sơn Tùng toát lên một vẻ phong trần và mạnh mẽ.
Nheo mắt với các bạn, Sơn Từng bước ra ngoài.
– Mày không đi xe à?
– Không, tao đi tắc xi.
Một chiếc tắc xi chạy qua, Sơn Tùng vẫy lại, ngồi vào xe, Sơn Tùng đọc địa chỉ cho tài xế.
Đó là một ngôi biệt thự sang trọng nằm ở vùng ven Sài Gòn.
Năm giờ chiều nay, Quỳnh Chi lên máy bay sang Mỹ thăm chị gái với bà Hoàng, mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi chỉ chờ lúc lên đường.
Ngồi không và rảnh rỗi, Quỳnh Chi bỗng nhớ đến Sơn Tùng. Cơn tức giận đã nguôi ngoai và lắng dịu thì giờ đây cô mới bình tâm mà nhìn nhận lại mọi chuyện.
Quỳnh Chi không tin Sơn Tùng lại có thể trơ trẽn nhận tiền của mẹ mình để thực hiện cái việc mà anh gọi là mua bán tình yêu được.
Nhìn đồng hồ còn hơn bốn tiếng nữa, Quỳnh Chi bặm môi suy nghĩ rồi quyết định phải gặp Sơn Tùng để hỏi cho ra lẽ.
Dắt xe ra cửa, Quỳnh Chi nhắm hướng nhà trọ của Sơn Tùng mà chạy đến.
Gần đến nơi, Quỳnh Chi vội thắng xe gấp lại, chiếc Attila của cô lảo đảo như muốn ngã xuống đường. Cô không tin vào mắt mình khi thấy Sơn Tùng đang cỡi chiếc Dream cáu cạnh rẽ vào con hẻm về nhà trọ.
Một chút chua xót và cay đắng dâng lên. Thế là hết! Mọi chuyện đã rõ ràng như mẹ cô nói.
Phần Sơn Tùng không nhìn thấy Quỳnh Chi, anh cho xe về nhà trọ, chạy xe vào sân. Sơn Tùng ngồi trên xe và nhấn còi.
– Tin ... tin ...
Tiếng còi xe vang lên inh ỏi giữa trưa làm cho Hoài Lưu và Nam Thành giật mình thức giấc.
Mắt nhắm mắt mở, Hoài Lưu làu bàu:
– Thằng nào mà mất dạy vậy, đang trưa thế này mà không cho ai ngủ cả.
– Mày ra coi ai, bảo nó im giùm?
Đẩy cửa bước ra, Hoài Lưu vội vàng dụi mắt kêu lên:
– Mày đó hả Tùng?
Sơn Tùng gật đầu, cười ngạo nghễ. Anh bước xuống, chỉ tay vào chiếc xe, giọng khoe khoang pha lẫn hãnh diện:
– Mày thấy thế nào? Đẹp không?
– Xe của ai vậy?
Sơn Tùng cao giọng:
– Của tao đấy!
Hoài Lưu thảng thốt, lặp lại:
– Của mày?
– Ờ. - Sơn Tùng đáp gọn.
Nam Thành trong nhà nhận ra giọng Sơn Tùng, nên lồm cồm ngồi dậy, đi ra ngoài.
Giống như Hoài Lưu, anh cũng ngẩn người và ngây ra nhìn bạn chằm chằm như lạ lắm.
Mà Sơn Tùng lạ thật! Cái áo sơ-mi trắng in những sọc kẻ chùm màu xám, chiếc quần Jeans hiệu “Gucci” đôi giày Italy, cái mắt kiếng giắt trên áo, khác hẳn Sơn Tùng của hai ngày trước.
Nam Thành ngạc nhiên:
– Mày đi đâu biệt dạng cả hai ngày nayvậy?
Sơn Tùng nhún vai:
– Chuyện này dài dòng lắm. Sau này có dịp, tao kể cho.
Hoài Lưu có vẻ quan tâm và thực tế hơn:
– Mày nghỉ làm không xin phép, coi chừng bị đuổi đấy.
Sơn Tùng thản nhiên, vẻ bất cần:
Đuổi thì đuổi, và tao cũng không làm chỗ đó nữa.
– Mày nghỉ luôn à?
– Ờ ... - Sơn Tùng nhịp chân.
Nam Thành tò mò:
– Rồi mày làm gì, ở đâu?
– Tao có người quen, nhận tao vào làm phụ tá cho ổng. Ổng giàu lắm, lại rất thích tao:
– Xe ai vậy? - Nam Thành nhìn chiếc xe.
– Của tao đó.
Đến lượt Nam Thành sửng sốt, lặp lại:
– Của mày? Tiền đâu mày mua vậy?
Vỗ tay vào túi quần Jeans, Sơn Tùng nói lớn:
– Tiền đây chứ đâu.
Nhìn anh móc ra một xấp tiền dầy cộm toàn giấy một trăm ngàn mới cứng, và thẳng tắp, cả Nam Thành và Hoài Lưu đều sửng sốt kêu lên:
– Ở đâu mà mày có nhiều vậy?
Sơn Tùng cười lớn khi thấy vẻ mặt ngơ ngác của hai thằng bạn:
– Bây làm sao vậy? Tao có đi ăn cướp đâu mà nhìn ta dữ vậy.
– Thế tiền này ở đâu ra?
– Tụi mày không cần biết, tao về đây để dẫn tụi bây đi ăn nhậu một bữa ra trò. Đi không?
– Tôi biết tiền đó ở đâu mà anh có. - Quỳnh Chi vừa rẽ vào nghe vậy liền nói lớn.
Cả ba cùng quay ra, Nam Thành nhìn cô và kêu lên:
– Chi mới tới à?
Sơn Tùng cũng quay lại, anh không tỏ thái độ gì, chỉ nhìn cô một cách dửng dưng.
Quỳnh Chi vẫn ngồi trên xe, gay gắt:
– Tôi không ngờ anh bỉ ổi và hèn hạ đến vậy, bán rẻ cả nhân phẩm và tư cách của anh.
Sơn Tùng thoáng biến sắc, nhưng anh vẫn cười nhạt:
– Thuận mua vừa bán. Sao Chi lại nói anh nặng nề thế?
Quỳnh Chi quắc mắt:
– Im đi, tôi ghê tởm anh!
Nhổ một bãi nước miếng, Quỳnh Chi quay đầu xe chạy đi, không quên ném cho Sơn Tùng cái nhìn khinh bỉ.
Hoài Lưu vội vã kêu lên:
– Quỳnh Chi, đợi đã ...
Sơn Tùng trầm giọng:
– Để cho Chi đi, đừng kêu nữa!
Quay sang bạn, Hoài Lưu nóng nảy, gắt lên:
– Mày cố yêu Chi không?
– Mày không nhìn thấy Chi âu sầu và tiều tụy thế nào hả Tùng?
Khẽ gật đầu, Sơn Tùng chậm rãi:
– Có yêu thì tao cũng không thể đến được với Quỳnh Chi nữa.
Nam Thành nhận ra giọng nói của Sơn Tùng thật buồn, nên nhíu mày:
– Mày nói vậy là sao?
– Thái độ của Chi, tụi bây cũng thấy rồi đó, cần gì tao phải nói.
– Chi giận dữ như vậy vì sao nhỉ? – Hoài Lưu thắc mắc - Vừa gặp mặt mày, Chi không hỏi gì đã mắng xối xả là sao?
Nam Thanh liên tưởng đến câu nói của Quỳnh Chi khi cô mới vào đến và số tiền trong bóp Sơn Tùng, anh thong thả:
– Có thể Chi nghĩ mày ...
– Đúng vậy! - Sơn Tùng buột miệng.
– Sao mày không giải thích cho Chi nghe, mà lại lạnh nhạt với Chi. Chẳng lẽ mày ... - Nam Thành bỏ lửng câu nói khi thấy Sơn Tùng cau mày.
– Mày cũng nghi tao vậy à? - Sơn Tùng gắt lên với bạn.
– Thế tiền đâu mày có nhiều vậy, còn mua xe nữa?
– Tụi bây có còn coi tao là bạn không?
– Mày nói lung tung gì vậy?
– Nếu vậy thì đừng hỏi nữa. Tao mệt mỏi lắm.
Hoài Lưu đặt tay lên vai bạn, chân tình:
– Hai ngày nay, mày đi đâu, nói cho tụi tao nghe?
Sơn Tùng lắc đầu:
– Chuyện này không nhắc đến nữa. Tao về đây là muốn mời tụi mày một bữa gọi là chia tay.
Nam Thành ngạc nhiên:
– Mày đi xa à?
– Có thể là vậy. Sau này, có lẽ tao ít gặp hai đứa mày lắm.
Hoài Lưu bật cười:
– Nghe mày nói, tao có cảm giác sắp mất một thằng bạn vậy.
Nam Thành thì ngược lại, anh lặng thinh suy nghĩ. Thái độ của Sơn Tùng thật khác lạ.
Tuy cách nói chuyện của Sơn Tùng to ra bất cần và lạnh lùng, nhưng Nam Thành cảm nhận có gì đó bùi ngùi và khắc khoải.
– Tụi bây không đi à?
Hoài Lưu nhìn sang Nam Thành như chờ đợi.
Nam Thành gật đầu nhưng lại bảo:
– Cũng để chiều mát đã, chứ giữa trưa thế này nhậu nhẹt gì.
– Tao chỉ có ba tiếng đồng hồ thôi. Sau năm giờ, tao không được vắng mặt.
– Vậy thì đi! Nam Thành đáp nhanh.
Sơn Tùng đưa hai bạn đến một nhà hàng sang trọng ở quận I. Vừa ngồi xuống ghế, Sơn Tùng dõng dạc:
– Đứa nào ăn gì cứ kêu cho thoải mái. Đừng ngại tốn tiền!
Khẩu khí của anh làm cho hai người từ ngạc nhiên chuyển sang thành hoang mang.
Hoài Lưu quay sang bạn.
– Mày kâu món ăn đi Thành.
Nam Thành vốn sâu sắc nên từ tốn:
– Để thằng Tùng kêu đi, tao và mày biết gì mà gọi.
Sơn Tùng cau mày:
– Tụi bây sao vậy, kêu món ăn mà cũng đùn đẩy nhau. - Hồi anh dõng dạc – Để tao kêu cho.
Vẫy người phục vụ lại gần, Sơn Tùng bảo Hoài Lưu:
– Mày vẫn thích ăn cua phải không? Cho món cua hấp loại lớn!
Nhìn Nam Thành, Tùng nói tiếp:
– Còn mày thích tôm nướng, phải không? Cho dĩa tôm nướng, cũng loại lớn luôn!
Sơn Tùng kêu những món ăn mà bạn mình thích. Anh kêu thật nhiều. Nhớ ra món nào, kêu món nấy thêm.
Đến nỗi Hoài Lưu phải la lên:
– Mày điên à? Bụng đâu mà chứa cho hết.
– Còn có dịp này, biết sau này có dịp ngồi với nhau không?
Câu nói như một lời trối của anh làm Nam Thanh nghi hoặc, anh nhìn bạn và đang cố tìm một lời giải đáp.
Sơn Tùng vẫn cao hứng:
– Hôm nay không uống Sài Gòn nữa, uống Heniken nha.
Những nmón ăn lần lượt được bưng lên, bày chật cả bàn.
Rót đầy ly cho mình và các bạn, Sơn Tùng giơ cao ly:
– Nào, uống mừng cho tình bạn của tụi mình!
Cạn ly, Nam Thành từ tốn:
– Mày lạ quá Tùng à! Có phải là mày không vậy?
– Thế mày cho tao là ai?
– Rốt cuộc, hai ngày nay mày đi đâu? Làm gì?
– Có thể nói ngày này đánh dấu cuộc đổi đời của tao. Tao đã nói là làm, nhất định tao phải giàu có.
Giọng Sơn Tùng như chất chứa một nỗi niềm thật lạ.
– Mày không làm gì bậy bạ đó chứ.
– Yên trí đi! Tao đâu đến nỗi ngu ngốc như vậy.
– Thế tiền đâu mày có nhiều vậy? Hay mày buôn bán heroin?
– Mày nghĩ bán những thứ đó dễ lắm à. Tao cũng đang muốn có để bán mà không được đây.
Sơn Tùng nheo mắt bỡn cợt.
– Vậy thì ...
Sơn Tùng gạt ngang:
– Chán tụi bâyquá, ra đây ăn nhậu hay chất vấn, hỏi cung tao vậy?
– Vì tụi mình là bạn bè, nên tụi tao quan tâm đến mày.
Hoài Lưu gật đầu:
– Nếu mày làm gì bậy bạ, khi về quê, tao biết ăn nói thế nào với mẹ mày.
Sơn Tùng bỗng chùng giọng:
– Chính vì thế, tao mới về tìm tụi bây. Sau này, tao có sự nghiệp sẽ không quên tụi bây đâu, những thằng bạn nối khố của tao ạ.
Nam Thành bỗng chuyển đề tài:
– Mày còn yêu Quỳnh Chi không?
Sơn Tùng lắc đầu, giọng thật buồn:
– Không. Chấm hết từ ngày đó.
– Tao không tin. Tụi mày yêu nhau sâu đậm và nồng nàn thế nào, chỉ vì vậy mà cắt đứt dễ dàng vậy sao?
Rồi anh nâng ly, khẽ khàng:
– Cạn ly rồi hẵng nói.
Sơn Tùng dốc ngược ly bia rồi đặt lên bàn, chua chát:
– Yêu nhau càng đậm thì hận càng sâu.
Hoài Lưu tỏ vẻ áy náy.
– Tao thấy Chi cũng buồn lắm, mặt nhợt nhạt và hốc hác, tội nghiệp quá.
– Mày thấy, còn tao thì không à? – Sơn Tùng nhướng mày.
Nam Thành lại rót đầy ly cho bạn, anh đã có dụng ý gạ cho Sơn Tùng ngà ngà, khi đó sẽ dễ dàng điều tra hơn.
Thật vậy, sau vài ly bia nữa, Sơn Tùng có có vẻ cởi mở hơn, anh bộc bạch:
– Thái độ của mẹ Chi đã cho tao hiểu, tao không thể đặt chân vào nhà Chi được, thế thì vương vấn làm gì cho khổ cả hai.
– Nên mày tỏ ra lạnh nhạt với Chi?
Sơn Tùng cay đắng:
– Đúng! Cứ để Chi nghĩ sai về tao. Chi sẽ oán hận tao. Điều này sẽ giúp Chi quên tao dễ dàng hơn bỗng thấy cay mắt, anh thương cho bạn.
– Nhưng mày ...
Nam Thành khẽ nháy mắt với bạn rồi chậm rãi:
– Mày vừa bảo là đổi đời, sau này mày giàu có thì sợ gì chuyện mẹ Chi chê khinh mày.
– Dù có giàu, tao cũng không xứng đáng với Chi nữa – Mày nói vậy là sao?
NamThành hồi hộp. Anh rót đầy ly cho bạn, và nhẹ nhàng:
– Uống đi rồi nói cho tụi tao nghe.
Sơn Tùng không chút nghi ngờ, lại cầm ly dốc ngược cho cạn sạch mới chịu để xuống.
– Nào, nói ra nghe thế nào? - Nam Thành chậm rãi, nhưng nét mặt thì lộ rõ vẻ căng thẳng.
Sơn Từng định nói gì đó thì có điện thoại, anh vội lấy ra và đưa lên tai chiếc Nokia đời mới màu đen huyền đập vào mắt Thành.
Nghe điện thoại xong, Sơn Tùng như tỉnh hẳn ra.
– Tao phải về đây!
– Làm gì mà gấp vậy? Thong thả đã nào. Đã ăn uống gì đâu.
Sơn Tùng cười mà mắt thật buồn:
– Không được, tao không thể ở lại. Tụi bây cứ vui vẻ nha.
Đặt cọc tiền lên bàn, Sơn Tùng chùng giọng:
– Chút nữa thanh toán giùm tao, còn bao nhiêu, coi như quà tao tặng tụi bây.
Nói xong, Sơn Tùng đứng dậy, anh đi như chạy ra ngoài cửa.
Nhìn cọc có phải đến mười triệu. Nam Thành thẫn thờ.
Hoài Lưu cũng thắc mắc:
– Thế này là sao hả mày?
– Mày thấy thằng Tùng thế nào?
– Nó thay đổi nhiều quá.
– Mày thấy những gì, nói tao nghe.
Hoài Lưu nhanh nhảu liệt kê:
– Quần áo mới này, toàn hàng xịn và mắc tiền không. Xe xịn, điện thoại xịn, lại xài nước hoa nữa.
– Hết chưa?
– Tiền thì đầy một túi, chỗ này cũng không ít đâu.
– Còn gì không?
Hoài Lưu lắc đầu.
– Hết rồi! Mày thấy gì nữa?
Biết tính Hoài Lưu vốn vô tâm, nên Nam Thành chậm rãi:
– Tao thấy nó có vẻ rất buồn, nói chuyện với tụi mình, mà giọng nó nghe thế nào đó.
– Mày nói, tao mới để ý. - Hoài Lưu tán thành - Buồn và bất mãn lắm thì phải.
Rồi anh hạ giọng:
– Sao tao lo quá mày.
– Mày lo chuyện gì?
Nhìn quanh quất rồi Hoài Lưu nói như thì thầm:
– Có khi nào nó làm ăn phi pháp hay dính vào xã hội đen không mày?
Khẽ mỉm cười, Nam Thành lắc đầu:
– Không đâu. Tao tin nó không dại dột vậy. Nói để bạn an tâm và tự trấn an mình, chứ thật ra Nam Thành cũng không chắc chắn lắm. Đời, ai mà học được chữ ngờ. Biết đâu do phẫn chí khi bị mẹ bạn gái nhục mạ và khinh rẻ, bạn anh dám làm liều thì sao.
Hoài Lưu có vẻ an tâm hơn:
– Mày đã nói vậy thì tao cũng đỡ lo rồi.
Chỉ tay vào bàn, Hoài Lưu lại hỏi:
– Còn chỗ này thì sao?
Nam Thành đứng dậy:
– Tính tiền rồi về chứ ăn uống gì nữa.
Thanh toán xong, số tiền còn dư lại đến hơn bảy triệu, Hoài Lưu lại hỏi ý bạn:
– Còn số tiền này?
Nam Thành đăm chiêu một lúc rồi khẽ khàng:
– Tao không cần, mày có cần thì giữ lấy.
– Tao cũng không cần.
– Vậy thì gởi về quê cho mẹ nó. Mà thôi, tháng sau về thăm nhà, cầm về luôn.
– Sao không gởi bưu điện cho nhanh.
Nam Thành cau mày:
– Mày ngu quá! Mày gởi về, mẹ nó hỏi thì nói làm sao?
– Ờ nhỉ! - Hoài Lưu kêu lên.
Hoài Lưu nhm bạn vẻ thán phục. Trong ba người, Nam Thành luôn là người chững chạc và già giặn nhất. Có lẽ do cuộc sống nghèo khổ và khắc nghiệt đã khiến cho bạn mình già trước tuổi.