Ông ta bảo khi chúng tôi ăn trưa xong - hay đúng hơn khi ông ta ăn xong, bởi vì tôi ăn rất ít :
- Ông không hỏi đúng câu hỏi. Đó là một điều đáng trách đối với một ký giả giỏi. Nhưng tôi vẫn sẽ trả lời rành mạch cho ông. Trước hết là, đúng - trên cả mười hai hỏa tiễn đều có đầu đạn hạch tâm. Mỗi một đầu đạn có thể so sánh với loại đã được dùng trong các cuộc thí nghiệm mới đây của Hải quân tại Bikini ngoài khơi Thái-bình-dương. Tôi tin ông đã từng trông thấy loại đó. Mỗi một hỏa tiễn có khả năng tàn phá hơn những trái bom đã được thả xuống Hiroshima và Nagasaki. Không phải bom khinh khí, như giới báo chí bình dân thường gọi.
Ông ta ngừng nói để đốt lại điếu xì gà.
- Mỗi hỏa tiễn đó được điều chỉnh sẵn để có thể phóng vào một đô thị. Tất cả đều ở trong địa phận Anh quốc và Tô-cách-lan. Kể từ bắc xuống nam, gồm có : Glasgow, Edinburgh, Newcastle, Leeds, Hull, Manchester, Birmingham, London, Briston, Southampton, Portsmouth, Plymouth. Tôi thấy ông đang muốn hỏi nhiều điều. Ông hãay đợi một lát nữa. Tôi sẽ trả lời tất cả cho ông trước khi ông hỏi.
Tôi không có ý định ngắt lời ông ta. Tôi đang sững sờ và tóat mồ hôi lạnh.
- Hôm nay là ngày 7. Hôm nay đúng ba giờ chiều, nhân viên chìm của chúng tôi hiện giữ một chức vụ tối cao trong chính phủ Anh - ông có thể tạm gọi là một vị bộ trưởng - sẽ đến trình diện Thủ Tướng. Ông ta đã xin yết kiến từ trước. Sau đó Hội Đồng Nội Các sẽ nhóm họp suốt một tiếng đồng hồ. Trong cuộc họp mật này, người của chúng tôi sẽ trình bày trước mặt Thủ Tướng một bức tối hậu thư. Tôi không muốn làm cho ông phải nóng lòng vì những chi tiết nhỏ nhặt. Đại khái bức tối hậu thư cho hay một cuộc cách mạng thầm lặng ở Anh đã hoàn thành, chính phủ hiện tại cần phải bị lật đổ, và nếu các điều kiện do chúng tôi đề ra không được thi hành đúng, nhiều hậu quả không thể tránh nổi se xảy đến.
- Tôi muốn biết đó là những hậu quả gì?
- Khoan đã. Trước hết ông hãy nghe những điều kiện.
Ông ta xòe mấy ngón tay ra trong lúc nói tiếp :
- Thứ nhất : chính phủ Anh phải được chuyển giao lại cho tổ chức của tôi - hoặc cho tôi, nếu ông muốn nói như thế hơn. Trong chính phủ hiện tại chúng tôi đã đặt sẵn đủ người để có thể bàn giao chức vụ. Thứ hai : cuộc cách mạng này đã được tham khảo ý kiến của phe đối lập, nên sẽ không thể có chống đối dưới bất cứ hình thức nào. Lưỡng viện quốc hội sẽ được giải tán ngay tức khắc, như thế sẽ không ai có quyền chất vấn. Đại diện các nhóm đối lập phải đến yết kiến Tân Chính Phủ, vào đúng bốn giờ chiều để nghe lệnh tối hậu. Thứ ba : (ông ta hơi cuối đầu với tôi) bái chí sẽ được thông tri về sự thay đổi chính phủ và chương trình loan tin sẽ được kiểm soát rất kỹ trên mặt báo, trong radio và trên vô tuyến truyền hình. Lẽ tất nhiên mọi văn bản cần thiết đã có sẵn trong tay của tân bộ trưởng thông tin.
Tôi bảo :
- Tôi có thể tưởng tượng ra một danh từ. Vị cứu tinh của dân tộc, như Nkrumah. Ông sẽ tự xưng là gì? Vị lãnh tụ?
Ông ta nhìn tôi một cách lạnh lùng.
- Chuyện đó không thành vấn đề. Có lẽ là nhiếp chính.
- Tôi biết trước lực lượng nào sẽ đẩy lui cuộc mưu phản này.
- Lời nói của ông không mấy thanh nhã, nhưng kể ra thì cũng không sai. Phải, ông thừa biết. Vị Thủ Tướng và Lưỡng Viện sẽ được cho hai mươi bốn giờ để hành động. Nếu không có hành động cụ thể nào tới cuối thời gian này, hỏa tiễn đầu tiên - chỉ một mà thôi - sẽ được phóng đi và sẽ tiêu diệt Edinburgh. Sau đó, các hỏa tiễn khác sẽ lần lượt phóng đi cách khoảng ba tiếng đồng hồ, cho đến bao giờ bản tối hậu thư được thi hành đúng mức. Hỏa tiễn sẽ được bắn sao cho sự tàn phá tiến dần tới Luân-đông theo những vòng tròn đồng tâm. Trước hết là Edinburgh, rồi Plymouth. Và cứ thế - ông có thể theo dõi trên họa đồ.
- Các cơ quan quân sự sẽ tưởng rằng kẻ nào muốn gây chiến và họ đâu có chịu để yên?
- Ông bạn thân của tôi ơi! Viên Bộ Trưởng Quốc Phòng sẽ có mặt tại phiên họp của Hội Đồng Nội Các kia mà! Dù sao, các cơ quan tình báo sẽ cho họ biết sự thật. Nhưng họ không thể nào tấn công chúng tôi, dầu họ biết chúng tôi ở đâu đi nữa. Chắc ông còn nhớ bộ máy vô hiệu hóa?
- Có nhiều người đã biết các ông hiện ở đâu. Ông làm sao chống lại một cuộc tấn công theo qui ước, chẳng hạn với một hoặc hai sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến?
- Có cách gì đưa họ tới Saint Sudra, trong tầm hiệu lực của máy vô hiệu hóa? Bằng một chiếc thuyền buồm gắn động cơ nhỏ xíu như đã chở ông tới đây hay sao? Khó lắm!
- Tiềm thủy đỉnh?
- Chở những chiếc phao cao su nhỏ đầy binh sĩ? Thôi mà, Dunbar, ông chớ nên ngây ngô như thế. Vả lại, Thủ Tướng còn được cáo tri nếu ông ta mưu toan tấn công, tất cả hỏa tiễn sẽ được phóng đi cùng một lúc. Nếu ông ta còn tỉnh trí, ông ta có dám liều lĩnh đến mức độ đó hay không?
Tôi gật đầu.
- Tôi hiểu, ông ấy sẽ không dám. Nhưng tại sao? Ông muốn dựng nên một chế độ độc tài bấp bênh để làm gì?
Ông ta nhìn sững tôi như một cậu bé ngu dốt.
- Dunbar, một khi ông khiến tôi phải kinh ngạc vì nhận định quá kém. Saint Sudra chỉ là căn cứ cho bước tiến đầu tiên trên đường tiến tới uy lực. Không phải để đi chinh phục mà để xây dựng hòa bình. Một khi Anh quốc đã vào tay chúng tôi rồi, phần còn lại sẽ rất đơn giản. Cùng một lúc - Pháp, rồi Ý, rồi Đức. Và cứ như thế, mình sẽ trở về với triều đại nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhất, với đầy quyền uy và chiến thắng, thống trị tất cả để giữ vững nền hòa bình của thế giới.
- Còn Liên Hiệp Quốc, họ sẽ ngồi yên trong lúc chuyện này diễn ra?
- Vô nghĩa. Nó đâu có gì liên quan đến Liên Hiện Quốc. Ông thử nghĩ lại xem : đâu có ai sử dụng tới võ khí để đánh nhau.
Còn Hoa-kỳ? Còn Nga-Xô? Họ sẽ đứng bên cạnh và yên lặng xem?
- Có gì đâu mà xem? Đâu có gì ngoại trừ một vài đổi thay trong chính phủ. Sẽ không ai hay biết chuyện đang xảy ra, cho đến khi hay được thì đã quá muộn.
- Rồi Hoàng gia sẽ ra sao?
- Lẽ tất nhiên sẽ không sao hết. Tôi không phải là Cromwell (1), mặc dù ông có nhã ý xét đoán tôi một cách sai lầm.
Tôi cố nói thêm :
- Nhưng có lẽ ông đã quên tính đến một điều. Tại sao ông nghĩ Thủ Tướng sẽ tin lời ông khi ông bảo rằng ông có mười hai hỏa tiễn với đầu đạn hạch tâm đang nhắm vào mười hai đô thị lớn khắp nước Anh? Bất cứ ai cũng có thể hăm dọa bậy bạ như thế.
Anson vẫn thản nhiên đáp :
- Nếu ông nghi ngờ thì vụ tàn phá Ediburgh sẽ xóa tan tất cả. Nhưng, ông bạn Dunbar, ông nên hiểu chúng tôi vẫn có một cách cứu được Edinburgh. Tối hôm qua tôi đã thu xếp việc này với viên bộ trưởng của tôi. Chính ông sẽ xác nhận bằng điện thoại. Ông hiện có đầy đủ khả năng và tiếng tăm của một ký giả nhờ đã tham dự các vụ thí nghiệm nguyên tử ngoài khơi Thái-bình-dương. Thủ Tướng biết ông. Tôi tin ông ta sẽ nhận ra giọng nói của ông. Và để cho chắc chắn rằng ông nói thật chứ không phải bị ép buộc, tôi đã sắp xếp cho ông và em ông được xem tận mắt các dàn hỏa tiễn vào chiều nay. Viên giám đốc kế hoạch của tôi sẽ chỉ dẫn cho các ông.
- Anson đã nói chuyện với chú sau khi đánh thức chú dậy? Sau khi chú tới đây?
- Không nói chuyện anh vừa kể. Y chỉ bảo y sẽ triệu tập một hội nghị các kỹ sư điện tử của y. Em đã đoán rằng y định bắt em nói một chuyện gì trong ngành điện tử cho đám này nghe. Nhưng em không hỏi tới.
- Thế nào y cũng dở trò. Y chỉ cần chích một mũi thuốc như đã chích cho tôi, và chú sẽ nói, chú tin tôi đi.
- Stuart, em...
- Chú khỏi lo. Ted, tôi cần rõ ngay bây giờ. Chú hãy cho tôi biết hiệu lực chiếc hộp đen của Ménard chư thế nào. Bọn chúng đang sử dụng thứ đó.
Ted dần dần tỉnh trí trở lại.
- Nó vừa đủ hiệu nghiệm để bảo vệ hòn đảo này, căn cứ theo lời anh vừa kể cho em nghe về vị trí của đảo. Tầm hoạt động chỉ dưới bốn mươi dặm, như thế nó không thể tác dụng gì với một hòn đảo nào gần nhất trong quần đảo Hebrides. Nhưng hiệu lực của nó sẽ rất ghê gớm từ đây cho tới đó, theo độ cao của nơi này.
- Có cách gì tấn công đảo được hay không? Chẳng hạn tiềm thủy đỉnh?
Ted từ từ lắc đầu :
- Không. Tiềm thủy đỉnh có thể được che chở khỏi bị ảnh hưởng của chiếc hộp đen nhờ có nước ở phía trên, tức là khi còn lặn dưới mặt biển. Nhưng khi đã trồi lên rồi thì không còn có thể hoạt động được nữa. Ngay cả hỏa tiễn Polaris cũng không thể phóng đi. Chiếc hộp đen sẽ làm tê liệt các hệ thống hướng dẫn. Nói tóm lại, nếu hỏa tiễn được bắn ra ở gần, hệ thống hướng dẫn không thể hoạt động. Chắc anh đã biết hỏa tiễn Polaris được bắn ra như thế nào : sau khi lên khỏi mặt nước nhiên liệu mới được đốt cháy. Nhưng chiếc hộp đen lại ngăn chận sự đốt. Như thế ở trong tầm hiệu lực của chiếc hộp đen, một hỏa tiễn Polaris sẽ rơi trở xúong biển ngay sau khi nó vừa phóng lên khỏi mặt nước độ chừng mười thước.
- Còn cách đổ bộ lên bãi biển.
- Anson rất có lý về điểm này. Anh phải đưa binh sĩ đến đây bằng tàu ngầm và cho họ ngồi trên những xuồng cao sư. Họ sẽ nhốn nháo như những bầy vịt, dù tiềm thủy đỉnh có thể đưa họ tới nơi đoể bộ. Như em vừa nói, tàu ngầm chỉ có thể được che chở trong lúc đang lặn, nhưng nó bắt buộc phải trồi lên. Và khi đó với tác dụng của chhiếc hộp đen, em e rằng nó không sao lặn xuống được nữa. Quả thật, nó hủy hoại không chừa một cái gì.
- Được rồi, Ted, chú khỏi lo. Còn về...
Ted bỗng chận lời tôi bằng cách hoa bàn tay phải lên và nói :
- Nếu mình cứ tiếp tục nói chuyện mãi, anh không nghĩ rằng tốt hơn hết, mình nên hét lớn cho bọn nghe lén khỏi mất công.
- Tôi không biết khởi sự như thế nào.
- Để cho em.
Nói đoạn Ted lục soát toàn thể căn phòng, không bỏ qua một nơi nào. Ted nhìn về phía sau những bức tranh treo trên tường. Ted nhìn dưới bàn ghế, dưới giường, trong lớp lò xo. Ted tháo tung cả ra lên và vỗ khắp mặt nệm. Tuy không tìm thấy gì, nhưng trước khi Ted ngồi trở xuống Ted vẫn vặn cho nước chảy ào ào trong bồn rửa mặt.
Tôi bảo :
- Xem bộ chú rành nghề quá.
- Ở RIEC em vẫn thường làm trò này.
- Theo ý chú bây giờ mình có thể an tâm chuyện trò?
- Phải. Em không tin mình đang bị nghe lén, nhưng nếu mình bị thật thì tiếng nước chảy ít cũng sẽ át tiếng nói của mình đi phần nào.
- Bây giờ mình hãy nói về các hỏa tiễn dưới hầm chứa. Chú sẽ cùng đi xem với tôi. Chú có thể cho tôi biết đó là thật hay giả.
- Em tin có thể. Em đã từng thực hiện một vài bộ phận trong các hệ thống hướng dẫn hỏa tiễn.
- Chú có thể cho tôi biết cách phá hoại hệ thống kiểm soát?
- Em đã có dịp tháo ráp các hệ thống điều khiển và kiểm soát. Nhưng mình làm sao có thể phá hoại nổi? Chắc chắn bọn chúng canh phòng rất cẩn mật.
Tôi nói :
- Tôi không biết. Tôi chưa có dự tính đó. Tôi chỉ thả vấn đề này vào trong đáy óc để tự nó nẩy mầm. Chú cũng nên làm như thế.
Ted lo lắng hỏi :
- Stuart, anh không định làm việc này chứ? Em muốn nói chắc anh không có ý định khuyên Thủ Tướng nên nhượng bộ?
- Chú đừng nên điên rồ thêm nữa. Ở trong tình cảnh này tôi biết làm gì khác hơn? Đây không phải là một chuyện tôi có thể tự ý phán xét. Thủ Tướng phải điên khùng lắm mới không chịu nghe lời. Anson không
đùa đâu, đó là điều tôi biết rõ. Tôi chỉ còn một việc có thể làm là xóa bỏ ván bài. Cách hay nhất là phá hủy toàn bộ máy vô hiệu hóa, và tìm cách cho Colin Andrews biết máy đã bị phá hủy. Nhưng mình phải tìm hiểu rõ bọn chúng còn một bộ máy nào nữa hay không. Một vấn đề khác là tìm cho ra Monique de Ménard. Cô ta đang bị lâm nguy một cách trầm trọng.
Ted buồn rầu bảo :
- Cô ta hiện ở phòng kế đây. Bọn chúng đã cho em hay.
Tôi suýt phóng mình ra cửa. Nhưng tôi đã tự kềm chế lại.
- Hay lắm. Tôi sẽ thăm cô ta sau, nếu cửa phòng không có khóa. Bây giờ, chú hãy nghe tôi nói đây, Ted. Thời gian chỉ còn rất ít. Ngày mai là kỳ hạn cuối cùng. Tất cả những gì mình có thể làm là tùy cơ ứng biến, trừ phi bộ óc phân tích của chú sáng tạo được một ý kiến kỳ diệu nào. Mình không biết rõ nơi này. Chú cứ việc làm theo tôi, dù chú nhận thấy việc này không ổn. Tất cả đều tùy thuộc vào yếu tố bất ngờ. Mình sẽ tìm cách phá hoại hoặc làm cho sai lạc đi. Chú nhớ không được hành động theo ý riêng. Hãy cố kiên nhẫn một lần này. Nếu mình có thể phá hoại đúng và thoát khỏi đảo mình sẽ có hy vọng ngăn chận tai họa. Nhưng dù sao cũng lo phá hoại trước đã.
Lần này tôi trông thấy Ted mỉm cười trong lúc trả lời :
- Giống hệt thời xa xưa. Được rồi, em sẽ cùng chơi trò này với anh.
- Tốt. Bây giờ tôi qua phòng bên cạnh.
Nhưng tôi không đủ thời giờ. Có tiếng gõ cửa vang lên. Khi tôi mở ra, Matuschek đứng đó, tay cầm một khẩu tiểu liên. Một người lạ mặt đứng phía sau lưng y.
Y giới thiệu :
- Ông Dunbar, đây là giáo sư Karl Kalwitz. Giáo sư sẽ đưa ông đi xem khu vực hỏa tiễn. Mời ông vui lòng đi ngay.
Tôi hỏi Kalwitz ở cổng vào căn cứ hỏa tiễn :
- Chỉ có một người gác?
Ông ta đáp với một nụ cười lơ đãng :
- Cần gì phải canh gác cho nhiều? Có ai lạ vào đây đâu? Nhưng cũng còn một người khác. Anh ta đi tuần ngoài hàng rào chung quanh căn cứ, đúng ra chỉ có ba mặt hàng rào. Gần như không cần thiết.
Ted làm bộ vô tình hỏi :
- Hàng rào điện?
Kawitz gật đầu.
- Có thể truyền điện vào, nhưng chúng tôi chưa bao giờ cần tới.
Ted đưa mắt nhìn tôi. Tôi lắc đầu. Ted vẫn thường hung hăng lao đầu vào bất cứ việc gì. Đó là một trong những lý do người ta khuyên Ted hãy bỏ môn túc cầu và tập trung vào môn côn cầu hồi Ted còn ở Đại học đường Virginia. Ted ghét trò lấy banh một cách lịch sự.
Kawitz dẫn chúng tôi vào trong nhà. Đó là một căn phòng dài, hẹp, xây bằng gạch chịu lửa, trần thấp và soi sáng bằng những ngọn đèn ống. Một dãy gồm mười hai cái tủ điện gắn thẳng hàng trên mặt trong của bức tường tiếp giáp căn cứ đặt hỏa tiễn, phía dưới những khung cửa sổ kiên cố. tôi trông thấy Ted chăm chú nhìn các tủ điện.
Rồi Ted hỏi Kalwitz :
- Tại sao mỗi hỏa tiễn phải có một tủ điện riêng? Phối hợp làm một đâu có khó khăn gì?
Kalwitz trả lời :
- Đúng thế. Nhưng hệ thống chúng tôi đang dùng là một hệ thống hoàn toàn mới do chúng tôi sáng chế ra. Mục đích đầu tiên là làm cho các hỏa tiễn độc lập với nhau, như vậy nếu một tủ điện nào bị trúng đạn của kẻ địch - tuy đây là một chuyện tối vô lý - hỏa tiễn sẽ tự động phóng lên. Một mục đích khác nữa là công việc thay đổi chương trình hướng dẫn của mỗi hỏa tiễn sẽ được dễ dàng và nhanh chóng. Ông đến đây để tôi chỉ cho xem.
Tôi nhìn quanh căn phòng trong lúc Ted và Kalwitz cúi xuống quan sát một tủ điện. Tôi bước dọc theo chiều dài của căn phòng, trông thấy máy điện thoại móc trên tường, rõ ràng để liên lạc với những cơ sở khác trên đảo. Ted có vẻ u buồn lúc tôi trở lại nơi hai người đang đứng.
Ted nói với tôi :
- Ông ấy nói đúng.
Đoạn quay sang Kalwitz.
- Tôi đoán loại hỏa tiễn này dùng nhiên liệu đặc.
- Đúng thế. Một loại đặc biệt chế tạo tại Đức. Ở đây chúng tôi không thể dùng lox (1) vì nó không được bền. Bây giờ các ông hãy tới đây với tôi. Tôi có chỉ thị cho các ông xem đầu đạn. Tất cả đầu đạn, nếu các ông muốn. Nó chỉ khai hỏa khi nào hỏa tiễn được phóng đi.
Ông ta dẫn chúng tôi trở qua khung cửa duy nhất và đi quanh tới cổng hàng rào. Ông ta mở ống khóa vĩ đại và xoay cánh cửa qua một bên rồi bảo :
- Mình bắt đầu với hỏa tiễn gần nhất.
Tới bên cạnh cái nắp hình tròn, ông ta sờ vào một nút bấm trên một tấm bảng gắn cách mặt đất chừng một thước trên một cột sắt. Tôi nghe một tiếng gầm vang lên từ phía dưới đất. Nắp hầm đường kính độ hai thước rưỡi từ từ mở ra, xoay quanh bản lề. Tôi có thể trông thấy ngay phía dưới miệng hầm, cái mũi bằng của hỏa tiễn với hình dáng thật xấu xí. Kalwitz cúi xuống, hai bàn tay loay hoay một lát bên đầu hỏa tiễn. Cái mũi bằng từ từ mở ra cho đến khi chúng tôi có thể từ chỗ đang đứng trông thấy được những gì ở bên trong. Ted ngồi chồm hổm xuống và nhìn kỹ. Kalwitz liền bật mấy ngọn đèn ống ở chung quanh mép hầm. Ông ta không nói một tiếng.
Lúc này không cần phải nói gì. Mặt của Ted tái mét khi Ted đứng trở dậy.
Ted bảo :
- Được rồi. Như thế là đủ. Tôi đã thấy rõ.
Tôi nói theo :
- Tôi cũng vậy.
Kalwitz vẫy tay quanh một vòng.
- Các ông có muốn xem những cái khác?
Ted lắc đầu :
- Tôi tin lời giáo sư. Có phải tất cả đều được trang bị để đốt cháy không khí?
- Đúng vậy. Với chiều cao độ chừng một ngàn tám trăm bộ (1).
- Giống như Nagasaki và Hiroshima?
Kalwitz đáp :
- Tương tự như thế. Nhưng thứ này mạnh hơn nhiều.
Ông ta nhún vai và nhăn mặt. Tôi hiểu rằng ông ta không hứng thú một chút nào với công việc này. Trong một thoáng, tôi chợt nghĩ cách lợi dụng sự chán chường của ông ta. Nhưng hy vọng tiêu tan ngay khi ông ta trả lời câu hỏi cuối cùng của Ted.
Ted nói :
- Tôi muốn hỏi giáo sư những thứ này được chế tạo tại đâu. Nhưng tôi không hy vọng giáo sư sẽ trả lời.
Kalwitz tỏ vẻ buồn rầu.
- Phải. Tôi không được phép trả lời câu hỏi đó, vậy xin ông đừng hỏi nữa. Nhưng chắc ông phải nhớ rằng người Hoa-kỳ đã từ lâu không còn giữ độc quyền nữa. Không phải người ta đã đánh cắp những tài liệu mật. Khi mình đã cho công khai nổ tung một trái bom như thế và cho thấy nó có thể chế tạo, thì sự bí mật kể như không còn nữa. Bất cứ một nhà vật lý học giỏi nào cũng có thể làm ra được. Và hiện giờ có rất nhiều phương pháp dễ hơn xưa. Khoa kỹ thuật học về khối lượng mà ông thường dùng ngày nay đã lỗi thời. Hiện giờ, ngay cả Do thái cũng có thể làm bom.
--------------------------------------------------------
1800 bộ (feet) = 540 mét
Tôi bảo Ted :
- Ông ấy nói đúng. Một nhà vật lý học Đức mà chúng tôi đã giải thoát khỏi một trong những trại tù binh ở Nagasaki đã nói chuyện đó với tôi hồi Tháng Tám 1945.
Chúng tôi không nói gì nữa trong lúc Kalwitz lái xe đưa chúng tôi trở về lâu đài. Vẻ xanh xao, tiều tụy vẫn còn hiện rõ trên khuôn mặt của Ted. Mới cách đây hai mươi phút Ted đã nhìn vào trong cửa địa ngục. Ted đã trông thấy cánh cửa mở ra một chút rồi đóng lại. Ted hiểu rằng lần sau khi mở ra được rồi nó sẽ không đóng lại nữa, và Ted phải chịu một phần trách nhiệm. Tôi cũng đã trông thấy, và thật là đau đớn khi biết rằng chính mình đã tiếp tay nối giáo cho giặc.
Ch
ú thích(1) Xin xem lại chú thích trang 161
(1) Lox : oxygen hóa lỏng được dùng để hỗn hợp với nhiên liệu cho hỏa tiễn