Mãi cho đến khi chúng tôi đã ngồi trong một góc tối của tiệm Rive Gauche ở Georgetown, nhà hàng sang trọng nhất khu vực phía nam hoặc phía tây của Le Pavillon, chúng tôi mới nói chuyện trở lại. Người bồi đặt hai ly Martini trước mặt chúng tôi rồi dang ra xa.
Dillingham hỏi:
- Ông vui mừng miễn lỗi cho tôi chứ? Tôi đã suy nghĩ kỹ và không thấy có cách nào hay hơn.
- Ông khỏi phải xin lỗi, vì ông chỉ thi hành phận sự. Ông cảm thấy an toàn trong một nhà hàng công cộng như thế này hay sao?
- Đây mới chính là nơi an toàn hơn hết. Từ bàn này mình không bao giờ nghe được tiếng nói chuyện ở bàn bên cạnh. Từ bây giờ cho đến tám giờ tối, tiệm luôn luôn vắng khách. Từ đây cho tới đó sẽ không có ai ngồi gần mình hơn ông đại tá Kinsman với cô tình nhân của ông ta. Họ đang ở góc đằng kia.
Ông ta gật đầu nhẹ, tiếp tục nói:
- Tôi đã yêu cầu Francois đừng mời ai ngồi gần mình trừ trường hợp bất khả kháng. Tới lúc đó mình sẽ bỏ đi.
- Ông rành việc này hơn tôi nhiều lắm. Bây giờ, xin trở lại câu hỏi của tôi.
- Vâng.Tôi cũng định như thế. Nhưng mình hãy gọi thức ăn trước đã. Nếu ông không thấy gì trở ngại, xin để tôi gọi cho.
Ông ta gọi món escargots và escalopines de vean à la Francaise, với một chai Chateauneuf du Pape, rồi bắt đầu ngay vào đề:
- Em ông không hút thuốc – chắc ông không biết ông ấy đã bỏ được thuốc lá! – và lửa đã bắt đầu cháy một cách giả mạo do một điếu thuốc. Tôi nói giả mạo bởi vì người ta đã dàn cảnh để cho chúng tôi tin như thế. Em ông là một người uống rượu rất chừng mực. Toàn thể nhân viên ở Hội Quán Jockey, là nơi ông ấy dẫn khách đi, đã cho chúng tôi hay ông ấy chỉ uống một ly cocktail – một thứ rượu không lấy gì làm mạnh, tối nay có lẽ tôi sẽ uống một lúc hai ly. Ông ấy chỉ uống một cái cocktail trước bữa ăn tối và trong lúc ăn không dung rượu vang. Điều này đã khiến cho viên đại úy Sở Cứu hỏa ngạc nhiên. Tuy nhiên, em ông lại bị đốt cháy mà không hề cựa quậy. Đêm hôm qua ai cũng có thể thấy rõ. Nói tóm lại, thân hình nằm trên giường không phải bị đốt tới chết, mà đã là một tử thi trước khi lửa bắt cháy. Và lửa đã lan nhanh rồi cháy lớn vì được châm thêm rượu, có lẽ rượu lấy từ trong tủ của em ông – mặc dầu điều này vẫn còn vài điểm khả nghi.
- Làm sao ông biết được đó là một xác chết?
- Dễ quá. Nghiệm thi. Lỗ đạn xuyên vào đầu.
- Dillingham, ông làm cho tôi thêm rối trí. Ông muốn bảo rằng em tôi đã tự tử hay sao?
- Thôi mà, Dunbar, mình đừng nên làm trò cười. Khắp trong nhà không có một khẩu sung nào. Em ông đã bị bắn ngay trán. Đầu đạn hãy còn ở trong đầu. Cái tử thi đó không phải là xác của em ông.
- Tại sao đêm hôm qua ông không kể hết cả cho tôi biết?
- Đêm hôm qua có nhiều điều chúng tôi còn chưa biết rõ. Chúng tôi không chắc chắn về các sự việc đã xảy ra cũng như … về điểm ông có đáng tin cậy hay không. Mãi đến bây giờ cũng vậy.
Tôi liền hỏi:
- Ông nói như thế với ngụ ý gì?
- Ông hãy suy nghĩ lại một chút đi. Mình hãy giả sử em ông muốn cho người ta tưởng rằng ông ấy đã rủi ro bị chết cháy. Hãy giả sử ông ấy đã dựng ra tai nạn giả tạo đó – và điều này thì quả thật không sai – rồi rời khỏi nước. Lẽ tất nhiên, chúng tôi phải tự hỏi ông ấy có thể đi đến nơi nào. Mình có thể nói ngay đó là những nơi không mấy then hữu với Hoa-Kỳ. Chúng tôi còn có ý nghĩ không chừng em ông đã bàn với ông về những gì mà ông ấy định làm, căn cứ vào sự kiện ông đã trở về đây một ngày sau khi vụ cháy xảy ra.
- Có phải ông muốn nói em tôi đã bị đầu độc tư tưởng?
- Dunbar, mình nên tránh những ngôn ngữ độc ác đó. Như thế là ngụ ý em ông đã bay qua bên kia Bức Màn Sắt. Trên thế giới hiện giờ có rất nhiều nơi khác không được thân thiện với Hoa-Kỳ, nhất là kể từ khi Hoa-Kỳ lâm chiến tại Việt-Nam. Chẳng hạn ông bạn đồng minh già của mình là Đại tướng De Gaulle, cũng đã lạnh lùng quay mặt với mình và rất có thể ông ấy đã dùng đòn phép để chiếm lấy cái hộp nhỏ màu đen đó. Ông cũng đã biết, thật ra, chính một người Pháp đã khám phá nguyên lý căn bản.
- Ông có thể chứng minh được nghi vấn này?
- Không. Chúng tôi không sao chứng tỏ được đó không phải là xác của em ông, mà cũng không chứng tỏ được đó đúng là xác của ông ấy. Bây giờ, ông thử xét kỹ từng giả thuyết một. Nhưng ông hãy đợi tôi kể cho ông nghe một vài chuyện mà ông còn chưa được biết. Thứ nhất là em ông đã có tên trong bảng danh sách những hành khách của hang Hàng Không Đông Phương đi Nữu-ước hồi sáng ngày hôm nay. Hiện giờ ông ấy đã ở Nữu-ước và hai nhân viên ưu tu của chúng tôi đang cố tìm cho được tung tích ông ấy. Thứ hai là ông ấy đã ghi tên xin giữ một phòng ở boong A của chiếc Queen Victoria, sẽ nhổ neo vào ngày Thứ Hai. Ông có thể nói em ông định đi đâu?
Tôi nhìn ông ta một hồi lâu, trong lúc cố dằn cơn giận xuống, rồi mới nói:
- Chiếc Victoria sẽ ghé Queenstown-Cobh-và Le Havre với Southampton. Đó là một dự đoán điên cuồng.
- Không đến nỗi điên cuồng đâu. Ông có muốn cá em ông sẽ xuống bến Le Havre?
Tôi bảo:
- Ông đã quẩn trí hay sao? Nhưng nếu quả thật em tôi đi, nhân viên của ông có thể chận bắt tại bến tàu Cunard sáng Thứ Hai.
- Ông vẫn còn không tin à? Chúng tôi… không hề có ý định đó. Vâng, chúng tôi có thể chận bắt ông ấy. Nhưng chúng tôi không muốn. Như vậy sẽ gây rắc rối. Tôi định hành động một cách khác – một cách bán công khai và không gây tiếng vang. Tôi nghĩ chỉ có ông làm công việc này là hay hơn hết.
- Tôi? Tôi đi bắt em ruột của tôi? Ông điên mất rồi. Chính ông vừa bảo tôi không tin chuyện này một chút nào. Theo ý tôi thì em tôi đã chết.
- Ông làm sao biết được?
- Em tôi thà chết còn hơn là điều mà ông nghi ngờ. Ông nên suy nghĩ lại. Hình như ông tự hào mình là một người giỏi lý luận. Theo lời ông thì đâu có gì hữu lý? Chẳng lẽ em tôi dùng tên của mình khi đáp phi cơ của hãng Hàng Không Đông Phương? Hoặc trong bảng danh sách hành khách trên tàu Victoria? Tôi muốn nói, nếu em tôi bị đầu độc tư tưởng.
- Ông làm sao biết được ông ấy hành động như thế nào?
- Điều đó ai cũng phải hiểu. Ông vẫn không biết rõ em tôi đã bay qua Nữu-ước.
- Dunbar, ông coi thường chúng tôi quá. Chúng tôi đã kiểm soát mọi đường bay rời khỏi đây. Chúng tôi đã hành động rất nghiêm ngặt, đưa hình ông ấy cho nhân viên hàng không. Hãng Đông Phương là nơi cuối cùng chúng tôi dò hỏi. Quả thật là kẹt cứng nếu chúng tôi không tìm thấy ghi chú về đường bay với tên họ ông ấy ghi rõ ràng trên đó. Còn việc tìm tên ông ấy trong danh sách viếc Victoria thì quá dễ. Tôi phải nhìn nhận tôi vô cùng ngạc nhiên vì ông ấy đã dùng tên thật.
- Chỉ vì thế mà ông nghi ngờ kết luận của ông về việc em tôi bị đầu độc tư tưởng.
- Ồ, tôi vẫn thường dùng thủ đoạn nửa hư nửa thực đó. Dunbar, ông hãy nghĩ kỹ lại đi trong lúc tôi gọi rượu.
Ông ta bắt gặp ánh mắt của viên quản lý và gọi hai ly Martini với cà phê.
Đầu óc tôi vẫn còn choáng váng vì nghi ngờ và thiếu ngủ. Tôi rối trí vì những lý luận của ông ta, nhưng chuyện này quả thật rất kỳ lạ. Tôi không phải là một chuyên viên điều tra có huấn luyện căn bản, và tôi không quen nhảy tới một kết luận minh bạch như thế, khi không có một bằng chứng nào hiển nhiên mà chỉ vin vào những phỏng đoán. Ông ta gần như hoàn toàn tin tưởng vào giả thuyết của mình. Nhưng tôi vẫn còn bám lấy một cái phao mà ông ta không trông thấy. Tôi chợt có quyết định đưa ra cho Dillingham xem.
Tôi liền đưa cho ông ta bức thư Laura đã trao cho tôi hồi chiều ở Belvedere, phía trên Warrenton. Laura đã băn khoăn về việc Ted phải đi công tác đúng lúc tôi về tới, khi nghe tôi kể chuyện, đã đưa cho tôi xem bức thư cuối cùng của Ted gởi cho Laura.
Dillingham từ từ đọc:
Laura,
Anh Stuart vừa gọi điện thoại từ Luân-đôn cho hay anh ấy sẽ đến vào khoảng bốn giờ chiều ngày mai (Thứ Tư). Anh ấy và anh sẽ lái xe hơi về Belvedere sau khi ăn tối. Đáng lẽ anh về sớm hơn, nhưng tối nay anh có một cuộc hẹn quan trọng trong một bữa ăn. Có lẽ em còn nhớ những người sắp ăn cơm tối với anh. Họ là bạn của em và Harry, hay ít ra cũng là người quen mà anh đã gặp trong một dạ hội ở Cựu Kim Sơn hôm em dẫn anh đi theo – đó là Jacques de Ménard và Monique, cô em gái của anh ta. Anh ta là một tay cừ khôi về ngành điện tử ở Pháp, và anh ta muốn nói chuyện với anh về một bằng sáng chế của anh.
Sẽ gặp em ngày Thứ Tư.
Dưới bức thư là chữ ký “Ted”, đúng nét chữ của em tôi. Dillingham ngẩng lên nhìn tôi khi ông ta đọc xong bức thư. Mặt ông ta hơi nhăn lại trong lúc nói với tôi:
- Bây giờ ông mới chịu kể cho tôi nghe một chuyện mà tôi chưa được biết. Tôi đoán Laura là em gái của ông?
- Vâng.
- Và ông đã không cho bà ấy hay em ông đã chết?
- Không. Chắc ông còn nhớ, tôi không tin chuyện đó.
Ông ta bảo:
- Nhà ông cụ của ông ở đồi Belvedere, phía trên Warrenton, tôi biết chỗ này. Còn Harry là ai?
- Chồng của em gái tôi. Em gái tôi sinh sống ở Cựu Kim Sơn và có chồng là một luật sư cố vấn cho nhiều công ty điện tử ở miền duyên hải phía tây.
Ông ta có vẻ trần ngâm.
- Tôi không ngờ ông lại có thể cho tôi hay một điều mà tôi không được biết, ngoại trừ về quyền khai thác sáng chế cảu em ông.
- Điều gì?
Ông ta nhìn tôi một cách chăm chú.
- Ông có biết hai anh em Ménard?
- Không. Còn ông?
- Ông ta là sáng lập viên có thiên tài và hiện giữ chức chủ tịch một hãng điện tử Pháp – Compagnie Electronique Francaise, S.A., thường được gọi tắt là CEFSA. CEFSA chính là hãng đã sáng chế chiếc hộp nhỏ màu đen đầu tiên mà tôi vừa kể cho ông nghe.
- Trời ơi!
- Đúng như ông nói. Hoạt động của Ménard rất rộng lớn, tôi đã biết chắc như vậy. Có lẽ không phải chỉ là một sự tình cờ. Ông chắc chắn không còn gì khác muốn kể với tôi?
Tôi gay gắt bảo:
- Dillingham, tôi đã muốn nôn vì cái lối nói chuyện đầy ác ý của ông. Dù tôi có biết chuyện gì đi nữa tôi cũng sẽ không nói cho ông đâu. Nhưng có một chuyện mà tôi sẽ làm. Tôi sẽ ra bến tàu Cunard vào sáng Thứ Hai. Nhưng không phải vì tôi nghĩ rằng sẽ gặp Ted ở đó. Ted đã chết rồi, điều đó còn chắc chắn hơn cả sự kiện các nhân viên của ông còn sống, dù em tôi đã làm gì với chiếc hộp màu đen đi nữa. Nhưng tôi sẽ đến đó, chỉ để chứng tỏ rằng ông đã lầm. Tôi hiện đang được nghỉ phép một thời gian ngắn. Tôi sẽ theo chiếc Victoria trở về Southampton, và tôi sẽ chứng tỏ Ted không có mặt trên tàu.
Dillingham mỉm cười với tôi, một cách khoan hòa.
- Thế là hơn cả những gì tôi ước mong. Cám ơn ông. Tôi chỉ ước mong ông chứng tỏ được điều đó. Tôi có thể lấy vé cho ông? Mặc dầu vào mùa này, nhưng bây giờ đã muộn, mua được vé không phải là chuyện dễ.
- Nếu ông bảo cô thư ký của ông đừng xếp vào hồ sơ liên bang.
Ông ta bỗng bật cười lớn, khiến cho mấy người bồi đều nhìn về phía chúng tôi. Cuối cùng ông ta nói:
- Được, tôi sẽ làm theo lời ông. Nhưng tôi cũng sẽ cho một người của tôi đáp chuyến tàu này để quan sát diễn tiến của nội vụ.
- Như vậy có nghĩa là tôi cũng đang bị nghi ngờ?
Dillingham không cười nữa.
- Điều đó khiến cho ông ngạc nhiên hay sao?
- Không có gì làm cho tôi ngạc nhiên.
Ông ta trầm ngâm nhìn tôi một lúc rồi bảo:
- Dunbar, tôi đã đọc kỹ hồ sơ lý lịch của ông. Tôi biết rõ đoạn đời đã qua của ông không khác gì chính tôi đã sống đoạn đời ấy. Tôi cũng đã đọc bốn cuốn sách của ông: Đường Về, Lắng Nghe, Thành Đô và Chẳng Ai Tìm Dấu. Cuốn thứ nhất là cuốn sách viết về chiến tranh hay nhất trong số sách cùng loại mà tôi đã có dịp đọc. Nhưng dù sách có hay đến mức nào tôi vẫn không tin người viết. Dù đó là một người đã từng đoạt Hải Quân Bội Tinh.
Tôi cho ông ta biết luôn:
- Ted đã chiếm Ngôi sao Bạc ở Triều Tiên. Tại Chosin Reservoir.
Ông ta vẫn không hé môi cười.
- Thế thì tôi tin ông ấy ít hơn ông một chút. Ông có muốn nghe tôi kể một vài điều tôi được biết về ông?
- Do những nguồn tin nào?
- Ba người bạn xưa cũ nhất của ông. Đầu tiên là MsKcendrick, chủ bút tờ Daily Galaxy xuất bản ở Honolulu.
- Ồ! George.
- Kế đó là Selden, giám đốc phân bộ Viễn Đông của Thế Giới Ngân Hàng (World Bank)
- Ồ! Charles.
- Cuối cùng là Wellfleet, giám đốc Chi Nhánh Đông Kinh của Hiệp Hội Báo Chí Liên Bang (Federated Press Associations).
- Ồ! James.
- Những chi tiết về các cuộc phỏng vấn mà các điều tra viên của chúng tôi đã thu hoạch được quả thật rất khác thường – khác thường từ chiều sâu cho đến chiều rộng. Lúc này tôi có thể cho công bố, nhưng tôi không muốn. Tôi sẽ mô tả một vài nét đại cương về con người của ông, căn cứ theo nhửng phúc trình mà tôi đã đọc.
Tôi gật đầu:
- Để mình hiểu nhau. Xin ông cứ mô tả.
Ông ta khởi sự ngay:
- Ông là một con người lãng mạn, trước ai hết, và có lẽ cũng sau ai hết. Ông kiêu căng một cách hoang đường về tổ tiên Tô-cách-lan của ông. Ông là người kín đáo về phương diện vật chất nhưng không mấy kín đáo về phương diện tin thần và tình cảm. Ông thường tự hành hạ vì những tư tưởng hoài nghi về bất cứ những gì ông đã làm – không phải trước mà sau khi đã làm xong. Theo lời các bạn ông, đó là một việc thừa, vô ích. Ông có lòng can đảm của một người không giàu óc tưởng tượng, mà thật ra không phải như thế. Ông tự cho mình là một kẻ khổ sở và khó khăn mỗi khi cần phải giải quyết một việc gì, mà thật ra cũng phải như thế. Bình thường ông không tin tưởng mình có thể bình tĩnh đương đầu với nguy hiểm. Ông lại đã nhất định từ chối Hải Quân Bội Tinh mà ông đã được đề nghị trao tặng tại Guadalcanal, nhưng người ta không chịu để cho ông từ chối. Vì thế, ông không bao giờ đem ra mang.
Tôi trầm trồ:
- Chà, mê ly quá.
- Họ còn cho tôi biết ông là một con người kỳ lạ khi thì vui tính, khi thì lại rất nghiêm trang – có lẽ chính là một trong những người cuối cùng thuộc dòng dõi quí tộc. Ông không bao giờ kể cho bất cứ ai nghe về chuyện về bất cứ một người đàn bà nào mà ông đã từng quen biết, dù trong những lúc say – và họ cũng kể với tôi ông là một tay uống rượu đến cùng nếu ông muốn. Đàn bà nhận thấy ông quyến rũ và vô hại – quyến rũ bởi vì ông có vẻ rụt rè, và vô hại bởi vì ông là một người hiền lành.
Ông ta ngừng lại và uống cạn ly rượu.
- Như thế có đủ không?
Tôi lắc đầu.
- Hơi quá đáng thành ra không được đúng. Bây giờ tôi xin phép về?
- Ông cứ tự nhiên. Để tôi trả tiền xong là mình có thể đi ngay.
Mấy lời sơ lược của ông ta khiến cho cả tâm trí tôi lay chuyển. Tôi suy nghĩ mãi trong lúc bước dọc theo căn phòng và đi vào buồng rửa tay ở phía sau hành lang. Tôi biết câu chuyện về đàn bà xuất phát từ đâu. Trong ba ông bạn cố tri của tôi chỉ có James Wellfleet là người hiểu tôi nhất về điểm đó.
Có nhiều người đàn ông – nhiều hơn quý bạn có thể tưởng – thường nhìn người đàn bà như nhìn một phần của một tổ chức, gần như vô hồn, như chỉ là một món đồ, một vật không có cá tính: máy lạc thú, máy đẻ con, máy giặt rửa, máy may vá. Tôi không phải là một người trong hạng này. Có lẽ chính vì vậy mà Dillingham đã sỉ vả tôi là kẻ rụt rè. Không rụt rè với một cái máy là chuyện quá dễ. Không rụt rè với một đồ vật không có cá tính thì lại càng dễ hơn nữa
Chính vì vậy mà tôi thường rất dễ lúng túng. Những bàn tay con gái mướt lông tơ, những cổ tay con gái no tròn, sự đụng chạm của lông nheo con gái và hơi ấm của da thịt con gái, tất cả đều có thể thấm sâu vào hồn tôi chỉ vì tôi nhận biết được. Chắc vì vậy mà tôi hay rụt rè.
Trên đường về, tôi nói với Dillingham:
- Tôi muốn xem qua căn nhà của em tôi, nếu ông thấy không có gì trở ngại.
- Tôi không thấy trở ngại. Chúng tôi đã lục soát hết sức kỹ. Tôi sẽ cùng đi với ông.
- Ông có chìa khóa?
- Vâng. Mình hãy đi xem thử. Rất có thể ông sẽ trông thấy một điểm nào đó mà người của tôi đã không thấy. Nhân tiện, tôi khuyên ông chớ nên lo lắng về việc chôn cất xác chết. Dunbar, ông nên tin tôi, đó không phải là xác em ông đâu. Chúng tôi vẫn chưa biết đó là xác của ai, nhưng nhất định không phải là của ông ấy.
- Tôi vẫn còn không tin như thế.
Quả thật tôi không thể nào tin nổi. Tin chuyện đó tức là phải tin luôn điều mà chắc chắn Ted không thể làm.