Lúc này chính Phan tự biết rằng mình với cái ngày cuối cùng thấy càng xáp gần lại nhau lắm rồi, chẳng còn xa cách bao nhiêu nữa. Nếu phải là người ham sống sợ chết, thì bây giờ chỉ có việc treo lên một vuông cờ trắng, rồi đem quân gia khí giới ra đầu hàng, quy thuận bảo hộ tất là được dung thứ trọng đãi ngay, mặc dầu 10 năm một tay cụ đã làm cho bảo hộ hao tốn bộn bàng quân lính và tiền bạc. Dám chắc, nếu Phan chịu ra hàng, thế nào cũng được biệt đãi hơn những đề đốc Lê Trực và Tấn sĩ Phan Trọng Mưu rất xa. Một là vì cuộc bảo hộ mới lập xong buổi đầu, người Pháp cần thâu phục nhân tâm hơn là ham muốn sát phạt, nghiêm khắc. Hai là, nói cho công bằng, đối với mấy tay lãnh tụ văn thân cứng cõi, gan dạ, như bậc Phan Đình Phùng, bảo hộ vì lẽ chính trị phải đánh dẹp thì đánh dẹp, chứ trong thâm tâm của những người Pháp chuộng công là nhân đạo vẫn quý trọng ai là người biết yêu nước quên mình như thế. Tôi không dám đâu khí mình được xem hết thảy những sách của chính gia võ tướng Pháp biên chép về các võ công đánh dẹp buổi đầu bảo hộ, nhưng mà dám nói rằng ít nhiều cuốn tôi được xem, trong đó mỗi khi nói đến Phan Đình Phùng, thì họ đều viết “Le rebelle” (người không chịu phục nhà nước) hay là "Le docteur rebelle" (ông nghè phản đối), chứ không gia cho cái tiếng nặng là "pirate" hay "bandit" (quân giặc cướp), như đối với Đề Thám. Chính ngay Đề Thám, nhiều người Pháp nói đến, ví dụ như Paul Chack, gọi là "bandit", nhưng ông Toàn quyền Paul Doumer nói ngay thẳng: "Đề Thám không phải là ăn cướp, mà chính là tay đầu đảng An Nam phản đối chống cự và đánh nhau với ta đã 10 năm nay”. Vậy cho biết rằng lẽ phải thì ai có bụng công bằng cũng quý chuộng nhìn nhận, không cứ là người nước nào. Chắc độc giả còn nhớ có một đoạn trên kia tôi đã nói chính Phan đã cảm hoá Đề Thám cả quyết nổi lên phản đối ở Bắc hà; những ngày tháng cuối cùng của Phan ở khoảng Hồng Lam tức là ngày tháng bắt đầu của Đề Thám dấy lên ở miệt Yên Thế vậy. Ta nên biết tình thế đến lúc Đề Thám, cuộc bảo hộ đã vững vàng nền móng lắm rồi, mà Đề Thám giả hàng còn được bao dung trọng đãi đôi ba phen, huống chi là sớm hơn đó mười mấy năm, nền móng bảo hộ mới đắp còn chông chênh vất vả, tự nhiên nếu Phan chịu ra hàng, tất được trọng đãi bao dung. Đã vậy mà nhân phẩm Phan cũng cao hơn nữa, đáng cho bảo hộ cần thâu phục cảm hoá hơn. Tôi muốn nói dông dài ở chỗ này cốt để tỏ ra thời cơ rất thuận tiện cho Phan quy hàng bảo hộ chắc được yên thân, xong việc biết bao. Nhưng mà cụ, lâm vào đường cùng cảnh khốn đến như lúc đang nói đây, vẫn giữ vững tâm chí thẳng như tên, cứng như sắt, thà chịu đói, chịu khổ chịu đau đớn đủ thứ, rồi chịu chết bỏ xác giữa rừng, chứ không chịu quăng súng xuống đưa tay lên, để cầu sự yên ổn phú quý; thế là biết cụ khí khái can cường đến bực nào vậy. Nhất là tự biết mình chết đến nơi mà cứ ông dung, cứ không khái, cứ tự nhiên! Thật vậy, lúc này cụ dư biết mình đã lâm vào tuyệt lộ rồi, việc cứu quốc cần vương đến lúc hư hỏng tan tành nhân lực, không làm sao cãi lại được nữa. Vốn là nhà nho, cụ tin nơi thiên mệnh có lạ gì. Nhưng cụ cũng tự biết nhân lực không đủ. Ta nhớ trong bức thư trả lời Hoàng Cao Khải, cụ chẳng tự sánh việc mình làm như kiểu con bọ ngựa nhỏ nhoi muốn dơ tay lên cản chiếc xe to lớn đó sao! Có điều là vì khí tiết, vì danh nghĩa, vì phận sự làm tôi đối với vua, làm dân đối với nước, đã trót ra tay thì phải làm tới chết. Vậy thì nay còn có đôi chút sức thừa nào, cũng đem ra cho hết, để chết một cách oanh liệt, không cần phải dè dặt sức mình hầu dùng mai sau như mấy năm trước. Thì đóng quân ở trên một trái núi thuộc về thung lũng Vụ Quang, gần bên quân lính bảo hộ, nghĩa là cụ Phan không trốn sự đánh chút nào. Không ngờ trận đánh ở Vụ Quang, cốt đánh để tháo đường và liều thân, lại là trận đánh dữ tợn nhất, thống khoái nhất cho nghĩa binh từ 10 năm nay. Đã nói cây đèn hết dầu bao giờ cũng phựt lên một cái sáng loà rồi mới tắt. Hồi này cụ có ý buồn bực lắm. Phần thì buồn về công việc hư hỏng, phần thì mấy tháng nay khổ sở bôn tẩu mãi, thành ra tuổi chưa mấy già mà người đã suy yếu nhiều lắm. Có bữa, cùng mấy viên tuỳ tướng đi dạo chơi trong rừng, phía trước thảo trại, cụ Phan ngó lên thấy đám mây bạc ở xa xa, chạnh nhớ đến nơi phần tử đang bị tan hoang phiêu dạt vì mình; hương khói và xương cốt tổ tiên mình bị lạnh lùng bới móc lên cũng vì mình, cụ lấy làm cảm động đau đớn hết sức. Trông về phía bắc mịt mù, nhớ đến vua chúa cũng đau lòng; cho tới nghe tiếng chim kêu vượn hú, lá rụng cây reo mỗi mỗi đều gợi mối quan hoài tương cảm ở trong cõi lòng sâu xa, khiến cho cụ bùi ngùi vô hạn. Một lúc cụ phải bật tiếng thở dài, nói với mấy viên tuỳ tùng tướng sĩ: - Trước kia ta nghe những tiếng này, trông thấy những cảnh này, lòng ta phấn khởi biết bao, tưởng chừng gặp kẻ đối địch chỗ nào ta cũng nhảy tới bóp cổ moi gan ra ăn được mới khoái. Nhưng bây giờ cũng trông thấy cảnh này, nghe những tiếng này, lòng ta tê tái rầu buồn hết sức. Người có chí làm việc lớn mà trời không cho làm được, ở đời còn có nỗi gì đau đớn hơn nữa! Rồi cụ chỉ tay ra phía xa và nói: - Ngó non sông tốt đẹp thế kia mà không phải của mình làm chủ nữa, thảm chưa? Những người đi theo nghe mấy lời ấy đều ứa nước mắt; chừng ngó lại chủ tướng, té ra thấy hai gò má cũng điểm nhiều giọt lốm đốm như giọt sương mai, từ cặp mắt đỏ hí kia vừa mới nhỏ xuống. Thầy trò khóc với nhau giữa rừng! Than ôi! một người anh hùng có chí vẫy vùng bốn biển, cứu hộ muôn dân, muốn xoay lại non sông, chọi với thời thế, mà nay bị xô, bị nhốt vô trong vòng cùng đường bí nước như vầy, không phải bi thương thốc khốc sao được. Có lẽ cây kia đá nọ cũng phải nhỏ mồ hôi và nát trong ruột nó giùm cho, đừng nói chi là chính người đang có thân thế, cảnh ngộ ấy! Nhưng đã nói với Phan có cái quyết tâm rằng mình còn chút hơi nào cũng gói ghém lại để đem ra chống chọi với thời cuộc cho hết, tới lúc xuôi tay nhắm mắt mới thôi. Bởi vậy không thể nào đối cảnh mà ngậm ngùi bi thương mãi được, cụ phải nghĩ cách chống cự với giặc, kẻo nghĩa binh tạm đóng trên núi này, thế nào sớm muộn nay mai quân lính bảo hộ cũng tới vây đánh, không sao tránh khỏi. Điều ấy chính cụ đã tự liệu trước rồi. Ngó xuống sông Vụ Quang thấy quanh co một giải trắng phau, nước cuồn cuộn, cụ Phan đổi ngay sắc mặt buồn ra vẻ vui mừng: - Nếu quân Pháp kéo tới đánh ta, thì con sông kia có thể cự địch được lắm. Tướng sĩ ngẩn ngơ, không ai hiểu được là ý gì, trừ ra một mình Nguyễn Mục hình như hiểu thấu quân cơ này, cho nên sau khi cụ Phan nói rồi, nghe ông ta ông thanh mà tiếp: - Chắc họ được uống nước sông đó một bữa no nê. Rồi đó thầy trò lững thững trở về thảo trại thương lượng việc quân. Quả nhiên chỉ cách vài ngày sau, quân lính bảo hộ biết tin nghĩa binh đang đóng trên trái núi bên kia, liền thăm dò địa thế để kéo binh tới công kích. Phải biết mỗi ngày nghĩa binh đều cử ra một vài người giả làm chú tiều, xách búa qua núi Vụ Quang chặt củi, kỳ thật để xem xét binh lính của bên đối địch. Lính tập ngó thấy, nhưng tưởng là dân núi đốn củi thật, không nghi ngờ gì. Mấy chú còn lân la nói chuyện với họ và hút thuốc của họ mời nữa là khác. Nhờ vậy mà công việc xếp đặt của lính tập ra sao nên nghĩa binh biết cả. Khi được tin về cáo cấp, cụ Phan hội chư tướng lại để bàn cách chống cự. Lần này cụ có trận thế sắp đặt trong lòng và có chủ trương nhất định, cho nên không có ý lo ngại và tính kế lui binh như mấy lần trước. Nhưng các tướng lúc bấy giờ đều có sắc lo, là vì hiện thời nghĩa binh chẳng những quân lương đã thiếu thốn cực khổ, mà ngay khí giới súng đạn cũng không còn sót lại được bao nhiêu, nếu phải cầm cự lâu ngày như ở Đại Hàm trước kia thì khốn. Họ lại suy nghĩ trái núi mình tạm trú đây không có hình thế chi hiểm yếu thuận tiện, vậy thì lấy gì mà chống giữ cho được. Còn sự trông mong ở các quân thứ kia đem binh tới cứu viện cũng không xong, vì hồi này quân thứ nào cũng nguy như nhau hết thảy. Hoặc đã vỡ lở, hoặc bị nghẹt đường, đến vận lương ăn còn không được, còn nói đem binh đi cứu viện thế nào? Nhưng tới khi nghe cụ Phan nói rõ kế sách không địch, một mình Nguyễn Mục giữ vẻ tự nhiên, bởi ông ta đã đoán biết từ trước rồi, còn tướng sĩ đều có vẻ hớn hở vui mừng hiện trên nét mặt. Kế ấy thế nào? Tức là ở trong câu nói Phan đã nói bữa trước: "Con sông kia có thể cự địch được". Thật vậy, bây giờ cụ nói rõ cho chư tướng nghe: - Phải dùng kế "sa nang ông thuỷ" của Hàn Tín đánh quân Sở ngày xưa mới được. Liền đó, cụ truyền lệnh cho quân sĩ lên tuốt trên đầu nguồn, mượn lấy những khúc gỗ lim to lớn của bọn lái buôn cây đã chặt sẵn sàng để ở trên ấy; ngoài ra lại tự chặt thêm mấy trăm cây lớn nữa. Trên miệt rừng núi này thiếu gì cây to. Những cây ấy, quân sĩ chịu khó ra sức ghép liền lại với nhau, thành từng bè lớn, vừa đóng suốt thân cây này qua cây kia cho chặt, vừa lấy mây trong rừng cột lại thật cứng, rồi đặt ngay trên nguồn làm như hàng rào hay cánh cửa để chặn ngay đầu nguồn của sông Vụ Quang là sông phát nguyên từ trên núi này chảy xuống. Nghĩa binh cốt chận đầu nguồn cho nước dưới sông cạn nhiều, sẽ dùng kế dụ địch cho quân lính bảo hộ qua sông; đợi họ qua tới giữa sông thì bấy giờ trên đầu nguồn chặt giây cho nước đưa cây trôi xuống ào ào như thiên binh vạn mã, và ngay mé sông chỗ đó lại đặt phục binh, thế nào quân lính bảo hộ cũng phải tử thương không ít. Quân sĩ y theo kế ấy mà làm gấp rút cho xong. Những người gác ở đầu nguồn cầm sẵn dao sắc búa lớn trong tay đợi nghe có ám hiệu phát lên thì đồng thời chặt giây mau lẹ cho cây trôi xuống phăng phăng một lượt. Cái kế "Sa nang ông thuỷ" của Hàn Tín đánh Sở ngày xưa là vậy đó. Chỉ khác là Hàn Tín xưa dùng bao cát để chận nước lại, thì bây giờ cụ Phan dùng cây gỗ. Quả thật, quân lính bảo hộ kéo qua đánh trái núi có đồn nghĩa binh lúc quá nửa đêm. Trước khi quân lính bảo hộ chưa đến nơi, thì cụ Phan đã kéo binh sĩ dời qua đóng trên một thung lũng núi khác. Lính tập đến vây bọc trái núi có lấp ló đồn trại nghĩa binh ở trên, mấy phía đều chĩa súng lên đó mà bắn như mưa rào. Nhưng họ bắn hoài huỷ, không thấy nghĩa binh ở trên bắn trả một tiếng súng nào. Ban đầu tưởng là nghĩa binh nằm mọp ẩn núp chung quanh đâu đó, nhưng tới sau bắn trúng vô những đồn trại bằng cây lá, phát lên cháy nghi ngút, cũng không thấy dấu tỏ động tĩnh của nghĩa binh, bấy giờ họ đoán chắc là nghĩa binh đã sợ hãi bỏ chạy từ hồi nào rồi, đồn trại chỉ là đồn tại bỏ không đó thôi. Viên tướng cầm quân liền hô quân xông lên núi thử xem hư thật. Lên đến nơi, thấy còn sót lại năm bảy cái nhà lợp tranh chưa cháy, lính tập áp vô cũng chẳng thấy bóng người nào hết, trong mỗi nhà tranh chỉ có ít nhiều khí giới là dao cùn, gươm mẻ, bỏ nằm ngổn ngang. Quân lính bảo hộ thấy vậy càng tin chắc nghĩa binh sợ thua đã bỏ trại dông trước rồi, chứ trong ý không nghi chút nào là có mưu kế. Trong khi lính tập đang lục lạo ngẩn ngơ ở trong những đồn trại bỏ không như thế, thì bỗng dưới chân núi có một toán quân, độ một trăm mấy chục người, nổi trống phất cờ, và hò hét nhau làm như muốn kéo lên núi mà đánh. Rồi tiếng súng nổ đùng đùng tứ phía, khiêu chiến quân Pháp. Quân Pháp thấy giặc, tức tốc đổ quân xuống núi để đánh và đuổi bắt. Hai bên ứng chiến xa xa bằng súng đạn một chặp, đạo quân kia xem dường yếu thế vội vàng phải lui, nương theo những lùm cây và mô đất để tránh đạn. Nhưng đạo quân bại tẩu chỉ chạy một khúc đường lại nằm phục xuống bắn trả lính tập một hồi lại chạy. Cứ chạy lại bắn, bắn lại chạy, tới đôi ba lần như thế, lính tập càng cố rượt theo để bắt sống cả bọn cho kỳ được mới nghe. Ra tới sông Vụ Quang, đạo quân bại tẩu cứ chạy dựa bên mé sông, đến một chỗ thấy nước hơi cạn, thì bỏ hết cả cờ trống và quân giới lại mé bờ, rồi tranh nhau lội qua sông để thoát thân cho mau. Quân Pháp vẫn đuổi riết ở phía sau, tới chừng thấy quân kia sang sông, thì quân mình cũng ùa xuống mà sang, nước chỉ ngập trên đầu gối. Lúc quân Pháp lội ra đến lòng sông, bỗng dưng nghe trên núi cao có một tiếng lệnh nổi lên làm hiệu, tức thời bọn quân sĩ canh trên đầu nguồn, đồng thời chặt giây, tháo hết bè cây ra, cho cây trôi xuống. Lạ gì nước trên nguồn, bị cây chặn lại, tức đường bí lối đã lâu, nay cây tháo ra, tự nhiên nước có đường chảy xuống ào ào, cây theo nước từ trên cao trôi xuống phăng phăng rất mạnh. Quân lính bảo hộ vô tình, lại không may trời có sương mù, không thấy đàng xa, vả lại bị phục binh bắn xuống tưng bừng, nên chạy không kịp, bị những cây to xô ngã rồi trôi theo nước, chết đuối lềnh bềnh trên sông nhiều lắm. Trận này, phía quân bảo hộ, không kể lính tập, chết mất ba viên quan võ Pháp, và nghĩa binh lấy được gần năm chục khẩu súng, cùng là đồng hồ, giây nịch bằng da và tiền bạc vô số. Thật là một trận đánh chỉ cốt đánh để thoát thân, mà té ra lại là một trận đại thắng từ trước đến nay chưa có vậy. Về sau, một người chí sĩ là Phạm Văn Ngôn, đi qua chỗ này có làm hai bài thơ "Hoài Vụ Quang cố sự", tiếc rằng tôi chỉ nhớ có một bài như sau: Phi vi hiểu vụ toả hàn khê, Châu lạp ô thương phục ngạn tê. Nhất hưởng đồng la hàm sát tặc, Đại gia tề quyết thượng lưu đê.
Dịch là: Gió lạnh sương mù buổi rạng đông, Ba quân phục sẵn ở bên sông. Chiêng khua một tiếng quân reo dậy, Đê phá trên nguồn nước chảy hung.
Tức là bài thi kỷ niệm thực sự của trận đánh này vậy.