Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Nhân Vật Lịch Sử >> Phan Đình Phùng

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 11867 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Phan Đình Phùng
Đào Trinh Nhất

15. Hoàng Cao Khải

Cao Thắng tử trận, cụ Phan kêu trời khóc lóc thảm thương là phải. Tôi được gặp một ông già trên 70 tuổi, chính là một người lính trong đội binh tử sĩ, sớm tối hộ vệ cụ Phan lúc đó, thuật chuyện rằng chính mắt ông được thấy ròng rã nửa tháng, bất cứ lúc nào chạnh nhớ đến Cao Thắng là cụ khóc lúc ấy. Sự cảm thương quá độ làm cho cụ mất ngủ quên ăn, không mấy bữa mà mặt võ mình gầy, khí sắc tiều tuỵ trông thấy. Chư tướng phải thay phiên nhau chăm nom khuyên giải mãi, cụ vẫn không nguôi cơn nhớ thương phiền não!
Nghĩ lại cũng không lại gì. Bởi người anh hùng tráng sĩ đó có chỗ ỷ trọng cần dùng cho cụ như là chân tay đối với thân thể, không sao thiếu được; chẳng những vì Cao Thắng là người trí dũng ít có mà thôi, lại chính là nhà kỹ sư, một tay giám đốc chế tạo súng đạn là món cần nhất; mấy ngàn tướng sĩ trông cậy vào đó, trọn cả phong trào để không quan hệ ở đó. Nay bỗng dương người ấy mất đi, đáng thương tiếc là một tướng tài đã đành, mà kiếm người thay thế còn có; chứ đáng thương tiếc là một kỹ sư quân giới thì nhiều hơn, mà lại không có ai thay thế nổi. Như vậy bảo cụ Phan không khóc thương sao được?
Huống chi cụ vẫn tự nghĩ mình tuổi cao sức yếu, tính mệnh mất còn chẳng biết đâu là sớm chiều, trong trí định sẵn một mai phó thác đại sự cho Cao Thắng cũng như ngày xưa Khổng Minh còn may phó thác cho Bá Ước được ít năm, còn đầu này một người đang cường kiện thanh xuân lại bị số mệnh rước đi về trước một ông già đã da mồi tóc bạc. Đó là một lẽ khác, khiến cho cụ Phan càng thêm thương khóc Cao Thắng.
Cây cột cái của toà nhà đổ mất, làm sao toà nhà khỏi bị xiêu vẹo rung rinh. Cao Thắng chính là địa vị cây cột cái của đại sự họ Phan đang làm, cho nên tôi nói Cao Thắng giữa đường mất đi rất có ảnh hưởng đến nguyên khí và thực lực họ Phan phải vì đó mà lung lay, thiệt thòi, suy kém.
Tuy vậy, thanh thế nghĩa quân bề ngoài vẫn còn sung túc oanh liệt, vẫn còn lên xuống gầm thét ở miệt thượng du Nghệ Tĩnh, sức của Bảo hộ dù mạnh gấp trăm gấp nghìn, nhưng không dễ một chốc quét sạch phá tan được.
Mặc dầu binh lính nhà nước bôn ba công kích luôn luôn công nhọc nhằn, mặc dầu có những hạng tuỳ thế lập công như các Tiễu phủ sứ Lê Kinh Hạp, Phan Huy Nhuận, Đinh Nho Quang, từng bày hết chước này tới mưu kia, nhưng nghĩa quân vẫn cứ đối luỹ giao phong, chưa chịu đuối hơi lui bước.
Lịch sử thiên hạ xưa nay, không hề có một cuộc chinh phục ở đâu mà người ta không chiêu nạp lợi dụng ngay những kẻ sinh trưởng ở đó làm quân sĩ, làm mưu thần, làm sai nhân, làm hướng đạo. Tước lộc vàng bạc đàng này đổi lấy mưu mô công sức đàng kia. Những hạng người khéo biết hay là đành phải lựa gió bẻ măng, thuận buồm xuôi nước, đời nào không có, xứ nào không có. Xưa kia, tổ phụ chúng ta còn oanh liệt, những lúc ta đi chinh phục Chiêm Thành, Chân Lạp, cũng phải cần có ít nhiều thổ dân hai xứ ấy làm sai nhân mưu sĩ cho mình chứ sao? Nó là một công lệ tự nhiên ở trong các cuộc chinh phục người ta, có đâu qua khỏi.
Thời, cuộc Bảo hộ mới định ban đầu ở nước ta cũng thế.
Nhưng nói gì nên nói cho công bằng: trong những người bản thổ trước đây tuỳ thế lập công và bày mưu hiến kế cho Bảo hộ về công việc bình định đảng nghịch, tiễu trừ văn thân, có người biết cưỡng lại cũng vô ích, cho nên đành phục theo thời thế mà mưu lợi cho nước cho dân; có người không biết lẽ đó, chỉ dựa lấy thời thế oai quyền, trở lại nhiễu hại nhân dân, sính làm hoạ phước.
Hạng dưới này, đối với việc phá hoại cụ Phan, không để sót tâm lực gì không đem ra, không còn thiết mưu kế nào không bày sử. Họ dư biết phong trào văn thân cụ Phan làm chủ còn như cây đinh trước mắt, như bụi gai trên đường của Bảo hộ, nếu họ bày mưu nghĩ cách gì phá tán đi được, tức là cơ hội cho họ nên công danh to, được phú quý lớn.
Trước hết họ tìm kiếm tảo trừ vây cánh văn thân.
Cuộc vận động để không cự văn thân Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ mà cụ Phan Đình Phùng chủ trì, sở dĩ có cơ sở, có thinh thế, tràn lan được rộng, và chống đỡ được nhậy, là nhờ có lòng dân quy phụ, sức dân giúp ngầm rất nhiều. Ngoài ra những người là bậc kiện nhi tráng sĩ không từ sống chết, bỏ hết gia hương, đi theo văn thân một cách phân minh, còn những người vẫn an cư lạc nghiệp ở nhà, hình như vô tâm vô sự, nhưng kỳ thiệt là ngấm ngầm hưởng ông tán trợ văn thân bằng tinh thần, bằng tiền bạc lúa gạo, bằng sự bôn tẩu hô hào, đó là vây cánh gián tiếp của văn thân, có lẽ không một làng xóm nào không có ít nhiều.
"Muốn trừ văn thân, ta hãy lo chặt vây cánh của văn thân trước”, bọn tuỳ thế lập công suy nghĩ như thế, bèn ra tay trấn áp ở trong dân gian, hoặc là bắt bớ hành hạ những ông già bà cả nào có thân nhân tử đệ đi theo văn thân, để cho thân nhân tử đệ xót tình máu mủ thì phải đâm đầu thò mặt ra hàng phục; hoặc là giam cầm trừng phạt những nhà có tư cơ sự sản đáng nghi là có bí mật quan hệ với đảng văn thân. Lúc đó dân gian Nghệ Tĩnh ở giữa cái không khí tao nhiễu kinh hoàng bao phủ nồng nực khó thở. Phải chi người ta đàn áp trừng trị những kẻ thiệt có con em đi theo văn thân, hay là thiệt có giúp ngầm văn thân, thì chẳng nói làm gì, vì lẽ mạnh được yếu thua, tội ai làm nấy chịu, là lẽ tự nhiên ở đời; nhưng đàng này bọn tuỳ thế lập công, làm oai làm dữ lung tung, muốn bắt ai thì bắt, muốn chém ai thì chém. Giữa lúc thiên hạ loạn ly, mạng người rẻ như cỏ rác, nhất là người có máu mặt, người có tiền dư, và người có tư hiềm cừu oán chút xíu gì với quan Tiễu phủ sứ và bộ hạ các ngài là dễ bay đầu mất mạng như chơi.
Thiệt vậy, hồi này thiếu gì người bị bắn, bị tù, bị đày, bị chết một cách oan uổng, chỉ vì lẽ có sự sản, có hiềm thù, chứ thật sự người ta không tội lệ gì, cũng không dính líu xa gần chi với văn thân.
Ta nên công bình nhìn nhận rằng sự hình phạt lung tung oan uổng nhân dân như thế phần nhiều chẳng phải là quan Pháp lính Pháp, mà chính là người Nam lính Nam, gọi chung là bọn tuỳ thế lập công đó.
Họ ra tay chặt vây cánh văn thân đến thế, mà sao phong trào văn thân cũng sôi nổi chưa yên; binh lính Bảo hộ vẫn phải đi đánh dẹp nhọc nhằn chưa xong? Té ra mưu kế của bọn tuỳ thế lập công chỉ làm cho dân gian tao nhiễu bất bình thì có, chứ không thâu được nhiều ít hiệu quả gì theo họ trù tính.
Chặt vây cánh của cụ Phan mà cụ Phan không ngã, họ bèn tính cách sao đánh ngay vào bản thân cụ Phan; nhưng cách đó không phải là dễ dàng thực hành, họ nghĩ ra cái thủ đoạn lạ lùng, muốn gián tiếp đánh ngã cụ là hành hạ nắm xương của tổ tiên cụ ở dưới đất. Họ nói với Pháp thế này:
- Bẩm, phong tục ở xứ chúng tôi, mồ mả đất đai ông bà rất có quan hệ đến sự sinh tử hoạ phước của con cháu đang sống. Cứ khai quật mồ mả ông cha nhà nào lên, tự nhiên con cháu nhà ấy đang giàu hoá nghèo, đang lành phải đau, đang an phải nguy. Phan Đình Phùng có lòng son gan sắt, mạnh khỏe cố chấp đến đâu cũng phải lo nghĩ đến phần mộ tổ tiên nhà mình, nay cứ đào lên, tất sao va cũng phải nao núng động hệ tới bản thân, không ra đầu hàng thì cũng bệnh tật suy vi mà chết!
Trong ý họ tin chắc rằng cứ khai quật phần một rồi sai người chiêu hàng, bề nào họ Phan cũng phải vì đạo hiếu, vì việc nhà, quăng gươm cổi giáp quy hàng, cho nên họ mới đành tâm hiến tới mưu kế như thế.
Ai chẳng phải cho là một mưu kế quá ư nhẫn tâm, vì nếu việc làm của Phan có phải là trái thời và đắc tội chăng nữa thì cũng chỉ một mình cụ đắc tội mà thôi, chứ nắm xương khô của tổ tiên cụ dưới đất có tội gì đâu, mà họ nỡ bày sử khai quật lên cho đành. Thật họ có lòng muốn cho phong trào văn thân yên đi, để xứ sở bình an, đồng bào khỏi khổ, chẳng lẽ họ không có cao tài diệu sách gì để giúp đỡ Bảo hộ và mưu lợi cho dân khác hơn hay sao, lại tính đến việc làm quái lạ thế ấy?
Hồi đó nhằm khoảng tháng 9 năm giáp ngọ (1894), một viên Tiễu phủ sứ (cố nhiên là người Việt Nam) dẫn một toán lính bảo hộ và quan huyện sở tại về làng Đông Thái, kêu là trưởng và kỳ mục ra chỉ dẫn phần mộ tiên tổ họ Phan ở chỗ nào, để họ đào lên, đem về để tại tỉnh thành Hà Tĩnh. Lại bắt giam nhiều người thân tộc của Phan nữa.
Cụ Phan ở sơn trại nghe tin, chắc hẳn trong bụng rầu buồn lắm, vì lẽ theo sự lễ giáo phong tục nước nhà thuở xưa, vẫn cho mồ mả là nơi thần thánh bất khả xâm phạm, nhưng bề ngoài cụ phải trấn tĩnh tự nhiên, để cho vững lòng tướng sĩ. Khi tướng sĩ tiếp được tin, bẩm cho cụ nghe, cụ chỉ cười nhạt mà nói:
- Ta đã tiên liệu tới sự ấy rồi, có gì lạ đâu.
Người ta đinh ninh chờ đợi tin tức xin hàng của họ Phan sai người đem lại, nhưng chờ đợi lâu không thấy động tĩnh gì, bấy giờ mới có bức thư trinh trọng khuyên hàng đưa lên Vụ Quang.
Người hạ bút viết bức thư khuyên nhủ Phan ra hàng, chính là người đồng hương, đồng thời với cụ, lại có tình thông gia với nhau nữa: ông Hoàng Cao Khải.
Lúc này họ Hoàng đang làm Bắc kỳ Kinh lược sứ tôn nghiêm hiển hách; người Pháp gọi là "phó vương" (vice roi). Thiếu gì người làng Đông Thái muốn tránh hoạ phải chạy ra Bắc, núp dưới bóng che chở và đầu thân làm môn hạ của họ Hoàng, ngay đến người trong thân tộc cụ Phan cũng có.
Xuất thân chỉ là một thầy cử nhân đậu trẻ, rồi ở nhà nhàn cư vô sự, cờ bạc chơi bời, đến đỗi bán hết gia viên điền sản, chỉ còn một nước tự tử đến nơi, họ Hoàng bỏ nhà đi ra Bắc hà, gặp được người tri kỷ, rồi cỡi voi đánh giặc, tuỳ thế lập công danh, thấm thoát không mấy năm mà làm tới kinh lược, phong tới Quận công, ai cũng phải chịu là người có tài lớn.
Nếu cụ Phan là anh hùng muốn tạo lại thời thế mà tạo không được, thì họ Hoàng chính là anh hùng bởi thời thế tạo ra.
Cùng thời, cùng làng, hai người đi khác hẳn con đường chí hướng, mà cùng đến chỗ cực đoan, cùng có tên tuổi lớn trong lịch sử. Đối với thời thế, mỗi ông là một đại biểu cho một trào lưu tư tưởng hành vi của Việt Nam: có họ Hoàng nên khí tiết họ Phan càng rõ rệt, có họ Phan nên sự nghiệp họ Hoàng càng vẻ vang, ấy là một chỗ sắp đặt của lịch sử éo le khôn khéo lắm vậy.
Cuối tháng 10 năm Giáp Ngọ, Hoàng Cao Khải viết thư rồi sai chính người nội đệ (em vợ) mình vừa là ông anh con nhà bác của cụ Phan là Phan Văn Mân đêm lên núi Vụ Quang. Không ai khác hơn ông này mà dám lĩnh mệnh đi sứ, nhất là đi sứ chiêu hàng, vì nếu người khác chắc là nghĩa binh làm thịt.
Mặc lòng là bà con thân quyến, Phan Văn Mân phải trải nhiều lớn gian nan nguy hiểm mới vô đến đại doanh. Mới thấy ông đường huynh thò mặt vô, cụ Phan cả cười và nói:
- Anh đi làm thuyết khách cho Hoàng Cao Khải khó nhọc lắm hè!
Vì cụ đã được tin báo trước cho biết.
Cụ xem thư rồi thở dài:
- Không dè người khuyên nhủ tôi ra hàng là cố nhân Hoàng Cao. Tôi thề quyết làm việc tôi làm đây tới cùng, dầu sấm sét búa rìu cũng không làm sao cho tôi thay lòng đổi chí được, anh về nói giùm cho Hoàng Cao biết như thế. Nếu tôi không làm xong được công việc vua uỷ thác, dân trông mong và không rửa hận cho khô cốt của tổ tiên ở dưới đất, thì chỉ có một cách là chết theo hoài bão tâm chí mình mà thôi.
Rồi tức thời, cụ cầm bút viết thư trả lời, trao cho ông Phan Văn Mân đem về. Lúc anh em từ biệt, cụ ân cần dặn với:
- Cũng may phước cho người đem thư chiêu hàng chính là anh, nếu là ai khác thì bộ hạ của tôi chắc làm tương mắm để gửi biếu Hoàng Cao nếm thử. Lần sau y có sai đi, anh đừng lãnh mệnh nữa nghe!
Ta đọc cả hai bức thư dịch ra dưới đây, tức như hai bức tranh phóng đại tâm tích chí khí của hai ông cùng một làng với nhau, mà hai đàng xa cách nhau tuyệt mù không thế nào gặp nhau được là phải.
Bức thư của Hoàng Cao Khải

"Đồng ấp Phan Đình Nguyên đại nhân túc hạ.
Tôi với ngài xa cách nhau, xuân thu đắp đổi trải đã mười bảy năm nay rồi. Dâu bể cuộc đời, bắc nam đường bụi, tuy là mỗi người đi một ngả khác nhau, nhưng mà trong giấc mộng hồn vẫn thường thấy nhau không phải xa xôi gì. Ngồi nghĩ lại ngày trước chúng ta còn ở chốn quê hương giao du với nhau, cái tình ấy đằm thắm biết là dường nào?
Từ lúc ngài khởi nghĩa đến giờ, nghĩa khí trung can, đều rõ rệt ở tai mắt người ta. Tôi thường nghe các quý quan (là các quan Pháp) nói chuyện đến ngài, ông nào cũng phải thở than khen ngợi và tỏ ý kính trọng ngài lắm. Xem như thế thì tấm lòng huyết khí t
ôn nhân, tuy là người khác nước cũng chung một tâm tình ấy thôi, không phải là người cùng thanh khí với nhau mới có vậy.
Ngày kinh thành thất thủ, xe giá nhà vua bôn ba, mà ngài mạnh mẽ đứng ra ông nghĩa, kể sự thế lúc bấy giờ, ngài làm vậy là phải lắm, không ai không nói như thế. Song le, sự thế gần đây đã xoay đổi ra thế nào, thử hỏi việc đời có thể làm được nữa không, dầu kẻ ít học thức, kém trí khôn, cũng đều trả lời không được. Huống chi như ngài lại là bậc người tuấn kiệt, chẳng lẽ không nghĩ tới đó hay sao? Tôi trộm xét chủ ý của ngài, chắc cũng cho rằng: ta cứ làm theo việc phải ta biết, cứ đem hết tài năng ta có, một việc nên làm mà làm là ở nơi người, còn nên được hay không nên là ở nơi trời, ta chỉ biết đem thân này hứa cho nước, đến chết mới thôi. Bởi thế, cho nên ngài cứ việc làm tới cùng, không ai có thể làm biến đổi cái chí ấy đi được.
Có điều tôi thấy tình trạng ở quê hương chúng ta gần đây, lấy làm đau lòng hết sức. Nhân đó, tôi thường muốn đem ý kiến hẹp hòi, để ngỏ cùng lượng cao minh soi xét; nhưng mấy lần mở giấy ra rồi, mài mực xong rồi, đã toan đặt bút xuống viết rồi lại gác bút thở dài, không sao viết được. Vì sao? Vì tôi liệu biết can tràng của ngài cứng như sắt đá, không thể lấy lời nói mà chuyển động nổi. Đã vậy, lại còn khác tình, khác cảnh, xa mặt xa lòng, vậy thì lời nói của tôi, chắc gì thấu tới được nơi ngài; mà dầu cho có thấu tới nơi ngài chăng nữa, đã chắc gì lọt vào tai ngày chịu nghe giùm cho, chẳng qua chỉ để cho cố nhân cười mình là thằng ngu thì có.
Nay nhân quan Toàn quyền trở lại, đem việc ở tỉnh ta bàn bạc với tôi, có khuyên tôi sai người đến ngỏ ý cùng ngài biết rằng: ngài là bậc người hiểu biết nghĩa lớn, dầu không bận lòng tưởng nghĩ gì đến thân mình, nhà mình đi nữa, thì cũng nên tưởng nghĩ cứu vớt lấy dân ở trong một địa phương mới phải. Lời nói đó, quan Toàn quyền không nói với ai, mà nói với tôi, là vì cho rằng: tôi với ngài có cái tình xóm làng cố cựu với nhau, chắc hẳn tôi nói ngài nghe được, vậy có lẽ nào tôi làm thinh không nói?
Ngay thử nghĩ xem: quan Toàn quyền là người khác nước, muôn dặm tới đây, mà còn có lòng băn khoăn lo nghĩ tới dân mình như vậy thay, huống chi chúng ta sinh đẻ lớn khôn ở đất này, là đất của cha mẹ tôn tộc ở đó, có là đâu mình làm lơ đành đoạn, thì trăm năm về sau, người ta sẽ bảo mình ra làm sao? Ôi! Làm người trên phải có lòng thương yêu dân làm cốt, chưa từng có ai không biết thương dân mà bảo là trung với vua bao giờ. Việc của ngài làm từ bấy lâu nay, bảo rằng trung thì thiệt là trung, song dân ta có tội gì mà vướng phải nông nỗi lầm than thế này, là lỗi tại ai? Nếu bảo là đã vì thiên hạ thì không thiết chi tới nhà nữa cũng phải, nhưng một nhà của mình đã vậy, chứ còn bao nhiêu nhà ở trong một vùng cũng bỏ đi cả, sao cho đang tâm, Tôi nghĩ nếu như ngài cứ không không làm tràn tới mãi, thì e rằng khắp cả sông Lam núi Hồng đều biến thành hồ cá hết thảy, chứ không phải chỉ riêng lo ngại cho cây cỏ một làng Đông Thái chúng ta mà thôi đâu. Đến nỗi để cho quê hương điêu đứng xiêu tàn, tưởng chắc bậc người quân nhân quân tử không lấy gì làm vui mà làm thì phải.
Tôi suy nghĩ đắn đo mãi, vụt lấy làm mừng rỡ mà nói riêng với mình: Được rồi, lời nói đó tôi có thể đem ra nói cho ngài nghe lọt tai, để xin ngài chỉ bảo cho biết như vậy có phải hay không?
Tuy nhiên, sự thế của ngài như cỡi trên lưng cọp đã lỡ rồi, bây giờ muốn bước xuống, nghĩ lại khó khăn biết bao!
Nếu như tôi không có chỗ tự tin chắc chắn nơi mình, thì quyết không khi nào dám mở lời nói liều lĩnh để mang luỵ cho cố nhân về sau. Nhưng may là tôi với quan Toàn quyền, vốn có tình quen biết nhau lâu, lại với quan Khâm sứ ở Kinh, và quan Công sứ Nghệ Tĩnh, cùng tôi quen thân hiệp ý nhau lắm, cho nên trước kia Trần Phiên sứ (tên là Khánh Tiến, làm Tuần phủ, nên gọi là Phiên sứ) Phan Thị Lang, (tên là Huy Nhuận), cũng là chỗ thân trong tỉnh, trong làng hoặc bị tội nặng, hoặc bị xử đày rồi, thế mà tôi bảo toàn cho hai ông ấy đều được yên ổn vô sự. Lại như mới rồi, ông Phan Trọng Mưu ra thú, tôi dẫn đến yết kiến các đại hiến quý quan, thì các ngài cũng tiếp đãi trân trọng như đãi khách quý, và tức thời điện về tỉnh nhà, bắt trả lại mồ mả, và tha cả ba con về, như thế tỏ ra nhà nước Bảo hộ khoan dung biết chừng nào! Cứ xem vậy đủ biết lẽ ấy, lòng ấy, dầu là người nghìn dặm xa nhau, vẫn là giống nhau vậy.
Bây giờ, nếu ngài không cho lời tôi nói là d
ông dài, thì xin ngài đừng ngần ngại một điều gì khác hết tôi không khi nào dám để cho cố nhân mang tiếng là người bất trí đâu.
Hoàng Cao Khải
đốn thư"

Bức thư cụ Phan trả lời:

"Hoàng quý đài các hạ,
Gần đây, tôi vì việc quân, ở mãi trong chốn rừng rú, lại thêm lúc này tiết trời mùa đông, khí hậu rét quá, nông nỗi thiệt là buồn tênh. Chợt có người báo có thư của cố nhân gửi lại. Nghe tin ấy, không ngờ bao nhiêu nỗi buồn rầu lạnh lẽo, tan đi đâu mất cả. Tiếp thư liền mở ra đọc. Trong thư cố nhân chỉ bảo cho điều hoạ phước, bày tỏ hết chỗ lợi hại, đủ biết tấm lòng của cố nhân, chẳng những muốn mưu sự an toàn cho tôi thôi, chính là muốn mưu sự yên ổn cho toàn hạt ta nữa. Những lời nói gan ruột của cố nhân, tôi đã hiểu hết, cách nhau mu
ôn dặm tuy xa, nhưng chẳng khác gì chúng ta được ngồi cùng nhà nói chuyện với nhau vậy.
Song le tâm sự và cảnh ngộ của tôi có chỗ mu
ôn vàn khó nói hết sức. Xem sự thế thiên hạ như thế kia, mà tài lực tôi như thế này, y như lời cổ nhân đã nói "thân con bọ ngựa là bao mà dám giơ cánh tay lên muốn cản trở cỗ xe" sao nổi không biết; việc tôi làm ngày nay, sánh lại còn quá hơn nữa, chẳng phải như chuyện con bọ ngựa đưa tay ra cản xe mà thôi.
Nhưng tôi ngẫm nghĩ lại, nước mình mấy ngàn năm nay, chỉ lấy văn hiến truyền nối nhau hết đời này qua đời kia, đất nước chẳng rộng, quân lính chẳng mạnh, tiền của chẳng giàu, duy có chỗ ỷ thị dựa nương để dựng nước được, là nhờ có cái gốc vua tôi, cha con theo nghĩa vốn có chỗ đủ cho mình tự có thể trông cậy dựa nương lắm vậy. Đến nay người Pháp với mình, cách xa nhau không biết là mấy muôn dặm, họ vượt bể tới đây, đi tới đâu như là gió lướt tới đó, đến nỗi nhà vua phải chạy, cả nước lao xao, bỗng chốc non s
ông nước mình biến thành bờ cõi người ta, thế là trọn cả nước nhà, dân nhà, cùng bị đắm chìm hết thảy, có phải là riêng một châu nào hay một nhà ai phải chịu cảnh lầm than mà thôi đâu.
Năm Ất Dậu, xe giá thiên tử ngự đến sơn phòng Hà Tĩnh, giữa lúc đó tôi đang còn tang bà mẹ, chỉ biết đóng cửa cư tang cho trọn đạo, trong lòng há dám mơ tưởng đến sự gì khác hơn. Song, vì mình là con nhà thế thần, cho nên đôi ba lần đức Hoàng thượng giáng chiếu vời ra; không lẽ nào có thể từ chối, thành ra tôi phải gắng gổ đứng ra vâng chiếu, không sao dừng được. Gần đây, Hoàng thượng lại đoái tưởng lựa chọn tôi mà giao phó việc lớn, uỷ thác cho quyền to; Ấy, mệnh vua uỷ thác như thế đó, nếu cố nhân đặt mình vào trong cảnh như tôi, liệu chừng cố nhân có đành chối từ trốn tránh đi được hay không?
Từ lúc tôi khởi nghĩa đến nay, đã trải mười năm trời, những người đem thân theo việc nghĩa, hoặc đã bị trách phạt, hoặc đã bị chém giết, vậy mà lòng người trước sau chẳng hề lấy thế làm chán nản ngã lòng bao giờ; trái lại, họ vẫn ra tài, ra sức giúp đỡ tôi, và lại số người mạnh bạo ra theo tôi càng ngày càng nhiều thêm mãi. Nào có phải người ta lấy điều ta vạ hiểm nguy làm cho sự sung sướng thèm thuồng mà bỏ nhà dấn thân ra theo tôi như vậy đâu. Chỉ vì họ tin cậy lòng tôi, lượng xét chí tôi, cho nên hâm hở vậy đó thôi. Ấy, lòng người như thế đó, nếu như cố nhân đặt mình vào cảnh của tôi liệu chừng cố nhân có nỡ lòng nào bỏ mà đi cho đành hay không?
Thưa cố nhân, chỉ vì nhân tâm đối với tôi như thế, cho nên cảnh nhà tôi đến nỗi hương khói vắng tanh, bà con xiêu dạt, tôi cũng chẳng dám đoái hoài. Nghĩ xem, kẻ thân với mình mà mình còn không đoái hoài, huống chi là kẻ sơ: người gần với mình mà mình còn không bao bọc nổi, huống chi người xa. Vả chăng hạt ta đến đỗi điêu đứng lầm than quá, không phải riêng vì tai hoạ binh đao làm nên n
ông nổi thế đâu. Phải biết quan Pháp đi tới đâu, có lũ tiểu nhân mình túa ra bày kế lập công, thù vơ oán chạ; những người không có tội gì chúng cũng đâm thọc buộc ràng cho người ta là có tội, rồi thì bữa nay trách thế nọ, ngày mai phạt thế kia; phàm có cách gì đục khoét được của cải của dân, chúng nó cũng dùng tới nơi hết thảy. Bởi đó mà thói hư mối tệ tuôn ra cả trăm cả ngàn, quan Pháp làm sao biết thấu cho cùng những tật khổ của dân trong chốn làng xóm quê mùa, như thế thì bảo dân không phải tan lìa trôi giạt đi sao được?
Cố nhân với tôi, đều là người sinh đẻ tại châu Hoan, mà ở cách xa ngoài muôn ngàn dặm, cố nhân còn có lòng đoái tưởng quê hương thay, huống chi là tôi đây đã từng lấy thân chịu đựng và lấy mắt trông thấy thì sao? Khốn nỗi cảnh ngộ bó buộc, vả lại sức mình chẳng làm được theo lòng mình muốn, thành ra phải đành, chứ không biết làm sao cho được. Cố nhân đã biết đoái hoài thương xót dân này, thì cố nhân nên lấy tâm sự tôi và cảnh ngộ tôi thử đặt mình vào mà suy nghĩ xem, tự nhiên thấy rõ ràng, có cần gì đến tôi phải nói d
ông dài nữa ư?
Phan Đình Phùng
phúc thư"

Bức thư cụ Phan trả lời, viết thật nhẹ nhàng mà đau đớn, tử tế mà cương quyết, tỏ ra mình chết thì thôi, không chịu bãi binh quy hàng. Cụ lại khéo đem quân mạng và dân tâm ra làm nòng cốt để hỏi cố nhân họ Hoàng nếu gặp cảnh ngộ ấy thì làm thế nào? Hình như cụ Phan có ý chận đường rào ngõ không để họ Hoàng viết cho mình tới bức thư thứ hai nữa.
Thiệt, lúc ông Phan Văn Mân đem bức thư phúc đáp ra Hà Nội, họ Hoàng xem rồi biến sắc, nếu lúc ấy có bệnh nhức đầu chống mặt gì, tất cũng tiêu tan như hồi Tào Mạnh Đức đọc bài hịch của Trần Lâm vậy.
Họ Hoàng sai dịch bức thư ra chữ Pháp, đưa trình Toàn quyền De Lanessan, luôn với tờ báo cáo của mình, trong đó có câu đại ý: “Bản chức đã lấy hết sự thế lợi hại để tỏ bày khuyên nhủ Phan Đình Phùng ra hàng, nhưng y vẫn tỏ ý hôn mê bất ngội (mê mẩn tối tăm không tỉnh), giờ xin Chính phủ Bảo hộ vì dân mà dùng binh lực tiễu trừ cho hết văn thân loạn phỉ...”
Ấy là lẽ cố nhiên. Đào mả không núng; khuyên hàng không nghe; văn chương không cảm; thôi thì chỉ còn võ lực. Giờ, quan văn trở vô buồng để cho tướng võ lại ra sân khấu.

<< 14. Ô hô! Cao Thắng | 16. Nguyễn ThânLui về núi Đại Hàm >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 781

Return to top