Hồi đang nói đây (1884 bước qua 1885), tiếng là người Pháp đã lấy binh lực chinh phục được cả Trung Bắc lưỡng kỳ và chiếu theo điều ước 1884, triều đình nước Nam đã phải nhìn nhận nước Pháp định cuộc bảo hộ rồi, nhưng mà cuộc bảo hộ mới thực hiện về danh nghĩa thì có, về tinh thần thì chưa. Nghĩa là lúc bấy giờ nước Nam chịu mất chủ quyền, mà phần lớn dân tâm sĩ khí đang hăng máu ái quốc, chưa chịu khuất phục. Có hai lẽ cốt yếu. Trước hết, người Nam thuở ấy vẫn chưa nhận biết những cái thực lực văn minh hùng cường của người Pháp, mặc dầu mình giao phong ở đâu bại tẩu ở đó, tỉnh kia thành nọ kế tiếp trước sau thất thủ như cách con tằm lá dâu. Chắc có độc giả phải lấy làm lạ, sao vừa mới xảy ra cách tám chục năm trước nào phải lâu gì, chính người Pháp qua đây đóng thuyền đúc súng, khiển tướng điều binh giùm cho vua Gia Long mới thắng nổi Tây Sơn, vậy thì cái thực lực văn minh hùng cường của người Pháp, lẽ nào người Nam không biết cho được? Song đấy chỉ là một việc quan hệ riêng với nhà vua, cứu giúp riêng cho nhà vua nọ đang tranh hành với nhà vua kia, thành ra dân chúng đâu có hay biết. Đến lúc binh Pháp sang chinh phục, làm cho ta, đất tiêu lần mòn, trận thua điên đảo, mà ta vẫn tưởng lầm và đổ trút những nguyên nhân ấy tự đâu chứ chưa biết và cũng chưa chịu rằng người mạnh ta yếu, người hay ta dở, người giỏi ta hèn. Tới đó và đối với thực lực của người, sĩ phu ta một đàng, dân chúng ta một ngả, vẫn có những quan niệm coi thường, những cảm giác xem kinh lạ lắm. Sĩ phu thì tự đắc tự tin về những phép tắc Nghiêu Thuấn Không Mạnh, và học thuật "Tử viết Thi vân", ngoài ra, nhất thiết cái gì khác lạ đều coi là di địch. Cứ xem một bài "Biện di luận" của ông Võ Phạm Khải can vua Tự Đức mưu toan cải cách, cũng đủ biết tư tưởng của cả sĩ phu ta ở đương thời. Chính bài đó làm vua Tự Đức xiêu lòng, không biết nghe lời của chí sĩ Nguyễn Trường Tộ xin cải cách duy tân để vãn thời cứu quốc. Việc nguy vong của quốc gia và thực lực của người Pháp sờ sờ trước mắt đó rồi, nhưng sĩ phu vẫn nghĩ mình là hay là giỏi hơn. Còn dân chúng càng không thấy thực lực của người, đến nỗi tưởng rằng cắm cây nhọn dưới sông - làm như kế của Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên ở Bạch Đằng giang ngày xưa - chắc làm tàu trận Pháp phải thủng đáy mà chìm. Thấy người Pháp cao lớn vạm vỡ, cho là nặng nề, chắc họ không biết bơi lội, không thể chạy mau; thấy đồ của người Pháp dùng để ăn bằng sắt, không phải đũa bát như mình, thì cho là mường mán; thấy súng đạn của người Pháp bắn mau như biến mà trúng đâu chết đó thì cho là họ có thuật quỷ phép ma. Trong khi người mình còn chưa nhìn ra sự thật, chưa chịu sức mình hèn, tự nhiên cuộc bảo hộ tuy định rồi, mà nhân tâm sĩ khí chưa thể trấn phục được cũng là lẽ thường. Sau nữa, dân tộc mình tự xưa vốn có cái tinh thần chiến đấu tự tồn, trên con đường lịch sử đằng đẵng mấy ngàn năm, đã từng bao phen chống Nguyên, cự Minh, biết sự thắng bại. Dầu có lúc bại cũng chiến đấu tới cùng, không khi nào chịu bỗng chốc vòng tay khuất phục. Cái tinh thần đó của người Việt Nam chính ông đại uý Gosselin và nhiều quan binh khác có dự vào cuộc chinh phục nước Nam đều thẳng ngay nhìn nhận. Bởi vậy, sau khi triều đình thúc thủ vô phương và thừa nhận bảo hộ rồi, dân tâm sĩ khí vẫn chưa chịu hàng phục. Còn bát gạo nào ở trong kho, viên đạn nào ở nòng súng, người mình còn muốn đem trút ra hết, chừng nào thật là thế cùng sức kiệt sẽ hay. Thừa có cái nhân tâm sĩ khí ấy, văn thân các tỉnh nổi lên tứ tung, trong lúc ở kinh thành Tôn Thất Thuyết hoặc tự biết hay không tự biết là bàn cờ tất thua, cũng nhất định đi một nước cờ chót rồi mới chịu để cho người ta chiếu bí. Đối với người Pháp, như ai nấy đã rõ: bao giờ Tôn Thất Thuyết cũng là người chủ đánh tới cùng, không muốn cho triều đình ký hoà ước, không muốn cho quân Pháp vô đóng ở Trấn Bình Đài (tức là Mang Cá), không muốn cho nước Pháp đặt cuộc bảo hộ ở kinh đô. Nhưng vì tình thế hồi bấy giờ, triều đình sợ thua quá, cho nên điều gì cũng chịu nhượng bộ người Pháp, thế là không hợp với ý muốn của Thuyết chút nào. Phải biết rằng Thuyết không ưa người Pháp ra mặt, không thèm giấu giếm gì. Tuy thế, người Pháp cũng đem lòng yêu mến quý trọng ông ta là con người có trung, có dũng, cho nên đã cậy người - vì ông thù ghét đến nỗi không muốn giáp mặt người Pháp bao giờ - lấy thời thế, lấy nghĩa là, lấy tước lộc, lấy oai quyền dụ dỗ, để cho ông phục theo, nhưng không hề lấy thứ gì khiến cho ông động lòng đổi ý đi được. Nhất là từ khi binh Pháp chiếm mất Trấn Bình Đài và lập trại đóng quân trong thành, thì cái khí cừu phẫn huyết chiến của ông ta càng phừng phừng bốc lên không thể dằn được nữa. Ông thường nói luôn miệng với kẻ tả hữu: - Phen này ta quyết sống thác với Tây mới được. Trên kia đã nói Trấn Bình Đài là một nơi hiểm yếu của kinh thành và rất có quan hệ với đường võ bị. Thật thế, chỗ ấy có cái hình thế quanh co hiểm trở, trên có đồi đống lấn áp, dưới có sông nước thông vào, có đủ cả mọi sự cần dùng trong việc thủ thành và dụng võ. Triều đình ta lập ra chỗ đó để đóng quân, chứa khí giới, cốt để chống giữ kinh thành, coi như là cuống họng của kinh thành vậy. Nay binh Pháp chiếm giữ mất Trấn Bình Đài, tức là chận mất cuống họng kinh thành, không còn cựa quậy được nữa. Huống chi Thuyết nghĩ rằng cuộc bảo hộ nay lại thành lập, thế là từ đây vua mất quyền, quan mất quyền, dân mất quyền; hồi nào mình đang ngất ngưởng làm chủ quân, bây giờ phải xuống làm kẻ tùng phục, Thuyết lấy làm phẫn uất khó chịu lắm. Thành ra một hai Thuyết quyết tâm phải chống cự binh Pháp một phen, thân mình có chết cũng bỏ. Nhưng Thuyết dự bị một cách chắc chắn đã, rồi mới khai chiến. Trước khi định đánh, đã tính sẵn sàng đến bước lui. Ông ta triệu tập hết các tướng sĩ lại bộ Binh mà nói rằng: - Lúc này quốc gia mới chính là lúc cần dùng đến trái tim và tay súng của bọn ta, vậy bọn ta phải cố sức làm sao, hoạ may có lôi kéo thời thế lại được, chứ không lẽ chưa chi đã bó tay mà chịu... Coi kìa, cái giường mình nằm thuở nay, người ta xa lạ ở đâu tới leo lên nằm ngủ ngáy khò, làm sao mình chịu được! Thế rồi một mặt ông sai lập sơn phòng tại Cam Lộ (thuộc tỉnh Quảng Trị) đem vàng bạc tiền gạo lên chứa tại đó rất nhiều, phòng sau này đánh có thua thì lấy chỗ đó làm chỗ lui chân. Một mặt ông mở trường tập võ, truyền lệnh cho các vệ, các doanh đều phải ngày đêm luyện tập siêng năng, để nay mai nhà nước dùng đến. Lại lo rèn khí giới, đúc súng đạn rõ nhiều, sai đào hào đắp ụ ở trong kinh thành. Tóm lại, nhất thiết cái gì cần dùng quan hệ cho việc nước dùng binh, Thuyết đều lo dự bị sẵn sàng. Rồi Thuyết cùng Tường bàn tính việc đánh. Tường nói rằng: - Nước ta bao nhiêu năm nay gặp việc binh đao luôn mãi, rường mối ngã nghiêng, dân gian khổ sở lắm rồi. Nay năm mới rồi (1883) binh Pháp đánh phá tan tành cửa Thuận An, tâm khí của quân ta đã nao núng khiếp sợ lánh. Nay đánh nhau ngay giữa kinh thành, tuy mình cậy có thành cao hào sâu, nhưng mà súng đạn của người ta ghê gớm, bắn tới đâu thì ngọc đá đều cháy tan tới đó; chúng ta bây giờ sinh sự khai chiến, sợ làm phiền luỵ cho Thánh thượng, và cực khổ cho quan quân, tưởng không có ích lợi gì mà lại có hại nữa. Vẫn biết thời cuộc rối ren đến như thế, nhưng sao trước kia, việc gì Tường cũng tán thành cho Thuyết, đến bây giờ nói tới việc đánh thì Tường lại can khéo, tức là có ý lảng ra. Tuy là hiểu thời thế mặc lòng nhưng cũng bởi nay ý hướng của Tường đã thay đổi. Trước kia ông thấy trong triều có Thuyết mạnh thì ông theo, nhưng nay nước Pháp đã thành lập bảo hộ rồi, thì bảo hộ mạnh, ông bỏ Thuyết mà theo bảo hộ. Ông vẫn thậm thụt ra vào bên toà Khâm luôn, mục đích chỉ lo giữ vững cái thân danh phú quý của mình thì thôi, nước còn thành còn, ông cũng là Thượng thư, nay nước mất thành mất, ông cũng vẫn là Thượng thư, có thiệt thòi chi mà lo nghĩ đến việc khác nữa. Thuyết nghe Tường khuyên can, biết là Tường đã biến tâm rồi. Ông quyết hành động một mình. Lại còn một nguyên nhân này khiến cho ông càng mạnh lòng quyết chiến. Ngày 19/5/1885 là giữa năm mất kinh thành, Thuỷ sư đô đốc Pháp là ông de Courcy đem 1500 quân từ Bắc kỳ vào Huế, cần phải chuyển đệ bức quốc thư của Chính phủ bên Pháp gởi sang cho vua nước Nam. Trước khi ông tư giấy qua triều đình, xin triều đình phải thiết đại triều để tiếp kiến Pháp sứ. Ông rõ biết trong triều đình bấy giờ, Thuyết và Tường là hai người trọng yếu, cho nên trước hết ông mời Tường và Thuyết qua bên toà Khâm sứ để tương kiến và thương thuyết việc nước đã. Thuyết nói thác là mình có bệnh không chịu đi, duy có Tường và Phạm Thận Duật sang, nhưng Đô đốc De Courcy không chịu, cố đòi cho được Thuyết sang mới nghe. Thuyết sợ mình qua bị trúng kế gì chăng, nên nhất định không đi. Đô đốc De Courcy giận lắm, trong ý muốn có ngày đem quân sang tận bộ Binh để bắt Thuyết. Nghe tin này Thuyết cũng giận, ngày đêm thường lấy đạo quân phẫn nghĩa để phòng thân, và nghĩ bụng rằng nó đã định bắt mình, thì mình đánh nó trước xem sao! Thuyết bèn nghiêm sức cho các quân dinh phải kiểm soát quân lính và súng đạn cho sẵn sàng cần kíp. Lúc ấy Tường và cả đình thần thấy vậy, đều tưởng rằng Thuyết làm thế để phòng thân đấy thôi. Nhưng có biết đâu Thuyết đã chủ trương quyết chiến. Bao nhiêu kẻ tù tội, ông đều tha ra hết, cho ăn chơi mấy ngày, rồi lựa chọn rèn tập làm một đạo quân cảm tử, cho đi tiên phong. Đến tối hôm 22/5, ông mật truyền cho quân ở các vệ, các dinh chia làm hai đạo tấn công hai nơi. Một đạo thì sai em ông là Tham biện Tôn Thất Trắc (ông này nguyên ở sơn phòng tại Cam Lộ, ông mật triệu về) quản lĩnh, ước hẹn đến nửa đêm thì đem quân qua sông Hương, hội với ông Đô đốc thuỷ sư để đánh toà Khâm sứ. Một đạo thì ông tự quản lĩnh, hội với Chưởng vệ đạo quân phấn nghĩa là Trần Xuân Soạn để đánh Trấn Bình Đài. Sắp đặt mưu cơ đâu đó, Thuyết truyền lệnh cho ba quân đến canh hai ăn cơm, canh tư khai chiến. Ông ra hiệu lệnh cho tướng sĩ như thế này: "Giết cho hết, đừng để cho thằng nào sống sót nghe! Vì chúng cả gan chọc tức ta; có chăng chỉ để cho một hai đứa sống, để về báo tin cho người chúng biết rằng ta thắng trận mà thôi! Cứ theo nhiều người nói thì cái mưu đánh của Thuyết, quả Tường không dự vô mà cũng không biết chi hết. Nhưng ngẫm nghĩ cho kỷ, chắc hẳn Tường biết, đã qua mật báo cho toà Khâm sứ hay rồi, nếu không thì sao quân Pháp đã biết mà dự bị trước. Đến canh tư, ông Thuyết tự dẫn một đạo quân đánh Trấn Bình Đài, tiếng súng đại bác bắn vang cả kinh thành. Nhân dân đương ngủ lặng lẽ, bỗng tiếng súng nổ liên thanh, làm ai cũng giật mình kinh sợ, náo động dữ dội. Binh Pháp xuống hầm mà núp, chớ không thèm đánh, thỉnh thoảng chỉ bắn một vài phát súng đại bác để đáp lại, cố chờ cho sáng mới đánh. Vì lúc ấy còn đêm khuya, quân Pháp không biết quân Nam ở chỗ nào, thật số bao nhiêu vả lại cũng chưa mấy thuộc đường đất, thành ra đánh ban đêm không tiện. Có người biết vậy, đến hiến kế với Thuyết làm sao xe được mấy khẩu súng đại bác, lén đem tới chỗ quân Pháp đang núp ẩn mà bắn xả vào, thì giết chết được ráo. Nhưng Thuyết lại sợ là kẻ đồng mưu phản quốc, định dụ cho quân mình vào chỗ mai phục sao đó, nên chi không nghe. Thuyết cứ việc hô quân bắn mãi. Quân ta bắn hoài, bắn huỷ, mà không nghe quân Pháp động tịnh gì, thì tưởng dại dột rằng quân Pháp ở Trấn Bình Đài chết cả rồi, cho nên Thuyết vội vàng sai Chưởng vệ Trần Xuân Soạn báo tin vào trong cung rằng: quân Pháp ở Trấn Bình Đài đã bị quân ta giết hết; thỉnh thoảng có đôi ba tiếng súng đại bác, ấy là súng của tàu Pháp đóng ở ngoài thành bắn vào thị oai đó thôi. Một mặt Thuyết lại sai vần súng đại bác lên mặt thành, nhắm toà Khâm sứ mà bắn thẳng sang, làm hư hại mất nhiều chỗ. Còn đạo quân của Tôn Thất Trắc cũng bắn phá ở chung quanh toà sứ rất là dữ dội. Quân ta bắn cố mãi, đến nỗi kho thuốc súng tại Trường Định gần hết, Thuyết bèn sai quân chạy về báo cho Tường hay, Tường trả lời rằng: - Tao có biết thuốc đạn ở đâu, hay ra nói với quan Tướng ở vườn Hậu Bổ (tức là Thuyết, khi đó đang đốc quân ở phía vườn Hậu Bổ), để ông ấy liệu sao thì liệu... Còn bao nhiêu thuốc đạn, Thuyết vẫn cứ hô quân bắn vào Trấn Bình Đài, bắn sang toà Khâm sứ mãi. Quân Pháp vẫn im lặng, không động tịnh gì cả. Mãi đến tảng sáng, quân ta hết sạch đạn rồi, không còn gì mà bắn nữa, bấy giờ quân Pháp ở Trấn Bình Đài và bên kia sông mới khởi thế phản công. Bao nhiêu súng đại bác ở trên đài, và ở tàu chiến đậu ngoài sông, đều chĩa mũi vào trong thành mà bắn: đạn bay như mưa rào, tiếng vang như sấm dậy. Thôi thì nhà cửa đổ tan, quân dân bị đạn chết ngổn ngang, trong thành đầy tiếng kêu trời, tiếng khóc lóc... Quân Pháp ở dưới thuỷ, lại kéo lên bộ, đánh sấn mãi vào, làm cho hai đạo quân của ta trong ngoài đều bị đánh cả, thành ra tán loạn, mạnh ai nấy tìm đường chạy thoát thân, chen lấn xô đạp lẫn nhau mà chết thêm một mớ nữa. Sáng hôm ấy (24 ta) vào khoảng 9 giờ, Tường biết tất nhiên Thuyết bại trận rồi, vội vàng chạy vào trong cung tâu việc nguy cấp, xin vua Hàm Nghi và Tam cung mau mau xuất thành, chạy lên Khiêm Lăng để tạm lánh. Tin này làm chấn động trong cung, vì ai cũng tưởng - theo lời Thuyết báo tiệp hồi khuya - Trấn Bình Đài đã khôi phục và tây ở toà Khâm, bên kia Hương giang, đã bị quân ta tàn sát rồi mà. Trên từ mấy bà Thái hậu và Hoàng đế, dưới tới các thị vệ cung nhân, bỗng dưng nỗi lên trận mưa nước mắt; tiếng khóc vang động nội cung. Nhiều người vừa gào khóc, vừa mắng chửi Thuyết hại nước báo đời. Ai nấy quơ gói hành trang không kịp. Trong lúc quá ư nguy cấp vội vàng, đức Hàm Nghi chỉ kịp đem theo ấn Quốc bảo và một ít vàng bạc tuỳ thân. Ông Hữu quân Đô thống Hồ Hiển phò xa giá ra cửa tây nam chạy lên phía tây do ngả Kim Luông. May quá, xa giá vừa chạy ra khỏi thành được một lát, thì binh Pháp từ Trấn Bình Đài và bên toà Khâm tiến vào đến nơi. Nghe mấy ông già bà cả mục kích cái cảnh thành phá quốc vong, nay còn sống sót, thuật chuyện rằng sáng hôm ấy chính một người đàn bà Pháp, vợ một thiếu uý, cỡi ngựa cầm đầu một toán lính Ả-rập, xông pha lửa đạn mà tiến vào thành trước hết, leo lên kỳ đài ta, hạ cờ đuôi nheo xuống, kéo cờ tam sắc lên. (Hồi này bên Pháp quân chủ đã đổ, Đệ tam Cộng hoà đã thành lập rồi). Chừng quan lại nhân dân trong thành ngó lên kỳ đài thấy hiệu cờ tây bay phấp phới, tự nhiên biết là quân mình đã thua, thành mình vỡ rồi, ai nấy kinh hoàng thất sắc, thôi thì kẻ gào người réo, lưng cõng tay bồng, kéo nhau đào nạn, ào ào như nước chảy. Chỉ chen lấn dày đạp lẫn nhau mà chết thiếu gì. Bấy giờ quân Pháp kéo vào trong thành, sẵn đang hăng máu, tha hồ chém giết, đốt phá tứ tung. Trước hết đốt tiêu bộ Lại của Tường, bộ Binh của Thuyết; rồi tới các dinh trại, các kho lương thực, kho thuốc súng, khói lửa bay lên nghi ngút lưng trời hai ngày hai đêm chửa tắt. Sau khi hoàn toàn chiếm lĩnh được kinh thành rồi, người Pháp phân binh nghiêm giữ cung điện và các cửa thành, rồi băng bó cứu chữa cho những quân sĩ nhân dân bị thương tích, bố thí tiền gạo cho những người còn sống sót ở trong thành, dùng nhân công ấy sửa sang lại các chỗ tàn phá và chôn cất tử thi. Nhân dịp này, nhiều anh bắt được vàng bạc châu báu chôn giấu trong nhà người ta mà trở nên giàu có lớn. Có kẻ mượn thế cố đạo đi đâu cũng lọt, rồi lẻn vào tới trong cung cấm mà rinh cả những mâm vàng chén ngọc ra nữa. Những đồ quý, vật lạ trong cung truyền lại bao nhiêu đời, lúc này bị thất lạc tiêu tán đi nhiều lắm. Tôi nhớ có bài vè thất thủ kinh thành tả rõ công chuyện nghe rất ai oán não nùng, đến nỗi mười mấy năm trước đây nhà đương cuộc phải cấm hát ngoài đường. Vì có một anh chàng đui làm nghề hát dạo, mỗi khi ngồi đâu cất tiếng hát vè này thiên hạ tựu lại rất đông; nhất là tiếng hát não nùng quá, khiến cho người ta cảm động đầy gan, âm thầm gạt luỵ. Từ năm Ất Dậu thất thủ kinh thành trở đi, hàng năm cứ đến ba ngày 22, 23 và 24 tháng 5 ta, đã thành ra tục lệ, nhà nào ở trong thành cũng bày nhang đèn trầu rượu, giấy tiền, vàng bạc, ra trước cửa để cúng vái cô hồn những quân sĩ trận vong, nhân dân tử nạn lúc đó. Chúng ta đã hơi đi xa câu chuyện cốt yếu rồi, giờ nên trở lại. Nói về Nguyễn Văn Tường hồi ấy cũng theo phò xa giá Tam cung và Hoàng thượng chạy ra cửa tây nam, quân sĩ đi theo hộ vệ chỉ có độ một trăm người. Quần thần chỉ có năm bảy ông biết tin theo kịp mà thôi. Duy có Hoàng thượng và Tam cung ngồi võng lính khiêng chạy tất tả, còn bao nhiêu người tuỳ tùng đều chạy bộ theo. Rất đỗi các công chúa, cung nhân, đầu tóc rũ rượi, cẳng không mang giày, vừa chạy theo xa giá vừa khóc rưng rức, tình cảnh rất là đau thương. Khi qua đò Kẻ Vạn rồi lên đến Kim Luông, Tường định phò xa giá tạm dừng lại trong nhà thờ đạo Thiên Chúa tại đó. Chắc trong ý Tường muốn lén báo tin cho quan tây biết, để mời xa giá trở về cung, vì nước dầu mất còn cũng thế, không lẽ để một ngày nào không vua. Nhưng ông Hữu quân Đô thống Hồ Hiển thấy rõ ý Tường muốn mãi chúa cầu vinh, liền rút gươm ra toan chém bay đầu Tường. May phúc, Tường sợ chạy tuột vào giáo đường trốn biệt không dám ra nữa. Ngoài này, Hữu quân Hồ Hiển sợ chậm trễ thì Tường kịp báo tin cho tây biết, nên ông lật đật phò hộ xa giá chạy về ngả trường thi ở làng La Chử. Thuyết thua chạy, cùng với Trần Xuân Soạn đuổi kịp xa giá ở đây. Thế là bấy giờ bầy tôi tòng vong quanh quẩn chỉ có mấy người là Đại tướng Tôn Thất Thuyết, Chưởng vệ Trần Xuân Soạn, Tham biện Tôn Thất Trắc, Hiệp biện Phạm Thận Duật, Tham tri Trương Văn Đễ và một trăm tên lính theo hầu xa giá. Mãi đến trưa, xa giá mới tới làng Văn Xá, rồi nội chiều hôm ấy ra tới Quảng Trị, đóng tại hành cung. Tường chạy vào nhà thờ Kim Luông, cầu khẩn ông Giám mục Caspar đem mình ra hàng với Đô đốc Courcy, khi ấy là viên thống tướng các đạo quân Pháp đánh hạ kinh thành ta. Đô đốc Courcy ông cho Tường hàng phục để cho người thay mặt triều đình, nước Nam mà giao thiệp, kẻo lúc ấy vua tôi chạy ráo trong triều không còn ai. Qua hôm sau, hai bên mở cuộc hoà nghị, lại cứ chiếu theo điều ước đã ký mà thi hành. Nghĩa là nước Nam phải phục nước Pháp bảo hộ. Rồi đó, Tường sai ông Thị lang Phạm Hữu Dụng ra hành tại Quảng Trị tâu vua Hàm Nghi về việc hoà nghị và xin vua trở về kinh đô, nhưng Thuyết cản ngăn, không cho về. Tường xin Đô đốc Courcy khoan hạn cho mình trong hai tháng thì mời vua trở về được. Rồi thì lão làm hịch, truyền đi khắp nơi, kể công đức của người Pháp, và khuyên dân đừng có bạo động phản đối nữa. Sau hai tháng trời, Đô đốc Courcy thấy vua Hàm Nghi càng đi xa, văn thân vẫn bạo động và biết rõ Tường là người phản trắc gian tà, làm hại hết bên này, lại làm hại bên khác, ông bèn nổi giận, kết án Tường khổ sai chín năm, và tức thời đày qua đảo Tahiti. Mấy tháng sau Tường chết tại đó. Cho hay những kẻ làm tôi phản phúc dẫu ở dân tộc quốc gia nào người ta cũng không dung. Nhất là người Pháp có tánh ngay thẳng ưa mấy người nghịch thù đối mặt với mình, còn kẻ luồn cúi sau lưng, thì khinh ghét lắm. Vua Hàm Nghi vẫn chạy dài. Cái tin thành mất vua chạy truyền ra đến các tỉnh làm cho lòng người rất náo động. Tỉnh Bình Định đang độ khoa thi, học trò nghe tin ấy phá tường mà ra, để tỏ lòng căm phẫn. Từ Quảng Nam vào mãi tới Phú Yên, quân lính hiệp với văn thân nghĩa sĩ nổi lên đuổi cả quan lại triều đình đi, tự xưng là vâng theo dân à, rồi kéo nhau đốt phá các nhà có đạo rất dữ dội. Còn từ Quảng Trị trở ra cho đến Nghệ Tĩnh và Thanh Hoá cũng vậy. Tóm lại, phong trào công phẫn hồi ấy như là lửa cháy dầu sôi vậy. Ngày 27, vua Hàm Nghi chạy lên tới Sơn Phòng tỉnh Quảng Trị (tức là Sơn Phòng Cam Lộ mà Tôn Thất Thuyết đã lập sẵn khi trước) hạ chiếu cần vương đi các nơi, nhân tâm cảm động, thương xót lắm; suốt một dãy Trung Việt cho mãi đến ngoài Bắc, văn thân ông nghĩa có, giặc cướp thừa cơ có, nhao nhao nổi lên, thành ra cả nước rối loạn hết sức, chỉ duy có một hạt Thừa Thiên là được yên ổn mà thôi, vì nhờ có binh Pháp giữ được trị an. Bước qua đầu tháng sáu, ngài vẫn ở Sơn Phòng Cam Lộ còn Tam cung thì vẫn lưu tại hành cung ở tỉnh thành Quảng Trị, không theo lên Cam Lộ. Lúc ấy việc nước không có người chủ trương; triều thần mời Tam cung về, Tam cung trở về Huế; ngày ấy là hôm mồng hai tháng sáu. Người Pháp thấy vua Hàm Nghi lánh mặt chạy dài như vậy, sợ khó trấn định được lòng người, cho nên phái quân đi truy nã riết. Thời thế hồi đó đã thay đổi hẳn rồi, tuy những người trung nghĩa nặng lòng thương vua mến nước còn nhiều, song những kẻ biết tuỳ thời để mưu cuộc phú quý công danh cũng không phải ít. Thành ra tung tích vua Hàm Nghi chạy trốn tới đâu người Pháp đều biết tin tức hết thảy; ngài chạy phía trước, binh lính bảo hộ theo dấu truy tầm phía sau, rất là khẩn bức. Tôn Thất Thuyết phải đem vua chạy tuột lên Báo Đài là chỗ giáp giới tỉnh Quảng Bình để trốn. Nhưng nghe quân Pháp càng truy nã riết, tới ngày 11/6, ngài lại phải trở về đóng ở Sơn Phòng Cam Lộ nữa. Nhưng ở đây liệu bề không yên thân được lâu nên cách mấy hôm sau ngài cùng các tướng sĩ tòng vong trèo qua Mai Lĩnh lên Lao Bảo rồi xuyên đường rừng núi hiểm hóc mà tới Hàm Thao về phía bắc Khung Giang. Từ đấy về Sơn Phòng tỉnh Hà Tĩnh chỉ có bảy ngày đường, thế là vua Hàm Nghi chạy nạn càng ngày càng xa kinh đô rồi vậy. Đất mình, nước mình mà vua Hàm Nghi mười mấy ngày nay chưa có chỗ nào đặt chân cho vững. Ngài tới Hàm Thao là cốt hạ chiếu cho văn thân tỉnh Hà Tĩnh ra tiếp giá tại Sơn Phòng và định lấy chỗ ấy làm căn cứ, để lo việc khôi phục. Nhưng chưa kịp tới Sơn Phòng Hà Tĩnh thì lại nghe tin đồn quân Pháp đuổi theo sắp đến, thành ra Thuyết lại lật đật đem ngài chạy đi chỗ khác. Thật là "vua thua chạy dài!"