Lúc bấy giờ, mỗi ngày nào có phiên chợ Tràng (là chợ ở giữa tỉnh Nghệ), người ta thấy một chiếc thuyền con của một người đàn bà và một đứa con trai nhỏ, từ đâu không biết, chở than lên chợ bán. Người đàn bà này, tầm thước nhỏ thấp, da ngăm ngăm đen, nhưng không vì thế mà che mất hẳn cái vẻ sáng láng hồng hào. Cái vẻ ấy hình như là bị nhiều mưa nắng gió bụi làm mờ đi, chớ nguyên trước hẳn là đẹp lắm. Trạc độ 27 hay 28 tuổi, nét mặt coi rắn rỏi, mà lúc nào cũng có vẻ buồn rầu. Đôi lúc không ngờ, người ta trông thấy chau mày lại, thì biết là người này chắc có việc ức uất gì ở trong tâm hồn nhiều lắm. Còn đứa trẻ thì mới có 7 tuổi coi ngộ nghĩnh lanh lẹ, ai thấy cũng đoán chắc là con nhà thế này thế kia, không phải người thường. Người ấy là ai? Đứa trẻ ấy là thế nào, ở đâu? Tuyệt nhiên không có ai biết, vì người ấy không nói gốc tích và tâm sự mình với ai, nhưng mà những bạn mua bán quen thuộc ở trong chợ chỉ gọi là cô Tám, thành ra ai cũng biết tên cô là thế mà thôi; vả lại thấy cô chuyên về nghề bán than, thì họ đoán chừng cô hẳn là người ở miệt rừng núi. Họ đoán chừng vậy, nào đã chắc là phải chưa? Cô Tám bán than có tính rất điềm đạm, ít nói ít cười, chỉ ngồi lầm lầm suốt ngày, thỉnh thoảng chơi giỡn hôn hít đứa trẻ. Duy lúc nào có khách đến hỏi mua than, thì người ta mới thấy cô được nguyên cả mặt, không thì suốt ngày cô ngồi cúi mặt xuống, hình như có dáng nghĩ ngợi những việc gì khó khăn lắm. Những người ngồi bán hàng ở bên cạnh, cả một phiên chợ thường chỉ nói chuyện được với cô một đôi câu, cho nên ai cũng cho là người kiêu ngạo. Nhưng tới khi nào cô hỏi ai một điều gì, thì lại tỏ ra người hết sức từ tốn, mềm mỏng, lời nói ngon ngọt, tiếng nói dễ ưa, thành ra những người biết cô, ai cũng đem lòng quý mến. Cái thói đàn bà đi chợ búa của ta, thường xúm lại “ngồi lê đôi mách” với nhau, ai còn lại gì. Thôi thì chuyện chồng, chuyện con, việc nhà, việc cửa, họ khéo kể lể con cà con kê, không sót một điều gì. Nhưng cô Tám lại khác hẳn. Ai hỏi đến chồng, cô cười; nghĩa là tỏ ý rằng đã có mà cũng chưa. Ai hỏi đến đứa trẻ là thế nào của cô, cô cũng cười: cười một cách khó nói lắm. Ai hỏi đến chỗ ở, cô cũng cười nữa; cười có ý không muốn cho ai biết mình ở chỗ nào. Thành ra, các bạn buôn bán quen thuộc với nhau, chỉ thấy cô hiền lành tử tế thì quý mến, đứa con trẻ kia khôn ngoan xinh xắn thì yêu thương; không ai biết người đàn bà ấy với đứa con trẻ ấy họ tên gốc tích ra thế nào. Một người đàn bà như cô Tám thật lạ lùng khó hiểu. Tính cô ít cười, biếng nói, rất đỗi buôn bán đi về trong chợ, với những người ngồi liền bên cạnh, tối ngày cô cũng không chuyện vãn lấy ba câu; nhưng chỉ có một hạng người ở đâu tới bên cô thì người ta thấy cô bắt chuyện tức thời, mà lại bắt chuyện một cách tỏ ra niềm nở thân mật lắm. Hạng người ấy là lính tập. Trên kia đã nói lính tập nhờ sự huấn luyện của binh gia Pháp mà trở nên hạng lính can đảm thiện chiến và có công lao trận mạc với Bảo hộ ra thế nào. Về mặt quân sự, họ đành là lính giỏi, nhưng về mặt đức tín, họ vẫn như người ta. Tự nhiên có kẻ nên hư, lành dữ phân biệt nhau. Có những lính tập hiền lành, tử tế, đứng đắn, biết điều đáo để, song cũng có những lính tập tính khí kỳ cục, sỗ sàng hay ỷ mình cậy thế mà làm nhiều cử chỉ ngang tàng, ức hiếp người đồng loại quê mùa hèn yếu. Sự đó, những lúc Bảo hộ mới định ban đầu, xảy ra rất thường, cho nên người mình ba bốn chục năm trước đối với lính tập, phần nhiều không có cảm tình, không có hảo ý. Họ kiêng sợ, nhưng mà họ tránh xa và ghét ngầm. Đến đỗi ai chơi với lính, họ kể ngay vào hạng người ăn chơi điếm đàng hung dữ, nhất là đàn bà con gái mà quen biết chuyện trò với lính tập, đều là bị xã hội kể cho là hạng trắc nết, hư thân. Họ vơ đũa cả nắm như thế, không chịu xét giùm bực người nào trong xã hội cũng có kẻ này người khác. Cô Tám là người hiền lành, đứng đắn, thủa nay chị em mua bán quen biết trong chợ vẫn có lòng quý mến kính trọng cô; bây giờ ngó thấy cô quen biết chuyện trò với lính tập, thì họ trầm trồ chỉ trỏ và bàn riêng nói lén với nhau: - Quái lạ! Con người như rứa mà tầm bậy hè! - Làm bộ nghiêm trang không hay nói cười trò chuyện với chị em mình, để với mấy ông du côn đó thì vồn vã, làm quen. Chị nghĩ coi ở đời tin người bề ngoài, lầm chết phải không? Nhiều bữa, phiên chợ tan rồi, người ta bắt gặp cô Tám mua rượu nem, quý bánh đem xuống ghe và dẫn mấy chú lính tập xuống ăn uống say sưa, rồi ngồi chuyện vãn lâu lắm, mới thấy mấy chú ngất ngưởng đi lên, người ta càng dị nghị gắt: - Nào có ai ngờ! Hôm sau, có chị xỏ xiên theo kiểu hàng tôm, hàng cá, gặp mặt cô Tám thì chào hỏi: "Tôi chào cô cai", hay là "Tôi chào thím quyền". Tiếng "quyền" ở miền Bắc vẫn thông dụng để chỉ vào lính tập. Kẻ cười người chê, bèn riêng nói lén ra sao, cô Tám biết hết. Nhưng cô vẫn tự nhiên, điềm tĩnh như không, hình như chẳng coi sự dị nghị của thiên hạ ra gì. Nay chú lính này, mai chú lính khác, cô vẫn nói cười tiếp đãi họ như thường. Có lúc tiếng cô nói to người ta còn nghe lóng được đôi chút, cô lúc cô thì thầm nói nhỏ với lính, chẳng ai nghe được tiếng nào, người ta càng nghi. Nghi thì nghi, người ta đều phải sửng sốt lạ lùng với nhau là cô Tám chuyện vãn ân cần với lính tập thế nọ, mời lính xuống ghe đãi đằng trà rượu thế kia, nhưng tuyệt nhiên không thấy cô ta có vẻ lả lơi một chút nào, vì họ vẫn rình mò dò xét cô ta mãi. Thế cho nên thỉ chung ngoài mặt người ta không hề dám khinh cô Tám. Huống chi bọn buôn bán các nơi, cứ đến phiên chợ cũng đi đò về một ngã sông, thấy bao giờ cô Tám cũng cùng với đứa trẻ con đi, rồi lại cùng với đứa trẻ con về, ngoài ra không hề có tung tích gì, khiến cho người ta có thể ngờ vực chê cười được. Thuyền của họ thường gặp thuyền của cô Tám vào hồi gần sáng ở làng Triều Khẩu; không cần phải hỏi, cứ nghe giọng cô Tám vừa chèo thuyền vừa hát, tự nhiên họ biết: Đôi ta cùng nợ nước non, Chàng đà trả sạch, thiếp còn long đong. Bao giờ sông lặng nước trong, Bỏ người chèo lái đêm đông nhọc nhằn.
Rồi cô lại hát tiếp câu khác: Đi đâu lật đật hỡi ai? Mũi tên hòn đạn cho người này theo. Lênh đênh mặt nước một chèo, Non sông gánh nặng vẫn đeo bên mình.
Đêm khuya, trời lặng, sông rộng, đồng xa, mà nghe tiếng cô hát những câu như thế với cái giọng rất não nùng ai oán, réo dắt thê lương, dù ai cũng phải rung động trong tâm hồn và đoán chừng cô là người có tâm sự gì đau đớn lắm vậy. Trông người cô Tám nhỏ nhắn, ẻo lả bề ngoài, hình như một cơn gió thổi cũng xiêu, thế mà cô có sức rất mạnh không ai dám ngờ. Những đứa du côn vô loại, thấy cô hay nói chuyện với lính tập ở trong chợ như thế, tưởng đâu là con người lẳng lơ, thành ra chúng bạo dạn, cũng dở thói trăng hoa đàng điếm ra, nói chơi nói ghẹo. Ban đầu cô làm thinh không thèm nói gì, chúng thấy vậy càng được trớn làm già, khiến cho cô không nhịn nhục được, phải dùng đến võ lực, đánh cho mấy đứa chạy nhào. Sau chúng kéo nhau đến mấy chục đứa tới trả thù, toan đổ gánh than và đánh cô một trận tơi bời để rửa thể diện anh chị. Nhưng chúng là đàn dê. Vô phước gặp nhằm con cọp cái, có vút nhọn nanh dài. Muốn dạy chúng một bài học, cô Tám lúc nào yểu điệu hiền lành, bây giờ đứng phắt dậy, trừng mắt tròn xí, lông mày đảo ngược, xắn gọn gàng tay áo lên, thách đố cả bọn du côn ra chỗ rộng rãi, dám đánh nhau với một mình cô thử coi. Người ta thấy cô Tám múa chân múa tay, đông xông tây đột, đánh võ với cả bọn du côn bao vây dữ tợn, thế mà đứa thì lỗ đầu, đứa thì chạy trốn, đứa thì té nhào, duy cô đã không bị một vết tích gì, lại sau khi bãi trận, thần sắc coi tự nhiên như không. Người trong chợ kéo nhau đi xem trận “nhất nữ chiến quần nam” thiếu gì; họ reo cười khen ngợi không ngớt: - Không ngờ cô hàng than giỏi võ... Thấy cô Tám hiền lành tử tế, ai cũng mến ưa, cho là người đứng đắn; chừng thấy cô hay quen biết đàm đạo với lính tập thì lại cho là người tầm bậy; đến lúc nghe cô hát mấy câu ai oán lạnh lùng kia, thì ai cũng cho là người có tâm sự chi ức uất; tới bây giờ thấy cô sức đánh mấy chục người đều té nhào, thì cho là nhi nữ anh hùng. Dư luận đối với cô có vậy mà thôi, còn như quê quán, nhà cửa, chồng con và thân thế cô ta ra thế nào, thì vẫn như trên kia đã nói, người ta dò la dọ hỏi đáo để, mà không biết cứ là không biết! Phiên chợ nào cũng như phiên chợ nấy, trong hai năm trời, hễ sáng sớm phiên chợ là thấy cô Tám chèo thuyền đến, chiều hôm tan chợ cô lại chèo thuyền về; chẳng hề có một phiên chợ cô Tám vắng mặt. Bỗng dưng đến đầu năm Kỷ Sửu (1889) trở đi, ở chợ Tràng người ta không thấy cô Tám bán than đến họp chợ nữa. Ban đầu còn có người suy nghĩ: hay là cô Tám về nhà quê ăn Tết chưa ra đi chợ buôn bán; nhưng về sau phiên chợ nào cũng không thấy cô, bấy giờ họ bảo nhau: - Thôi chắc cô ả đi theo chú quyền, thầy cai nào rồi. Có người đã thấy cô ta giỏi võ, thì đoán cao hơn một chút: - Hay là con ấy đi ăn cướp! Không phải vậy. Nhưng mà cũng chưa biết chừng. Hồi đó, là giữa năm canh dần (1890). Cụ Phan Đình Phùng đã chiếm cứ xưng hùng ở trên Ngàn Trươi được ba bốn năm, có tiếng là "Sơn trung Tể tướng". Quân lính Bảo hộ vẫn tím cách tuần tiễu hoài, nhưng không dám thâm nhập tới trọng địa, một là vì nghĩa quân thanh thế khá to, quân lính nhà nước day trở đối phó không kịp, hai là đường lối tấn lên Ngàn Trươi phải trải qua nhiều rừng núi hiểm trở khuất khúc lạ thường, e sợ phục binh đánh úp rất nguy. Vả lại có lắm khu rừng nếu muốn băng qua, phải làm sao có đủ sức chịu đựng hay là đánh nhau với đỉa, với rắn, với muỗi mòng trước, rồi hãy nói chuyện đánh với nghĩa binh sau. Thật vậy, có một khu rừng hiểm nhất, là vì đất sình lầy, lội phải lụt cẳng, có chỗ ngập tới ngang lưng, mà đỉa sao đầy dẫy hơn dòi, con nào con nấy lớn như ngón cẳng, như cổ tay, nó bu lại hút máu một lát, người mạnh đến đâu cũng phải chết xỉu. Các quan binh Pháp đặt tên là "La forêt des Sangsues", khuyên nhau nên coi chừng rừng đỉa mà tránh. Nhờ có hiểm địa tự nhiên và đạo binh côn trùng muôn muôn ức ức đó, cụ Phan thêm mạnh thanh thế và có thể đối chiến được, cố thủ được lâu ngày. Tuy là đại đồn Ngàn Trươi không bị xâm phạm, nhưng các quân thứ hộ vệ chung quanh thì nghĩa vẫn thường có nhiều dịp đụng đầu chạm trán với quân binh luôn luôn. Nghĩa binh khéo dùng lối mai phục đoản công như kiểu người Abitxini, gọi là guérilla, đối chiến với Ý, thành ra bắt buộc lính tráng Bảo hộ phải ứng chiến nhọc sức tốn công, mà nghĩa binh thường vẫn thắng nhiều bại ít. Hai bên cầm cự nhau luôn sáu bảy năm như thế. Trong khoảng ấy, có một lúc Bảo hộ lại tính dùng tới đại binh, nhưng sau e ngại tốn kém nhiều và náo động dư luận bên thượng quốc nên lại thôi. Lúc này, muốn cho phong trào thêm lớn, thực lực thêm to, cụ Phan thảo một tờ hịch truyền đi các nơi, để khích động nhân tâm, chiêu tập hào kiệt. Tôi nhớ trong bài hịch, có đoạn như vầy: - Phùng tôi là người học ít tài hèn, gánh vác công việc lớn lao này, sáu bảy năm trời, chưa có làm nên được việc chi rực rỡ. Chẳng qua chận trước vấp sau, lui tới chỉ những rừng núi, thật bấy lâu nay xót dạ đau lòng, không biết lo tính làm sao được. Các ông có chí lớn tài to, nếu không muốn đem ra cho nước nhà dùng đi nữa, thì cũng nên đem mưu lạ chước hay ra dạy bảo cho tôi để cứu lấy sinh dân, thì Phùng xin nhả cơm bới tóc (ông Chu Công nước Tàu, làm tướng nhà Chu, hễ có ai đến, ông đang ăn cơm thì nhả miếng cơm ra, đang gội đầu thì bới tóc lên, để ra đón khách, tỏ ý kính trọng những người hiền năng vậy), sẵn lòng nghe theo. Như thế thì tuy các ông ở chốn thảo dã, mà cũng có cái công báo nước giúp đời, vậy đừng coi việc đó làm thường, nỡ ngồi làm thinh để ngó non nước đổi dời, mà chẳng ra tay cứu vớt. Tờ hịch truyền ra, bọn sĩ phu Trung Việt càng lấy làm cổ võ, tranh nhau giúp đỡ cho cụ hoặc mưu lược, hoặc quân lương, hoặc dò xét biết quân Pháp cử động thế nào, đều cho người lên mật báo để cụ biết trước mà đề phòng. Kể cái thanh thế của cụ tới lúc này đã to lớn và vững vàng ít nhiều, duy có một việc hơi khó lòng, là việc mua thuốc đạn ở bên Xiêm, vì đường sá qua Lào nhiều nỗi trở ngăn, cho nên những người có chức trách trù biện việc này, đi lại rất là khó nhọc, mà lại không mua được nhiều. Phần nào bị Bảo hộ ngăn đường, thành ra súng đạn của nghĩa quân vận tải về thường bị mất luôn. Ấy là một việc cụ Phan lấy làm lo ngại. Một ngày kia Cao Thắng đang ngồi ở đồn ngoài, cùng chư tướng bàn bạc việc quân, bỗng có một tên lính vào bẩm rằng: - Ngoài cửa trại, có một người đàn bà dẫn theo một đứa con trai nhỏ, nói xin vào yết kiến quan Đổng nhung (là chức Cao Thắng lúc ấy). Ông lấy làm lạ, truyền cho vô tức thời. Người đàn bà dắt đứa trẻ vô, đứng vái dài một vái rồi nói một cách tự nhiên: - Tôi là con gái ông Hoàng Phúc (cũng là một nhà cách mạng ở Quảng Bình, đoạn trên kia đã nói tới), chắc tướng quân đã biết. Sau khi cha tôi mất, nhà tôi tan, thân tôi phải lưu lạc giang hồ, tìm cách để phục thù cho cha tôi. Vì tuy tôi là liễu bồ phận gái, nhưng cũng có hồ thỉ chí trai, tấm thân không kể bao nhiêu nông nỗi đắng cay, miễn là cầu vọng cho thoả được tấm lòng mình ao ước. Đứa con nhỏ này đây (vừa nói vừa chỉ vào đứa trẻ nhỏ) không phải là đứa con tôi, nó là con riêng một người bạn tôi, cũng một nhà chí sĩ, tên là Lê Doãn, trước theo cha tôi đã lập được nhiều công trận, vì anh ta thông minh và vô dõng lắm. Cha tôi thương yêu, mà tôi cũng thương yêu, nên chi tôi với Lê Doãn đã ước hẹn với nhau rằng một mai đại sự thành công thì thế nào chúng tôi cũng thành duyên cang lệ với nhau; lời minh thệ ấy có trời đất chứng giám. Anh ta đã goá vợ, chỉ có một đứa con trai mới 3 tuổi, chính là thằng bé này. Nhưng vì quốc sự gian nan, làm cho việc nhân duyên của chúng tôi giữa đường lỡ dở chia phôi. Nguyên là cách đó chưa được bao lâu anh ta đánh trận bị thương nặng, tự biết không sống được, có viết thư để lại cho tôi, cậy nhờ giao phó tôi trông nom giùm đứa con bồ côi. Không mấy lúc sau, cha tôi cũng chết mất, thân thế của tôi thành ra lênh đênh. Không lẽ ra đầu thú với Pháp, bởi làm vậy thì trái lòng của cha; không lẽ đi lấy chồng, vì đối với anh Lê Doãn, dầu sau cũng đã là chồng tôi rồi; lại không lẽ bỏ đứa con bồ côi mà đi đâu, và cha nó đinh ninh uỷ thác cho mình, nếu mình bỏ đi thì bấy giờ ai nuôi nó? Thành ra tôi phải đem đứa con nhỏ này cùng đi trốn. Phải đi trốn, kẻo sợ quân Pháp tróc nã tôi. Đi trốn mà không biết ở vào đâu cho thuận tiện được cả mọi bề, cho nên tôi phải mua một chiếc thuyền mà ở lênh đênh trên mặt nước, nay ở chỗ này, mai dời chỗ kia, không biết đâu là định sở. Trong lưng tôi còn được mấy nén bạc, mới bỏ ra buôn than để chi độ qua ngày. Tôi cốt buôn than đem lên chợ Tràng bán, là có chủ tâm gần gũi giao thiệp với bọn lính tập đóng ở Nghệ An. Tôi giả đò quyến luyến với họ, để xúi họ thừa cơ khởi nghĩa, hưởng ông với nghĩa binh. Nếu vạn nhất mà việc đó thành công thì chẳng những nghĩa binh ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình thêm được vây cánh, khí giới, mà lại có thể mở ra được đường lối đi lại với nghĩa đảng ngoài Bắc, để trong ngoài tiếp ứng, chị té em nâng, may ra mới nên được việc lớn... Nói đến đây, người đàn bà ngừng lại một lát để thở dài một hơi, rồi lại nói tiếp: - Nhưng mà trời cũng hại tôi, nên chi công việc mưu tính đã gần thành rồi mà lại hư hỏng, là bởi nhà đương cuộc Bảo hộ thấy động liền sinh nghi vội vàng thay đổi toán lính tập tôi đang cám dỗ gần được đó đi nơi khác, mà đem toán lính xa lạ ở nơi khác về đóng tại tỉnh Nghệ; thế là khổ tâm mưu tính mấy năm trời bỗng chốc hoá ra “Dã tràng xe cát"; tôi đau đớn vô cùng. Rồi nghĩ nếu mình cứ quanh quẩn ở đó mãi, nhắm chừng cũng chẳng nên được việc gì, cho nên tôi phải bỏ đi để tìm kế khác. Vẫn biết cụ Phan và tướng quân dấy nghĩa lâu nay, tôi rất lấy làm hâm mộ, đáng lẽ trước hết tôi phải lập được một chút công trạng gì, thì mới dám đến xin tướng quân thâu dụng, may ra tôi cũng có thể làm bổ ích cho việc lớn được đôi phần cỏn con. Nhưng nay điều sở ước của tôi đã hỏng mất rồi, không có thể tự mình tìm được việc gì khác mà làm nữa, vậy tôi đến đây tức là đem thân mọn tài hèn, để tướng quân sai khiến... Người đàn bà nói một mạch từ lúc mới vô đến giờ, Cao Thắng lẳng lặng ngồi nghe. Người đàn bà ấy nào phải ai lạ đâu, chính là cô bán than ở chợ Tràng, người ta vẫn gọi là cô Tám đó. Cô Tám nói luôn một mạch, kể lể tâm sự, chí hướng của mình, mà sắc mặt đổi thay mỗi chỗ theo câu chuyện: khi cười chúm chím, khi khóc sụt sùi, lúc cảm khích quá mạnh thì cất tiếng nói lớn như tiếng nổ ở trên không, lúc đụng chạm tới tâm sự thê lương thì tiếng nói nhẹ nhàng như hơi gió bay qua trước mặt, khiến cho Cao Thắng nghe lấy làm cảm động bùi ngùi, nhưng ông không khỏi sinh nghi; nghi là kẻ do thám của Bảo hộ sai đến. Sau khi cô Tám nói hết tâm sự rồi, Cao Thắng không trả lời gì hết, chỉ hét gọi đao phủ quân: - Quân đao phủ đâu? Bay lôi con mụ này ra trước cửa trại mà chặt đầu nó đi cho mau. Nó dám cả gan tới đây bày điều kiếm chuyện để do thám binh tình của ta! Cao Thắng muốn làm bộ ra oai để thử tài thử gan cô Tám vậy thôi, không phải hô lính chém đầu thiệt đâu. Việc tuần phòng tra xét ở sơn trại nghiêm lắm, nếu ai có chút hình tích hơi nghi là kẻ do thám thì đã bị bắn chết từ khi mới bước cẳng vô trại ngoài rồi, không khi nào được vô tới trại trong để yết kiến quan Đổng nhung. Vả lại cô Tám đâu có sợ chết. Cô Tám tự nhiên như không, chẳng có sắc mặt gì tỏ ra sợ hãi hay là hối hận; cô chỉ cười và nói: - Những thứ người mưu hại đồng bào như thế ở đời cũng có thiệt, nhưng người đó không phải là tôi. Tướng quân có muốn giết thì giết tôi đi, tôi rất vui lòng, lòng dạ tôi thế nào, đã có thần minh trên cao soi xét và có người ở suối vàng biết giùm tôi, tôi không cần biện bạch làm gì. Miễn là xin tướng quân thương xót đứa con bồ côi này mà chăm nom dạy dỗ, tôi dầu có chết cũng được yên lòng nhắm mắt. Nói đoạn, cô ôm chặt đứa nhỏ hôn hít và khóc nức nở. Mấy tên quân đao phủ vừa toan lôi cô Tám ra hành hình, thì Cao Thắng khoát tay mà nói: - Bây không được vô lễ! Rồi ông bước xuống thềm đỡ tay cô Tám đứng dậy và cung kính mời ngồi: - Tôi muốn thử cho biết can đảm của cô đó thôi. Cô thực là một bực cang cường nghĩa khí, tôi rất kính phục. Nay cô tình nguyện ra sức với nghĩa quân tấm lòng quý hoá biết mấy, nhưng còn đứa con trẻ này bận rộn bên mình, thì cô tính sao? - Bẩm tôi đã có chỗ xử trí, tướng quân khỏi lo. Tức thời Cao Thắng thân dẫn cô Tám vô đại đồn yết kiến cụ Phan, trình bày sự thể. Cụ Phan còn đang ngần ngại, chưa biết dùng tài một người đàn bà vô chỗ nào, bỗng có tiểu đội nghĩa binh đi tuần về, báo tin rằng cách xa sơn trại 30 dặm, có một toán lính tập lối 30 người do viên quản cơ làm đầu, hiện đóng ở trong một cái miễu từ hai bữa nay, không biết là họ có ý cử động gì. Cụ Phan chưa kịp suy tính ra sao, cô Tám chụp nói: - Sẵn có cơ hội này, xin cụ cho tôi đi bắt toán lính ấy để lập công sơn kiến với nghĩa binh được chăng? Cả cụ Phan và Cao Thắng cùng lấy làm lạ: - Một thân đàn bà cô định dùng kế gì mà bắt nổi cả đám lính tráng con trai như thế? - Bẩm cụ, tôi có cách bắt được, mà quân ta không phải hao một viên đạn nào mới hay, chỉ xin giao hẹn đến ngày thứ ba, thì cụ cho mấy chục tên kiện tốt, mặc đồ giả làm người đi buôn bán và giả một tốp nông dân đi lảng vảng qua trước miễu, hễ thấy tôi liếc mắt ra dấu bảo họ ra tay thì họ cứ việc. Cụ Phan cho đi. Cô Tám từ giã, tức thời xuống núi. Cô đi vô một làng xóm gần đó, mua một cây đòn gánh thiệt chắc, một đôi thúng, chất đầy rượu thịt quý bánh nhiều thứ, lại sửa sang mặt mày và trang điểm cho ra vẻ con người xinh đẹp mà hơi lẳng lơ, rồi quẩy gánh thủng thẳng đi tới chỗ lính tập đang đóng để bán hàng. Ai lạ gì mấy thầy quyền, phần nhiều là hạng ham ăn ham sắc. Nay thấy có cả “sắc” cả “ăn” đến bên mình, thì mấy thầy khoái "chí tử". Thịt mỡ đem tới miệng mèo, bao giờ nó chê! Cô Tám lại khéo làm bộ trai lơ tình tứ hết hồn, nụ cười tiếng nói rất là có duyên; cả toán lính xúm lại bu quanh cái gánh của cô, mua rượu, mua bánh tíu tít. Cậu nào thả giọng chàng nàng, ve vãn, cô cũng niềm nở chiều đãi như cách đã trao xương gửi thịt cho nhau từ bao giờ rồi vậy. Đến đỗi các cậu mua chác, ai có sẵn tiền thì trả, ai khô xu cạn túi cô cũng bán chịu thả cửa, nói rằng: "Thầy cứ dùng món gì tuỳ ý, mai mốt lãnh lương rồi trả cho em một lần cũng được. Em có phải xem của trọng hơn người đâu". Mấy tiếng nói đó làm cho thầy quyền nào cũng gần chết mệt. Qua bữa sau, cô Tám lại gánh rượu thịt tới, bọn lính hết sức vui mừng, xúm lại mua nem rượu vừa đánh chén, vừa nói chơi, men sắc và men rượu nhập lại, làm cho các cậu say mèm. Cô hàng lại càng chịu khó hầu hạ chiều chuộng, thêm vẻ thân mật hơn ngày hôm trước. Họ đinh ninh bảo cô ta làm sao ngày mai mua được thịt dê và rượu lậu cho ngon, đem tới đây anh em uống một bữa cho thiệt khoái chí. Quả nhiên hôm sau cô Tám gánh tới một gánh thịt dê nấu nướng đủ kiểu, đủ mùi và một vò rượu thiệt ngon. Các thầy quyền ta mừng quá, luôn miệng khen cả cô ả này ngoan nết dễ thương. Rồi họ ngồi lết trên bãi cỏ, cứ năm bảy người làm một tốp, cô Tám dọn một mâm thịt dê, một chai rượu bố. Muốn ngồi đánh chén cho khoan khoái thong thả, từ ông quản cho đến các thầy quyền đều tháo hết giây nịt, túi đạn, bay-don-nết, và gác súng đạn lại một nơi ở trên thềm miễu thổ thần. Vậy rồi họ ngồi rung đùi uống rượu nhắm với thịt dê, chén chú chén anh, vui vẻ, đắc chí. Lúc ấy ông trời họ cũng coi như thằng trẻ con. Cô Tám day trở hầu hạ chuyên mời, hết sức chu đáo xem chừng cậu nào thật là bợm rượu thì cô khiêu khích cho cậu càng uống già, còn cậu nào nghe chừng không uống được mấy, thì cô lại làm cách khuyên lơn âu yếm cho cậu phải vui lòng nhắm mắt mà uống vì cô. Lạ gì trong rượu có pha thuốc mê, dầu uống nhiều ít gì cũng mau say lắm. Chốc lát, cả đám lính đều say nhừ tử, cặp mắt cậu nào cũng lờ đờ như sắp chết. Cô Tám biết thời cơ đã đến nơi rồi càng ra sức hầu hạ, nào quạt, nào rót nước, nào nâng đỡ, cô không ngần ngại một chút nào. Giữa lúc đó ở trước cửa miễu, xôn xao đông người tụ lại. Ấy là dân làng sở tại, thấy lính ăn uống vui vẻ chọc ghẹo cô hàng, thì họ cho là sự lạ, kéo nhau lại đứng ngó trân và cười thầm. Ai không biết thói tục xứ mình, hơi có động rạng khác thường chút xíu, tức thời có người bu lại đông đầy. Hai chục người tráng sĩ ở Ngàn Trươi sai xuống, giả làm lái buôn và dân cày, lúc ấy cũng trà trộn vào trong bọn dân làng, trong mình mỗi người đều có giắt đoản đao sắc lẻm. Họ chỉ đợi chờ có ám hiệu là xông vào ra tay. Toán lính đang say mèm, không chú ý gì đến sự người ta xôn xao đông đảo, lần hồi các cậu nằm lăn ra trên cỏ mà ngủ, trông như một đống tử thi. Bấy giờ, cô Tám liền tới vỗ về và quạt mát cho viên quản ngủ thiệt say, một lát cô lén móc được khẩu súng lục của va, rồi chạy ra đứng ngay chỗ chất súng đạn kia, đưa mắt ra hiệu cho bọn phục binh bảo họ ra tay. Tức thời, 20 tráng sĩ xen lộn trong đám dân làng và trẻ con, rút đoản đao nhảy ùa vào hô hoán vang dậy: "Trói cả chúng nói lại anh em!" Bọn lính đang mơ màng, bỗng nghe la giết mình, hốt hoảng vùng dậy, nhưng mà nhiều anh dậy không nổi. Anh nào đứng dậy được thì ngó thấy con mẹ bán quà cho mình ăn, đưa súng bảo im không thì bắn chết, thành ra không cậu nào dám hó hé, vả lại hồi này cũng không cậu nào còn sức chống cự gì được. Tráng sĩ Ngàn Trươi trói cả mấy chục cậu lính vào một đống ngồi chồm hổm với nhau, trơ mắt vừa ngó vừa run. Cô Tám truyền lệnh cho anh em tráng sĩ chia nhau khiêng vác hết thảy súng đạn và khí cụ của toán lính đem lên sơn trại. Ngó mặt bọn lính, cô Tám vừa cười vừa nói cay chua: - Luôn ba bữa nay, em đem thân chiều chuộng các ông; chỉ cốt mượn đỡ mấy chục khẩu súng của các ông cho nghĩa binh dùng đó thôi. Còn thân các ông bây giờ, thôi em rộng lượng tha cho sống sót mà về với vợ con. Cô Tám nói đoạn rồi đi như bay. Bọn lính ngó theo hình như bể gan ói mật, nhưng không biết làm thế nào, khỏi chết là may lắm rồi. Cô Tám về đại đồn nạp súng đạn, và bẩm rõ đầu đuôi công việc, bởi toán lính tập là đồng bào nên cô suy nghĩ không nên sát hại hay là bắt họ về làm chi. Nghe chuyện, cụ Phan cũng phải tức cười, và khen ngợi cô Tám: - Ai ngờ nhi nữ mà mưu mô đảm lược đến như thế sao? Bữa sau, cụ Phan truyền mời cô Tám lên nghị sự đường để bàn tính một việc binh cơ quan hệ. Cụ nói: - Nghĩa quân hiện nay có một việc thật là khó khăn, nếu cô sẵn lòng giúp đỡ cho được thì hay lắm: việc qua Xiêm mua thuốc đạn. Việc này bấy lâu nghĩa quân vẫn đặt riêng mấy người tâm phúc ở luôn bên Xiêm, để chuyên về việc mua vật liệu thuốc đạn, rồi đã có người khác đem về. Song chỉ ngặt vì một nỗi đường sá hiểm trở quá, đàn ông đi lại, thường không thuận tiện bằng đàn bà, nếu đàn bà giả làm người buôn bán mà đi, thì giữa đường không có ngờ vực xét hỏi. Có điều là công việc khó nhọc vất vả lắm, chẳng biết cô có đương nổi được hay không? - Cụ muốn bảo tôi chết, tôi cũng dám chết ngay được liền bây giờ, sự khó nhọc vất vả có sá kể chi, thưa cụ. - Vậy thì nghĩa quân uỷ thác việc ấy cho cô, cô nên vì việc nước hết sức nghe. - Dạ, đến chết thì thôi! Từ đó nghĩa quân không thiếu thuốc đạn, trước kia chế đạn bằng bốn phần thuốc ta, một phần thuốc tây, bây giờ có thể dùng quá phân nửa là thuốc ngoài đem về. Ấy là nhờ có người bên Xiêm trù biện giúp cho. Và nhờ có người đàn bà là cô Tám giả làm khách buôn bán, mạo hiểm chuyên chở về được đến nơi đến chốn. Khi cô Tám sang Xiêm lần đầu, cô dắt cả đứa con của Lê Doãn đi theo, nhưng cô để nó ở lại bên Xiêm, gửi người ta nuôi giùm cho khỏi bận rộn trở ngăn công việc. Cô đi đi về về, chuyên chở thuốc đạn được bốn năm chuyến; mỗi chuyến được năm bảy ngàn cân, chứ không phải ít. Vì cô khéo xếp đặt thuê mướn mấy chục thổ nhân, gánh vác lần hồi từng chặng, giả như là chuyên chở hàng hoá theo cách đi đường rừng vậy. Đến đây, chúng tôi tưởng nên nói ngay để kết thúc cái lịch sử của người đàn bà vô danh anh hùng này, kẻo sau không có dịp nói đến nữa. Cô đi lại chuyên chở thuốc đạn giúp nghĩa binh được mấy chuyến như thế rồi thôi, sau đó chẳng ai thấy tung tích cô Tám đâu hết. Có người đoán rằng vì nỗi đi đường khó nhọc quá mà cảm nhiễm phong sương, cô Tám sinh bệnh rồi chết ở giữa rừng, giữa núi nào đó không chừng. Có người khác nói, tới sau cô Tám thấy nghĩa binh thất bại, cho nên ở luôn bên Xiêm, không về. Sự thật, chung cuộc của cô Tám ra sao, hình như không một ai biết rõ. Con Thần long (rồng thiêng) hiện ra, thì thấy đầu chứ không thấy đuôi, tiếc thay!