Mặc dù bị lên án, tệ nạn cờ bạc vẫn còn hoành hành nhiều nơi trên thế giới. Thậm chí, trong nhiều quốc gia phương Tây, tệ nạn này được đưa lên ngang hàng với nhiều ngành kinh tế khác:
các sòng bạc được phép hoạt động công khai; và lẽ tất nhiên tất cả đều gian lận trong việc khai nạp thuế cho nhà nước. Do đó, ngoài tác hại khủng khiếp là khiến cho nhiều kẻ tán gia bại sản, nhiều con người đáng kính phải thân bại danh liệt, chúng còn làm băng hoại xã hội về nhiều mặt khác ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Để thỏa mãn lòng tham vô đáy và bảo vệ đồng tiền phi pháp đó, những tên chủ sòng bạc đã mua chuộc đủ các cấp của chính quyền địa phương và thành lập “Nghiệp đoàn” có uy lực bao trùm toàn quốc. “Tổng hành dinh” đặt tại các đô thị lớn như Las Vegas, một cái tên trên nước Mỹ mà có lẽ không một người nào không biết. Bất cứ một thành viên nào chống lại “Nghiệp đoàn” đều bị thanh toán một cách tàn nhẫn. Từ đó nảy sinh những tên côn đồ bảo vệ cho tổ chức này và nhiều tổ chức khác có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp như cho vay tiền lấy lãi thật nặng, hành nghề mãi dâm, v.v ...
Về mặt nghiệp vụ cụ thể, các vần đề cất giữ tiền, vận chuyển tiền đã có nhiều phương pháp tinh vi, tài tình, tưởng chừng như tuyệt đối an toàn. So với các vấn đề tương tự trong ngành ngân hàng, ở đây còn khó khăn gấp bội vì tất cả đều phải tự thực hiện, mà không thể nhờ cơ quan cảnh sát giúp đỡ.
Tuy nhiên, trên cõi đời này, đã có “vỏ quýt dày” tất có “móng tay nhọn”.
Những con người thông minh, khi gặp những khó khăn “dường như” không thể vượt qua được, lại nổi máu phiêu lưu, quyết tâm thử trò chơi “trứng chọi đá”.
GIAI ĐIỆU DƯỚI TẦNG HẦM mô tả một vụ tổ chức cướp sòng bạc được thực hiện ly kỳ và đầy nhân tính. Hai vai chính trong truyện là hai con người gần như hoàn toàn trái ngược nhau:
Karl Heisler, người chủ mưu vụ cướp, gần suốt cả một đời vào tù ra khám và khi mãn hạn lần cuối thì đã năm mươi lăm tuổi với đôi bàn tay trắng. Yêu người vợ chung thủy già hơn tuổi vì quá nghèo khổ, thương đứa con độc nhất bị suy dinh dưỡng vì không đủ ăn, ông chỉ còn mơ ước thực hiện một vố thật lớn rồi giải nghệ để làm lại cuộc đời. Léon Bertuzzi, chủ nhân sòng bạc, suốt hai mươi lăm năm phục vụ đắc lực cho “Nghiệp đoàn” không một lần sai sót để rồi bị cấp trên dùng một tay phụ tá trẻ loại trừ dần, tên này ngang nhiên cướp đoạt cả người vợ mà ông ta yêu hơn bất cứ gì trên đời, khiến ông ta chỉ còn cách âm mưu hạ sát kẻ thù, dù sau đó phải trả giá bằng cái chết ...
JOHN TRINIAN sẽ dẫn dắt người đọc một cách say sưa từ khởi đầu cho đến kết thúc bằng một câu chuyện với những tình tiết đột biến, những cảnh tượng kỳ lạ, những cảm thương bàng bạc gần như không thấy rõ nhưng vẫn khiến cho ta xúc động. Xúc động cho những kiếp người khốn cùng trong một xã hội mà đồng tiền quyết định tất cả, do đó ngay cả những kẻ xấu cũng có vài nét đáng yêu, cũng vẫn là “người”.
Có lẽ chính vì vậy, một hãng phim liên doanh Pháp – Ý đã “phóng tác” câu chuyện này để quay thành một phim đặc sắc với hai bàn tài tử điện ảnh lừng danh thế giới của Pháp là JEAN GABIN và ALAN DELON với tựa đề khác với nguyên tác, mà người dịch đã lấy làm tên cho cuốn tiểu thuyết này. Cuốn phim đã được giới thiệu rộng rãi ở một số thành phố lớn như Hà Nội, Saigon, v.v ...
Trong “Những Ngày Phim Các Nước Cộng Đồng Kinh Tế Châu Âu (EEC)”.
Trng quý 4 năm 1988.
Chúng tôi đã dùng từ “phóng tác” bởi lẽ, vì một lý do nào đó, nhà làm phim đã hầu như thay đổi toàn bộ các đặc điểm chủ yếu của câu chuyện, thậm chí thay đổi hẳn cách kết thúc. Nhưng chính nhờ vậy, bạn đọc nào đã từng xem cuốn phim nói trên vẫn hoàn toàn thích thú khi được đọc cuốn sách này, nhất là được thưởng thức một niềm vui mới lạ: so sánh giá trị của điện ảnh và văn học trong cùng một tác phẩm.
Ngày 09 - 05 - 2003.
BỒ GIANG N.N.T