Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Triết Học, Kinh Tế >> Chống Duhring

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 20713 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chống Duhring
Frederick Engels

I. Đối tượng và phương pháp

Khoa kinh tế chính trị, theo nghĩa rộng nhất, là khoa học nghiên cứu những quy luật chi phối sự sản xuất và sự trao đổi những tư liệu sinh hoạt vật chất trong xã hội loài người. Sản xuất và trao đổi là hai chức năng khác nhau. Có thể có sản xuất mà không có trao đổi; còn trao đổi - chính vì trao đổi nhát thiết phải là trao đổi sản phẩm - thì không thể có nếu không có sản xuất. Mỗi chức năng trong hai chức năng xã hội đó đều chịu ảnh hưởng phần lớn là của những tác động đặc biệt, bên ngoài, và vì vậy mà phần lớn cũng có những quy luật riêng và đặc biệt của nó. Nhưng mặt khác, hai chức năng đó luôn luôn quy định lẫn nhau và ảnh hưởng lẫn nhau đến mức người ta có thể gọi hai chức năng đó là hoành độ và tung độ của con đường cong kinh tế.
Những điều kiện trong đó người ta sản xuất và trao đổi, đến thay đổi theo từng nước, và trong mỗi nước, lại thay đổi theo từng thế hệ. Bởi vậy, không thể có một khoa kinh tế chính trị duy nhất cho tất cả mọi nước và tất cả mọi thời đại lịch sử được. Từ chiếc cung và mũi tên, từ con dao bằng đá và những quan hệ trao đổi diễn ra dưới hình thức ngoại lệ của người dã man, cho đến cái máy hơi nước mạnh nghìn sức ngựa, cho đến cái máy dệt, cho đến đường sắt và đến Ngân hàng Anh, có một khoảng cách rất lớn. Người ở quần đảo Đất lửa chưa đạt đến nền sản xuất hàng loạt và thương nghiệp thế giới, mà cũng chưa có đầu cơ kỳ phiếu hoặc hiện tượng sở giao dịch bị phá sản. Kẻ nào muốn đưa những quy luật giống nhau vào khoa kinh tế chính trị của quần đảo Đất lửa và khoa kinh tế chính trị của nước Anh hiện nay thì kẻ đó rõ ràng chẳng được cái gì hết ngoài những điều chung chung tầm thường nhất. Vậy khoa kinh tế chính trị, về cơ bản là một khoa học có tính chất lịch sử. Nó nghiên cứu một vật liệu có tính chất lịch sử, nghĩa là một vật liệu luôn luôn biến đổi; trước hết có nghiên cứu những quy luật đặc thù của từng giai đoạn phát triển cá biệt của sản xuất và của trao đổi, và chỉ sau khi kết thúc công việc nghiên cứu đó nó mới có thể xác lập một vài quy luật hoàn toàn có tính chất phổ biến, thích dụng nói chung cho sản xuất và trao đổi. Tuy vậy, lẽ dĩ nhiên là những quy luật thích dụng cho những phương thức sản xuất và những hình thức trao đổi nhất định, cũng thích dụng cho tất cả những thời kỳ lịch sử nào cũng có những phương thức sản xuất và hình thức trao đổi như thế. Ví dụ, cùng với việc dùng tiền kim loại thì một loạt quy luật cũng phát huy tác dụng, những quy luật này vẫn thích dụng cho tất cả mọi nước nào và mọi giai đoạn lịch sử nào trong đó tiền kim loại được dùng làm phương tiện trao đổi.
Cùng với phương thức sản xuất và trao đổi của một xã hội nhất định trong lịch sử và cùng với những tiền đề lịch sử của xã hội đó, thì phương thức phân phối sản phẩm đồng thời cũng đã cho sẵn. Trong công xã thị tộc hay công xã nông thôn có chế độ công hữu về ruộng đất, tất cả các dân tộc văn minh đều bước vào lịch sử cùng với công xã đó, hay với những tàn dư rất dễ nhận thấy của nó, thì một sự phân phối sản phẩm khá đồng đều là điều hoàn toàn tự nhiên; nơi nào có sự phân phối sản phẩm khá đồng đều rõ rệt hơn giữa các thành viên, thì đó là dấu hiệu của bước đầu tan rã của công xã. Nền nông nghiệp lớn, cũng như nền công nghiệp nhỏ, đều có những hình thức phân phối rất khác nhau tuỳ theo những tiền đề lịch sử làm cơ sở cho nền nông nghiệp ấy phát triển. Nhưng rõ ràng là nền nông nghiệp lớn bao giờ cũng quyết định một sự phân phối hoàn toàn khác với nền nông nghiệp nhỏ; rõ ràng là nền nông nghiệp lớn lấy sự đối lập giai cấp làm tiền đề hay tạo ra sự đối lập giai cấp, chủ nô là nô lệ, lãnh chúa và nông nô, nhà tư bản và công nhân làm thuê, còn nền nông nghiệp nhỏ thì hoàn toàn không nhất thiết phải gây ra những sự phân biệt giai cấp giữa những cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp, và trái lại chỉ riêng sự tồn tại của những sự phân biệt đó cũng đã nói lên bước đầu tan rã của nền kinh tế tiểu nông. Việc lưu hành và phổ biến tiền kim loại ở trong một nước mà từ trước đến nay chỉ có nền kinh tế sự tự nhiên ngự trị hay nền kinh tế tự nhiên chiếm ưu thế, thì bao giờ cũng gắn liền với một sự đảo lộn chậm hơn hay nhanh hơn của sự phân phối trước đây, hơn nữa sự đảo lộn đó diễn ra một cách khiến cho sự bất bình đẳng trong phân phối giữa các cá nhân, tức là sự đối lập giữa kẻ giàu và người nghèo, ngày càng tăng thêm. Nền thủ công nghiệp phường hội địa phương thời trung cổ làm cho không thể có những nhà đại tư bản và những công nhân làm thuê suốt đời, cũng như đại công nghiệp hiện đại, nền tín dụng hiện nay và sự phát triển của hình thức trao đổi thích ứng với đại công nghiệp và tín dụng đó, tức là cạnh tranh tự do, nhất thiết phải đẻ ra hai giai cấp đó.
Nhưng cùng với sự chênh lệch trong phân phối, là một luận cứ được, mà chỉ có thể coi đó là một triệu chứng thôi. Nói cho đúng ra nhiệm vụ của khoa học kinh tế là phải chỉ rõ rừng những tệ nạn xã hội vừa mới lộ rõ ra đó là những hậu quả tất yếu của phương thức sản xuất hiện đang tồn tại, nhưng đồng thời cũng là những dấu hiệu chứng tỏ rằng phương thức sản xuất đó bắt đầu tan rã; và trong cái hình thức vận động kinh tế đang tan rã, phát hiện ra được những yếu tố của tổ chức sản xuất và trao đổi tương lai, mới, sẽ xoá bỏ những tệ nạn đó. Sự phẫn nộ làm ra các nhà thơ là sự phẫn nộ hoàn toàn chính đáng trong việc mô tả những tệ nạn đó hay trong việc công kích những kẻ ca ngợi sự hoà hợp phủ nhận hay tô son điểm phấn cho những tệ nạn đó nhằm phục vụ cho giai cấp thống trị; nhưng trong mỗi trường hợp nhất định, sự phẫn nộ đó thật ít có ý nghĩa biết bao, với tư cách là một sự chứng minh, điều đó cũng đã rõ qua cái sự thật là trong mỗi thời đại của toàn bộ lịch sử trước đây, không thiếu gì vật liệu cho sự phẫn nộ ấy.
Tuy nhiên, khoa kinh tế chính trị, với tư cách là khoa học nghiên cứu những điều kiện và những hình thức trong đó các xã hội khác nhau của loài người đã sản xuất và trao đổi, và trong đó những sản phẩm được phân phối một cách tương ứng, khoa kinh tế chính trị theo nghĩa rộng đó còn phải được sáng lập ra. Cho đến nay những gì mà khoa học kinh tế đem lại cho chúng ta, hầu như chỉ hoàn toàn giới hạn trong sự phát sinh và phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa: khoa đó bắt đầu bằng việc phê phán những tàn dư của những hình thức sản xuất và trao đổi phong kiến, chứng minh sự cần thiết phải thay thế những phương thức đó bằng những hình thức tư bản chủ nghĩa, sau đó nó trình bày những quy luật của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và những hình thức trao đổi tương ứng với phương thức sản xuất đó theo phía tích cực, nghĩa là theo phía chúng góp phần thúc đẩy việc thực hiện những mục đích chung của xã hội, và khoa học đó chấm dứt bằng việc đứng trên quan điểm xã hội chủ nghĩa mà phê phán phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, tức là trình bảy những quy luật của phương thức đó theo phía tiêu cực, bằng cách chứng minh rằng phương thức sản xuất đó, do sự phát triển của bản thân nó, đang tiến nhanh tới cái điểm ở đó nó tự làm cho nó không thể tồn tại được nữa. Sự phê phán đó chứng minh rằng những hình thức sản xuất và trao đổi tư bản chủ nghĩa ngày càng trở thành một xiềng xích không thể chịu đựng nổi đối với chính ngay sản xuất; rằng phương thức phân phối, do những hình thức đó quyết định một cách tất yếu, đã sản sinh ra một tình hình giai cấp ngày càng trở nên không sao chịu đựng nổi, tức là một sự đối lập ngày càng gay gắt hơn giữa những nhà tư bản ngày càng ít đi, nhưng ngày lại càng giàu thêm, với những công nhân làm thuê không có của ngày càng đông đảo hơn và nói chung sống trong một tình cảnh ngày càng tồi tệ hơn; và cuối cùng, chứng minh rằng những lực lượng sản xuất đông đảo, được tạo ra trong giới hạn của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, những lực lượng mà phương thức này không thể chề ngự nổi, chỉ chờ đợi một xã hội được tổ chức để cùng nhau làm việc theo kế hoạch, nắm lấy để đảm bảo cho toàn thể mọi thành viên trong xã hội những tư liệu sinh hoạt và đảm bảo sự phát triển tự do các năng khiếu của họ, và như thế với một mức độ ngày càng tăng thêm.
Muốn phê phán nền kinh tế tư sản một cách toàn diện, mà chỉ biết có hình thức sản xuất, trao đổi và phân phối tư bản chủ nghĩa thôi thì chưa đủ. Còn cần phải nghiên cứu, dầu chỉ là trên những nét chủ yếu, những hình thức có trước nền kinh tế ấy hay những hình thức còn đang tồn tại bên cạnh nó trong những nước ít phát triển, và dùng những hình thức đó để mà so sánh. Từ trước đến nay, nói chung chỉ có Mác là đã nghiên cứu và so sánh như thế, và chính nhờ sự nghiên cứu đó của Mác mà chúng ta mới có được hầu hết tất cả những điều đã xác định được từ trước tới nay trong lĩnh vực nghiên cứu về mặt lý luận nền kinh tế tiểu tư sản.
Mặc dầu khoa kinh tế chính trị theo ý nghĩa hẹp đã xuất hiện trong đầu óc những bậc thiên tài vào cuối thế kỷ XVII, nhưng theo cách trình bày chính diện của nó mà phái trọng nông và Adam Sith đã đưa ra, thì về thực chất nó là con đẻ của thế kỷ XVIII và đứng ngang hàng với những thành tựu của các nhà khai sáng lớn của nước Pháp với tất cả những ưu điểm và khuyết điểm của thời đó. Điều mà chúng tôi đã nói về các nhà khai sáng[53], cũng có thể dùng để nói về những nhà kinh tế học thời đó. Đối với họ, khoa học mới không phải là biểu hiện của những điều kiện và nhu cầu của thời đại mình, mà lại là biểu hiện của lý tính vĩnh cửu; những quy luật của sản xuất và trao đổi mà khoa học đó đã phát hiện ra không phải là những quy luật của một hình thức do lịch sử quy định của những hoạt động kinh tế đó, mà lại là những quy luật vĩnh cửu của tự nhiên ; người ta rút những quy luật đó ra từ bản tính của con người. Nhưng con người này, khi xem xét kỹ, lại là người thị dân hạng trung hồi bấy giờ đang ở trong quá trình chuyển hoá thành nhà tư sản, và bản tính của anh ta là chế tạo và buôn bán trong những điều kiện hồi đó do lịch sử quy định.
Sau khi chúng ta đã làm quen khá đủ với "nhà sáng lập có tính chất phê phán" của chúng ta là ông Đuy-ring và phương pháp của ông ta rồi, thì chúng ta có thể dễ dàng dự đoán được cái cách mà ông tá hiểu khoa kinh tế chính trị. Trong triết học, chỗ nào mà ông ta không đơn thuần nói những điều nhảm nhí (chẳng hạn như trong triết học về tự nhiên) thì quan điểm của ông là sự xuyên tạc quan điểm của thế kỷ XVIII. Theo ông ta, vấn đề không phải là những quy luật phát triển lịch sử, mà là những quy luật tự nhiên, những chân lý vĩnh cửu. Những quan hệ xã hội như đạo đức và pháp luật không do những điều kiện lịch sử nhất định của từng thời đại một quyết định, mà lại do hai anh chàng nổi tiếng quyết định, mà trong hai anh này, thì một anh hoặc là áp bức anh kia, hoặc là không áp bức anh kia, đó là điều mà tiếc thay từ trước đến nay lại chưa hề xảy ra bao giờ. Bởi vậy, chúng ta hầu như sẽ không lầm nếu như chúng ta rút ra kết luận rằng ông Đuy-ring cũng sẽ quy cả khoa kinh tế chính trị thành những chân lý tuyệt đỉch cuối cùng, thành những quy luật vĩnh cửu của tự nhiên, thành những định lý lặp lại, rỗng tuếch không có nội dung, nhưng trong lúc đó thì toàn bộ nội dung tích cực của khoa kinh tế chính trị, trong chừng mực ông ta biết được, lại được ông ta lén lút đưa trở lại bằng cổng sau ; rằng sự phân phối, với tư cách là một hiện tượng xã hội được ông ta rút ra không phải từ sản xuát và trao đổi, mà lại giao phó cho hai chàng bất hủ của ông ta giải quyết một cách dứt khoát. Và vì tất cả những điều đó là những mánh lới cũ kỹ mà chúng ta đều biết cả rồi, cho nên ở đây chúng ta càng có thể nói được vắn tắt hơn.
Thật vậy, ông Đuy-ring, ngay từ trang 2[54], đã tuyên bố với chúng ta rằng.
Khoa kinh tế của ông ta dựa vào điều đã được "xác lập" trong "Triết học" của ông, và "về một vài điểm cơ bản, thì khoa học kinh tế đó dựa vào những chân lý thuộc loại cao hơn, đã được hoàn thành rồi, trong một lĩnh vực nghiên cứu cao hơn".
Chỗ nào cũng thấy cái tính chất khó chịu của sự tự tâng bốc ấy. Chỗ nào cũng thấy sự đắc thắng của ông Đuy-ring về những cái mà ông ta đã xác nhận rồi. Thật vậy đã hoàn thành rồi, điều đó chúng ta đã thấy khá đủ nhưng là hoàn thành như người ta tắt một ngọn nến đang bốc khói.
Ngay sau đó, chúng ta lại thấy
"Những quy luật tự nhiên phổ biến nhất của mọi nền kinh tế"
Như thế nghĩa là chúng ta đã đoán đúng.
Nhưng những quy luật tự nhiên đó chỉ để cho người ta hiểu đúng lịch sử đã qua nếu như người ta "nghiên cứu những quy luật đó dưới cái hình thức xác định hơn mà những kết quả của chúng nhận được nhờ những hình thức lệ thuộc chính trị và phe phái chính trị. Những thiết chế như chế độ nô lệ hay chế độ nô dịch làm thuê, thêm vào đó là người chị em sinh đôi của chúng - tức chế độ sở hữu dựa trên bạo lực, phải được coi như là những hình thức cấu thành kinh tế - xã hội cơ bản chất thật sự chính trị, và trong cái thế giới tồn tại từ trước tới nay, chúng hình thành cái khuôn khổ mà chỉ có trong đó những tác dụng của những quy luật kinh tế tự nhiên mới có thể hiểu hiện được".
Câu đó là một tiếng kèn báo hiệu, hệt như một chủ đề cơ bản của Wagner, báo cho ta biết là hai chàng nổi tiếng nọ sắp ra sân khấu. Nhưng hơn thế nữa, nó còn là chủ đề căn bản của toàn bộ quyển sách của Đuy-ring. Khi nói đến luật pháp, ông Đuy-ring không biết cung cấp cho chúng ta một cái gì khác ngoài việc dịch một cách vụng về thuyết bình đẳng của Rousseau sang ngôn ngữ xã hội chủ nghĩa[55] - một bản dịch mà từ nhiều năm nay người ta có thể nghe thấy trong bất kỳ một quán cà - phê công nhân nào ở Pa-ri, nhưng còn hay hơn nhiều. Ở đây, ông ta cung cấp cho chúng ta một bản dịch sang ngôn ngữ xã hội chủ nghĩa - cũng chẳng hay gì hơn - những lời ta thán của những nhà kinh tế học về sự xuyên tạc những quy luật kinh tế tự nhiên và vĩnh cửu và những tác dụng của chúng, do sự can thiệp của nhà nước, của bạo lực gây ra. Do đó ông bị hoàn toàn cô độc giữa những người xã hội chủ nghĩa và như thế là xác đáng. Bất cứ người công nhân xã hội chủ nghĩa nào, dù thuộc dân tộc nào cũng vậy, đều hoàn toàn biết rõ rằng bạo lực chỉ che chở cho sự bóc lột thôi, chứ không phải tạo ra sự bóc lột ; rằng quan hệ tư bản và lao động làm thuê là cơ sở của tệ bóc lột mà họ phải chịu, rằng quan hệ đó nảy sinh bằng con đường thuần tuý kinh tế chứ không phải là bằng con đường bạo lực.
Tiếp nữa, chúng ta lại được biết rằng.
Trong tất cả mọi vấn đề kinh tế "Người ta sẽ có phân biệt hai quá trình - quá trình sản xuất và quá trình phân phối". Ngoài ra, cái con người nói tiếng hời hợt là ông J.B. Say còn thêm vào đó một quá trình thứ ba nữa, tức là quá trình sử dụng, tiêu dùng, nhưng cả ông lẫn bọn môn sinh của ông ta cũng chẳng biết nói một cái gì rành mạch cả. Còn trao đổi hay lưu thông, thì đó chẳng qua chỉ là một khu vực nhỏ của sản xuất, bởi vì thuộc về sản xuất có tất cả những gì cần phải được thực hiện để cho sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng, người tiêu dùng thật sự.
Nếu ông Đuy-ring nhập cục làm một hai quá trình khác nhau về cơ bản - tuy rằng quy định lẫn nhau - là sản xuất và lưu thông, và nếu ông khẳng định một cách hoàn toàn không ngượng ngùng rằng việc tránh sự lẫn lộn như thế chỉ "gây ra sự lẫn lộn thôi", thì điều đó chỉ chứng tỏ rằng hoặc là không biết hoặc là ông không hiểu sự phát triển khổng lồ mà chính lưu thông đã thực hiện được trong năm mươi năm nay; vả lại phần tiếp sau của quyển sách của ông ta cũng chứng tỏ điều đó. Nhưng thế chưa phải là hết. Sau khi đã giản đơn nhập cục làm một sản xuất và trao đổi, coi hai điều đó chỉ là sản xuất thôi, thì ông lại đặt phân phối ở bên cạnh sản xuất, coi phân phối như là một quá trình thứ hai, hoàn toàn ở bên ngoài, tuyệt đối không dính dáng gì tới sản xuất cả. Song chúng ta đã thấy rằng, trên những nét chủ yếu của nó, sự phân phối trong mỗi trường hợp đều là kết quả tất yếu của những quan hệ sản xuất và trao đổi trong một xã hội nhất định, cũng như là của những tiền đề lịch sử của xã hội đó, và như vậy là một khi chúng ta biết được những quan hệ và tiền đề ấy, chúng ta có thể suy ra một cách chắc chắn phương thức phân phối thống trị trong xã hội đó. Nhưng chúng ta cũng thấy rằng nếu ông Đuy-ring không muốn phản bội lại những nguyên tắc "đã được xác lập" trong quan niệm của ông về đạo đức, pháp luật và lịch sử thì ông ta phải phủ nhận cái sự thật kinh tế sơ đẳng đó và ông ta phải đặc biệt phủ nhận như thế khi cần phải lén lút đưa hai anh chàng không thể thiếu được của ông ta vào trong kinh tế học. Và sau khi phân phối được giải thoát một cách may mắn khỏi mọi liên hệ với sản xuất và trao đổi thì sự kiện vĩ đại ấy mới có thể diễn ra.
Nhưng trước hết chúng ta hãy nhớ lại xem sự việc đã xảy ra như thế nào trong vấn đề đạo đức và pháp luật. Trong vấn đề này, lúc ban đầu ông Đuy-hring đã bắt đầu từ một con người duy nhất ; ông ta nói:
"Trong chừng mực mà một người được quan niệm là một con người duy nhất, hay nói một cách khác là không có liên hệ gì với người khác, thì người đó không thể có trách nhiệm nào cả. Đối với người đó, không có nghĩa vụ nào cả, mà chỉ có ý muốn thôi."
Nhưng cái con người không có trách nhiệm đó, được quan niệm là con người duy nhất ấy, là ai nữa ngoài anh chàng xấu số "Adam, người Do - thái nguyên thuỷ" ở trên thiên đường, nơi mà chàng ta không có tội lỗi gì chỉ vì chàng ta không thể mắc được tội lỗi nào cả? -Nhưng ngay cái anh chàng Adam do triết học hiện thực tạo ra đó thế nào rồi cũng mắc phải tội tổ tông. Bên cạnh chàng Adam đó bỗng nhiên xuất hiện, cố nhiên không phải là một nàng Eva với mái tóc gợn sóng, mà lại là một anh chàng Adam thứ hai. Thế là chàng Adam đó lập tức có những trách nhiệm và - chàng ta vi phạm những trách nhiệm đó. Đáng lẽ phải ôm chặt người anh em của mình vào lòng coi như một người bình quyền với mình, thì trang ta lại bắt người anh em đó, và toàn bộ lịch sử thế giới cho đến tận ngày nay phải chịu những hậu quả của tội lỗi đầu tiên đó, của tội tổ tông là nô dịch đó, chính vì thế nên theo ông Đuy-ring sử thế giới không đáng giá ba xu.
Nhân tiện cũng xin nói qua rằng nếu trên kia ông Diihring đã tưởng rằng ông ta đã làm cho người ta đủ coi khinh "sự phủ định cái phủ định" bằng cách gọi nó là sự bắt chước câu chuyện cũ về tội tổ tông và sự chuộc tội, thế thì chúng ta phải nói sao đây về sự tái bản mới nhất của ông ta cũng về câu chuyện đó (bởi vì chúng ta nhất định rồi cũng "sẽ tiến tới" - để nói theo ngôn ngữ của loài bò sát[56] - sự chuộc tội). Dù sao, chúng ta cũng thích câu chuyện truyền thuyết cũ của người Xê-mít hơn, trong đó người đàn ông và người đàn bà bị rơi vào trạng thái tội lỗi vẫn còn có một ý nghĩa nào đó, còn ông Đuy-ring thì về giữ mãi sự vinh quang không ai tranh được của mình vì đã xây dựng tội tổ tông bằng... hai người đàn ông.
Nhưng chúng ta hãy nghe ông chuyển cái tội tổ tông vào trong kinh tế học như thế nào:
Dầu sao cái quan niệm về một Robinson cô độc đứng trước tự nhiên với sức lực của mình và không phải chia xẻ một cái gì với người nào cả, cũng có thể đem lại một sơ đồ lô-gic thích hợp cho khái niệm sản xuất... Để minh hoạ một cách rõ ràng điều căn bản nhất trong khái niệm phân phối thì cái sơ đồ lô-gích về hai người mà lực lượng kinh tế phối hợp với nhau, và rõ ràng phải thoả thuận với nhau dưới một hình thức nào đó về cái phần của mình, cái sơ đồ lô-gích ấy cũng hợp lý như thế. Thật vậy, chẳng cần cái gì khác hơn là cái tính chất nhị nguyên giản đơn đó để trình bày một cách hoàn toàn chính xác một vài quan hệ phân phối quan trọng nhất, và để nghiên cứu những quy luật của chúng ở giai đoạn phôi thai trong tính tất yếu lô-gích của chúng... ở đây sự cùng nhau hoạt động trên cơ sở bình đẳng cũng có thể quan niệm được như là sự phối hợp lực lượng bằng cách bắt một trong hai bên phải toàn hoàn lệ thuộc, bên này lúc đó bị cưỡng bức đẩy vào tình trạng một kẻ nô lệ hay một công cụ giản đơn để làm những công việc kinh tế và vì vậy cũng sẽ chỉ được duy trì như một công cụ thôi... Giữa trạng thái bình đẳng và trạng thái hèn hạ ở một bên, và ở bên kia là quyền lực vô hạn và sự tham gia tích cực duy nhất, có cả một chuỗi những mức độ mà lịch sử toàn thế giới đã chăm lo hổ sung bằng những hiện tượng nhiều vẻ và hỗn tạp của nó. ở đây, điều kiện tiền đề cơ bản là một quan niệm bao quát về tất cả mọi thiết chế pháp quyền và vô quyền trong lịch sử"...
Và để kết thúc, toàn bộ vấn đề phân phối biến thành một "quyền kinh tế về phân phối".
Thế là cuối cùng ông Đuy-rinh lại đã đứng được trên một miếng đất vững chắc. Tay cầm tay hai anh chàng của mình ông Đuy-rinh có thể thách thức thế kỷ của mình. Nhưng sau cái chòm ba ngôi sao đó, còn có một người nữa mà người ta không nói đến tên.
"Tư bản không hề phát minh ra lao động thặng dư. Bất cứ ở đâu mà một bộ phận của xã hội nắm độc quyền chiếm các tư liệu sản xuất, thì ở đó, người lao động, dù tự do hay không tự do, đều buộc phải thêm vào số thời gian lao động cần thiết để duy trì bản thân mình, một số thời gian lao động dôi ra dùng để sản xuất tư liệu sinh hoạt cho kẻ có tư liệu sản xuất. Dù người có tư liệu sản xuất đó là Kaloskagathos thành A-ten, tăng lữ ở Etruria, civis roanus" (công dân thành Rô-ma), "nam tước xứ Normandie, chủ nô ở Mỹ, lãnh chúa ở Valachie, địa chủ quý tộc hiện đại hay nhà tư bản, thì cũng thế". (Mác, "Tư bản" I, xuất bản lần thứ hai, tr.227[57]).
Sau khi, bằng cách đó, ông Đuy-ring đã biết được hình thức bóc lột cơ bản chung cho tất cả mọi hình thức sản xuất từ trước đến nay là như thế nào - trong chừng mực mà những hình thức đó vận động trong những mâu thuẫn giai cấp - thì ông ta chỉ còn có việc là đưa hai anh chàng của mình vào đó, và thế là cái cơ sở căn bản của khoa kinh tế hiện thực được xây dựng xong. Ông ta chẳng chần chừ phút nào để đem thi hành cái "tư tưởng sáng tạo ra hệ thống" ấy. Lao động không có thù lao, ngoài số thời gian cần thiết đủ để nuôi sống người công nhân, đó là thực chất của vấn đề. Như vậy là Adam, ở đây gọi là Robinson, bắt Adam thứ hai của mình, tức là Thứ Sáu, phải nai lưng ra làm việc. Nhưng tại sao anh chàng Thứ Sáu lại làm việc quá mức cần thiết đủ để nuôi sống mình? Đối với câu hỏi đó nữa, Mác cũng trả lời dần dần từng bước một. Nhưng với hai anh chàng của ông Đuy-ring thì đó là một câu chuyện quá dông dài. Vấn đề được giải quyết trong nháy mắt: Robinson "áp bức" anh chàng Thứ Sáu, ép anh chàng này "làm những công việc kinh tế với tư cách là một kẻ nô lệ hay một công cụ" và "cũng chỉ" nuôi anh ta "như một công cụ" thôi. Với cái "bước ngoặt tư tưởng sáng tạo" mới nhất đó, có thể nói là ông Đuy-ring bắn một phát súng giết hai con thỏ. Một là, ông ta khỏi khổ công giải thích các hình thức phân phối đã có từ trước đến nay, những sự khác nhau và nguyên nhân của những hình thức phân phối ấy: tất cả những cái đó đều chẳng đáng vào đâu cả, chúng đều dựa trên sự áp bức, trên bạo lực. Sau đây, chúng ta sẽ phải bàn ngay tới điều đó. Và hai là, bằng cách đó ông ta chuyển toàn bộ lý luận về phân phối từ lĩnh vực kinh tế sang lĩnh vực đạo đức và pháp luật, nghĩa là từ lĩnh vực những sự kiện vật chất vững chắc sang lĩnh vực những ý kiến và những tình cảm ít nhiều chênh vênh. Do đó, ông ta chẳng cần phải nghiên cứu hay chứng minh gì nữa, mà chỉ cần cắm đầu cắm cổ đưa ra những lời tuyên bố và có thể đưa ra yêu cầu đòi việc phân phối những sản phẩm lao động phải được thực hiện không phải theo những nguyên nhân thực tế của nó, mà theo điều mà ông ta, ông Đuy-ring, cho là hợp đạo đức và công bằng. Nhưng cái mà ông Đuy-ring coi là công bằng thì lại không phải là bất di bất dịch, do đó nó còn xa mới là một chân lý thật sự điều "nói chung không thay đổi" Năm 1868, ông Đuy-ring đã khẳng định rằng ("Die Schikssale meiner sozialen Denksschrift, v.v.")
"Mọi nền văn minh cao hơn đều có xu hướng đem lại sở hữu một biểu hiện ngày càng rõ rệt hơn, và thực chất và tương lai của sự tiến triển hiện đại ở chỗ đó, chứ không phải ở sự lẫn lộn những pháp quyền với những lĩnh vực thống trị".
Và tiếp đó, ông ta hoàn toàn không thể thiếu được rằng:
"Làm thế nào mà việc chuyển lao động làm thuê thành một loại kế sinh nhai khác lại có thể kết hợp được với những quy luật bán tính con người và với cấu tạo tất yếu tự nhiên của cơ thể xã hội".
Như vậy là năm 1868: Chế độ tư hữu tài sản và lao động làm thuê là tất yếu tự nhiên, và vì vậy là công bằng ; năm 1876 : hai cái đó là kết quả của bạo lực và của "sự cướp bóc", do đó là bất công. Và vì chúng ta không thể biết được trong một vài năm nữa cái gì sẽ có thể coi là hợp đạo đức và công bằng đối với một thiên tài mạnh mẽ và sôi nổi như thế, cho nên dầu sao cũng sẽ tốt hơn nếu trong khi nghiên cứu phân phối của cải, chúng ta căn cứ vào những quy luật kinh tế hiện thực, khách quan chứ không căn cứ vào cái quan niệm trong chốc lát, hay thay đổi, chủ quan của ông Đuy-ring về pháp quyền và vô quyền.
Nếu như sự tin tưởng của chúng ta đối với sự đảo lộn đang đến gần trong phương thức phân phối sản phẩm lao động hiện nay, với những mâu thuẫn trắng trợn của phương thức đó là khốn cùng và giàu có, là đói khổ và ăn uống phè phỡn, chỉ dựa trên việc ý thức rằng phương thức phân phối ấy là bất công và chính nghĩa cuối cùng nhất định phải thắng, thì chúng ta sẽ rơi vào một tình trạng rất xấu và chúng ta có thể còn phải đợi lâu. Những nhà thần bí chủ nghĩa thời trung cổ mơ tưởng triều đại ngàn năm sắp tới cũng đã ý thức được tính chất bất công của những đối lập giai cấp. Ở ngưỡng cửa của lịch sử hiện đại, cách đây ba trăm năm mươi năm, Thomas Münzer đã lớn tiếng tuyên bố điều đó với thế giới. Trong các cuộc cách mạng tư sản Anh, Pháp, tiếng kêu đó cũng đã vang lên và đã tắt đi. Và nếu ngày nay, cũng tiếng kêu đòi xoá bỏ những sự đối lập giai cấp và những sự khác nhau về giai cấp - tiếng kêu mà cho mãi đến năm 1830 những giai cấp cần lao và đau khổ vẫn lãnh đạm không để ý tới, nếu ngày nay tiếng kêu đó đã có một tiếng vang được lặp đi lặp lại hàng triệu lần; nếu tiếng kêu đó đang lan ra từ nước này sang nước khác, và thậm chí còn lan ra theo một trình tự và với một cường độ giống như trình tự và cường độ phát triển của nền đại công nghiệp trong các nước, nếu trong một thế hệ thôi nó đã có được một lực lượng có thể coi thường tất cả các thế lực đã liên kết chống lại nó, và có thể tin chắc chắn vào chiến thắng của mình trong một tương lai gần đây, thì điều đó là do đâu? Do một mặt là nền công nghiệp lớn hiện đại đã tạo ra một giai cấp vô sản, một giai cấp lần đầu tiên trong lịch sử có thể đề ra yêu sách đòi xoá bỏ không phải tổ chức giai cấp đặc biệt này hay tổ chức giai cấp đặc biệt khác, xoá bỏ đặc quyền giai cấp khác mà là đòi xoá bỏ các gia cấp nói chung ; và là giai cấp bị đặt vào hoàn cảnh phải thực hiện yêu sách đó, nếu không thì sẽ rơi xuống địa vị của người Culi Trung-quốc. Và mặt khác là do cũng chính nền công nghiệp lớn đó đã tạo ra giai cấp tư sản là gia cấp nắm độc quyền về tất cả các công cụ sản xuất và tư liệu sinh hoạt, nhưng trong mỗi thời kỳ đầu cơ và trong mọi sự phá sản nào tiếp theo sau đó lại chứng tỏ rằng nó không còn đủ sức tiếp tục thống trị những lực lượng sản xuất đã vượt khỏi quyền lực của nó nữa; một gai cấp mà dưới sự chỉ đạo của nó thì xã hội đang chạy nhanh đến chỗ đổ nát, như một chiếc đầu máy xe lửa mà người thợ máy quá yếu không còn đủ sức mở chiếc nắp an toàn bị kẹt. Nói một cách khác thì đó là vì những lực lượng sản xuất do phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đại sản sinh ra, và chế độ phân phối của cải do phương thức đó tạo ra đã trở nên mâu thuẫn nổi bật với chính ngay phương thức sản xuất đó, và mẫu thuẫn đến mức độ cần phải xẩy ra một sự đảo lộn trong phương thức sản xuất và phân phối, một sự đảo lộn xoá bỏ tất cả mọi sự phân biệt gai cấp, nếu người ta không muốn thấy toàn thể xã hội hiện đại phải tiêu vong. Sự tin chắc của chủ nghĩa xã hội hiện đại vào thắng lợi được xây dựng trên sự thật rõ ràng, vật chất đó, sự thật đang xâm nhập với một tính tất yếu không thể nào cưỡng được vào ý thức của những người vô sản bị bóc lột dưới một hình thức ít nhiều rõ rệt, chứ không phải xây dựng trên những quan niệm của một nhà lý luận nào nằm ru rú trong buồng về pháp quyền và vô quyền.

<< XIV. Kết luận | II. Lý luận về bạo lực >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 683

Return to top