Mở cánh cửa thép tiến vào Sài Gòn.
Trước khi vào chuyện chính, chúng tôi còn phải qua một bước đệm. Đó là nhiệm vụ mở rộng hành lang, chuẩn bị địa bàn tạo thế trận cho các đơn vị chủ lực khác cùng tiến công đánh chiếm Sài Gòn - Gia Định theo định hướng của kế hoạch giải phóng miền Nam trong hai năm của Bộ Chính trị và cũng là để thực hiện kế hoạch chiến lược của Bộ Tổng tư lệnh nhằm cụ thể hoá thực hiện kế hoạch hai năm.
Theo mệnh lệnh của Bộ Tổng Tham mưu và Bộ chỉ huy Miền, Quân đoàn 4 có nhiệm vụ chuẩn bị địa bàn trên hai hướng đông-bắc và tây-bắc Sài Gòn. Thế là một lần nữa Quân đoàn lại tác chiến phân tán thành nhiều lực lượng. Nhưng không có cách nào khác. Lúc này ở hướng tây-bắc - đó là Dầu Tiếng; ở hướng đông bắc - đó là Định Quán. Đây là hai mục tiêu đều cần phải "nhổ" để tạo điều kiện cho ta áp sát Sài Gòn càng gần càng tốt, khi đó "thì có gặp mùa mưa cũng không trở ngại lắm"(1). Hoạt động mở hành lang này còn có tác dụng kìm chân chủ lực quân đoàn 3 nguỵ, thu hút lực lượng dự bị chiến lược của chúng, tạo điều kiện cho Mặt trận Tây Nguyên và các chiến trường khác hoạt động. Mặt khác chúng tôi cũng thấy nếu đánh đội hình quân đoàn vào một hướng lúc này hơi lãng phí, vì sau thắng lợi chiến dịch Đường 14 - Phước Long, quân địch ở Đông Nam Bộ bị giáng một đòn mạnh về tinh thần, một thuận lợi cần được khai thác, không cho địch hồi sức Một điều nữa chúng tôi cũng tính đến, cần phải phân cực là đúng, tiết kiệm thời gian, cùng một lúc ta giải quyết được hai mục tiêu, đó cũng là yêu cầu cần phải thực hiện trong bối cảnh cuộc chiến đấu của chúng ta đang đi vào giai đoạn nước rút - dồn dập và khẩn trương.
Ý thức như thế, Bộ tư lệnh và Đảng uỷ Quân đoàn họp quyết định:
- Hướng bắc, tây - bắc do tôi phụ trách, lực lượng đảm nhiệm gồm có Sư đoàn 9, Trung đoàn 16, một tiểu đoàn tăng, hai tiểu đoàn pháo cao xạ, đánh chiếm chi khu quân sự Dầu Tiếng, tạo bàn đạp tiến công Sài Gòn từ hướng tây, tây - bắc, đồng thời mở rộng vùng giải phóng về phía tây sông Sài Gòn từ Bến Củi đến đường 26, hỗ trợ và phối hợp với Sư đoàn 5 đang hoạt động ở hướng Bến Cầu, Đức Huệ.
- Hướng đông-bắc do Phó tư lệnh Bùi Cát Vũ (có sở chỉ huy nhẹ đi cùng giúp việc), lực lượng đảm nhiệm là Sư đoàn 7, một bộ phận Sư đoàn 341 (2) phối hợp với lực lượng vũ trang Quân khu 7, Quân khu 6 đánh chiếm chi khu quân sự Định Quán, giải phóng đường 20, tỉnh Lâm Đồng, mở hành lang và bàn đạp tiến công trên hướng bắc, đông-bắc Sài Gòn.
Sự phân công nhiệm vụ thật hợp lý. Anh Ba Vũ lên đường mang theo cái háo hức, bồi hồì, sự da diết từ bên trong. Sau 27 năm anh lại trở về chiến trường cũ với bao kỷ niệm, sâu đậm nhất là trận La Ngà đại thắng mà anh đã góp phần.
Tuy cùng trong Bộ tư lệnh kể từ ngày thành lập Quân đoàn (20-7-1974) nhưng chúng tôi cứ như vợ chồng Ngâu, chỉ gặp nhau khi trận chiến đấu kết thúc và lại xa nhau khi nhiệm vụ mới được giao. Lúc anh lên Bù Đăng, tôi ở lại Đồng Xoài khi tôi ngược Bù Đăng lo trận đánh mở đầu, anh về Phước Vĩnh lo việc vây lỏng Đồng Xoài, tổ chức và chỉ huy thế trận nghi binh đã được Bộ tư lệnh Quân đoàn thống nhất. Trong trận tiến công thị xã Phước Long anh ở một hướng, tôi một hướng, mọi xử trí tình huống đều qua hệ thống thông tin, thế mà vẫn hiểu nhau, cùng nhau cộng tác trên tình đồng chí vì lợi ích chung, đạt hiệu quả cụ thể - kết thúc thắng lợi giòn giã chiến dịch đường 14 - Phước Long.
Một buổi chiều đẹp trời, tại một địa điểm gần Đồng Xoài mới được giải phóng tôi tiễn chân anh lên đường về hướng đông-bắc. Nắm chặt tay anh tôi chúc:
- Anh Ba lên đường gặp nhiều may mắn khi gặp lại cảnh cũ người xưa.
Khi lực lượng đảm nhiệm hướng đông-bắc lên đường tôi thấy phấn hứng, tự tin vì Sư đoàn 7 làm lực lượng chủ công đã dày dạn chiến đấu qua những trận thắng ở chiến dịch Nguyễn Huệ, mà đỉnh cao là thiết lập trận địa chốt chặn kết hợp vớỉ vận động tiến công ở khu vực Tàu Ô trên quốc lộ 13, đã lập công xứng đáng ở Đồng Xoài, Phước Long. Anh Ba Vũ, con người của lịch sử vùng đó nay trở lại chắc chắn sẽ kết hợp được cái truyền thống hôm qua và hôm nay trong điều hành chỉ huy trận đánh.
Ngày 12-3- 1975, tôi gửi điện ngắn động viên Sư đoàn 7 đánh tốt, thi đua với Dầu Tiếng, không được để đội hình vón cục, phải nắm chắc tinh thần thừa thắng và không quên thông báo tin vui Mặt trận Tây Nguyên thắng to, ta đã giải phóng hoàn toàn thị xã Buôn Ma Thuột.
Ngày 20-3-1975, sau bốn ngày chiến đấu liên tục, Sư đoàn 7 đã giải phóng hoàn toàn chi khu quân sự Định Quán.
Một trong những cửa ngõ kiên cố của địch ở địa đầu quân đoàn 3, phía đông-bắc Sài Gòn bị phá. Đoạn cuối cùng của hành lang chiến lược đã được mở dài 50 ki-lô-mét, đủ cho một vài sư đoàn của ta vùng vẫy tiến về mục tiêu cuối cùng.
Xin được trở lại cánh quân hướng bắc, tây-bắc Sài Gòn mà tôi được phân công điều hành. Nếu nhìn trên bản đồ, ta dễ thấy lúc đó ở hướng này có các căn cứ địch là thị xã An Lộc, chi khu quân sự Chơn Thành và Dầu Tiếng đều là những mục tiêu cần phải đánh chiếm, vì nó là những vật cản ngăn ta lập địa bàn áp sát Sài Gòn. Nhưng Bộ chỉ huy Miền và Bộ tư lệnh Quân đoàn sau khi phân tích đã quyết định chọn Dầu Tiếng là mục tiêu chủ yếu cần tiến công trước trong dợt hai chiến dịch hoạt động tạo thế mùa khô 1974-1975.
Dầu Tiếng đối với tôi và Sư đoàn 9 trở nên thân quen, gắn bó từ lâu. Rừng cao su Dầu Tiếng đã trở thành "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù"; những tên làng 8, làng 10, làng 12, làng 14… là những địa danh đùm bọc chúng tôi những ngày đầu đánh Mỹ, đã khiến chúng tôi nhức nhối mỗi khi nhìn về phía chi khu, thấy địch vẫn còn đó; chúng kềm kẹp khống chế, khủng bố nhân dân trong các ấp chiến lược.
Dầu Tiếng đã nhiều lần ghi trong kế hoạch tác chiến của chúng tôi. Ngay sau khi kết thúc chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài tháng 6 năm 1965, anh Thanh lệnh cho Sư đoàn mở tiếp chiến dịch Dầu Tiếng, kết hợp đánh viện, thừa thắng phât triển xuống Bến Cát, Bình Dương hỗ trợ nhân dân đô thị nổi dậy đánh bại chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ.
Và bây giờ là lần thứ ba, Dầu Tiếng lại được chọn làm mục tiêu tiến công. Vì Dầu Tiếng (chứ không phải An Lộc, Chơn Thành) có vị trí quan trọng đặc biệt cả về chiến dịch, chiến lược trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy, thực hiện kế hoạch hai năm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Dầu Tiếng nằm giữa ba tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Long được giải quyết, ta có một bàn đạp rất quan trọng có thể đưa những binh đoàn lớn từ phía bắc theo hai đường 14 và 13 áp sát tuyến phòng thủ cơ bản của địch, tiến đánh Sài Gòn từ phía tây-bắc. Dầu Tiếng được giải quyết sẽ uy hiếp trực tiếp Chơn Thành, An Lộc, càng đẩy các căn cứ quân sự chủ yếu này rơi vào thế bị cô lập, buộc phải rút bỏ; đồng thời hỗ trợ cho hướng Tây Ninh.
Sự mong đợi từ lâu nay được thực hiện trong bối cảnh tiến công giải phóng, chứ không như trước chỉ là thực hiện đánh điểm diệt viện, ta vẫn thắng nhưng chưa giải phóng được đất đai. Tiến công Dầu Tiếng thắng lợi, làm chuyển biến mạnh mẽ thế và lực của ta ở hướng tây-bắc Sài Gòn. Chúng tôi phấn khởi, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt công tác chuẩn bị vì đã ý thức thật rõ về ý nghĩa của công việc mình đang làm và sắp làm.
Biết hoạt động của Quân đoàn 4 lúc này là nằm trong kế hoạch phối hợp với mặt trận đồng bằng sông Cửu Long, với hướng tây-nam Sài Gòn và với các chiến trường Quân khu 6, Tây Nguyên, đồng bằng Khu 5, Thừa Thiên, Quảng Trị, trong khuôn khổ cuộc tiến công chiến lược năm 1975 đã được Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương phê chuẩn, được Quân uỷ và Bộ chỉ huy Miền vạch kế hoạch triển khai cụ thể trên chiến trường B2. Nhưng không biết ngày giờ, hướng phối hợp cụ thể, vì lúc này giữ bí mật quân sự là yêu cầu tối thượng (3). Ngày 11 tháng 3, được tin các đơn vị trên mặt trận Tây Nguyên đã hoàn thành đánh chiếm mục tiêu cuối cùng trong thị xã Buôn Ma Thuột, thì tất cả chúng tôi vui mừng khôn xiết; và tôi nói với anh em trong sở chỉ huy cơ bản đang bù đầu vào nhiệm vụ: "Buôn Ma Thuột thất thủ, thì nhiều chuyện sẽ xảy ra".
Thật là một kế hoạch hoạt động phối hợp tuyệt đẹp. Thắng lợi Buôn Ma Thuột bay về như một luồng gió mới tiếp thêm cho chúng tôi lòng tin và sự phấn chấn quý giá! Cũng từ đây chúng tôi càng ý thức rõ hơn, mạnh mẽ và nghiêm túc hơn về việc làm của mình. Phải gắn với cái chung, hỗ trợ cho các chiến trường, trước hết là cho chiến trường Tây Nguyên giành thắng lợi hoàn toàn.
Ngày 12-8-1975 cuộc tiến công trên hướng tây- bắc bắt đầu. Với ý thức đầy đủ trách nhiệm như đã trình bày trên đây, với sự chuẩn bị kỹ, lại ở một chiến trường, một mục tiêu quen thuộc và tinh thần chiến thắng của chiến dịch Đường 14 - Phước Long cổ vũ, chiều 12 tháng 3, Sư đoàn 9 cùng lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương đã hoàn thành giải phóng quận lỵ và chi khu Dầu Tiếng.
Cùng với sức tiến công của ta ở nhiều nơi, việc mất Dầu Tiếng là sức ép càng có uy lực trực tiếp, buộc quân đoàn 8 nguỵ phải quyết định rút bỏ thị xã An Lộc. Thừa thắng, chúng tôi dồn sức gồm Sư đoàn 9 và Trung đoàn 273 (sư đoàn 341), cùng các lực lượng binh chủng yểm trợ, có bốn khẩu pháo 130 ly yểm trợ, mở cuộc tiến công binh chủng hợp thành. Nhưng phải qua chín ngày chiến đấu liên tục mới giải phóng được chi khu quân sự Chơn Thành, trong khi chi khu Dầu Tiếng mạnh hơn, ta chỉ cần có 58 tiếng là dứt điểm. Rõ ràng đã có thế mạnh nhưng lực lượng sử dụng chưa tốt, nhất là lại chủ quan xem thường địch, đơn giản trong công tác chuẩn bị chiến đấu, rất có thể dẫn tới không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành với giá phải trả.
Chỉ trong thời gian ngắn, Quân đoàn 4 đã sử dụng thích hợp, có kế hoạch tiến công cụ thể, biết phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương, tranh thủ lợi thế chung trên toàn chiến trường, nhất là sau khi thị xã Buôn Ma Thuột được giải phóng, đã tiến công dồn dập, liên tục hoàn thành nhiệm vụ tác chỉến tạo thế, đánh chiếm Dầu Tiếng, Chơn Thành, Định Quán trên hai hướng tây-bắc và đông-bắc Sài Gòn, mở ra các hành lang cơ động lực lượng và vận chuyển vật chất, kỹ thuật quy mô lớn vào chiến trường trọng điểm Đông Nam Bộ, tạo bàn đạp trên những hướng quan trọng nhất, chuẩn bị trước địa bàn tập kết cho mình và cho các đơn vị bạn với quyết tâm thực hiện "Tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4, không thể để chậm (4).
***
Giải phóng chi khu Dầu Tiếng, nhiệm vụ cơ bản được giao ở mặt trận phía bắc, tây-bắc Sài Gòn đã hoàn thành, Quân đoàn 4 được lệnh của Bộ chỉ huy Miền lật cánh sang hướng đông Sài Gòn, để thực hiện một yêu cầu chiến lược "nhanh chóng tập trung lực lượng phía đông, đánh chiếm những mục tiêu quan trọng, thực hiện bao vây cô lập Sài Gòn từ Bà Rịa, Vũng Tàu; sẵn sàng quả đấm chủ lực thật mạnh, để lúc thời cơ xuất hiện, lập tức đánh thẳng. vào Sài Gòn" (5). Đội hình của quân đoàn thật gọn nhẹ, chỉ có các thành viên trong Bộ tư lệnh, sở chỉ huy cơ bản của quân đoàn và một số đơn vị trực thuộc. Vì anh Ba Vũ, phó tư lệnh và Sư đoàn 7 đã sang bên đó từ tháng 2, làm nhiệm vụ giải phóng chi khu quân sự Định Quán, phát triển lên Bảo Lộc, Đà Lạt.
Từ đây cơ cấu tổ chức Quân đoàn có sự điều chỉnh. Sư đoàn 9 tạm thời tách khỏi đội hình Quân đoàn tăng thêm lực lượng cho Đoàn 232 "nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ chia cắt và bao vây chiến lược trên hướng tây - nam, áp sát Sài Gòn, triệt hắn đường 4, cô lập Sài Gòn với đồng bằng sông Cửu Long" (6).
Ngoài Sư đoàn 7, Quân đoàn được bổ sung sư đoàn 341, sư đoàn 6 (thiếu) của Quân khu 7, Trung đoàn 95 của Quân khu 5.
Chúng tôi đến địa điểm dự định đặt sở chỉ huy cơ bản của Quân đoàn ở đông-nam cầu La Ngà vào một buổi chiều nắng đẹp thời tiết như mùa thu ngoài Bắc, bầu trời xanh trong không một gợn mây, càng hiện rõ cảnh vật nơi đây thật ngoạn mục như một bức tranh thiên nhiên sinh động. Núi đồi, đường sá, sông ngòi, thôn áp, thị trấn gắn quyện vào nhau sao mà hài hoà đến thế, sung túc đến thế. Nếu ta có rừng cọ Phú Thọ, thì ở đây có "rừng" chuối. Chuối mọc khắp nơi, leo lên cả các triền núi hai bên đường, xanh cây tốt quả.
Ngày 2-4-1975, anh Trần Văn Trà, tư lệnh Bộ chỉ huy Miền xuống sở chỉ huy Quân khu 7 đặt bên bờ sông Đồng Nai thuộc khu vực Vĩnh An giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4, Quân khu 7 phối hợp thực hiện nhiệm vụ tiến công thị xã Xuân Lộc. Hôm đó có mặt đầy đủ thành phần được triệu tập: Anh Nguyễn Như Ý (Năm Chữ) bí thư Khu uỷ Khu 7, Sáu Trung, Thường vụ Khu uỷ, Đặng Ngọc Sĩ, phó tư lệnh Quân khu kiêm tư lệnh Sư đoàn 6, Trần Văn Trân, tư lệnh Sư đoàn 341, tôi và anh Ba Vũ trong Bộ tư lệnh Quân đoàn 4. Giây phút gặp gỡ trong lúc tình hình đang khẩn trương như thế này thật là quý hiếm, niềm vui được thả sức, phút nghỉ giải lao lại đủ thứ chuyện nói với nhau, hỏi han, trao đổi. Anh Năm Chữ người nhỏ gầy nhưng nét mặt rạng rỡ, phấn chấn. Câu chuyện anh trao đổi với anh Trà (nghe sao mà cảm phục chứa đựng mơ ước cháy bỏng bấy lâu bị dồn nén) càng thêm thôi thúc chúng tôi phải ráng sức hơn nữa. Anh nói với anh Trà: "Tình hình phấn khởi quá! Tôi nóng ruột mong về thăm Sài Gòn sớm, thăm xóm nghèo ở Tân Định, nơi ta đặt cơ quan bí mật và cũng bị mật thám vây bắt tại đó".
Giữa tôi và anh Trần Văn Trà có quan hệ gắn bó qua mười năm chiến đấu. Khi đặt chân đến đất miền Đông tôì đã được gặp anh. Ngay những buổi đầu tiên trong hội nghị tổng kết chiến dịch Bình Giã ở căn cứ Mã Đà, tôi và anh đã gặp nhau ở tư tưởng cần phải có bộ đội tập trung, phải có quả đấm chủ lực để thực hiện đánh lớn. Rồi chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài lần thứ nhất, chiến dịch Bầu Bàng - Dầu Tiếng, đến chiến dịch Nguyễn Huệ đều cùng có mặt. Tôi rất tôn trọng anh không phải chỉ vì anh là cấp trên mà còn vì anh là một đồng chí hoạt động ở Nam Bộ từ lâu, trước cách mạng tháng Tám 1945, gắn bó và trưởng thành từ mảnh đất này, nên càng tin cậy vào anh, nghiêm chỉnh chấp hành ý kiến chỉ đạo của anh, luôn luôn trao đổi xin ý kiến anh.
Nhưng không bao giờ xuôi chiều; cũng có lúc trao đổi, tranh luận khi anh giao nhiệm vụ. Nhưng lần này, trong buổi họp giao nhiệm vụ ở vào thời điểm đang đi vào giai đoạn kết thúc cuộc chiến tranh, cuộc trao đổi, tranh luận có phần gay gắt.
Những ngày này anh thật vất vả, tất bật ngược xuôi, vui vì công việc, lo lắng, trăn trở đến quên ngủ, quên ăn, người gầy sút cũng vì công việc. Nay hướng bắc, mai hướng tây, rồi hôm sau qua hướng đông để xem xét tình hình, nắm thực tiễn và trực tiếp bàn bạc giao nhiệm vụ cho cấp dưới, trao đổi các biện pháp cụ thể thực hiện trong thời điểm "một ngày bằng 20 năm".
Trong buổi họp này, anh là cấp trên xuống giao nhiệm vụ, tôi là cấp dưới nhận nhiệm vụ, chỉ có trách nhiệm thi hành; phải tiến công đánh chiếm một mục tiêu, một địa bàn mang ý nghĩa chiến lược quân sự quan trọng thì còn gì phải bàn?
Vậy mà hôm nay trong cái "giờ phút trận quyết chiến chiến lược của quân và dân ta đánh vào sào huyệt cuối cùng của địch đã bắt đầu nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện thống nhất Tổ quốc" (7), lại có ý kiến tranh luận như có cái gì không bình thường?
- Cắt Sư đoàn 9 nhưng lại giao nhiệm vụ tiến công Xuân Lộc sớm, Sư đoàn 7 đang từ Bảo Lộc phát triển lên Di Linh, Đà Lạt, sao không chờ chủ lực của Bộ vào phối hợp cùng đánh, đảm bảo chắc thắng?
- Sớm hay muộn, khi đã tiến công Xuân Lộc phải đồng thời đánh chiếm Vũng Tàu (đề phòng lính thuỷ đánh bộ Mỹ liều lĩnh nhảy vào biến đây thành bàn đạp tiến hành phản kích), áp sát Biên Hoà. Thời cơ đến, nhổ luôn sở chỉ huy quân đoàn 3 nguỵ.
Anh Trà lắng nghe với sự cảm thông. Anh chờ tôi nói tiếp - một phút yên lặng, đoán như tôi không trao đổi tiếp nữa, anh mới xen vào, vừa như nhắc nhở chỉ thị vừa như động viên:
- Bộ điện vào nhắc tụi mình cần chủ động, không trông chờ.
Tôi cũng chỉ có một đề nghị:
- Miền cho Quân đoàn lùi nổ súng vào ngày 9 tháng 4.
- Đồng ý! - Anh Trà trả lời.
Còn một ý - đánh Xuân Lộc lúc này là muộn, giữa lúc địch gượng lại, hy vọng giữ được Sài Gòn, định trao đổi. Phút im lặng kể trên là lúc tôi kiềm chế không đặt ra nữa, vì thấy có đặt ra cũng không giải quyết được vấn đề, trong khi tình hình đang đòi hỏi "phải sử dụng ngay lực lượng hiện có để kịp thời hành động, không chờ đợi tập trung lực lượng đông đủ mới làm ăn" (8).
Những ý kiến nêu ra trên đây khi anh Trần Văn Trà xuống giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 4 tiến công Xuân Lộc là những suy tư trăn trở của những hối thúc bị dồn nén được dịp bung ra mong nhận được một lý giải, một lời khuyên để có thêm dữ kiện cho đáp số cần tìm, cho một yêu cầu vừa cách mạng và khoa học - "Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng" như điện của đồng chí Tổng tư lệnh nhắc nhở toàn quân.
Quan hệ giữa chúng tôi lại trở nên gắn bó hơn, lại một lần trên hiểu dưới, dưới hiểu trên. Chúng tôi nắm chặt tay nhau trong tình cảm đồng chí, cùng chung trách nhiệm, cùng chúc nhau giữ sức khỏe tốt, có mặt trong chặng đường cuối cùng, đi tới đích cuối cùng mà mỗi người đều mơ ước đến cháy bỏng trong cuộc đời chiến đấu của mình.
Anh Trà tạm biệt chúng tôi và đi gần như suốt đêm hôm đó kịp về lại sở chỉ huy Miền, vì được tin anh Văn Tiến Dũng từ Tây Nguyên đã vào đến Lộc Ninh chiều ngày 3 tháng 4 để bàn kế hoạch cụ thể tiến công giải phóng thành phố Sài Gòn.
Thời gian quá gấp, chỉ còn năm ngày cho công tác chuẩn bị, phải làm gì và làm như thế nào đáp ứng được yêu cầu thắng lợi của trận đánh. Một điều đáng lo nếu không nói là chủ yếu, đó là Sư đoàn 7 hiện vẫn đang trên đường từ Di Linh quay trở lại với một tình hình quân số, vũ khí thiếu hụt, sức khỏe cán bộ, chiến sĩ giảm sút qua trận vận động tiến công trên một đoạn đường dài hơn 100 ki-lô-mét. Làm sao đến nơi có thể bước vào chiến đấu được ngay với nhiệm vụ đánh vào hướng chủ yếu, diệt mục tiêu chủ yếu: căn cứ sư đoàn 18 tại thị xã Xuân Lộc?
Ngày 3 tháng 4, sau khi anh Trần Văn Trà giao nhiệm vụ, chúng tôi tiến hành họp Đảng uỷ và Bộ tư lệnh Quân đoàn. Trong khi trao đổi nhiều ý kiến nêu lên: đánh Xuân Lộc bằng cách nào để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất; đánh chiếm thị xã Xuân Lộc trước hay diệt ìực lượng đến cứu viện trước; hướng phát triển của trận dánh, của các sư đoàn sau khi giải quyết xong Xuân Lộc, v.v.
Đánh cách nào cũng được nhưng phải quán triệt yêu cầu: tiêu diệt sinh lực địch và làm chủ Xuân Lộc, phục vụ nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn "tốt nhất là trong tháng 4".
Từ nhận thức trên, Đảng uỷ và Bộ tư lệnh Quân đoàn quyết định, trên cơ sở đánh chắc tiến chắc nhưng phải khẩn trương, táo bạo sử dụng một bộ phận bộ binh, toàn bộ xe tăng, pháo binh tiến công thắng sở chỉ huy tiểu khu và sở chỉ huy sư đoàn 18, thực hành bao vây, chia cắt, diệt viện, giải phóng khu vực thị xã.
Tiêu dỉệt địch và làm chủ đã được thực hiện từ cuộc tiến công chiến lược năm 1972, thì tiến công và nổi dậy càng được coi trọng, nhất là từ sau Hiệp định Paris được ký kết.
Vào trận đánh Xuân Lộc hôm nay, chúng tôi dã dành thờì gian thích đáng quan hệ với Đảng bộ địa phương, để nắm địch, nắm ta, để thống nhất hợp đồng giữa tiến công và nổi dậy.
Trong quá trình tiến hành chuẩn bị chiến đấu, chúng tôi được biết Xuân Lộc và vùng phụ cận đã có cơ sở Đảng từ năm 1936, cái hạt giống đỏ đó chuẩn bị các điều kiện để cùng với toàn quốc tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công, kháng chiến 9 năm thắng lợi. Một trong những người con tiêu biểu của Xuân Lộc là anh Xiển người dân tộc Châu Ro, tham gia cách mạng năm 1933 - 1934, vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1936. Anh là một trong hai người có công tổ chức hơn 30 thanh niên người dân tộc xuống Sài Gòn tham gia đánh Pháp ngay sau ngày 23-9-1945. Anh trúng cử đại biểu Quốc hội khoá I năm 1946. Tháng 3 năm đó, trên đường ra Hà Nội dự khoá họp đầu tiên thì bị giặc Pháp bắt.
Chúng trói ghì anh đằng sau xe Jeep kéo lê khắp nơi, bắt anh phải khai báo. Nhưng anh kiên quyết một lòng với Đảng, với cách mạng, với nhân dân Xuân Lộc quê hương anh. Trước mặt bọn giặc hung ác, anh kiên quyết:
- Không đầu hàng Tây. Tao chết tại đây.
Xuân Lộc vẫn hiên ngang khí thế, góp phần xứng đáng của mình vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ở một vùng sâu, bốn bề đều dày đặc những đồn bót địch. Chúng càn quét đốt phá làng mạc ruộng đồng, nương rẫy, hốt dân vào các ấp chiến lược để dễ bề kìm kẹp, khống chế. Nhưng Đảng bộ Xuân Lộc vẫn kiên cường trụ bám, gây cơ sở trong dân, thành lập các chi bộ Đảng để làm hạt nhân giữ vững và phát triển phong trào; lập các đội biệt động ra vào hoạt động trong thị xã, diệt ác, phá tề, thu thập nắm tình hình cung cấp cho các đơn vị vũ trang đánh địch, phá kìm. Đến tháng 3 năm 1975 đảng bộ Xuân Lộc đã lãnh đạo nhân dân và các lực lượng vũ trang của mình nổi dậy và làm chủ vùng ven thị xã gồm bốn ấp Bảo Vinh A, Bảo Vinh B, Suối Chồn, Bình Lộc cửa ngõ phía bắc thị xã. Được nhân dân nội ngoại thị xã hưởng ứng, thị uỷ đã chuẩn bị sẵn sàng hàng ngàn giạ lúa, thực phẩm, thuốc men và hàng trăm thùng phuy nước (vì ở đây vào mùa khô hiếm nước) phục vụ các lực lượng vũ trang trong suốt quá trình chiến dịch.
Những việc làm trên đây của đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Xuân Lộc, đã thực sự là người đi trước mở đường chuẩn bị điều kiện và địa bàn cho chúng tôi tiến vào mục tiêu, trong điều kiện thời gian có hạn, không thể tiến hành trinh sát thực địa theo bài bản, quy trình. Đây là sự cổ vũ thực tế mà sâu sắc, làm cho chúng tôi ấm lòng trước khi bước vào trận quyết chiến. Cái thắng lợi có được ở Xuân Lộc không thể thiếu vắng, tách rời sự đóng góp của đảng bộ, của quân và dân thị xã Xuân Lộc.
Ngày N đã đến!
5 giờ 40 phút, sau khi các trận địa pháo Quân đoàn đồng loạt bắn chế áp các mục tiêu địch kéo dài trong một tiếng đồng hồ, các hướng, các mũi bộ binh tiến công vào các mục tiêu được giao.
Từ phía đông, Trung đoàn 165 (sư đoàn 7) có 8 xe tăng dẫn đầu tiến công vào hướng chủ yếu, còn cách căn cứ sư đoàn 18 khoảng 200 mét, thì bị địch chống trả, ba trong số tám xe tăng bị hỏng, nên chỉ chiếm được một phần hậu cứ của chiến đoàn 52 (sư đoàn 18). Nhưng trên hướng thứ yếu, từ phía bắc Trung đoàn 266 (sư đoàn 341) đã đánh vào thị xã, nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm khu trung tâm thông tin, khu cảnh sát, khu cố vấn Mỹ. Bị địch phản kích, ta phải dừng lại bên ngoài sở chỉ huy tiểu khu.
Tại vòng ngoài, các Trung đoàn 270 (sư đoàn 341), Trung đoàn 209 (sư đoàn 7) đánh bại hai tiểu đoàn, diệt bảy xe tăng của chiến đoàn 43, 48 (sư đoàn 18) từ Tân Phong và Núi Thị vào cứu viện, giải phóng ấp Bảo Toàn trên đường 1 (đông-nam thị xã 4 ki-lô-mét). Ở khu vực Dầu Dây, Sư đoàn 6 diệt năm chốt trên đoạn đường từ Hưng Nghĩa đến đèo Mẹ Bồng Con, thu hai khẩu pháo 105 ly, buộc chiến đoàn 52 phải bỏ Túc Trung kéo về giữ ngã ba Dầu Dây.
Diễn biến ngày đầu nói chung là khích lệ. Riêng trên hướng chủ yếu gặp khó khăn, chưa đột phá được mục tiêu, lực lượng bị tiêu hao.
Ngay tối hôm đó, từ sở chỉ huy tiền phương của Quân đoàn ở khu vực núi Chứa Chan, anh Ba Vũ, phó tư lệnh điện sang xin ý kiến tôi về việc cho đội dự bị vào chiến đấu.
Tôi thấy việc làm này hơi sớm, nhưng vẫn chấp nhận ý kiến anh, chỉ nhắc là cần chuẩn bị tốt hơn cả về tư tưởng và tổ chức; gắng tập hợp kinh nghiệm (kể cả kinh nghiệm xấu, cần tránh) trong ngày kịp thời phổ biến cho đơn vị trước khi bước vào chiến đấu. Mọi việc đã chuẩn bị xong trước 4 giờ sáng khi anh Ba Vũ điện sang báo cáo.
Mặc dầu trên hướng chủ yếu, Sư đoàn 7 đã đưa lực lượng dự bị (trung đoàn 141) và một tiểu đoàn cao xạ 37 ly, một tiểu đoàn 57 ly vào chiến đấu, liên tiếp đột phá từ hướng bắc xuống phối hợp cùng Trung đoàn 165 từ hướng đông đánh vào căn cứ sư đoàn 18, nhưng đều bị địch phản kích quyết liệt kể cả các khu vực thị xã, những mục tiêu Sư đoàn 341 đã chiếm ngày 9 tháng 4.
Như vậy là ngày 10 và các ngày tiếp sau tình hình trở nên căng thẳng. Tuy bị thiệt hại nặng, địch vẫn dựa vào công sự và được chi viện, tiếp tục chống trả ta một cách điên cuồng. Máy bay địch đánh phá ác liệt vào đội hình ta và huỷ diệt các mục tiêu của chúng đã mất, trong khi các Sư đoàn 6, Sư đoàn 341 thiếu đạn; Sư đoàn 7 đã thiếu, càng thiếu cả quân số và vũ khí, vì bước vào chiến đấu quá gấp chưa kịp bổ sung nên một số vị trí chiếm được đành phải bỏ.
Một trận đánh gay go quyết liệt chưa từng gặp từ trước đến nay? Tự nhận xét với mình như vậy sau ba ngày ta tung lực lượng dự bị vào chiến đấu mà tình hình vẫn chưa thấy sáng sủa, trái lại còn bị tổn thất đáng kể (9).
Là người chịu trách nhiệm chung về trận đánh, tôi thực sự băn khoăn, lo lắng! Đầu óc cứ căng ra, phần lo cùng Bộ tư lệnh
Quân đoàn xử trí các tình huống gay cấn xuất hiện; phần suy nghĩ tìm lối ra. Địch quyết giữ Xuân Lộc, vì nó được ví như chiếc xoáy ốc cuối cùng quyết định số phận nguỵ quân, nguỵ quyền. Tướng Uây-en (10) tham mưu trưởng lục quân Mỹ đã lệnh cho quân đội nguỵ "Phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn". Cả Mỹ và nguỵ còn tính toán xa hơn, phải bảo vệ Xuân Lộc bằng mọi giá, hy vọng chặn đứng được bước tiến của đối phương ở đây, kéo dài thời gian đến mùa mưa, tìm kiếm một giải pháp chính trị nào đó, có cơ may cứu vãn được tình thế, tránh khỏi thất bại hoàn toàn. Với bọn cầm đầu nguỵ quyền Sài Gòn, trước mắt cần chấm dứt tâm lý thất bại đang lan nhanh như một bệnh dịch nguy hlểm và được Mỹ tiếp tục viện trợ nếu như Xuân Lộc không mất.
Chính vì vậy mà địch đã dồn một lực lượng lớn tương đương hai sư đoàn bộ binh để phòng giữ (11). Còn về phía ta, diễn biến của những ngày đầu ra quân không thật suôn sẻ, có thể do cách đánh vỗ mặt là không ổn? Hướng tiến công chủ yếu từ phía đông đánh vào chưa thật chính xác, là đánh vào điểm mạnh của địch? Muốn giải phóng Xuân Lộc, có nhất thiết phải tập trung lực lượng diệt địch tại đó, hay có hướng nào khác.
Bỗng chuông điện thoại réo. Tôi vội cầm máy nghe, chưa kịp thưa, thì đầu dây bên kia có tiếng nói, giọng trong vang nghe rất rõ, chưa đoán ra ai?
- Hoàng Cầm phải không?
- Dạ! Tôi Hoàng Cầm - Tôi Hoàng Cầm đây!
Đầu dây bên kia lại tiếp:
- Tôi Dũng đây, nhận ra chưa?
Đúng rồi! Giọng anh Dũng, anh Văn Tiến Dũng. Bao nhiêu căng thẳng biến mất, tôi đáp:
- Dạ! Tôi nhận ra rồi! Xin chúc sức khỏe Tổng Tham mưu trưởng!
Anh hỏi thăm sức khỏe tôi và các anh trong Bộ tư lệnh Quân đoàn. Rồi anh đi vào nhiệm vụ của Quân đoàn.
- Tôi vẫn nắm diễn biến ở Xuân Lộc qua Bộ chỉ huy Miền và đã bàn với Bộ chỉ huy Miền về phương hướng xử trí để nhanh chóng dứt điểm. Nhân đây tôi muốn nói rõ thêm. Khi địch đã dồn quân vào để cố thủ cứu nguy thị xã Xuân Lộc (12), thì ta không cần tập trung lực lượng trực tiếp đánh thẳng vào đây nữa, mà chuyển lực lượng đánh vào các đơn vị đến phản kích đứng chân chưa vững ở vòng ngoài đang thiếu công sự và thiếu sự hợp đồng chặt chẽ với nhau; đồng thời dùng pháo tầm xa bắn phá và khống chế liên tục ngày đêm vào sân bay Biên Hoà, không cho máy bay chiến đấu cất cánh.
Ngừng một lát, anh hỏi:
- Vẫn nghe đấy chứ, Hoàng Cầm?
- Báo cáo anh! Tôi vẫn nghe, rất rõ - Tôi đáp lại.
Anh lại tiếp:
- Tình hình đang thuận lợi. Các Quân đoàn 1 và Quân đoàn 3 của ta từ Tây Nguyên đang hành quân vào Đông Nam Bộ. Quân đoàn 2 đang theo đường 1 đã tới Nha Trang, Cam Ranh áp sát Phan Rang. Vì vậy Quân đoàn 4 cần khẩn trương tổ chức lực lượng, triển khai thực hiện chỉ thị tôi vừa nói, nhanh chóng dứt điểm Xuân Lộc để cùng với các cánh quân khác tiến vào mục tiêu cuối cùng. Chúc sức khỏe các đồng chí trong Bộ tư lệnh Quân đoàn! Tôi chờ tin vui của các đồng chí.
Tôi chỉ kịp hứa Quân đoàn sẽ nghiêm chỉnh chấp hành chỉ thị của Tổng Tham mưu trường, thì có tiếng đặt ống nghe xuống máy điện thoại.
Như được tiếp thêm sức, đầu óc tôi bớt căng, lòng tin được củng cố. Cùng với ký ức về chiến dịch biên giới Việt - Trung năm 1950 (giải phóng thị xã Cao Bằng nhưng không đánh vào thị xã, mà chọn điểm Đông Khê cách Cao Bằng gần 50 ki-lô- mét về phía nam để tiến công, buộc quân đồn trú Cao Bằng phải rúm lại); về những kinh nghiệm đánh Mỹ ở chiến trường Đông Nam Bộ từ 1965; và cuối cùng là chỉ thị của anh Văn Tiến Dũng, đã bật dậy trong tôi cách đánh mới: tập trung lực lượng đánh chiếm khu vực ngã ba Dầu Dây và Núi Thị, đồng thời uy hiếp sở chỉ huy tiền phương quân đoàn 3 nguỵ đặt tại Trảng Bom, đánh địch ở Biên Hoà, Trảng Bom nống ra phản kích; pháo kích khống chế mạnh sân bay Biên Hoà, đẩy địch ở Xuân Lộc hoang mang bối rối, hỗn loạn vì chúng bị cắt đứt với "hậu phương" vì bị bao vây cô lập từ nhiều phía, thừa thắng tiến công giải phóng thị xã.
Ngày 18 tháng 4, Quân đoàn đang bắt đầu triển khai lực lượng theo ý định mới thì anh Trần Văn Trà xuống cùng với Quân đoàn bàn bạc thay đổi cách đánh. Sự hiện diện của anh thật đúng lúc, chứng tỏ Quân uỷ và Bộ chỉ huy Miền rất quan tâm đến mặt trận Xuân Lộc, thấy chúng tôi đang gặp khó khăn, xuống tận nơi bàn cách tháo gỡ.
Sau khi nghe tôi báo cáo lại toàn bộ kế hoạch chuyển hướng tiến công, anh Trà nhất trí và nhấn mạnh thêm một số điểm nhằm củng cố thêm lòng tin cho chúng tôi. Anh nói:
- Đánh vỗ mặt vào Xuân Lộc lúc này là không có lợi. Việc chuyển hướng đánh chiếm ngã ba Dầu Dây, bao vây cô lập Xuân Lộc để mục đích cuối cùng là tiêu diệt địch, giải phóng Xuân Lộc, là hoàn toàn đúng và có điều kiện thực hiện. Vì địch ở khu vực Dầu Dây yếu và bị bất ngờ. Nếu Dầu Dây bị ta đánh chiếm thì Xuân Lộc tự nhiên mất hết các tác dụng của một cứ điểm then chốt vì nó nằm ngoài tuyến phòng thủ rồi, quân đoàn 3 lo sợ vì bị kẹt một lực lượng lớn ở ngoài tuyến. Tuy nhiên chúng ta không được lơi lỏng với lực lượng địch ở Xuân Lộc mà phải kèm kỹ, có kế hoạch sẵn sàng tiêu diệt khi chúng phản kích ra hướng Dầu Dây, hoặc rối loạn rút chạy theo hướng Bà Rịa rồi cụm lại tại Biên Hoà.
Tiếp theo, anh Trà nhấn mạnh: để hỗ trợ cho Quân đoàn, Miền sẽ lệnh cho lực lượng pháo binh và đoàn đặc công 113 thuộc quyền khống chế có hiệu lực sân bay Biên Hoà trước và trong quá trình Quân đoàn thực hiện kế hoạch tác chiến mới như chúng ta đã bàn.
Cuối cùng anh biểu dương chúng tôi, trong cái khó ló cái khôn. Một kế hoạch đánh địch bằng thế kết hợp với đánh địch bằng mưu trí dùng lực đã được hình thành. Tôi tin là chúng ta nhất định thắng lợi.
Ngày hôm sau anh Trần Văn Trà tạm biệt chúng tôi trở lại Lộc Ninh để bàn tiếp kế hoạch tiến công vào Sài Gòn đang đi vào giai đoạn hoàn chỉnh cuối cùng, kịp điều hành các lực lượng tham chiến có định hướng chung mà triển khai công việc cụ thể.
Sau khi tiễn đồng chí tư lệnh Bộ chỉ huy Miền, chúng tôi hối hả bắt tay vào công việc, để sao cho cái ngày N và giờ G theo cách đánh mới mà Quân đoàn quyết định dành cho địch lại là một bất ngờ vào phút cáo chung của chúng.
Rạng sáng ngày 15-4-1975, thực hiện quyết tâm chiến đấu mới của Quân đoàn, pháo 130 ly bắt đầu bắn phá sân bay Biên Hoà, thì cũng là lúc Sư đoàn 6 (Quân khu 7) được tăng cường Trung đoàn 95 (của Bộ) từ Gia Kiệm tổ chức hiệp đồng tiến công tiêu diệt chiến đoàn 52 (sư đoàn 18) và một chi đoàn thiết giáp giải phóng ngã ba Dầu Dây và đoạn cuối cùng của đường 20 từ Túc Trưng đến Kiệm Tân, lập tuyến phòng thủ vững chắc ở khu này; tổ chức đánh bại nhiều cuộc phản kích của địch từ Trảng Bom nống ra, đẩy lùi chúng xuống Bầu Cá, buộc quân đoàn 3 địch phải ngừng phản kích cứu nguy cho Xuân Lộc.
Tại thị xã Xuân Lộc, trong thời gian ta chuẩn bị chuyển hướng tiến công, không có trận đánh lớn nào xảy ra ở đây, địch chủ quan, cho rằng "Việt cộng đã hết hơi", thì như có phép lạ, phối hợp với hướng Dầu Dây - Núi Thị, Sư đoàn 7, Sư đoàn 341 đồng thời nổ súng. Từ chủ quan, ngạo mạn đến hoảng loạn, bị động, trước các đợt tiến công liên tục của ta. Hai chiến đoàn 43, 48 (sư đoàn 18) bị ta đánh tan và diệt một phần lữ 1 dù.
Không chiếm lại được ngã ba Dầu Dây, lại mất toàn bộ đường 20, Biên Hoà trở thành điểm tiền tiêu nhưng không còn mấy lực lượng để phòng thủ. Ngày 18 tháng 4, quân đoàn 3 nguỵ phải dùng trực thăng bốc một phần lực lượng từ Xuân Lộc về Biên Hoà - Trảng Bom để lập tuyến mới. Và ngày 20 tháng 4, tàn quân còn lại ở Xuân Lộc vội vã rút bỏ Xuân Lộc theo đường số 2 qua Bà Kịa trở về Biên Hoà.
Đến sáng 21-4-1975, những tuyến phòng thủ cuối cùng của "Quân lực Việt Nam cộng hoà" (tức quân nguỵ) ở Xuân Lộc sụp đổ tan tành, một trong bốn tiểu đoàn còn sống sót của sư đoàn 18 với viên tư lệnh của nó là chuẩn tướng Lê Minh Đảo được máy bay lên thẳng tới kéo ra khỏi đống gạch đổ nát" (13).
Ngày 21 tháng 4, được tin Xuân Lộc thất thủ, Uây-en, tác giả của công trình lập tuyến phòng thủ Xuân Lộc đã thốt lên: "Thế là hết! Tình hình quân sự là tuyệt vọng". Hai ngày sau, ngày 23 tháng 4, trong một bài diễn văn đọc tại trường đại học New Zealand, tổng thống Pho đã ngậm ngùi nói: "Chiến tranh đã kết thúc với Mỹ, không thể giúp đỡ người Việt Nam được nữa, họ phải đương đầu với bất cứ số phận nào đang đợi họ".
Xuân Lộc, cái chốt xung yếu cuối cùng của những gì còn lại của nguỵ quyền Sài Gòn bị nổ tung, "Sài Gòn sau những ngày Xuân Lộc chỉ còn là những phân cảnh cuối cùng của một màn kịch ảm đạm. Thành phố bị chấn thương nặng, sống ngắc ngoải trong tình cảnh căng như mặt trống và tiếng đại bác (của Quân giải phóng) gầm mỗi lúc một gần". Thành phố vừa hết lệnh giới nghiêm, hàng trăm, hàng ngàn người đã chen chúc, xô đẩy ở các cửa ngân hàng để rút tiền chạy đi nước ngoài. Giá một tấm hộ chiếu có thị thực từ 500 đô la tăng vọt lên 5.000 đô la; giá một chiếc thuyền nhỏ có thể đi biển được tăng vọt tới 10.000 đô la.
"Xuân Lộc được giải phóng. Cách cửa phía đông Sài Gòn đã mở sẵn đón lực lượng Quân đoàn 2, Quân đoàn 4, sư đoàn 3 (Quân khu 5) vào trận chiến lược cuối cùng" (14). chúng tôi mãi mãi tự hào về trận đánh Xuân Lộc mà mình được trực tiếp tham gia, nhưng không khỏi băn khoăn trong tâm tưởng. Nếu không kể cùng bạn đọc thì coi như chưa nói hết về trận đánh có tầm vóc lịch sứ này.
Ngày ấy, 19-3-1975, sau khi đánh chiếm Định Quán, chúng tôi mạnh dạn kiến nghị với cấp trên không hành quân tiếp tục đánh chiếm Bảo Lộc, Đà Lạt, mà tranh thủ phát triển xuống Xuân Lộc. Vì lúc này địch đang hoang mang bối rối, buộc chúng phải thay đổi thế bố trí chiến lược. Trong tình trạng đang xáo trộn như vậy, nếu ta cài thế tiêu diệt một bộ phận sư đoàn 18, giải phóng tiếp từ Định Quán đến Túc Trưng thì có điều kiện giải phóng Xuân Lộc, địch không có hy vọng giải toả. Và như vậy Bảo Lộc, Đà Lạt, quân trú phòng chỉ là lực lượng bảo an nhưng cũng không nhiều, trước sức ép hai đầu mạnh của lực lượng ta, chỉ cần lực lượng vũ trang địa phương kết hợp với nhân dân nổi dậy là có thể tự giải phóng được.
Nếu để chậm, địch hồi lại, chúng tăng lực lượng dự bị lên, được Mỹ tăng viện, lên giây cót về tinh thần, củng cố thế trận phòng thủ, thì thời cơ không còn, lúc ấy mới đánh, chắc chắn là thắng nhưng sẽ phức tạp, thời tiết chuyển sang mùa mưa sẽ có nhiều diễn biến khó lường.
Nhưng kiến nghị không được chấp nhận, với lý do vẫn thực hiện như kế hoạch đã định, tiếp tục mở rộng hành lang sâu về phía bắc, tạo bàn đạp tiến công Sài Gòn theo hai hướng đường 1 và đường 20 trên phía bắc và đông Sài Gòn. Nếu không mở rộng ngay, địch có thể liều lĩnh phản kích chiếm lại để có thể co cụm chiến lược vững chắc cho khu vực Sài Gòn và toàn miền Đông Nam Bộ. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với nội dung của kế hoạch này, nhưng nó không còn phù hợp với tình hình đang phát triển rất mau lẹ. Tác dụng của trận "điểm huyệt" Buôn Ma Thuột dẫn đến toàn bộ vùng Tây Nguyên được giải phóng, đường vào Nam Bộ có nhiều thay đổi. Có thể đi theo đường 14 qua Buôn Ma Thuột, Đức Lập, Bu Prăng, Bù Gia Mập đến Lộc Ninh. Đoạn từ Bu Prăng - Bù Gia Mập khá tốt, xe các loại đều chạy tốt, gọi là đường 14A. Thực tế sau đó, các binh đoàn chủ lực vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh đều từ Tây Nguyên theo đường kể trên vào tập kết ở hướng bắc và tây-bắc Sài Gòn.
Chỉ có sư đoàn 10 sau khi giải phóng Cam Ranh, theo đường 11, đường 20 để vào Đông Nam Bộ; hành lang đường 20 chỉ là một vùng giải phóng nói chung, nó không còn như dự tính lúc ban đầu. Trước áp lực chung, quân đồn trú ở Đà Lạt hoảng hốt tự rút bỏ thành phố này. Do sớm phát hiện, Trung đoàn 812
Quân khu 6 kịp thời truy kích vừa diệt chúng vừa giải phóng đường 11 từ Đà Lạt đến sân bay Thành Sơn, Phan Rang.
Rõ ràng cái thế chung tạo ra lúc ấy cho phép chúng ta từ Định Quán quay xuống tiến công Xuân Lộc, mà vẫn ở thế đứng trên đầu thù giải phóng liền cả Bảo Lộc, Đà Lạt.
Trận đánh Xuân Lộc nổ ra muộn, vào lúc địch gượng lại, chúng tăng cường phòng thủ khá mạnh, gồm những đơn vị tinh nhuệ nhất còn lại và quá nửa lực lượng dự trữ chiến lược của quân nguỵ (dù và thuỷ quân lục chiến) và vào thời gian này Mỹ cũng hối hả đưa vào miền Nam, được dùng tại Xuân Lộc thêm loại bom Đe-xi-cát tơ và bom CB thay cho phi vụ yểm trợ bằng máy bay B52 làm tăng thêm tính khốc liệt của trận đánh.
Trận đánh muộn kéo theo những khuyết điểm không đáng có.
Việc chuẩn bị trận đánh quá gấp, xác định hướng chủ yếu từ đông-bắc đánh vào là không chính xác. Đúng đây là phía sau căn cứ sư đoàn 18, nhưng lại là khu vực phòng thủ rắn của địch, địa hình không thuận lợi, ta phải từ dưới cánh đồng thấp, ngược sườn đồi đánh lên, phải mở tám, chín hàng rào kẽm gai, vượt qua hệ thống đường ủi và các vị trí phòng thủ vòng ngoài mới có thể tiến vào tung thâm tiến công chiến đoàn 52 và trung đoàn 5 thiết giáp phòng giữ. Khi phát hiện phía tây- nam, qua cổng chính tiến vào căn cứ địch có nhiều sơ hở, nhưng không còn lực lượng đảm nhiệm, vì Sư đoàn 7 làm nhiệm vụ ở hướng chủ yếu, không thật sung sức lắm. Qua trận vận động tiến công từ Định Quán đến Di Linh, quân số, vũ khí bị tiêu hao, ta chưa kịp bổ sung. Khi phát hiện hướng chủ yếu gặp khó khăn, địch tăng cường lực lượng phản kích quyết liệt đẩy ta ra khỏi thị xã, thế trận căng thẳng giằng co, lại không kịp thời chuyển hướng, thay đổi cách đánh. Việc phối hợp giữa các hướng tiến công không thật thích hợp và ăn khớp.
Trong hình thái Xuân Lộc lúc đó, chúng tôi cho hướng chủ yếu nổ súng trước là không phù hợp, mà phải nổ súng tiến công sau khi Sư đoàn 341 ở hướng thứ yếu đánh vào thị xã nhằm làm lạc hướng, phân tán sự chú ý của địch, tạo cục diện trận đánh có lợi cho ta, nhất là ở hướng chủ yếu.
Trình bày những tình tiết trên, người chứng kiến lịch sử muốn mang đến bạn đọc các thế hệ kế tiếp cảm thụ được đầy đủ con đường đi đến chiến thắng Xuân Lộc là không đơn giản, mà phải qua những gập ghềnh, thăng trầm; có thông minh mưủ trí nhưng cũng có cả thiếu sót khuyết điểm trong sự vận dụng đường lối và nghệ thuật quân sự của Đảng, có chiến thắng và có cả mất mát.
Tất cả những cái đó chỉ làm rõ, tô đậm thêm tính anh hùng ca của trận đánh Xuân Lộc, sẽ mãi mãi lưu giữ trong tâm tưởng mọi người.
Chú thích: (1) Nghị quyết Bộ Chính trị 25-3-1975.
(2) Sư đoàn chủ lực thuộc Bộ Tổng tư lệnh, được bổ sung vào chiến trường miền Đông Nam Bộ tháng 3-1975.
(3) Lúc này ở B2, anh Phạm Hùng đã yêu cầu kiên quyết thực hiện bốn không: không nói gì về hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ; không nói gì về kế hoạch hai năm 1975-1976, không nói gì về tổng công kích, tổng khởí nghĩa; không nói gì về Nghị quyết mới, xem như chỉ có Nghị quyết 21, nghị quyết mà địch đã nắm đến lúc này chúng chỉ biết tới đó.
(4) Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 3-3-1975.
(5) Đại tướng Hoàng Văn Thái, Những năm tháng quyết định. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr. 220, 221.
(6) Đại tướng Hoàng Văn Thái, Những năm tháng quyết định. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr. 220, 221.
(7) Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 31-3-1975.
(8) Điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các anh Ban chỉ huy mặt trận Sài Gòn ngày 1-4-1975.
(9) Ba ngày đầu chiến đấu, sư đoàn 7 bị thương vong 300 cán bộ, chiến sĩ, sư đoàn 34 1 bị thương vong 1.200. Chín xe tăng bị địch bắn cháy 3, hỏng 3. Pháo 85 ly và 57 ly hỏng gần hết.
(10) Uâyen, nguyên tư lệnh cuối cùng của quân viễn chinh Mỹ ở Việt Nam, về nước sau Hiệp định Paris. Theo lệnh tổng thống Mỹ Pho, ngày 28-3-1975 sang thị sát Nam Việt Nam tìm cách cứu nguy cho nguỵ quyền Sài Gòn.
(11) Quân địch phòng thủ Xuân Lộc tương đương hai sư đoàn, gồm toàn bộ sư đoàn 18 còn nguyên vẹn, một tiểu đoàn biệt động quân, trung đoàn 5 thiết giáp, tám tiểu đoàn bảo an; 202 đại đội địa phương, 42 khẩu pháo, trong đó có hai pháo 175 ly có tầm bắn trên 20 km.
(12) Sau ba ngày bị ta tiến công, quân đoàn 3 nguỵ điều lên Xuân Lôc sáu trung đoàn gồm: lữ đoàn 1 dù, liên đoàn 33 biệt động quân; trung đoàn 8 (sư đoàn 5) các thiết đoàn thiết giáp 315. 318, 322, hai lữ đoàn lính thuỷ đánh bộ. Tổng số lực lượng quân nguỵ ở Biên Hoà - Xuân Lộc lên tới 25.000 quân gồm haí sư đoàn; bốn trung đoàn và lữ đoàn bộ binh, chiếm 30% quân số quân khu 3; bốn thiết đoàn thiết giáp, tám tiểu đoàn pháo.
(13) Trần Mai Hạnh, Sụp đổ và tự thú, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985, tr. 97.
(14) Đại tướng Văn Tiến Dũng, Đại thắng mùa xuân, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Hà Nội, 1976, tr. 206.