Ngay từ những năm đầu của thập kỷ sáu mươi, Bộ chỉ huy tối cao của trận chiến trường kỳ của dân tộc đã chuẩn bị cho những người cầm súng, nhất là cho cán bộ chỉ huy cao cấp chúng tôi một nhận thức về "khả năng hoà bình phát triển của Cách mạng miền Nam gần như không còn nữa. Cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa của nhân dân sẽ bùng nổ để lật đổ chính quyền Mỹ - Diệm"(1) "phải đề phòng địch có hành động điên cuồng, khi cần phải đánh lâu dài 10 năm, 20 năm và phải có kế hoạch đề phòng khi đột biến"(2), "phải đặt vấn đề Mỹ nhất định nhảy vào để tính toán, không sợ nhưng không khinh địch" (3)
Đồng thời Bộ chỉ huy tối cao còn chỉ ra những tư tưởng cần có, những công việc phải chuẩn bị, những nhiệm vụ phải làm "để chiến thắng cho kỳ được cuộc chiến tranh đặc biệt ở mức cao của địch ở miền Nam. phải hết sức cảnh giác và sẵn sàng đối phó để có thể thắng địch nếu chúng biến chiến tranh ở miền Nam hiện nay thành "chiến tranh cục bộ" hoặc chúng gây ra chiến tranh cục bộ ở cả hai miền Nam - Bắc chúng ta" (4).
Với Mỹ mùa hè 1965 lại là một mùa hè nóng bỏng, không phải vì thời tiết mà vì sự căng thẳng bị thúc ép phải ]ựa chọn một quyết định không thể chậm hơn. Bởi lẽ tình thế lúc ấy đặt ra cho Nhà trắng và Lầu năm góc những vấn đề cực kỳ gai góc:
- Tiếp tục "chiến tranh đặc biệt" Mỹ chắc thua.
- Đưa quân Mỹ vào trực tiếp tham chiến cũng không chắc thắng.
Lại nữa, lúc Tay-lơ đại sứ Mỹ tại Nam Việt Nam muốn hạn chế vai trò quân Mỹ trong chiến tranh, thì tướng bốn sao Oét-mo-len vừa được tổng thống Giôn-xơn bổ nhiệm làm tư lệnh quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam lại cho rằng "Không có tiến trình hoạt động nào khác cho chúng ta ở Nam Việt Nam trừ việc tăng thêm các lực lượng vũ trang Mỹ càng nhanh càng tốt".
Chính vì cái nóng bỏng chứa đầy mâu thuẫn ấy mà chỉ trong vòng 37 ngày (từ 7 tháng 4 đến 13-5-1965) tổng thống Giôn-xơn đã 12 lần đọc diễn văn về vấn đề Việt Nam, tìm mọi cách biện bạch, lừa mị. Cuối cùng ông ta đã lựa chọn giải pháp đưa quân Mỹ vào trực tiếp xâm lược miền Nam Việt Nam, quân số lúc cao nhất lên tới 536.100 tên.
Những cái gì phải đến đã đến. Rút cuộc cái không chắc thắng đã trở thành cái chắc thua trước sức mạnh tổng hợp của quân và dân miền Nam qua các đòn tiến công và nổi dậy đồng loạt: Xuân 1968; cuộc tiến công chiến lược Xuân Hè 1972. và cuối cùng là cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.
Nhưng con đường dẫn tới vinh quang đó đâu phải thênh thang bày sẵn, mà trải qua những bước thăng trầm, vượt qua bao thử thách. Trí tuệ của toàn dân tộc tích luỹ hàng ngàn năm được huy động đến mức tối đa cho cuộc chiến đấu hôm nay, cùng với tinh thần dũng cảm xả thân của biết bao đồng chí đồng bào.
Dưới đây xin kể cùng bạn đọc cuộc đọ sức mở đầu giữa lực lượng vũ trang ta và quân viễn chinh Mỹ trên đường 13 mà chúng tôi được tham dự, chứng kiến.
Sự việc bắt đầu từ chủ trương mở chiến dịch Dầu Tiếng đã được anh Thanh nhắc tới trong hội nghị tổng kết chiến dịch Đồng Xoài và trong buổi lễ thành lập sư đoàn 9, anh nói rõ hơn:
- Về chính trị, ta có Đồng khởi Bến Tre, về quân sự ta chiến thắng liên tiếp ở Bình Giã, Phước Long. Đồng Xoải lần đầu ta tổ chức đánh tập trung, hiệp đồng binh chủng, nhưng chưa đủ. Tình hình đòi hỏi phải coi trọng việc xây dựng lực lượng chủ lực lớn mạnh, không có chủ lực không giải quyết được vấn đề một cách cơ bản. Quả đấm nhỏ sẽ không có thắng lớn. Việc thành lập sư đoàn 9 là để đáp ứng nhu cầu đánh lớn, đánh tập trung, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Trước mắt cần khẩn trương chuẩn bị, phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương mở chiến dịch Dầu Tiếng. Đây là một mục tiêu quan trọng nằm trong kế hoạch hoạt động quân sự tổng thể: Bình Giã - Phước Long - Đồng Xoài - Dầu Tiếng của Trung ương Cục, Quân uỷ và Bộ tư lệnh Miền nhằm tiêu diệt bộ phân sinh lực quân chủ lực nguỵ, góp phần đánh bại ý chí nguỵ quân, nguỵ quyền làm mất chỗ dựa của Mỹ; đồng thời phải có phương án đánh Mỹ nếu chúng nống ra.
Buổi giao nhiệm vụ diễn ra trong không khí nghiêm túc mà chan hoà, cởi mở. Vì chiến dịch sẽ diễn ra trong môi trường quân sự mới khác với các đợt hoạt động trước đó, nên có nhiều ý kiến nêu ra trao đổi rất sôi nổi, thẳng thắn gợi nhiều bổ ích cho quá trình chuẩn bị sau đó.
- Trường hợp Mỹ nống ra thì ta đối phó cách nào, hay vẫn giữ cách đánh điểm diệt viện.
- Nếu Mỹ nhảy vào thì phải chọn chiến trường chuyển sang đánh Mỹ, không thể đánh và giải phóng được Dầu Tiếng.
- Nhưng đánh cách nào? Nếu Mỹ nằm ở hậu cứ hoặc đứng phía sau quân nguỵ thì tiến hành bao vây vu hồi phía sau, khống chế, lôi chúng ra mà đánh; nếu chúng đứng phía trước thì chuyển sang đối đầu trực tiếp, v.v.
Những ý kiến tuy chưa có cơ sở thực tế, cách đánh cũng chưa cụ thể, nhưng đều thể hiện quyết tâm chiến đấu của những người dự họp, nếu có gì đó thì chỉ là những băn khoăn làm thế nào để hoàn thành nhiệm vụ vì đối tượng Mỹ đang là mới mẻ; đồng thời đây cũng là những gợi ý tốt đối với chúng tôi trong quá trình chuẩn bị hạ quyết tâm chiến đấu.
Cuối tháng 9 anh Thanh cử anh Trần Văn Trà xuống sư đoàn để giao nhiệm vụ cụ thể và bàn bạc biện pháp thực hiện phương án hai: đánh Mỹ. Vì lúc này trên chiến trường Đông Nam Bộ đã có ba đơn vị quân viễn chinh triển khai bố trí ở ba nơi: sư đoàn bộ binh số 1 "Anh cả đỏ" ở Lai Khê (tỉnh Bình Dương), sư đoàn bộ binh số 25 - "Tia chớp nhiệt đới" ở Đồng Dù (Củ Chi), lữ đoàn dù 173 ở Biên Hoà. Từ 26 đến 30 tháng 6, lữ đoàn này cùng với một tiểu đoàn quân úc mở cuộc hành quân ra phía tây-bắc Sài Gòn. Đây là cuộc hành quân trên bộ đầu tiên của quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam, mở đầu cho chiến lược "chiến tranh cục bộ", các cuộc hành quân về sau chỉ tập trung vào vấn đề sử dụng bao nhiêu quân và mục đích cụ thể gì.
Sau khi nghe anh Trà phổ biến nhiệm vụ của Bộ tư lệnh Miền, Bộ chỉ huy sư đoàn cùng với anh Trà trao đổi kế hoạch triển khai thực hiện. Trước hết chúng tôi cùng có chung một nhận định - là bên cạnh số đông qua thực tế Bình Giã, Đồng Xoài đã thấy cần thiết phải phát triển lực lượng chủ lực để thực hiện đánh lớn, cũng còn số ít vẫn thiên về tác chiến du kích, ngại đánh lớn Mỹ nhảy vào, cá biệt còn có tư tưởng ngại đối đầu với Mỹ.
Những tồn tại trên tuy không phải là phổ biến nhưng cần được quan tâm, không chỉ đơn thuần giải thích đả thông, hô hào động viên kêu gọi mà phải bằng cả tổ chức, kế hoạch chiến đấu và biện pháp bảo đảm cụ thể, thực tế.
Anh Trà tiếp tục truyền đạt ý kiến của Bộ tư lệnh Miền về khả năng hành động của quân Mỹ: chúng có thể trực tiếp đối đầu hoặc quá trình ta tiến công Dầu Tiếng quân Mỹ sẽ tăng viện cho nguỵ. Vì vậy phải ứng phó với cả hai tình huống trên, bảo đảm thắng ngay từ trận đầu, diệt gọn từng trung đội, đại đội địch.
Đánh nguỵ (dù được Mỹ trang bị và huấn luyện) đã có kinh nghiệm, nhưng với Mỹ thì đây là lần đầu cần được chuẩn bị nghiêm túc nhưng phải khẩn trương, trước hết cần trả lời câu hỏi: Mỹ ở đâu và chúng sẽ ra theo hướng nào.
Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của cấp trên, xuất phát từ thực tế của đơn vị, tôi và anh Nguyễn Thế Bôn, tham mưu trưởng sư đoàn lên đường đi chuẩn bị chiến trường theo phương án hai, các anh Lê Văn Tưởng chính uỷ, Hoàng Thế Thiện phó chính uỷ tiếp tục lo phương án tiến công Dầu Tiếng.
Chúng tôi theo đường 13 xuống tận Lai Khê, Bến Cát. Trước khi lên đường, anh Hai Nghiêm vào trước có kinh nghiệm nhắc chúng tôi cần chú ý những chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng về cách ứng xử, xưng hô như gọi thứ thay tên, tô thay bát, v.v. Tôi và anh Bôn đều cải trang lại, thay quần áo bà ba may rộng mang từ ngoài Bắc vào bằng quần áo bà ba vải đẹp mau khô may chẽn do hậu cần Miền cấp. Nhưng khi thực hiện thường hay quên, gặp trục trặc ngay từ phút đầu đóng vai dân.
Vừa qua khỏi ngã ba Bầu Lồng, gặp bà má tuổi độ 60, hỏi:
- Con là thứ mấy?
- Thứ nhất ạ - Tôi trả lời.
Bà má nhìn nhanh hai chúng tôi, nở nụ cười thương cảm:
- Hai ơi! Mày mới ở Bắc vô phải không - Má đưa mắt nhìn quanh, rồi hạ giọng - Đi đường phải chú ý nghe con, kẻ xấu thường lẫn trong dân để dò tìm "Việt cộng" đấy.
Một bài học nhỏ mà quan trọng, một nhận biết thoáng qua mà thấm sâu về lòng dân đùm bọc, chở che tiếp thêm sức mạnh, lòng tin khi chúng tôi đang đi giữa lòng địch.
Đi được khoảng 10 ki-lô-mét, khát và đói ập đến, lại gặp quán bán đồ nhậu, chúng tôi dừng chân.
Người chủ quán tuổi độ tứ tuần, có bộ râu quai nón dữ tợn nhưng thái độ rất nhã nhặn, đon đả mời chào.
- Cho hai bát tô hủ tiếu - anh Bôn gọi.
- Dấu sao nổi hả chú? - Người chủ quán nói, kèm theo cái nhìn thông cảm, như nhắc chúng tôi phải cẩn thận vì gần đây có bót bảo an và một trạm gác của dân vệ.
Dân rất tin, từ đây trở vào, họ tìm cách đến gần hỏi chuyện, có cả người nói giọng Bắc. Chúng tôi không còn cách nào khác là tìm cách lảng tránh, chỉ dạ dạ mỗi khi dân nói chuyện gợi ý thăm dò.
Đến Đồng Sổ lại gặp tiệm nhậu, đưa mắt liếc nhìn thấy lố nhố bọn lính nguỵ ngồi trong đó.
- Đi thôi - Anh Thế Bôn giục.
- Đi lúc này là lộ ngay - Tôi nói tiếp - Biết đâu chúng đặt người theo dõi, ta cứ giữ vẻ đàng hoàng thản nhiên vào như những khách qua đường ghé để ăn nhậu.
Thế là một nguy hiểm đã vượt qua. Từ Đồng Sổ vào Lai Khê, dân thấy chúng tôi vóc dáng khỏe mạnh, đưa mắt nhìn tỏ vẻ thiện cảm và ghé vào tai nhau thì thầm "đúng là người ngoài Bắc mới vô". Một số ít đoán đúng chúng tôi là Quân giải phóng mời lên xe đò đi cho đỡ mệt. Từ đây quang cảnh tấp nập đông vui. Có người từ Lai Khê, Bến Cát ngược lên để tránh Mỹ, có người từ An Lộc, Chơn Thành xuôi về Bình Dương buôn bán.
Đây là một thuận lợi để chúng tôi dễ lẫn vào dân hợp pháp tiếp cận địch nắm địch; và cũng được dịp nghe dân bàn tán với hai luồng trái ngược: Mỹ vào nhiều súng lớn, "Việt cộng" ở đâu mà không đánh. Lại có ý kiến, quân đội "Việt Nam cộng hoà" (chỉ nguỵ quyền Sài Gòn) thua Việt cộng nên Mỹ phải vào.
Cảnh quan hai bên đường thật đẹp, đồi gò nhấp nhô xen kẽ là những thung lũng nhỏ, đồng ruộng hẹp với những thôn ấp đan xen, dưới chân là dòng suối chảy qua. Quốc lộ 13 uốn lượn, thoảng bắt gặp đoạn dốc lên xuống nhưng không cao, tựa như cảnh đồi vùng trung du Phú Thọ đoạn Chân Mông - Đoan Hùng. Hai bên đường bạt ngàn rừng cao su với những lô cây thẳng hàng ngang dọc như những khối quân tề chỉnh đứng trước quảng trường trong lễ duyệt binh, bỗng anh Bôn thốt lên:
- Giấu quân tốt!
- Phục kích càng tốt - Tôi hưởng ứng.
Trên đường đi chuẩn bị chiến trường chuyển sang đánh Mỹ, tôi tiếp tục theo đuổi suy nghĩ này, nó cứ hình thành và lớn lên với những lý lẽ: Mỹ có nhiều cơ giới, pháo lớn, ắt phải bám đường, hành quân theo đường, đóng quân dã ngoại hoặc lập căn cứ vẫn phải dựa theo trục đường. Rõ ràng phục kích, tập kích vẫn là cách đánh thích hợp, vấn đề là ở chỗ vận dụng cụ thể trong mỗi điều kiện cụ thể.
Qua nghiên cứu thực địa, chúng tôi có nhiều điểm thống nhất trong việc chọn chiến trường. Nếu Mỹ từ căn cứ Lai Khê nống lên phía bắc trong khuôn khổ hành quân "tìm diệt" hay cứu viện cho quân nguỵ Sài Gòn, nhất thiết chúng phải theo trục đường 13, trong đó Đồng Sổ, Bầu Bàng, Bầu Lồng, Chơn Thành... đều là điểm địch có thể tạm dừng chân, trú quân dã ngoại tìm đường, hoàn chỉnh việc tổ chức để tiến công đối phương. Vì thế khi từ Bến Cát ngược lại chúng tôi dành thêm thời gian nghiên cứu các địa danh nói trên, nhất là hình thái cấu trúc địa hình tự nhiên, sơ bộ dự kiến các phương án đánh địch nếu tình huống xảy ra.
Để có thể tiến hành đồng thời các việc trong cùng một thời gian tôi điện về sở chỉ huy sư đoàn cho chuyển dịch đội hình xuống khu vực Căm Se (giữa Chơn Thành - Dầu Tiếng - Bàu Lồng) cách đường 13 khoảng 10 ki-lô-mét về phía tây bảo đảm triển khai chiến đấu được nhanh hơn và cũng gần căn cứ tỉnh uỷ Bình Dương tiện việc phối hợp kế hoạch chiến đấu và nổi dậy.
Lúc này vào thượng tuần tháng 10, Bộ tư lệnh sư đoàn họp thông qua kế hoạch chiến đấu.
Quán triệt nhiệm vụ của Bộ tư lệnh Miền do anh Trần Văn Trà xuống truyền đạt, dựa vào thực tế tình hình qua bước trinh sát thực địa và những thông tin địa phương do tỉnh uỷ Bình Dương cung cấp, chỉ huy sư đoàn thống nhất quyết tâm chung:
- Đợt 1: Tiến công tiêu diệt quận lỵ Dầu Tiếng, đồng thời triển khai thế trận sẵn sàng đánh viện.
Đợt 2: Thừa thắng phát triển xuống Bến Cát, Bình Dương hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng.
Về sử dụng lực lượng, Trung đoàn 3 đánh Dầu Tiếng; Trung đoàn 2 đánh viện đường bộ, đoạn từ Đồng Sổ đến Bầu Bàng, Trung đoàn 1 đánh quân viện đường không và làm lực lượng dự bị chiến dịch. Sang phần phương án đánh Mỹ, ý kiến trao đổi khá sôi nổi. Riêng tôi thời gian ở ngoài Bắc qua các lớp tập huấn cán bộ cao cấp trong thời kỳ xây dựng quân đội tiến lên chính quy, hiện đại, qua học trường quân sự cấp cao nước ngoài, có được nghiên cứu về quân đội Mỹ nhưng cũng chỉ hiểu Mỹ qua Liên Xô tham gia chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945), hiểu sư đoàn Mỹ tổ chức theo cơ cấu 5 cụm, v.v.
Vấn đề tưởng như khó, ý kiến sẽ khác nhau, nhưng chính sự phong phú ấy lại gặp nhau ở một điểm - là chiến dịch mở ra trong bối cảnh quân Mỹ đã ồ ạt kéo vào miền Nam thì việc đụng đầu với chúng là lẽ đương nhiên. Hơn nữa Dầu Tiếng có vị trí chiến lược quan trọng nếu bị ta tiến công, địch buộc phải tăng viện bằng đủ mọi cách đường bộ, đường không, bằng lực lượng quân nguỵ và Mỹ. Khi tình hình gay cấn, quân Mỹ là chủ yếu không để mất Dầu Tiếng. Trường hợp xảy ra tình huống này thì phương án đánh viện là quân nguỵ như đã kể trên sẽ chuyển sang đánh viện là quân Mỹ, khác chăng chỉ là sự điều chỉnh lực lượng, điều chỉnh trận địa tiến công, phục kích, tập kích cho phù hợp với diễn biến cụ thể.
Trong nội dung quyết tâm chiến dịch chúng tôi có tính đến tình huống quân Mỹ nống ra đường 13, đường 16; mở màn chiến dịch có thể là một trận đánh Mỹ trên đoạn đường từ Bầu Bàng đến Bầu Lồng (ngã ba đường vào Dầu Tiếng) chứ không nhất thiết là trận tiến công quận lỵ Dầu Tiếng.
Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng trong cuộc đời chiến đấu của tôi, một chiến dịch phải song song chuẩn bị hai phương án chiến đấu, hai cách đánh với hai đối tượng, trong đó, phương án đánh nguỵ tương đối thuận lợi vì mục tiêu, nhiệm vụ đối tượng, được giao rõ ràng và cụ thể, còn phương án đánh Mỹ tuy yêu cầu rất nghiêm túc, khẩn trương nhưng khó có điều kiện để hoạch định, vì tất cả mới chỉ là định hướng trên cơ sở phán đoán mà phán đoán thì có rất nhiều khả năng xảy ra hoặc không xảy ra.
Mãi đến ngày 8 tháng 11, khi Trung đoàn 1 vận động phục kích diệt một tiểu đoàn thuộc lữ đoàn dù 178 Mỹ trong lúc chúng hành quân càn quét vùng Đất Cuốc thuộc khu vực Chiến khu Đ, thì khả năng đương đầu với quân Mỹ không còn ở mức phán đoán nữa. Đã có cơ sở thực tế để nêu công việc phải làm. Chúng tôi đã tính chuyện điều Trung đoàn 1 từ đông đường 16 về đứng trong đội hình sư đoàn để ứng phó với tình huống phức tạp đang đến gần.
Ngày 10 tháng 11, trong khi sư đoàn đang tiếp tục hoàn chỉnh lần cuối kế hoạch chiến đấu thì được tin trinh sát sư đoàn, cơ sở binh vận của tỉnh uỷ Bình Dương báo gấp có hai tiểu đoàn thuộc lữ đoàn 3, sư đoàn 1 "Anh cả đỏ" Mỹ được tăng cường hai tiểu đoàn xe tăng và thiết giáp, một đại đội pháo do sở chỉ huy nhẹ của lữ đoàn chỉ huy từ căn cứ Lai Khê theo đường 13 lên phía bắc, chiều hôm đó chúng dừng lại đóng dã ngoại thành hai cụm: một ở Đồng Sổ, một ở Bầu Bàng.
Bộ tư lệnh sư đoàn nhận định: Đây là khuôn khổ cuộc hành quân "tìm diệt" vì chúng phát hiện lực lượng chủ lực ta đang đứng chân ở bắc, tây-bắc Sài Gòn. Như vậy khả năng đánh Mỹ trước khi tiến công Dầu Tiếng đã và đang trở thành hiện thực, kế hoạch chiến dịch rất có thể bị đảo lộn. Cuộc đụng độ càng gay go, phức tạp với những tình huống đan xen giữa tiến công quân nguỵ đồn trú ở quận lỵ Dầu Tiếng với các trận đánh quân Mỹ hành quân "tìm diệt" gây thành "ngòi pháo" (5) mở đầu bất lợi cho Mỹ trong lúc này.
Tuy chỉ là những thông tin ban đầu, chưa thật rõ ý đồ cụ thể của Mỹ nhưng để giữ thế chủ động, thắng Mỹ ngay từ trận đầu như anh Thanh đã chỉ thị, chúng tôi thấy cần thiết phải đều chỉnh một số so với kế hoạch ban đầu. Trước hết là cho di chuyển sở chỉ huy sư đoàn về suối Đòn Gánh cách Bầu Bàng 3 - 4 ki-lô-mét để tiện việc chỉ huy, đồng thời nhanh chóng hình thành thế trận chiến đấu: Trung đoàn 2 làm nhiệm vụ chặn viện đường bộ, được tăng cường thêm tiểu đoàn 1 của Trung đoàn 1 và toàn bộ sức mạnh hoả lực của sư đoàn hỗ trợ chuyển sang đánh cụm quân Mỹ ở bắc Bầu Bàng; Trung đoàn 8 được phân công tiến công quận lỵ Dầu Tiếng, nay chuyển sang chặn địch từ Đồng Sổ lên, tạo thuận lợi cho Trung đoàn 3 tiêu diệt địch, lực lượng còn lại làm nhiệm vụ dự bị chiến dịch.
Mặt khác tôi và anh Thế Bôn tranh thủ dẫn cán bộ đại đội, tiểu đoàn, trung đoàn của trung đoàn 2 đi trinh sát thực địa, để có thêm dữ kiện cụ thể bổ sung vào kế hoạch chung.
Các anh trong Bộ tư lệnh sư đoàn đã chấp thuận kiến nghị quyết tâm chiến đấu của tôi và anh Thế Bôn sau khi đi nghiên cứu thực địa về. Tiến công quân Mỹ ở bắc Bầu Bàng bằng hai cách: tập kích nếu là đêm; phục kích, đánh cắt tiêu diệt đơn vị nhỏ cỡ trung đội, đại đội nếu gặp địch hành quân ban ngày.
Nhưng trận đánh đã không diễn ra theo kế hoạch!
Lúc 18 giờ ngày 11 địch vẫn còn đi lại, tiếng động cơ xe tăng, thiết giáp gầm rú vang động cả không gian đến tận Bầu Lồng. Đến 20 giờ, Trung đoàn 2 báo cáo khu vực dự định tiến công rất im ắng, không còn địch.
- Tại sao? - Tôi hỏi.
- Báo cáo địch đã rút.
- Rút đi đâu? - Tôi hỏi tiếp.
- Báo cáo có khả năng chúng rút về hướng Lai Khê.
Ngay lúc đó tôi đã không tin vì đội hình quân Mỹ kéo lên Bầu Bàng tương đối đông, kèm theo nhiều pháo lớn, xe tăng, xe bọc thép, lẽ nào lại rút một cách lặng lẽ như một tổ du kích.
Nhưng tôi vẫn nhắc đồng chí phụ trách tác chiến sư đoàn, điện xuống các tổ trinh sát đang bám trụ quanh khu vực Đồng Sổ, Lai Khê yêu cầu báo cáo gấp. Liền sau đó tôi nhận được các tổ trinh sát ở dưới đó báo cáo về khẳng định địch không rút về dưới này, trái lại đang có những dấu hiệu chúng tăng quân lên phía bắc.
Như vậy là địch vẫn còn ở Bầu Bàng.
Tôi lệnh cho các đơn vị áp sát và hạ quyết tâm sử dụng lực lượng toàn sư đoàn (trừ hai tiểu đoàn của trung đoàn 1 đánh trận Đất Cuốc chưa cơ động về kịp) tiến công tiêu diệt cả hai cụm quân địch dù sáng cũng đánh, kiên quyết dứt điểm.
Trung đoàn 2 vẫn là lực lượng chủ công tiêu diệt địch.
Trung đoàn 3 thiếu đánh chặn viện từ Đồng Sổ lên, để lại một tiểu đoàn làm lực lượng dự bị.
Đến lúc này kế hoạch tiến công Dầu Tiếng chuyển sang kế hoạch đánh Mỹ.
Thời gian lúc này như dài ra, mọi người trong sở chỉ huy căng thẳng theo dõi tình hình. Kim đồng hồ đã đúng 24 giờ, báo hiệu thời điểm bắt đầu chuyển dịch sang ngày hôm sau, 12 tháng 11. Nhưng không gian vẫn im ắng, ở khu vực Mỹ đóng quân dã ngoại hồi chiều không thấy có động tĩnh gì, một vài đơn vị đề nghị sư đoàn cho rút vì không thấy dấu hiệu có địch.
Thường vụ Đảng uỷ và Bộ tư lệnh sư đoàn họp ngay trong đêm nhận định: Đưa được lực lượng vào đây không phải dễ, hơn nữa ta vẫn giữ được bất ngờ đối với địch, đó là điều đáng quý cần phải tận dụng. Địch vẫn ở khu vực này, có thể chúng thay đổi vị trí nhưng di chuyển không xa. Chưa tìm thấy địch chứ không phải không tìm thấy chúng, Địch tuy đông, nhiều vũ khí hiện đại nhưng chúng đóng quân dã ngoại, công sự sơ sài, có nhiều sơ hở. Không có lý do gì mà rút, rút lúc này là lộ, hỏng việc lớn. Không tập kích thì phục kích. Đây là trận đầu, phải đánh và phải thắng.
Cuối cùng Thường vụ Đảng uỷ và Bộ tư lệnh sư đoàn thống nhất quyết tâm lần cuối: Nhiệm vụ không thay đổi, các đơn vị phải bám sát, phát hiện địch, nếu kịp thì cho tập kích trước 5 giờ sáng; không kịp, địch bắt đầu hành quân thì chuyển thành phục kích vì địch lên Bầu Lồng để vào Dầu Tiếng.
Không khí hào hứng vào trận lại bùng lên. Tình hình đã hết sức khẩn trương, chậm là mất thời cơ. Trung đoàn 3 ở cách Bầu Bàng 10 ki-lô-mét, nửa đêm được lệnh chiến đấu, đã lên đường ngay, bỏ cả nhiệm vụ đi lấy gạo, mờ sáng mới tới vị trí chiến đấu chỉ còn kịp phân chia địa giới, tuyến bắn bằng vật chuẩn những hàng cây cao su.
Cái phải đến đã đến! 5 giờ ngày 12 tháng 11, trời sáng, các hướng, các mũi của ta đều nhìn rõ, thấy địch vẫn ở Bầu Bàng, chúng đang lố nhố đi lại, chỉ khác là địch lùi về phía sau, cụm lại ở sở Cao su Bầu Bàng cả hai chiến đoàn(6).
Tôi thấy mình phấn khởi hẳn lên vì những suy nghĩ, phán đoán về địch là đúng, liền ra lệnh: "Mục tiêu địch đã rõ, theo nhiệm vụ được giao, đơn vị nào nhìn thấy địch trước cho nổ súng trước vừa tranh thủ diệt địch vừa làm hiệu lệnh tiến công chung, cố đánh dứt điểm càng sớm càng tốt, tránh phi pháo địch".
Được lệnh, tiểu đoàn 1 (trung đoàn 1) nổ súng vào 5 giờ 30 sáng, các đơn vị khác nổ súng tiếp. Như vậy là ngày N của ta và của địch đã trùng hợp. (Ngày N của ta quy định ngày 11 tháng 11 nổ súng tiến công Dầu Tiếng, nhưng được tin Mỹ nống ra đường 13 nên lùi lại ngày 12, thì chính ngày này Mỹ cũng khởi sự hành quân từ Bầu Bàng vào Dầu Tiếng).
Cuộc chiến đấu hiệp đồng diễn ra ăn ý nhưng cũng rất ác liệt.
Địch co lại chống trả đồng thời dùng hoả lực phi pháo sát thương ta, hỗ trợ cho bộ binh, máy bay B.52 trải thảm dọc đường Bầu Lồng - Căm Se - Thị Tính để dọn đường cho bộ binh vào Dầu Tiếng. Bom B.52 của địch rơi trúng cả vào khu vực cơ quan sư đoàn bộ. Số thương vong tăng lên, nhưng các đơn vị chấp hành lệnh của sư đoàn "bám thắt lưng địch" mà đánh, nhanh chóng thọc sâu, chia cắt địch thành từng cụm nhỏ để tiêu diệt chúng.
Địch bị dồn vào thế cùng nhưng chúng vẫn ngoan cố và xảo quyệt, lại có hoả lực mạnh nên đã gây cho lực lượng ta bị tiêu hao, sức tiến công bị giảm, càng kéo dài thời gian ta càng bất lợi.
Trước tình hình ấy, tôi quyết định đưa tiểu đoàn 7 (trung đoàn 3) lực lượng dự bị của trận đánh vào chiến đấu. Sức mạnh xung lực được tăng cường, các đơn vị có thêm điều kiện mở trận công kích mới, đánh mạnh vào khu vực phòng thủ tung thâm của địch, đến 8 giờ 40 phút trận chiến đấu mới kết thúc. Hai tiểu đoàn, hai chi đoàn thiết xa vận Mỹ (khoảng 2.000 tên) bị ta loại khỏi vòng chiến đấu, cùng với 39 xe (phần lớn là xe tăng, thiết giáp), tám khẩu pháo bị phá huỷ.
Nhưng về phía ta số tổn thất cũng không nhỏ, 109 cán bộ chiến sĩ hy sinh, 200 đồng chí khác bị thương? Đây là con số nói lên tinh thần chiến đấu xả thân của cán bộ, chiến sĩ ta rất cao; đồng thời cũng nói lên tính chất cực kỳ gay go ác liệt đầy gian nan vất vả trong cuộc đọ sức với một đối tượng tác chiến mới - quân đội Hoa Kỳ vẫn ngạo mạn tự nhận mình là "lực lượng chữa cháy" của "thế giới tự do" chưa biết thất bại là gì (!).
Vừa đau xót, khâm phục và tự hào những tấm gương sáng chói về chủ nghĩa anh hùng của đồng đội mình, chúng tôi lại vừa thấy rõ hơn, sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình, những cán bộ chỉ huy trận đánh. Dẫu mất mát, hy sinh là điều tất nhiên trong cuộc chiến đấu của dân tộc, nhưng không thể vì thế mà lãnh đạo bỏ qua. Ngay sau trận đánh, chúng tôi tự kiểm điểm, nghiêm túc rút ra những bài học thiết thực, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất cái giá phải trả cho mỗi chiến thắng, để thực hiện yêu cầu càng đánh càng mạnh, đủ sức, đủ lực tiến theo cuộc chiến trường kỳ đến ngày toàn thắng.
Không gian sau trận đánh bỗng trở nên yên tĩnh. Chỉ còn nghe tiếng pháo bầy và tiếng bom toạ độ và bom trải thảm của các loại máy bay Mỹ thi nhau giương oai ở những nơi chúng nghi là có chủ lực Quân giải phóng.
Sự yên lặng tạm thời này báo hiệu những trận bão lửa sắp tới.
Tôi tranh thủ trao đổi với các đồng chí trong Bộ tư lệnh sư đoàn về một số việc cần phải làm trước mắt để sẵn sàng đối phó với đợt tiến công mới của địch, rồi tranh thủ về báo cáo tình hình với anh Trần Văn Trà lúc này đang ở gần cầu Thị Tính, căn cứ tỉnh uỷ Bình Dương.
Vì phải căng thẳng theo dõi diễn biến tình hình đang trong thời điểm giao thời, lại vừa phải trao đổi kế hoạch với các đơn vị trong việc triển khai đối phó với máy bay B.52 đang gia tăng hoạt động, thấy tôi anh Trà hỏi:
- Đánh chưa?
- Đánh rồi! - Tôi trả lời.
- Sao nhanh vậy?
- Đánh Mỹ mà!
- Kết quả? - Anh Trà hỏi tiếp.
- Rất tốt.
Anh Trà cười thật to, cầm tay tôi lắc mạnh lần nữa và nói:
- Thế thì chúng ta phải về gấp báo cáo anh Thanh!
- Bao giờ đi - Tôi hỏi.
- Ngay bây giờ. Anh tranh thủ thu xếp hành lý. Phải đi suốt đêm để sáng mai kịp gặp anh Thanh.
Tôi, anh Trà, anh Hai Chân và hai đồng chí bảo vệ mỗi người một xe đạp lên đường. Lúc này mặt trời đã lặn, màn đêm bắt đầu giăng phủ.
Dọc đường anh Trà thân mật động viên:
- Cố về Sở chỉ huy Miền, tao có gà tăng gia làm bữa cháo cho lại sức rồi hành quân tiếp.
Kiểu động viên hơi mang tính chất Tào Tháo của anh có hiệu quả nhất định. Mặc dầu đã thấm mệt, kèm theo là cái đói lan khắp cơ thể, trời tối, không có đường, dù là đường mòn, chúng tôi vẫn gắng sức, tăng tốc độ, chiếu theo hướng sao đêm mà xuyên rừng đi tới.
Lúc đến Sở chỉ huy Miền, thì trời đã về khuya. Bao hy vọng đều tiêu tan. Một quang cảnh vắng lặng hiện ra mờ ảo trong đêm, các căn lán không có tiếng người, tất cả chỉ còn lại tiếng dế kêu rên rỉ. Cơ quan được lệnh di chuyển đến địa điểm mới cách đây hai giờ vì quân báo Bộ thông báo máy bay B.52 Mỹ sắp đánh phá vùng này.
Theo hướng tây-bắc chúng tôi tiếp tục lên đường, màn đêm càng dày đặc, lại gặp mưa, đường trơn càng vất vả. Qua Bến Củi đất nhão quánh, dính kết, anh Trà phải tháo phanh, chắn bùn mới đạp nổi nhưng chậm rì, chỉ nhanh hơn đi bộ một chút, mãi mờ sáng hôm sau mới tới căn cứ Bộ chỉ huy Miền.
Được đồng chí bảo vệ vào báo cáo, anh Thanh ra tận trạm gác đón. Thấy chúng tôi anh mừng rỡ:
- Nhận được điện báo cáo các cậu thắng Mỹ ở Bầu Bàng, mình không sao ngủ được vì quá vui.
Anh ôm hôn từng người rồi hồ hởi nói: "Thế là chúng ta đã đánh được Mỹ ngay từ keo đầu, chúc mừng các cậu". Một buổi sáng đầy sương mù và tiết trời hơi se lạnh, anh vận bộ áo quần bà ba đen cổ quấn chặt khăn rằn như một nông dân Nam Bộ thực thụ. Anh dẫn chúng tôi vào nơi ở và làm việc của anh - một căn hầm kèo ẩn dưới các tán cây, bàn làm việc, giường ngủ đều là những thanh lồ ô được chẻ nhỏ, vót nhẵn ken dày rất phẳng phiu đẹp mắt. Tuy chật hẹp, dã chiến nhưng ấm cúng, đàng hoàng.
Anh chiêu đãi bữa ăn nhẹ buổi sáng bằng mì ăn liền và sau đó là uống trà Blao (sản phẩm của vùng chè Bảo Lộc - Đà Lạt).
Nhìn tôi, anh hỏi:
- Làm việc được chưa Hoàng Cầm?
- Dạ được - Tôi đáp.
- Ta vào việc ngay. Mình muốn nghe Hoàng Cầm báo cáo tỉ mỉ - Anh nhìn đồng hồ, hai chân mày nhíu lại như đang tính toán điều gì, nói tiếp - Nhưng không được dài, chỉ gói gọn buổi sáng nay, để các cậu còn trở lại đơn vị.
Sau khi tôi báo cáo, anh Thanh phân tích: địch phát hiện ta đánh Dầu Tiếng, nhưng ta đánh trận Bầu Bàng đã làm đảo lộn kế hoạch hành quân của chúng, âm mưu cất vó chủ lực của ta đã phá sản. Từ bị động chuyển sang chủ động, từ tiến công chuyển sang phản công, thắng địch giòn giã. Bộ tư lệnh Miền quyết định khen thường các cậu - Rồi anh nhìn tôi hỏi - Nhưng mức khen thế nào là thích đáng?
- Tùy cấp trên. -Tôi đáp.
- Huân chương Quân công hạng nhất được không? - Anh cười sởi lởi, thân mật và tiếp - Quyền hạn của bọn mình ở trong này chỉ được đến thế.
Rồi anh chuyển sang vấn đề khác.
- Trận Bầu Bàng lần đầu tiên ta đánh lớn cỡ sư đoàn với mục tiêu diệt từ 1- 2 đại đội địch. Nhưng trong thực tế ta đã đánh tiêu diệt một cụm quân Mỹ (có cơ cấu biên chế từ 2 tiểu đoàn bộ binh, 1 chi đoàn xe thiết giáp 2 đại đội pháo, 8 khẩu 106, 17 tăng, có độ 2.000 quân Mỹ, vì địch không hành quân đơn lẻ cỡ đại đội), như vậy là giỏi, vượt yêu cầu đề ra. Tuy mới là trận đầu, nhưng ta đã đánh giá đúng địch, bước đầu đã nắm được thủ đoạn hành quân, đóng quân dã ngoại của chúng; rút ra được những bài học thiết thực về nghệ thuật chỉ huy chiến đấu, sử dụng lực lượng, cài thế. Rõ ràng muốn thắng Mỹ phải cơ động nhanh, linh hoạt điều quân, thực hành phân tán một cách đúng lúc, đúng thời điểm. Tập kích, vận động phục kích, đánh kiểu "vồ mồi" như anh Vương Thừa Vũ tổng kết là thích hợp nhưng không được chủ quan, cứng nhắc mà phải thường xuyên bồi bổ, rút kinh nghiệm sau mỗi trận đánh mà vận dụng thích hợp trong mỗi tình hình cụ thể, vì Mỹ rất thực tế, chúng cũng chịu rút kinh nghiệm và chịu sửa đổi sau mỗi thất bại.
Sau đó anh Thanh chỉ thị thêm:
- Tình hình đang rất khẩn trương, tuy bị thua đau ở Bầu Bàng nhưng chúng vẫn ngoan cố, chưa từ bỏ mục tiêu hành quân của chúng là khu vực Dầu Tiếng. Vì vậy sau buổi làm việc này các đồng chí phải trở lại sư đoàn để có kế hoạch đối phó với những âm mưu tiếp sau của Mỹ.
Như mã hồi, thời gian trở lại đơn vị khá nhanh, mặc dầu đoạn đường không thay đổi, khác chăng là chúng tôi có một số giờ đi vào ban ngày. Rời sở chỉ huy Miền lúc 13 giờ đến 18 giờ 30 cùng ngày chúng tôi đã có mặt tại sở chỉ huy sư đoàn.
Một cuộc họp Bộ tư lệnh sư đoàn được triệu tập. Tôi báo cáo lại ý kiến anh Thanh, sau khi nghe trận thắng Bầu Bàng và chỉ thị nhiệm vụ tiếp sau của anh cho sư đoàn.
Quán triệt ý kiến chỉ đạo của anh Thanh, dựa vào nguồn tin của quân báo Miền cung cấp, vào tài liệu thu được của địch sau trận Bầu Bàng, chúng tôi trao đổi đi đến thống nhất nhận định:
- Trong khi sư đoàn 9 triển khai kế hoạch tiến công Dầu Tiếng, thì theo lệnh tướng Oét-mo-len, tư lệnh quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam, chỉ huy sư đoàn bộ binh số 1 Mỹ tại căn cứ Lai Khê cũng khẩn trương tổ chức lực lượng mở cuộc hành quân vào Dầu Tiếng nhằm giải toả cho lực lượng quân nguỵ tại chỗ đang bị lực lượng vũ trang ta bao vây uy hiếp; đồng thời tiến hành "tìm diệt" chủ lực ta vì địch phát hiện sư đoàn 9 đang đứng chân ở vùng này.
Vì thế khi Sư đoàn 9 nổ súng đánh Bầu Bàng (5 giờ ngày 12 tháng 11) thì máy bay B.52 Mỹ trải thảm trên đường Bầu Lồng - Căm Se - Thị Tính, dọn đường cho bộ binh vào Dầu Tiếng. Khi cụm quân Mỹ ở Bầu Bàng bị ta loại khỏi vòng chiến đấu, thì cánh quân Mỹ từ Lai Khê vận động lên phía bắc tạm thời dừng lại sau đó tiếp tục nhiệm vụ giải toả Dầu Tiếng và "tìm diệt" chủ lực ta ở đây (Lúc này ở khu vực Dầu Tiếng ngoài Trung đoàn 3, còn có tiểu đoàn địa phương và cơ quan huyện uỷ Dầu Tiếng).
Do phán đoán đúng ý định của quân Mỹ lên Bầu Bàng, tôi đề xuất và được các anh trong Bộ tư lệnh sư đoàn đồng ý là huy động toàn bộ lực lượng sư đoàn vào trận đầu, điều gấp Trung đoàn 3 từ Dầu Tiếng ra, trung đoàn 1 từ Đất Cuốc về, vì thắng trận Bầu Bàng đã làm đảo lộn ý định của địch, tạo đà cho các trận đánh tiếp sau của ta.
Trận đánh Bầu Bàng đã đạt được các yêu cầu của sư đoàn đề ra. Nhưng kẻ địch còn chủ quan, không cam chịu thất bại. Tuy ta có làm chậm tiến độ hành quân của địch, buộc chúng phải điều chỉnh lực lượng, nhưng Dầu Tiếng vẫn là mục tiêu hành quân "tìm diệt" của sư đoàn 1 "Anh cả đỏ".
Từ nhận định trên, chúng tôi gấp rút điều chỉnh lực lượng, điều chỉnh nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị, tạo thế và cài thế để thực hiện chủ động, liên tục tiến công địch sau trận Bầu Bàng.
Ngay khi Bầu Bàng chưa kết thúc, sư đoàn lệnh cho trung đoàn 1 từ Đất Cuốc hành quân về gấp lót ổ ở làng 14; đưa trung đoàn 2 về phục sẵn ở Căm Se vì địch có thể lợi dụng con đường này hành quân bằng cơ giới vào Dầu Tiếng; trung đoàn 3 về đứng chân ở khu vực làng 10 làm lực lượng dự bị.
Như vậy là tất cả những nơi dự đoán địch đi qua, đóng quân dã ngoại để vào Dầu Tiếng sư đoàn đều có lực lượng vào trước lót ổ hình thành thế trận bày sẵn.
Đứng như phán đoán, ngày 21 tháng 11, một đoàn xe hơn 300 lính Mỹ hành quân trên đường Căm Se - Dầu Tiếng đã bị trung đoàn 2 phục sẵn tiến công, chia cắt chúng thành từng khúc, phá huỷ hơn 20 xe, loại khỏi vòng chiến đấu gần 100 tên Mỹ.
Sau trận Căm Se chúng tôi càng khẩn trương điều động lực lượng hoàn chỉnh thế trận tại khu vực Dầu Tiếng, vì quân Mỹ đang ráo riết dọn đường tiến vào khu vực này; điện nhắc trung đoàn 1, trung đoàn 3 tăng cường theo dõi chặt động tĩnh ở khu vực đảm nhiệm, sẵn sàng tư thế chiến đấu bảo đảm thắng nguỵ, làm mất chỗ dựa của Mỹ trước khi chúng nhảy vào.
Từ trung tuần tháng 11, trung đoàn 7 (sư đoàn 5 nguỵ) mở nhiều cuộc hành quân càn quét các làng 18, 21, 22. Ngày 21 tháng 11 một bộ phận của trung đoàn này vừa đặt chân đến làng 10, liền bị trung đoàn 3 bố trí sẵn ở khu vực gần đó kịp thời vận động tập kích, đánh thiệt hại một tiểu đoàn bộ binh, phá huỷ 26 xe quân sự.
Thực hiện kế hoạch chung, quân nguỵ buộc phải mở các cuộc hành quân càn quét tiếp các làng 2, làng 6, làng 14 thuộc đồn điền cao su Mít-sơ-lanh nhằm thăm dò lực lượng ta, hỗ trợ cho bảo an, dân vệ giữ ấp chiến lược, bảo vệ các trục đường giao thông huyết mạch, dọn chỗ cho quân Mỹ nhảy vào "tìm diệt" chủ lực ta - tức sư đoàn 9. Chiều 27 tháng 11 địch từ làng 14 di chuyển đến làng 18 rồi đóng quân dã ngoại ở làng 32 và 33 để đánh lạc hướng. Nhưng chúng đã không lọt qua mắt Trung đoàn 1 lót ổ sẵn ở khu vực này. Chỉ huy Trung đoàn đã kịp thời tổ chức lực lượng tập kích sở chỉ huy trung đoàn 7 (sư đoàn 5) và hai tiểu đoàn thuộc trung đoàn này, diệt và bắt sống 1.200 tên (trong đó có tên trung tá trung đoàn trưởng).
Các trận đánh diễn ra theo kế hoạch chủ động và liên tục trong thế trận bày sẵn: sau Bầu Bàng là trận Căm Se, sau Căm Se là trận làng 10, sau làng 10 là trận làng 32, 33; sau làng 32, 33 là trận Bầu Da Dốt. Ngày 5 tháng 12, phát hiện hai tiểu đoàn thuộc lữ đoàn 2, sư đoàn bộ binh số 1 (Anh cả đỏ) đang mở đợt hành quân "tìm diệt" ở khu vực Thị Tính - Nha Mát đến Bầu Da Dốt (xã Long Nguyên, Bến Cát), trung đoàn 2 sau trận thắng địch ở Căm Se đã được lệnh của sư đoàn, chuyển quân gấp về đây phục sẵn, liền nhanh chóng cắt rừng triển khai lực lượng, hình thành thế trận bao vây. Một bộ phận vượt lên đội hình hành quân của địch chặn chúng lại, một bộ phận khác đánh vào phía sau. Quân địch hoang mang lúng túng vì bị bất ngờ, nhưng được hoả lực không quân, pháo binh chi viện, địch chống trả quyết liệt. Chúng ném cả bom bi, bom xăng để sát thương bộ đội ta, hòng tạo ra sự ngăn cách với ta bằng hàng rào hoả lực. Vận dụng kinh nghiệm "bám thắt lưng địch mà đánh" trong trận Bầu Bàng, trung đoàn 2 dũng cảm, mưu trí bám sát, đánh gần, thực hành chia cắt địch thành từng cụm nhỏ để tiêu hao, tiêu diệt. Trận đánh diễn ra gay go quyết liệt, kéo dài từ 10 giờ đến 16 giờ cùng ngày mới kết thúc.
Trung đoàn 2 lại lập thêm chiến công mới, đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn Mỹ, thu 40 súng.
Đến đây chiến dịch Bầu Bàng - Dầu Tiếng đã kết thúc.
Đây là một chiến dịch có nét riêng, diễn ra trong một thời gian không dài (16 ngày), trên một không gian không rộng (quanh một khu vực của huyện Dầu Tiếng), tương quan lực lượng trực tiếp trên chiến trường ta không ưu thế hơn địch (địch: sư đoàn bộ binh số 1 Mỹ cộng với trung đoàn 7, sư đoàn 5 nguỵ; ta: sư đoàn 9 và một tiểu đoàn địa phương của tỉnh Bình Dương).
Ta từ chuẩn bị chiến dịch tiến công chuyển sang kế hoạch phản công; từ chuẩn bị đánh Dầu Tiếng chuyển sang đánh Bầu Bàng, phá ý định tiến công "tìm diệt" của địch vào Dầu Tiếng. Nhưng địch vẫn ngoan cố, ngạo mạn thực hiện ý định nên chuốc thêm thất bại.
Tuy nhiên con đường dẫn tới chiến thắng trong cuộc đọ sức ban đầu này không phẳng phiu chút nào. Trước hết, tính chất ác liệt khẩn trương của cuộc chiến tăng lên rõ rệt so với thời kỳ đối đầu với quân nguỵ. Tỷ lệ thương vong của sư đoàn cao hơn, không phải trong lúc giáp chiến, do hoả khí bộ binh mà chủ yếu do hoả lực không quân và pháo binh của địch gây ra trong quá trình lui quân, tập kết. Số thương vong trong trận tiến công quân nguỵ đóng trong công sự vững chắc ở chi khu quân sự Đồng Xoài diễn ra trong một đêm, một ngày tương đương với số thương vong khi sư đoàn tiến công cụm quân Mỹ đóng dã ngoại ở Bầu Bàng diễn ra trong vòng trên dưới ba tiếng đồng hồ.
Từ trong ác liệt ấy chúng tôi đã hiểu Mỹ hơn.
- Quân Mỹ rất mạnh vì có hệ thống hoả lực, phương tiện cơ động nhiều và hiện đại, được huấn luyện kỹ, hệ thống và rất có bài bản. Nhưng chính vì cái mạnh không thể tưởng tượng này đã dẫn tới cái yếu rất cơ bản:
- Bất cứ một cuộc hành quân nào (dù tăng viện, giải toả hay càn quét "tìm diệt") đều phải có sự chi viện tối đa của hoả lực và phương tiện cơ động chuẩn bị dọn đường, dọn bãi đổ bộ, buộc phải đóng quân dã ngoại, để lộ, khó giữ được yếu tố bất ngờ vì đối phương dựa vào các quy luật hoạt động chi viện hoả lực như đã nói trên dễ phát hiện, đề phòng và kịp thời đánh trả.
- Trong chiến đấu dù phòng ngự, tiến công hay phản công, quân Mỹ đều ỷ lại vào hoả lực, coi đó là điều kiện tiên quyết, thường tìm cách giãn ra, phân tuyến vùng hoả lực sát thương đối phương; rất ngại đánh gần, ngại thực hành bao vây vu hồi nhỏ vì sợ bị cô lập.
- Hệ thống bảo đảm hậu cần rất nặng nề.
- Lính Mỹ sợ đánh gần, đánh giáp lá cà.
- Lính Mỹ là loại lính công tử, không chịu được gian khổ.
Cái mạnh của ta là cuộc chiến đấu chính nghĩa, tư tưởng "dám đánh Mỹ được chuẩn bị tốt nên bước đầu ta đã tìm ra cách đánh Mỹ và thắng Mỹ
- Tích cực áp sát địch, tạo và giữ thế xen kẽ với địch, thực hiện "bám thắt lưng địch mà đánh".
- Thực hiện hành quân, trú quân cơ động, luôn luôn bám sát địch hạn chế thế mạnh của Mỹ, tìm cách phân tuyến để dùng hoả lực sát thương ta.
- Phát huy cao độ tình thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn đánh vào chỗ yếu của Mỹ là lính công tử.
- Tập kích, phục kích và vận động phục kích là các hình chiến đấu đánh Mỹ có hiệu quả, cần được huấn luyện kỹ cho bộ đội nhất là đội với cán bộ trung cấp.
Từ những kinh nghiệm bước đầu mà sư đoàn 9 đã tổng kết, đầu năm 1966, Quân uỷ và Bộ tư lệnh Miền viết thành tài liệu "Một số kinh nghiệm về chiến thuật của Mỹ và cách đánh Mỹ của chủ lực" để phổ biến cho các đơn vị trên toàn chiến trường.
***
Thế là tôi đã kể cùng bạn đọc về chiến dịch Bầu Bàng - Dầu Tiếng hay là cuộc đọ sức mở đầu trên đường 13. Chắc chắn là kể chưa hết vì sự kiện đã lùi xa mà trí nhớ của con người là có hạn.
Nhưng có một điều mà tôi muốn lưu ý bạn đọc. Đó là tên gọi của chiến dịch này. Đúng là chiến dịch Dầu Tiếng - Bầu Bàng đã đi vào lịch sử, như một chấm son của giai đoạn đánh Mỹ ở chiến trường Đông Nam Bộ trong thập kỷ sáu mươi.
Chiến dịch Dầu Tiếng - Bầu Bàng đã được sách báo, được các tác phẩm tổng kết chiến tranh, lịch sử quân sự đề cập thành chuyên đề, hay thành một phần, chương tương xứng trong một tập sách.
Nhưng có một điều, theo cách hiểu riêng của tôi, với tư cách là người chứng kiến, một người trực tiếp tham gia vào sự kiện này thì gọi tên chiến dịch Dầu Tiếng - Bầu Bàng là đúng nhưng chưa thật thoả đáng, mà phải gọi là chiến dịch Bầu Bàng - Dầu Tiếng, vì mở đầu của chiến dịch này là trận Bầu Bàng - một trận đánh then chốt có ý nghĩa chi phối đến các diễn biến sau đó của chiến dịch, như đã trình bày cùng bạn đọc ở các trang trên.
Chú thích:
(1) (2) Ý kiến của Bác Hồ trong phiên họp Bộ Chính trị sau ngày 5 thăng 8 năm 1964 và tháng 2 năm 1965 (Văn Tiến Dũng. Bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, NXB Sự thật, Hà Nội, 1989, tr. 33).
(3) (4) Nghị quyết Trung ương lần thứ 11-3-1965.
(5) Anh Nguyễn Chí Thanh khi giao nhiệm vụ chiến đấu cho sư đoàn đã nhấn mạnh, đại ý: Chiến thắng Đồng Xoài có tiếng vang lớn nhưng chưa phải là ngòi pháo, vì vậy cần phải tiếp tục mở chiến dịch Dầu Tiếng.
(6) Sau trận đánh, mới rõ ban ngày địch tổ chức phòng ngự tương đối rộng, đêm đến chúng co đội hình hẹp lại để giữ bí mật, đề phòng ta tiến công và cũng là để bảo vệ cho nhau. Cụ thề cụm thứ nhất chuyển từ bắc xuống nam Bầu Bàng 200 mét, cụm thứ hai chuyền từ nam lên bắc Đồng Sổ.