Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Hồi Ký, Tuỳ Bút >> CHẶNG ĐƯỜNG MƯỜI NGHÌN NGÀY.

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 21365 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

CHẶNG ĐƯỜNG MƯỜI NGHÌN NGÀY.
Hoàng Cầm

Chương 5

Chúng tôi lại tiếp tục trên đường ra trận. Nhưng lần này là con đường rẽ ngoặt dẫn tới trận "Quyết chiến chiến lược - Điện Biên Phủ".
      Trong những ngày nô nức hành quân lên Tây Bắc, chúng tôi lại được đón nhận thư Bác:
      "Thân ái gửi cán bộ và chiến sĩ mặt trận Điện Biên Phủ.
      Thu đông này các chú lại có thêm nhiệm vụ tiến quân vào Điện Biên Phủ để tiêu diệt thêm sinh lực địch, mở rộng thêm căn cứ kháng chiến, giải phóng thêm đồng bào còn bị giặc đè nén".
      Bác lại nhắc "Cần phải giữ quyết tâm trong mọi hoàn cảnh: quyết tâm tiêu diệt sinh lực địch, quyết tâm giữ vững chính sách, quyết tâm giành nhiều thắng lợi". Chưa có thì cần phải xây dựng quyết tâm, có rồi thì "phải giữ vững". Quyết tâm không bao giờ thừa đối với một trận chiến đấu, một chiến dịch nào.
      Phải đến chiến dịch này tôi mới nhận biết thêm tư tưởng quyết tâm của Bác mang tính nguyên tắc cao trong quân đội, chứa đựng nội dung chỉ đạo cụ thể; đồng thời là cơ sở để ngườị chỉ huy có thêm sáng suốt, bản lĩnh, xử trí kịp thời, hợp lý các tình huống chiến đấu đặt ra.
      Quyết tâm trong tư tưởng quân sự của Bác thực sự khích lệ chúng tôi trong suốt quá trình chiến dịch.
      Hạ tuần tháng 12 năm 1953 từ một địa điểm giấu quân ở khu rừng thuộc tỉnh Yên Bái, Trung đoàn 209 nằm trong đội hình Đại đoàn 312 theo đường tắt hành quân liên tục suốt mấy đêm liền mới ra tới ngã ba Thượng Bằng La - con đường năm xưa đã dẫn chúng tôi đi vào chiến dịch Tây Bắc. Vừa đặt chân lên mặt đường, bắt gặp ngay cảnh "ngựa xe như nước" của các đoàn dân công, của các đơn vị hậu cần nườm nượp theo hướng tây mà tiến tới.
      Khi hành quân qua Nà Sản thì nỗi hận trong tôi lại trỗi dậy.
      Nà Sản nằm trên đường 41, cách thị xã Sơn La 20 ki-lô-mét về phía tây nam. Trong chiến dịch Tây Bắc Thu-Đông năm 1952 bị ta tiến công tiêu diệt hàng loạt vị trí, số quân sống sót phải rút chạy, được bộ chỉ huy Pháp tập hợp về đây xây dựng thành tập đoàn cứ điểm lớn gồm 21 đồn bót, điểm tựa với lực lượng hơn tám tiểu đoàn bố trí theo từng hàng lớp để đối phó với ta. Tập đoàn này được mệnh danh "pháo luỹ" Nà Sản, "Công trình Nà Sản - con đê ngăn sóng" một hình thức phòng thủ mới để đối phó với các cuộc tiến công của chủ lực ta(1).
      Cùng với Trung đoàn 102 (đại đoàn 308) đánh Pú Hồng (đêm 30-11) Trung đoàn 174 (đại đoàn 316) đánh Nà Sỉ (đêm 11-12), Trung đoàn 209 được giao nhiệm vụ diệt Bản Vây. Nhưng chúng tôi chẳng những không thắng mà còn bị thương vong khá nặng, chỉ vì chúng tôi chưa hiểu đầy đủ thủ đoạn chiến thuật mới của địch, không tính hết sự phối hợp hoả lực giữa các cứ điểm trong cụm cứ điểm. Khi đơn vị bắt đầu nổ súng, phá xong hàng rào xung phong lên, thì các vị trí khác của địch dồn hết hoả lực tập trung bắn tới. Lực lượng xung kích của trung đoàn xông lên mấy lần đều bị hất lại. Cuối cùng phải rút. Đêm hôm đó, trời rét, trăng lại sáng, chúng tôi rút ra đến đâu địch bắn đuổi theo đến đấy. Tất cả cơ quan trung đoàn bộ phải đi làm công tác vận chuyển thương binh. Nhìn bộ đội thương vong, nghĩ đến nhiệm vụ không hoàn thành, tôi phát khóc, vì thiếu kinh nghiệm để xảy ra thiệt hại như vậy.
      Hôm nay hành quân qua Nà Sản, tôi càng thấm thía lời dạy của Bác trong trận đánh Đông Khê: "Các chú muốn tiêu diệt địch thì phải có biện pháp đánh bại các thủ đoạn của chúng".
      Sự ân hận đó đã trở thành bài học trong phương pháp suy nghĩ quyết tâm, xử trí các tình huống đặt ra trong suốt thời gian tôi tham gia chiến đấu ở mặt trận Điện Biên Phủ với cương vị trung đoàn trưởng (trung đoàn 209, đại đoàn 312) cùng với các đồng chí Trần Quân Lập chính uỷ, Thăng Bình trung đoàn phó, Chu Phương Đới tham mưu trường, Kim Mỹ chủ nhiệm chính trị.
      Trong đợt một của chìến dịch, Trung đoàn 209 chúng tôi cùng với Trung đoàn 142, sau 6 tiếng tiến công liên tục (từ 17 giờ ngày 13 tháng 3 đến 23 giờ 23 phút cùng ngày) đã san bằng cụm cứ điểm (gồm ba cứ điểm) Him Lam là trung tâm phòng ngự kiên cố vào bậc nhất của địch ở Điện Biên Phủ, cách trung tâm Mường Thanh 2,5 ki-lô-mét về phía đông-bắc. Cùng với cứ điểm Độc Lập bị diệt đêm 14 tháng 3, ta đã mở thông cửa vào trung tâm tập đoàn cứ điểm từ phía bắc và đông-bắc, uy hiếp sân bay Mường Thanh bắt đầu từ đây. Nhân đây xin kể một vài chi tiết mà mãi sau này, nhân kỷ niệm 35 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, được đọc hồ sơ mới về Điện Biên Phủ của Mai-kơn Mắc-lia, phóng viên hãng vô tuyến truyền hình Canada CBC, mới rõ lúc ấy địch còn rất chủ quan ngạo mạn. Theo phóng viên này kể lại: "Ngày 12-3-1954, đại tá Đờ Cát-xtơ-ri (lúc này chưa được phong tướng) triệu tập các sĩ quan chỉ huy tới báo động về nguồn tin tình báo khẩn cấp: Cuộc tiến công của tướng Giáp sẽ bắt đầu vào 5 giờ chiều ngày hôm sau. Nhưng các sĩ quan cảm thấy an tâm, chờ điều sẽ xảy ra, họ đang được tiếp tế tốt, kể cả 49.000 chai rượu vang.
      Cuộc đụng độ sẽ thoát ra trước hết khỏi vòng vây tinh thần vì hình như ở Hà nội bị xáo động hơn là ở đây".
      Đúng là số phận bất hạnh bao giờ cũng dành cho những kẻ ngạo mạn. Đại tá Pi-rốt chỉ huy pháo binh trong ban tham mưu của Đờ Cát đã dùng lựu đạn tự sát sau khi được biết cụm cứ điểm Him Lam bị san bằng trong trận tiến công đầu tiên của đối phương, có pháo binh yểm trợ - điều mà y khẳng định trước đó là không thể có (!).
      Sau chiến thắng Him Lam, Trung đoàn 209 bừng bừng khí thế tin tưởng, phấn khởi. Những bài học nóng hổi của trận đánh được vận dụng vào đợt hai của chiến dịch. Chúng tôi vui vẻ chấp nhận tư tưởng "đánh chắc thắng" của trên, ngày đêm xẻ núi thành hào, đắp hầm xây trận địa vững chắc, tham gia kéo pháo ra rồi lại kéo pháo vào để cho pháo ta đủ sức nhả đạn vào đầu thù.
      Từ cái thế vững chắc đó, Trung đoàn 209 đủ sức hoàn thành nhiệm vụ trước mắt của đợt hai chiến dịch là đánh chiếm cụm đồi Dl, D2, D3 không cho địch phản kích lấy lại, tạo được cái thế ngồi trên đầu Đờ Cát-xtơ-ri.
      Cuối tháng 4 Trung đoàn 209 được giao nhiệm vụ đánh chiếm khu vực bàn đạp mở đầu đợt tiến công thứ ba của chiến dịch.
      Khí thế của đơn vị đang có đà từ sau chiến thắng Him Lam, sau nhiều trận bẻ gãy các đợt phản kích của địch định chiếm lại cụm đồi D, nhưng chỉ huy trung đoàn chúng tôi vẫn thấy lo vì đây là những trận đánh nhằm kết thúc số phận của tập đoàn cứ điểm, kẻ địch sẽ chống trả quyết liệt.
      Đảng uỷ và ban chỉ huy trung đoàn họp bàn sôi nổi, cuối cùng đều nhất trí phải chuẩn bị tốt cả về tư tưởng và tổ chức chiến đấu. Tôi xuống hẳn với tiểu đoàn 154 làm nhiệm vụ chủ công để cùng anh em khẩn trương chuẩn bị, kịp thời cùng anh em bàn cách khắc phục khó khăn nảy sinh, vì thời gian lúc này đã rất khẩn trương.
      Ngày 1 tháng 5 theo kế hoạch đã được trung đoàn phê chuẩn, tiểu đoàn 154 nổ súng tiến công một trong năm điểm cao mang tên 505.
      Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt đúng như dự đoán. 20 giờ 30 phút, tiểu đội đi đầu của đại đội 606 chiếm được bàn đạp cửa mở, bị hoả lực địch từ nhiều phía (kể cả pháo ở Hồng Cúm) bắn cản dữ dội; 20 giờ 45 phút trung đội đầu cầu của đại đội này thực hành xung phong. Đây là trung đội còn lại của đại đội, vì phần lớn những người lọt vào cứ điểm của địch đều mang thương tích, loại khỏi lực lượng chiến đấu.
      21 giờ 27 phút địch lại tổ chức phản kích. Phần lớn các chiến sĩ đều bị thương nặng, hoặc ù tai, hoặc điếc vì bom đạn địch.
      Chúng tôi vẫn tiếp tục tổ chức chiến đấu. Đại đội 606 được lệnh dừng lại củng cố rồi lại tiếp tục tiến công; đại đội 618 được trung đoàn đưa từ phía sau lên tăng viện bước vào chiến đấu.
      Cửa mở hẹp mà hoả lực địch tập trung vào đó để cản ta.
      Nhưng tất cả nhanh chóng vận động, vọt tiến, lọt được vào chiều sâu trận địa địch.
      Đến 4 giờ 20 phút, tiểu đoàn 16 diệt gọn một đại đội địch còn lại, đánh chiếm hoàn toàn điểm cao 505, kết thúc trận đánh sau nhiều đợt tiến công kéo dài gần 10 tiếng đồng hồ.
      Đứng trên đỉnh cao 505, 505A mới thấy hết giá trị của các vị trí này - bằng phẳng, nằm cạnh đường 41, tiếp sau nó là hàng loạt các điểm cao khác nối nhau: 506, 507, 508, 509. chạy thẳng vào sân bay Mường Thanh và vào sở chỉ huy trung tâm Mường Thanh không còn xa nữa, mới cắt nghĩa được vì sao cái giá đắt phải trả khi ta đánh chiếm được 505. Đây là năm cứ điểm đệm yểm trợ đồng thời là những vỏ thép bảo vệ sở chỉ huy trung tâm.
      Ngày 5 tháng 5, trung đoàn lệnh các đồng chí Nguyễn Cẩm, Trần Quải tiểu đoàn trưởng và chính trị viên tiểu đoàn 130, Đinh Đình Sành, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 166, Nguyễn Măng, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 154 và một số cán bộ đại đội, trong đó có Tạ Quốc Luật, đại đội trưởng, Công Bình chính trị viên đại đội 360 lên thực địa bàn kế hoạch tiến công tiếp tục. Vì đây là trận đánh then chết nên cũng có mặt đầy đủ các đồng chí trong ban chỉ huy trung đoàn. Ngay trên trận địa vẫn còn cay nồng mù mịt khói bom, đạn pháo, đạn súng bắn thẳng của địch từ mọi phía vẫn nổ dữ dội trên nắp hầm, trên miệng hào giao thông, chúng tôi hạ quyết tâm:
      - Bằng bất cứ giá nào cũng phải tiến công, tranh thủ mọi điều kiện để thực hiện liên tục tiến công.
      - Mục tiêu chủ yếu cuối cùng là sở chỉ huy địch ở trung tâm Mường Thanh.
      - Mang cờ "Quyết chiến quyết thắng" của Bác cắm lên nóc hầm sở chỉ huy trung tâm, bắt sống tướng giặc Đờ Cát-xtơ-ri và toàn ban tham mưu của y, lập thành tích mừng thọ Bác.
      - Nghiêm chỉnh chấp hành chính sách tù hàng binh.
      Đúng là sở chỉ huy trung tâm địch đã ở trong tầm với, đứng trên điểm cao 505 vừa mới đánh chiếm, nhiều anh em phấn khởi reo lên: chúng ta sắp sửa "cắt tiết" Mường Thanh đến nơi rồi!
      Nhưng chúng tôi thì vẫn lo, vì từ đây đến đó tuy ngắn nhưng không đơn giản, chỉ một sơ suất trong nắm địch, trong tổ chức chỉ huy, hợp đồng chiến đấu và tinh thần quyết tâm không được giữ vững, phát huy, rất có thể gây nhiều chuyện rắc rối.
      Thời gian như chậm lại, ai cũng mong trời chóng tối, vì kế hoạch chiến đấu được quán trìệt đến từng chiến sĩ. Chúng tôi hồi hộp theo dõi mặt trời lặn dần để đến giờ khởi sự.
      Đêm nay 6 tháng 5, là một đêm đáng ghi nhớ đối với Trung đoàn 209, như cái đêm đánh Bản Vây (Nà Sản) trong chiến dịch Tây Bắc hồi tháng 12 năm 1952 vậy. Nhiệm vụ của trung đoàn là đánh chiếm điểm cao 507, để phối hợp với các đơn vị bạn nhổ nốt những cái đinh A1, C2. Tiểu đoàn 130 được giao trọng trách này nhưng đã không hoàn thành do tổ chức hoả ìực tiến công rời rạc, không kiềm chế được hoả lực địch, nên bộ đội không xung phong lên được. Một nguyên nhân không kém phần quan trọng thuộc về tinh thần trách nhiệm, tác phong của người chỉ huy chúng tôi: Đó là việc tổ chức theo dõi địch không chặt chẽ. Khi giao nhiệm vụ lúc chiều, là đánh địch trong tình huống không có rào kẽm gai, nhưng tối đến địch cho rải hàng rào kẽm gai bùng nhùng. Tuy chỉ là loại rào dã chiến, tạm thời, nhưng khi bộ đội ta đánh vào, bị bất ngờ, phải dừng lại khắc phục bằng cách bộc phá, đội hình bị ùn tắc. Đó chính là lúc địch có điều kiện tập trung hoả lực sát thương ta.
      Thế là nhiệm vụ tiến công đêm 6 không thành.
      Không ngờ hận Bản Vây lại đến với chúng tôi!
      Ngay đêm hôm đó, Đảng uỷ trung đoàn họp, đề ra biện pháp củng cố trận địa dã chiến đề phòng địch phản kích khi trời sáng, ổn định tư tưởng bộ đội, giải quyết đưa nhanh thương binh về tuyến sau và bàn kế hoạch tiếp tục chiến đấu trong tình huống ban ngày.
      Nếu chiều hôm trước chúng tôi mong trời chóng tối, thì đêm nay chúng tôi mong trời mau sáng để trả hận.
      Ngày 7 tháng 5, mặt trời vừa ló rạng, tôi gọi điện lên anh Lê Trọng Tấn, đại đoàn trưởng đề nghị cho tiến công tiếp.
      Từ đầu dây bên kia có tiếng anh Tấn:
      - Còn đủ sức không?
      - Báo cáo, đủ!
      Vẫn có tiếng điện sôi qua ống nghe nhưng không có tiếng nói. Hay là có sự cố. Tôi vẫn áp chặt tai vào ống nghe hồi hộp chờ đợi. Khoảng 5 giây sau lại có tiếng anh Tấn:
      - Hoàng Cầm đâu?
      - Báo cáo tôi vẫn nghe?
      - Cậu gọi thẳng lên Sở chỉ huy chiến dịch, xin ý kiến anh Văn (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp) vì việc này đại đoàn không đủ thẩm quyền.
      Tôi liền quay điện thoại lên Sở chỉ huy chiến dịch, thì anh Văn nói là chờ lệnh Tổng công kích, cũng ở hướng ấy, tiến công một thể.
      Tôi bỏ máy xuống. Biết bao giờ mới có lệnh Tổng công kích, trong khi ở hướng chúng tôi đã có thời cơ?
      Cả tập thể ban chỉ huy ngồi quanh máy điện thoại theo dõi.
      Các anh thúc tôi tiếp tục trình bày, kiên nhẫn nhất định thành công.
      Tôi lại gọi điện lên Sở chỉ huy đại đoàn.
      - Các cậu có cay cú không đấy? - Anh Tấn hỏi.
      - Báo cáo anh không - Ngừng lại để lấy hơi, tôi nói tiếp- Trận đánh đêm qua không thành do khuyết điểm vì có sơ suất trong tổ chức hoả lực, hiện chúng tôi đã có kế hoạch khắc phục.
      - Mình đồng ý, nhưng đây là nguyên tắc, phải xin ý kiến anh Văn, cậu cầm máy chờ nhé.
      Giây phút đợi lệnh lúc này sao mà hồi hộp và căng thẳng đến thế. Vẫn bình tĩnh áp ống nghe vào tai mà tôi thấy toàn thân nóng ran, bứt rứt như kiến đốt. Dưới khuyết điểm là trên có phần trách nhiệm. Việc kiểm tra đôn đốc không đến nơi đến chốn, tư tưởng nôn nóng chủ quan, coi thường phản ứng của địch nên mới đến nông nỗi này.
      Tôi cứ triền miên suy nghĩ, tự trách mình như thế, thì bỗng đầu dây bên kia có tiếng động nhắc máy.
      - Hoàng Cầm đấy phải không - Vẫn giọng nói quen thuộc của anh Tấn.
      - Dạ, tôi vẫn đang chờ lệnh.
      - Bộ chỉ huy Mặt trận chuẩn y giờ nổ súng của trung đoàn, nhưng nhấn mạnh - cần phải chuẩn bị cho tốt, không được bỏ qua một công việc nhỏ nào có liên quan đến bảo đảm chắc thắng.
      Tôi chưa kịp báo cáo tiếp công việc chuẩn bị, thì anh Tấn lại tiếp:
      - Trên sẽ có kế hoạch phối hợp và sẽ chi viện hoả lực cho trung đoàn - Giọng bỗng to lên, anh nhấn mạnh - Chỉ cần chúng ta không được chủ quan, gắng chút nữa là mọi việc ổn thoả. Chúc trung đoàn thắng lợi.
      Phấn khởi và cảm động. Cấp trên không những chuẩn y kế hoạch tác chiến của trung đoàn mà còn dành năm khẩu pháo chi viện. Tôi hứa với anh Tấn:
      - Báo cáo anh có điều kiện chúng tôi phát triển qua sông Nậm Rốm, áp sát sở chỉ huy trung tâm Mường Thanh.
      - Còn đủ sức không? - Anh Tấn hỏi.
      - Dạ, đủ sức - Tôi hứa.
      - Nhớ đảm bảo chắc thắng - Anh Tấn ra lệnh.
      Bỏ máy nghe xuống tôi thấy mình xúc động, đầu óc nhẹ nhõm, lâng lâng. Tôi lệnh cho các tiểu đoàn 130, 154, 166 và các đơn vị hoả lực gấp rút chuẩn bị nổ súng theo đúng giờ G.
      Trận đánh được bắt đầu vào lúc 14 giờ, mặt trời ngả về tây, cảnh vật trước mặt hiện lên rõ nét.
      Trong lúc hoả lực ta tập trung dồn dập vào trận địa địch, trung đội trường Chu Bá Thi vắt chăn lên hàng rào bùng nhùng, dẫn bộ binh xung phong, địch bắn cản, ta phải lùi lại. Lần thứ hai, ta vượt rào vọt tiến, ném thủ pháo vào các ụ súng địch.
      Điểm cao 507 bị diệt, số địch còn lại rút về 508.
      Thừa thắng tôi lệnh cho trung đoàn phó Thăng Bình trực tiếp chỉ huy tiểu đoàn 136 và chính trị viên tiểu đoàn Trần Quân phát triển đánh chiếm 508, 509 cho đại đội Tạ Quốc Luật nhanh chóng vượt cầu phao chặn địch không cho chúng rút qua và tiếp viện từ Mường Thanh ra.
      Thế là tất cả các cứ điểm bên này sông Nậm Rốm đã lọt vào tay quân ta. Lúc này khoảng 16 giờ 30 phút. Trời nắng nóng, tôi phải xoay trần, mặc độc áo lót để chỉ huy đơn vị phát triển vào khu Mường Thanh.
      Đang trong thế thuận lợi bỗng gặp phải hoả lực trọng liên của địch từ bên kia cầu bắn sang rất dữ, không phải một khẩu mà là nhiều khẩu.
      Đây lại là một bất ngờ, do việc nắm địch của chúng tôi chưa chắc. Đã đến lúc này không để tái diễn như đêm qua (6-5). Dù có hy sinh cũng phải quyết tâm vượt qua, phải diệt ngay cái ổ đề kháng quái ác này.
      Nghĩ như vậy, tôi lệnh cho Tạ Quốc Luật nhanh chóng diệt trận địa đại liên địch, tạo thuận lợi cho các đơn vị tiếp tục phát triển vào khu trung tâm. Mười lăm phút sau tiếng súng đại liên của địch tắt hẳn, cùng lúc tôi nhận được báo cáo qua máy điện thoại, ta đã diệt được khẩu đại liên bốn nòng do một tên lính nguỵ trạc hơn 40 tuổi điều khiển.
      Tôi cắt ngang báo cáo:
      - Tên lính này còn sống không?
      - Báo cáo còn, đơn vị đã giải thích chính sánh khoan hồng cho y.
      - Khai thác chưa?
      - Báo cáo đã.
      - Cái gì, nó đã khai những gì?
      - Báo cáo? Nó chỉ hầm Đờ Cát cách đây khoảng trên 200 mét.
      - Đúng không?
      - Dạ, đúng, phía ấy thấp thoáng có cờ trắng vẫy.
      Tim tôi đập nhanh vì sung sướng. Tôi muốn reo lên chia vui với mọi người: Mục tiêu cuối cùng của chiến dịch đã tới gần!
      Tôi lệnh cho Tạ Quốc Luật phải phát triển tới đó ngay, tìm mọi cách bắt sống tướng Đờ Cát.
      17 giờ, trời còn sáng, tên lính điều khiển khẩu đại liên bốn nòng khai đúng, sở chỉ huy trung tâm của địch hiện rõ trước mắt các chiến sĩ đại đội 360, Tạ Quốc Luật dẫn một tiểu đội bứt lên trước đang trên nóc hầm và kêu gọi tướng Đờ Cát đầu hàng (Tạ Quốc Luật biết tiếng Pháp).
      Vài phút sau tướng Đờ Cát và toàn ban tham mưu của ông ta thành hàng dọc hai tay giơ khỏi đầu từ cửa hầm lần lượt đi ra.
      Nhận được tin do Tạ Quốc Luật báo cáo về, tôi vui sướng quá tim như muốn bung khỏi lồng ngực. Tay run run cầm máy điện thoại báo cáo tin vui này về bộ chỉ huy đại đoàn, đồng thời tôi lệnh cho chính trị viên tiểu đoàn 130 Trần Quân giải ngay Đờ Cát về sở chỉ huy trung đoàn.
      Toàn thể ban chỉ huy Trung đoàn 209 có mặt đầy đủ để tiếp nhận sự đầu hàng của tướng Đờ Cát và toàn bộ ban tham mưu của tập đoàn cứ điểm.
      Tại đây tôi có hỏi cung tướng Đờ Cát qua đồng chí Nho Khôi đội trưởng trinh sát của trung đoàn dịch (Nho Khôi có bằng tú tài, nói tiếng Pháp rất khá).
      Mở đầu tôi hỏi:
      - Tại sao các ông thua?
      - Vì chỉ huy các phân khu ngoại vi để mất - Đờ Cát trả lời.
      - Khu trung tâm Mường Thanh do ông trực tiếp chỉ huy sao cũng để mất?
      Đờ Cát đầu hơi cúi, ngượng ngùng, vài giây sau mới trả lời:
      - Ngày 6 và sáng 7 tháng 5 chúng tôi trù liệu tổ chức hai lực lượng rút chạy sang Lào.
      - Sao không thực hiện.
      - Không có một binh lính và sĩ quan nào tin là kế hoạch của chúng tôi thực hiện được.
      - Tại sao ông lại cho máy bay thả truyền đơn thách thức tướng Giáp?
      - Tôi không làm việc này!
      - Sao lại có truyền đơn? - Vừa hỏi, tôi vừa chuyển cho Nho Khôi tờ truyền đơn đưa cho Đờ Cát xem dưới có ký tên ông ta.
      Đờ Cát nhún vai, tỏ vẻ khinh bỉ:
      - Thưa ông, đây là Hà Nội tự làm.
      Trước khi rời khỏi hầm chỉ huy ông có báo tin này cho Hà Nội không?
      - Tôi có báo cho Hà Nội: "Thế là hết!".
      - Hà Nội trả lời thế nào?
      - Na-va thoả thuận cho đầu hàng nhưng "không phất cờ trắng" (!)
      - Các ông thực hiện sự đầu hàng thế nào?
      - Thưa ông nếu không có dấu hiệu cờ trắng thì chúng tôi đâu còn tồn tại đến giờ này. - Ông ta lại cúi đầu kèm theo là tiếng thở dài với vẻ mặt buồn chán, định nói tiếp, nhưng thấy khó.
      Hiểu được tâm trạng của viên tướng mang dòng họ quý tộc Pháp, chúng tôi không hỏi nữa.
      Trước mặt chúng tôi là toàn ban tham mưu của Đờ Cát với đủ lứa tuổi và hình hài khác nhau, nhưng có chung một dáng vẻ tiều tuỵ nét mặt hốc hác chán chường, quần áo xộc xệch bẩn thỉu mặc dù tên nào cũng tề chỉnh mang cấp hiệu trên ve áo.
      Phút yên lặng trôi nhanh, tôi ra lệnh cho Đờ Cát báo cáo họ tên, cấp bậc, chức vụ từng người trong ban tham mưu của y.
      Tất cả có hơn 10 tên, mỗi tên phụ trách một phần việc, hậu cần, chỉ huy bộ binh, xe tăng, lực lượng phản kích, chỉ thiếu có Pi-rốt chỉ huy pháo binh đã tự sát sau khi cụm cứ điểm Him Lam bị mất. Tất cả đều học quân sự cơ bản qua trường võ bị Xanh-xia nổi tiếng của nước Pháp, đều trong quân ngũ lâu năm qua nhiều chiến trận. Đờ Cát-xtơ-ri được xếp loại tá có hạng, ttước khi điều lên Điện Biên Phủ đã chỉ huy một trong bảy binh đoàn cơ động chiến lược của quân Pháp ở chiến trường Bắc Bộ, từng chạm trán với chúng tôi ở Vĩnh Yên, Phúc Yên trong chiến dịch Trung Du hồi cuối năm 1950 đầu năm 1951.
      Đại tá La-gơ-le bạn thân của Đờ Cát, cũng dòng dõi quý tộc, tham gia chiến tranh thế giới thứ hai, từng chết hụt ở sa mạc Sahara, cưỡi một con lạc đà với khẩu súng trong tay, đâu phải sinh ra để thành con người chiến bại, sang Đông Dương ba lần và bây giờ bị bắt ở Điện Biên Phủ.
      Còn Bi-gia đã chỉ huy 800 quân nhảy dù xuống Điện Biên Phu vào sáng ngày 20-11-1954, khi vừa mới tan sương mù. Bi-gia cũng được xem là thành viên của ban tham mưu mặc dầu eấp bậc thấp nhất, nhưng được Đờ Cát tin cậy, phong cho cái chức "tổng chỉ huy các lực lượng phản kích".
      Con "người hùng" này có cái may mắn, chục năm sau được nhận chức Bộ trường Quốc phòng Pháp. Tuy nhiên những gì là thảm kịch ở Điện Biên Phủ, Bi-gia vẫn không quên, vẫn kể rất đầy đủ khi nhà báo Mai-kơn Mắc-lia đến ngỏ ý định viết thiên ký sự "Cuộc chiến tranh mười ngàn ngày". Từ sau đợt hai của chiến dịch bắt đầu, quân sĩ hoang mang, những trận phản kích giảm dần, thì tổng chỉ huy các lực lượng phản kích Bi-gia thường ngày chi còn làm một việc chỉ huy trấn an tư tưởng: "Tôi vẫn nói cho binh sĩ tôi, chúng ta cố giữ lâu được một ngày nữa. Rồi người Mỹ sẽ đến!".
      Và Bi-gia kể tiếp cái ý định cố gắng tuyệt vọng cuối cùng rút sang Lào định thực thi vào sáng 7 tháng 5 như sau: "Chúng tôi nhặt nhạnh vài vị chỉ huy tiểu đoàn và bàn đến việc tháo chạy. Họ nói: không, không còn cái giá nào lúc này nữa đâu. Chúng tôi có thể chết xứng đáng. Chúng tôi làm sao mà có thể ra khỏi đây nổi 100 mét thôi! Đờ Cát-xtơ-ri báo cho Hà Nội: "Thế là hết!". Na-va trả lời qua máy vô tuyến điện thanh: "Đừng giơ cờ trắng, chỉ ngừng chiến đấu thôi!".
      Như vậy, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi vào lúc 17 giờ ngày 7-5-1954, khi Trung đoàn 209 chúng tôi tiến vào sở chỉ huy trung tâm Mường Thanh, bắt sống tướng giặc Đờ Cát-xtơ ri cùng toàn ban tham mưu của ông ta.
      Lòng chảo Điện Biên Phủ bị hun nóng suốt 55 ngày đêm nay bắt đầu nguội vào lúc thời điểm đã chuyển vào hoàng hôn, mặt trời ngả dần sang phía tây - sắp khuất sau những dãy núi và chuyển sang bóng đêm quen thuộc. Nhưng đêm nay là đêm hội chiến thắng. Từ khắp nơi, các đơn vị đổ về Mường Thanh, đủ thứ thắp sáng để mừng chiến thắng.
      Mường Thanh tấp nập, chật ních những người. Hàng binh kéo ra, quân ta đổ vào, cả sở chỉ huy của tướng Đờ Cát đầy ắp người cũng như ngoài cánh đồng Điện Biên còn nguyên những khẩu pháo đang nằm rải rác.
      Nhưng mắt tôi vẫn dán mãi vào lá cờ "Quyết chiến quyết thắng" do chiến sĩ Nguyễn Văn Minh dưới sự chỉ huy của Tạ Quốc Luật đại đội trưởng đại đội 360 vừa cắm lên nóc hầm Đờ Cát đang bay phần phật bởi một cơn giông bất chợt.
      Sau ngày 7-5-1954 lịch sử, tôi vinh dự được Bộ chỉ huy Mặt trận cử làm trưởng đoàn chiến sĩ thi đua của Mặt trận về báo cáo thắng lợi vĩ đại này với Đảng, Chính phủ và Bác Hồ kính yêu.
      Chúng tôi mang theo về các thứ huân chương, lon thiếu tướng của Đờ Cát, một lá cờ Pháp đã rách, một cái máy thu thanh nhỏ Đờ Cát đã dùng. Khi ra trận thì đi bộ, mang vác nặng nề, trèo đèo lội suối, luồn rừng vất vả, khi về thì dong ruổi "ngựa xe" - một chiếc xe tải quân sự do đồng chí Thông lái, cũng đã sướng lắm rồi. Tuy vậy cũng phải mất ngót tuần lễ chúng tôi mới về tới hậu phương Việt Bắc.
      Dọc đường, lúc nào tôi cũng nghĩ về gặp Bác thì báo cáo với Bác điều gì. Hình ảnh Bác gọi lên báo cáo kế hoạch tiến công Đông Khê trong chiến dịch Biên Giới lại hiện về.
      Vừa đến cơ quan Tổng cục Chính trị, anh Nguyễn Chí Thanh tổ chức đón đoàn chúng tôi rất trọng thể, có dựng cổng chào, kết hoa trên đường vào cơ quan. và anh bố trí cho chúng tôi được nói chuyện ngay với Bác qua điện thoại.
      Tôi vui sướng và thực sự hồi hộp:
      - Báo cáo Bác, cháu phụ trách đoàn chiến sĩ thi đua từ mặt trận Điện Biên Phủ về mừng sinh nhật Bác.
      - Ai bảo các chú bày vẽ việc này? - Bác nghiêm nghị hỏi.
      Tôi đang ấp úng không biết trả lời thế nào thì đầu dây bên kia Bác đã gỡ bí:
      - Chú Hoàng Cầm đấy phải không?
      - Vâng ạ! Thưa Bác, cháu là Hoàng Cầm đây ạ!
      - Các chú ở trên đó có đói không?
      - Báo cáo Bác, không đói nhưng thiếu ạ!
      Bác hỏi tiếp:
      - Có khổ không?
      Anh Nguyễn Chí Thanh đứng gần, vui vẻ nhắc tôi "cứ nói thật với Bác là khổ lắm".
      - Báo cáo Bác, có khổ ạ!
      Bác xen vào:
      - Các chú có thuốc lào hút không?
      - Báo cáo, có ạ!
      Xin lưu ý bạn đọc về chuyện thuốc lào ở Điện Biên Phủ, tuy không phải là vấn đề cơ bản trong chiến đấu, nhưng lại là một nhu cầu thực tế không thể thiếu. Bộ đội ta lúc ấy đa số nông dân, nhiều người nghiện thuốc rất nặng, mà nghiện thì "đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên". Không có thuốc hút, người cứ bần thần, chẳng muốn làm gì.
      Hiểu nhu cầu tuy nhỏ nhưng không thiếu ấy, Chính phủ và Bác đã chỉ thị cho cơ quan cung cấp ở hậu phương chú ý lo cho bộ đội khoản thuốc lào gửi lên mặt trận, cùng với súng đạn, gạo muối và thuốc men, nhưng do chiến đấu kéo dài, cảnh thiếu thuốc hút vẫn là vấn đề "thời sự" được nhắc đến hàng ngày.
      Từ đầu dây bên kia, giọng Bác chậm rãi, thân mật, ân cần:
      - Bác được tin các chú về thăm Bác, nhưng hôm nay Bác bận họp Hội đồng Chính phủ, chưa gặp được; các chú cứ nghỉ ngơi cho khỏe, chờ họp xong Bác cháu ta sẽ gặp mặt càng vui.
      Những điều Bác nói sao mà gần gũi, cảm động đến thế.
      Do yêu cầu nhiệm vụ, tôi phải về trước, nên không được gặp Bác. Nhưng sau đó tôi có nhận được huy hiệu của Người gửi tặng.
      Sau này, vào dịp Tết dương lịch năm 1964, Bác về thăm Sư đoàn 312, tôi có báo cáo với Bác rằng sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi được Bộ chỉ huy Mặt trận giao nhiệm vụ dẫn đầu đoàn chiến sĩ thi đua về chúc thọ Bác. Bác gật đầu:
      - Hôm đó Bác đang bận họp, nên chỉ nói chuyện với chú qua điện thoại.
      Tôi thật không ngờ! Một câu chuyện nhỏ đã qua mừơi năm, mặc dầu bận trăm công nghìn việc mà Bác vẫn nhớ rành rọt như vậy.
      Còn tôi vẫn tâm niệm những lời dạy bảo ân cần của Bác qua các chiến dịch, trong chiến công bắt tướng Đờ Cát, đã có lời Bác dạy - Quyết tâm không bao giờ thừa đối với bất cứ một trận chiến đấu, một chiến dịch nào.

      Chú thích:

(1) Cuối tháng 11, địch ở Nà Sản có 8 tiểu đoàn và 8 đại đội bộ binh, 1 tiểu đoàn pháo binh, 1 đại độí công binh, tổng quân số lên tới 12.000 tên.

<< Chương 4 | Chương 6 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 770

Return to top