A. Tóm tắt Hồi 5
- Sau khi luyện xong phần nội lực theo các huyệt đạo và kinh mạch của 18 tượng La hán đất, tình cờ Cẩu Tạp Chủng đánh vỡ lớp đất bọc ngoài tượng, khám phá ra 18 tượng gỗ ở bên trong, chỉ thuần kẻ đường kinh mạch để vận hành công lực. Chàng liên tục ba ngày đêm luyện nhuần nhuyễn hết chỉ dẫn của 18 tượng gỗ và thực sự thành tựu " Phục ma thần công ", vận công theo ý muốn - nhiều cao tăng Thiếu Lâm, do quá ham muốn luyện công đã từng thất bại trong việc luyện tập La hán phục ma thần công nầy.
- Các người ở Trường Lạc bang vẫn đinh ninh Cẩu Tạp Chủng là Thạch Phá Thiên, nên thường sợ hãi chàng vì kinh nghiệm về xử xự thất thường và tàn ác của Thạch Phá Thiên, hoặc vì tánh " đa tình " ( trăng nguyệt ), háo sắc của chàng Phá Thiên. Tất cả cung cách và ngôn ngữ hiền hòa, lịch sự của Cẩu Tạp Chủng vì thế bị hiểu lầm là ngôn ngữ trêu chọc, mỉa mai, độc địa. v.v... khiến chàng không thể hiểu ai, và không ai hiểu chàng .
- Đinh đinh Đang đang đến kéo chàng ra ngoài đùa cợt, vì vị nể nàng đã từng săn sóc chàng khi điều thương, chàng đi theo nàng về gặp lão gia gia Đinh Bất Tam. Nhận ra nội lực hùng hậu, kỳ đặc của chàng, Đinh Bất Tam hoan hỷ chấp nhận chàng là bạn trai của cháu gái Đinh Đang của lão và ngõ ý kén chàng làm cháu rễ...
B. Ý kiến 1. Hai công phu hành thiền : - 18 pho La hán, phần đất là phần chỉ dẫn vận khí qua các huyệt đạo và kinh mạch để thành tựu nội lực. Đây là hình thức hệt với công phu tu tập Thiền chỉ ( Samatha ) của Thiền định Phật giáo. Phần này, trong công phu Thiền định tà giáo cũng có.
- 18 pho La hán bằng gỗ là phần chỉ dẫn kinh mạch để luyện công, vận dụng nội lực đã có theo các đường kinh mạch.
Phần nầy, tâm tập chú và tỉnh giác sâu hơn. Đây là bước công phu hành Thiền quán (Vipassana ), hay Chỉ-Quán song hành, của Thiền định Phật giáo.
Kim Dung giới thiệu : nếu hành giả biết cách thu phát nội lực theo ý muốn, thì chỉ lực phóng ra sẽ như là đường kiếm báu, biểu hiện một sức mạnh vô song. Đây là biểu tượng của trí tuệ giải thoát có thể trực tiếp cắt đứt các phiền não, các tâm lý trói buộc, mà không chỉ chế ngự chúng.
Phần thiền quán nầy nếu liên tục được phát triển, thì sẽ đi tới điểm giải mã bí kíp của "Thái Huyền Kinh ".
2. Ý nghĩa " Phục ma " - Ma là chỉ các việc làm của thân, lời, ý sai lầm dẫn đến hại mình, hại người, đem phiền não, khổ đau đến cho mình và người.
- Ma còn có nghĩa là chỉ những gì ngăn che tâm thức con người khỏi sự thật, chân lý, giải thoát. Dục vọng, chấp ngã, chấp trước các cảm thọ, tri kiến, đều thuộc đường ma, theo nghĩa rộng hơn.
Phục ma là hàng phục, chế ngự, loại trừ các tác nhân vừa đề cập ở trên.
Thần Công " La hán phục ma ", vì thế, là loại sức mạnh của tâm lý, định lực giúp hành quả phát triển thiền quán, trí tuệ để cắt đứt các nhân tố gây ra khổ đau cho mình và người, được diễn đạt như võ công siêu đẳng có thể đánh bại dễ dàng các loại võ công khác trên giang hồ.
Tác giả " Hiệp Khách Hành "đã giới thiệu " La hán phục ma thần công ", do các thần tăng Thiếu Lâm sáng tạo, chói sáng trên võ lâm như là văn hóa tâm thức của Phật giáo chói sáng giữa vùng văn hóa của xưa nay, phải chăng ?
3. Sự chân thật và định kiến : - Cẩu Tạp Chủng sau khi hành " La hán phục ma thần công " theo 18 hình tượng gỗ thành công thuần thục, tâm thức trở nên rất định tỉnh, sáng suốt, đã cố gắng nói lên sự thật chàng không phải là Thạch Phá Thiên, nói lên một cách rất chân thành, nhưng không được mọi người tin tưởng lời nói của chàng, mà phản ứng bất thuận lợi đối với chàng :
- Thị Kiếm thì cho rằng chứng " tẩu hỏa " đã khiến chàng quên mất quá khứ, cứ đề phòng các tật xấu của Thạch Phá Thiên xuất hiện nơi chàng.
- Trần Hương chủ thì hiểu những lời lẽ thân tình của chàng như là quyết định cắt đứt mạng sống của chính mình...
- Hoa Vạn Tử thì nhìn chàng như là kẻ " hái hoa " và phản ứng rất là khó hiểu...
- Đinh Đang thì cứ nhất quyết đối xử với chàng như Thạch Trung Ngọc, dù chàng đã nhiều lần chân thật xác nhận chàng là Cẩu Tạp Chủng ...
Tình cảnh trở nên rối rắm : Cẩu Tạp Chủng ngạc nhiên, bức tai về những gì người chung quanh xử sự với chàng. Những người chung quanh cũng đầy kinh ngạc về thái độ xử sự của chàng. Tất cả rối rắm chỉ do định kiến của mọi người về Thạch Phá Thiên, và xem chàng là Thạch Phá Thiên.
Cũng thế, khi con người đã bị ảnh hưởng sâu đậm về các giá trị của một nền văn hóa cũ, thì khó mà tiếp thu tiếng nói mới mẻ dù là thật, chân và hay. Theo thuật ngữ của Phật học, đây được gọi là " điên đảo tình " ( sentimental inversion ).