A. Tóm tắt hồi 3
- Tạ Yên Khách thu hồi được Huyền Thiết Lệnh từ Cẩu Tạp Chủng ; sợ nguy hại đến tánh mạng nếu có người xúi giục Cẩu Tạp Chủng yêu cầu Tạ Yên Khách tự vẫn hay phế bỏ võ công, nên ông đã đem Cẩu Tạp Chủng từ thị trấn Hầu Giám Tập về sống trên đỉnh Ma Thiên Lĩnh, ngày đêm giám sát cậu bé.
- Trên đường đi, Tạ Yên Khách dùng đủ mưu mô dụ dỗ, uy hiếp buộc Cẩu Tạp Chủng cầu xin ông một điều gì cho làm xong lời hứa, nhưng cậu bé thì tuyệt nhiên không mở miệng cầu xin bất cứ ai một điều gì. Đây là lý do mà cậu bé được sống lâu dài bên cạnh quái khách Tạ Yên Khách trên Ma Thiên Lĩnh để hầu hạ ông ta và luyện tập bí pháp "La hán phục ma thần công ".
- Trên đường đi, chứng kiến ba cao thủ Trường Lạc bang đang uy hiếp, bức tử Đại bi lão nhân, Cẩu Tạp Chủng nổi tâm nghĩa hiệp, lên tiếng bảo vệ lão nhân mà không sợ liên lụy. Bấy giờ thì lão nhân đã kiệt sức, sắp trút hơi thở cuối cùng, cảm nghĩa cậu bé bèn cho cậu pho tượng đất gồm 18 tượng La hán trong túi của ông ta. Đây là pho bí pháp " La hán phục ma thần công " do các thần tăng Thiếu Lâm sáng tác và để lại.
- Tạ Yên Khách bèn nghĩ ra một kế kín đáo hại chết Cẩu Tạp Chủng bằng cách chỉ dạy cho Cẩu Tạp Chủng luyện tập bí pháp trên pho tượng, không theo thứ tự, để tẩu hỏa nhập ma. Nhưng Cẩu Tạp Chủng không có tạp niệm nên không bị tẩu hỏa trong thời gian dài luyện công. Cuối cùng thì luyện xong 18 đường dương công và 18 đường âm công, sắp đến thời điểm thành tựu một võ công " siêu thế "
B. Ý kiến 1. Cẩu Tạp Chủng là trẻ thuần lương, thông tuệ là nhân vật chính sẽ mở ra bí kíp Thái Huyền Kinh, mở ra chân lý, lại từ năm một tuổi lớn lên ở Khô Thảo Lỉnh, một đỉnh núi cô vắng, xa thế sự, một đỉnh núi của các loài cỏ khô; rồi năm 13 tuổi đến sống trên đỉnh Ma Thiên Nhai, cũng cô vắng, lạnh lùng của " phương trời ma quái " ( Ma Thiên Nhai ) và nội lực phát triển, trưởng thành ở đây. Hệt như giải thoát phải đến từ khổ đau; chân lý vượt ra từ cõi tà vạy : phải hiểu rõ khổ đế ( sự thật của khổ ) mới thấy con đường đi ra khỏi khổ, đến với giải thoát (diệt đế) của giáo lý nhà Phật.
2. Sự thật Tạ Yên Khách dấu mặt lấy đi hai thanh bảo kiếm của Thạch Thanh và Mẫn Nhu mà nhóm Tuyết Sơn đang giữ làm tin, khiến nhóm nầy quả quyết rằng đây là mưu gian của Thạch Thanh và Mẫn Nhu.
- Sự kiện " má má " đặt tên Cẩu Tạp Chủng khiến Tạ Yên Khách nghĩ rằng " má má " Mai Phương Cô bị chồng theo gái, bỏ rơi .
Hai sự kiện đó nói lên ý nghĩa : Kinh nghiệm thường nghiệm và tư duy logic rất dễ lầm lẫn : nó đúng mà không thật . Ở nhà Phật thì chân lý là cái gì vừa đúng ( chân ) và vừa thật ( như ) gọi là chân như.
3. Tạ Yên Khách và Cẩu Tạp Chủng là hai hình ảnh văn hóa tương phản :
- Tạ Yên Khách thì bận tâm về giá trị hình thức " quân tử ", " trượng phu ", mà hành xử lại bá đạo.
- Cẩu Tạp Chủng tự xem là phàm phu mà hành xử chân chất, hiền thiện, thể hiện đạo lý của Thánh hiền : " Hợp nội ngoại chi đạo " của Đại học.
Hình ảnh của chàng gợi lên ở người đọc một chút gì ngậm ngùi khi nhìn lại giá trị hình thức của nền văn hoá cũ.
4. Tạ Yên Khách đi vào giang hồ lâu ngày đã đánh mất cái tính chân chất thuần phác như được thể hiện ở con người Cẩu Tạp Chủng. Đây là ý nghĩa của " Tánh tương cận, tập tương viễn " mà đạo đức mang màu sắc Phật giáo ở Cẩu Tạp Chủng (tẩy sạch tâm lý cấu uế ) có thể làm sống lại ý nghĩa " cận đạo ":
- Ở Tạ Yên Khách, cái " ta " ( tự ngã ) và cái " của ta " được phát triển mạnh.
- Ở Cẩu Tạp Chủng, cái " ta " và cái " của ta " thì vắng mặt một cách tự nhiên.
Hai hình ảnh văn hóa tương phản ấy đã mở ra một cuộc đối thoại dài của Hồi truyện thứ ba, rất triết lý : Kim Dung đang nói triết lý bằng ngôn ngữ kiếm hiệp đầy thú vị . Thử nghe lại một mẫu đối thoại ngắn giữa hai người ấy :
" Gã ăn xin ăn xong cái này lại lấy cái khác, ăn hết thảy bốn cái bánh bao mới nói: "Cháu no rồi, không ăn nữa .
Tạ Yên Khách ăn hết hai cái bánh rồi thôi, quay lại hỏi chủ quán :
- bao nhiêu tiền
Chủ quán đáp : Hai đồng một cái. Cả thảy sáu cái, cộng lại là mười hai đồng
Tạ Yên Khách đáp : Không được. Phần ai ăn người ấy trả tiền. Ta ăn hai tấm, vậy ta trả bốn đồng là đủ.
Lão thò tay vào bọc toan móc tiền ra trả, nhưng sờ đi sờ lại mà chẳng còn một đồng nào ... Trong lúc Tạ Yên Khách chưa biết giải quyết cách nào, thì gã ăn xin đã móc trong bọc ra một thỏi bạc, đưa cho chủ quán nói : Tất cả mười hai đồng, để cháu trả cho .
Tạ Yên Khách chưng hửng hỏi : Sao ? Ngươi lại trả tiền cho ta ư ?
Gã ăn xin cười đáp : Ông không có tiền mà cháu có, cháu mời ông ăn mấy cái bánh bao phỏng có chi đáng kể ? . Chủ quán cũng lấy làm kinh ngạc, lấy mấy miếng bạc vụn và mấy xâu tiền đồng thối lại. Gã ăn xin thu tiền cất vào bọc, rồi nhìn Tạ Yên Khách xem lão sai bảo gì.
Tạ Yên Khách bất giác nở một nụ cười chua chát, nghĩ thầm : Tạ mỗ cố chấp thành tính, trước nay dù là một miếng cơm, một ly nước cũng chẳng chịu ơn ai, không ngờ hôm nay lại để một gã ăn xin mời ăn hai cái bánh bao... ( tập I.tr.92-93)
Nụ cười chua chát ấy của Tạ Yên Khách là nụ cười về tinh thần bảo thủ, cố chấp của một nét văn hóa cũ !
5. Nếp văn hoá ở núi Hùng Nhĩ của Mai Phương Cô " má má ", hình như có sự hiện diện của bồ tát Quán Thế Âm, trí tuệ vô ngã và lòng từ bi cứu khổ, đã để lại ảnh hưởng trong tâm thức hồn nhiên của Cẩu Tạp Chủng khi Cẩu Tạp Chủng phát ngôn rằng :
" Gã ăn xin đáp : Sao lại ăn cắp ? Vừa rồi một vị thái thái giống Quan Âm áo trắng đã cho cháu " ( tr. 94 )
và :" Ông ăn táo đi ! Ông ( chỉ Tạ Yên Khách ) không phải là người, cũng không phải ma quỷ, chẳng lẽ lại là Bồ Tát ? Nhưng cháu thấy cũng không giống " ( tr. 97 ).
Nét văn hóa Phật giáo nhẹ nhàng ấy dần dần in đậm vào tâm thức Cẩu Tạp Chủng, trước khi khởi động công phu " La hán phục ma thần công ", để thành tựu việc khai mở chân lý của Thái Huyền Kinh trên đảo Hiệp Khách !
6. Ý Nghĩa biểu tượng của 18 tượng La hán : Trong Phật giáo, La hán là hàng đệ tử Đức Phật đã hàng phục được lòng tham dục cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô sắc, và hàng phục được sự đắm trước ( chấp thủ ) lòng dục, thấy biết, giới luật sai lầm, và các học thuyết chủ trương có tự ngã ( dù dưới bất cứ dạng thức nào ). Kinh Phật dạy có 18 dòng Ái ( và Thủ ) liên hệ nội tâm, và 18 dòng Ái ( và Thủ ) liên hệ ngoại cảnh :
Liên hệ nội tâm : Khi nào có ý niệm ta có mặt thì sẽ có những tư tưởng : ta có mặt trong đời này; ta có mặt như vậy, ta có mặt khác như vậy; ta không thường hằng; ta thường hằng; ta phải có mặt không ? ta phải có mặt trong đời này không ? ta phải có mặt như vậy; ta phải có mặt khác như vậy; mong rằng ta có mặt; mong rằng ta có mặt trong đời này; mong rằng ta có mặt như vậy; mong rằng ta có mặt khác như vậy; ta sẽ có mặt; ta sẽ có mặt trong đời này; ta sẽ có mặt như vậy; ta sẽ có mặt khác như vậy.
Liên hệ ngoại cảnh : Khi nào có tưởng: Do cái này, ta có mặt; thì sẽ có các tư tưởng : do cái này, ta có mặt trong đời này ( tương tự trên )
( Tăng chi kinh, II, PTS, London, 1992, tr.226 )
Nội dung của 18 dòng Ái ( Thủ ) trên là nội dung của Tập đế ( nguyên nhân của khổ ) trong Tứ Diệu đế của Phật giáo ( được biểu tượng qua chuổi hạt tay 18 hạt hay 36 hạt ).
Đại bi lão nhân tặng cho Cẩu Tạp Chủng 18 Tượng La hán là trao cho công phu loại trừ hết thảy các loại chấp thủ ngã tưởng mà Kinh Kim Cang Bát Nhã của Đại thừa Phật giáo đã đề cập, bao gồm tám loại : ngã tưởng, nhân tưởng, chúng sanh tưởng, thọ giả tưởng, pháp tưởng, phi pháp tưởng, tưởng và phi tưởng :
- Ngã tưởng : tin tưởng có mặt một tự ngã khác với năm uẩn như khi nói : cái này là của tôi, tôi là cái này, cái này là tự ngã của tôi.
- Chúng sinh tưởng : tin tưởng có một cá thể độc lập, liên tục và đồng nhất với chính nó qua thời gian; cá thể đó phân biệt các phần tố bên trong cá thể khác biệt với những gì ở bên ngoài.
- Thọ giả tưởng : tin tưởng có một sức mạnh hợp nhất và sinh động bên trong cá thể, tồn tại từ khi sinh cho đến khi chết.
- Nhân tưởng : tin tưởng có một thực thể thường hằng, luân hồi, tái sinh từ kiếp nầy qua kiếp khác.
- Pháp tưởng : tin tưởng có sự hiện hữu thật sự của các pháp độc lập.
- Phi pháp tưởng : ( không pháp tưởng ): tin tưởng có không pháp độc lập với hiện hữu
- Tưởng : Tưởng thường quyết định tính chất cho sự vật vốn không có trong thực tế.
- Phi tưởng : nếu biết tưởng là không thật mà chủ trương không có tưởng, không tác tưởng-các bậc Thánh, Bồ Tát vẫn tác tưởng mà vẫn giác tỉnh vô ngã, vẫn không chấp thủ.
Đây là công phu tu tập chủ yếu của Phật giáo nói chung, và Kim Cang Bát Nhã nói riêng.
7. Tu tập công phu loại trừ các tưởng tự ngã :
- Bước đầu hành giả cần tẩy sạch các tâm lý cấu uế, bất thiện như tham lam, sân hận, si ám, đố kỵ, kiêu mạn, dối gạt, ác hại, v.v? nếu không thì không thể tu tập thành tựu các tâm thiền định ở bước thứ hai.
Đây là nội dung mà Kim Dung giới thiệu Cẩu Tạp Chủng với tâm lý trong sáng, giản đơn, không có thất tình, lục dục, hành " La hán phục ma thần công " dễ dàng thành tựu, không bị tẩu hỏa, như Tạ Yên Khách đã nhận xét :
" Thằng bé này đầu óc chưa được mở mang, chuyện đời hoàn toàn không biết, trong lòng không có tạp niệm, vì thế mới không bị tẩu hỏa nhập ma "( tr. 136 )
Công phu " La hán phục ma " quả là công phu giáo dục các tâm hồn, các cá nhân cho một xã hội đạo đức, nhân ái, đầy tình người !