Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> SICILY - MIỀN ĐẤT DỮ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 31037 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

SICILY - MIỀN ĐẤT DỮ
Mario Puzo

CHƯƠNG 21

Cuộc tàn sát ở Portella del Ginestra làm rung động cả nước Ý. Báo chí, đặc biệt là báo của phe hữu, mỉa mai thay lại lớn họng hơn hết. Những hàng tít chạy suốt trang nhất: “Tàn sát vô nhân đạo đàn bà trẻ em vô tội”, “Không thể ngủ yên: mười lăm nhân mạng chết, ba mươi người bị thương trầm trọng”, “Thành tích của người hùng: nhiều xác trẻ thơ”, “Máu vô tội đổ lên đầu ai?”...
Lúc đầu, ai cũng đinh ninh không ai khác ngoài đám “Người anh em” là tác giả của tác phẩm kinh tởm ấy. Trong cuộc họp báo, Silvio Ferra cũng có lời bóng gió khiến người ta hiểu như vậy. Nhưng, Ông Trùm đã chuẩn bị trước phương án đối phó. Có vài “Người anh em” ra trước tòa khai chúng đã thấy bóng thấp thoáng của Terranova và Passatempo tại địa điểm phục kích. Băng của Guiliano không công nhận, cũng không phủ nhận. Im lặng một cách khó hiểu. Người dân Sicilian ngơ ngác hỏi nhau ý nghĩa của sự im lặng khác thường ấy!
Hai tuần lễ trước ngày bầu cử toàn quốc, Silvio Ferra đạp xe từ San Giuseppe Jato đi Piani del Greci. Hắn đạp xe dọc theo bờ sông Jato, men theo đường mòn dưới chân núi. Trên đường,  có hai người mang vũ khí lên tiếng gọi tên hắn. Và bảo hắn dừng lại. Nhưng, hắn cắm đầu đạp xe vọt lẹ. Được một quãng dài, hắn mới dám ngoảnh cổ lại nhìn. Hai tên kia còn kiên nhẫn lếch thếch chạy theo. Nhưng hắn vọt luôn. Vào đến thị trấn Piani, quay lại nhìn, hắn không còn thấy hai tên kia nữa.
Silvio vào trụ sở của đảng xã hội và họp với mấy lãnh đạo của đảng trong vùng đó gần ba tiếng đồng hồ. Lúc xế chiều, hắn vội vã để cố trở về nhà trước khi trời tối. Dắt chiếc xe đạp lững thững qua quảng trường thị xã, nhiều người quen biết lên tiếng vui vẻ chào hỏi hắn. Bỗng, có bốn người vây lấy hắn và đi theo hắn. Silvio Ferra nhận thấy một trong bốn tên kia là một sếp sòng Mafia ở Montelepre. Hắn cảm thấy rờn rợn. Từ hồi còn nhỏ, hắn đã biết Quintana. Hắn cũng biết là tại thị trấn Piani, cái bóng của Guiliano khiến cho đám “Người anh em” không dám ngang nhiên vùng vẫy như chỗ không người. Trên đầu bọn chúng, lưỡi gươm Guiliano treo lơ lửng. Tình hình lúc đó không cho phép “Người anh em” dám chọc giận công khai Guiliano. Tuy nhiên, Silvio cũng không dám công khai khiêu khích “Người anh em”. Bởi vậy, hắn cũng mỉm cười gật đầu chào Quintana và nói, giọng xởi lởi:
- Từ đây về đến nhà ông anh, đường cũng còn xa dữ. Ông anh đi chơi về trễ qúa vậy, ông anh?
- A, chào người hùng.  Anh em mình cùng đi dạo với nhau một quãng nhé, đừng từ chối. Mà cũng chớ la lối om sòm. Không có lợi cho anh bạn đâu. Tụi này có vài điều muốn nói với anh bạn.
- Thì ông anh cứ nói ngay tại đây đi.
Silvio Ferra bắt đầu thấy run. Cũng như khi hắn ra trận lần đầu tiên. Với kinh nghiệm ấy, hắn nghĩ rằng hắn có thể khắc phục được sự sợ hãi mà hắn đang cảm thấy. Hắn cố chủ động để không vì bộc phát mà có những hành động không thích hợp và dại dột. Hai tên trong bọn nắm lấy cánh tay hắn và kè sát hai bên. Chúng làm như những người bạn thân thiết kè sát nhau đi. Chiếc xe đạp của Silvio bị để lại nằm chỏng trơ giữa quảng trường.
Silvio nhìn thấy dân thị trấn vẫn ngồi chơi trước cửa nhà họ. Họ cũng nhìn thấy hắn và biết sự gì sắp xảy ra. Dĩ nhiên là họ có thể đến cứu hắn. Nhưng vụ tàn sát kinh khủng ở Portella del Ginestra, không khí khủng bố ngột ngạt nặng nề đè nặng lên mọi người làm cho ai nấy tuy biết, tuy muốn cứu hắn, nhưng cũng không dám hó hé, nhúc nhích. Silvio Ferra đứng lì như chôn chân xuống đất. Quay nhìn về phía trụ sở, hắn vẫn thấy vài “đồng chí” đứng ở cửa. Lẽ nào họ không nhìn thấy và không hiểu hắn đang bị uy hiếp. Nhưng, chẳng có ai chạy tới. Hắn la lớn: “Cứu tôi với!”.  Dân thị xã đứng im, nhìn! Các đồng chí cũng đứng im, nhìn!
Quintana cười gằn và đẩy mạnh hắn về phía trước:
- Đừng có khùng. Đã ai làm gì nào. Tụi này chỉ muốn nói chuyện với anh bạn thôi mà. Ngoan ngoãn đi theo tụi này. La lối kêu cứu là hại mấy thằng kia đó. Vả lại, chẳng có thằng nào dám đến đâu. Kêu vô ích.
Trời đã sẩm tối, trăng đã lên. Silvio cảm thấy họng súng gí sau lưng. Hắn nghĩ: nếu muốn, chúng vẫn có thể  giết hắn ngay tại quảng trường này mà chẳng sợ hãi gì. Và ngay tại đó cũng chẳng có ai – kể cả các “đồng chí” của hắn – dám cứu hắn. Ngoan ngoãn đi theo Quintana thì có lẽ không chết. Có thiếu gì nhân chứng biết Quintana. Nếu hắn cứ tiếp tục cự nự, rất có thể buộc lòng chúng phải “khử” hắn. Những ý nghĩ ấy liên tiếp nảy ra trong đầu Silvio.
Quintana nhỏ nhẹ nói:
- Tụi này khuyên anh bạn nên “stop” cái trò điên khùng cộng sản của anh bạn lại. Tụi này đã nhân nhượng, bỏ qua cho anh bạn cái tội vu khống cho tụi này thực hiên vụ khủng bố ở Ginestra. Nhưng, anh bạn tỏ ra không biết điều. Sự nhẫn nại của tụi này, đáng tiếc, rất hạn chế, đã thế lại không được đền bù gì. Anh bạn tưởng thế là khôn ngoan sao chứ? Nếu anh bạn cứ nhất định diễn trò cộng sản thì tụi này bắt buộc phải để đám con của anh bạn mồ côi cha đấy.
Lúc đó họ đi ra khỏi thị trấn. Và bắt đầu lên dốc đá dẫn tới núi Cumeta. Silvio ngay nhìn lại phía sau. Chẳng thấy ai đi theo. Tuyệt vọng, hắn nói với Quintana:
- Lẽ nào ông anh đang tâm giết một người cha trong gia đình chỉ vì chuyện chính trị nhỏ nhặt đó sao?
Quintana cười gằn, đểu cáng:
- Đ.m, chỉ cần vô ý nhổ nước miếng trúng phải giày của tao thì cũng đủ bỏ mẹ rồi, nữa là...
Khi cảm thấy cánh tay được nới lỏng. Silvio vùng chạy xuống dốc, vừa chạy vừa la.
Dân thị xã nghe thấy tiếng súng nổ. Một trong số những người lãnh đạo đảng bộ Xã hội ở địa phương đã chạy đến đồn cảnh vệ.
Sáng hôm sau, xác của Silvio được tìm thấy bị vứt trong khe núi. Khi được cảnh sát hỏi, không một người dân thị xã nào nhận mình đã nhìn thấy sự việc xảy ra lúc đầu như thế nào. Không một ai đã nhận trông thấy Quintana. Thế đấy, bướng bỉnh, chống đối, ủng hộ cánh tả... nhưng, căn cốt đã là người Sicilian, thì không thể phạm luật omerta. Tuy không khai báo gì với cảnh sát, nhưng Guiliano đã được họ kể lại cho nghe, từng chi tiết.
Nhờ phối hợp nhiều yếu tố, nhiều thủ đoạn, nhiều loại hình hoạt động, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo đã thắng trong cuộc bầu cử toàn quốc sau đó. Lần này thì Ông Trùm và đám “Người anh em” đã làm ăn có hiệu quả. Vụ tàn sát ở Portella del Ginestra chỉ làm cho dân Ý xúc động. Nhưng đã làm cho dân Sicilian tê liệt tinh thần. Giáo hội Công giáo – đã đem ngọn cờ thánh giá ra để vận động bầu cử, và đã thực thi đức ái hữu của Chúa một cách rất hào phóng – sau khi xong việc, đã trở lại cái mức “tằn tiện dè sẻn” trong các hoạt động bác ái của mình. Vụ ám sát Silvio Ferra được báo chí của phe tả đem mọi nỗ lực thổi bùng căm hờn trong dân chúng. Nhưng những bài báo ấy nghe cũng chỉ xao xác như chim hót của con chim thiên nga giãy chết. Đảng Dân chủ Thiên chúa giáo cầm quyền đã nhận chìm vụ này.
Năm 1948, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo thắng lớn trong cuộc bầu cử toàn quốc. Với đa số áp đảo, đảng vẫn dễ dàng thao túng quốc hội. Chính phủ vẫn nằm trong tay đảng. Mọi sự đâu lại vào đó. Ông nhà giàu vẫn tiếp tục bóc lột và phè phỡn.  Thằng khố rách vẫn tiếp tục đổ mồ hôi với cái bụng lép kẹp. Vợ con thằng nghèo vẫn tiếp tục xanh xao, đói rách. Nghĩa là vẫn đường xưa lối cũ. Nghĩa là đảng Dân chủ Thiên chúa giáo vẫn còn thì giờ và sức lực để ca khúc “đường ta ta cứ đi, tiền dân ta cứ tiêu, đầu dân ta cứ đè”. Rõ ràng là trong tương lai nhìn thấy được, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo vẫn ăn trên ngồi trước, Ông Trùm Croce vẫn là người cai trị trên thực tế của đảo Sicily. Đạo Thiên chúa vẫn là quốc đạo của Ý. Và thiên hạ cá nhau, sớm muộn gì ngài Franco Trezza cũng vồ được cái ghế thủ tướng nước Ý.
Thì ra rốt cuộc, thằng Pisciotta có lý!
Thông qua giáo sư Adonis, Ông Trùm đã cho Guiliano biết là đảng Dân chủ Thiên chúa giáo xét thấy không thể miễn xá cho nó được vì “vụ Portella tai tiếng quá”. Hoặc “hậu quả của chính trị vụ đó quá nặng nề”. Theo lời Ông Trùm nói với giáo sư Adonis thì:
- Ngài bộ trưởng Franco Trezza cũng bị trói tay. Đức Hồng y giáo chủ cũng không thể đỡ gạt gì được cho một kẻ mà chính ngài cũng đinh ninh là đã tàn nhẫn đang tâm giết hại đàn bà, trẻ thơ vô tội. Nhưng, riêng tôi – còn nước, còn tát – tôi sẽ vẫn tiếp tục làm tất cả những gì phải là và có thể làm để giật cho được cái miễn xá cho Guiliano.
Tuy nhiên, cũng theo ý Ông Trùm, tốt nhất là Guiliano nên di cư sang Mỹ hoặc sang Brazil. Trong trường hợp này, lão sẽ làm mọi sự để giúp hắn ra đi suôn sẻ.
Thái độ của Guiliano khi nhận được tin bọn Rome và ngay cả đức Hồng y giáo chủ và Croce “chơi bài ba lá” với mình đã làm cho tất cả thủ hạ của hắn ngạc nhiên. Dường như hắn đã dự đoán trước và đã có đối sách trước sự lừa lọc, lật lọng, xảo quyệt và đểu cáng của đàn anh, của cả Đấng Bề Trên rất đáng kính trọng: Hội Thánh. Và như thế hắn coi chuyện đểu cáng của bọn ấy là điều dĩ nhiên. Hắn hạ lệnh cho thủ hạ rút sâu vào trong núi. Và các sếp phải hạ trại quanh quanh gần đó để có mặt ngay khi cần. Ngày lại ngày trôi qua, Guiliano như càng rúc sâu vào và co lại trong thế giới huyền bí riêng của mình. Các sếp nôn nóng, khắc khoải chờ đợi mấy tuần lễ liền. Vẫn êm re.
Nhưng, vào một buổi sáng không vệ sĩ nào đi theo, một mình Guiliano đi sâu nữa vào trong núi. Mãi đến lúc trời tối mịt hắn mới về đến sào huyệt. Đứng trước đống lửa, Guiliano vắn tắt, nhưng oai nghiêm ra lệnh:
- Aspanu, mời các sếp lại họp.
 
Trên lãnh địa rộng mấy trăm ngàn mẫu của mình, hoàng thân Ollorto đã cho trồng đủ thứ cây trái, nhờ đó từ ngàn xưa Sicily đã được hân hạnh mang cái mỹ hiệu “vựa trái cây ngon lành nhất nước Ý”. Chanh, cam, đậu, ô – liu, nho, ớt, cà chua, cà tím, trái nào trái ấy to bằng mấy cái tô. Lại cả tre để đan sọt đựng trái cây nữa. Và ô – liu thì rất nhiều dầu. Chỉ có một phần rất nhỏ đất được nhượng lại cho nông dân theo chế độ thu tô trên căn bản một nửa số lượng thu hoạch. Tuy là hoàng thân, ngài cũng không muốn tỏ ra khác biệt với bất cứ một tên địa chủ nào khác. Nghĩa là, bao nhiêu phần béo bở nhất thì ngài giành lấy hoặc tìm cách giành lấy đớp hết. Cho thuê máy móc, ngài độc quyền. Hạt giống, cũng ngài. Phân bón, cũng ngài. Cho đến chuyên chở sản phẩm, cũng ngài luôn. Bởi vậy tiếng là tá điền hưởng 50% sản lượng thu hoạch, nhưng thực tế vào được đến bao tử tá điền 25% đã là quá may. Và để được cái may đó thì tá điền phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt quanh năm suốt tháng. Nhưng, quả thực là còn may so với thằng không được làm tá điền cho ngài mà chỉ làm công nhật theo mùa với đồng lương chết đói.
Nói chung, đất ở Sicily tốt. Và các ngài quý tộc, địa chủ của Sicily vẫn có thói quen tốt lành mà có lẽ vì đầu óc mụ ẫm, ngu muội nên mấy thằng khố rách không tài nào hiểu được. Đó là các ngài cứ nhất định bỏ hoang một số ruộng đất. Không trồng trọt. Cũng chẳng cho thuê. Để hoang chơi vậy đó. Thế mới ngông. Ngay năm 1860, nhà đại cách mạng Ý là Garibaldi đã hứa với nông dân là “người cày có ruộng”. Ấy vậy mà đến năm 1947, đức ngài hoàng thân Ollorto vẫn còn hàng trăm ngàn mẫu bỏ hoang, cho thỏa thói chơi ngông của ngài. Các ông hoàng bà chúa khác sử dụng số đất hoang này như một “quỹ dự trữ”. Lâu lâu túng tiền, cắt một miếng, bán. Lâu lâu cần tiền thanh toán cho cơn hứng bất tử của mình, cắt một miếng, bán.
Trong cuộc bầu cử toàn quốc vừa qua, tất cả các đảng phái, kể cả đảng Dân chủ Thiên chúa giáo đều hứa sẽ tranh đấu để phân chia lại ruộng đất, thực hiện lời hứa của nhà đại cách mạng Garibaldi “người cày có ruộng”, mà có phải là nước Ý chưa có đạo luật quy định tất cả đất bỏ hoang của các lãnh địa mênh mông đều được chia ra bán lại cho nông dân với giá tượng trưng đâu!? Có rồi! Và có hơi nhiều và hơi lâu rồi nữa là khác.
Nhưng...
Các ông hoàng bà chúa chủ đất có một thủ thuật rất đơn giản và tương đối rẻ tiền để khỏi thi hành luật ấy. Chỉ việc thảy cho mấy “Người anh em” ít tiền còm là “Người anh em” sẽ thăm hỏi ra oai cho thằng khố rách áo ôm nào dám trưng luật ra để đòi tiền mua rẻ đất của các ngài. Vào những ngày – theo luật – cho phép nông dân mua lại đất thì mấy “Người anh em” chỉ việc cưỡi ngựa diễu tới diễu lui rong chơi phía ngoài cổng lâu đài của các chủ đất là mấy thằng khố rách co vòi hết ráo, chẳng thằng nào dám lân la đến gần lâu đài để eo xèo, xin mua lại đất. Nếu thằng nào dám thí mạng cùi, thì cũng chỉ dám đến ngồi ở cổng lâu đài, chẳng dám vào. Và nếu có thằng nào cứ nhất định thí mạng vào đòi mua... thì cũng được thôi. Có điều, gia đình thằng đó khỏi có một thằng đàn ông, con trai nào sống sót để cày ruộng đó. Và, cái đó đã thành lệ, thành truyền thống Sicilian, chỉ đơn giản thế thôi mà từ bao năm qua, chưa một thước đất nào của lãnh địa bán ra theo luật cả. Luật pháp làm gì được mấy ông cả, bà lớn đó. “Ơ hơ, có phải tôi không chịu bán đất đâu. Tụi nó không chịu đến mua. Bộ tôi phải đến nhà tụi nó để lạy lụy tụi nó đến mua à?”. Thế là xong. Quốc hội Rome cứ việc thông qua các đạo luật cải cách ruộng đất rất chi là cấp tiến. Một trăm đạo luật như thế cũng chấp hết. Cứ nằm đó cho bụi đóng chơi. Như đã có lần, trong một lúc bất ngờ, Ông Trùm Croce đã vui miệng nói với ngài bộ trưởng tư pháp một câu để đời như thế này: “Luật với lệ làm quái gì. Vì với tụi này, luật lệ có sức nặng nào đâu”.
Chỉ cần một sếp Mafia thì cũng quá đủ để khỏi có một thằng khố rách nào dám đến lâu đài ngài hoàng thân Ollorto để láo lếu đòi xin mua đất theo luật định. Nhưng, có lẽ Ông Trùm muốn cho các sếp tay em của mình có “công ăn việc làm”, kiếm chút tiền còm tăng thu nhập, để cải thiện bữa ăn hay sao mà gợi ý ngài hoàng thân mướn luôn một lúc sáu sếp làm gabellati “bảo vệ”.
Bởi vậy, buổi sáng rực rỡ hôm ấy, thời tiết nóng đến nỗi núi đá ở Sicily cũng phải đổ mồ hôi. Vậy mà sáu sếp Mafia của Sicily vẫn vui vẻ rủ nhau cưỡi ngựa thả diều bên ngoài cổng lâu đài của ngài hoàng thân. Đám nông dân đói quá nên đầu gối cũng phải bò, lết đến cổng lâu đài, mặc dù trong bụng đánh lô – tô. Chúng lết tới, nhưng cũng chỉ dám túm tụm nhau dưới bóng cây ô – liu hoặc bóng bức tượng Đức Chúa Jesus ở gần cổng lãnh địa để nhìn sáu nhân vật nổi tiếng hung ác nhất Sicily cưỡi ngựa rong chơi ở đó. Đám khố rách kiên nhẫn ngồi ở đó chờ Chúa ban phép lạ. Nhưng chờ hoài, phép lạ chẳng xảy ra. Luật pháp, có như không. Ngày hôm đó, không hiểu có phải là để đề phòng cuộc nông dân nổi dậy hay sao mà ngài bộ trưởng Bộ tư pháp đã ban lệnh cho toàn thể ngành cớm, từ cớm gộc, đến cớm oắt phải cắm trại 100% để... trực chiến. Trên toàn đảo Sicily ngày hôm đó có lẽ trừ cảnh sát giao thông, không tìm đâu ra một anh cớm ngoài đường. Tất cả đều trong doanh trại, trong đồn. Để trực chiến. Báo chí và phe đối lập hoạnh họe gì được. Bên ngoài lãnh địa đã có các sếp Mafia đi tuần tiễu giùm. Cao kiến thay! Có vậy mới làm được bộ trưởng Bộ tư pháp chớ.
Đám khố rách cũng lì, chịu dãi nắng bên ngoài cổng lâu đài. Chờ. Sáu ông sếp Mafia cũng kiên trì chẳng kém. Vẫn cứ cưỡi ngựa diễu tới diễu lui dưới ánh nắng chói chang. Nét mặt vị nào cũng lạnh như tiền, mặc dù trời rất nóng nực. Vị nào cũng biểu dương lực lượng giống hệt như nhau: súng lục tận lưng, súng săn đeo trên vai, súng máy cài sau yên ngựa. Cứ thế cưỡi ngựa đi tới đi lui, như cái quả lắc đồng hồ. Chẳng nói chẳng rằng, làm như không có đám dân khố rách đang đứng ngồi túm tụm ở đó. Chắc bọn này hy vọng Chúa làm phép lạ cho mấy đấng “long kỵ binh” kia cất cánh bay lên trời để cho họ can đảm vượt qua cổng lâu đài, vào xin mua lại mảnh đất theo luật định. Trong khi chờ đợi phép lạ xảy ra, đám khố rách giở cơm nắm cơm gói ra mà ăn uống với nhau. Có người còn thủ theo chai rượu. Bấy giờ giở ra nhâm nhi lai rai với nhau. Chỉ dám chờ. Không có ai dám quậy. Những người có mặt ở đây hầu hết là đàn ông. Chỉ có một số ít là đàn bà.  Trong số ấy có cả ông bà già của Silvio Ferra và cả Justina cô nương nữa. Gia đình này đến là để xin mua lại đất, vừa để tỏ sự thách thức những kẻ đã giết con, giết anh của họ. Trong bụng thì nghĩ vậy, nhưng cũng “rét”, nên không dám vượt qua ranh giới định mệnh do móng mấy con ngựa của sáu tên cốt đột kia vạch ra trên mặt đường, để đòi cái quyền mà luật pháp do những ông to bà lớn của đảng Dân chủ Thiên chúa giáo ở Rome đã làm ra và dành cho họ.
Đám nông dân không phải chỉ sợ thôi. Sáu đấng “long kỵ binh” kia đều là những con người “đáng trọng nể”. Chính các vị là người làm ra luật, thi hành luật và xét xử theo luật. Tất nhiên không phải luật pháp của quốc gia. Ý muốn của các vị là luật. Và bản thân các vị là những đấng toàn năng và toàn quyền, nhất là quyền sinh sát. Chính quyền Mafia chỉ là cái bóng, nhưng hữu hiệu gấp bội so với chính quyền Rome. Lơ mơ với chính quyền Rome có thể vẫn bình an vô sự. Nhưng lơ mơ với mafia thì dứt khoát là không xong rồi. Nếu không tiêu mạng thì nhà cửa, gia súc, mùa màng cũng bị bầy hầy là giá chót. Nông dân bị mất trộm cừu ấy, mà còn nhiều thứ khác tiếp theo nữa. Đám khố rách Sicilian, trong những trường hợp tương tự, có một lối giải quyết khác, độc đáo và hữu hiệu vô cùng cứ đến gặp sếp Mafia địa phương, “Puộc – boa” (1) 25% giá trị con vật bị mất thì chẳng những tìm thấy, mà còn nhận được lời đảm bảo con vật ấy sẽ không bao giờ bị “mất” như vậy nữa. Chánh quyền Rome có dám hứa ngon, đảm bảo chắc như vậy không? Nếu có một tên cốt đột nào ngà ngà say, hoặc vì lý do trời ơi đất hỡi nào đó, đã quất sụm một công nhân, nông dân vô tội nào đó, thì nhà nước chẳng nên phí sức đi điều tra tìm thủ phạm. Mất công vô ích. Bởi vì sẽ có vô khối nhân chứng gian và nhất là luật omerta. Dân Sicilian có thể không tuân theo mười giới răn của Chúa, nhưng luật omerta thì thủ rất kỹ, rất kỹ. Gia đình nạn nhân hãy đến sếp Mafia địa phương. Ân oán sẽ phân minh ngay trước mắt. Nếu bị chính sếp Mafia quất sụm, thì gia đình nạn nhân hãy ghi vào sổ nợ máu. Đời cha không đòi được thì đời con. Đời con không đòi được thì đời cháu. Có thể đòi không được mà còn bị vay thêm. Nhưng dù không đòi được, vẫn phải đòi. Nếu không sẽ bị coi là hèn. Con trai nhà đó khỏi lấy vợ.  Con gái nhà đó khỏi lấy chồng. Còn tệ hơn bị cùi. Không có chuyện tha thứ. Không có chuyện xót thương trắc ẩn.
Trộm cắp lặt vặt giữa lối xóm với nhau cũng có thể tử hình. Trong khi đó, những mối cừu thù vẫn có thể giải quyết “trong danh dự”. Tranh chấp có thể giải quyết khỏi tốn một xu cho thầy cãi. Phán quyết của các sếp Mafia có thể bỏ qua. Cũng không thể chống án. Sự trừng phạt rất nặng nề và được thi hành răm rắp. Không thể trốn tránh, trừ khi bán sới khỏi xứ di cư sang nước khác sống mai danh ẩn tích, nếu không đủ móng vuốt trả đũa những cuộc tầm thù. Các sếp mafia thực sự nắm quyền hành ở Sicily, ngay cả thủ tưởng nước ý cũng đành chào thua.
Chính vì những lý do đó mà đám dân khố rách kia, tuy đông đảo, cũng đành ngồi ngoài cổng lâu đài ngài hoàng thân Ollorto để ngắm sáu đấng anh hùng Mafia cưỡi ngựa, rong chơi diễu qua diễu lại. Tuy cùng mục đích, nhưng sáu đấng không đi chung với nhau. Vì như vậy tỏ ra là yếu. Anh hùng một cõi. Giang sơn nào, anh hùng nấy. Như một ông vua trong vương quốc của mình, mỗi vị có sắc thái riêng, sở trường riêng, độc đáo của mình.
Trong số lục vị quần anh ấy, đấng anh hùng được khiếp sợ nhất có cái tên cúng cơm là Siano. Cõi trời riêng của “ngài” là thị trấn Bisacquino. Hôm đó, “ngài” cưỡi con ngựa xám đốm đen. Năm đó, “ngài” khoảng lục tuần. Nước da mặt của “ngài” cũng xám xám lốm đốm như màu lông con ngựa “ngài” đang cưỡi. Chỉ mới hai mươi sáu tuổi, danh của “ngài đã nổi như cồn, đến mức hầu như “ngài” trở nên một nhân vật thần thoại. “Ngài” khởi đầu sự nghiệp bằng cách quất sụm nhân vật tiền nhiệm của “ngài” là “ sếp” Mafia địa phương lúc đó. Vị tiền nhiệm này đã “hóa kiếp” cho đấng thân sinh của “ngài”, lúc đó “ngài” mới 12 tuổi. “Ngài” đã ăn chay nằm đất, gặm nhấm nỗi căm hờn của mình suốt mười bốn năm trời. Cho đến một hôm cừu nhân của “ngài” đang nhong nhong cưỡi ngựa trên đường thì từ trên cây, “ngài” đã phóng mình xuống, trúng lưng con ngựa, ngay phía sau cừu nhân. Gí dao sau lưng cừu nhân và phóng ngựa ra giữa quảng trường thị trấn. Trước sự quan chiêm của đồng bào đông đảo, “ngài” đã nghiêm chỉnh đòi món nợ máu mười bốn năm trước. “Ngài” đã cắt tai, xẻo mũi, khoét mắt, cắt môi và xẻo luôn cái “củ tội” của cừu nhân. Sau đó “ngài đã ôm cái xác máu me đầm đìa của cừu nhân, cưỡi con ngựa cừu nhân, nghênh ngang diễu qua diễu lại ngay trước cửa nhà cừu nhân. Sau lễ đăng quang đó, “ngài” lên ngôi và trị vì thị trấn Bisacquino bằng máu và bằng bàn tay sắt của “ngài”.
Đấng anh hùng thứ hai phương danh là Arzana. Vương quốc của “ngài” là thị trấn Piani del Greci. Hôm đó “ngài” cưỡi ngựa ô trên đầu cắm chùm lông tía. “Ngài” là vị quân vương thâm trầm, chín chắn. Triết lý của “ngài” là bất cứ một cuộc tranh chấp, một đám cãi nhau nào, vì bất cứ lý do gì bao giờ cũng có hai phía đối nghịch. Phía đúng, phía có lý là phía chạy đến cầu cứu “ngài” trước phe kia. Vũ trụ quan và nhân sinh quan của “ngài” chỉ đơn giản có vậy thôi. Những triết lý thái cực của người Tàu hay triết học biện chứng của Hegel cũng có hơn gì? “Ngài” không chịu tham gia vào việc kết án tử hình tên Silvio Ferra “nếu chỉ vì mục đích chính trị”. Thật ra, “ngài” đã biết trước cái kết thúc bi thảm của tên đó từ mấy năm trước, nghĩa là từ lúc hắn tập tọng đóng trò cho bọn hồng, bọn đỏ kia. “Ngài” có hơi buồn vì bản án tử hình dành cho Silvio. Nhưng “ngài” bất lực không đỡ gạt giùm hắn được. Bởi vì đấng chúa tể Croce Malo và các đấng quân vương kia đã phán rằng: “Nay đã đến lúc phải treo cổ một tấm gương để răn dạy người dân vùng này”. Ách cai trị của “ngài” xem ra êm ái hơn, nhẹ nhàng hơn so với các đấng quân vương kia. Bởi vậy, trong số lục vị anh hùng cưỡi ngựa rong chơi hôm đó, “ngài” ít bị dân chúng khiếp nhất. Hôm đó, với nét mặt vô cảm, “ngài” cưỡi ngựa tham gia biểu dương lực lượng và ý chí cùng các vị khác. Trong lòng “ngài”, không gợn lên một chút hoài nghi về sự lành, dữ, đúng, sai trong hành vi của “ngài”.
Đấng anh hùng thứ ba đang ngồi trên lưng ngựa mang danh là Piddu. Giang sơn riêng của “ngài” là thị trấn Caltaniseta. Hôm ấy “ngài” đã cho trang trí hàm thiếc con ngựa “ngài” cưỡi bằng những tràng hoa rực rỡ. Năm nay, “ngài” tương đối đã cao niên, nhưng vẫn đầy hùng tính, ngay từ lúc còn là thanh niên, hùng tính của “ngài” đã có nét bộc lộ độc đáo: rất ưa nịnh, nông nổi, phù phiếm, háo thắng và nhất là háo sắc. Trong một ngày lễ hội của thị trấn, đã có một chàng trai tuy gốc gác quê mùa, nhưng lại rất hào hoa, phong nhã. Hắn đã phạm tội trọng vì cái tội phong nhã của hắn đã làm cho con tim của nhiều bà, nhiều cô thổn thức. Lúc khiêu vũ, hắn đã dám đeo nhạc vào cổ tay, cổ chân của hắn và nhảy múa dẻo quẹo, hắn dám mặc áo sơ – mi lụa đặt may tại Palermo, hắn đã dám đệm cho lời ca vốn đã đầy sức mê hoặc quyến rũ bằng cây đàn chế tạo tại Tây Ban Nha. Như vậy, sao quốc vương Piddu không nổi giận cho được. Nhưng “ngài” nổi điên khi những đôi mắt chó giấy của lũ đàn bà con gái địa phương này đã không biết người biết của và đam mê ngu muội, không biết si mê “ngài” mà lại si mê thằng nhà quê nọ, nó chẳng có cái đếch gì ngoài cái tốt mã, nụ cười duyên, điệu múa dẻo và giọng ca mê hoặc. Valentino, thằng nhà quê ngu muội ấy đâu biết rằng ngày lễ hội hôm đó cũng là ngày thần định mệnh đến gõ cửa nhà mình. Trên đường trở về, người ta thấy xác chàng trai ấy nằm sấp trên đường, đạn găm nát thây, lỗ chỗ như tổ ong bầu. Đó là thành tích khởi nghiệp của đấng anh hùng Piddu.
Đấng anh hùng thứ tư mang phương danh là Marcuzzi. Thằng khốn Pisciotta đã lấy máu của một người anh em bà con của “ngài” để làm lễ nhập đạo dao búa. Đó chính là tên buôn lậu đã mau mồm mau miệng xin thầy đội cho phép nó đi bắt Guiliano trong chuyến buôn chui đầu tiên và bị thầy đội đế cho một tràng tiểu liên suýt toi mạng đó. Người hùng Marcuzzi có nếp sống khắc khổ và rất sùng đạo. Như mọi đấng phú hào miệt vườn, “ngài” đặt ngay trong nhà của “ngài” một phòng mà “ngài” mệnh danh là “nhà nguyện riêng”, nơi hàng ngày “ngài” cầu kinh sớm tối. Không hiểu do trong nhà của “ngài” có nhiều tượng thánh – đủ kiểu đủ cỡ tượng Đức Chúa Jesus, Đức Thánh Nữ Đồng Trinh Maria và nhiều chư thánh khác, chỗ nào cũng có, từ đầu giường nơi “ngài” và phu nhân hú hí cho đến xó bếp – hay là “ngài” vẫn giữ được nếp sống của lão già miệt vườn nên “ngài” sống rất thanh đạm. “Ngài” có cái nếp rất đáng quí là không thích tiêu mà chỉ thích giữ để dành tiền. Phải thành thật và ca tụng và khâm phục “ngài” ở chỗ - tuy không giàu có – “ngài” vẫn đủ tâm huyết và khẳng khái từ chối những mối lợi bất chánh. “Ngài” yêu chuộng quyền lực chẳng phải vì quyền lực đem lại cho “ngài” lợi ích vật chất, mà chỉ yêu quyền lực vì quyền lực. Triết lý về quyền lực của “ngài” rất thâm thúy, theo đó thì “quyền lực tự bản thân nó đã có một giá trị”. Nghĩa là quyền lực có giá trị nội tại trong chính nó, lấy chính nó làm cứu cánh. Cũng như chủ trương của Palton, “yêu là để yêu chứ không phải để chiếm đoạt cái ta yêu.” Thấy chưa, sâu sắc chưa. Ấy vậy mà những đứa thối mồm cứ nói “ngài” là một thằng già hủ. Tâm hồn của “ngài” là một trường ác đấu giữa hai tình cảm và mâu thuẫn: say mê giúp đỡ người đồng hương Sicilian một cách hòan toàn vô tư, đồng thời lại là một Mafioso theo trường phái cổ điển và cuồng tín. Chẳng thế ngài đã thẳng tay xử tử thằng cháu ruột của “ngài” khi nó phạm luật omerta, dám tiết lộ cho cảnh sát bí mật của hành động Mafia, chỉ vì nó bị cảnh sát của phát – xít nện đau quá, chịu không nổi mà phải khai ra.
Đấng anh hùng thứ năm trên lưng ngựa là ngài Bucilla, thị trấn Partinico là nơi dụng võ của “ngài”. Ngày hôm nay “ngài” vẫn giữ và còn đang mặc bộ đồ “cao – bồi vườn” mà năm năm trước đó “ngài” đã mặc khi đến vi thiềng của giáo sư Adonis “ít trái cây vườn nhà, nhiều quá ăn không hết, để rụng uổng”, đặng xin cho con trai của người bạn hàng xóm thi rớt đại học được đậu. Vẫn bộ đồ ấy, mặc dù sau năm năm, đã bao nhiêu nước chảy qua cầu, đã bao nhiêu bèo dạt hoa trôi. Chẳng hạn, thân thể của “ngài” vốn dĩ đã to ngang, nay lại tặng trọng thêm hai chục ký thịt và mỡ nữa. Chẳng hạn gia sản của “ngài” – so với tài sản của hoàng thân Ollorto thì chẳng khác nào giọt nước sánh với đại dương – cũng tăng gấp năm gấp mười so với năm năm trước.  Chỉ vì hiếu cổ và tôn cổ chứ chẳng phải tằn tiện, keo kiệt mà “ngài” vẫn cứ đeo bộ đồ cao – bồi vườn ấy. Những hành động mà thiên hạ độc mồm độc miệng gọi là hung bạo tàn nhẫn đều được “ngài” thực hiện với ý thức sáng suốt và đều do động lực là lòng chí thành chí thiện. “Ngài” cũng có ý thức rất cao về danh dự cá nhân. Chẳng thế một lần kia, có một tên dại dột vui miệng nói một câu khôi hài chọc ghẹo “ngài”, “ngài” đã lụi cho thằng đó mấy nhát dao, cho về chầu tổ tức khắc. Lòng yêu của “ngài” dành cho đức công bằng mạnh mẽ không thua gì tòa án tối cao của nước Anh thế kỷ 18, đã dành án tử hình cho đứa bé con can tội móc túi vì nó đói quá. Cũng vậy, có đứa đã toi mạng bởi tay “ngài” chỉ vì đã trộm của “ngài” một quả trứng.
Đấng anh hùng thứ sáu với nét mặt cô hồn hắc ám có phương danh là Guido Quitana. Trên danh nghĩa, nơi hùng cứ của “ngài” là thị trấn Montelepre. Nhưng chiến công đẫm máu của “ngài” lại diễn ra ở thị trấn Corleone. Bất đắc dĩ “ngài” phải đi viễn chinh như vậy. Chỉ vì thằng nhóc khốn nạn Guiliano đã làm “kỳ đà cản mũi” sự nghiệp của “ngài” ở đó. Chẳng những thằng nhóc khốn nạn ấy đã che lấp cái oai linh của “ngài” mà còn dồn “ngài” đến chỗ “đói”. Đã có Guiliano thì ai thèm chạy đến chỗ “ngài” để cầu cứu điều gì. Và “ngài” cũng chẳng thi thố được một đòn ngoạn mục nào để ra oai cho dân thị trấn khiếp vía, đặng hù dọa kiếm chác. Dân thị trấn Montelepre không sợ “ngài”, không nhờ vả “ngài”. Vì thế cũng chẳng biếu xén “ngài” cái gì. Cho nên “ngài” “đói”. Mà đã đói thì đầu gối phải bò. Đó là luật sinh tồn ở đời.  Đó là lý do “ngài” phải viễn chinh ở Corleone. Khốn nỗi, dân thị trấn Corleone cũng toàn là dân nghèo kiết xác.  Cho nên bổng lộc của “ngài”  ở đó cũng rất hom hem. Cũng may, để bù cho sự thiệt thòi ấy thì cái bản năng dã thú, khát máu của “ngài” gặp được nơi phúc địa. Tấm lòng khát khao những hành vi tàn bạo, man rợ đã được thỏa mãn tối đa. “Ngài” đã thi triển được hết các món nghề giết người và rất lạnh và đủ kiểu của “ngài”. Thành tích vĩ đại của “ngài” tại thị trấn Corleone chỉ trong có mấy năm trời “ngài” viễn chinh tại đó – chỉ xin kể thành tích vĩ đại nhất, xuất sắc nhất – là đã xóa sổ đời cho trọn vẹn bốn gia đình. Già trẻ lớn bé, thậm chí trẻ sơ sinh, đều được “ngài” ra tay tế độ tuốt luốt. Mà chỉ vì trong bốn gia đình này đã có đứa cả gan dám cưỡng lại lệnh “ngài”.  Chính tay “ngài” cũng xóa sổ bụi đời cho Silvio Ferra. Cũng chính tay “ngài” đã hóa kiếp cho tất cả những tên hồng hồng hay đỏ lói trong thị trấn Corleone. “Ngài” chỉ thấy màu đỏ của máu, chứ không muốn màu cờ của bọn xã hội và bọn cộng sản. Có lẽ trong số sáu anh hung cưỡi ngựa diễu qua diễu lại trước cổng lâu đài hoàng thân Ollorto hôm đó, thì “ngài” là vị độc nhất bị người ta ghét sợ hơn là nể sợ.
Đó là sáu đấng anh hung sếp sòng Mafia của đảo Sicily do ngài hoàng thân Ollorto triệu tới, để làm gabelatti theo luật định. Sáu đấng anh hùng, mỗi đấng một vẻ, mỗi đấng một cách, mỗi đấng một oai linh, để làm hiệu kỳ cho mình. Chỉ thấy bóng hiệu kỳ của mỗi đấng, dân chúng đã thấy bàng hoàng kinh sợ. Sáu đấng anh hùng hôm đó thong dong cưỡi ngựa dạo chơi bên ngoài cổng lâu đài của ngài Hoàng thân. Đám khố rách sợ oai linh của các đấng lắm. Sợ lắm, nhưng cái đói cũng làm cho họ trở nên lì lợm. Tuy nhiên, cũng chỉ dám lì lợm đến cái mức run rẩy đứng dưới bóng tượng Đức Chúa Jesus dựng ở gần đó. Để chờ phép lạ. Không đủ lì để vượt qua ranh giới định mệnh mà vào xin mua đất bỏ hoang theo luật định. Hai ngàn năm trước, có lẽ Chúa đã làm phép lạ. Nhưng bây giờ… Có lẽ Chúa mệt!? Không, Chúa không mệt, Chuá rất thương đàn con khố rách của Chúa, nên Chúa sẽ làm phép lạ cho sáu đấng long kỵ binh kia bay đi bằng cách khác. Qua tay Guiliano.
 
Chiếc xe Jeep chở đầy người có vũ trang từ Montelepre chạy như bay trên đường dẫn tới Palermo và quẹo qua đường dẫn tới bức tường thành của hoàng thân Ollorto. Trừ hai người, những người khác trên xe đều bịt mặt, chỉ chừa hai con mắt. Hai người trên xe không bịt mặt là Guiliano và Pisciotta. Một chiếc xe Jeep khác từ hướng Palermo chạy tới nhập đoàn với chiếc xe Jeep kia. Khi xe chạy tới cách sáu đấng anh hung sếp sòng Mafia chừng năm chục thước, thì một đám khá đông gồm toàn đàn ông, cũng bịt mặt chen chúc nhau kéo đi ngang qua chỗ đám nông dân đang ngồi. Kế đó, họ phân tán thành đội hình bán nguyệt vây lấy sáu sếp sòng kia và sẵn sàng trong tư thế tác chiến. Trước đó, những người này giả dạng đi pích – ních và ẩn núp trong vườn ô-liu gần đó. Khi hai xe Jeep xuất hiện, họ lôi vũ khí giấu trong các thùng đựng thức ăn và lấy khăn ra, bịt mặt lại.  Có tất cả khoảng năm chục tay súng.
Guiliano xuống xe, oai vệ như một ông tướng đứng quan sát những người bịt mặt triển khai đội hình và tư thế chiến đấu. Hắn đã nhìn thấy mấy sếp Mafia. Và các sếp cũng đã thấy hắn. Nhưng mỗi bên đều làm như không quan tâm đến bên kia. Đường ta, ta cứ đi, việc ta, ta cứ làm. Đám nông dân khố rách cũng nhận ra nó.
Aspanu, như một con rắn, mất kiên nhẫn, nhấp nhỏm đứng bên cạnh Guiliano. Những người kia bịt mặt vì họ sợ gia đình họ bị trả thù. Guiliano và Aspanu ra mặt chấp nhận về phần mình mũi dùi cuộc trả thù. Và sẵn sàng đương đầu. Chơi xả láng. Một sống một chết. Thách thức kẻ thù và cũng thách thức chính định mệnh. Cả hai đều thắt dây lưng chạm phượng hoàng và sư tử. Guiliano chỉ mang một khẩu súng lục đeo lủng lẳng bên hông. Ngón tay vẫn đeo chiếc cà rá nạm ngọc lấy được của công tước phu nhân Alcamo mấy năm trước. Pisciotta mang súng lục trong bao đeo dưới nách. Mặt mày xanh xao, tái nhợt vì bịnh phổi và vì sốt ruột. Trong bụng, y cằn nhằn Guiliano: “Làm thì làm mẹ đi cho rồi, dùng dằng mãi”. Lần này, y biết, Guiliano không nao núng vì động lòng trắc ẩn trong trường hợp khử lão Frisella. Y cũng biết Guiliano không có bản năng hiếu sát. Do đó, không có sự thích thú của con mèo vờn chuột. Guiliano cẩn thận quan sát xem lệnh của hắn có được thi hành xong, đầy đủ và đúng kế hoạch chưa. Chiến thuật của Guiliano trong trận này không có tân kỳ, bí hiểm. Hắn vẫn dành cho đối phương một lối thoát thân. Thủ hạ của hắn bao vây nhưng vẫn để chừa một lối thoát. Điểm độc đáo của Guiliano là thâm hiểm một cách lãng mạn. Như một nét bút phóng khoảng của một nghệ sĩ tài hoa bậc thầy, chất nghệ thuật thể hiện ngay trong sự táo bạo. Sáu đấng anh hùng Mafia đang lầm lì cưỡi ngựa có thể đi về hướng mà nó cố ý bỏ ngỏ. Nhưng các đấng chọn cái chước thứ ba mươi sáu, thì đó là sự tự sát về mặt tinh thần. Truyền thống Mafia cổ điển không có chiến thuật rút êm, không cho phép chọn chước thứ ba mươi sáu. Mafioso theo truyền thống cổ điển phải là một con cà cuống: chết đến đít vẫn còn cay. Vả lại, nếu sáu đấng anh hùng “sếp sòng” Mafia ngạo nghễ cưỡi ngựa lại chọn chước thứ ba mươi sáu, thì họ không còn là những nhân vật đáng nể sợ. Do đó, cũng hết đường mần ăn. Và đó cũng là con đường chết về thể xác.
 
Sáu đấng anh hùng “sếp sòng” Mafia của Sicily không quá ngu để không thấy vòng vây của Guiliano đã để ngỏ một lối thoát, và cũng không quá ngu để không thấy ý đồ của đối thủ trong lối thoát ấy. Và các vị cũng nhận định rõ ràng tình thế tương quan lực lượng. Vinh, nhục đã rõ. Khi giãy chết, nên gầm rống như sư tử hay khan khan não nùng như con thiên nga? Sanh nghề tử nghiệp! Có sao! Tới lối thoát và cũng là ranh giới định mệnh, Siano đã quay đầu ngựa, trở lại. Mấy đấng anh hùng kia cũng bắt chước theo. Không hăm hở, nhưng cũng không trì trệ. Lầm lì. Các anh hùng quay lại để đối diện với Guiliano, với thần chết, với định mệnh.
Từ trên một trong những ngọn tháp cao của tòa lâu đài cổ, qua ống nhòm, hoàng thân Ollorto đã nhìn thấy toàn cảnh. Ngài thấy rõ từng chi tiết trên khuôn mặt Guiliano. Đôi mắt bồ câu. Làn da trắng mịn. Đôi môi bình thường lúc nào cũng he hé như mỉm cười, nhưng lúc này mím lại. Ngài biết rõ: sức mạnh toát ra từ khuôn mặt ấy là sức mạnh của đức hạnh. Ngài lấy làm tiếc cái ý thức về đức hạnh của Guiliano đã không một chút nồng ấm của lòng trắc ẩn. Cơn cám dỗ của cái thiện đã đẩy người ta đến chỗ tàn bạo kinh khủng, còn mạnh hơn cơn cám dỗ của cái ác. Ngài biết rõ tâm địa ngay lành, trong trắng, lương thiện và đầy lòng xót thương đối với người nghèo của Guiliano. Chính vì vậy, ngài tự cảm thấy mắc cỡ với chính mình, vì cái vai trò của mình trong vụ này. Là quí tộc chính gốc, nhưng ngài cũng hiểu rõ người đồng hương Sicilian của ngài. Và bây giờ ngài cảm thấy có trách nhiệm về những gì sắp xảy ra. Sáu tên cốt đột kia, vì đồng tiền, mà phải chết để bảo vệ tài sản có nguồn gốc mù mờ của ngài. Bằng cách nào tổ phụ ngài đã trở nên chủ nhân của lãnh địa mấy trăm ngàn mẫu này? Bằng mồ hôi của chính mình? Không! Bằng mồ hôi của tá điền? Còn hơn thế nữa! Bằng máu của chính mình? Bằng máu của tá điền? Bằng mưu mô? Bằng gươm bén? Trên từng tấc đất của lãnh địa mênh mông, đã thấm bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu oán than, bao nhiêu hận thù. Hoàng thân Ollorto và tên tướng cướp Guiliano, ai là hoàng thân, ai là tướng cướp. Đã có ai lọt lòng mẹ với bằng khoán xác nhận chủ quyền đất đai trong tay? Thế mà sáu tên cốt đột kia sắp chết để ngài được làm chủ những đất đai ấy, chỉ vì đồng tiền của ngài. Chúng không thể chạy được. Chúng đã đe dọa được hàng ngàn người đang ngồi rúm ró dưới gốc cây ô – liu và dưới bóng bức tượng kia. Nhưng Guiliano đang đứng trước chúng như vị thần báo oán.
Giữa ban trưa mà hoàng thân thấy trời đất tối sầm!
 
Guiliano bước tới chỗ sáu đấng anh hùng sếp sòng Mafia đang cưỡi ngựa rong qua diễu lại. Cả sáu đều to, mập. Chúng lỏng buông tay khấu. Lũ ngựa đi bước một, như thể chính con ngựa cũng ngập ngừng. Sáu sếp sòng đều làm ra vẻ ngạc nhiên. Thỉnh thoảng lại cho ngựa dừng lại liếm láp lúa mạch chất đống trên tảng đá vôi lởm chởm.
Guiliano tiến lại, sát phía đường mà sáu con ngựa sắp đi qua. Pisciotta theo bén gót. Sáu tên cốt đột trên lưng ngựa có vẻ phân vân không biết nên ngừng hay nên tiếp tục đi. Nét mặt của chúng đều có vẻ khó hiểu. Súng ống tên nào chẳng có. Nhưng dường như chúng cũng hiểu rằng khi thần định mệnh và thần báo oán đã xuất hiện thì súng ống cũng chẳng ích gì. Do đó, không tên nào có ý định rút vũ khí ra cầm tay. Guiliano để cho sáu tên đi qua đi lại ba lần. Sau đó, Guiliano lùi lại và quay ra nói với Pisciotta:
- Bảo mấy thằng kia xuống ngựa và dẫn tất cả chúng lại đây.
Nói rồi, Guiliano băng qua đường, tiến tới tảng đá vôi, đứng tựa lưng vào bức tường thành của tòa lâu đài.
Khi bước qua đường, Guiliano hiểu rằng hắn đã vượt qua ranh giới định mệnh, rằng ngày hôm nay không cảm thấy do dự. Không cảm thấy khó chịu. Chỉ thấy hận thù. Chỉ thấy căm hờn đối với thế giới này. Hắn dư hiểu rằng chập chờn đằng sau sáu bộ mặt cô hồn cốt đột kia, là cái bóng dáng hiểm độc của Croce Malo. Rằng chính thằng già “lựu đạn” ấy mới là kẻ thù đích thực của hắn. Hắn cũng cảm thấy giận đám nông dân khố rách đang túm tụm ở kia. Hắn cảm thấy xấu hổ giùm cho họ. Tại sao họ lại nhu nhược, khiếp sợ đến như vậy? Nếu hắn thực sự lãnh đạo họ, hắn sẽ làm cho Sicily đổi mới. Nhưng, rồi hắn cảm thấy lòng mình tràn ngập nỗi xót thương đám dân đói nghèo, sống dở chết dở kia. Hắn đưa cánh tay lên vẫy chào và khuyến khích họ vùng lên. Nhưng hắn chỉ nhận được sự ù lì, im lặng. Hắn nghĩ bụng: nếu có Silvio Ferra ở đây, thì chắc chắn hắn ta đã đứng lên đáp lại cánh tay vẫy chào của hắn.
Pisciotta nắm quyền chỉ huy trận địa. Y bận chiếc áo thun in hình con rồng đang chồm lên. Mái tóc chải sáp láng bóng, lấp lánh dưới ánh mặt trời như lưỡi dao cạo ánh lên trong nắng giữa trưa. Y quay đầu như quay lưỡi đao về sáu tên sếp sòng sừng sỏ của Sicily. Pisciotta nhìn trừng trừng vào chúng như con rắn độc thôi miên con mồi. Khi đang ngang trước mặt y, con ngựa của Siano ỉa, cứt suýt văng vào Pisciotta, khiến y phải nhảy lùi lại một bước.
Quay về phía Terranova, Passatempo và Sylvestro, Pisciotta khẽ gật đầu ra hiệu, Lối thoát dành cho sáu đấng Mafia sừng sỏ của Sicily khép lại. Hùng thiệt! Sáu sếp cứ thản nhiên rong cương ngựa, tiếp tục đi. Hiên ngang, ngạo nghễ như thể chúng chỉ nhìn thấy đám nông dân đang túm tụm, rúm ró ở kia, chứ không thấy thần chết trước mặt. Chúng dư biết, dư hiểu. Như vậy, chúng đã thắng keo này rồi đây. Guiliano phải quyết định bước sau cùng và nguy hiểm chết người.
Pisciotta tiến tới lối đi của con ngựa do Siano đang cưỡi. Y giơ tay, oai nghiêm chỉ vào mặt lão. Nhưng Siano không ngừng lại. Con ngựa nhảy lé sang một bên, người cưỡi co dây cương, chút xíu nữa cả người cưỡi lẫn con ngựa chồm lên người Pisciotta. Với nụ cười man rợ, y cúi chào người hùng Siano, rồi đứng ngay phía sau, rút súng kè vào mông ngựa, lảy cò. Ruột ngựa đổ cả đống. Máu tuôn có vòi. Cứt bắn tung tóe. Chân sau con ngựa khuỵu xuống làm cho Siano té theo và bị thân con ngựa đè lên. Bốn thủ hạ của Pisciotta vội chạy lại, lôi lão ra, trói thúc ké và dẫn lại chỗ Guiliano đang đứng. Con ngựa còn sống và giãy giụa dữ dội. Pisciotta bồi thêm một phát ân huệ vào đầu ngựa.
Tiếng xì xầm, vừa có vẻ sợ hãi, vừa có vẻ thích thú từ đám nông dân vọng ra. Guiliano vẫn đứng tựa lưng vào tường. Khẩu súng lục vẫn còn trong bao. Hắn khoanh tay đứng nhìn xem Pisciotta định làm gì sau đó.
Năm người hùng “sếp sòng” Mafia còn lại vẫn bình thản điều hành. Tiếng nổ làm cho mấy con ngựa chồm lên. Nhưng người cưỡi áp chế được ngay. Lũ ngựa lại chậm rãi, bước một tà tà đi tiếp. Một lần nữa. Pisciotta lại tiến ra giữa lộ. Y giơ cánh tay chỉ vào tên đi đầu. Bucilla dừng lại. Những tên kia cũng dừng lại theo. Pisciotta nói:
- Chắc hẳn gia đình tụi bay sẽ cần những con ngựa này trong những ngày sắp tới. Tao hứa sẽ gửi trả tận nhà. Bây giờ, tất cả xuống ngựa và đến kính chào Guiliano.
Tiếng y vang lên như chuông. Đám nông dân nghe rõ mồn một.
Im lặng một chút, rồi cả năm lặng lẽ xuống ngựa. Chúng vẫn kiêu hãnh nhìn vào đám nông dân. Những con mắt tóe ra những tai lửa ác độc, xấc xược. Thủ hạ của Guiliano khép chặt vòng vây. Cẩn thận và lịch sự, mấy thủ hạ tiến tới tước vũ khí của các sếp sòng và dẫn tới trước mặt Guiliano.
Guiliano, với nét mặt vô cảm, nhìn cả sáu đấng anh hùng hét ra lửa, mưa ra khói một thời. Đã có lần Quintana làm nhục hắn và mấy lần định ám sát hắn. Nhưng nay, tình thế đã đảo ngược. Từ năm năm nay – và có lẽ từ trước đó nữa – cái bản mặt cô hồn của Quintana dường như chẳng thay đổi mấy tí. Người ta, càng thêm tuổi, càng thêm khôn ngoan, nhân đức. Nhưng hắn, càng già càng đểu, càng thêm tuổi càng thâm độc. Vẫn cái nhìn lấm lét của chó sói, nhưng, lúc này, cặp mắt ấy dường như tan hết sinh khí mà vẫn cố làm ra cái vẻ thách thức, bất cần đời của một tay sếp sòng Mafia.
Siano, mặt mày xám ngắt, nhưng vẫn nhìn Guiliano, khinh khỉnh. Bucilla dường như hơi kinh ngạc, như thể hắn ngạc nhiên tự hỏi tại sao hắn lại dính vào một công việc bực bội mà chẳng liên can gì đến hắn. Mấy đấng anh hùng còn lại đều lạnh lùng, nhìn thẳng vào mắt Guiliano, như thể mình là những vĩ nhân mà hắn phải tôn kính, đồng thời lại có vẻ ngạo nghễ, như một tác phong phải có của những tay anh chị gặp bước đường cùng. Guiliano đã nghe danh tất cả sáu vị anh hùng này. Lúc còn nhỏ, hắn sợ oai linh của các đấng này lắm, nhất là Siano. Bây giờ, hắn hạ nhục các đấng trước toàn thể Sicily. Các đấng anh hùng này không còn nhiều thì giờ để quên đi được nỗi nhục nhã này. Vĩnh viễn, chúng là kẻ tử thù. Guiliano biết mình phải làm gì. Nhưng hắn cũng biết mấy đấng anh hùng này cũng là những người cha, người chồng. Vợ con của họ sẽ khóc thương họ.
Các đấng anh hùng nhìn Guiliano, ngạo nghễ, thách thức, kiêu hãnh, không tỏ ra sợ hãi. Ý nghĩ của các đấng đã rõ ràng: “Guiliano, mày muốn làm gì ông thì làm. Ông không sợ. Ông cũng không thèm van xin”. Siano còn đủ hùng khí để nhổ “tẹc” vào chân Guiliano. Để tỏ vẻ  khinh bỉ hay là để tỏ vẻ coi thường thần chết?
Guiliano nhìn thẳng vào mặt từng tên.
- Hãy quì xuống và ăn năn tội lỗi và làm hòa với Chúa đi, - Guiliano dõng dạc ra lệnh cho lục vị cốt đột.
Nhưng cả sáu vị, không ai nhúc nhích. Sáu ông sếp sòng Mafia đứng xếp hàng ngang trước tảng đá vôi trắng. Guiliano đã lớn tiếng oai nghiêm, dõng dạc nói cho cả sáu và cho cả đám nông dân khố rách ngồi đằng kia cùng nghe:
- Nhân danh Thiên chúa, nhân danh đảo Sicily, tao xử tử chúng bay.
Nói rồi hắn khẽ vỗ vai Pisciotta, ra hiệu.
Lúc đó, người hùng Marcuzzi mới bắt đầu quì xuống. Nhưng Pisciotta đã khai hỏa. Cùng lúc, Passatempo, Terranova và Sylvestro cũng lảy cò. Sáu cái xác bị đạn tiểu liên hất tung lên, rồi té vật vào tảng đá như cơn bão hất tung những phiến lá khô. Máu chảy chan hòa. Loang lổ. Sáu cái xác rướn lên, chới với, quơ quào như đi trên dây, rồi ngã vật xuống giãy giụa vài cái và nằm xuội lơ.
Từ trên tháp cao, hoàng thân đã chứng kiến từ đầu tới cuối. Và ngài quay đi.
Guiliano bước tới, rút súng. Chậm rãi, trang nghiêm như cố đạo cử hành lễ, hắn lần lượt tặng cho mỗi người hùng một phát ân huệ.
Có tiếng reo hò ầm ĩ của đám khố rách chứng kiến cảnh đó. Và chỉ vài giây sau, hàng ngàn người ồ ạt, chen chúc nhau vượt qua cổng để vào lâu đài của hoàng thân Ollorto.
Đứng nhìn họ, Guiliano để ý thấy không một người nào trong đám đông dám lại gần hắn.
..............
(1) “Puộc – boa”: nguyên văn Pour boire: tiền trà nước, tiền thù lao.

<< CHƯƠNG 20 | CHƯƠNG 22 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 259

Return to top