Buổi sáng ngay sau đêm phục kích và trốn thoát khỏi Montelepre, Turi Guiliano và Aspanu tắm nắng ở dòng suối sau hang Bianca trên đỉnh núi Ora. Chúng dựng súng vào vách đá và trải mền ra, nằm duỗi dài để tắm nắng ban mai.
Hang Bianca dài và sâu. Ở cuối hang có tảng đá lớn đụng trần chặn ngang. Lúc nhỏ Turi và Aspanu đã tìm cách nhích được tảng đá đó ra một chút đủ cho người chui lọt. Và chúng đã thấy một lối thông sang sườn núi bên kia. Lối đó có từ thời trước Công nguyên và do đạo quân nô lệ đào để lẩn trốn và phục kích đạo quân La Mã. Xa phía dưới thị trấn Montelepre trông nhỏ bằng bàn tay. Những đường mòn dẫn đến rặng núi trông như những con giun ngoằn ngoèo bám vào vách núi. Mặt trời đang mọc nhuộm vàng rực rỡ những mảnh tường xây bằng đá màu xám và những mái nhà.
Không khí ban mai trong trẻo, trái lê dại trên mặt đất mát lạnh và ngọt. Turi bóc một trái, cẩn thận cắn để hút nước xấp giọng. Vài giờ nữa, sức nóng mặt trời sẽ làm cho những trái này khô xác như bông gòn. Những con tắc kè đầu tròn như trái banh, bốn cẳng nhỏ xíu hốt hoảng bò tới, bò lui trên tay, trên người họ. Những con vật này trông dữ tợn nhưng vô hại. Guiliano hất chúng ra.
Trong khi Aspanu lau chùi vũ khí, Turi nhìn xuống thị trấn bên dưới. Mắt hắn phân biệt được những chấm đen đen là những nông dân đang làm việc trên ruộng. Nó cố định vị nhà nó ở chỗ nào. Trước đó đã lâu – lúc chúng còn nhỏ - hắn và Aspanu đã trương hai lá cờ - một lá cờ Sicily và một lá cờ Mỹ - trên nóc nhà chúng. Tuy là những đứa trẻ ranh ma, nhưng lại thích được coi là những nhà ái quốc. Nhưng cái ý đồ thực sự của chúng khi trương cờ lên như vậy là để cho chúng leo lên những đỉnh núi cao này, chúng có thể nhìn thấy nhà của chúng.
Bỗng nhiên, chúng nhớ lại câu chuyện mười năm trước, chính quyền phát – xít trong thị trấn đã bắt chúng hạ cờ Mỹ xuống. Hai đứa tức điên, bèn hạ luôn cả hai lá cờ Sicily và Mỹ, rồi đem lên hang Bianca chôn dưới gần chỗ tảng đá ở cuối hang.
Guiliano nói với Pisciotta:
- Mày trông chừng chỗ mấy đường mòn.
Rồi nó đi vào hang. Mặc dầu đã qua mười năm, Guiliano vẫn còn nhớ chỗ đã chôn hai lá cờ. Một lớp rêu mỏng, màu xanh đen, xác xơ phủ trên chỗ chúng đã đào để chôn hai lá cờ, Guiliano lấy hòn đá làm cuốc để đào. Chỉ trong một hai phút, hai lá cờ đã lộ ra. Lá cờ Mỹ hơi bị nhàu nát và dính đất bọc ngoài lá cờ Sicily. Và cái bao hai lá cờ cũng vẫn còn. Lá cờ Sicily màu đỏ tươi và vàng vẫn còn rõ nét như hồi hắn mười tuổi và không bị thủng lỗ nào. Hắn đem ra ngoài hang, vừa cười vừa nói với Pisciotta:
- Aspanu, mày còn nhớ cái này không?
Pisciotta nhìn lá cờ và cả hai cười thích thú.
- Thật đúng là định mệnh. – Pisciotta la lên và nhảy lên giật lấy lá cờ trong tay Guiliano. Y đi lại phía mỏm núi cắm lá cờ vẫy vẫy. Rồi, cả hai đứa đứng lặng thinh chẳng nói chẳng rằng như thể mỗi đứa chìm vào trong những ý nghĩ riêng tư của mình. Guiliano bẻ một nhánh cây gần đó, cắm nhánh cây xuống và chèn mấy hòn đá cho chắc, rồi treo lá cờ vào đó. Lá cờ bay phấp phới. Từ dưới thị xã cũng có thể nhìn thấy. Và chúng ngồi xuống mỏm đá, chờ.
Cho đến tận trưa, chúng chẳng nhìn thấy gì. Nhưng, rồi chúng thấy một người cưỡi lừa đi trên đường mòn bụi bặm dẫn đến vách núi. Chúng nhìn thêm một giờ nữa cho đến khi con lừa đi vào rặng núi và bắt đầu leo dốc. Pisciotta nói:
- Mẹ kiếp, người cưỡi nhỏ hơn con lừa thì chỉ có thể là ông bố đỡ đầu của mày, chứ không ai!
Guiliano nhận ra ý khinh thường trong giọng nói của Pisciotta. Y dù ốm o, mảnh khảnh, nhưng lanh lợi, hoạt bát và trông cũng khá điển trai – nên rất tởm những người dị dạng. Bênh ho lao khiến đôi khi ho ra máu cũng làm y gớm, nhưng không phải vì y cho rằng bệnh ấy nguy đến tính mạng, mà vì sợ rằng bệnh ấy làm cho y mất đẹp trai đi. Dân Sicilian có cái khoái đểu cáng là dựa vào kỳ hình dị tướng của người ta để đặt cho những cái hỗn danh châm chọc, chế giễu, mỉa mai đến độ tàn nhẫn. Đã có lần, bị thằng bạn gọi là “ngực lép”, Pisciotta đã xỉa cho thằng đó một dao. May mà Guiliano kịp can ra, chớ không thì thằng đó cũng rồi đời.
Guiliano chạy xuống vài dặm và nấp đằng sau một tảng đá lớn. Đó là lối chơi ngày còn bé, hắn và Aspanu hay chơi. Hắn đợi cho Adonis đi qua, rồi chĩa súng phía sau lưng và thình lình quát to: “Đứng im! Cấm nhúc nhích!”. Lại một trò chơi hồi bé. Adonis từ từ quay lại để che cái tay đang rút súng lục. Đứng đằng sau tảng đá, Guiliano cười và lên tiếng:
- Turi đây mà, bố! – Và đợi cho đến khi Adonis nhét súng vào beo và cởi ba – lô ra, Guiliano mới hạ nòng súng và rời khỏi chỗ nấp. Biết là vì cặp giò quá ngắn, nên ông Adonis lên, xuống ngựa khá khó khăn, Guiliano định chạy ra đỡ ông xuống. Nhưng khi tới nơi thì ông đã tuồn được xuống đất rồi và vội vã ôm hôn hắn. Họ đi ngược lên, Guiliano dắt lừa.
- Khá đấy, nhỏ, mầy đã đốt giai đoạn rồi, - Hector Adonis nói bằng cái giọng nghề nghiệp của ông. – Đêm hôm rồi, thêm hai mạng cảnh sát nữa. Không phải chuyện giỡn chơi đâu, nghe con!
Khi họ tới chỗ mỏm đá, Pisciotta chào ông.
- Nhìn ngọn cờ Sicilian. – Adonis nói, - Thầy biết là tụi con ở quanh quẩn đâu gần đó thôi.
Pisciotta toét miệng ra cười:
- Turi và con cùng với ngọn núi này đã tách ra khỏi nước Ý và tuyên bố độc lập.
Hector Adonis nguýt một cái và nghĩ bụng: “Thật đúng cái thói duy ngã của bọn thanh niên ngông cuồng, cứ cho mình là cái rốn của vũ trụ”.
- Tận dưới thị xã cũng còn nhìn thấy lá cờ này, kể cả Maresciallo và đám cảnh vệ. Thế nào tụi nó cũng lên đây tước lá cờ đó!
- Lúc nào cũng giở cái giọng dạy đời ra được! – Pisciotta nói một cách xấc xược. – Chúng sẽ đến đây để chào cờ. Và chúng sẽ chỉ gặp lá cờ này mà thôi. Ban đêm thì tụi này hoàn toàn bình an, vô sự. Bọn cớm mà dám mò lên đây ban đêm thì có hoạ là trời sập.
Adonis làm như không biết đến y. Ông tháo cái túi đeo trên lưng con lừa ra và lấy từ trong túi ấy một cái ống nhòm loại tốt, nhìn xa, rồi mấy bộ quần áo, kể cả đồ lót, bộ đồ cạo râu của ông bố hắn và sáu bánh xà – phòng. Trao cho Guiliano, ông nói:
- Ở đây thì con cần mấy thứ nầy!
Guiliano khoái nhất cái ống nhòm. Chúng nó liệt kê những thứ chúng cần và nhờ ông tuần sau mang lên. Guiliano biết là mẹ hắn ưa tích trữ xà – phòng đủ xài cho cả năm.
Ở một cái túi khác, ông Adonis lôi ra một tảng phó mát có trộn tiêu, một ổ bánh mì và một ổ bánh gì đó nhồi đầy thịt heo, rồi lại phó – mát và trứng gà luộc. Chỉ tay vào cái bánh nhồi thịt, ông Adonis nói:
- Cô La Venera gửi cái bánh này cho con, nói là ngày trước, mỗi khi lên núi thăm chồng, chị ta đều làm bánh này. Với cái bánh này, anh chồng chị ăn cả tuần lễ, không bị hư.
Pisciotta nheo con mắt ra hiệu vừa thân mật vừa châm chọc và nói với Guiliano:
Càng già càng dẻo càng dai.
Bà càng kinh nghiệm, thì trai càng mòn,
Bà càng lắm phép nhiều đòn,
Vài đêm ân ái, trai còn bộ xương!
Đúng không? Guiliano? – Và, Pisciotta lăn ra cười hô hố.
Hai đứa ngồi xuống vệ cỏ, bẻ bánh ra ăn. Pisciotta lấy con dao y vẫn dùng để “lụi” người ra cắt phó mát. Đám cỏ chúng ngồi có nhiều côn trùng, nên chúng dọn lên chỗ mỏm đá. Ăn xong, chúng uống nước suối trong vắt chảy ở phía dưới chúng chừng ba chục mét. Rồi chúng lại lên chỗ mỏm đá, ngồi. Ông Adonis thở dài:
- Hai đứa tụi con cứ nhởn nhơ tự mãn. Nhưng đây đâu phải là chuyện giỡn chơi, mà là chuyện giết người. Nếu chúng bắt được tụi con là chúng “phơ” liền tại chỗ.
- Nếu tụi con bắt được tụi nó cũng vậy, - Guiliano trầm tĩnh nói, - cũng “phơ” liền.
Ông Adonis rất xúc động về điều này. Vậy là hết hy vọng dàn xếp:
- Đừng có liều lĩnh, - ông nói, - Tụi con còn trẻ quá mà.
Guiliano nhìn ông thật lâu, rồi trầm tĩnh nói:
- Tụi con còn quá trẻ đối với bố, nhưng đối với tụi nó thì chắc là đủ lớn để tụi nó xả súng bắn chỉ vì buôn chui phó – mát. Tụi nó đối dãi với tụi con như vậy, bộ bố muốn tụi con phải cong đuôi chạy à? Để gia đình tụi con chết đói à? Để hàng tuần bố đem thức ăn cho tụi con, còn tụi con nhởn nhơ ở đây chơi à? Tụi nó đến đây để giết tụi con, bộ tụi con phải quỳ xuống để cho tụi nó giết à? Và thưa bố, khi con còn nhỏ, bố đã chẳng nói cho con nghe về đời sống khốn khổ, khốn nạn của người nông dân Sicilian đó sao? Họ đã bị bọn người Rome, bọn thu thuế, bọn quí tộc, bọn địa chủ áp bức, bóc lột như thế nào khi đi làm thuê làm mướn cho chúng nó, làm quần quật còn hơn con lừa mà chỉ nhận được đồng lương vừa đủ để khỏi chết đói đó sao? Bản thân con đây này, con cùng với 200 người dân ở thị trấn đến quảng trường để cho chúng mặc cả giá tiền công như thể chúng con là súc vật không bằng. “Một trăm lire công một buổi sáng, chịu thì chịu, không chịu thì thôi, cút, xéo, về nhà mà chết đói nhăn răng ra, đừng có đứng ở đó mà lải nhải xin xỏ, rác tai ông!” Đấy, chúng nó nói với chúng con như thế đấy! Chúng nó đối đãi với chúng con như thế đấy. Ấy thế mà vô số anh em chúng con biết rằng nó bóc lột mình mà vẫn phải cắn răng chấp nhận đồng lương chết đói ấy. Ai sẽ là vô địch ở Rome, nếu không phải là Guiliano?
Nghe vậy, giáo sư Adonis hết hồn vía. Là một thằng ăn cướp đã là quá mạo hiểm, nhưng là một nhà cách mạng thì lại còn mạo hiểm hơn.
- Trong văn chương thì mọi sự đều hay, đều đẹp cả, - ông Adonis nói. – Nhưng trong thực tế cuộc đời thì làm vậy là mau xuống mồ lắm, con ơi! – Ông im lặng một chút, rồi ông nói: - Đêm hôm qua con làm anh hùng có ích hay không thì chưa biết nhưng mấy người lối xóm của con hiện ở tù oan, cái đó thì chắc chắn.
- Con sẽ giải cứu họ - Guiliano bình tĩnh, thản nhiên nói.
Những tưởng ông bố sẽ cổ vũ, hay ít ra cũng thông cảm thì Guiliano lại chỉ thấy sự sửng sốt đến hốt hoảng trên khuôn mặt ông ta. Hắn biết rằng trong đầu óc và tâm trí của Adonis, hắn vẫn chỉ là một thằng Guiliano, một thanh niên nhà quê tốt bụng thuở nào.
- Bố nên hiểu con hiện nay như thế nào. – Nói đến đó, hắn bỗng ngưng không nói nữa, có thể nào hắn đoán đúng ý nghĩ của ông? Có lẽ ông nghĩ là hắn kiêu căng vô lối. Nhưng rồi hắn lại nói tiếp. – Con không sợ chết, con chỉ sợ sống nhục và chết nhục thôi!
Hắn mỉm cười với ông, nụ cười mà ông rất thích:
- Thật ra chính con cũng phải ngạc nhiên về những thay đổi trong lòng con nữa là ai. Nhưng, con không sợ bị giết. Vì con linh cảm con sẽ không thể bị như vậy. – Hắn cười lớn: - Bọn cảnh sát dã chiến, xe bọc thép có súng đại liên... tất cả những thứ giết người đó của bọn cầm quyền ở Rome đều không làm cho con sợ. Con có thể đánh bại chúng. Trên cái rặng núi ở Sicily này, đã và đang có đầy rẫy các băng cướp. Băng này tan rã thì băng khác hình thành. Passatempo và băng của hắn. Rồi, Terranova. Chúng thách thức bọn cầm quyền ở Rome đó. Tại sao con lại không thể làm như bọn đó được nhỉ? Con thừa sức làm và con làm hay hơn bọn đó nữa kìa!
Ông Adonis cảm thấy vừa vui mừng, vừa lo lắng. Phải chăng ngoài vết thương trên người, nó còn bị thương ở não bộ? Hoặc nó lãng mạn, tưởng thời buổi này cũng giống như những ngày khởi đầu của lịch sử các anh hùng như Alexandre đại đế, như các Caesare, các hiệp sĩ kiểu Roland? Khi nào thì giấc mơ làm anh hùng khởi đầu, nếu không phải là lúc ngồi một mình, nghĩ vẩn nghĩ vơ ở một khe núi hay là lúc ngồi tán dóc với bạn bè rồi cao hứng, bốc đồng nói cho đã rồi thôi? Nhưng, ông Adonis nói một cách hững hờ:
- Thôi, bỏ cái chuyện Pasatempo với Terranova đi, chúng đã bị bắt và hiện đang bị giam ở ngay nhà lao trong trại Bellatapo kia. Vài ngày nữa chúng sẽ bị giải đi nhà lao Palermo.
- Con sẽ phải cứu họ, - Guiliano nói – Con hy vọng họ sẽ nhớ ơn con!
Cái vẻ quyết liệt, chắc ăn trong cách ăn nói của Guiliano đã thực sự làm cho Pisciotta khoái chí. Cả hai đều giật mình vì thấy rõ ràng sự thay đổi ở Guiliano tuy mỗi người thấy ở những khía cạnh khác nhau. Cả hai lý do và cái cách yêu thương, trọng nể ấy khác nhau, Guiliano luôn có cái vẻ đĩnh đạc, đàng hoàng, nói năng mực thước so với cái tuổi và cái vốn sống của hắn. Nhưng đây là lần đầu tiên cả hai thấy rõ cái xu hướng về quyền lực của nó. Ông Adonis nói:
- Họ nhớ ơn con? Thế con có biết là Passatempo đã giết người chú ruột của nó, người đã cho nó con lừa đầu tiên để làm vốn, làm kế sinh nhai không?
- Nếu vậy thì con sẽ dạy cho hắn biết thế nào là lòng biết ơn. – Ngưng một lát, Guiliano nói tiếp: - Bây giờ, con xin bố một ân huệ. Bố suy nghĩ cho kỹ đi, rồi hãy trả lời. Nhưng, dù bố cho con cái ân huệ ấy hay không thì con cũng vẫn là đứa con đỡ đầu hiếu thảo và kính trọng bố. Bố đừng quên rằng bố là bạn thân của cha mẹ con, và cũng đừng quên lòng trìu mến mà con dành cho bố, con cũng xin nói rõ: con xin bố ân huệ này không phải cho lợi ích cá nhân con, mà là cho xứ sở Sicily mà bố dạy con phải yêu nó. Ân huệ đó là: bố hãy là tai, là mắt của con ở Palermo.
- Điều mà con xin bố. – Adonis nói, - Có nghĩa là một giáo sư đại học Palermo phải trở thành một thành viên một “băng” gồm những tên sống ngoài vòng pháp luật?
- Điều đó thì có lạ gì ở cái xứ Sicily này kia chớ, - Pisciotta nóng nảy nói chen vào, - Ở đây, ai mà chẳng dính dáng xa gần đến cái lũ “Người anh em” chó đẻ ấy. Và có ở đâu mà một giáo sư đại học lại có súng lục nhét cạp quần như ở Sicily này không?
- Hector Adonis chăm chú nhìn cả hai đứa trong khi ông suy nghĩ câu trả lời. Ông có thể dễ dàng hứa rồi quên hay lờ đi không thực hiện lời hứa ấy. Ông cũng có thể từ chối hoặc chỉ hứa lâu lâu giúp đỡ một lần như một người bạn có thể giúp đỡ một người bạn, kiểu như ông làm ngay hôm nay. Sau cùng, nếu có hứa như hắn yêu cầu thì cái vở kịch này cũng không kéo dài vì Guiliano có thể bị giết trong lúc chiến đấu hay bị phản bội. Hắn cũng có thể di cư sang Mỹ, và thế là vấn đề được giải quyết. Ông suy nghĩ một cách buồn bã.
Hector Adonis nhớ lại một ngày hè cách đó đã lâu lắm rồi, một ngày hè cũng như ngày hôm nay, lúc đó Turi và Aspanu mới chừng tám tuổi, chúng đang chơi trên mảnh đất phía sau nhà để đợi bữa ăn chiều. Ông Hector Adonis đem về cho Turi một ít sách ấy là thiên anh hùng ca “ Hiệp sĩ Roland”. Ông đã đọc cho chúng nó nghe.
Ông Adonis hầu như thuộc lòng cả thiên anh hùng ca đó. Và cuốn đó được những người Sicilian có học thức mê say đã đành mà ngay cả những người vô học cũng mê nữa. Cuốn đó là trụ cột, là cái đinh của các gánh hát múa rối búp bê lưu diễn khắp thành thị, thôn quê. Và các tích truyện của cuốn đó được chuyển thành hình vẽ trên các bánh xe lừa kéo ngược xuôi trên khắp xứ Sicily. Hoàng đế Charlemagne có hai hiệp sĩ – Roland và Oliver – tử thủ để chặn hậu cho cuộc rút lui của mình. Adonis đã kể lại trận đánh ở đèo Ronceveaux, hai hiệp sĩ đó đã chết như thế nào, Oliver đã ba lần năn nỉ Roland thổi tù và để gọi quân của Charlemagne trở lại như thế nào, và Roland đã hiên ngang từ chối ra sao. Và rồi quân Hồi đã áp đảo, đã tràn ngập. Đến lúc đó, Roland mới thổi tù và. Nhưng, đã quá trễ. Khi hoàng đế Charlemagne quay lại cứu hai hiệp sĩ, ngài chỉ thấy thi thể của họ lẫn lộn trong đám hàng ngàn xác chết của quân Hồi giáo. Và ngài đã bứt tóc, bứt râu, vật vã trách mình và than tiếc hai người tôi trung thành đã anh dũng hy sinh. Adonis nhớ những giọt nước mắt long lanh của Guiliano khi nghe kể chuyện. Nhưng cũng khá kỳ cục là trong khi Guliano cảm động, khóc, thì trên vẻ mặt của Pisciotta lại lộ ra cái vẻ khinh thường, giễu cợt. Đối với đứa này thì đó là giờ phút đáng sống nhất của một con người, đối với đứa kia thì đó là một cái chết nhục nhã của những người bất trung và ngu xuẩn.
Hai đứa trẻ đứng dậy chạy vào nhà để ăn cơm. Turi khoác tay Pisciotta. Ông Adonis mỉm cười nhìn cử chỉ đó. Chính Roland đã đỡ Oliver đứng dậy để cả hai cùng chết đứng trước cuộc tấn công của quân Hồi. Khi chết, Roland đã chĩa thẳng mũi giáo của mình lên trời xanh. Và một thiên thần đã lượm lấy mũi giáo đó. Thiên anh hùng ca và các huyền thoại dân gian đều kết thúc như vậy.
Cách nay cả ngàn năm rồi, nhưng Sicily vẫn triền miên bị đau khổ trong cái khung cảnh tàn bạo của một cái máy ép dầu ôliu, của những cánh đồng cháy sém, của những miếu thờ bên đường xây từ hồi những người Siciclian đầu tiên theo Thiên Chúa giáo, của vô vàn những cây thập tự được dựng lên để đóng đinh đoàn quân gồm những người nô lệ nổi dậy dưới sự lãnh đạo của Spartacuss. Và đứa con đỡ đầu của ông có thể là một anh hùng khác nữa thêm vào số những anh hùng đã quá nhiều ở cái xứ Sicily này. Nhưng nó không hiểu rằng, để có thể cho Sicily thay đổi thì cần phải có ngọn núi lửa tinh thần phun lên, thiêu trụi hòn đảo này.
Bây giờ, mười mấy năm sau, nhìn ngắm chúng trên mỏm đá trên đỉnh núi Ora, Guiliano đang chiếu đôi mắt màu nâu đậm vào ông Adonis, miệng mỉm cười như thể muốn nói hắn biết rõ ông bố đang nghĩ gì trong đầu, ông Adonis thấy một sự thay đổi kỳ lạ đang diễn ra, Ông thấy chúng như những bức tượng chạm nổi trên cẩm thạch, nhưng thân thể chúng bị đánh văng ra khỏi cuộc sống bình thường. Giữa Guiliano và Pisciotta có cái dáng dấp của một con người hiểm độc hung ác chỉ chuyên gieo rắc trên thế giới dao găm và chất độc. Trong khi đó, Guiliano – thân hình cao lớn của một người Mỹ, khuôn mặt có vẻ đẹp của tượng thần Apollo Hy Lạp – tỏa ra cái vẻ thơ ngây, chân chất của một anh hùng huyền sử.
Ngay từ lúc còn nhỏ, Pisiotta đã tự ra thực tiễn. Xảo quyệt, lạnh lùng, tàn nhẫn, coi thường mọi sự. Guiliano, trái lại sẵn sàng tin vào thiện tâm của con người và kiêu hãnh vì sự thành thật của mình. Ngay từ những ngày đó, Hector Adonis đã nghĩ rằng rồi ra Pisciotta sẽ là người lãnh đạo và Guiliano chỉ là kẻ thực hiện. Nhưng, ông cũng chỉ biết đến thế và dự đoán đến thế chứ không biết gì hơn.
Nhưng, một người tin vào đức hạnh của mình thì có thể nguy hiểm và tàn bạo hơn một người tin vào sự xảo quyệt của mình. Bởi vì cơn cám dỗ của điều thiện đã cho ta sức mạnh và an tâm lao vào sự tàn bạo mà vẫn tưởng mình là hiệp sĩ của cái thiện. Lịch sử đã có nhiều tấm gương như vậy mà Robespierre chỉ là một.
Cái giọng chế giễu, châm chọc, xấc xược của Pisciotta đã phá vỡ cơn mơ màng của Adonis.
- Thôi, giáo sư cứ ừ đại đi cho rồi! Tôi sẽ làm phó tướng trong cái băng cướp của Guiliano. Nhưng, dưới tôi, không có thằng nào để ra lệnh. – Y toét miệng cười, nói tiếp: - Tuy nhiên, tôi muốn khởi nghiệp một cách khiêm nhường.
Mặc dầu không bị khiêu khích, đôi mắt của Guiliano vẫn lóe lên ngọn lửa tức giận. Nhưng, hắn lại điềm tĩnh nói:
- Câu trả lời của bố là thế nào?
Hector Adonis đáp:
- Được. Một ông bố đỡ đầu có thể nào trả lời khác trong trường hợp này?
Rồi Guiliano dặn ông Adonis làm gì khi ông trở về, và phác họa kế hoạch hành động cho ngày hôm sau. Một lần nữa, ông Adonis lại sửng sốt về sự liều lĩnh và táo bạo trong kế hoạch của hai chàng thanh niên này. Nhưng, khi Guiliano đỡ ông lên lưng lừa, ông đã tự vào đứa con đỡ đầu của mình và hôn nó.
Pisciotta và Guiliano đứng nhìn ông lần theo đường mòn đi xuống để trở về Montelepre.
- Người gì đâu mà nhỏ thó! – Pisciotta nói, - Vóc dáng như vậy chơi trò ăn cướp với tụi mình lúc bé là vừa.
Guiliano quay về phía y, nói một cách nhẹ nhàng:
- Còn mày thì từ nay nên ăn nói đứng đắn, đàng hoàng chút. Lúc nào giỡn thì giỡn, lúc nào cần bàn những chuyện nghiêm túc thì phải nghiêm túc chứ. Lúc nào cũng cái giọng chớt nhả, xấc xược.
Nhưng, nói gì thì nói, chúng vẫn ôm hôn nhau trước khi đi ngủ và Guiliano thủ thỉ với Pisciotta:
- Mày là em tao, nhớ điều đó!
Chúng quấn mền nằm ngủ đêm cuối cùng với cuộc sống vô danh của chúng. Ngày mai, cùng với mặt trời lên, bóng tối vô danh đó vĩnh viễn chấm dứt.