Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> SICILY - MIỀN ĐẤT DỮ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 31034 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

SICILY - MIỀN ĐẤT DỮ
Mario Puzo

CHƯƠNG 13

Các sếp Mafia trên toàn cõi Sicily yêu cầu có một cuộc  hợp với Ông Trùm. Mặc dầu được nhìn nhận là sếp lớn, là Chúa Trùm, nhưng Croce không trực tiếp cai trị chúng theo kiểu thượng cấp và thuộc hạ, mỗi sếp vẫn có giang sơn riêng. Tổ chức Mafia cũng giống như một vương quốc thời Trung cổ. Các công tước, hầu tước có thế lực đem binh lực riêng của mình đến hỗ trợ cuộc chiến của một công tước, hầu tước có thế lực nhất mà họ nhìn nhận là người cai trị họ trên danh nghĩa. Nhưng các công tước, hầu tước thuở xưa, tuy phải thề trung thành với nhà vua, nhưng không vì thế họ không dám “quất” lại vua, nếu vua tỏ ra kém bản lãnh hoặc yếu hơn họ. Nếu họ trợ chiến, và chiến thắng, vua không chia chiến lợi phẩm cho họ là không xong. Ông Trùm không cai trị các sếp Mafia bằng quyền lực vật chất mà bằng trí thông minh, uy tín và sự được trọng nể lâu ngày. Lão cai trị bằng cách điều hợp các lợi ích phân tán để tập trung vào lợi ích chung, tất cả đều có lợi.
Ông Trùm cũng phải rất cẩn thận đối với các sếp. Cũng như vua thời Trung cổ không dám lơ mơ với các công tước, hầu tước. Mỗi sếp Mafia – trong giang sơn của mình là một đấng toàn quyền. Mỗi sếp đều có tay chân bộ hạ riêng, có “quân binh chủng” riêng. Chẳng hạn có “chuyên gia” đầu độc, “chuyên gia” tấn công ngân hàng, “chuyên gia” chặn cướp xe lửa... Trong lãnh vực này, các sếp không thua gì sếp lớn từ là Ông Trùm, Chúa Trùm. Chính vì vậy, Ông Trùm Croce rất muốn Guiliano về với mình để làm “quả đấm sắt”, tức là chỉ huy cánh quân sự của mình.
Các sếp Mafia của Sicily cũng “có nghề”, cũng khôn khéo, ranh ma, trong đó có những bàn tay tàn độc, quỷ quyệt nhất Sicily. Chẳng phải chúng bị ép buộc phải hợp tác xây dựng quyền lực cho Ông Trùm, mà chính vì quyền lợi riêng của chúng đòi hỏi chúng phải tín nhiệm và hợp tác với lão, tin vào sự khôn ngoan của lão. Nhưng, theo ý chúng, người thông minh nhất thế giới cũng đôi khi sai lầm. Theo ý chúng, Ông Trùm ăn phải bả thằng Guiliano, đã mê nó. Chẳng biết những tính toán lắt léo của lão trong cái vụ “mê” này có đi đến kết quả gì không. Nhưng khởi đầu sự sập tiệm của cả bọn thì đã rõ.
Ông Trùm làm bữa tiệc tẩy trần để thết sáu ông sếp tại vườn trong khu “khách sạn Umberto” của lão ở Palermo. Tại đó, tuyệt đối bí mật và an toàn.
Sếp đáng sợ nhất, ăn nói bạt mạng nhất trong số các sếp có máu mặt hôm đó là Don  Siano. Hắn nắm thị trấn Bisacquino. Hắn được đại diện cho các “sếp” kia để ngỏ lời trước tiên. Tuy là một chức sắc của tổ chức “Người anh em”, hắn nói thô lỗ đến mức không sao chịu được.
- Ông anh Croce, ông anh dư biết tụi này rất nể ông anh. Tụi này cũng không quên cái ơn ông anh đã hồi sinh tụi này và cả gia đình tụi này. Phải nói là tụi này mắc nợ ông anh rất lớn. Nhưng buộc lòng tụi này phải nói ra điều này, chính là để đền đáp, để phục vụ lợi ích của ông anh. Thằng chó đẻ Guiliano, thằng cướp cạn ấy, thằng lục lâm ấy đã trở nên mạnh quá rồi. Và bọn mình đã chơi đẹp, có thể nói là đã nể nang nó quá rồi. Chính vì thế mà nó tưởng nó oai, đâm khệnh khạng mới tức chứ. Nó chỉ là một thằng nhóc mới lớn. Ấy thế mà nó dám vuốt râu cọp là ông anh đây, dám mó dái ngựa là tụi này. Nó cướp nữ trang của ông khách “sộp” nhất của bọn mình. Nó nẫng tay trên ô liu, nho, lúa mì của những chủ đất đã mướn mình bảo trợ, có khác gì nó chửi cha mình. Nó bắt cóc hoàng thân Ollorto mà nó biết do chính ông anh che chở, chẳng phải là nó muốn nắn gân ông anh sao? Vậy mà ông anh lại cứ muốn tiếp tục chơi đẹp với nó, tiếp tục chìa bàn tay hữu nghị ra cho nó. Đ.m, tôi biết nó mạnh. Nhưng thử hỏi, tất cả anh em mình hiệp lại, bộ lép hả? Mạnh hơn nó là cái chắc. Thế thì tội đếch gì mà cứ để thằng nhóc chơi trội hoài vậy. Và, nếu ông anh không triệt nó sớm tức là dung dưỡng cho nó ngày một mạnh hơn. Tất cả anh em chúng tôi ở đây đều đồng ý là đã đến lúc phải giải quyết dứt điểm vấn đề này. Phải dùng tất cả mọi biện pháp để bẻ gãy sức mạnh của nó. Nếu vụ bắt cóc hoàng thân Ollorto mà bọn mình cũng cho êm ru, thì dân Sicilian sẽ cười mình thối óc, chịu gì thấu, và bọn mình cũng hết đường làm ăn.
Ông Trùm gật gật gù gù như thể đồng ý. Nhưng lão không nói gì. Guido Quintana, một tên đụt nhất trong đám, rền rĩ nói:
- Tôi là thị trưởng của Montelepre. Mẹ kiếp, cả bàn dân thiên hạ, ai không biết tôi cũng là người của phe ta. Ấy vậy mà đếch có ma nào đến tôi để xin phân xử gì ráo. Nhất là đếch có biếu xén cái con mẹ gì bao giờ. Tôi là thị trưởng, nhưng thực tế thằng quái Guiliano là người cai trị. Nó để cho tôi sống chẳng qua là để khỏi gây lôi thôi rắc rối với anh em mình, khi nó cảm thấy chưa đủ mạnh để chơi xả láng đấy thôi. Nhưng, Đ.m, tôi lấy đếch gì mà sống. Tôi đếch có quyền gì hết. Tôi chỉ là thằng bu nhìn. Chừng nào mà còn thằng khốn đó thì tổ chức “Người anh em” đừng hòng làm ăn được ở cái thị trấn Montelepre. Tôi đếch sợ thằng nhóc đó. Tôi sẵn sàng đương đầu với nó ngay tức khắc. Trước và sau khi nó thành một thằng ăn cướp, đếch bao giờ tôi nghĩ nó là một thằng đáng sợ. Nếu trong hội nghị này, phe ta bật đèn xanh, tôi phủi nó liền. Mẹ kiếp, tôi đã có kế hoạch. Chỉ đợi ông anh đây đồng ý là “a – lê hấp”, thằng này chơi liền.
Sếp Piddu ở Caltanisetta và sếp Arzana của thị trấn Piani dei Greci gật đầu ô – kê liền. Sếp Piddu lên tiếng:
- Chơi với nó sát ván thì khó đếch gì mà ông anh phải ngại. Mẹ kiếp, với tiềm lực của anh em mình đây thì đủ sức để phơi thây nó ở sân nhà thờ chánh toàn Palermo cũng còn được. Rồi mình đến dự đám tang của nó như dự lễ cưới cũng dư xăng.
Các sếp khác như Marcuzzi, trùm ở Villamura, sếp Burilla trùm ở Partinico đều lên tiếng nhất trí. Và chúng đợi ý kiến Ông Trùm.
Lão ngẩng cái đầu sư tử của lão lên, chĩa cái mũi nhọn như mỏ diều của lão vào từng sếp, rồi từ tốn nói:
- Anh em, tôi đồng ý với những gì anh em vừa nói. Nhưng tôi nghĩ là mấy anh em đã coi thường thằng nhỏ này quá đấy. Nó khôn như quỉ, ranh ma trước tuổi đã đành, mà có lẽ bản lãnh của nó, sự can đảm của nó, nếu không hơn thì cũng không thua bất cứ anh em nào đang ngồi ở đây. Không dễ gì mà làm thịt nó được đâu. Nhưng trên hết là tôi thấy nó có chỗ dùng cho anh em mình sau này, không phải cho riêng tôi, mà cho tất cả các anh em mình. Vấn đề là phải làm thế nào để vẫn diệt được nó mà vẫn được việc của mình.  Vậy mới là cao tay ấn. Mấy anh em chưa thấy rõ cái họa của chính anh em mình không phải là thằng Guiliano, mà là bọn cộng sản, bọn xã hội. Mấy anh em đã có kinh nghiệm xương máu với Mussolini. Nhưng Mussolini so với cái họa cộng sản chẳng khác nào con mèo so với con sư tử. Bọn cộng sản đang hớp hồn dân quê Sicilian, đang làm cho bọn nhà quê điên lên, đứa nào cũng tưởng mình là Garibaldi cả. Thằng Guiliano đang có ảnh hưởng mạnh đối với bọn nhà quê. Bởi vậy, trước mắt, mình phải làm thế nào để thằng Guiliano đừng bị cộng sản hớp hồn cái đã. Sau đó, biến nó thành cây roi quất lại bọn cộng sản. Làm như vậy, mình thêm một đồng minh – tất nhiên là tạm thời – để chơi một kẻ thù khác nguy hiểm hơn. Tôi chưa nói hết với mấy anh em cái hậu quả tai hại mà anh em mình sẽ phải chịu nếu bọn cộng sản, bọn xã hội lên nắm chính quyền. “Đứt bóng” hết ráo là cái chắc. Bởi vậy, phải khích thằng Guiliano quất cho bọn mọi rợ kia sụm đã. Khi nó đã diệt xong bọn kia, lực lượng của nó thế nào chẳng bị sứt mẻ, lúc đó mình diệt nó mấy hồi?
“Ông Trùm” thở dài như thể thất vọng về sự chậm hiểu và thiển cận của mấy sếp.
- Mấy anh em hãy cho tôi cái đặc ân là để cho tôi khích nó quất tụi cộng sản đã. Nếu nó từ chối, lúc đó anh em ai có sức chơi nó cách nào, xin cứ tùy ý, tôi còn khuyến khích nữa. Trong vòng ba ngày nữa, tôi xin trả lời dứt khoát với anh em. Cứ để tôi thử lần chót xem nó có biết phải trái không đã.
Cũng lại sếp Siano là người đầu tiên gật đầu tấm tắc khen:
- Ông anh thật cao kiến, đệ xin bái phục.
Vả lại, ai có đủ lý trí mà lại không có đủ kiên nhẫn để chờ ba ngày nữa trước khi giết Guiliano? Ba ngày nữa thì nó cũng vẫn còn ở cái đất Sicily chứ có bốc hơi hay có ánh bay đi mất đâu mà sợ. Các sếp ra về. Ông Trùm nhắn mời giáo sư Hector Adonis đến Villaba.
 
Ông Trùm nóng nảy nói với giáo sư Adonis:
- Tôi hết kiên nhẫn nổi cái thằng con ông rồi. Bây giờ thì nó phải trắng đen dứt khoát: hoặc đi cùng hoặc chống lại tụi này. Bắt cóc hoàng thân thì đúng là nó chửi cha tôi rồi. Nhưng tôi vẫn có thể tha thứ và quên đi được. Dù sao thì nó cũng trẻ người non dạ. Tôi nhớ lúc còn bằng nó, chính tôi cũng ngông cuồng, cao ngạo như nó bây giờ. Như tôi vẫn thường đã nói với ông: tôi rất cảm mến nó. Tin tôi đi, tôi đánh giá đúng tài năng, tiềm năng của nó. Tôi thật quá vui sướng không còn gì bằng, nếu có được nó làm cánh tay phải cho tôi. Phần nó, nó phải thấy cái vị trí của nó trong kế hoạch chung, cái thế của nó trong tình hình chung, cái nhiệm vụ, cái giới hạn của nó trong cái địa thể. Nhiều anh em khác người ta đã có nể phục, đâu có hiểu như tôi đâu. Khổ quá, tôi có kềm giữ họ được thì cũng chỉ ở mức độ nào đó thôi. Điều ấy ông cũng đã quá rõ rồi. Vậy, ông hãy đi gặp thằng con ông và nói cho nó biết những điều tôi đã nói với ông. Chậm nhất là ngày mai, ông phải trả lời tôi. Tôi không thể chờ đợi lâu hơn được đâu vì tôi còn phải trả lời cho mấy anh em kia nữa.
Giáo sư Hector Adonis thấy lo sợ cho thằng con đỡ đầu của mình.
- Ông Croce, tôi công nhận là ông khoan dung, rộng rãi trong cả ý nghĩ lẫn hành động. Nhưng thằng Turi là đứa có ý chí và cũng chẳng phải vừa gì. Cũng như mọi thanh niên khác, nó tin chắc vào quyền lực của mình. Và quả thật, nó đâu phải thằng cù lần và hòan toàn bất lực? Nếu xảy ra cuộc xung đột giữa nó và “Người anh em”, tôi biết, nó không thể thắng được. Nhưng thiệt hại thật đáng sợ. Liệu có phần thưởng gì để tôi có thể hứa với nó không?
- Hứa với nó thế này: nó sẽ có một địa vị cao, rất cao trong tổ chức “Người anh em”. Và nó sẽ được sự quí mến, tin cẩn và kể cả sự trung thành của chính tôi đây nữa. Ngòai ra, nó đâu có thể nào sống đời ở trên núi? Sẽ có lúc nó muốn trở lại sống trong một xã hội bình thường, có một chỗ đứng trong xã hội, trong luật pháp và nhất là rồi nó cũng phải có vợ có con chứ. Đến ngày đó, ông cũng dư biết, tại Sicily này ấy hả, ngoài thằng tôi ra, không có ai đảm bảo sự miễn xá của pháp luật dành cho nó. Và tôi lấy làm sung sướng, vinh dự nữa, nếu được làm điều đó. Tôi nói rất thành thật.
Và quả thật, khi nói như vậy. Ông Trùm đã không “cuội”, không thể thất tín, không thể chống chế, nếu sau này ông có lật lọng cũng không dễ gì.
 
Lên núi gặp Guiliano, giáo sư Adonis rất bối rối và lo sợ cho đứa con đỡ đầu của mình. Ông quyết định phải nói trắng ra cho hắn thấy ông có phải nói như vậy thì cũng vì tình thầy trò, chớ không phải vì ông liên minh với Ông Trùm. Nên đánh đòn tình cảm với hắn.
Khi tới nơi, ông đã thấy bàn và ghế xếp được bày ra ở mỏm núi. Chỉ có Turi và Aspanu đang ngồi. Ông nói với Turi:
- Thầy muốn nói chuyện riêng với con, Turi.
Bị chạm tự ái, Pisciotta sửng cồ:
- Này, ông quắt, cho ông hay, giữa Turi và thằng này đếch có gì giấu giếm nhau đâu.
Làm như không thèm chấp sự sỉ nhục của Aspanu, Hector Adonis bình tĩnh nói:
- À, sau này Turi muốn nói với anh cái gì thì nói, tùy ý nó. Nhưng tôi không thể nói với anh, vì cái lẽ đơn giản là tôi không có trách nhiệm gì về anh như tôi đã có trách nhiệm về nó.
Pisciotta đứng phắt dậy, lườm ông Adonis một cái, rồi vùng vằng bỏ đi. Ông Adonis ngồi lặng thinh một lúc lâu rồi mới lên tiếng:
- Turi, con đỡ đầu cưng của ta. Ta thương con ngay từ lúc con còn bé xíu. Ta đã dạy dỗ con, đưa sách vở cho con đọc, giúp đỡ khi con bất đắc dĩ phải dấn thân vào chốn giang hồ. Con là một trong số rất ít người làm cho ta cảm thấy cuộc sống của ta là đáng sống. Ấy vậy mà khi Aspanu, em họ của con nhục mạ ta, con không có lấy một lời quở trách nó.
- Con tin thầy hơn ai hết trên đời này, chỉ sau có ông bà già con.
- Thế còn Aspanu? – ông Adonis nói, giọng trách móc. – Phải chăng nó đã trở nên quá độc dữ, khát máu, đến nỗi không còn có thể tin được ai nữa hay sao?
Guiliano nhìn thẳng vào đôi mắt của ông Adonis. Và chính ông cũng nhìn thấy sự chân thành, trầm tĩnh trên khuôn mặt hắn.
- Dạ, con phải thú thật là con tin Aspanu hơn là tin thầy. Đã đành là ngay từ lúc còn nhỏ, con đã kính yêu thầy. Thầy đã khai mở, đã bồi dưỡng tâm trí con bằng sự hiểu biết khôn ngoan của thầy và bằng sách vở. Con cũng biết là thầy đã bỏ tiền túi của thầy để giúp đỡ ông bà già con nhiều phen. Thầy đã là ân nhân, là bạn chân thành của con trong lúc con gặp cơn hoạn nạn. Nhưng, vì thầy có dính dáng đến bọn “Người anh em”, nên con cũng không dám hết lòng, tuyệt đối tin vào thầy. Con có linh cảm là cũng chính vì sự dính dáng đó mà hôm nay thầy đến đây.
Một lần nữa, ông Adonis kinh ngạc vì cái “giác quan thứ sáu” của thằng con đỡ đầu của mình. Ông đành nói rõ mục đích của ông khi tìm gặp hắn:
- Thầy đến đây với hy vọng hòa giải con với Ông Trùm Croce. Cho con hay, đến như vua nước Pháp, đồng thời là vua Sicily, và ngay cả Garibldi, thậm chí chính Mussolini cũng chẳng bao giờ hòan toàn tiêu diệt được tổ chức “Người anh em”. Liệu sức con có hơn những người đó không mà con hy vọng thắng bọn chúng? Thầy mong con là hòa với Croce trong lúc tình thế cho phép. Bước đầu thì con phải nhún một chút. Nhưng về sau ai biết đâu đấy, con lão sẽ phải quỵ lụy con? Thầy lấy danh dự của thầy và thề trước mặt bà già của con – một người mà ngay cả con lẫn thầy đều cảm phục –là lão Croce tin vào thiên tư của con. Lão chân thành quý mến con. Con sẽ là kẻ kế nghiệp, là đứa con cưng nhất của lão ta. Nhưng muốn vậy thì bước đầu con phải nhường lão một chút.
Thấy Turi như có vẻ bị xúc động, giáo sư Adonis cầm tay nó và nói một cách say sưa:
- Turi, thầy nghĩ đến bà già của con. Con không thể sống mãi trên núi này được. Không thể mỗi khi muốn về thăm bà già là mỗi lần con phải liều mạng. Lão Croce có thể giúp con không bị truy tố nữa.
Turi im lặng để tập trung tư tưởng hầu suy nghĩ. Sau đó, hắn chậm rãi và trang trọng nói:
- Trước hết con xin cám ơn sự chân thành và hảo ý của thầy. Đề nghị của Croce không phải là không hấp dẫn. Nhưng, cái gọi là “tội” mà con đã phạm, đối với con, chỉ là những hành động phải làm để giải phóng dân nghèo ở Sicily này. Con không tin rằng đám “Người anh em” đó lại có cùng một mục đích với con. Chúng nó là tôi tớ của bọn nhà giàu, của bọn chính trị gia thối tha ở Rome và là kẻ thù không đội trời chung của con. Rồi thầy coi. Con biết thừa là khi bắt cóc ông hoàng Ollorto, con đã đạp lên chân chúng nó. Nhưng con sẽ không để cho thằng cha Quintana sống. Con khinh bỉ thằng già dịch đó. Con cũng “nhổ” và sự cảm mến của lão Croce. Thầy cứ nói với lão như vậy. Nhưng lúc này, khi giữa con và lão không có những quyền lợi phải tranh chấp thì cứ phần ai nấy ăn. Còn về mấy thằng “sếp” của lão, cứ để cho chúng có sức làm gì được, cứ làm. Con không coi lũ đó ra cái thá gì, chứ đừng nói là con sợ chúng.
Ông Adonis buồn rầu đem câu trả lời về cho Ông Trùm. Lão gật gù như thể đã biết trước và cam nhận số phận đã buộc lão phải lao vào cuộc chiến mà lão không thích, nhưng cũng quyết tâm giành phần thắng.
 
Tháng sau, có ba cuộc mưu sát nhằm vào Guiliano. Người phát pháo lệnh là Guido Quintana. Lão đặt kế hoạch rất công phu, tỉ mỉ và tinh tế, không thua gì Borgia (1).
Dọc theo con đường Guiliano vẫn thường dừng, mỗi khi ra khỏi sào huyệt, có một bãi cỏ xanh tốt. Từ một tuần lễ qua, một bầy cừu lớn được thả ăn quanh quẩn ở đó. Có ba tên chăn cừu. Đứa nào nom cũng hiền lành, vô hại. Quê quán chúng ở tại xã Corleon. Và là bạn cũ của Guido Quintana.
Mỗi khi thấy Guiliano từ trên núi xuống và đi qua đó, ba tên chăn cừu này đều chào hắn một cách cung kính. Chúng chào theo tập tục xưa, xin hôn tay hắn. Guiliano thân mật trò chuyện với chúng. Những người chăn cừu thường “làm việc bán thời gian” cho băng của Guiliano. Và hắn thường rất quan tâm đến người mới được tuyển mộ. Hắn không cảm thấy chính hắn đang bị nguy hiểm. Vì lúc nào cũng có cận vệ đi cùng. Và thường mặc áo mỏng manh, không thể giấu vũ khí được. Tuy vậy, con mắt đa nghi của Pisciotta đã nhìn ra sự bất thường. Y ngạc nhiên về sự xuất hiện đột ngột và sự đon đả, vồ vập của mấy tên chăn cừu mỗi khi chào hỏi Guiliano. Qua màng lưới tình báo của Pisciotta, bọn chăn cừu được nhận diện là nhân viên ám sát của Quintana.
Không để phí thì giờ, Pisciotta dẫn mười tay em trong băng của riêng mình đến tóm cổ ngay ba tên chăn cừu kia. Bọn đó đã được hỏi han rất kỹ: bầy cừu của ai, chúng làm nghề chăn cừu đã bao lâu, quê quán ở đâu, tên cha, mẹ, vợ con... Mấy tên chăn cừu khai tuốt luốt. Và có vẻ rất chi là thành thật. Nhưng Pisciotta đã nắm được bằng cớ chúng nó láo.
Cuộc khám xét đã phát hiện ra võ khí được cột vào bụng mấy con cừu đứng giữa bầy. Pisciotta định xử tử mấy tên chăn cừu giả danh kia. Nhưng Guiliano không chịu. Sau cùng chúng không bị hại, vì xét ra kẻ chủ mưu là Quintana. Nhưng hình phạt tất nhiên là phải có. Và hình phạt này khá độc đáo. Mấy tên chăn cừu phải lùa bầy cừu vào thị trấn Montelepre. Tại quảng trường chính của thị trấn, chúng phải lớn tiếng rao: “Kính mời bà con trong thị trấn đến nhận cừu do Guiliano gởi biếu. Mỗi hộ một con!” Và những tên chăn cừu phải đứng đó giết thịt, cao lông cừu cho những ai yêu cầu làm.
- Nhớ nhé, - Pisciotta nói với mấy tên chăn cừu. – Tụi bây phải giết thịt, cạo lông một cách vui vẻ, mau lẹ, sạch sẽ như mấy cô gái bán thịt ở Palermo ấy nhé. Không như vậy thì đừng trách tao ác. Và nói với Quintana tao gởi lời thăm và cám ơn đã tặng bầy cừu!
Sếp Siano không thèm tinh vi, tế nhị như vậy. Hắn sai hai “đặc phái viên” đến hối lộ cho Passatempo và Terranova để khuyến dụ hai tên này chống lại Guiliano. Nhưng hắn đâu có ngờ là Guiliano đã thu phục được lòng trung thành của một hung thần ác sát như Passatempo. Một lần nữa, Guiliano không cho giết hai “đặc phái viên” này, mà chỉ cho chúng nếm món đòn bastinado, rồi gởi về trả lại cho Siano.
Cuộc mưu sát thứ ba cũng lại do Quintana dàn dựng và đạo diễn. Và đây là cuộc mưu sát khiến cho Guiliano không kiên nhẫn được nữa.
Một thầy dòng truyền giáo lưu động đã đến “làm phúc” ở Montelepre. Coi bộ thầy dòng này thánh thiện lắm vì hai bàn tay hai bàn chân của y có mang dấu thánh (2). Mỗi sáng chủ nhật, y dâng lễ Missa tại nhà thờ thị xã và tỏ “dấu thánh” cho thiên hạ phục lăn.
Tên y là cha Dodana. Khổ người của cha cao lớn như lực sĩ. Đi đứng lanh lẹ và mạnh dạn đến nỗi bước chân của cha đã khiến cho chiếc áo thụng cứ đánh phần phật như cờ gặp gió, và điểm bằng tiếng giày tây khua lộp cộp dồn dập như vó ngựa đua đang phi. Mái tóc màu trắng gần như bạch kim. Khuôn mặt sạm nắng và đã có nếp nhăn, mặc dù tuổi cha còn trẻ. Chỉ nội trong một tháng, cha đã trở thành một huyền thoại trong thị xã, cha không nề hà những công việc nặng nhọc hay dơ dáy. Chẳng hạn giúp nông dân gặt lúa, bón phân, phạt những đứa trẻ hư ngoài đường phố, đến tận nhà những ông già bà cả bệnh hoạn để làm phép bí tích giải tội lâm chung. Vào một buổi sáng chủ nhật, sau khi hành lễ ở nhà thờ, cha đã đứng ở cửa nhà thờ. Bà già của Guiliano đã không ngạc nhiên khi cha ân cần chặn bà lại và hỏi han xem cha có thể giúp đỡ gì cho con trai của bà không. Cha Dodana nói với bà:
- Tôi tin chắc là bà rất quan tâm đến phần rỗi linh hồn của nó. Lần sau nó về thăm, bà bảo nó đến gặp tôi, tôi sẽ ban phép bí tích giải tội cho nó.
Rất sùng đạo, nhưng bà già của Guiliano vốn chẳng ưa gì đám cha cố. Tuy nhiên, ông cha này đã gây được cảm tình với bà. Bà biết là Turi sẽ chẳng chịu xưng tội, xưng lỗi gì đâu. Nhưng biết đâu con người thánh thiện và dễ mến này lại chẳng có ích cho hắn về một phương diện nào đó. Bà thưa lại với cha Dodana là bà sẽ tìm cách báo cho hắn biết tin đó. Cha Dodana nói:
- Dù có phải lặn lội lên tận trên núi để giúp đỡ nó, tôi cũng chẳng tiếc công tiếc sức. Bà cứ nói với nó như vậy. Công việc chủ yếu của tôi là lo cứu vớt linh hồn người ta về cho Chúa. Việc làm nào, sự nghiệp đó, phải không thưa bà?
Một tuần lễ sau đó, Guiliano về thăm bà. Bà già cứ hối thúc hắn đến thăm cha Dodana, đặng xưng tội với cha. Và có lẽ cha sẽ ban thánh thể cho hắn nữa. Bà sẽ an tâm hơn nếu hắn đi xưng tội.
Điều làm cho bà ngạc nhiên là chẳng những không gạt ý kiến của bà, Guiliano còn tỏ ra sốt sắng, quan tâm. Hắn bảo Pisciotta đến nhà thờ mời cha lại nhà. Khi thấy cha được Pisciotta dẫn lại nhà, hắn thấy nghi nghi. Cha cố gì mà đi đứng, cử động cứ như một tay “có nghề”. Vả lại, cha tỏ ra quá xăng xái, quá nhiệt tình quan tâm, chăm lo cho phần hồn của Guiliano một cách không bình thường.
- Cha sẽ nghe con xưng tội trong phòng riêng của con. Sau khi giải tội, cha sẽ ban thánh thể cho con. Cha đã đem theo đầy đủ cả đây này. – Vừa nói, cha vừa vỗ độp độp vào cái hộp bằng gỗ cha cắp ở nách. – Xưng tội và ăn bánh thánh xong, linh hồn con sẽ trong trắng tinh tuyền như linh hồn của bà già con vậy. Nói dại, nếu sau đó chẳng may con gặp hoạn nạn và có mệnh hệ sao, thì linh hồn con sẽ bay lên thiên đường thẳng băng, suôn sẻ.
Bà Maria Lombardo nói với Guiliano:
- Để má xuống pha cà – phê và chuẩn bị thức ăn mời cha dùng với con luôn thể.
Nói rồi, bà không đợi Guiliano trả lời, ba quay xuống bếp. Guiliano mỉm cười nói:
- Khỏi cần phải vào phòng riêng, con xưng tội ngay tại đây cũng được.
Cha Dodana liếc mắt nhìn Pisciotta đứng cạnh đó.
- Thế cũng được. Nhưng con phải nói bạn con ra chỗ khác.
- Tội của con thì đã quá rõ, ai mà chẳng biết, - Guiliano cười lớn và nói tiếp: - Báo chí ở Palermo, ở Rome kể rành mạch, đầy đủ chi tiết lắm, chỉ trừ có một điều này: con là thằng có tánh đa nghi, rất đa nghi. Bởi vậy, con muốn xem cha đựng cái gì trong cái hộp gỗ cha đang cắp ở nách đó.
- Ấy, hộp đựng bánh thánh của Chúa, để cha cho con xem.
Vừa nói, cha vừa định mở hộp ra, thì Pisciotta đã nhanh tay hơn, gí súng vào gáy cha và Guiliano giật ngay lấy cái hộp trong tay cha. Bốn mắt nhìn nhau, không nói một câu. Guiliano mở nắp hộp: một khẩu súng lục tự động mới tinh, nước sơn còn bóng loáng nằm lấp lánh trên lớp nhung đỏ, như một món nữ trang quí.
Pisciotta thấy Guiliano giận, mặt tái đi. Guiliano đóng nắp hộp lại, nhìn trừng trừng vào vị giáo sĩ, và nói:
- Ta nên cùng nhau đi đến nhà thờ. Và cùng nhau cầu nguyện. Ta sẽ cùng nhau cầu xin Chúa lòng lành vô cùng xua đuổi quỉ dữ ra khỏi lòng dạ thằng Quintana khốn kiếp và tâm hồn mày không bị cái thói tham lam làm ô uế. Nó chi cho mày bao nhiêu vậy?
Đã đến nước này thì còn giấu giếm, chối cãi gì được, cho nên, cha Dodana nhún vai, cười gượng:
- Giải thưởng của nhà nước cộng thêm năm triệu lire nữa.
- Giá hời đấy! – Guiliano nói. – Tao không trách mày về cái chuyện làm ăn, kiếm chác sinh nhai. Nhưng mày lại nhè bà già tao mà trổ mồi láu cá thì đểu quá. Và, điều đó tao không thể bỏ qua được. Bộ mày là ông cha thật hả?
- Tao ấy hả, - cha Dodana nói, giọng bất cẩn, - chưa bao giờ tao làm cha cố. Nhưng khó có ai nghi ngờ gì được.
Cả hai cùng sóng bước đi xuống phố. Pisciotta đi đằng sau. Guiliano cầm cái hộp gỗ. Họ đi vào nhà thờ, Guiliano bảo cha Dodana quì xuống trước bàn thờ, lôi khẩu súng ra khỏi hộp, và nói:
- Tao cho mày một phút để cầu nguyện. – Hắn đứng đợi. Rồi lảy cò.
Sáng hôm sau, Guido Quintana ngủ dậy, định đi ra hiệu cà – phê. Cửa vừa mở ra, hắn giật mình vì một khối gì lù lù chắn ngang và che lấp cả ánh sáng mặt trời ban mai. Chưa kịp nhìn kỹ thì cái khối lù lù ấy đổ sập xuống. Thì ra là cây thập tự giá làm bằng hai khúc cây đẽo sơ sài. Trên thập tự có cái xác nát bấy vì đạn của “cha” Dodana bị đóng đinh vào đó.
 
Ông Trùm trầm ngâm suy nghĩ về những thất bại ấy. Quintana đã bị cảnh cáo, hoặc hắn phải chuyên tâm vào công việc gắn với chức vụ thì trưởng của hắn, hoặc thị trấn Montelepre phải tự cai trị lấy, nghĩa là không có hắn làm thị trưởng. Rõ ràng, Guiliano đã không thể kiên nhẫn được nữa. Cuộc xung đột giữa Guiliano và “Người anh em” phải nổ ra thôi, không thể tránh được nữa. Ông Trùm biết chắc chắn Guiliano sẽ trả thù. Và sự trả thù của Guiliano sẽ rất khủng khiếp. Cho đáng mặt “bậc thầy” chứ. Chỉ còn một đòn cuối cùng. Không thể để cho trật được. Ông Trùm cũng biết, cuối cùng thì lão cũng đứng vững. Và, trái với sự phán đoán và ý muốn thật của lão, lão đã trao việc ấy cho một tay ám sát chuyên nghiệp rất đáng tin cậy. Một thằng cha Stefan Andolini nào đó được biết dưới cái biệt hiệu “thầy dòng quỉ sứ”.
.............
(1) Borgias: dòng họ quí tộc Italia, gốc Tây Ban Nha. Nổi bật trong dòng họ này có giáo hoàng Alexandre VI (từ năm 1492 – 1503) là một chính trị gia kiệt xuất. Nhưng trong đời sống riêng tư, ông là một chúa phong kiến điển hình, cực kỳ dâm đãng. Con trai của ông – Césare Bougons – cũng là một chính trị gia khéo léo nhưng cực kỳ xảo trá, tráo trở, tàn bạo, quỉ quyệt. (N.D).
(2)  Dấu thánh (religious stigmata, holy wounds): Khi Chúa Jesus bị đóng đinh trên cây thánh giá, tay và chân có dấu đóng đinh. Một số người được coi là thánh thiện “tự nhiên” cũng có những dấu đóng đinh như vậy. Người ta đồn rằng cứ mỗi ngày thứ sáu thì những vết thương này lại rỉ máu tươi. (N.D).

<< CHƯƠNG 12 | CHƯƠNG 14 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 253

Return to top