Gia truyền, cổ truyền, đặc sản
Tô Hoài
Tối 19-4, khi mới trở về Hà Nội, tôi hay la cà đi tìm lại người quen và vài người bạn cùng lứa tuổi. Tôi đến nhà người bạn ở cuối phố gần chợ Đuổi. Cùng đi với Nguyên Hồng. Tới cửa, Nguyên Hồng nhìn vào rồi hỏi tôi:
- Mày quen thằng bồi tiêm này ở tiệm hút nào đấy?
Tôi cười: “Bạn cũ thôi. Không phải nó nghiện đâu” Nguyên Hồng không vào, anh sang ngồi chờ tôi ở quán nước chè tươi bờ hè bên kia. Tôi bảo nó không nghiện cũng như Nguyên Hồng đoán nó nghiện, cũng là trông mặt bắt hình dong, bởi vì trước kia thằng này cũng gầy quắt queo, nước da mai mái như thằng bồi tiêm chuyên hút sái thuốc của khách bỏ lại.
Tôi quen nó từ khi tôi còn ở làng. Nó là con một bác làm đề lại trong phủ lỵ. Bố làm “lại” là thầy cò, dắt mối kiện cáo. Nó thì làm “nho”, chuyên luẩn quẩn quanh công đường, hóng người có việc vào cửa quan viết đơn thuê, ngày cũng kiếm được dăm ba hào. Tôi không biết nó lúc làm “nho” cửa phủ, mà đến khi nó làm thơ và biết tội có viết văn viết báo, nó tìm tôi làm quen. Ngẩng lên trước nhà, thấy treo cái bảng: “Vân Vân Tử xem tướng tay phương pháp Ấn Độ. 5 đồng một quẻ”.
Bên dưới có cái bảng nứa sơn hàng chữ: Lớp dạy làm thơ. Có nhiều thi sĩ danh tiếng đến giảng. Cam đoan ba tháng làm được thơ đăng báo. 15 đồng một khoá (đóng tiền trước)
Nó nhớ ra tôi ngay.
Tôi hỏi đùa:
- Xem bói và dạy làm thơ việc nào kiếm được hơn?
Biết tẩy nhau từ thời trứng nước rồi, chúng tôi trò chuyện hể hả. Nó nói:
- Việc nào cũng cần thiết. Ấy thế mà nghề bói lại ra tiền hơn nghề thơ.
Nó cho tôi biết ở trong Hà Nội nó làm thơ, ký là thi sĩ Tiên ông, năm ngoái mới in tập thơ Đại Dương Kình hay “kềnh”, tôi không hiểu nghĩa là gì. Tháng sau, tôi lại đi qua phố ấy. Thấy ngoài cửa đã bỏ cái bảng dạy làm thơ. Cái bảng “Xem tướng tay” vẫn nguyên thế với tên của thầy tướng Vân Vân Tử, nhưng sơn đổi một dòng: Xem tướng tay phương pháp học được ở bên nước Tích Lan Tây Trúc...
Tôi bước vào. Người tiếp tôi không phải là nó mà là cái ông to béo, lần trước đến tôi đã gặp. Ông là người thuê cái buồng liền với nhà ngoài. Ông to béo nói:
- Sừ ấy đi rồi.
Rồi kể: ông ấy xuống Hải Phòng đi tàu há mồm vào Nam.
Tôi hỏi nqra đùa nửa thực:
- Ông dọn ra nhà ngoài theo đuổi nghề Vân Vân Tử?
Ông to béo cũng cười, nhưng cãi:
- Sừ ấy học nghề tôi thì có.
Làm thế nào biết được ai học ai. Có lẽ đoán được vẻ mặt dửng dưng của tôi, lão nói:
- Cho biết tài nhé. Sừ đưa tay đây moa xem. Tay phải.
Tôi ngửa bàn tay phải cho lão ngắm nghía. Rồi lão thong thả phán từng câu:
- Có tướng lên xe xuống ngựa đây. Nhưng là có tiếng hơn là có tiền. Mười năm nữa có cái hạn to. Biết trước thế này thì có thể tránh được.
Tôi trả tiền ông. Ông không lấy, và nói: “Xin nhờ sừ quảng cáo hộ mấy chữ lên báo”.
Tôi băn khoăn không biết anh bạn tôi hay lão này là Vân Vân Tử, nhưng khi ra về tôi cũng quên ngay. Bây giờ lắm nhà làm ăn cũng mưu mẹo một cách ác ôn thế này. Chủ nhà ngoài hay nhà hàng xóm đi Nam nếu trước đây làm ăn khá thì chủ nhà trong ra ở, hay nhà hàng xóm sang trương bảng tên cửa hiệu và buôn bán y chang nhà ấy. Hàng bánh giò trước cổng công ty nhà Đờ Măng ở gần Cửa Nam không còn. Nhưng một hàng nước cũng ở chỗ gốc bàng ấy gắn cái bảng: ở đây bán bánh giò Đờ Măng. Dưới Hải Dương có một hiệu bánh đậu xanh ngon ở Hà Nội có một hàng bánh cốm có tiếng. Bây giờ cả trong phố và ngoài bến xe Hải Dương vô khối nhà làm và bán bánh đậu xanh, và hai bên dốc hàng Than ở đây mọc ra hàng chục hàng bánh cốm tên hiệu ghé gẩm chữ Ninh bánh cốm) hoặc ở Hải Dương thì vẽ con rồng vàng bánh đậu xanh) có ghi chú đầy đủ... gia truyền năm đời... cổ truyền ba đời...
Sự lập lờ gia truyền này có gốc gác ra đời từ thời tôi gặp thằng thày tướng Vân Vân Tử kiêm thi sĩ Tiên ông và lão béo nhà trong ra nối nghiệp xem bói khi Vân Vân Tử đi Nam.
Những sự lừa bịp ấy vào thời buổi này vẫn thời sự lại còn múa may biến hoá khôn lường. Lâu lâu tôi mới lại đi qua cái phố ấy gần chợ Đuổi. Trông thấy ở của nhà ông bạn cũ của tôi treo cái bảng to dài ngang gian nhà sơn chữ đỏ: Phở Tôn Nam Định gia truyền. Kính mời quý khách. Tôi đã biết phở gia truyền chỉ là các người bán phở gánh hay làm thuê chứ phở gốc là “ngưu nhục phần” (thịt bò, bánh) của người Trung Quốc đem sang. Khi tôi còn nhỏ, gánh phở lên đến chợ Bưởi còn là “phở tân thời” cho nên làm gì có gia truyền, có năm đời phở. Tôi cũng tò mò vào xem cái ông coi tướng tay đã đổi nghề mở hiệu phở. Nhưng anh chủ hiệu còn trẻ lễ phép nói:
- Thưa ông, bố cháu về quê rồi.
Tôi không hỏi lại anh ấy, về quê là về quê hay ông ấy đã chết. Tôi hỏi thân mật:
- Ngày trước ông cụ nhà cậu xem bói tướng tay cơ mà, đã bói cho tớ, gia truyền gì cái phở...
Anh trẻ tuổi cười ha ha, tay giơ lên, rồi xòe ngón tay ra như đương to tiếng tranh luận:
- Ông có biết hiệu chả cá Lã Vọng không? Chả cá là món riêng của nhà người ta để ăn chơi. Nhiều người khen ngon, rồi mới ra cửa hiệu. Sách đã nói thế, ông biết không? Phở nhà cháu cũng như chả cá Lã Vọng, còn bằng mấy chả cá Lã Vọng. Đời các cụ nhà cháu làm phở, để trong nhà thưởng thức vào dịp tết nhất Bây giờ đến thời cơ bung ra thì con cái phải mở mang giới thiệu cho trong nước ngoài nước biết món đặc sản dân tộc của gia đình. Khách Tây vào hàng tôi đông lắm, ông biết không? Ý nghĩa khoa học quan trọng cả đấy, có phải không nào?
Anh nói luyến thoắng, thao thao, đệm những câu bình, những câu hỏi: có biết không, có phải không, có đúng không, đúng chứ, đúng không nào... làm cho tôi chỉ ngồi nghe mà cũng gật gưỡng, mệt mỏi xiêu xiêu ngỡ như anh ta nói có lý, nói phải cũng nên. Biết không? Biết không? Anh mời tôi ăn một bát phở bò tái mỡ - không làm tái nạm, anh bảo “Nạm là cái gân chứ cái quái gì, chỉ bịp nhau cả” rồi bưng ra bát phở đầy ú ụ Cũng như mọi hàng phở đều làm bán phở thay cơm “cơm phở”, chứ bây giờ không còn là quà phở nhẹ nhàng, thanh cảnh nữa. Ăn xong, tôi hỏi, anh bảo xin ông năm đồng và tôi trả tiền, anh cầm tự nhiên.
Ở Hà Nội, cái năm tôi mới khoảng lên mười, ngoài phố thỉnh thoảng mới gặp một hàng phở gánh. Ở các chợ Mơ, chợ Bưởi ngoại ô còn lạ lờ gọi phở là quà tân thời. Và chỉ có phở gánh, chưa đâu có hiệu phở. Thằng phở Tốn gia truyền, cổ truyền Nam Định này chắc chắn chỉ từ cái nghề xem tướng tay học lỏm của bố nó mà ra. May quá, không thấy nó lại treo cái bảng gia truyền nghề dạy làm thơ. Tôi thầm nói lỡm lờ thôi chứ từ thời thằng bố nó đã vứt cái bảng dạy làm thơ của thi sĩ Tiên ông đi rồi. Vả chăng, kể cả cái thời Tiên ông quảng cáo trên báo về cái lớp dạy làm thơ cũng chẳng có ma nào đến ghi tên học. Nghề thơ văn của chúng tôi, tiếng tăm chẳng đi đến đâu, cái miếng thì cũng không ra gì, ai dây vào cho rách việc.
Bây giờ nói về hai chữ “đặc sản” cứ thấy viết, thấy sơn nhan nhản ở các nhà hàng và đăng trên báo. Tôi hãy kể về Hà Nội ngày trước đã, để soi cái gương sáng gương mờ với bây giờ xem sao. Tất nhiên, thuở ấy, Hà Nội bé tẻo teo với dân số đôi ba vạn người, chẳng nhiều hàng quán như bây giờ, nhưng cũng có những nơi ăn uống quen thuộc, phân minh như thịt chó Hàng Đồng, Hàng Lược, chim quay đầu Hàng Gai, nem Sài Gòn và tái lăn Hàng Quạt, ở đình Hàng Vải Thâm, các cao lâu Tàu ở Hàng Buồm... Những nơi ấy được tiếng vì có món ăn hấp dẫn, đấy là cái tiếng tự nhiên, có khéo có ngon thì khách mới đồn rủ nhau đến nhưng không có nhà hàng nào ngô nghê vỗ ngực tự xưng là quán “đặc sản”, vẽ vời quảng cáo một tấc đến giời khoe loạn lên như bây giờ.
Những cái trò vè này cũng có nguồn gốc cả, cứ như tôi mắt thấy tai nghe thì dường như nó cũng lại được đẻ đái nảy nở từ cái thời ông thầy tướng thầy bói Vân Vân Tử và thi sĩ Tiên ông bạn tôi có tập thơ Đại Dương Kình mà ra.
(Tạp văn, truyện ngắn Tô Hoài, nhà xuất bản Hội Nhà văn 2004)