Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Nỗi đau

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 692 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Nỗi đau
Khánh Thảo

Có nhiều thật nhiều kiểu đau. Đau nặng, đau nhẹ. Đau thể xác và đau tinh thần. Chẳng nỗi đau nào hoàn toàn giống nhau vì cơ địa và cảm xúc của mỗi người đều khác.

Chỉ có sự tương tự. Để đồng cảm. Không có phiên bản sao y chang. Ai cũng phải có một nỗi đau nào đó đang đeo đẳng. Chẳng hạn như chị Thanh vừa bị đứt tay hôm qua, hôm nay lại va chiếc chân không teo cơ vào cầu thang, chảy máu. Thế là nằm nguyên trên giường không đi lại được. Đau tê tê. Bình đang nằm trong bệnh viện với một vết mổ ruột thừa còn mới coóng, ngày nào cũng phải thay băng gạc. Chắc là xót lắm. Bố vừa mất việc, lặng lẽ đau, lặng lẽ nén chịu những lời nhiếc móc của dì. Mẹ đã có một cơn đau quặn thắt dữ dội hơn bất cứ cơn đau nào đang có trong gia đình, vào một ngày mùa đông cách đây mười năm, để mãi mãi ra đi, nỗi đau còn đọng lại cả trên khuôn mặt khắc khổ bợt màu mưa nắng. Một cơn đau tim. Cả nhà chuyển lên thành phố khi bố có dì. Tôi vào đại học. Tôi có Vĩnh. Để rồi hôm nay tôi thất tình. Đau không tên. Nhưng nghẹt thở. Nghẹt thở vì nó diễn ra vào lúc tất cả những người tôi yêu thương nhất đều đau.

Dì vẫn bảo Vĩnh là "cái thằng mắt một mí trông đến là gian". Tôi không thích câu nói ấy, đơn giản vì tôi không ưa dì, cũng như dì không hề ưa ba chị em chúng tôi. Nhưng bố thì thương dì, bố muốn cho chúng tôi một người mẹ. Vì chúng tôi đều là con gái. Bố cam chịu dì, bố vắt kiệt mình vào công việc. Chị em tôi đứa nào cũng được ăn học tử tế. Thằng Bảo, con riêng của dì với người chồng trước, thì không. Dì cưng nựng nó, coi nó như báu vật, nó hư đốn một cách bản năng. Mới lớp tám mà xấc lược, chẳng bao giờ gọi chúng tôi là chị. Nó chế giễu chị Thanh vì cái chân teo cơ đi khập khiễng. "Ai mà thèm cái đồ què ấy chứ". Nó nói vậy. Nó gọi Bình là "đồ õng ẹo", vì Bình hay khóc, và vì nó bắt gặp ngôn từ ấy thốt ra từ miệng mẹ nó. Còn tôi, không cà khịa, chòng ghẹo gì nó, vậy mà có vẻ nó ghét nhất, nó ghét những tờ giấy khen loại ưu của tôi, ghét chiếc xe đạp mới mà bố mua cho tôi từ số tiền mà bố mẹ cùng nhau cất giữ từ hồi nảo hồi nào, ghét cái chậu cây xương rồng Vĩnh tặng tôi mà tôi đã phải mấy lần trồng lại vì nó làm vỡ. Chúng tôi nhịn nhục, vì bố.

Bố làm công nhân nhà máy hoá chất nông nghiệp. Nhưng người ta không cần bố nữa. Bố cũ kỹ quá rồi, bố nhầm lẫn những cái tên hoá học tiếng nước ngoài. Bố chậm chạp và lỗi thời. Bố nói chỉ cần chị em tôi nên người, thì mọi nỗi đau, mọi nỗi khổ bố sẽ nhận hết. Nhưng bố đâu biết, ông trời không chấp nhận như thế, ai rồi cũng phải đón nhận những nỗi đau, như một thuyết tự nhiên. Làm gì có hạnh phúc tuyệt đối. Đã chắc gì nhà cao cửa rộng, áo quần xa hoa là không đau? Một ngày nào đó, người ta sẽ thấy người đàn bà vẫn phóng chiếc xe ga màu đỏ đậm đi về căn biệt thự đầu phố điên dại vì phát hiện ra cô tình nhân trẻ trung mà ông giám đốc chồng bà che giấu cũng có một căn hộ cao cấp, và một chiếc xe còn đẹp hơn của bà. Người ta lại cũng sẽ được thấy cái cô cao cao xinh đẹp mọi đêm vẫn về nhà bằng taxi biến mất, ai nói trước được cô ta không đang nằm trong một bệnh viện nào đó vì những căn bệnh đương thời hành hạ. Và người ta sẽ chăm chú ngắm nghía nỗi đau của những người giàu có, liệu nó có giống nỗi đau của những người nghèo sống tạm bợ cuối ngõ hay nó xa xỉ cao cấp hơn? Ngắm xem nước mắt rơi trên những gương mặt son phấn có nhiều và nhem nhuốc như trên những gương mặt cong lại vì thiếu thốn và vay nợ hay không? Người ta chờ đợi để được thấy người khác cũng đau, chứ không chỉ riêng mình. Như vậy mới không thấy bất công, mới không ấm ức, ghen tị.

Vĩnh đỡ tôi dậy vào một lần tôi đau. Ngã. Chỉ thế thôi mà rồi yêu, mà rồi đưa đón nhau gần bốn năm nay. Quê Vĩnh ở một tỉnh miền trung, quanh năm lo ngay ngáy mùa bão lũ. Vĩnh học giỏi, có thể được giữ lại trường. Vĩnh hay nghịch cái đuôi sam sau gáy tôi và thủ thỉ rằng "Vĩnh sẽ cố gắng hết sức để Yên được hạnh phúc. Hãy tin Vĩnh nhé!". Và thật sự thì Vĩnh luôn hết mình. Tôi ngây ngô và trong sáng đón nhận tình yêu của Vĩnh, ngây ngô và trong sáng giữ gìn, xây đắp mộng ước chung đôi. Tôi mong mỏi một cuộc sống yên bình, một gia đình đầm ấm. Tôi cũng mong mỏi sẽ bớt đi một phần gánh nặng cho bố. Chị Thanh đã hai mươi tám tuổi mà vẫn chưa từng yêu, chị mặc cảm với một bên chân không đầy đặn. Chị lầm lũi thu mình lại, như một bóng ma, ngày nào cũng lén lút chui lên gác xép chỗ đặt bàn thờ mẹ mà vái lậy. Mấy lần dì bắt được, chửi om lên là nhà lúc nào cũng hương khói um tùm như có đám, "đầy âm khí vậy sao ngẩng mặt lên được hả? Mày muốn trù tao chết hay sao? Giời ơi là giời, không có đứa nào nó rước đi, cứ ám tao thế này làm ăn sao nổi hả giời?" Chị không hề khóc, lại lùi lũi xuống bếp ngồi. Bình sợ dì nhất. Con bé không bao giờ dám trái ý dì. Sáng đi học, chiều lại ra ngoài chợ phụ dì bán hàng. Sạp hàng tạp hoá ấy cũng góp phần vào nuôi nấng chị em tôi, thành thử chúng tôi cũng phải sống biết điều. Bình gầy, xanh rớt, ăn uống không là bao. Tội nghiệp. Khi mẹ mất, nó mới chỉ lên sáu, nó ít được hưởng tình yêu của mẹ nhất.

Chị Thanh không nói gì khi biết tôi yêu Vĩnh, chỉ dặn dò giữ gìn. Có lẽ chị nói thay mẹ. Đến hôm kia, khi tôi ủ rũ khóc lóc gục vào lòng chị bởi Vĩnh nói lời chia tay, chị cũng im lặng, mãi hồi lâu mới nói: "Chuyện gì đến cũng đến rồi. Nó không còn thương mình thì mình cũng đừng níu kéo. Ngã có đau một chút, thì mới bước thận trọng hơn được". Tôi câm nín, không khóc nữa, bỏ lên nhà ngủ một giấc đến tận tối. Tỉnh dậy vì nghe tiếng dì la mắng ở nhà ngoài: "Con Yên còn chưa dậy hả? Nó định nằm ươn xác ở đó mà không ăn cơm à? Cái thứ con gái vô tích sự! Tưởng học đại học là sướng đấy chắc? Tốn kém vậy không biết rồi có nên cơm nên cháo gì không? Bố mày đã vô công rồi nghề rồi thì chúng mày đi làm mà nuôi ông ấy. Học hành lắm mà không nghề ngỗng thì cũng vứt hết! Vứt hết!". Tôi uể oải ngồi dậy, thấy đầu nặng trĩu, loáng thoáng nghe tiếng chị Thanh nói với dì: "Em con bị mệt, dì nói khẽ cho nó ngủ chút mà dì. Cơm thì phần ra một chút có sao đâu". "Á à, bênh nhau chứ gì? Đấy ông xem, tôi nói thì sai gì chứ mà chúng nó đã hùa nhau vào chống lại tôi? Các cô con gái mới quý hoá chứ!". Có tiếng bố khẽ khàng: "Thôi, Bình à, vào gọi chị dậy đi con". Tôi bất giác nghĩ, bố trở thành nhu nhược quá, tôi sẽ phải làm gì đó để đưa bố, chị Thanh, và Bình rời khỏi căn nhà này, căn nhà mà dì cậy quyền sở hữu nên chèn ép bố con tôi. Hồi bố theo dì, bố đã bán luôn cả căn nhà dưới quê với lý do "dì các con nói có lý, tất cả chung một nhà là đủ, bán căn nhà này, một nửa trả nợ, một nửa gửi tiết kiệm, lo cho các con sau này". Oái oăm ở chỗ, chẳng hiểu dì nói những gì, mà quyển sổ tiết kiệm ấy lại đứng tên dì. Tôi thì coi như thế là bị lừa, vì dì thì có thương yêu chúng tôi đâu mà nghĩ đến chuyện lo cho chúng tôi sau này? Có lần, tự dưng bố xin lỗi chúng tôi, rằng "bố đã dại dột quá, bố có tội với mẹ các con, giờ thì chẳng cho các con được gì nữa.". Chị em tôi chẳng đứa nào hỏi vì sao, nhưng tôi và chị Thanh đều hiểu là bố đang nói về quyển sổ tiết kiệm kia. Thấy chúng tôi không nói, Bình cũng chẳng dám hỏi.

***

Hôm nay Bình ra viện. Trông sắc mặt nó càng nhợt nhạt hơn bao giờ hết. Nó hỏi tôi anh Vĩnh đâu, mấy hôm nay không thấy anh vào chơi với nó. Tôi thở dài, "đừng hỏi nữa mà, anh ấy không thích chị nữa". Nói tỉnh queo vậy mà lòng tôi đau như hàng ngàn kim châm. Bình giương đôi mắt to nhìn tôi, vẻ ngạc nhiên hoảng hốt lan toả khắp gương mặt xanh xao của nó. "Chị thì có gì mà không thích nữa chứ?". "Chị không biết. Thì trái tim người ta làm sao mình trói buộc được? Em còn nhỏ, không hiểu được đâu". Ừ, đúng là trái tim con người, dễ yêu, dễ ghét. Vĩnh muốn về nơi quê hương đầy cát, đầy nắng, đầy cả bão của Vĩnh sau khi ra trường, còn tôi thì không thể. Tôi không thể bỏ mặc bố, bỏ mặc chị Thanh và Bình. Ngay hôm ấy, con bạn tôi gặp Vĩnh, gọi Vĩnh là "đồ đểu", "Về quê gì đâu! Chẳng qua thừa biết con Yên không muốn lấy chồng xa nên lấy lý do thế thôi. Yên à, mở to mắt ra mà xem Vĩnh của mày là người thế nào. Mày thì không có gì cho Vĩnh ngoài tình yêu cả, nhưng người khác thì có thể cho Vĩnh một suất trong trường sau khi tốt nghiệp. Vì sao hả? Vì bố người ta làm giáo sư trường này!". Thế đấy. Thế là chia tay. Hình ảnh Vĩnh tan nát trong tôi. Đúng là tôi chẳng giúp Vĩnh được gì ngoài những lời động viên nhau suốt gần bốn năm trời, thậm chí chưa bao giờ mưa cho Vĩnh một tấm áo sơmi hẳn hoi. Những lúc dành dụm được chút tiền, tôi thường mua cho Vĩnh một quyển sách trong cửa hàng sách cũ. Tôi đã thấy đôi mắt thích thú của Vĩnh, tôi đã nghĩ sau này sẽ tích góp một giá sách thật lớn cho Vĩnh. Vậy mà rồi đổ vỡ thật sự. Tôi cần tình yêu của Vĩnh để thấy cuộc sống còn có mơ ước và bớt nặng nề hơn, nhưng Vĩnh thì cần một chỗ đứng chắc chắn cho tương lai.

- Ối giời ơi, con ơi là con, con hại mẹ rồi con ơI - Vừa đặt chân đến cửa, tôi đã nghe tiếng dì gào khóc. Dì vật vã dưới sàn nhà, bố ngồi im trong góc, hai tay đan vào nhau vặn vẹo. Một đôi tay gân guốc xạm ngắt.

Chị Thanh giúp tôi đưa Bình vào nhà trong. Tôi hỏi chị chuyện gì, chị bảo hình như thằng Bảo thua bạc, trốn nợ bỏ nhà đi rồi. Điều này tôi không quá bất ngờ, vì lâu nay thằng Bảo chẳng tốt lành gì. Cái tôi bất ngờ là thái độ vô hồn của chị Thanh. Tôi cảm thấy không phải là người chị nhỏ bé, yếu đuối đang nói với tôi, mà là một cô hồn lạnh lùng. Có phải chăng chị ngày nào cũng thả lòng theo hương khói, nên âm khí đã ám ảnh chị? Bình vô thức nắm chặt tay tôi, cái nắm tay tứa đầy mồ hôi dính nhớp run rẩy. Chị Thanh đã quay ra ngoài, những tiếng bước chân cà nhắc lệch trọng lượng vang lên ớn lạnh. Tiếng dì than khóc vẫn não ruột và the thé ở nhà ngoài.

- Yên à, chị định mở quán cóc đầu ngõ nhà mình, không có việc gì tử tế thì cũng phải làm gì đó. Được một hai đồng cũng đỡ, nhất là vì bố đã… em thấy sao?

- Cũng được chị ạ, nhưng em sợ chị vất vả. Mọi công việc trong nhà chị đều lo hết. Chân chị đi lại khó khăn. Em là đứa khoẻ mạnh nhất, vậy mà chẳng biết làm gì cả.

- Em là đứa học hành khá nhất. Em phải học vì mẹ muốn thế. Học để mà đổi đời chứ em. Làm công nhân như bố thì khổ lắm. Hồi đó bố cứ muốn chị học hết phổ thông, nhưng rồi chẳng để làm gì cả. Chị chỉ ở nhà thôi mà cũng thêm một miệng ăn. Em phải học, đi làm nhà nước, rồi còn giúp Bình vào đại học chứ!

- Dạ.

- Chị có ít tiền bà nội cho từ hồi bà mất, vẫn cất đi chưa biết làm gì, ngày mai chị đưa em, em đi mua các thứ giùm chị, rồi ngày kia chị sẽ dọn hàng. Tối nay chị sẽ thưa với bố và dì.

Trong khi chị Thanh nói, cái vẻ vô hồn u ám vẫn loáng thoáng ẩn hiện, nhưng tôi cũng vui vì chị có một ý định tốt. Xưa nay chị vẫn ngại tiếp xúc mọi người, thế mà nay lại mạnh dạn đề nghị bán quán. Tôi thấy chị khẽ nhẩm tính, khẽ cười, điều mà đã lâu lắm rồi tôi mới để ý. Tôi cứ vùi mình vào sách vở, vào mối tình với Vĩnh, chẳng thèm quan tâm đến chị. Cả Bình nữa, con bé dù gầy gò nhưng có cao hơn, nó đang ở độ tuổi mới lớn, và cũng giống như tôi, nó được chị Thanh nhắc nhở mọi chuyện cần thiết của một thiếu nữ, điều mà lẽ ra dì phải làm thay mẹ tôi.

Cái quán cóc gọn gàng của chị Thanh vậy mà cũng đông khách. Gọi là quán cho oai chứ thực ra chỉ có một cái kệ nhựa và mấy cái ghế con con, dọn sát đầu ngõ, để tránh được nắng, và tránh cả lối cho mọi người đi lại. Người trong ngõ hay người đi ngang ngõ đều thích ngồi lại đôi phút nhâm nhi một ly trà đá năm trăm đồng, hay hút một điếu thuốc, để thư giãn theo cái cách bình dân nhất. Tối tối, khi tôi và Bình đã mơ màng ngủ, chị lại khe khẽ mang những tờ giấy bạc bán được trong ngày ra đếm, vuốt phẳng, rồi cất cẩn thận vào chiếc hòm tôn be bé cũ kỹ dưới gầm giường, dĩ nhiên còn có cả khoá nữa. Tôi thấy chị thích di chuyển nhiều hơn, hay mỉm cười nhiều hơn. Có hôm, chị kể cho tôi và Bình nghe về một người con trai tối nào cũng đến ngồi một mình, và trò chuyện với chị. Đôi mắt chị lấp lánh khác lạ. Tôi không gặng hỏi nhiều, sợ chị xấu hổ, nhưng tôi thầm vui và thầm hy vọng một điều gì đó hạnh phúc sẽ đến với chị. Ngoài chiếc chân bị teo cơ, còn lại chị là một người tuyệt vời.

Vĩnh bất ngờ đến tìm tôi vào một tối muộn, khi mà mọi cảm xúc và nỗi đau trong lòng tôi đang nguôi ngoai dần để tập trung vào viết luận văn tốt nghiệp. Vĩnh gầy hơn, dù hình như mới mẻ hơn. Cái vẻ đẹp trai mộc mạc còn nguyên. Khi Vĩnh đứng trước mặt tôi, trong lòng tôi xáo động nhiều, bồi hồi nhưng lạ lẫm. Phải, dấy lên một chút gì đó của tình yêu đổ vỡ, nhưng cũng chính vì đã đổ vỡ nên nó không nguyên vẹn, không giống như cái thời tôi có Vĩnh và yêu Vĩnh bằng một trái tim trong sáng, an lành, cái thời mà mối tình sinh viên của chúng tôi còn chân tình và ngọt ngào. Vĩnh bối rối. Tôi lặng im. Hai đứa đi lững thững bên nhau, dưới đèn đường vàng vọt. Gió buổi tối êm êm, chỉ đủ làm những sợi tóc mai mỏng mảnh của tôi khẽ bay mơn man trên trán và tai.

- Xin lỗi Yên - Vĩnh nói, tiếng nói nhẹ một cách mơ hồ.
- Vì điều gì hả Vĩnh? - Tôi hỏi, đột nhiên thấy khó thở, cứ như có cái gì đó vừa chặn con tim tôi không dẫn máu nữa.
- Vì đã làm tổn thương Yên, Vĩnh có lỗi.
- Chẳng ai bắt lỗi Vĩnh đâu, trái tim vẫn nằm bên trái đấy thôi, trách làm gì nếu nó làm những điều không phải.
- Vĩnh đã quyết định sẽ đứng vững bằng chính sức mình. Thầy An đang hướng dẫn Vĩnh làm luận văn. Thầy nói đề tài của Vĩnh mới và sáng tạo, nên thầy rất thích và chỉ bảo tận tình lắm. Nếu Vĩnh làm tốt.
- Chỉ là "nếu" thôi sao?
- Không, nhất định Vĩnh sẽ làm tốt, Vĩnh sẽ có cơ hội được giữ lại trường. Vĩnh đã nghĩ rất kỹ về đường đi cho mình, có điều.
- Điều gì cơ?
- Vĩnh có lỗi với Yên. Vĩnh muốn có Yên sát cánh, như xưa, và mãi mãi.
- Liệu như thế có tốt thật hay không?

Vĩnh không trả lời. Tôi hít thật sâu, thấy máu trong người lại lưu thông bình thường. Vĩnh đang ngay cạnh tôi, đang quay lại với tôi, nhưng sao tôi dường như không muốn thế. Lòng tự ái cao ngạo không hẳn là lý do. Việc Vĩnh chia tay tôi hôm ấy, đã khiến tôi nhận ra mình thật sự cần gì và nên làm gì. Trở về với tình yêu và với Vĩnh, tôi có thể làm gì cho Vĩnh không, và liệu hai đứa đến với nhau, có thể mang lại cho nhau cuộc sống như mơ ước? Giá như Vĩnh tìm tôi khi cả hai đứa đã khác bây giờ, đã có thể thật sự lo được cho nhau, thì tôi sẽ không ngại ngần gì mà lao vào vòng tay của Vĩnh. Tôi còn yêu Vĩnh. Nhưng tôi sợ mất Vĩnh một lần nữa khi tôi chẳng có gì để cho Vĩnh trên con đường phía trước. Và Vĩnh, thì đâu hơn gì tôi? Hai đứa còn quá trẻ để chắc chắn được tương lai. Vĩnh còn bố mẹ già yếu cần phụng dưỡng, còn hai đứa em đều sắp bước vào đại học cần được chăm lo. Và tôi, tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm với bố, với chị Thanh và Bình, vì tôi là đứa được mong chờ nhiều nhất. Tôi chưa thể can đảm trở lại với tình yêu của Vĩnh, khi mà tôi vừa nhận ra cuộc sống không tồn tại chỉ với mộng mơ. Những gì mà một thời tôi và Vĩnh đã ước ao, đâu phải chỉ cần cứ thuận hoà, êm ấm, hiền lành và trong sáng là có được?

Tôi quay sang phía Vĩnh, thấy Vĩnh trầm ngâm. Người con trai của tôi không mạnh mẽ như tôi đã nghĩ. Cả hai đứa tôi. Chính Vĩnh cũng chẳng thể khẳng định liệu Vĩnh có khác được hôm nay? Khi mà xã hội ngoài kia quay những guồng vội vã chẳng đợi chờ, danh vọng, tiền bạc và đau đớn luôn đi cùng với nhau, khi mà người ta đi qua nhau còn giả như vô tình không thấy, tình yêu gắn liền với toan tính và so đo. Cả Vĩnh, cũng đã có lúc rơi vào sự bề bộn ấy, đã có lúc suýt đánh mất tâm hồn mình, thì tôi bắt đầu hoang mang. Vì tôi đã yêu thương, tin tưởng Vĩnh, đã nghĩ thật giản đơn, rằng cứ mơ một cuộc sống bình yên là đủ. Nếu chỉ có hai đứa thôi, thì khác.

- Yên à, Vĩnh nhớ Yên nhiều lắm, chúng mình lại ở bên nhau có được không?
- Nghe Yên nói này Vĩnh, chúng ta nên cho nhau thời gian, và hãy suy nghĩ thật kỹ về những lựa chọn, vì mỗi lựa chọn sẽ đem đến những lối đi khác nhau. Yên đã từng tưởng rằng cứ yêu nhau thật lòng là đủ, là sẽ có tất cả hạnh phúc, nhưng giờ đây Yên đã nghĩ khác. Vĩnh có chắc là Vĩnh muốn đánh mất cơ hội mà Vĩnh đang có không?

Vĩnh lại im lặng. Và im lặng suốt quãng đường còn lại, im lặng cả khi hai đứa tạm biệt nhau, mà tôi biết có thể là tạm biệt mãi mãi. Chị Thanh đứng ở cửa, mái tóc xoã dài, trông buồn như chính tâm trạng của tôi. Nhìn chị, tôi bật khóc, khóc cho lần chia tay thứ hai với Vĩnh, mà lần này, tôi là người từ chối.

Đã lâu lắm rồi, hôm nay bố lại ngồi nói chuyện với mấy chị em tôi. Dì dạo này theo người ta đi buôn, gian hàng ở chợ đã giao cho người khác. Cứ ba ngày dì lại đi một lần, về đến nhà chỉ lo kiểm hàng, rồi ăn cơm và ngủ. Thằng Bảo đi một thời gian lại về, rồi lại đi. Trông nó già câng, cái đầu nhuộm vàng khè táo tợn. Nó chỉ cần mẹ nó khi cần tiền. Nó không cần một gia đình, không cần tình yêu thương và lòng khoan dung. Căn nhà chúng tôi vì thế mà nhẹ nhõm hơn, ít lời chửi mắng đay nghiến hơn, ít những thái độ xấc xược hơn. Bố xin được một chân bảo vệ đêm, cứ sáu giờ tối đã chuẩn bị đi, tận bảy, tám giờ sáng hôm sau mới về. Tối nay bố nghỉ. Bố gọi mấy chị em ngồi quanh bàn uống nước sau khi tôi và Vĩnh hai ngả quay lưng vào nhau mà đi.

- Từ hồi mẹ mất, bố đã khiến các con chịu khổ rồi. Bố thật chẳng ra gì, không lo nổi cho các con. Dì các con tuy có hơi khó tính, nhưng dẫu sao, dì cũng vất vả vì bố con mình. Bố cũng đã già rồi, chẳng muốn thay đổi cuộc đời lần nữa. Chỉ mong các con trưởng thành và bay được cao được xa như người ta - Bố ngừng lại một lát, rồi tiếp - Bố ít nói chuyện với các con hơn xưa, nhưng lúc nào bố cũng yêu các con. Bố mừng lắm, vì hôm nay Thanh đã nói cho bố biết quyết định quan trọng. Bố tin con. Và bố tin quyết định của con.

Má chị Thanh đỏ hồng ngượng ngùng. Khi tôi và Bình còn chưa rõ lắm về câu chuyện chị Thanh nói với bố thì chị đã lấy cớ xuống xem bếp lò đã ủ chưa và rời đi. Tôi hỏi ngay:
- Chị Thanh quyết định gì vậy bố?
- Chị con muốn lấy chồng.
- Lấy chồng? - Cả tôi và Bình đều vừa ngạc nhiên.
- Ừ, chị đã nói chuyện với bố rồi. Người mà chị con thương là một giáo viên, hình như là bạn của cậu Kiên hàng xóm. Chị các con được vậy là bố an tâm lắm. Tội nghiệp nó, sinh ra đã thiệt thòi. Mong là người ta thương nó thật lòng.

Khuya. Tôi thấy bâng quơ. Chờ mãi chị Thanh mới xong những việc lặt vặt chị luôn cố làm gọn gàng trước khi đi ngủ. Chị vừa lên giường, Bình vội ôm luôn lấy chị thỏ thẻ:
- Chị ơi, anh ấy như thế nào? Có phải cái anh tối nào cũng đến uống trà đá mà chị kể không?
- Ừ, anh ấy hiền lắm. Anh ấy không chê chị, chị thấy lạ lắm.
- Hi hi, vậy là chị yêu anh ấy đấy mà. - Bình cười rúc rích - Thế là em sắp hết được ôm chị rồi. Chị Yên không cho em gác chân đâu.
- Anh ấy tên là Sơn, anh ấy nói sẽ sắm cho chị một cái cửa hàng nho nhỏ, ở nhà bán hàng và chăm sóc mẹ. Anh ấy chỉ có mỗi mẹ thôi.
Chị cười mỉm, bất giác quay sang tôi đang im lặng:
- Yên à, hồi tối Vĩnh nói gì với em?
- Vĩnh muốn quay lại, nhưng em từ chối chị ạ.
 Lại im lặng. Cả tôi, cả những người tôi yêu thương đều thích sự im lặng hơn là lời nói. Im lặng để suy tư, để sâu lắng. Cũng có thể vì sợ làm đau lẫn nhau bằng những lời nói lỡ có vô tình.

Đêm cũng yên ắng khác thường. Tôi biết chị Thanh chưa ngủ như tôi, chỉ có Bình là đang no giấc. Nhưng không ai lên tiếng. Tôi mong trời sáng, mong ngày mai không mưa, cũng không nắng. Mong nỗi đau vá víu trong lòng mình sẽ không trỗi dậy như hôm nay. Mong chị Thanh hạnh phúc, dù chỉ là hạnh phúc bình dị, như tôi đã mơ với Vĩnh, một mái nhà yên ấm, cuộc sống nương tựa không bon chen. Giấc mơ mà tôi đã không mơ nữa. Tôi biết mình sẽ cần nhiều hơn thế. Những trang luận văn cuối cùng. Một người mạnh mẽ và quyết đoán hơn Vĩnh. Thật thế, để không đau nhiều như bố, không đau nhiều như Vĩnh đã khiến tôi đau. Một người nào đó sẽ không làm trái tim tôi lo sợ mất mát.

Chị Thanh khe khẽ trở mình sang tôi, vòng tay ôm lấy tôi, thì thào:
- Ngủ đi em, trời sắp sáng rồi đấy.


15/8/2006



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 187

Return to top