Những hoá thân của tình yêu
Khánh Thảo
Năm 18 tuổi chị lấy chồng. Gã trai khờ dại là tôi không hiểu vì sao chị phải ràng buộc với một người khác. Chị từ bỏ giấc mơ đến thành phố lớn như chị vẫn ao ước mỗi khi ngồi cùng tôi bên triền đê nhìn xuống dòng sông trong đục trôi chảy.
Chỉ còn tôi được đặt chân đến giấc mơ ấy khi đi học đại học, mang theo hình bóng chị, khắc khoải ẩn hiện trong mỗi cô gái thị thành.
Chị giống như mọi hình mẫu thiếu nữ buồn điển hình trong văn học. Mắt ướt rượi. Tóc đen. Môi đỏ. Da trắng. Gái nhà quê nhưng đẹp. Cái đẹp thôn dã ngây thơ trong trắng. Khi 15 tuổi, tôi đã một lần được chị cầm tay khẽ chạm vào đường cong eo thon con gái dậy thì vừa chín qua lần áo vải mỏng sờn. Ngơ ngác. Chị mỉm cười. Cái cười như vầng trăng đầu tháng, mỏng mảnh, nhờ nhạt, non yểu. Nhức nhối một cái gì đó nảy mầm bên trong, bên trên, bên dưới thằng con trai mới lớn. Toàn thân tôi đã cứng đờ. Chị cười rúc rích hơn. Tiếng cười chứa nước gầu sòng sánh ánh nguyệt tỏ vằng vặc đêm thâu. Chứa cả vị nước giếng sâu thẳm mát ngời, cả lóng lánh những nhịp sóng sông xô mỗi buổi hoàng hôn đỏ rực. Có lẽ người khác dễ nhận ra đó là một tình cảm thân thuộc, như là tình yêu, tình yêu tương đối ở những kẻ mang tâm hồn cũ kỹ.
Ngày chị lấy chồng. Một ngày bình thường, chẳng mưa chẳng nắng. Chẳng u sầu như người ta vẫn nghĩ về hồng nhan. Gái nhà quê như chị, 18 tuổi lấy chồng là đương nhiên. Chị cũng được mặc thứ áo voan trắng, đánh môi đỏ rạng rỡ với một ôm hoa lay ơn heo héo. Cái thời của những cuộc đưa dâu trong tiếng pháo nổ từ đầu làng tới cuối làng đã là dài. Người lấy chị là một anh lực điền khoẻ mạnh, vạm vỡ, có thể bế bổng chị lọt thỏm. Tôi đứng trong hàng ngũ những người đưa dâu, khẽ rùng mình khi tưởng tượng anh ta cũng chạm vào đường cong thanh tân của chị, nhưng với cái cách thô bạo giống hệt vẻ ngoài. Tôi ngơ ngẩn gom góp những tiếng cười lanh lảnh của chị giữa bộn bề xác pháo màu hồng nhuộm dưới chân. Có vẻ như chị hạnh phúc khi được đóng vai chính, được hoá trang cho khác lạ, được mặc chiếc áo váy bồng bềnh, được đeo găng tay trắng muốt, được kết lên tóc những bông hoa vải ngả màu thuê ở một tiệm váy cưới ngoài phố huyện. Người ta cứ trầm trồ khen chị đẹp. Nhưng chỉ mình tôi mới được thấy, hình ảnh đẹp nhất của chị, một gương mặt nghiêng sắc nét trong ráng chiều xa xăm nào đó. Gương mặt nghiêng chếch lên, nụ cười vời vợi mơ mộng, những sợi tóc dài mềm thơm hoang hoải lao ra phía trước theo hướng gió của triền đê tháng Tư. Từ lúc đó, tôi đã thầm nghĩ, chị là của mình. Và khắc hoạ người con gái đẹp sẽ là của riêng tôi, theo tôi suốt đời như một bí mật quý báu.
Nhưng chị lấy chồng, chẳng bàn với tôi câu nào, như thể chuyện đó chẳng liên can gì đến tôi cả. Và vài tháng sau khi chị cưới, tôi cũng xa quê. Tưởng xa đôi tháng lại trở về, ai ngờ xa đến đúng 18 năm sau mới quay lại. Cuộc sống cuốn tôi đi ào ạt, chỉ trong khoảnh khắc nào đó mới khiến tôi cần trở về cái nơi mà gia đình tôi từng sống. Tôi đi học đại học, một tháng sau, cha mẹ tôi quyết định bán ruộng bán vườn theo chân thằng con trai duy nhất lên thành phố. Mà nguồn cơn sâu xa hơn nữa là những chuyện xích mích nội tộc khó mong hàn gắn lại trong một sớm một chiều. Tôi được rèn cặp, được chăm lo. Bố mẹ tôi dần thành phố hoá, thích nghi còn nhanh hơn cả tôi. Họ ý thức được chuyện học rất quan trọng cho tương lai con trai, nên trong suốt bốn năm đại học, tôi gần như tuyệt đối tuân phục những quy định gương mẫu. Tuy thế, không phải tôi cứng nhắc hay bị gò bó quá mức. Tôi vẫn quen nhiều người, những cô gái, mà mỗi người đều khiến tôi gợn lên hình ảnh chị trong trí óc. 19 tuổi, tôi có nụ hôn đầu. Người tôi hôn là cô bạn cùng khu phố, gương mặt bầu bĩnh với áo hoa xanh dịu mát. Sau nụ hôn cô ấy cười khúc khích, giống chị cái lần cầm tay tôi giúp tôi khám phá chút thịt da con gái. Tôi nghĩ đến chị, chị đã hôn ai như thế? Chị có cười những tiếng giòn rơi vỡ li ti? Năm 22 tuổi, tôi đã có bạn gái chính thức đưa về nhà. Bố mẹ tôi cũng gật gù. Thói sống có thể khoác vỏ lạ lùng đi, nhưng quan niệm vẫn cổ hủ nông thôn, 22 tuổi là đã dựng vợ được rồi. Tôi thì chưa muốn, nhưng bạn gái tôi đã e thẹn ấp vào tôi, trao vào tay tôi cả một nguyên vẹn con gái. Những giọt máu đỏ tươi dính dấp, tôi bàng hoàng nghĩ đến đêm tân hôn của chị, những giọt máu của chị. Và chị có nhắm mắt, có mím môi khe khẽ, có ngại ngùng mà hân hoan như người con gái đang dâng hiến cái thứ chỉ một lần duy nhất cho tôi? Tôi hèn nhát lảng tránh sau lần ấy. Bạn gái tôi khóc cạn cả người, cặp kính trắng nhoè thẫm rồi rơi vỡ. Cô ấy bỏ chạy sau khi nói “Hình như em đã có…”, rồi mãi mãi tôi chẳng có cơ hội gặp lại. Cô ấy sang nước ngoài, trở thành một tiến sĩ, lấy một người ngoại quốc. Tôi hoang mang, lo lắng cho câu nói bỏ lửng, liệu điều bỏ lửng ấy đã tiêu tan, hay được giữ lại và cũng đang ở viễn xứ trời Tây?
Ngay cả điều đó cũng thôi thúc tôi nhớ tới chị. Chị sẽ giống những thím, những mợ cùng làng ngày ấy, đẻ dăm đứa con, rồi già sọm, rồi móng chân móng tay đen cáu, rồi tóc rối, rồi xa lạ và đơ dại? Không, chị của tôi luôn là cô thôn nữ đẹp đẽ, có mùi hương nhu và lá bưởi và lá sả từ tóc bay loang ra, có đôi mắt buồn ướt và làn da ấm nóng, người con gái ngồi bên tôi không biết bao nhiêu chiều trên triền đê cỏ xanh mướt những ngày chúng tôi chẳng trẻ con chẳng là người lớn. Tôi cố quên đi bằng vùi mình vào công việc. Đã qua rồi cái gã trai quê mùa lóng ngóng, tôi trở thành con người lịch lãm hào hoa khi tôi 27 tuổi. Và những cô gái bủa vây. Tôi chợt nhận ra mình cao ráo, rám nắng, mạnh mẽ, đôi mắt xoáy vào người khác đam mê tìm kiếm. Hạ My là người tôi ưng hơn cả. Nàng kiêu sa, cái cổ cao trắng ngần như những áng văn cổ điển vẫn miêu tả các tiểu thư. Nàng luôn mặc những chiếc áo tân thời màu sắc sáng chói, lúng liếng liếc mắt, lúng liếng lúm đồng tiền, lúng liếng những lời âu yếm. Ở nàng hội tụ hầu hết những điểm mạnh đáng mơ ước: xinh đẹp, giàu có, sang trọng, thông minh. Tố chất trở thành bậc phu nhân. Chúng tôi là cặp “đôi lứa xứng đôi” trong hai năm. Nàng cuồng nhiệt tự nguyện nằm ngửa trên giường của tôi trước khi tôi đề bạt. Nàng rất khó phai. Và tôi ngấu nghiến nàng khi trong đầu luôn mường tưởng là chị. Chị như thứ hương trầm lẩn quất ám ảnh. Chị như kỷ niệm lay lắt bám riết lấy tâm trí. Chị như thời gian, trôi cùng bốn mùa xuân hạ thu đông rồi tuần hoàn chưa bao giờ khác biệt. Chị như quyện vào gió, vào không khí tôi hít thở. Chị len lách vào những kẽ hổng trái tim mỗi lần tôi yêu, để tôi luôn cuống cuồng nhào trộn hình ảnh chị vào những người con gái của tôi. Chị đã là gì của tôi đâu, thậm chí chưa một lần tôi dám ôm lấy chị. Khi chị lấy chồng, tôi còn là thằng bé lộc ngộc ngô nghê, chưa thể nào thấm thía điều gì gọi là mất mát.
Hạ My chưa từng giục tôi kết hôn, nhưng tôi cần có nàng hàng đêm để thấy mình là thằng đàn ông lý tưởng. Tôi chỉ trở thành vua khi ở bên nàng. Vì nàng là bà hoàng của tất cả. Những gì nàng có, nàng đem đến, xới tung giác cảm bản năng của tôi. Đã có lúc tôi nguyện đánh đổi thế giới lấy những phút giây chăn gối vĩnh cửu cùng nàng. Nhưng nàng cười khanh khách khi tôi riết lấy đôi môi nàng, hôn tàn bạo và đề nghị một đám cưới tưng bừng. Điệu cười nàng ngang tàng, ngọt ngào, bay bổng, vỡ oà như nước xối. Không giống cảm nhận âm thanh lúc chị cười. Cũng giòn, cũng tan, nhưng đằm chìm bé bỏng. Tôi ngây người buông tay, Hạ My kề sát làn môi mọng căng vào tai tôi, thì thầm cám dỗ đến nỗi tôi chỉ muốn được làm cho nàng mệt nhoài. Nàng nói:
- Anh yêu à, chúng ta không nên lấy nhau!
Và rồi nàng tiếp tục rong chơi, chúng tôi trở thành người tình của nhau. Cũng phải thôi, thời khắc ấy, nàng mới 23 tuổi, thói ham vui của một kiều nữ không dễ gì bị trói buộc. Bố mẹ tôi điềm tĩnh giới thiệu cho tôi vài cô gái con nhà, kiểu cách, đoan trang, không kém phần nhan sắc. Không ai toát ra cái nóng bỏng của Hạ My, cũng như cái đẹp tròn trịa của chị. Tôi thở dài, buông mình xuống ghế nệm. Những ngày như thế ngốn thêm ba năm nữa trong kho trai tráng của tôi, trước khi một cô gái khác tiếp tục kề cận bên tôi trong vai trò người yêu. Cô ấy tên Thanh Chi, êm ái như tên. Tôi quen Thanh Chi trong một lần dự triển lãm. Em biết vẽ chút ít, khuôn mặt mang nét đa tài nghệ sĩ. Hà Nội mùa thu năm 2003, tôi nhớ rất rõ, chúng tôi đi bên nhau trong dìu dịu đất trời, không nói nhiều và tôi cẩn thận nắm tay em. Em lơ đãng hướng cái nhìn dò xét về mắt tôi. Em không khiến tôi cần so sánh với chị. Lạ. Tôi gói ghém ký ức về chị, ảo ảnh về chị ở nơi sâu kín nhất, để một khoảng trống bao la đón Thanh Chi bước vào. Chúng tôi cưới nhau khi mùa đông tới, kịp thời sưởi ấm những đêm có sương lạnh. Toại nguyện tất cả. Toại nguyện cho đến lúc cha mẹ tôi băn khoăn vì không có cháu. Thanh Chi không thể sinh con cho tôi, cho cha mẹ tôi, cho gia đình tôi. Em đề nghị ly dị. Tôi đề nghị tìm một giải pháp mà cuộc sống hiện đại đang có. Tôi thành đạt. Và điều tôi thiếu chỉ là đứa con với Thanh Chi. Em im lặng. Một sáng, em biến mất, còn lại trên chiếc bàn trang điểm kê cạnh khung cửa sổ đượm nắng lá thư đọng đầy nước mắt. Em bỏ tôi lại phố phường, em đến nơi nào đó núi rừng xa lắc, như ước nguyện thời con gái.
Mọi thứ rơi vào vô vọng. Tôi trở về trạng thái của gã trai năm 17 tuổi, nhìn chị mặc váy cưới trắng quê mùa mà xinh đẹp rời bỏ tôi. Cha mẹ tôi sắp già hẳn, họ lầm lũi dưới tầng một của căn nhà đồ sộ lộng lẫy. Họ chẳng cho tôi chút ý kiến nào nữa. Tôi tạm gác công việc. Giam cầm mình trong căn phòng ngủ vương đầy mùi thân thể Thanh Chi. Tôi, thằng đàn ông 34 tuổi, đẹp trai, phong độ, có địa vị, có gia tài. Nhưng chưa bao giờ hết cô đơn. Những hình ảnh chị ở nơi sâu thẳm tôi đã cất giữ bỗng nhiên bật bung ra, giăng mắc đan thành một nơi trú ngụ. Tôi uống rượu. Thấy rõ mồn một triền đê bát ngát màu cỏ xanh, sắc hoa cỏ xíu xiu tím biêng biếc. Cơn gió tháng Tư trong ánh hoàng hôn, mái tóc chị xoã bay tới tấp ra phía dòng sông. Tôi miên man tận hưởng. Chỉ có lúc ấy, chị mới thuộc về tôi. Nếu tôi có chị ngay từ đầu, thì sẽ không có nụ hôn đầu đời chẳng chút dư vị khi tôi 19, chẳng có màu máu đỏ trinh nữ khi 22 tuổi tôi cướp đoạt rồi trốn chạy, chẳng có Hạ My dữ dội gieo cho tôi bao phút giây hoan lạc rồi hẫng hụt biến tôi thành tên tình nhân tội nghiệp đầy khao khát bị bỏ lửng. Mà như thế cũng chẳng bao giờ có cái ngày tôi quan tâm, nghiền ngẫm Thanh Chi, biến cô ấy thành vợ và không giữ nổi em ở lại bên mình. Những tình yêu tôi có, với chị là dài đẵng nhất. Nhưng loang lổ nhất. Đứt quãng nhất. Tại sao tôi chưa từng trở về nơi có chị, từ ngày chị lấy chồng? Tôi đâu cần bận lòng đến những sứt mẻ gia tộc, tôi cần chị cho những năm tháng đời mình, đưa tình yêu tương đối thời ngây dại trở thành chỗ dựa an toàn và thoả mãn tuyệt đối. Sau tất cả, tôi thèm được ngửi mùi tóc thoang thoảng dập dìu những thứ lá có trong nước gội đầu của chị.
Và tôi về.
Mấy trăm cây số.
Làng quê khác. Sau 18 năm. Đương nhiên phải khác.
- Ơ… cậu Sơn nhà ông bà Thường đây sao? Ngần ấy năm trời bỏ xứ mà đi, chẳng thèm ngó ngàng nơi có bài vị tiên tổ… gì cơ? Cậu hỏi cô Miên vợ anh Đấu ấy à? Sao cậu hỏi cô ấy? Cũng bỏ xứ như nhà cậu còn đâu! - Bà lão già nua vừa trả lời vừa cằn nhằn. Bà ấy vẫn khó tính như cách đây 18 năm tôi từng được uống nước vối của bà
- Bà ơi, đi đâu cơ
- Thì lên thành phố. Cái làng này, người ta chê nghèo nhiều lắm! Người ta đi Hà Nội hết cả. Nhưng năm nào tôi cũng bán nước cho cô ấy đấy. Chẹp, nghĩ mà tiếc, con bé đẹp đẽ, thơm tho, mà đôi mắt cứ như nhúng nước!
Đúng là chị. Đôi mắt ướt rượi. Tôi quay quắt hồi tưởng. Cái lần chị cầm tay tôi đụng vào người chị, chị cũng nhìn tôi bằng đôi mắt ướt như khóc ấy. Giờ đây, đủ khôn lớn, tôi mới biết, đó là cái nhìn chứa đầy lời nói. Chị muốn nhiều hơn là bàn tay thô kệch vụng về của tôi chỉ lướt vội bên sườn. Những sắc dẻ quạt dần tắt lịm. Gió dưới sông ve vuốt. Chị bật cười khi tôi không làm gì hơn thế. Tiếng cười vỡ lanh canh cắt cứa.
- À, mà cái anh chồng thì không đi. Vẫn sống ở đây. Cả cô con gái nữa. Chỉ có chị Miên là đi thôi, mà đi gì đi riết cả năm mới về, rồi lùi lũi lại đi… thật tệ…
Tôi bần thần. Tự nghĩ ra hình ảnh chị lầm lũi bước trên bờ đê.
Tôi ngập ngừng trước cửa ngôi nhà ngói cũ. Người đàn ông vạm vỡ đang hót thóc ở sân. Tôi lưỡng lự trở ra phía triền đê. Trước mặt tôi là nguyên bản hình ảnh chị của 18 năm trước. Tóc đen. Da trắng. Môi đỏ. Chỉ đôi mắt là ít buồn hơn chị. Tim tôi thắt lại. Chị vẫn như thế, vĩnh viễn gắn liền với bờ đê của chúng tôi, hay là tôi đang tưởng tượng ra hình bóng chị ngày ấy?
Người con gái trước mặt khiến tôi run rẩy. Lẽ nào, chị đã để dành con bé ở đây để trêu người tôi? Chắc chắn nó là kết quả của đám cưới ngày ấy. Là kết quả, hoặc là nguyên nhân. Chẳng phải chị đã mong muốn có bàn tay đàn ông không chỉ chạm khẽ vào eo, mà còn cao và rộng, thấp và chặt hơn? Và sẽ bứt tung những chiếc cúc áo cảnh giả trên chất vải mỏng sờn, sẽ khám phá hết những tóc đen, da trắng, môi đỏ, những hương thơm, những sóng sánh tiếng cười, những dịu dàng chan chứa! Tôi thật ngốc!
Người con gái bẽn lẽn vén một bên tóc vào vành tai, cười cười làm duyên. Thì nó đang 18, giống như chị ngày ấy, nó đủ đỏm dáng để thích thú khi thấy tôi. Tôi tự biết mình là một thế giới khác lạ, xa xỉ so với con bé, và nếu đặt cạnh những cậu trai làng thô mộc đôi mươi, tôi vẫn còn khá trẻ. Nó đang ở cái tuổi của chị khi liều lĩnh đặt tay tôi sang người chị.
Con bé đi qua tôi, hơi ngoái đầu tiếc nuối, rồi quảy nhanh chân về phía ngôi nhà mà khi nãy tôi chần chừ không dám tiến vào.Tôi tha thiết muốn nhìn miên man vào đôi mắt buồn rượi của chị, nhưng tôi đã không có được phút giây ấy với đôi mắt long lanh của con gái chị. Vì, dẫu thế nào, cô gái ấy cũng không bao giờ là chị. Một luồng mệt mỏi thấm đẫm thân xác và tâm trí, tôi đờ đẫn quay ngược lại con đường mà ban sáng tôi đã khấp khởi bước về, không hề băn khoăn vì đã không tìm được chị. Ở một góc độ nào đó, tôi sẽ sợ hãi và ngốc nghếch lần nữa, nếu bắt gặp ánh mắt nhức nhối của 18 năm về trước.
……………………….
Lại là mấy trăm cây số.
Thành phố lại cười khẩy khi tôi về. Những ánh đèn sáng rạng rỡ. Những tiếng ồn đô thị náo nhiệt. Những bụi khói công nghiệp đắt đỏ. Tôi ngơ ngác như mình bị lạc. Chị ở đâu đó, giữa bộn bề nhà cửa, đường xá, người xe này. Chị đã cùng tôi sống trong một thành phố, điều mà tôi chưa hề nghĩ đến. Lúc nào tôi cũng cho rằng chị ở lại nơi thôn quê kia, để mãi rạng ngời xinh đẹp. Có thể người đàn ông may mắn cưới được chị, lại không đem đến cho chị mảy may hạnh phúc thật sự nào, mà chỉ là những chiếm đoạt bù đắp cho chị những khát khao ngày ngồi cùng tôi và muốn tôi biến chị thành đàn bà ấy. Nên chị ra đi. Cũng có thể, chị muốn thực hiện bằng được giấc mơ từ bỏ quê nhà mà cả tôi và chị đều ấp ủ. Mà biết đâu đấy, chị giống như tôi, quay đi trở lại, vẫn muốn vớt vát lại cái khoảnh khắc mà tôi cũng cứ hoang hoải tiếc nuối. Để ngơ ngác cảm thấy mình không tìm được. Để ngơ ngác, như cái ngày tôi nhìn theo bóng chị cưới chồng năm chị vừa 18 tuổi…
Ngọc Khánh
Hà Nội, 20 tháng 09 năm 2008