Mộng
Khánh Thảo
Trong truyện, Giả lão phu nhân hơi bạc tình với cô cháu ngoại vào phút cuối. Song, trong phim, tình tiết này được tình cảm hoá hơn. Ý của lão phu nhân có vẻ vẫn nhắm cô Lâm cho Bảo Ngọc, chỉ vì lệnh của Nguyên phi, chỉ vì ý của tất thảy mọi người còn lại đều muốn cô dâu họ Tiết.
Trong truyện, Đại Ngọc nghe tiếng pháo vu quy của người yêu, uất ức mà chết. Trong phim, em Lâm chết trước khi anh Bảo trở về, song cũng vì cái tin cưới gả kia không nhằm vào nàng. Bảo Ngọc lật tấm voan đỏ đại hỷ, khi đã biết trước đó là Bảo Thoa sắc sảo nết na, chứ không ngộ tưởng là em Lâm yếu đuối mong manh. Để mãi mãi tình yêu lứa đôi cũng chỉ là giấc mộng, một giấc mộng xa xỉ giữa chốn phong kiến nhiều khắt khe, tính toán, bon chen, nham hiểm và suy vong.
Tôi vẫn tiếc cho nhân vật chôn hoa ấy. Khóc sụt sùi sưng cả mắt mỗi bận xem lại hình ảnh cô Lâm đốt khăn, đốt thơ, đốt kỷ vật, và chết trong niềm tuyệt vọng. Những sắp xếp không theo trái tim con người đã cướp đi mỹ nhân yểu mệnh. Cái nét xanh xao, mềm mại, chơi vơi, hư ảo của nàng khiến cho tôi xa xót chưa từng thấy. Nỗi ám ảnh, về một cái chết day dứt trước đám cưới của người yêu, đeo đẳng tôi không biết bao nhiêu năm bộ phim tồn tại. Ngày bé, tôi xem phim trước rồi khi lớn mới tìm truyện để đọc.
Một tháng nữa là đám cưới của tôi với người yêu, dĩ nhiên. Ở cái thời buổi văn minh này, chúng tôi chẳng lệ thuộc nhiều vào gia đình trong chuyện tìm hiểu, ăn đời ở kiếp hoặc tương tự. Tự do yêu đương, tự nguyện đăng ký kết hôn, không ép buộc, không áp đặt. Ấy thế mà có cái gì đó vẫn cứ chởn vởn làm tôi bất an, nó nhẹ thôi, thoảng qua thôi, nhưng đôi khi rảnh rỗi, tôi lại thấy khó chịu. Hình ảnh những cái voan trắng châu Âu thay cho những tấm vải đỏ chói loà. Họ quá rành mặt nhau để cần phải vén đậy tấm mạng dày đặc kia. Rành cả thân thể chứ không chỉ có diện mạo. Nếu như vẫn còn cái lệ ấy, chắc tôi sẽ chết trước khi được động phòng vì hồi hộp cho đức lang quân mà cha mẹ ướm gả cho, cái người mà phần lớn ngày xưa còn là ẩn số cho đến tận khi leo lên giường vu quy.
Váy cưới của tôi đơn giản, không có gì nổi bật. Thu nhập bình thường dẫn đến một đám cưới cũng bình thường, như chúng bạn tôi đã thành cô dâu trước tôi hoặc sau tôi ở thì tương lai gần. Ảnh cưới được chụp tại nơi có nhiều cây xanh, cô dâu cũng trang điểm rực rỡ, cười nghiêng ngả hạnh phúc và chú rể lóng ngóng vụng về cố gắng tạo thế cho phù hợp với những màn uốn éo của tôi. Đã có lúc tôi lầm tưởng mình đang cưới một Bảo Ngọc. Anh cũng giàu sang, da trắng, môi đỏ, trông dễ thương nhiều hơn là đẹp trai. Anh lớn lên cũng giữa một bầy con gái mơn mởn: là các chị và các em gái. Nhưng toàn là chị em họ. Vì anh là con duy nhất. Các chị em họ của anh, ai cũng xinh, cũng đáng là Nghênh Xuân, Tích Xuân, Tương Vân, Kim Xuyến... mỗi người một vẻ, nhưng đều là kiều nữ xinh đẹp có tiếng. Phải nói gia đình anh tụ họp nhiều người đẹp nhất mà tôi từng biết. Cô em nhà cậu út còn tham gia trong đội người mẫu New Talent, lúc nào cũng xúng xính, toát ra cái vẻ kiêu kiêu hợp mốt, nhưng trang đài sang trọng đáng ngưỡng mộ. Chân dài và trắng nõn, mùa hè bận quần soóc ngắn cũn, đi xe LX rất xứng vóc, như thể sinh ra là để đi LX, và LX xuất hiện trên thị trường là để tôn cái đôi chân dài thon muốt mượt kia lên. Mùa đông thì váy ôm cũng ngắn cũn không kém mùa hè, thêm tất kín bưng đủ màu càng tôn lên những nét cong hợp lý của một đôi chân người mẫu. Có cô em bằng tuổi tôi, thì có gương mặt của một công chúa Ai Cập, giống vô chừng giống, nhất là từ ngày cô để thêm kiểu mái bằng và nhuộm lại tóc đen óng thay cho màu tím đỏ.
Tôi thích nhất bà chị tên Mai Thanh nhà bác cả, có nét đẹp cổ điển đằm thắm dịu dàng, nhất là đôi mắt buồn xa thẳm của Lâm Đại Ngọc. Đôi mắt mang đầy thơ, hẳn thôi, chị theo nghiệp viết lách, thơ làm ra cũng lên đến vài tập. Đôi mắt mang nỗi tủi phận, cái này cũng đúng nữa, vì nếu giải thích chính xác, nêu cụ thể nguồn gốc, thì chị là con riêng của bác gái, được nuôi nấng từ bé như con ruột của bác trai. Điều này, nội bộ gia đình, và những người gần gũi, ai cũng biết mười mươi, nhưng không ai ho he nói ra bao giờ, thành ra nó là một bí mật phổ biến, ai cũng nắm chắc và đinh ninh là không quá đến hai người được biết. Hôm lễ ăn hỏi tôi, chị cũng tham gia đoàn người nhà trai, bận áo dài màu sắc và hoa văn cứ tựa như áo em Lâm trong cái ngày cuối cùng em lững thững trong vườn đào, ngồi ngắm nấm mộ hoa và nghe lỏm tin Bảo Ngọc sắp thành thân với Bảo Thoa từ câu chuyện của Tử Quyên và Tiểu Hồng. Mỗi lần gặp chị, là mỗi lần cái tâm thức “Hồng lâu mộng” trong tôi bị lay gọi. Tôi tuyệt nhiên chẳng dám thổ lộ điều này, kể cả với người yêu của tôi, tôi sợ nó là điều ngớ ngẩn, vì dẫu sao, chỉ có tôi cứ suốt ngày âm thầm đam mê loại phim/tiểu thuyết tốn kém nước mắt đó. Chính xác là phim, vì đọc nguyên tác, tôi lại chẳng mảy may rỏ giọt nước mắt nào. Không phải tôi không khâm phục Tào Tuyết Cần hay Cao Ngạc, đơn giản là bộ phim đến với tôi trước, nó lại có những hình ảnh màu mè diễn tả sinh động, không bắt người đọc/người xem phải căng óc tưởng tượng từng cảnh Vinh phủ, vườn giả Thượng uyển, hay những chén ngọc, túi thơm... Nếu tôi không nhầm, Mai Thanh là người gắn bó nhiều nhất với chồng tương lai của tôi, gần gũi từ tấm bé, tuổi tác chênh nhau đôi tháng, thậm chí, trong đôi mắt hồng nhan kia, ẩn chứa cả một thứ tình yêu kìm nén, tội lỗi, dù không thể nói nó có tội hay không.
Tôi nhận lời lấy anh, một phần nào đó, vì quá thích vườn hồng giai nhân nhà anh. Tôi muốn được là một thành viên của đội ngũ mỹ nữ kia. Tôi không được xinh xắn như tôi mong đợi, song cũng chẳng đến nỗi nào. Tôi chỉ ưa nhìn, toát ra nét sâu sắc của một trí thức thật sự, cộng thêm tính cách linh hoạt, nhanh nhẹn, dù không quá khéo léo. Có điều lạ là, từ chị Mai Thanh trở xuống, chưa ai có ý định kết hôn, hoặc ngấp nghé ý định ấy thôi. Mai Thanh là chị cả của đại gia đình bên nội, bằng tuổi với chồng sắp cưới của tôi, tức là hai mươi bảy, thế mà vẫn cứ điềm nhiên, mặc những lời giục giã cũng như những lời xì xào. Chị cười, bảo là chưa đến duyên, chứ chuyện đời người, vội gì. Cái buồn man mác, không nhờ những câu cười chào đón tôi che đậy hết được. Có lần, vào dịp tụ họp gia đình bên nội, tôi đang vô tư đứng trong bếp đùa với anh vì mọi người đã ngủ trưa hết, thì giật mình quay ra, thấy chị đang nhìn trộm, bối rối nói dối là xuống tìm con dao gọt hoa quả. Tôi hơi ngượng, không phải vì những hành động thân mật hai chúng tôi thể hiện khi nãy, mà là vì ánh mắt của chị đượm một nỗi niềm tiếc nuối, vô vọng, hoài công. Người đàn ông của tôi im lặng, tôi rụt rè, và cho rằng tôi nên sáng suốt không đòi hỏi được biết sự khó hiểu (thật ra có thể nói là tôi cũng hiểu) của thái độ hai chị em.
Còn 20 ngày trước khi tôi trở thành cô dâu. Mọi kế hoạch đã dần tươm tất. Thiếp mời cưới đã được in, và chúng tôi đang thu xếp thời gian để đi mời. Bố mẹ tôi dường như còn rộn ràng hơn cả tôi, dù sao cũng là lần đầu bố mẹ được lo cho con cái thành gia thất. Tôi chấp chới những ủi an chính mình, rằng mình sẽ hạnh phúc thôi, rằng mình cũng yên ổn thôi, tôi sẽ cố gắng thuận hoà bên anh, cố gắng để yêu anh nhiều nhất, nhiều hơn nỗi niềm yêu thương bình thường của hiện tại. Tôi đã chọn cho mình bến đỗ nhẹ nhàng, tôi sợ những ồn ào bão tố vẫn thường xuyên diễn ra trong lòng mình. Lạ lắm, tôi thuộc tuýp người thích xảy ra kịch tính, vô tình hoặc cố tình xảy ra, hoặc bị động. Nếu cuộc sống thường nhật bằng phẳng, thì mặc nhiên trong lòng tôi cũng nảy nở hờn ghen, giận dỗi, vô cớ, để phi lý dằn dỗi người yêu một chút, để được quan tâm và cưng nựng. Song, tôi biết, giông gió là không nên, đầm ấm là điều cả đời người luôn theo đuổi. Cho đến tận khi nhắm mắt xuôi tay, nhiều người vẫn còn khắc khoải tiếc nuối những lỡ lầm thời sôi nổi. Tôi muốn được thanh thản, để lặng lẽ đấu tranh với sự trái ngược của tâm hồn tôi phức tạp. Đó là cả một thế giới chứa chan những bi kịch, những thê lương, những trắc trở, những hoài niệm, những bộn bề bối rối. Thế cũng đủ làm nặng lòng tôi rồi. Khi chúng nhói lên, tôi lại sợ hãi, lại muốn bỏ trốn, lại muốn được khác đi. Thậm chí, có lúc, tôi muốn rũ bỏ, rũ bỏ mọi thứ, để ẩn náu sau những chốn xa xôi hẻo lánh, nơi tôi chỉ là đốm nhỏ mờ nhạt, không người quen, không trần gian bụi bặm và khô khan. Tôi muốn thấy, muốn mình trải qua giấc mộng gác tía quá vãng, nơi có nàng Đại Ngọc thích hờn của tôi, có chàng Bảo Ngọc bơ vơ lạc lối, ngơ ngẩn vì không bao giờ chạm được vào cõi lòng tơi bời như hoa đào đã được đắp mộ của em Lâm. Dẫu cho là, điều đó đã khiến tôi đau lòng đến cạn người rất nhiều đêm. Và kể từ ngày biết Mai Thanh, tôi luôn thoáng nghĩ tới chị mỗi lần mơ về Hồng lâu.
Mai Thanh nhắn tin hỏi tôi có rảnh vào cuối buổi chiều không. Thực ra, tôi có hẹn với tụi bạn cũ, nên tôi hơi ngần ngừ. Có cái gì đó thúc đẩy tôi trả lời “Không”. Chị rủ tôi đi uống nước. Linh tính làm tôi xôn xao.
Buổi chiều mùa đông lãng đãng vốn có. Hà Nội trầm tư trong màu lá sẫm. Những chiếc khăn đượm hơi ấm. Những đợi chờ và hẹn hò tình tứ của một ngày gần cuối năm. Chị mặc áo măngtô màu tím biếc, chân váy đen gợi cảm, trông đẹp như trên tạp chí thời trang.
- “Em có thích mùa đông không?”
- “Nếu chỉ lạnh vừa vừa như thế này thì em thích, đêm ngủ thấy ấm áp...”
Tôi định nói “nhất là có chồng để ôm” nhưng vội vàng dừng lại được.
- “Chị thích lắm, mùa đông làm chị dịu lòng...”
Cốc ca cao bốc hơi nóng bảng lảng như tâm tư.
- “Thế em đã quyết định đi nghỉ ở đâu chưa?”
- “Em đang nhờ đặt vé, nếu thuận lợi thì đi Sapa cũng được chị ạ, còn không cũng có thể để có dịp, đi Thái Lan hoặc Malaysia, giá cũng rẻ mà coi như được xuất ngoại nữa.”
- “Cảm giác sắp làm cô dâu có thích không em?”
- “Dạ... À, em thấy hơi là lạ thôi...”
- “Ừ...”
- “...”
- “Chị cũng muốn nếm cảm giác ấy quá...”
Câu nói khiến tôi xôn xao. Chị thôi nhìn đường phố qua lớp cửa kính tầng 2 quán cà phê, quay lại phía tôi đang bối rối, nở một nụ cười che chở. Có phải lúc ấy, tôi đáng thương và ngốc nghếch lắm không?
- “... Tại chị cứ ảo mộng ấy mà. Hạnh phúc là do mình thôi, chị cứ thích tự làm khổ mình, em nhỉ?”
- “Có lẽ em cưới chồng sớm quá chăng?”
Tôi vụng về buông một câu chữa cháy, tôi cảm giác như chị sắp vỡ oà trước mắt tôi.
- “Hồi bé, chị rất thích chơi trò cô dâu chú rể, lấy cái khăn voan của mẹ chị buộc túm lại một đầu giả làm hoa, trùm lên, rồi sung sướng hát cái bài ‘Cô dâu chú rể, đội rế qua cầu...’. Em biết bài ấy không?”
- “Có chị ạ, hồi bé em cũng thích chơi, con gái mà...”
- “Chú rể của chị là Nguyên đấy.”
Nguyên là tên chồng sắp cưới của tôi.
- “Em cũng chơi với mấy thằng bạn nối khố, giờ thi thoảng vẫn kể ra trêu nhau”, tôi nói nhanh.
- “Hồi nhỏ Nguyên nghịch lắm đấy, mà không cho ai làm cô dâu ngoài chị đâu.”
- “Anh ấy yêu quý chị mà”, tôi cảm thấy bầu không khí ngột ngạt sắp ập đến.
- “Ừ... chị cũng thế... bọn chị đã chơi trò đó rất nhiều lần. Đó là trò yêu thích, Nguyên luôn nắm tay chị, đi trước mọi người, được một quãng, hai đứa nháy mắt với nhau rồi ù té bỏ ‘đoàn đưa dâu’ đằng sau, chạy tít vào một góc khuất, cười rấm rứt với nhau...”
- “À, giống cô dâu bỏ trốn...”
- “...Và thơm nhau vào má...”
- “Dạ?”
- “Lúc ấy, Nguyên thường bảo ‘Mai Thanh không phải chị Nguyên, Mai Thanh sẽ là vợ Nguyên nhé!’”. Tôi tái mặt, như thể đó không phải một trò chơi, như thế tôi đang chứng kiến Nguyên yêu dấu của tôi bằng xương bằng thịt, đang hôn lên má chị, thì thầm những lời ngọt ngào hoang tưởng. Trong khi đó, chị cứ đều đều nói, như nói một mình, như không có tôi, không cần tôi lắng nghe, không biết có làm tôi nhức nhối hay không. “Bọn chị cùng nhau chơi cô dâu - chú rể suốt nhiều năm, khi 15 tuổi vẫn chơi, nhưng đám cưới đã không còn bọn nhóc lít nhít nối đuôi đằng sau chia nhau mấy cái kẹo màu mè sặc sỡ, chỉ còn hai người...”
- “Chị ơi...”, tôi ngẩng lên, kìm nén xúc cảm để ngắt lời, tôi muốn dừng những lời thổ lộ ấy lại.
- “Hay lắm, để chị kể tiếp”, chị lại cười, một nụ cười cô độc hồi tưởng.
- “...”
- “Nguyên không còn thơm vào má chị nữa, lần đầu tiên Nguyên đã hôn vào môi chị, và lần đầu tiên, hai đứa đã được là vợ chồng thật sự...”
- “Chị!”, tôi đứng phắt dậy, rồi luống cuống nhìn vào đôi mắt đau đáu xa xăm của chị. “Em... em xin lỗi, chị đừng kể chuyện đó được không?”.
- “Không được!” Chị dứt khoát lạnh lùng. “Em cần phải biết, chị không muốn sau này, có lúc nào đó em biết được những trò chơi cũ mà ghen tuông với Nguyên, làm tổn thương Nguyên”.
Ôi, cái giọng nhẹ nhàng chết người của chị, nó làm tôi run rẩy, cảm giác hạnh phúc bập bềnh như con thuyền rách buồm vô định giữa đại dương, sắp bị cơn sóng thần nhấn chìm tới tả, thành hàng trăm mảnh vụn và mất tích dưới lớp lớp nước thời gian. Tôi mê đi, rơi vào cái xoáy tròn cuốn lốc mà chị đang tạo ra. Đối với chị, điều đó giống như đang đọc lại một bài thơ đẹp đã cũ của chị, đối với tôi, nó như đi giữa trời mưa phùn mùa đông trong chiếc áo mùa hè mỏng tang, xuyên thấu và buốt rét.
- “... Trò chơi ấy đúng là thiên đường, em có biết không? Lần đầu tiên, chị xấu hổ oà khóc, Nguyên kéo chị vào lòng, hơi ấm thổn thức ngượng nghịu của một cậu trai mới lớn đã khiến chị tin tưởng. Chị biết, trong khoảnh khắc ấy chị biết, Nguyên sẽ mãi là chú rể của chị, tất cả chị trao cho Nguyên không có gì phải tiếc. Chắc Nguyên cũng không quên đâu... mà quên làm sao được, cho đến giờ, chị và Nguyên vẫn được chơi trò vợ chồng, chỉ không danh chính ngôn thuận thôi. Trò chơi của bọn chị không có công việc gia đình nặng nề, không có lo toan cơm áo con cái, chỉ có những giây phút tuyệt diệu đêm động phòng...”
- “Chị thôi đi!”, tôi gào lên, toàn thân mụ mị và bắt đầu thở gấp.
Tôi lao ra phía cầu thang trong ánh mắt tò mò của khách và nhân viên quán, họ hết dồn sang cái bóng tôi lao xuống dưới, lại đẩy sang phía bóng chị ngồi bất động. Cốc ca cao đã thôi không còn bốc khói nữa.
“Thật là điên rồ”, tôi nghĩ. Nước mắt đã tức tưởi ùa tràn. Tôi phóng xe loạng choạng. Nước Hồ Tây sóng sánh đầy, lớp sương chiều giăng kín phía xa, khiến hồ như trở thành biển. Tôi khựng lại, những tiếng phàn nàn khó chịu của người đi sau không thu hút đầu óc tôi, tôi lôi điện thoại ra bấm số của anh, rồi lại cuống cuồng dừng lại. Tất thảy năm lần. Tôi tắt hẳn. Tôi ngả người trên chiếc ghế đá. Trời sập xuống thứ bóng tối mê hoặc, lạ lẫm, chao đảo. Những ánh mắt của chị khi thấy tôi nồng nàn bên chồng sắp cưới ranh mãnh nhảy múa ở khoảng không cận kề tôi nhất. Chị bỗng chốc không còn là Lâm Đại Ngọc trong mộng của tôi nữa. Chị đã trở thành một nhân vật nham hiểm nào đó, một loại nhân vật không được miêu tả trong cuốn tiểu thuyết thuộc tứ đại kỳ thư kia. Không phải cái sắc sảo Vương Hy Phượng, không phải cái toan tính khôn ngoan Tiết Bảo Thoa, cũng chẳng là cái chua chát mong thoát khỏi thuyền uyên ương bán thân của Tương Vân đáng thương... Chị là ai? Thì vốn chị âm thầm có quyền yêu Nguyên, song lẽ nào, chị muốn điều ấy phải là hiển nhiên? Tại sao chị lại làm điều đó khi tôi sắp là người bước lên xe hoa với Nguyên? Chị tuyệt vọng? Chị đau khổ? Hay chị độc ác? Chị dối trá? Trò chơi chồng vợ, ai bé chẳng từng chơi, tôi chỉ không muốn tin, nó đã diễn ra với Nguyên của tôi cho đến tận bây giờ, anh vẫn là cậu nhóc chú rể trong vòng tay của chị. Vậy thì vì đâu, anh còn yêu tôi? Còn say đắm bên tình yêu của tôi? Tất cả vừa nhuốm màu phản bội. Tất cả như những cái bong bóng xà phòng cuối cùng đang mỏng dần, đang chuyển sang màu đen trắng, đang rớt lại thành giọt rơi xuống đất, ngấm vào, biến mất, lãng quên. Tôi phải cay đắng chấp nhận, đó hoàn toàn có thể là sự thật. Câu đố quẩn quanh mơ hồ trong tôi vừa có lời giải, cái cảm giác mà tôi luôn cố xua đi mỗi khi chị liếc nhìn chúng tôi chính là điều này. Đám cưới chỉ còn là nguỵ biện để anh xa rời chị. Tôi hiểu rồi, nó là một ám ảnh ngông cuồng. Anh sẽ lấy vợ, sẽ dứt được khỏi trò cô dâu - chú rể đã được lập trình và không cài chế độ xoá suốt ngần ấy năm. Hoá ra, chị không thể lấy chồng, vì chị đâu yêu ai khác ngoài Nguyên, người như chị, mãi mãi trung thành với tình yêu đầu tiên, mãi mãi tôn thờ tình yêu mà sự trinh trắng đã được trao đi, để nhận về những đê mê khó quên nhất. Tôi sẽ làm gì? Tôi không biết...
Tôi chỉ biết, mình mới chính là nàng Đại Ngọc ngốc nghếch không thể với được vào người mình thương yêu. Cái mộng được sống bình thường với chàng công tử họ Giả, không bon chen chốn quan trường nhiều lọc lừa ngang trái, không vướng bận học hành thi cử, không bao giờ được coi là đúng đắn, bởi nàng đã sống và yêu nhầm thời. Tôi dù có khác, tôi gặp nhầm người để vun xây tổ ấm, nhưng tôi cũng đã như nàng, vào giây phút cuối, phải nghe những điều mình mơ hồ đoán mà không bao giờ muốn nghe cả. Lâm Đại Ngọc ơi, nàng, cùng căn bệnh xuất huyết bẩm sinh của nàng, và nỗi lòng chôn hoa bi thương xót xa của nàng, đã chết. Còn tôi sẽ sống. Sống và không cần bất kỳ một tình tiết nào của câu chuyện về giấc mộng hồng lâu kia nữa.
Tôi mở túi xách, lấy tập thiếp đỏ chói định gửi cho bạn bè, bắt đầu xé ra từng mảnh nhỏ...
Hà Nội, mùa đông
21/12/2008