Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Chiến tranh Đông dương 3

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 20733 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chiến tranh Đông dương 3
Hoàng Dung

P6

Sau mấy chục năm chiến tranh và thù hận, nước “đầu sỏ tư bản” Hoa kỳ dần dần trở nên một mục tiêu thiết yếu để thiết lập quan hệ ngoại giao cho cả hai nước Trung hoa và Việt nam. Theo thời gian và hoàn cảnh lịch sử, ưu tiên để bình thường hoá ngoại giao với Hoa kỳ của cả hai nước ngày càng trở nên cấp bách, nhất là trong năm 1978. Đối với Trung hoa, Hoa kỳ đã là kẻ thù số một trong trận chiến tranh Triều tiên. Năm 1958, sau sự rạn nứt Nga - Hoa, Liên xô trở nên kẻ thù chính, Hoa kỳ xuống hàng thứ hai. Quan hệ với Hoa kỳ cởi mở hơn một chút sau chuyến viếng thăm Trung hoa của Tổng thống Nixon, nhưng giữa hai nước vẫn còn có một khó khăn căn bản là Đài toan. Tới năm Tổng thống Carter đắc cử, lập trường của Hoa kỳ về vấn đề Đài loan ngày càng mềm dẻo, cùng lúc với khuynh hướng thực tiễn của Đặng Tiểu Bình “dù mèo trắng hay mèo đen, cứ bắt được chuột là mèo tốt”, cũng ngày càng hoà giải hơn.
Lúc mới đầu, triển vọng bang giao của Hoa kỳ với Việt nam tương đối tốt đẹp hơn là đối với Trung hoa, vì giữa hai nước, không có một khó khăn gay go nào như vấn đề Đài loan. Lúc đó, vấn đề những người mất tích trong chiến tranh chưa phải là một đề tài thời sự lớn, và ngay sau khi nhận chức, Tổng thống Carter đã muốn thiết lập ngoại giao bình thường với Việt nam. Do óc chủ quan, thiển cận và sự kiêu căng, các lãnh tụ Việt nam đã để mất cơ hội và làm tiêu tan thiện chí của Tổng thống Carter, khiến cho trong một khoảng thời gian dài hơn mười năm sau, Việt nam đã là một trong những nước cô lập về ngoại giao nhất thế giới và có một nền kinh tế yếu kém nhất trong vùng Đông Nam Á.
Đầu năm 1976, nhân dân Mỹ đang mệt mỏi và thất vọng vì chiến tranh Việt nam và vụ Watergate nên đã bầu Carter, một Tổng thống ngoan đạo, trong sạch, nhiều thiện chí. Carter nghĩ rằng những ám ảnh về chiến tranh trong lòng nhân dân Mỹ có thể được giải toả phần nào bằng cách thiết lập ngoại giao với Việt nam và quên đi dĩ vãng. Mới hai tháng sau khi nhận chức, ông đã cử ngay một phái bộ đến Hà nội để thảo luận sơ bộ về vấn đề bình thường hoá bang giao.
Thiện chí của Tổng thống Carter đã làm cho những lãnh tụ Việt nam càng hiểu lầm và càng thêm kiêu ngạo. Đã tạo nên “một chiến thắng thần thánh”, họ đã đánh giá quá cao vào khả năng và vị thế của mình. Họ tin là với khả năng siêu nhân của họ, cộng với sự ưu việt của chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, công việc “xây dựng đất nước to đẹp gấp mười” trong một thời gian ngắn không phải là điều khó khăn. Cộng với niềm tin rằng với “ba dòng thác cách mạng”, chủ nghĩa tư bản đang giẫy chết, việc thiết lập quan hệ ngoại giao với tên đầu sỏ tư bản không cần thiết lắm. Sự sốt sắng của Tổng thống Carter được hiểu như một sự cầu cạnh.
Phái bộ mà Tổng thống Carter gửi sang Việt nam năm 1977 gồm toàn những nhân vật bồ câu, trước kia phản chiến, trừ Dân Biểu Montgomerry, nhưng chính Dân biểu Montgomerry cũng đã khuyến cáo chính phủ là nên cải thiện bang giao với Việt nam. Đứng đầu phái bộ là Leonard Woodcock, chủ tịch nghiệp đoàn công nhân các hãng xe hơi. Trưởng phái đoàn thương thuyết Việt nam là Thứ trưởng ngoại giao Phan Hiền.
Ngay trong buổi họp đầu tiên, Phan Hiền đã đưa ra vấn đề Mỹ phải viện trợ tái thiết như một điều kiện tiên quyết. Ông ta nêu một lá thư mật của Tổng thống Nixon gửi cho Phạm Văn Đồng năm 1973, trong đó Nixon hứa sẽ viện trợ Bắc Việt hơn ba tỉ đola nếu Bắc Việt chịu ngừng bắn. Woodcock trả lời hiệp định Paris đã vô hiệu vì Việt nam đã vi phạm nhiều điều khoản và Bắc Việt đã hoàn toàn chiến thắng. Phan Hiền trả lời nếu hiệp định đó coi như vô hiệu, thì điều 8 trong hiệp định Paris về số phận những người mất tích trong chiến tranh cũng vô hiệu luôn và Việt nam không còn trách nhiệm gì về vấn đề này nữa. Phái bộ Mỹ nói dư luận Mỹ sẽ không thể nào chấp nhận được lập luận này, vì đó là một hình thức tống tiền trên tù binh và xác chết. Nhưng Phan Hiền vẫn khăng khăng là nếu không có viện trợ, không có quan hệ ngoại giao. Thất vọng, Woodcock nói với Phan Hiền như một lời tiên tri, là phái đoàn của ông là một phái đoàn dễ thông cảm nhất, và nếu Việt nam để lỡ cơ hội này, triển vọng thiết lập bang giao sẽ bị đẩy lùi lại hàng chục năm. Cuộc họp tan vỡ, nhưng hai bên đồng ý sẽ gặp lại vào đầu tháng 5-1977 tại Paris.
Trưởng phái đoàn của Mỹ trong buổi họp lần thứ hai là Richard C. Holbrook, Phụ tá ngoại trưởng đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương. Holbrook lúc đó là một viên chức ngoại giao trẻ, sáng giá đang được ngoại trưởng Vance nâng đỡ. Cả hai đều muốn giúp Carter trở nên Tổng thống của một kỷ nguyên ổn định và hoà bình, và cả hai đều cho là việc thiết lập ngoại giao với Việt nam sẽ góp phần bảo đảm cho sự an ninh và hoà bình toàn vùng Đông Nam Á.
Trước khi đến Paris, Holbrook rất lạc quan, ông ta được Tổng thống Carter cho phép thông báo với Phan Hiền là Hoa kỳ sẽ bỏ phiếu thuận để cho Việt nam được vào Liên hiệp quốc, và nếu thiết lập được quan hệ ngoại giao, Hoa kỳ sẽ bãi bỏ lệnh cấm vận.
Holbrook đã lầm, vừa bắt đầu cuộc họp, Phan Hiền đã đòi ngay tiền viện trợ tái thiết, và buổi họp bế tắc. Phan Hiền ra khỏi phòng họp công bố lá thư mật của Tổng thống Nixon với báo chí và nói rằng Hoa kỳ phải thực hiện lời hứa nếu muốn bang giao với Việt nam. Thất vọng, Holbrook chiều hôm đó gọi điện thoại cho Phan Hiền, nói là ông ta đã phạm một sai lầm rất lớn. Quả nhiên, tin về cuộc họp báo của Phan Hiền vừa tới Washington, Hạ viện Hoa kỳ lập tức can thiệp. Chiến tranh đã chấm dứt, phong trào phản chiến tan rã. Giờ đây gió đã xoay chiều, không còn một Quốc hội chủ hoà chống đối một Tổng thống diều hâu như trước. Hạ Viện biểu quyết ngay một đạo luật cấm chính phủ không được viện trợ cho Việt nam dưới bất cứ một hình thức nào. Nhưng phía chính quyền Việt nam, một mặt đã quen với đường lối “dân chủ tập trung” coi Quốc hội như một cơ quan trình diễn, mặt khác vẫn còn tin tưởng vào áp lực của “những người Mỹ tiến bộ”, nên lập trường vẫn không thay đổi. Trong buổi họp thứ hai tại Paris, ngày 2-6-1977, Phan Hiền chỉ đưa ra một nhượng bộ nhỏ là để cho chính phủ Mỹ có thể hứa một cách kín đáo, không cần cho dân Mỹ biết. Dĩ nhiên điều đó không thể xảy ra. Cả hai phái đoàn về nước.
Thời gian đó là thời gian Phạm Văn Đồng sau chuyến công du các nước Tây Âu thất bại, không nhận được một viện trợ đáng kể nào, đang ngồi chờ ở Moscow. Tiền bồi thường chiến tranh của Mỹ không có, viện trợ của Tây Âu không có, Campuchia vừa mở cuộc tấn công vào An Giang, còn Trung hoa từ chối viện trợ và đứng sau lưng Campuchia. Không còn con đường nào khác, Trung ương Đảng cộng sản Việt nam phải cử Lê Đức Thọ sang Moscow cùng Phạm Văn Đồng thảo luận về những điều kiện để được viện trợ mà Liên xô đòi hỏi.
Sáu tháng sau, Holbrook lại gặp Phan Hiền tại Paris ngày 19-12-1977. Nhưng lần này Holbrook không còn lạc quan như trước nữa. Trước khi đi, Holbrook được sở Điều tra Liên bang FBI thông báo là có gián điệp cho Việt nam trong Bộ ngoại giao nên trong cuộc họp, Holbrook đã rất dè dặt. Lần này, Việt nam tỏ ra mềm dẻo hơn. Họ không đòi tiền bồi thường chiến tranh, mà muốn có tiền viện trợ kinh tế. Số tiền này có thể được hứa hẹn một cách kín đáo, để sau khi có quan hệ ngoại giao, chính phủ Mỹ sẽ đơn phương tuyên bố viện trợ. Dĩ nhiên Holbrook cũng không thể nào chấp nhận được điều kiện này. Cuộc họp lần thứ tư dự định vào tháng 12-1978 giữa hai phái đoàn bị bãi bỏ, vì FBI, sau một thời gian theo dõi đã bắt quả tang David Trương và Ronald Humphrey về tội gián điệp. Cả hai tay gián điệp tài tử này hy vọng lập công với Việt nam để cứu được người thân của mình. David Trương là con của luật sư Trương Đình Du, trước năm 1975 được xếp vào “thành phần thứ ba” và bị Tổng thống Thiệu bắt đi Côn Đảo. Sau 1975, Trương Đình Du được thả ra một thời gian ngắn rồi lại bị bắt lại, lần này thì phải ở với những cai tù nhiều lần khắc nghiệt hơn. David Trương, nhờ nhà giàu có, được đi du học trước năm 1975 và đã về hùa với đám phản chiến. Còn Humphrey là một viên chức làm việc cho cơ quan Thông tin Hoa kỳ, vì muốn cứu vị hôn thê của mình còn kẹt lại ở Việt nam nên đã sao chụp một số tài liệu mật đưa cho David Trương để chuyển về Hà nội. Thật ra những tài liệu đó có đóng dấu “Mật” nhưng không quan trọng lắm, chỉ gồm những báo cáo của những nhà ngoại giao Nam Tư và Ấn độ tại Hà nội, phúc trình của Uỷ ban Wookcock và chi tiết những chuyến bay Air France đến và đi khỏi thành phố Hồ Chí Minh trong tháng. Nhưng cũng chính vì những tài liệu đó không quan trọng, có thể công bố trước toà nên FBI đã có thể đưa cả hai ra toà. Cả hai đều vào tù. Đại sứ Việt nam tại Liên hiệp quốc là Đinh Bá Thi bị trục xuất. Trong hoàn cảnh đó, cuộc họp lần thứ tư giữa Holbrook và Phan Hiền bị bãi bỏ. David Trương sau khi ở tù đi định cư ở Hoà Lan, còn Đinh Bá Thi bị chết một cách ám muội ở Việt nam. Vụ án David Trương đã xảy ra vào một thời điểm không may cho những dự tính của Việt nam. Đầu năm 1978, Trung ương Đảng cộng sản Việt nam họp tại Sài gòn, thấy rằng việc đương đầu với Trung hoa là điều không thể tránh và đã quyết định dùng biện pháp mạnh đối với Campuchia. Nhưng muốn đương đầu với Trung hoa, Việt nam phải liên minh về quân sự với Liên xô. Và trước khi công khai ký hiệp ước hỗ tương phòng thủ với Liên xô, Việt nam thấy cần phải trấn an những nước Đông Nam Á và thiết lập ngoại giao được với Hoa kỳ.
Một năm qua đi sau đại hội đảng lần thứ tư, Việt nam không còn nuôi ảo tưởng gì về số tiền trên ba tỉ bồi thường chiến tranh nữa, mà đã nhận ra rằng có được quan hệ ngoại giao với Hoa kỳ sẽ có lợi về nhiều mặt. Thứ nhất là về kinh tế, Hoa kỳ sẽ bãi bỏ lệnh cấm vận, mở đường cho những công ty Mỹ, Nhật, Tây Âu vào buôn bán, đầu tư, hay khai thác dầu hoả. Thứ hai là về ngoại giao, sự hiện diện của Hoa kỳ sẽ làm an lòng các nước ASEAN, làm Trung hoa phải ngần ngại trước khi gây hấn, và khiến Việt nam đỡ lệ thuộc nhiều vào Liên xô. Nhưng vụ án gián điệp đã làm cho những cuộc tiếp xúc với Hoa kỳ bị đình hoãn vô hạn định. Trong năm 1978, nhu cầu cần có liên lạc ngoại giao với Hoa kỳ càng trở nên cấp thiết. Không còn có thể làm cao được nữa, tháng 7-1978, Thứ trưởng ngoại giao Phan Hiền trong chuyến công du Nhật bản và châu Á, công khai tuyên bố bãi bỏ điều kiện đòi tiền viện trợ, và muốn có một cuộc tiếp xúc với Hoa kỳ vào tháng sau. Tuy nhiên Holbrook, bị mất mặt trong ba lần họp công khai ở Paris, không muốn họp công khai nữa, mà muốn dời cuộc họp vào tháng 9 tại New York để có thể họp một cách kín đáo, không ai để ý, lúc mà phái đoàn Việt nam và rất nhiều phái đoàn ngoại giao cao cấp các nước khác đến tham dự Đại hội đồng Liên hiệp quốc.
Là một người cổ võ cho việc lập bang giao với Việt nam, Holbrook không biết rằng ý kiến trì hoãn đối thoại với Việt nam đã đẩy Việt nam vào một vị thế bất lợi trong cuộc tranh đua ngoại giao với Trung hoa. Vì lúc đó, cố vấn an ninh của Tổng thống Carter, Brzezinski đã bắt đầu để ý đến tình hình Đông Nam Á.
Ngày 22-9-1978, Holbrook bay lên New York chính thức họp kín với phái đoàn Việt nam. Trưởng phái đoàn Việt nam lần này là Thứ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Buổi họp chấm dứt nhanh chóng và Holbrook ngạc nhiên thấy phía Việt nam lại trở về vấn đề viện trợ. Năm ngày sau, trong buổi họp thứ hai, trong suốt hơn một giờ, Nguyễn Cơ Thạch vẫn mong muốn Hoa kỳ cam kết một số tiền, chỉ đến khi Holbrook nản chí sửa soạn ra về thì Nguyễn Cơ Thạch mới đổi giọng, bằng lòng thiết lập ngoại giao không điều kiện, nhưng đòi hai bên phải ký ngay một thông tư sơ bộ, còn những văn kiện ngoại giao chính thức sẽ được ký hai tuần sau, khi Ngoại trường Nguyễn Duy Trinh đến New York tham dự Đại hội đồng Liên hiệp quốc.
Dù cho Holbrook không chịu ký một văn kiện nào, nhưng bầu không khí đã lạc quan trở lại, và công cuộc bình thường hoá bang giao coi như đã được giải quyết. Hai bên không ngờ là đã có những trở ngại khác.
Một tuần sau, ngày 3-10-1978, cũng tại New York, có một buổi họp khác được triệu tập, lần này giữa hai phái đoàn của ngoại trưởng Vance và ngoại trưởng Trung hoa Hoàng Hoa. Cuộc hội đàm đó bế tắc vì Hoa kỳ vẫn muốn có liên lạc ngoại giao không chính thức và buôn bán vũ khí với Đài loan. Đồng thời tin tức về phong trào thuyền nhân bị tống xuất khỏi Việt nam, việc quân Việt nam tập trung dọc biên giới Campuchia đã khiến Tổng thống Carter phân vân. Cuối cùng, trong một cuộc họp tại Toà Bạch ốc, sau khi nghe Leonard Woodcock, người trưởng phái đoàn đầu tiên sang thăm thiện chí Việt nam, lúc đó là trưởng phái bộ liên lạc Hoa kỳ ở Bắc kinh, cho là bang giao với Việt nam trong lúc này sẽ nhận chìm triển vọng bang giao với Trung hoa. Tổng thống Carter quyết định trì hoãn ngày thiết lập bang giao với Việt nam để có thể dễ dàng thương thuyết với Trung hoa.
Ngày 30-10-1978, Phụ tá Ngoại trường Oakley lên New York gặp Trần Quang Cơ, ông ta cho Trần Quang Cơ biết là việc bình thường hoá phải hoãn lại vì ba vấn đề: thuyền nhân tị nạn, tình trạng thù nghịch với Campuchia, và mối quan hệ giữa Việt nam và Liên xô. Dù cả hai bên đều có thiện chí, thời biểu của hai bên đã rất khác nhau, Việt nam không thể chờ được nữa. Cuộc tổng tấn công Campuchia phải bắt đầu cuối tháng 12, lúc chấm dứt mùa mưa và lúa đã chín. Mấy ngày sau, Nguyễn Cơ Thạch rời New York sang Moscow để ngày 3-11-1978 dự lễ ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác 25 năm liên minh kinh tế và quân sự với Liên xô.
Trong khi đó, đối với Trung hoa, tuy Tổng thống Carter cũng coi việc thiết lập ngoại giao với Trung hoa là một vấn đề quan trọng, nhưng ông chỉ chú ý nhiều đến vấn đề này vào hơn một năm sau, khi những hành động khuynh đảo của Liên xô trên thế giới ngày càng phát triển và ảnh hưởng của cố vấn an ninh Brzezinski ngày càng mạnh. ngoại trưởng Vance chỉ đến thăm Trung hoa vào tháng 8-1977, sau khi ông đã gần như hoàn tất hiệp ước tài giảm binh bị SALT II với Liên xô. Chính sách của ngoại trưởng Vance là có đường lối ngoại giao quân bình với cả Trung hoa và Liên xô. Đối với Trung hoa, lập trường của Tổng thống Carter và Vance tương đối mềm dẻo hơn những người tiền nhiệm. Trước kia, Tổng thống Nixon và ngoại trưởng Kissinger muốn có toà đại sứ ở cả Trung hoa lẫn Đài loan, công nhận cả hai nước. Lúc này thì Vance đề nghị sẽ công nhận Bắc kinh như chính phủ duy nhất của Trung hoa và sẽ để cho hiệp ước liên minh phòng thủ với Đài loan chìm vào quên lãng. Nhưng lúc đó, trong Trung ương đảng cộng sản Trung hoa, phe Hoa Quốc Phong còn mạnh, sự thận trọng quá đáng của Vance, không muốn làm mất lòng Liên xô trong giai đoạn tế nhị hoàn tất thoả ước SALT, khiến Đặng Tiểu Bình bực tức, thấy cần phải tỏ ra cứng rắn nên sau khi ngoại trưởng Vance về nước, Đặng Tiểu Bình công khai tuyên bố chuyến đi của Vance là một bước thụt lùi cho triển vọng bang giao giữa hai nước.
Không thương thuyết được với ngoại trưởng Vance, Trung hoa tìm thấy được một đồng minh, đó là cố vấn an ninh Brzezinski. Là một người gốc Ba lan, Brzezinski có một lập trường diều hâu hơn đối với Liên xô. Những năm đó là những năm mà Liên xô đã lấn lướt ở nhiều nơi như giúp đảo chánh ở Ethìopia, gửi quân Cuba sang Angola, giúp phiến loạn ở Trung Mỹ. Brzezinski không chia sẻ sự thận trọng của Vance. Ông ta lập luận rằng Liên xô đã không cần phải thận trọng trong những hành vi xâm lấn thì Hoa kỳ cũng không cần bị giới hạn và ràng buộc trong chính sách đối ngoại. Vì thế, Hoa kỳ cần có một liên kết chiến lược với Trung hoa để cầm chân Liên xô. Biết được sự rạn nứt giữa Văn phòng cố vấn an ninh và Bộ ngoại giao, sau chuyến đi thất bại của ngoại trưởng Vance, Trung hoa mời Brzezinski sang Bắc kinh vào tháng 11-1977.
Bị sự phản đối của Vance, Brzezinski chỉ được Tổng thống Carter cho đi Bắc kinh vào tháng 3-1978. Trong thời gian chờ đợi, Brzezinski nhiều lần trao đổi quan điểm với Hàn Dũ, Trưởng Văn phòng đại diện Trung hoa tại Washington, và khi đi Bắc kinh, Brzezinski đã thuyết phục được Carter ký một chỉ thị, trong đó nói rõ Hoa kỳ và Trung hoa có những quan tâm chiến lược giống nhau, cùng chống lại những tham vọng bá quyền trên toàn thế giới hay cục bộ địa phương của bất cứ một cường quốc nào và Hoa kỳ cũng tỏ ra quan tâm về ý định của Liên xô nhằm dùng Việt nam để bao vây Trung hoa.
Ngày 19-5-1978, khi tình hình bang giao Hoa Việt đang căng thẳng và Việt nam đang sửa soạn mở một cuộc tấn công mới vào Campuchia thì Brzezinski cùng nhiều viên chức cao cấp lên đường sang Trung hoa. Trong phái đoàn có Holbrook đại diện Bộ ngoại giao, Abramowitz phụ tá Bộ trưởng quốc phòng, Benjamin Hubernan cốvấn tổng thống về những vấn đề khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, trong những buổi họp quan trọng với Trung hoa, Brzezinski cố ý loại Holbrook ra khỏi những cuộc họp. Brzezinski chủ trương rằng một khi Hoa kỳ tỏ ra chống Liên xô mạnh hơn thì Trung hoa sẽ mềm dẻo hơn về vấn đề Đài loan. Trong những buổi họp với Đặng Tiểu Bình và ngoại trưởng Hoàng Hoa, Brzezinski hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Trung hoa về mồi đe doạ của Liên xô và Việt nam. Hai bên thoả thuận sẽ hợp tác chặt chẽ hơn trong vấn đề viện trợ Afganistan, giúp đỡ các nước Đông Nam Á để ngăn chặn khuynh hướng bành trướng của xô Viết. Trong khi Brzezinski gặp Đặng Tiểu Bình thì Abramowitz trình bày cho các viên chức cao cấp quân sự Trung hoa những tin tức tình báo và không ảnh tồi mật về những vũ khí chiến lược và lực lượng quân sự của Liên xô đang bố trì dọc biên giới Trung hoa, còn Benjamin Huberman gợi ý về vấn đề hợp tác Hoa Mỹ trong vấn đề kỹ thuật và tình báo.
Tuy hai nước đã gần nhau hơn trong lập trường chống Liên xô nhưng ảnh hưởng của phe Hoa Quốc Phong còn mạnh, nên vấn đề Đài loan vẫn chưa được giải quyết. Trong buổi họp tại New York đầu tháng 10-1978, ngoại trưởng Hoàng Hoa cực lực công kích Hoa kỳ vì Hoa kỳ vẫn còn muốn có liên lạc không chính thức và tiếp tục buôn bán võ khí với Đài loan.
Tháng 11-1978 sau khi Việt nam đã ký hiệp ước với Liên xô, Bộ Chính trị Trung ương đảng cộng sản Trung hoa mở phiên họp khoáng đại ở Bắc kinh. Sau buổi họp, phe Đặng Tiểu Bình hoàn toàn thăng thế. Đặng Dĩnh Châu và Triệu Tử Dương được bầu vào Bộ Chính trị. Hoa Quốc Phong, Uông Đông Hưng, Hoàng Hoa bị mất chức. Đặng Tiểu Bình trở nên người uy quyền nhất Trung hoa. Bộ Chính trị mới hoàn toàn ủng hộ đường lối “bốn hiện đại” và lập trường mềm dẻo về vấn đề Đài loan của Đặng Tiểu Bình. Hai ngày sau khi Việt nam loan báo sự thành lập Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Campuchia. Woodcock gặp quyền ngoại trưởng Trung hoa Hàn Niệm Long. Bầu không khí thay đổi hẳn. Nếu trước kia Hoa kỳ đã không biết thời biểu cấp bách của Việt nam muốn lập quan hệ ngoại giao với Hoa kỳ trước khi công khai liên minh quân sự với Liên xô và xâm lăng Carnpuchia thì lần này Hoa kỳ cũng không thấy nhu cầu của Trung hoa cần có quan hệ ngoại giao gấp với Hoa kỳ để dằn mặt Liên xô trước khi xâm lăng trừng phạt Việt nam. Vì thế Wood cock rất ngạc nhiên khi thấy Đặng Tiểu Bình trong cuộc tiếp xúc ngày 13-12-1978, bất ngờ chấp nhận ngay dự thảo về bình thường hoá ngoại giao của Hoa kỳ, đồng thời muốn sang thăm Hoa kỳ sớm.
Tổng thống Carter rất phấn khởi về tin này. Hai bên đã định là ngày chính thức công bố thông cáo chung về thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ là ngày 1-1-1979. Nhưng Carter sợ tin này có thể bị tiết lộ và Quốc hội có thể sẽ gây khó khăn, nên ông đề nghị công khai tuyên bố sớm hơn, vào ngày 15-12-1978. Điều này càng làm cho những dự tính gây chiến với Việt nam của Trung hoa thêm thuận lợi nên Đặng Tiểu Bình bằng lòng ngay. Người bị bất ngờ về tin này là ngoại trưởng Vance, vì ông không muốn gặp khó khăn khi ông sẽ gặp ngoại trưởng Liên xô Gromyko vào cuối tháng.
Việc thiết lập quan hệ ngoại giao của Trung hoa với Hoa kỳ là một biến cố quan trọng trong tình hình chính trị thế giới lúc đó, và là một khúc quanh mới trong lịch sử Trung hoa. Kể từ ngày đó, đời sống của nhân dân Trung hoa tương đối dễ chịu nhiều hơn trước, và nền kinh tế của Trung hoa đã tiến nhẩy vọt. Cùng thời gian, những lãnh tụ cộng sản già nua của Việt nam vẫn u mê trong hào quang chiến thắng, vẫn nhìn về Liên xô như một thiên đường, vẫn tiếp tục “nắm vững chuyên chính vô sản”, đẩy mạnh kinh tế tập trung và tiếp tục bắt nhân dân Việt nam phải chịu đựng gian khổ và hy sinh máu xương thêm nữa để phục vụ cho đường lối và quyền lợi của họ.

Tài liệu tham khảo:
- Brother Ennemy, Nayan Chanda, nhà xuất bản MacMilan Publishing Company New York
- When the war was over, Elizabeth Becker, nhà xuất bản Schuster, Inc, New York

<< P5 | P7 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 380

Return to top