Tôi không biết phải gọi Hoàng Dung, tác giả cuốn sách này bằng danh hiệu gì. Về nghề nghiệp ông là bác sĩ, nhưng chức vị bác sĩ sẽ không làm cho giá trị cuốn sách này tăng lên một chút nào. Ông không phải là nhà văn, mặc dù thỉnh thoảng có viết đôi bài đăng báo. Ngay cả ông là tác giả thiên khảo cứu này, ông cũng không nhận là nhà biên khảo Có một điều chắc chắn: ông là một người ưa đọc sách, có thói quen ghi lại những gì ông rút tỉa được nơi những trang sách ông đã đọc.
Tôi biết Hoàng Dung từ khi chúng tôi còn thơ ấu. Trong sân trường trung học Nguyễn Trãi, lúc trường này chưa có trụ sở riêng, còn học nhờ tại trường Tiểu học Lê Văn Duyệt. Năm đó là năm 1957, tôi học Đệ Ngũ, Hoàng Dung dưới tôi một lớp. Chúng tôi là bạn chơi banh trong trường. Hai năm sau tôi rời Nguyễn Trãi lên Chu Văn An, một năm sau chúng tôi gặp lại nơi trường Chu Văn An cũ, sau lưng trường Petrus Ký.
Khi lên Chu Văn An, là học sinh Trung học đệ nhị cấp, chúng tôi ít giao thiệp vì không còn đá banh, đá cầu trong sân trường nữa.
Hơn mười năm sau gặp lại Hoàng Dung tại Pleiku. Ông đã là một bác sĩ quân y. Tuy là bạn thiếu thời, nhưng không phải đồng nghiệp nên thỉnh thoảng chúng tôi mới gặp nhau trong Câu lạc bộ sĩ quan quân đoàn, và đôi khi tệ hơn nữa là gặp nhau nơi bàn mạt chược. Dù gặp nhau ở nơi nào, ông cũng cho người khác thấy ông là người ít nói, lặng lẽ. Nhưng không một ai chối cãi được ông là một người tử tế. Ông tử tế với bạn là chuyện đương nhiên, ông tử tế với binh sĩ dưới quyền. Ông là một y sĩ tận tình săn sóc thương binh của ta và của dịch.
Thế rồi chúng tôi tan tác trong cuối mùa trận chiến. Đầu thập niên 80, gặp lại nhau trên xứ người. Hoàng Dung đang đi học lại. Ông mới tới Mỹ một thời gian ngắn, lại lao vào việc sách đèn để có thể đì hết con đường ông đã chọn, để tiếp tục tuân thủ lời thề Hyppocrate. Nơi xứ người thỉnh thoảng chúng tôi mới có cơ hội gặp nhau, khi thì tôi sang miền Đông, khi thì Hoàng Dung sang Cai cho đỡ nhớ không khí nước Việt.
Cách đây gần một năm, Hoàng Dung gọi điện thoại đến tôi, ông muốn tôi đọc hộ một tập bản thảo. Ông dứt khoát không hé lộ một chút gì về nội dung cuốn sách, chỉ vắn tắt một câu: “ông đọc hộ tôi coi nó có ra cái giống gì không” Buông điện thoại xuống tôi nghĩ tới Hoàng Dung, những đồng nghiệp của ông, và thế hệ di dân đầu tiên, mà trong đó có Hoàng Dung và cả tôi.
Rất nhiều người trong cộng đồng chúng ta, sau khi đã an tâm về vật chất, con người ta cần một món ăn tinh thần. Mỗi người đến với món ăn tinh thần này một kiểu. Có người thành nhà văn, nhà thơ. Có người thành nhạc sĩ, hoạ sĩ. Cũng không thiếu gì người trở thành ca sĩ trình diễn trong vòng thân hữu, trong những party mừng sinh nhật, kỷ niệm thành hôn hay trong các tiệc cưới. Có người trở thành những chuyên viên tranh đấu, có mặt trong năm bẩy đoàn thể, tổ chức. Có người không làm gì cả, chỉ ngơ ngơ ngác ngác nơi xứ người. Hoàng Dung không rơi vào những thông lệ trên. Dù nghĩ gì thì nghĩ tôi không bao giờ tưởng tượng được Hoàng Dung, người bạn thiếu thời, một quân y sĩ nhiều lương tâm, sống giản dị cho tới năm ngoài 40 mới lập gia đình, lại có thể rơi vào cái vòng lợi, danh luẩn quẩn. Suốt mấy ngày liền, tôi bị cuốn sách của Hoàng Dung ám ảnh. Đã có lúc tôi nghĩ là bạn tôi chắc là đang cơn quẫn trí, một mình lủi thủi một xó, thành ra viết văn làm thơ cho nó bớt buồn. Dù sao chăng nữa ở nhà viết bất cứ cái gì, cũng còn hơn mải mê trong những canh mạt chược, đắm đuối trong chỗ ánh sáng mờ ảo của vũ trường.
Cầm cuốn bản thảo trong tay, một lần nữa những suy nghĩ về bạn cũ lộn tùng phèo. Đó không phải là một tập truyện ngắn, không phải một tập thơ, tập nhạc. Đó là tất cả những gì Hoàng Dung đọc trong những khi nhàn rỗi, bởi vì ông làm việc cho một bệnh viện của một tỉnh nhỏ, thưa người. Tập bản thảo là kết quả của một thời gian dài cặm cụi, nghiền ngẫm, ghi chép. Hoàng Dung đặt tên cho cuốn sách của ông là: Trận chiến Đông dương hồi III. Bên dưới tên của cuốn sách có chua một hàng chữ: Chiến tranh biên giới Hoa Việt, Miên Việt 1979.
Ông đã từng là một nạn nhân của cộng sản, đã từng ở tù vài năm. Vừa mới thoát khỏi hàng rào trại tù, là ông nhắm hướng biển Đông xông tới. May thì đến được một bến bờ, không may thì thêm một mạng người chui vào bụng cá. Nào có xá kể gì, vì sinh mạng con người trong thời khoảng vừa tàn cuộc chiến, thật không khác gì sinh mạng một con kiến. Vài năm đầu tại Mỹ Hoàng Dung chúi đầu vào việc học. Ông chỉ thật sự đọc sách sau khi đã tốt nghiệp, đã thực tập và đã trở thành một y sĩ góp mặt với đời.
Sau giờ làm việc tại bệnh viện ông rảnh rỗi, mượn sách thư viện về nhà, xúc tìm nơi những trang sách, về một đề tài ông rất quan tâm: Đó là những trận đánh trong chiến tranh Đông dương hồi III. Hồi I là chiến tranh Việt Pháp cho tới 1954, hồi II là chiến tranh Nam Bắc Việt nam cho tới 1975, và hồi III là chiến tranh tại vùng biên giới, giữa các nước đã từng có thời là đồng minh trong những trận chiến Đông dương cũ.
Để có thể liên kết nhiều tài liệu, nhiều tác giả với nhau, ông nẩy ra ý định ghi chép lại. Ông ghi chú tất cả những điều gì cần ghi chú, sắp xếp cho thành từng chương sách, liên hệ cách nhìn của các tác giả, và rút ra cách nhìn của riêng ông. Nội dung tập bản thảo dầy hơn 200 trang, viết về các trận đánh biên giới xẩy ra năm 1979, giữa ba quốc gia đã từng có một thời là anh em, môi hở răng lạnh, đã từng là hậu phương lớn với tiền tuyến lớn: Campuchia-Việt nam-Trung hoa.
Chỉ mới ngốn được hai trang đầu, tôi biết là tôi đã bất gặp một cuốn sách đặt đúng vấn đề.
Tôi nhớ lại, trong khi trận chiến giữa Việt nam và Trung hoa đang xẩy ra khốc liệt, cũng như chiến tranh Việt nam và Campuchia tới giai đoạn một mất một còn. Không biết người Việt trong nước nghĩ gì, nhưng tại hải ngoại trong lòng người Việt ly hương là một mớ suy nghĩ hỗn độn. Chẳng lẽ lại ca tụng Trung quốc, kẻ thù truyền kiếp của dân Việt từ phương Bắc. Lại càng không thể cổ võ bạo quyền cộng sản trong nước, khi mà hàng trăm ngàn sĩ quan, công chức của miền Nam còn đang lê những tấm thân tàn trong các xó núi, góc rừng.
Thành thử trong khi cả nước từ Bắc chí Nam, bất kể đảng viên cộng sản hay là dân chúng, đang oằn người chịu đựng một cuộc chiến tranh khác, thì ngoài nước không một cá nhân nào, một tổ chức nào có một cái nhìn tương đối dứt khoát, đối với một tai hoạ mới đang diễn ra với anh em, ruột thịt đồng bào.
Hoàng Dung có mặt trong nước khi chiến tranh biên giới xẩy ra, nhưng người cộng sản có bao giờ thông tin cho dân chúng một cách trung thực. Cái mà ông đọc ở báo chí trong nước, chỉ là những mớ bùi nhùi chữ nghĩa, chỉ là những khẩu hiệu ca tụng chiến thắng rất kêu, hệt như những tiếng phèng la của những tay Sơn Đông mãi võ.
Ông muốn tìm hiểu việc gì đã đích thực xẩy ra. Do đó ngay khi điều kiện sinh sống cho phép, ông vùi đầu vào những cuốn sách của các nhà sử học, của các ký giả ngoại quốc đã viết về trận chiến tranh này. Nhân tiện ông ghi lại cho những bạn đồng tù của ông, hay bất cứ ai muốn tìm hiểu trận chiến này. Ông vẽ tại các cuộc chuyển quân của cả ba nước cộng sản tham chiến: Hoa, Việt, Miên. Ông cũng ghi lại những biến chuyển nhân sự, những con người trồi lên tụt xuống trong Chính trị Bộ Bắc Việt, hay trong Trung Nam Hải Bắc kinh, cũng như trong rừng già nhiệt đới Campuchia, để những người đọc ông, có thể hên kết những biến chuyển chính trị, xạ chiếu trên mặt trận quân sự như thế nào.
Cách ông viết giống như ông đã trình bầy luận án, do đó cuốn sách có một cái nhìn nhất quán, trình bầy sáng sủa mạch lạc, tài liệu tra cứu dồi dào, với những phụ bản cần thiết. Chỉ cần đọc chương chót cuốn sách, chương ghi chú sơ lược về các nhân vật cuốn sách nói tới, người đọc sẽ thấy cái cần cù của tác giả. Mỗi một nhân vật đều có một vài dòng tiểu sừ, ghi năm sinh, năm chết, giữ chức vụ gì, tại sao bị thanh trừng... Bảng danh sách này gồm có 166 nhân vật Việt, Hoa, Miên, Lào, Nga, Mỹ, Pháp. Tôi chọn thử một nhân vật:
Đinh Bá Thi: Tên thật là Ung Văn Chương, được Lê Duẩn nâng đỡ, nhờ bầy kế để Duẩn lấy người vợ thứ ba. Đại diện Việt nam tại Liên hiệp quốc sau 1975, bị triệu hồi năm 1978 sau một vụ án gián điệp. Có tin bị công an đặc biệt của Việt nam giết vì đã móc nối với Trung hoa”.
Một thí dụ khác: “Kayxon Phomvihan (AL): Tổng bí thư Đảng cộng sản Lào, sau 1975 làm Thủ tướng Lào. Tên thật không rõ, con của Nguyễn Trí Loan, một công chức người Việt tại Lào”.
Ông cũng thiết lập một danh sách 37 đại đơn vị của Việt nam, từ cấp Sư Đoàn trở lên, được thành lập trong thời điểm nào, và vùng hoạt động trong các trận đánh cùng với Trung quốc và Miên Cộng.
Đánh giá lại trận chiến này là một việc làm cần thiết cho người Việt lưu vong, bởi vì khi khối cộng sản tan thành mảnh nhỏ tại Đông Âu, và cả nước Nga, đã khai sinh lại nhiều quốc gia trên bản đồ thế giới. Trong việc khai sinh những quốc gia này, máu đã đổ không ít giữa những người có thời là đồng chủng, tại Nam Tư, cũng như tại Liên xô, huống hồ giữa hai sắc dân hoàn toàn khác biệt về ngôn ngữ cũng như chủng tộc giữa nòi Việt và nòi Hán, hay những oán thù chủng tộc giữa người Việt và người Khmer. Những tranh chấp lãnh hải trong vùng biển Đông, nơi lưu trữ một nguồn hơi đốt và dầu hoả, có thể không thua lượng dầu thô dự trữ tại bán đảo ả Rập. Số lượng tài nguyên này chưa biết có đủ tốt để khai thác kỹ nghệ không. Nhưng có thể nó sẽ là một liều thuốc nổ, khơi ngòi chiến tranh trong một vài năm tới.
Một cuộc chiến nữa có thể xẩy ra giữa các nước trong vùng Đông Nam Á là một điều khả tín.
Vì thế ước vọng khiêm nhường của Hoàng Dung, tác giả của cuốn sách này chỉ mong mỏi: Cuốn sách sẽ là bước đầu tìm hiểu các cỗi rễ, những căn nguyên, cũng như những yếu tố đã đưa tới chiến tranh giữa Việt nam và hai nước lân bang. Để nếu không giải quyết được thì cũng làm giảm đi sự nghi kỵ và lòng thù hận, hoặc tăng thêm sự cảnh giác về mối đe doạ thường trực của đất nước.
Hoàng Dung là một ngạc nhiên trong đời sống tôi. Biết nhau suốt 40 năm tôi chưa bao giờ có dịp nhìn ông thật kỹ. Cuốn sách cho tôi biết một điều: Có những con người bình thường mà chúng ta tiếp xúc hằng ngày, tưởng như đã hiểu, đã biết rõ về họ. Kịp cho tới khi có một việc không bình thường xẩy ra, mới là dịp để chúng ta biết con người đó đích thật nghĩ gì, làm gì?
Nếu như ông gửi tới tôi bản thảo một tập truyện ngắn, một tập thơ thì có thể ông sẽ là một “nhà văn y sĩ”, như một số cây bút, hay chua thêm chữ MD dưới tên tác giả mỗi khi viết bài. Nếu ông viết một tài liệu y khoa tôi đã không ngạc nhiên, mà tài liệu y khoa thì chắc chắn người nhận là các đồng nghiệp của ông. Tôi biết gì về thuốc men, về bệnh trạng, về cơ thể con người?
Đọc xong tập bản thảo, tôi biết ông là người như thế nào ông là một người học thức khoa bảng với cấp bằng ông hiện có, với nghề nghiệp ông đang làm, nhưng đồng thời ông cũng là trí thức. Chữ trí thức với nghĩa giản dị, khiêm tốn và đúng nghĩa nhất của danh từ này.
Xin thành thật cám ơn người bạn thuở thiếu thời, mà mãi tới 40 năm sau tôi mới có dịp nhận biết con người thực sự, ẩn sâu trong những công việc ông đã làm cho chính ông, cho bằng hữu, cho bệnh nhân. Bất kể bệnh nhân ấy là ai, làm gì, từ đâu tới
Xin cám ơn cuốn sách Chiến Tranh Đông dương III, tác phẩm đã soi tỏ cho tôi những điều tù mù tăm tối của hơn mười lăm năm trước.
Hoàng Khởi Phong
Ghi nhận của Hoàng Dung, bìa Khánh Trường, trình bày Cao Xuân Huy, Văn Nghệ xuất bản Califomia USA ISBN 1-886566-85-2
Copyright 2000 by Văn Nghệ