Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Lịch Sử >> Chiến tranh Đông dương 3

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 20725 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Chiến tranh Đông dương 3
Hoàng Dung

P3

Những điều kiện địa dư và lịch sử của những năm 1930 và 1940 đã gắn liền sự hình thành của đảng cộng sản Campuchia với Đảng cộng sản Việt nam. Sau cuộc cách mạng vô sản ở Liên xô thành công năm 1917, chủ nghĩa cộng sản rất có sức hấp dẫn đối với những dân tộc bị trị trong công cuộc giải phóng ách thực dân. Vì thế mà trong những phong trào cộng sản, ý thức hệ hầu như lúc nào cũng đi đôi với chủ nghĩa quốc gia, các đảng viên đầu tiên hay những tay lãnh đạo cộng sản đều xuất thân từ giai cấp trí thức, tư sản hay được tuyển mộ từ các học sinh trung học. Động cơ để họ gia nhập mới đầu phần lớn là do lòng yêu nước chống ngoại xâm hơn là ý thức hệ.
Phong trào cộng sản Việt nam bắt đầu khi ông Hồ Chí Minh, trong lúc làm thông ngôn cho phái bộ Borodin năm 1924, thành lập Việt nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu. Phái bộ này do Quốc tế cộng sản gửi qua làm cố vấn cho Quốc dân đảng, trong thời gian mà Tôn Dật Tiên chủ trương hoà giải với Liên xô. Đứng đầu phái bộ là Mikhail Borodin, một người Ấn độ tên Rao phụ tá, tướng Ga-lin người Đức cố vấn về quân sự, còn ông Hồ Chí Minh làm thông dịch viên cho phái bộ. Thời gian này, ông đã gửi một số thanh niên qua Liên xô để được huấn luyện. Đồng thời, ông cũng tổ chức một vài lớp học chính trị. Trong số những giảng viên, có Bành Bái và Lưu Thiếu Kỳ được mời đến dạy.
Nhờ uy tín và sự khéo léo của Hồ Chí Minh, trong mấy năm đầu tiên, Việt nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội vẫn giữ được một mặt ngoài thống nhất, nhưng vì cơ sở hoạt động thì ở Việt nam, còn các cấp lãnh đạo lại ở Trung hoa, nên đến năm 1927, khi tranh chấp Quốc Cộng ở Trung hoa bùng nổ Borodin bị trục xuất thì ông Hồ Chí Minh cũng phải rời Trung hoa, giao trách nhiệm lại cho Hồ Tùng Mậu và Lâm Đức Thụ. Từ đó, sự rạn nứt bắt đầu bộc lộ. Một số cán bộ được khuyến khích bởi quyết nghị của đại hội Quốc tế cộng sản năm 1928, theo đó những đảng cộng sản địa phương phải theo đuổi một đường lối cúng rắn, giáo điều và thiên tả hơn. Nói cách khác, những đảng cộng sản không cần phải liên minh với những đảng phái quốc gia khác, mà phải tận dụng và triển khai những bất mãn trong quần chúng để tiến hành cách mạng vô sản. Đồng thời trong nội bộ phải tăng cường số đại biểu của giai cấp công nhân, còn những thành phần trí thức, tiểu tư sản đều phải trải qua một quá trình lao động “vô sản hoá”.
Lãnh đạo những phần tử cực đoan này là xứ uỷ Bắc Kỳ, gồm Trần Văn Cung, Ngô Gia Tự. Nhóm này chủ trương rằng giai cấp thợ thuyền trong những công xưởng chỉ có thể được thúc đẩy bằng những yếu tố thực tiễn như tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc chứ không phải bởi những ý niệm ái quốc tiểu tư sản mơ hồ, và điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách thành lập một đảng cộng sản chính thống. Tuy nhiên, trong đại hội lần thứ nhất của Việt nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội do Hồ Tùng Mậu tổ chức ở Quảng Châu năm 1929, đa số các đại biểu bác bỏ đề nghị đó. Trần Văn Cung, bí danh Tuấn Anh, tức giận trở về Hà nội, tách riêng ra thành lập đảng cộng sản Đông dương. Các đại biểu khác của Việt nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội mới đầu làm ngơ, tiếp tục họp và bế mạc, coi như không có xứ uỷ Bắc Kỳ. Nhưng mấy tháng sau, họ thấy họ đã lầm lẫn vì đảng cộng sản Đông dương đã thu hút hết một số lớn những đảng viên trung kiên của hội, vì thế họ quyết định cải danh thành một đảng cộng sản khác lấy tên An Nam cộng sản Đảng. Tình hình càng rối loạn thêm khi những đảng viên cũ của đảng Tân Việt, một đảng tả phái gồm có Đặng Thái Mai, Tôn Quang Phiệt, cũng lập ra Đông dương cộng sản Liên đoàn. Ba đảng cộng sản này, một mặt tranh giành đảng viên của nhau mặt khác chỉ trích bôi nhọ lẫn nhau.
Ngỡ ngàng trước những diễn biến kể trên, Văn phòng Quốc tế cộng sản ở Moscow vào tháng 10-1929 đã gửi thư chỉ trích những cấp lãnh đạo cũ của Việt nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Văn phòng đứng hẳn về phe Trần Văn Cung, công nhận sự cần thiết phải thành lập một đảng cách mạng vô sản tiền phong hay đảng cộng sản. Văn phòng đề nghị một hội nghị hoà giải điều hành bởi một nhân viên của Quốc tế cộng sản. Đồng thời Văn phòng cử Trần Phú, một đảng viên cộng sản được ông Hồ Chí Minh gửi đi học ở trường “Đại học cộng sản của những người lao động Đông phương” hay trường chính trị Stalin ở Moscow về Thái lan gặp ông Hồ Chí Minh và truyền đạt những chỉ thị của Văn phòng. Những chỉ thị này và hai thông tư của Quốc tế cộng sản là “nghị quyết về vấn đề thành lập Đảng cộng sản Đông dương” và thư hướng dẫn hình thức hoạt động của Đảng cộng sản Đông dương. Ông Hồ Chí Minh đi Hồng Công và một hội nghị thống nhất cử hành vào cuối tháng 1-1930 tại một sân banh ở Hồng Công.
Tới dự hội nghị, chỉ có đại diện của Đảng cộng sản Đông dương và An nam cộng sản Đảng. Nhờ có chỉ thị từ Moscow, hai đảng đồng ý sát nhập thành Đảng cộng sản Việt nam. Một Uỷ ban trung ương lâm thời được thành lập gồm chín Uỷ viên để điều hành mọi hoạt động cho tới khi đại hội đảng được triệu tập, Trần Phú được cử làm Tổng bí thư. Ông Hồ Chí Minh trở về làm việc cho Đông Phương Bộ của Quốc tế cộng sản ở Thái lan vào tháng 4-1930. Tuy nhiên, sau khi được báo cáo, Văn phòng Quốc tế cộng sản không bằng lòng với danh xưng đó, ra chỉ thị bắt phải đổi tên Việt nam cộng sản Đảng thành Đông dương cộng sản Đảng.
Theo danh xưng, Đông dương cộng sản Đảng sẽ bao gồm cả ba nước Việt, Miên, Lào, nhưng trên thực tế, vào thời gian đó, chưa có một đảng viên cộng sản chính gốc nào người Lào hay Campuchia tham gia. Trần Phú làm Tổng bí thư chưa được bao lâu thì bị bắt trong biến cố Xô viết Nghệ Tĩnh và chết trong tù năm 1931. Quốc tế cộng sản gửi một số cán bộ khác mới được đào tạo từ trường chính trị Stalin về thay, trong đó có Lê Hồng Phong, Trần Văn Giàu, Nguyễn Thị Minh Khai. Lê Hồng Phong được cử đứng đầu “Ban chỉ huy ở ngoài”. Tới đại hội đảng lần đầu tiên của Đông dương cộng sản Đảng năm 1935 ở Ma Cao, thì Hà Huy Tập (bí danh Nhỏ) được cử làm Tổng bí thư. Chính trong đại hội đảng này, ý niệm về Liên bang Đông dương được đưa ra. Nhưng chỉ sau năm 1940, một số lãnh tụ kháng chiến của Campuchia từng theo Sơn Ngọc Thành, bị bắt và bị đày đi Côn Đảo, mới có dịp quen biết và học tập những đảng viên cộng sản Việt nam cũng bị tù ở đó, để trở nên những người cộng sản Campuchia đầu tiên. Trong số này có nhà sư Achar Man, lấy bí danh Sơn Ngọc Minh, được Việt nam đưa ra đứng đầu phong trào cộng sản Campuchia.
Sau thế chiến thứ hai, thực dân Pháp trở lại Đông dương. Để kêu gọi lòng yêu nước trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, che giấu bản chất cộng sản, và lấy lòng quân Trung hoa lúc đó đang kéo vào giải giới quân Nhật ở Bắc Việt, Đông dương cộng sản Đảng tự tuyên bố giải tán ngày 11-11-1945 để thành lập mặt trận Việt Minh. Nhưng thật ra đảng vẫn lén lút hoạt động, dưới cái tên Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác do Trường Chinh đứng đầu. Tới năm 1951, sau khi thấy đã nắm vững và kiểm soát được phong trào kháng chiến, những người cộng sản chính thức tái ra mắt hoạt động cộng sản dưới nhãn hiệu Đảng Lao động Việt nam, do Hồ Chí Minh Chủ tịch Chủ tịch đảng và Trường Chinh Tổng bí thư. Hai phong trào cộng sản Lào và Campuchia cũng được tách ra, nhưng trên thực tế, vẫn do đảng Lao động Việt nam kiểm soát. Thái độ của Việt nam đối với hai đảng cộng sản anh em này vẫn luôn luôn đàn anh và trịch thượng. Trong “đề cương công tác Lào Miên” năm 1949 có viết nhìn bao quát ta thấy rằng Lào Miên đang ở một mức tiến hoá thấp hơn Việt nam... Bởi vậy cách mạng Lào Miên không thể là cách mạng xã hội hay cách mạng dân chủ mà chỉ là cách mạng dân tộc giải phóng nhưng vì tình hình kinh tế, chính trị và xã hội của Việt nam đã cao hơn nên khẩu hiệu cách mạng Việt nam là độc lập và dân chủ đi đôi. Còn khẩu hiệu cách mạng Lào Miên thì chỉ độc lập là độc lập.
Vì thế, Việt nam chỉ giúp Sơn Ngọc Minh và Souphanouvong thành lập các đảng Nhân dân cách mạng Khmer và Nhân dân cách mạng Lào. Luận cương của những đảng này do Việt nam viết và gửi qua để được phiên dịch và chấp thuận. Ngày 21-9-1951, đảng Nhân dân cách mạng Khmer được thành lập. Người triệu tập đại hội để thành lập đảng là hai cán bộ Việt nam, Nguyễn Thành Sơn và Lê Đức Thọ. Trong đại hội, Sơn Ngọc minh được cử giữ chức quyền Chủ tịch đảng. Luận cương của đảng này có đoạn đảng không phải là đảng tiền phong của giai cấp công nhân, nhưng là đảng tiền phong của những phần tử yêu nước và tiến bộ. Như thế đảng vẫn chưa hoàn toàn là một đảng cộng sản và đảng viên của đảng không nhất thiết phải là một người cộng sản. Vì lý do đó, sau khi ở Pháp về năm 1955, là một đảng viên cộng sản Pháp, Pol Pot đã không gia nhập đảng Nhân dân cách mạng mà tìm cách gia nhập Đông dương cộng sản Đảng
Năm 1954, hiệp định Genève ra đời đánh dấu một bước thụt lùi cho phong trào cộng sản Campuchia. Khác với Việt nam được chủ quyền nửa quốc gia, Pathet Lào được hai tỉnh, cộng sản Campuchia bị bỏ quên, bắt buộc phải giải giới. Một nửa lực lượng theo lãnh tụ Sơn Ngọc Minh trà trộn vào bộ đội Việt nam theo tàu Ba lan đi Bắc Việt. Một nửa khác, khoảng một ngàn đảng viên và cảm tình viên lui vào bóng tối, đặt dưới quyền của Sieu Heng (đặc trách nông thôn) và Tou Samouth (đặc trách thành thị). Mấy năm sau Sieu Heng về đầu thú với Sihanouk, chỉ điểm cho chính quyền bắt bớ và tiêu diệt những cơ sở nông thôn. Phong trào cộng sản Campuchia suy yếu dần. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, một nhóm lãnh đạo mới bắt đầu xuất hiện. Những người này phần đông du học từ Pháp về, học thức hơn nhưng cũng cuồng tín hơn. Đó là Pol Pot, Ieng Sary, Khieu Samphan, Hou Youn, Son Sen, Thioun Prasit...
Pol Pot, tên thật là Saloth Sar, sinh năm 1925, xuất thân từ một gia đình địa chủ ở Komphong Thom, có một người chị làm cung nữ triều vua Monivong, và một người anh làm công chức trong ban nghi lễ hoàng cung. Sau khi tốt nghiệp tiểu học tại một trường ở Phnom Penh, vì thi vào trung học công lập bị rớt, anh ta trở về học trung học tại một trường tư thục ở Komphong Cham. Năm 1944, hết trung học, Sar về ở với người anh ở Phnom Penh. Đến năm 1949, có lẽ nhờ chạy chọt, Saloth Sar được học bổng qua Pháp học vô tuyến điện. Cùng thời gian đó, một học sinh khác tên Ieng Sary trở nên một học sinh tranh đấu. Cũng như Sơn Ngọc Thành, Ieng Sary sinh trưởng ở Việt nam, là một người Khmer Hạ, có cái tên Việt nam là Kim Trang. Học được mấy năm trung học ở Việt nam, anh ta làm khai sinh giả để bớt tuổi rồi xin vào học trường danh tiếng Sisowath. Những năm đó là những năm sau thế chiến, đảng Dân chủ của hoàng thân Youthevong đang nắm đa số trong Quốc hội. Đảng này qui tụ những đảng viên cũ của Sơn Ngọc Thành và những cựu học sinh Sisowath. Nhưng chẳng may ông hoàng có tài này lại chết rất trẻ vào năm 1947 và đảng này bị tan rã. Nhưng những kêu gọi đòi độc lập của đảng đã khơi động được lòng yêu nước của giới học sinh và một trong những lãnh tụ học sinh là Ieng Sary kêu gọi bãi trường và bãi công để đòi độc lập. Nhưng cuộc tranh đấu này không đi đến đâu và năm 1951, Ieng Sary cũng sang Pháp du học.
Trước khi Saloth Sar và Ieng Sary sang Pháp, ở Paris đã có sẵn một nhóm trí thức thiên Cộng được gọi là “nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Mác Lê” đứng đầu bởi Thioun Muỗm, người Campuchia đầu tiên tốt nghiệp trường Bách Khoa Paris, sau này thời Pol Pot về làm giám đốc các trường Cao đẳng. Em ông ta là Thioun Thioum, bác sĩ, sau là Bộ trưởng Y tế, Thioun Prasith, kỹ sư, sau phụ tá cho Ieng Sary ở Bộ ngoại giao. Dòng họ Thioun là một gia đình quý tộc nổi tiếng ở Phnom Penh, và gia đình này có một mối bất hoà sâu xa vời gia đình Sihanouk (theo ông hoàng Sihanouk, nguyên do mối bất hoà là ông đã từ chối không kết hôn với một người em của Thioun). Nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Mác Lê ngoài anh em Thioun, Ieng Sary, Saloth Sar còn có Khieu Samphan, Hou Youn, Son Sen...
Hou Youn năm 1955 đã trình luận án tiến sĩ “Nông dân Campuchia và những triển vọng hiện đại hoá”, vạch rõ rằng nông dân Campuchia không bị bóc lột bởi địa chủ như ở những nước Á Đông khác, mà bị bóc lột bởi những chủ nợ. Họ bị đánh thuế, bị thương gia chèn ép giá cả, và vì thiếu vốn, họ phải vay nợ với phân lời cắt cổ để mua nông cụ phân bón, do đó mà tiền kiếm được không có bao nhiêu. Theo Hou Youn, giải pháp duy nhất để phát triển nông nghiệp là một hệ thống tín dụng hữu hiệu do chính phủ quản trị. Hou Youn sau này trở nên một trong những lãnh tụ Khmer Đỏ, nhưng có lẽ vì phản đối chính sách di tản dân của Pol Pot nên bị thanh trừng năm 1975. Trong khi đó, luận án tiến sĩ “Kinh tế Campuchia và sự phát triển kỹ nghệ” của Khieu Samphan hoàn tất năm 1959 cũng công nhận việc giảm bớt áp lực nợ nần cho nông dân là yếu tố căn bản cho sự phát triển kinh tế. Từ đó, nông nghiệp sẽ được cơ giới hoá và tiến hành song song với sự phát triển kỹ nghệ. Khieu Samphan cũng đề cao vai trò thiết yếu của nhà nước trong việc diều hành và kiểm soát guồng máy kinh tế. Nhờ những sinh hoạt của nhóm mà Ieng Sary gặp Khieu Thirith, người nữ sinh đầu tiên tốt nghiệp trường trung học Sisowath đang học về văn chương Anh ở Đại học Sorbonne, và hai người đã kết hôn ở Paris. Chính trong đám cưới đó, Saloth Sar gặp được Khieu Ponnary, chị của Thirith. Năm 1950, Pol Pot và Ieng Sary gia nhập đảng cộng sản Pháp, trong khi vẫn sinh hoạt đều đặn với nhóm sinh viên thiên tả Campuchia. Khả năng chính trị của Saloth Sar nổi bật trong nhóm. Anh ta viết cho tờ “Sinh viên Campuchia”. Nội dung những bài viết đả kích Sihanouk nhiều hơn là đả kích chế độ thuộc địa. Sihanouk bị tố cáo là đã tiếp tay với Pháp để đàn áp phong trào giải phóng. Vì lập trường chính trị chống đối, học bổng của Saloth Sar bị cắt, chuyện học hành bị gián đoạn, anh ta kết hôn với Ponnary rồi về nước năm 1953, gia nhập Đông dương cộng sản Đảng. Một năm sau, hiệp định Genève ra đời.
Hiệp định Genève là một thắng lợi lớn cho ông hoàng Sihanouk. Ông ta mặc nhiên trở nên một anh hùng giải phóng dân tộc. Mục tiêu độc lập đã đạt được, phong trào giải phóng Issarak tan rã, những người không cộng sản trở về ủng hộ chính quyền Sihanouk. Những người cộng sản, một nửa theo Sơn Ngọc Minh đi Hà nội, một nửa khác ở lại nằm vùng và khi Siêu Hàng hồi chánh năm 1959, thì chỉ còn có một số nhỏ cán bộ dưới sự chỉ huy của Tou Samouth hoạt động một cách yếu ớt ở Phnom Penh. Sau Saloth Sar, các trí thức tả phái ở Paris cũng lục tục về nước. Họ lập một trường tư thục lấy tên là Kamput Both (đứa con Campuchia) để hoạt động nằm vùng. Khieu Thirith, vợ Ieng Sary, có bằng cử nhân văn chương Anh dạy trường Sisowath. Hou Youn, Khieu Samphan cùng Hu Nim, một tiến sĩ luật khoa, dạy trường Luật. Son Sen dạy trường Sisowath và Viện Phật Học, sau đó được cử làm giám đốc học chính tại Viện quốc gia Sư phạm.
Trong khi Saloth Sar hoạt động bí mật, củng cố tổ chức, tuyển mộ đảng viên, thì Keo Meas, bí thư thành uỷ Phnom Penh năm 1959 công khai ra mặt lập đảng Pracheachon (Nhân dân) để ứng cử Quốc hội. Thioun Mumm cũng về nước lập đảng Dân chủ. Nhưng cả hai đều bị thất cử, sau đó bị chính phủ Sihanouk đàn áp mạnh mẽ. Thioun Mumm phải trở về Pháp còn Keo Meas trốn sang Việt nam. Những năm đó, cùng với những tờ báo đối lập tả phái Nhân dân, Huynh Đệ (Mitlapheap) và Đoàn kết (Ekapheap), Khieu Samphan cho ra tờ báo tiếng Pháp Người quan sát (L’ observateur) để tuyên truyền trong giới sinh viên, trí thức. Tờ báo sống được đến ngày 13-7-1960 thì Sihanouk bắt đầu đàn áp, đóng cửa tất cả ba tờ báo, bắt giữ những người chủ trương. Họ được thả ra hai tháng sau, và đến cuối tháng 9, đại hội đảng lần đầu tiên của đảng cộng sản Campuchia được triệu tập.
Đảng cộng sản Campuchia họp đại hội đảng lần đầu tiên tại một toa xe lửa trống ở nhà ga Phnom Penh từ ngày 28-9-1960 đến ngày 30-9-1960 với sự tham dự của 21 đại biểu. Đảng lấy tên là Đảng Lao động Campuchia. Đường lối của đảng cũng tương tự như đường lối của Đảng Lao động Việt nam. Đại hội đảng đề cử Tou Samouth giữ chức Tổng bí thư và bầu ra một ban thường vụ gồm năm người. Ngoài Tou Samouth, có Ngon Chia, một đảng viên cũ của đảng cộng sản Thái đứng hàng thứ hai, Saloth Sar đứng hàng thứ ba, Keo Meas thứ tư và Ieng Sary thứ năm. Ba năm sau, sau khi đi Hà nội về, Tou Samouth mất tích một cách bí mật, có lẽ bị Pol Pot thanh toán. Saloth Sar được đưa lên làm Tổng bí thư. Ieng Sary lên hàng thứ ba, Keo Meas bị loại. Hai Uỷ viên Thường vụ mới được bầu là Son Sen và Von Verth.
Trong thời gian đó, Khieu Samphan, Hou Youn, Hu Nim vẫn tiếp tục hoạt động công khai. Có lúc, cả ba được mời vào làm bộ trưởng trong chính phủ Sihanouk. Năm 1963, khi Sihanouk bắt đầu đàn áp cộng sản, thì Saloth Sar, Son Sen cùng Trung ương Đảng trốn về vùng rừng núi Đông Bắc sát biên giới Việt nam. Tháng 4-1967, nông dân quận Samlaut tỉnh Battambang vì bị thu mua lúa gạo với giá quá rẻ và bị đánh thuế nặng nề nên nổi loạn. Quân đội của Lon Nol đàn áp mạnh mẽ. Sihanouk đổ lỗi cho Khieu Sam phan, Hou Youn, Hu Nim, cả ba đã phải theo Saloth Sar về vùng rừng núi Ratanakini. Nghĩ rằng thời cơ đã chín mùi, đảng cộng sản Campuchia bắt đầu cuộc đấu tranh vũ trang chống chính quyền. Cuộc đấu tranh này mới đầu còn bị Việt nam kìm hãm vì Bắc Việt vẫn còn lợi dụng được Sihanouk, nhưng sau cuộc đảo chính của tướng Lon Nol, Việt nam bắt đầu giúp đỡ một cách tích cực hơn và quân Khmer Đỏ cũng bắt đầu được sự ủng hộ trực tiếp của khối Cộng, nhất là Trung hoa. Nhờ những sự giúp đỡ đó, cũng như nhờ sự quyết tâm và tuyên truyền, họ đã hoàn toàn chiến thắng quân đội Lon Nol vào ngày 17-4-1975.

Tài liệu tham khảo:
- Year Zero, Francois Ponchaud.
- War & Hope, Norodom Sihanouk.
- Việt nam Máu Lửa, Nghiêm Kể Tố.
- Giọt Nước Trong Biển Cả. Hoàng Văn Hoan.
- Brother Enemy, Nayan Chanda.
- The Communist Road to Power in Vietnam, William J. Duiker

<< P2 | P4 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 306

Return to top