Khởi nguồn cho một bài thơ
Khải Nguyên
Thơ là tiếng lòng, là nhịp đập con tim, có cảm xúc là lao đầu vào viết. Trên net, anh cứ lang thang để đọc bất kể bài thơ nào, chẳng cần biết là của ai, cứ thấy con tim xốn xang là reply liền. Nhưng, với bài thơ này thì khác.
Anh bắt đầu với net là từ trang anhvaem.net (tiếc là giờ trang web đã đóng cửa), từ một bài viết của một người bạn quê Đồng Tháp, đang ở xa Tổ quốc, tận bên kia bán cầu (USA), viết về những cảm nhận của họ nhân một chuyến về thăm quê.
Hôm ấy (10/1/2005) anh đã đọc và thật sự cảm động trước tình cảm của người con xa quê hương, xứ sở, những dòng tự sự mộc mạc, chân tình. Thế là, anh quyết định viết.
Đồng Tháp - Anh chưa một lần đặt chân tới đâu em, trai Hà Thành mà. Ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, anh chỉ hình dung miền Nam qua những tác phẩm văn học, điện ảnh. Chuyến công tác ngày đầu tháng 7/2004, thời gian kẹt quá, anh chỉ loanh quanh tp Cần Thơ, rồi dọc dài Tiền Giang, Hậu Giang.
Lần ấy, với anh có quá nhiều kỉ niệm, chặng đường qua bến Bắc Cần Thơ về thăm thủ phủ miền Tây Nam Bộ, rồi có dịp qua bến Ninh Kiều về thăm miệt vườn ấp Tân Lập thuộc huyện Thốt Nốt. một vùng đất mênh mông là nước, đã để lại trong anh những tình cảm và ấn tượng khó quên.
Đêm đó, ngồi trong căn gác của ngôi nhà nhỏ ở Hà Nội, giở tấm bản đồ hành chính Việt Nam, cùng cái kính lúp (cận thị mà!) anh đã "du lịch một mình" với miền Tây quê em đấy.
Đồng Tháp đây rồi! Đồng Tháp hiện ra ngay trước mắt: Đông Bắc giáp Long An, Đông Nam giáp Tiền Giang và Vĩnh Long, Tây Nam giáp An Giang, còn phía Tây Bắc giáp biên giới Căm Pu Chia.
Con sông Tiền chạy dọc địa giới 2 tỉnh An Giang - Đồng Tháp để làm nên 9 nhánh Cửu Long Giang... có con kinh Đồng Tiến, có bãi tắm An Hòa, có địa danh Tam Giang, Hồng Ngự, có vườn trái Lai Vung...
Cứ thế... tình yêu, sự trân trọng và dòng cảm xúc kí ức lại dâng trào và bài thơ "Anh đã về thăm quê em Đồng Tháp" đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy.
Tiết lộ với em nhé, có một hình ảnh trong bài thơ là có thật, có thật 100%:
Anh hát tặng Người, Người tặng trái trên tay
Ấy là nơi miệt vườn Tân Lập (Cần Thơ), giữa mùa chôm chôm chín đỏ, anh đã hát tặng ca khúc "Tình cây và đất"... mấy em gái miền Tây vận bà ba đen, vai vắt khăn rằn ôm những chùm chôm chôm chín đỏ dâng tặng. Những chùm chôm chôm đỏ rựng, tươi nguyên đầy trên bàn tay anh, ôm không ôm xuể, mấy em phải cùng giúp anh đưa những chùm quả ngọt ấy đến tận chỗ ngồi - hình ảnh ấy, tình cảm thân thương ấy, anh sẽ chẳng bao giờ quên được.
Có thể ai đó, sẽ hết yêu bài thơ ấy, có thể ai đó sẽ nói - mình "buông bút làm thơ một cách tùy tiện"... Nhưng, với anh - anh luôn cảm thấy hài lòng vì sự thành công này, dù bài thơ chưa hẳn là "thơ". Nhưng thơ là tiếng lòng em nhỉ? Dù thế nào, bài thơ được ra đời từ những cảm xúc, trong những cảm xúc thật, đáng yêu lắm chứ, phải không em?
Kỳ lạ thật, với anh thơ có sức mạnh là vậy. Cũng như nhịp đập con tim vậy, dù vui đến tột độ, buồn đến tận cùng con tim vẫn mãi đập những nhịp đập của yêu thương. Điều ấy, giải mã tại sao anh cứ ngưỡng vọng về nơi xa ấy, dù chưa một lần được đặt chân tới, đúng không?
Anh nhớ những kỉ niệm lần đầu về với miền Tây:
Đầu tiên, bến phà Bắc Cần Thơ - rộng mênh mông như biển, đầy sóng và gió... ngút tầm mắt. Xa xa, những vạt dừa nước, những xóm ấp ven sông soi bóng xuống dòng sông. Sóng nước dâng cao, ì oạp vỗ mạn phà. Những ghe xuồng nối đuôi nhau. Những đám hoa lục bình (loài hoa con gái) bồng bềnh trôi ngang mắt... Đứng bên lan can, gió sông Hậu thổi ngang tàng, hào phóng... khách về thăm thấy chống chếnh, nao nao.
Thành phố, con người Cần Thơ dịu dàng và mến khách. Đêm về, du thuyền trên sông, tiếng ầm ì của động cơ phà, ghe, xuồng xen lẫn tiếng sóng vỗ nơi mạn thuyền, cứ mơn man... lạ lắm.
Ghé qua thăm một vài địa danh, nhưng nhớ nhất là qua bến Ninh Kiều... Đang ngơ ngẩn ngắm nhìn một trời sông nước bao la, cảnh vật an hòa, chợt nghe câu hát:
"Về bến Ninh Kiều thấy chàng đợi người yêu... em xinh tươi trong chiếc áo bà ba... em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm qua bến Bắc Cần Thơ..."
Em có biết câu hát ấy được hát lên từ ai không? Từ một người coi bến phà, anh ta cầm chiếc loa nén trên tay và buông lơi câu hát như để gọi mời những người khách lần đầu đặt chân tới - như anh, câu hát như giục bước chân lữ khách đến với huyện lị Thốt Nốt.
Khách qua thăm cứ hết ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác. Về với miệt vườn, ấn tượng không sao kể hết...
Với anh, có lẽ đầu tiên là tiếng "dạ thưa anh..." dễ thương, cái nhìn trao duyên lúng liếng sau vành nón lá, cái eo thon như được tôn vinh bởi chiếc áo bà ba giản dị và... nụ cười - không thể quên được của con gái miền Tây... để khách thành chủ tự lúc nào không biết.
Thế đấy, bây giờ thì em đã hiểu khởi nguồn của bài thơ "Anh đã về thăm quê em Đồng Tháp" của anh rồi chứ!? Một kỉ niệm khó quên, phải không em?
ANH ĐÃ VỀ THĂM QUÊ EM ĐỒNG THÁP
Anh đã về thăm quê em Đồng Tháp
Thăm bãi tắm An Hoà, thăm Hồng Ngự, Tam Nông
Dọc sông Tiền Giang, anh đã đến tận cùng
Nơi con sông chảy vào đất Việt
Anh đã qua thăm dòng kinh Đồng Tiến
Nơi có những chiếc cầu lắt lẻo, cong cong
Quê hương em mênh mông đến vô cùng
Như tình đất, tình người đọng mật
Vườn Lai Vung quýt ngọt thơm câu hát
Anh hát tặng Người, Người tặng trái trên tay
Tiếng "dạ thưa anh...!" - gieo nỗi nhớ đong đầy
Vườn trái ngọt cho chim về xây tổ
Anh nắm tay em, nói câu gì bỡ ngỡ
Em cúi đầu vành nón lá chao nghiêng
Đồng Tháp ơi, cho anh đến một lần
Sao em cứ níu lòng anh ở lại.
Một vùng đất toả hương sen thơm mãi
Cho anh mãi yêu Người - Người Đồng Tháp, em ơi!
Hà Nội, 10/01/2005