Rửa chén xong Hữu rủ Khâm đi vô phía mé rừng. Trời tối mịt, con đường mòn nhỏ chạy loanh quanh giữa vùng hoa mắc cỡ bây giờ chìm mất trong bóng tối. Hai người gần như phải mò từng bước, nếu không, băng vô đám “trinh nữ” gai nó cào cho rách chân, Khâm nói:
- Tối như vầy mà tôi thấy các anh ở đây đi khơi khơi không băng vô gai cũng giỏi.
- Giỏi gì, ở quen thì chuyện đó thường quá. Anh thấy trong đó đông chưa?
- Đông. Võng cột khắp nơi.
Thấp thoáng sau đám lá trước mặt là thứ ánh sáng vàng sẫm của mấy ngọn đèn chai. Tiếng người nói nghe lao xao lẫn với tiếng xoay trở sột soạt trên võng.
Võng giăng ngang, giăng dọc khắp nơi, trong nhà ngoài sân, gốc cây, nhánh lá, cao có thấp có… Đồng chí Năm Dương ngồi bên chiếc bàn làm bằng thân sậy giả trúc.
- Ai là Sáu Lan?
Hữu tự hỏi và kín đáo đưa mắt nhìn quanh. Ngọn đèn nhỏ không đủ sáng, Hữu chỉ nhìn thấy lờ mờ những khuôn mặt thấp thoáng sau những cành lá nhỏ đen thẫm hay có khi chỉ bắt gặp những đôi mắt như những con ốc nhỏ thu mình sau lớp khăn rằn che mặt nhìn ra bên ngoài. Hơn một nửa số người tham dự đêm nay không “ngăn cắt”, Hữu nhận ra trong số này có nhiều bạn cũ của anh nhưng anh không tiện ra mặt.
Anh Năm Dương bấm máy cát-xét. Đồng chí Năm Hưởng bắt đầu bài nói chuyện của mình bằng một giọng rè rè. Mọi người đều im tiếng. Gió vi vu trong rừng nghe xa và sâu thẳm, những đóm thuốc lá lóe sáng đây đó, những khuôn mặt trầm ngâm hiện ra trong đêm rồi chìm mất giữa bóng tối dày đặc… Giọng nói trong máy cát-xét nghe rõ như giọng người thật và có sức lôi cuốn mọi người.
Bây giờ Hữu mới để ý là mình đang nằm ngay trên miệng hầm tránh pháo, mỗi lần anh đưa võng, sạn đá ong trên nắp hầm rơi xuống vũng nước đọng phía dưới nghe lõm bõm. Biết như thế nên Hữu ngừng đưa. Những tiếng lõm bõm cũng chấm dứt, tuy nhiên lát sau nó lại nổi lên. Thì ra người đồng chí nằm cạnh anh cũng đưa võng. Có tiếng một người nằm phía trong chái nhà nhắc người đưa võng. Lời nhắc nhỏ thôi nhưng Hữu nằm gần nên nghe rất rõ.
- Sáu Lan, đừng đưa võng!
Hữu giựt mình! Thì ra “núi Thái Sơn” ở trước mặt mà mình không hay! Trời thì tối mà ngọn đèn dầu lại ở xa, Sáu Lan lại nằm lẫn sau một cành cây chay nên Hữu không tài nào xem mặt được tuy khoảng cách hai chiếc võng chỉ hơn một thước. Anh nằm im chờ đợi rất lâu mà vẫn không tài nào thấy mặt được người nữ đồng chí ấy. Cuối cùng buổi nói chuyện chấm dứt và mặc dù đây chỉ là công trình của một cuốn băng nhựa nhưng một tràng vỗ tay cũng đã vang lên giòn giã. Thình lình con cắc kè núp ở đâu đó lại lấy giọng và kêu lên mấy tiếng. Lập tức mọi người cười rộ lên. Trong đám đông có nhiều tiếng nhái theo.
- Trớt he! Trớt he!
Hữu nhìn về phía anh Năm Dương nhưng anh đã không còn ngồi đó nữa. Sáu Lan vẫn còn nằm im trên võng trong khi mọi người đã đứng lên đi ra ngoài trảng trống nói chuyện phiếm. Trong căn nhà nhỏ còn lại độ bốn năm người. Hữu gợi chuyện với Sáu Lan:
- Chị đã thấy con tắc kè đó chưa?
- Dạ, chưa.
- Trong rừng, tôi nghe nói có nhiều con tắc kè to lắm, nặng cả mười mấy ký lô.
Câu nói dài của Hữu làm Sáu Lan nhỏm lên, quay nhìn sang. Nhờ mọi người đi gần hết nên ánh đèn soi tới chỗ hai người nằm. Sáu Lan hỏi:
- Đồng chí nào nói giọng nghe quen quá. Đồng chí ở đâu lại vậy?
Giọng nói ấy cũng làm cho Hữu giựt mình. Đúng là giọng nói của Hạnh, làm sao có thể lầm được!
Hữu bỏ khăn che mặt ra.
Hai người nhìn thấy mặt nhau. Trời ơi, bao nhiêu năm rồi sao vầng trán vẫn hồn nhiên đến thế? Giọng nói của Hạnh chợt vang lên trong đêm:
- Anh về đây bằng cách nào?
- Tôi vượt ngục.
- Được bao lâu rồi?
- Gần nửa năm.
- Vậy mà mình không hay biết gì cả. “Mũi” của mình chỉ cách đây không đầy năm cây số.
Hữu nói:
- Về Sài Gòn tôi có đến thăm Hạnh nhưng ở đó người ta nói Hạnh đã đi theo chồng.
Hạnh cười, hàm răng ngời lên trong bóng tối. Hữu lại hỏi:
- Hạnh ra tù năm nào?
- Năm bảy mươi. Lúc ấy mình không biết tại sao nó thả mình, đến khi về nhà mới hay là gia đình đã đút lót cho tụi Tổng nha qua trung gian của ông chú mình hồi đó làm đại tá trong quân đội Sài Gòn. Được tự do thì rất mừng nhưng kỳ lắm anh à, khi biết chuyện ấy tự nhiên mình buồn, cứ băn khoăn hoài. Còn anh, anh đã vượt ngục như thế nào?
Hữu do dự, không biết mình có nên kể chuyện vượt ngục vào lúc này hay không.