Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Giữa cơn gió lốc

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 36583 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Giữa cơn gió lốc
Đào Hiếu

Chương 2

Sáng hôm sau Hữu được đưa đi bệnh viện Biên Hoà trên một chiếc Landrover màu xám. Cùng đi với anh có hai tù nhân đã lớn tuổi trông rất tiều tuỵ.

Mặc dù các tù nhân đã bị còng tay nhưng bọn chúng cũng bố trí đến sáu tên an ninh theo canh giữ. Chúng ngồi bao quanh Hữu và không bỏ qua một cử chỉ nào của anh.

Dọc đường Hữu tìm cách bắt chuyện với tên an ninh trẻ ngồi bên. Hắn khoe khoang tình hình an ninh rất tốt, đường xe lửa đã được sửa chữa lại, vài tháng nữa là có xe đi suốt Sài Gòn Huế, cộng sản hết cơ hội phá hoại, rút về rừng hết.

Hữu đưa một đề nghị:

- Đến một tiệm tạp hoá nào đó cho tôi mua một ít kim may áo.

- Mua làm gì?

- Về châm cứu. Ở trong trại giam tôi phụ trách châm cứu chữa bệnh cho anh em.

- Không được. Thôi, đừng nói chuyện, sắp tới nhà thương rồi.

Chiếc xe dừng lại trước cổng bệnh viện. Sau khi tên an ninh trình giấy tờ, cổng được mở lên và chiếc Landrover màu xám tiến sâu vô phía trong cùng. Hữu và người bạn tù già bị áp giải lên lầu. Ở phòng khám bệnh anh được mở còng và ngồi giữa hai tên an ninh chờ bác sĩ.

Anh không phải đợi lâu vì dường như người ta muốn giải quyết sớm cho anh về trại. Viên bác sĩ khám qua loa rồi làm giấy cho anh đi chụp hình phổi.

Năm tên công an lúc nào cũng theo sát một bên. Hữu thấy khó mà chạy thoát được. Từ phòng khám bệnh Hữu được đưa xuống đất để đến dãy lầu khác ở phía sau để chụp hình phổi. Động tác xảy ra rất nhanh. Viên bác sĩ phụ trách nói một cách gọn lỏn.

- Xong. Ba ngày nữa đến lấy kết quả và tái khám.

Anh bị dẫn lên xe, còng lại như cũ và chở thẳng về trại giam. Nắng đã lên cao, chiếu rực rỡ trên phố phường đông đúc. Cảnh ấy làm sống lại trong lòng Hữu cả quãng đời đấu tranh sôi nổi giữa lòng đô thị. Anh nhìn học sinh đi học, nhìn xe cộ qua lại trên đường, nhìn vòm trời xanh bao la và thấy lòng khát khao tự do mãnh liệt.

Trong suốt chuyến đi. Hữu không tìm được cơ hội nào để trốn thoát tuy nhiên lời dặn của bác sĩ ba ngày sau tái khám cũng làm anh hy vọng.

Buổi tối, Hữu cứ miên man suy nghĩ về chuyện vượt ngục. Trong trí anh, giọng nói thân thiết của một đồng chí lãnh đạo chi bộ ở nhà lao Chí Hoà cách đây hai năm lại vang lên rõ từng câu từng chữ…

- Vượt ngục là một trong những trách nhiệm của người đảng viên. Thời cơ lúc nào cũng có thể có dù chỉ trong một giây phút, vấn đề là mình có quyết tâm chụp lấy thời cơ ấy hay không mà thôi.

Đến ngày thứ ba, chiếc xe Landrover màu xám lại đưa Hữu đi bệnh viện. Lần này Hữu ra đi trong tư thế sẵn sàng. Anh mặc chiếc quần tây đen thường ngày bên trong là chiếc sơ-mi xám xin của Được, bên ngoài mặc áo bà ba đen, trong túi thủ một ve dầu xanh và tám trăm đồng bạc Sài Gòn.

Rút kinh nghiệm lần trước, Hữu nhận thấy trong suốt chuyến đi chỉ có lúc đến bệnh viện là địch có nhiều sơ hở nhất. Anh tranh thủ nói chuyện với tên an ninh hôm trước. Lần này hắn không đem chuyện “tàu hoả chạy suốt Sài Gòn Huế” ra khoe mà lại nói chuyện ăn mặc và chuyện gái ở Sài Gòn.

Giống y như hôm trước, khi đến bệnh viện chiếc Landrover chạy tuốt ra phía sau trở đầu rồi mới cho tù nhân xuống.

Ba tên an ninh dẫn Hữu và người đồng chí già đến dãy lầu bên trái. Lúc đến cầu thang hai tên tách đi chỗ khác, chỉ để một tên giải Hữu và người bạn tù kia lên lầu để đến phòng khám hôm trước.

Tên an ninh to béo cứ đi sát hai người tù, một tay hắn thọc vô túi quần thủ sẵn khẩu súng lục trong đó. Khi đến phòng khám bệnh, gã mở còng cho hai người tù và đẩy cánh cửa lớn.

Phòng trống, chỉ có một người đàn bà ốm yếu ngồi gần cửa sổ. Cánh quạt trần quay rất chậm. Tên an ninh ra hiệu cho Hữu và người đồng chí già ngồi đợi ở chiếc ghế dài còn hắn ngồi ở một chiếc ghế sắt đặt gần cửa, bàn tay phải vẫn bỏ trong túi quần.

Mọi người đợi một lúc khá lâu nhưng bác sĩ vẫn chưa đến và phía trong phòng khám bệnh dường như cũng không có dấu hiệu gì là có người trực. Tên an ninh có vẻ sốt ruột. Gã đứng lên, đến bên cánh cửa phòng gõ mấy tiếng và nghe ngóng. Ngay lúc ấy Hữu muốn nhỏm dậy. Một cảm giác kỳ lạ chạy khắp thân thể anh. Từ cánh cửa lớn này ra hành lang gần quá, chỉ cần bước hai bước và chạy thẳng xuống cầu thang là thoát ra cổng.

Nhưng tên an ninh đã quay lại, chửi thề:

- Đ.m làm việc gì giờ này mà chưa tới sở.

Hữu hỏi hắn:

- Mấy giờ rồi, anh?

- Gần chín giờ. Cha con nó đi đâu mất tiêu.

Gã đứng ngoài hành lang ngóng lên ngóng xuống một lát rồi ra lệnh:

- Thôi, đi theo tôi.

Hữu nắm tay người bạn tù già dìu ông ra cửa. Tên an ninh đi chậm lại, kèm sát hai người tù, bàn tay vẫn không rời khẩu súng giấu trong túi.

Lúc xuống tới chân cầu thang Hữu mới giật mình nhận ra hai tên an ninh từ lâu vẫn ngồi gác ở đó. Cũng may, lúc nãy nếu anh chạy ra thế nào xuống đây cũng bị tóm cổ.

Tên an ninh mập ra hiệu cho hai người tù theo hắn ra tận phía sau dãy lầu, nơi phòng chỉ dẫn.

Lần khám trước Hữu đã để ý đến khu vực này. Đây là một khu tương đối có nhiều ngõ ngách, quan trọng nhất là một bức tường chắn ngang phân chia chỗ đậu xe và dãy lầu bên trái. Lần này tên an ninh dẫn Hữu ra tận phòng chỉ dẫn ở khu vực ấy. Hắn muốn hỏi xem tại sao gần chín giờ sáng mà phòng khám bệnh vẫn không có người. Hắn bước đi hấp tấp nóng nảy. Hữu đi chậm lại, giả cách nói chuyện với người đồng chí già để cho tên an ninh qua mặt mình. Quả thực, hắn thiếu cảnh giác, hắn bỏ hai người tù rớt lại phía sau, vượt lên khoảng ba bước rồi năm bước. Hữu dừng lại. Tên an ninh vẫn tiếp tục bước tới. Bảy bước rồi tám bước. Còn một đoạn nữa mới tới phòng chỉ dẫn. Hữu lùi lại, lùi lại, rồi quay lưng chạy vòng qua bức tường lúc nãy. Anh cởi nhanh chiếc áo bà ba đen ném dưới chân tường và rảo bước ra cổng. Nơi đó, người ta ra vào tấp nập và người tù Phan Hữu với chiếc sơ-mi xám bỏ gọn gàng trong chiếc quần tây đen đã bước ra khỏi cổng bệnh viện như bao nhiêu người khác. Nhưng nếu có ai để ý sẽ thấy rằng người thanh niên ấy đang đi chân đất và trên cổ còn quấn một chiếc khăn rằn. Chi tiết này Hữu cũng khám phá ra ngay khi vừa ra khỏi cổng. Anh tháo chiếc khăn rằn cuốn nhỏ lại, đi gần như chạy giữa phố đông người. Khi đi ngang qua một cái xe nước mía Hữu cúi xuống nhét chiếc khăn vô đống bã mía rồi quẹo vô một con đường hẻm. Đây là một cái hẻm hẹp hai bên nhà cửa lụp xụp chen chúc. Hữu đi được một lúc thì đụng ngay một hàng rào kẽm gai chắn ngang lối đi. Trong lúc bối rối bỗng có tiếng người nói:

- Hết đường rồi. Không đi được nữa đâu.

Hữu nhìn lại, thấy một em thiếu niên chừng mười hai mười ba tuổi đang cầm một cái chong chóng đứng bên một gốc dừa lớn. Thấy Hữu đứng ngẩn ngơ em bé cười. Hữu cười với em và hỏi:

- Chú leo qua đây đi, được chớ gì?

- Được. Leo đại đi. Hồi giờ ai có chuyện gấp cũng thường leo qua đây, khỏi đi vòng ra ngoài lộ.

Hữu leo qua rào, theo một đường hẻm nhỏ dẫn ra một đường phố khác. Đường Hàm Nghi. Chữ ấy hình như nhắc anh nhớ tới một điều gì. Phải rồi, có lần Hữu nghe Hạnh nói có một người cậu ruột mở tiệm thuốc tây ở đường này. Số 33. Con số trùng tên với rượu bia. Hữu không thể lầm được. Anh đi dọc theo dãy phố mang số lẻ. Đúng là một tiệm thuốc tây, anh bước thẳng vô đó.

Một người đàn ông đeo kính cận đứng sau quầy hàng đang xem một cái toa thuốc. Hữu nói liền khi ông ta ngẩng lên:

- Thưa ông tôi là bạn của chị Hạnh.

- Hạnh nào? Ông ta tỏ vẻ ngạc nhiên.

- Chị Hạnh sinh viên y khoa.

- Ừ. Nó ở nhà má nó chớ, đây làm gì có.

Hữu không ngờ một người cậu của Hạnh, một người có thể gọi là “gia đình cách mạng” lại có thái độ ấy. Anh định bỏ đi nhưng vừa quay ra cửa thì… Hữu suýt kêu lên… Trước mặt anh, phía bên kia tường rào một dãy lầu cao. Rõ ràng đó là bệnh viện mà anh vừa trốn khỏi. Thì ra từ nãy giờ anh chỉ mới đi vòng ra được khu vực phía sau bệnh viện và giờ đây Hữu nghe rõ nhiều tiếng tu-huýt, tiếng người la lối từ trên lầu cao vọng xuống. Anh thấy rõ mình đang ở trong một tình trạng nguy hiểm. Ngay lúc này, nếu anh bước ra đường thế nào cũng bị nhận mặt. Nghĩ thế Hữu đành quay lại phía lão chủ tiệm thuốc tây giữa sự ngơ ngác của ông ta. Anh không còn cách nào khác hơn là nói thẳng:

- Thú thực với ông, tôi là tù chính trị trốn về đây. Hiện giờ tình hình ngoài đường găng lắm. Ông có thể nghĩ tình cho tôi ở tạm đây đến tối, lúc ấy tôi sẽ đi.

Người đàn ông gần như sững sờ trước câu nói ấy. Chiếc gọng kính đồi mồi rớt xuống sống mũi, miệng ông há hốc ra và mặt càng lúc càng tái nhợt.

- Không… Không được đâu.

Ông ta cúi xuống, hấp tấp kéo cái ngăn kéo. Bàn tay run lẩy bẩy của ông rút ra một trăm bạc đẩy về phía Hữu mắt lấm lét ngó ra đường:

- Cậu… cầm tạm đi xe… Ra tới đường là có xe liền. Cậu đi gấp đi kẻo họ tới bây giờ.

Không để ông ta nói hết câu, Hữu đi thẳng ra cửa. Rất may anh gặp ngay một chiếc xích-lô đạp vừa trờ tới. Anh hấp tấp bước lên xe. Người phu xe già cắm cúi đạp được một đoạn rồi hỏi:

- Cậu về đâu?

- Bác cho cháu ra bến xe.

- Tưởng đi đâu, bến xe tới rồi đây. Sao ở đó lại bến xe có mấy bước mà cậu cũng đi xích-lô.

Hữu bước xuống xe, gượng cười:

- Dạ, cháu ở dưới quê lên, không biết đường sá gì hết. Bao nhiêu tiền, bác?

Ông già dùng lưỡi xoay điếu thuốc rê:

- Thôi, ở đó lại đây qua chở dùm.

Hữu cám ơn người phu xe già rồi chạy theo một chiếc xe lam vừa chuyển bánh. Chiếc xe đưa anh đi giữa thành phố rực nắng. Hữu liếc nhìn đồng hồ tay của một người ngồi cạnh. Mười một giờ. Trên đường phố đã thấy nhiều toán học sinh ra về, quần xanh áo trắng, áo dài trắng nữ sinh, áo đầm mẫu giáo tung tăng khắp nơi… Hữu nhìn theo đám học trò và chợt nhận ra ở ngã tư trước mặt một toán cảnh sát dã chiến phối hợp với quân cảnh đang án ngữ dày đặc. Hữu bảo người tài xế:

- Cho tôi xuống đây.

Chiếc xe ngừng lại. Hữu trả tiền xe rồi vội vàng băng qua đường xăm xăm đi về phía đám học sinh mẫu giáo đang vui vẻ nắm tay nhau về. Anh đến bên mấy em bé gái, hai tay dắt hai em vừa đi vừa hỏi chuyện:

- Hai cháu học lớp mấy?

- Lớp mẫu giáo A.

- Còn cháu học lớp mẫu giáo năm.

- Nhà cháu ở gần đây không?

- Gần.

- Chú dẫn cháu về nhà nghen.

- Nhà chú cũng ở gần nhà cháu hả?

- Ừ, nhà chú ở gần.

Hữu vừa nói chuyện với các em nhi đồng vừa theo dõi bọn quân cảnh lúc ấy chỉ đứng cách anh có mấy bước và đang xét giấy tờ những người qua lại ngã tư. Hữu cứ nương theo mấy em nhỏ, dắt tay chúng đi tung tăng trên vỉa hè vừa đi vừa hỏi chuyện cười nói tíu tít. Phút chốc anh qua khỏi vòng vây cảnh sát và rẽ sang một con đường khác, anh đi nhanh và quẹo vô một con hẻm gần đó.

Đường hẻm hẹp và quanh co dẫn sâu vô xóm lao động. Hữu nghĩ cùng lắm ta cũng có thể ẩn vô nhà quần chúng. Hữu hơi yên tâm và đi chậm lại để tránh sự chú ý của mọi người. Anh chợt nhận ra trước mặt mình, chỗ cuối con hẻm, là một khoảng trống lớn dường như mở ra một cánh đồng nào đó. Hữu tiến tới một lát nữa thì thấy những hàng rào kẽm gai và những trụ điện sơn hắc ín đen kịt mọc rải rác trên vùng đất trống đó, dây điện giăng ngang khoảng trời trong xanh và phía đàng xa lại hiện ra những bức tường vàng bẩn cũ kỹ kẻ những khẩu hiệu bằng sơn đen từ lâu đời.

Hữu còn đang phân vân không biết nơi đó là cái gì thì một hồi còi tàu rúc lên và tiếng nổ xình xịch của con tàu từ Biên Hoà đi Sài Gòn đã nghe thấy từ xa. Thế là anh chạy. Anh chạy như bay tới chỗ khoảng trống. Con tàu chỉ ngừng lại vài phút ở cái ga xép ngoại ô này và khi nó chuyển mình ra đi thì Hữu cũng vừa đến nơi, nhảy lên một toa xe gần cuối.

<< Phần II - Chương 1 | Chương 3 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 760

Return to top