Ăn xong Duy uống một viên thuốc bổ màu đỏ khi dùng trà, lấy một cây tăm xỉa răng, rứt một tí bông gòn lau cây tăm rồi ngậm trong miệng và lặng lẽ lên gác một mình.
Căn gác thấp và tối om. Duy mở cánh cửa sổ gần mái ngói. Trên khung trời xám đen phía ngoài đã có mấy đóm sao nhỏ sáng yếu ớt trên đầu các ngọn cây tre cây gòn ngoài vườn.
Bốn mươi năm dài qua đi lúc nào không hay. Bốn mươi năm trong đời thì đã có gần ba mươi năm cần cù làm việc. Xây được một cái nhà, sắm được một cái xe, sinh được một bầy con. Đó là sự nghiệp của một đời người hay sao?
Những vì sao bên ngoài đã hiện rõ hơn, lấp lánh khắp nơi. Lá cây đen sậm, lay động mơ hồ.
Đã gần mười năm rồi kể từ khi anh dời đến Qui Nhơn và sống cuộc đời đều đặn như một chiếc đồng hồ. Mọi người đều cho anh là một kẻ an phận, thực ra anh cũng đã trải qua một tuổi trẻ hào hùng và sống động.
Năm Duy mười sáu tuổi cũng là năm mà cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Người anh cả đã đi bộ đội, còn Duy, anh gia nhập vào đội xung kích của làng. Làng anh ở cách thị trấn An Khê chừng hơn ba mươi cây số. Hồi ấy An Khê còn là vùng bị chiếm. Giặc Pháp phát xuất từ An Khê thường xuyên hành quân càn quét làng mạc, các quận xã ở dưới chân đèo hay có khi xa hơn nữa. Hàng ngày chúng còn cho máy bay ném bom hay nã moọc-chê vào các làng đông dân, giết hại đồng bào, tàn phá nhiều thôn xóm.
Mỗi lần tin tình báo của ta cho biết là “Tây xuống” thì lập tức đồng bào, già, trẻ, lớn bé đều gồng gánh bồng bế nhau vào tận trong rừng trong núi đá trong hang sâu mà trốn. Trong lúc ấy thì bộ đội và dân quân du kích bố trí sẵn sàng. Những trận đụng độ đã diễn ra quyết liệt. Duy là một chiến sĩ trong toán xung kích.
Ngày kia cả làng lại được tin “Tây xuống”. Tổ du lích triển khai đội hình nhưng hôm đó Duy bị sốt nặng, nên phải nằm nhà. Anh thiếp đi trong cơn mê và khi tỉnh dậy thì thấy tây đen, tây trắng đứng lố nhố.
Duy bị bọn Tây bắt trong hai năm. Một ngày kia bọn chúng đem anh ra khỏi trại giam, tống lên một chiếc xe dodge có hai tên lính da đen cầm súng ngồi kèm. Chúng chở anh xuống đèo An Khê và dừng lại ở một khúc quanh cây cối rậm rạp. Hai tên lính lê dương xuống xe trước. Một tên nói:
- Lôi nó xuống!
Duy được mở còng và dẫn đến đứng giữa thảm cỏ xanh. Tên lính da đen bảo Duy đứng xoay lưng lại phía chúng. Trước mặt Duy lúc ấy là một thung lũng.
Duy nghe tiếng lên đạn. Ngay trong giây phút ấy anh muốn nhảy xuống vực. Nhưng loạt súng đã vang lên chát chúa. Loạt thứ hai lại vang lên và Duy nghe rất rõ. Anh ngạc nhiên quay lại thì hai tên lính da đen phá lên cười. Một tên nói:
- Chạy đi! Chạy đi, thằng bé da vàng!
Duy ngơ ngác hỏi:
- Tại sao các anh tha tôi?
- Vì tụi tao là dân phi Châu, cũng dân da màu như mày. Về đi! Nhanh lên! Bên kia ngọn đồi là Việt Minh.
Hai người lính da đen quay lưng tiến về chiếc xe dodge. Duy cũng hối hả bước lẫn vào đám cây rừng rậm rạp.
Thế là Duy trở về vị trí chiến đấu nơi làng cũ cho tới khi có lệnh đình chiến.
Năm ấy Hữu lên bảy tuổi, Nghi sáu tuổi, Tú lên ba và Cang vừa mới chào đời. Đây là năm đánh dấu những biến cố quan trọng trong gia đình Duy! Người anh cả tập kết ra Bắc. Duy ở lại bị chính quyền Diệm bắt giam, tra khảo suốt mấy năm, đến khi được thả ra thì anh chỉ còn là một cái xác ốm nhom, suy yếu và bệnh tật.
Ít lâu sau, cha Duy có vợ bé. Biến cố ấy khởi đầu cho những thảm kịch của gia đình anh sau này.
Cha Duy vốn là một người tài hoa. Hồi Pháp thuộc ông cai quản cả một gia đình giàu có, ông xây riêng một cái lầu đúc, sáng vác lưới đi rập cu đất với lũ con, buổi chiều trở về giao con thịt cho vợ làm chả ram. Ông kéo bạn bè lên lầu uống rượu… Mọi người nhậu nhẹt, hát bội đánh chầu, đàn nhị đàn tranh đủ thứ.
Trong thời kháng chiến cha thu mình lại như con công rụt cổ, xếp cánh xếp đuôi cho hợp với thời thế. Vả lại giặc giã rầm rầm, chết chóc tang thương khắp nơi, cơm gạo thiếu thốn, có ai nghĩ tới chuyện đàn địch, hát bội hát bè, cha cũng đi làm rẫy làm ruộng, cha cũng tăng gia sản xuất. Bây giờ đình chiến rồi, cha hết làm ruộng, cha xòe cánh xòe đuôi ra thành con công rực rỡ, hào hoa, con công biết đàn địch, biết đa tình…
Duy thì bị mật vụ Diệm theo dõi, quanh năm lẩn quẩn xó nhà không làm gì được. Anh nản, quyết định lấy vợ.
Khi cha có vợ bé, có nghĩa là ông đã lập riêng một phe. Và khi Duy lấy vợ, anh cũng mặc nhiên lập riêng một phe khác.
Mẹ và những đứa con còn lại “tử thủ” cái gia đình nghèo xác xơ.
Mười sáu năm trôi qua, Hữu đã lớn và đã vào đại học. Còn ta, ta đã già rồi, đã hết thời rồi, cũng như Nghi nó thi rớt, trốn tránh mấy năm rồi bị bắt lính, lần hồi mò lên chức trung sĩ. Nó trở thành kẻ lầm lì, câm điếc và bất thường. Cang thì bị bỏ hoang giữa cuộc đời ở tuổi mười sáu, sống nhờ vào Tú, đua đòi, và ương ngạnh.
Duy mất hết uy tín. Anh bó tay trước mọi người. Anh trở thành cái bóng mờ trước lũ em, anh càng ngày càng chán nản buông xuôi phó mặc và tuyệt vọng. Mình già rồi. Cô lập và cô độc.
Duy lẩm bẩm và trở mình trong đêm. Chiếc đồng hồ tay anh để dưới gối kêu tích tắc tích tắc đều đặn. Duy lấy ra xem thì đã gần ba giờ sáng.
Anh nhìn ra khung cửa nhỏ. Những vì sao khuya vẫn còn lấp lánh trên cao. Khu vườn phía dưới thấp tối đen và vang dậy tiếng côn trùng.