Nghỉ một lát, Huấn tiếp tục: - Phở đây! Phở đây! Nhưng khoan ăn, hãy nhìn khói đang bốc lên rồi từ từ cúi xuống, mặt sát miệng tô, hít một hơi thật dài để thấy hương vị của tô phở. Mùi thơm, ngọt, béo, bùi của tủy xương, của thịt, của mỡ ninh chung với hồi, quế, hành trộn lẫn với hương vị đặc biệt của bánh phở tươi trụng nước sôi, mùi thơm đặc biệt của nước mắn, tiêu hành bột ngọt. Ngon khôngbạn ? Nước miếng chảy ra đầy miệng rồi phải không? Nhưng khoan ăn, nếm thữ xem mặn lạt trước đã, rồi vắt miếng chanh, thêm tí nước mắm nhỉ, rắc một ít tiêu, xong chưa? Nếm thử lại một lần nữa nếu chưa vừa ý? Phải ngắt cọng ngò gai, vài lá quế cho đủ gia vị. Đủ chưa? Cũng chưa hả, thì phải thêm vài khoanh ớt mới đúng điệu! Bây giờ mời tất cả ăn….ngoàm ngoàm... Sao, có thấy thịt tái mềm không? Mấy miếng nạm bùi không? Gân có nhai sần sật không? Bò vò viên có ngọt và dai thịt không? Nếu ngon thì há miệng thật lớn, đừng sợ xấu, ai nhìn cũng mặc. Muốn ăn ngon thì phải tự nhiên với tất cả tâm tình, gắp mỗi thứ một ít cho vào miệng, nhai từ từ để cho bánh, thịt, rau nhuyễn ra rồi gắp thêm khoanh ớt bỏ vào nhai tiếp…như vậy mới thưởng thức trọn vẹn cái bùi béo của miếng thịt, cay thơm của gia vị rồi từ từ mà nuốt, đừng có vội mà mất ngon! Nước miếng trong miệng tôi trào hẳn ra ngoài, đưa tay vừa chùi vừa nuốt trong lúc tai nghe liên tục những tiếng nuốt ừng ực của các bạn tù đang nằm chung quanh. Kể đến đây, Huấn ngưng lại và đề nghị: - Tối mai, ai muốn ăn hủ tiếu Mỹ Tho, Nam Vang hay mì Quảng thì ‘đăng ký’ trước. Huấn chưa dứt câu thì nghe tiếng ồn phía cuối láng rồi tiếng chân chạy gấp rút. Yên kêu tôi: - Theo em gấp, mau lên. - Gì vậy? - Chia phần. Chẳng hiểu gì nhưng tôi vẫn đứng dậy chạy theo Yên, thì ra chạy theo đập rắn chia phần. Rừng KàTum có rất nhiều rắn. Ngày đêm chúng thường bò vô nhà bắt chuột, có con treo tòng teng trên cây hoặc phóng nhanh bang qua đường. Mỗi lần xuất đầu lộ diện, những con rắn nầy hiền hay dữ không cần biết nhưng số trời đã định sẵn là chết một cách tức tưởi không kịp ngáp khi vô phước gặp tù cải tạo. Thịt bị chặt ngay tại chỗ thành từng khúc nhỏ chia đều cho những ai tay cầm gậy đang có mặt tại đây. Tôi cũng được điểm danh ghi tên nhưng cuối cùng bị loại vì không có ‘vũ khí’ trên tay!. Yên nói ngay với tôi: - Ngày mai, việc trước tiên anh phải kiếm cây gậy để ngay đầu giường, bất cứ lúc nào nghe rắn là phải vác gậy theo. Đến nơi dù rắn đã chết rồi cũng phải chen vô đập thêm một cái mới ăn tiền. Mặc dù trên đầu vẫn còn quấn mấy vòng băng trắng nhưng chỉ thị của quản giáo tôi vẫn phải đi lao động bình thường như những người khác, nhưng anh đội trưởng âm thầm giao việc nhẹcho tôi : Phụ bếp và nuôi heo của cán bộ. Phụ bếp thì sướng, đã ở trong mát mà ngày ngày còn kiếm được miếng cơm cháy, nhưng nuôi heo thì không kham nổi. Ông già Rạng thấy tôi còn yếu cho đi hái rau muống, về lặt phần tốt đưa lên cho ban quản giáo, phần cứng ở dưới xắt ra nấu cho heo ăn. Công việc nầy xem ra cũng có lợi, vì xắt rau cho heo cũng dúi vào túi được vài gốc rau già, tối về anh em trong tổ ‘cải thiện’ với nhau. Nhưng rồi có anh nào thối mồm thối miệng bá cáo lên, tôi bị kêu lên làm tự kiểm là ăn bớt rau của nhân dân trong khi làm phận sự và bị tống ra làm việc trong đội rau. Công việc của tôi đơn giản, hốt phân các nhà cầu của tù cũng như cán bộ, hòa thêm nước, quậy cho đều, chiết ra nhiều thùng rồi đem đi tưới. Sau nhiều lần lấy nước dưới suối nhỏ để pha với phân người, tôi nảy ra việc câu cá bằng cách dùng thép uốn cọng kẽm thành lưỡi câu, rút chỉ trong ống quần xe giây và móc trùn thả ngầm dưới nước. Cá ở chung với tù cải tạo, nghe nhồi sọ riết cũng trở thành khôn, chúng nó ăn hết của tôi mấy chục con giun đất rồi vui vẻ cám ơn quay đi. Nhưng một hôm, một con cá trê (mèo) lớn, da vàng hực to bằng bắp tay, có lẽ chưa thông suốt đường lối cách mạng nên lưỡi câu đã sâu vào sâu trong bụng, tôi kéo lên một cách dễ dàng. Đang hí hửng xách con cá trở lên suối thì một quản giáo trông thấy, hắn nhìn tôi gằn giọng: - Ai cho anh bắt con cá nầy? - Dạ thưa anh, cải thiện để ăn thêm. Tên quản giáo trân tráo: - Như vậy cho rằng cách mạng bỏ đói các anh phải không? Đã có ai chết đói trong lúc học tập cải tạo chưa? - Nhưng thưa anh, chính các anh cho phép cải thiện mà. - Cải thiện là phải trồng thêm rau cải ăn thêm chứ không được phép lội xuống suối bắt cá. Tôi chưa kịp nói gì thêm, hắn tiếp: - Chim trên trời, cá dưới nước là tài sản của nhân dân. Muốn bắt muốn câu phải có phép của cách mạng. Nhất là các anh trong dạng cải tạo, các anh không có quyền. Nếu tôi kính cẩn dâng cho nó thì yên chuyện, nhưng tiếc quá, công trình bắt giun, đặt câu, rình rập cả tháng mới chớp được một con, bây giờ đưa cho nó thì không thể chấp nhận. May mắn lúc đó một toán tù đi ngang có quản giáo và vệ binh áp tải nghe được đầu đuôi, biết đã bể chuyện, nó cho phép đem về ăn nhưng phải làm tờ tự kiểm. Cá đưa về bốn người trong tổ ăn cùng mâm hợp tác với ông già Rạng mục đích xin mấy miếng cơm cháy để nấu cháo cá! Đến tối tất cả mọi người đã ngủ, cháo chia ra làm năm phần và rồi mạnh ai nấy lén ăn trong bóng tối. Đang ăn, ông già Rạng nói nhỏ vào tai tôi, cách nay không lâu, toán làm gỗ trong rừng bắt được con trăn dài trên sáu mét, hí hửng vác về cũng bị quản giáo dũa cho một trận tả tơi. Sau đó cả toán được ân huệ của cách mạng, gần hai chục người chia nhau cái đầu, phần còn lại là tài sản của nhân dân phải khiêng lên dâng cho ban chỉ huy trại giam!