Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Cánh cửa đã khép

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 683 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cánh cửa đã khép
Đinh Lâm Thanh

Vân bật khóc khi hay tin Thu bình yên vào đến Bộ Tổng Tham Mưu khuya hôm qua. Gác máy điện thoại xuống, nàng ghi vội vài chữ để cho cho gia đình và hấp tấp ra bến xe mua vé đi Sàigòn. Thu vừa cho hay chàng chỉ có mặt tại đây một vài ngày và cần gặp Vân gấp trước khi nhận lệnh trình diện một đơn vị mới.

Trong thời gian qua, Vân nhiều đêm thức trắng khi hay tin Bộ tư lệnh quân đoàn II di tản từ Pleiku dọc theo quốc lộ 19 xuống Qui Nhơn, nàng đã mấy lần liên lạc với tiểu khu Khánh Hòa cũng như các đơn vị trực thuộc quân đoàn để thăm dò tin tức Thu, nhưng tất cả đều không biết gì hơn kể từ khi đoàn quân được lệnh rút xuống vùng biển. Đài BBC cũng như những nguồn tin khác cho biết trình trạng hỗn loạn của quân đội cũng như dân chúng trong lúc tháo chạy, những con số bị thương và tử vong trên suốt chặng đường quốc lộ càng làm cho Vân hốt hoảng. Mẹ Vân thông cảm tình trạng bất an của con, bà cho phép Vân ra Qui Nhơn để thăm dò tin tức Thu, nhưng ba Vân thì cẩn thận lo xa, sợ rằng thân gái dặm trường dễ xảy ra những chuyện bất trắc. Gia đình có người quen ở tại tỉnh lỵ nhưng ông không bằng lòng để Vân một mình và tá túc tại nhà người khác trong tình thế dầu sôi lửa bỏng.


Nhưng sáng nay chính Thu điện thoại ra báo tin cho Vân và mong gặp nàng tại Sàigòn để sau đó tất cả có thể an tâm bàn tính những chuyện sắp đến. Vân vẫn còn nhớ rõ, Thu nhắc đi nhắc lại nhiều lần, thế nào cuộc chiến cũng kéo vào tận Sàigòn. Tình hình ra sao thì chưa biết nhưng quốc lộ 1 sẽ bị cô lập. Có thể địch sẽ chiếm khu rừng lá làm bàn đạp tiến vào thủ đô, Vân phải thu xếp trước thế nào để phút chót nếu kẹt đường thì phải dùng ghe chạy vào Vũng Tàu. Thu cho biết, dù tình hình biến động ra sao chàng cũng không thể quay trở ra Nha Trang để đón gia đình Vân.

 

***
 
Sau khi tốt nghiệp Vân xin về dạy tại Nha Trang, thành phố biển nơi mà nàng đã trải qua bảy năm trung học ở đây. Vân quen Thu trong thời gian còn theo đại học sư phạm tại Sàigòn. Lúc bấy giờ Thu là một nhà văn mang cấp bậc trung úy, biên tập viên của đài phát thanh quân đội. Hai người gặp và yêu nhau, dự trù sau khi Vân ra trường yên ổn việc dạy học, họ sẽ thành hôn với nhau. Nhưng tình hình chiến sự bộc phát dữ dội tại cao nguyên vào mùa hè năm 1972, Thu tạm rời đài phát thanh, trở thành phóng viên chiến trường và chính cuộc chiến tại Cao nguyên đã giữ chân anh trong nhiệm vụ mới cho đến khi có lệnh di tản. Sau khi vào đến Sàigòn Thu được điều động xuống vùng IV và kẹt lại đây cho đến lúc phải buông súng đầu hàng. Là một đại úy ngành chiến tranh chính trị bị bắt tại chỗ khi giặc vừa kéo vào, Thu bị giam tại Cần Thơ cho đến lúc hai tay mang còng sắp hàng lên xe đi tù. Lần chót gặp mặt khi Thu vừa vào đến Sàigòn và kể từ ngày đó hai người mất luôn tin tức nhau.
Nhiều lần hỏi thăm gia đình Thu nhưng thân nhân không một ai hay biết gì hơn. Vân vẫn nặng tình, vẫn chờ đợi, mười ngày rồi một tháng, ba tháng đến sáu tháng, rồi một năm trôi qua…Chẳng những không có tin gì theo lời hứa của Cộng sản mà càng ngày càng nhiều tin đồn thất thiệt, chẳng biết tin vào đâu để có một quyết định dứt khoát. Đang hoang mang chưa biết tình trạng Thu sống chết thế nào thì bạn bè cho hay, các sĩ quan ngành chiến tranh chính trị chế độ cũ bị Cộng sản liệt vào dạng ác ôn côn đồ, có tội nặng với chế độ mới. Những sĩ quan thuộc dạng nầy chắc chắn sẽ bỏ thây trong các trại cải tạo hay ít ra cũng lãnh án tù tội suốt đời. Tất cả khuyên Vân đừng hy vọng ngày về của Thu. Cuối cùng Vân cùng cha mẹ và hai đứa em vượt biên theo một làng đánh cá dưới sự hướng dẫn của một vị linh mục. Sau gần một năm nằm tại trại tỵ nạn ở Mã Lai, Cha mẹ Vân được người thân bảo lãnh qua Mỹ và gia đình làm lại cuộc đời tại tiểu bang Virginia. Nàng xin theo học ngành thẩm mỹ và sau đó dời về California để phục vụ cộng đồng người Việt tại quận Cam.
Một người đàn bà trẻ đẹp, giàu có và nhất là còn độc thân là cái đích cho đàn ông thuộc mọi lứa tuổi mơ ước, trong đó đa số khoa bảng và có sự nghiệp vững đều nuôi hy vọng làm chủ trái tim cũng như gia tài của Vân, nhưng nàng vẫn thờ ơ trước những ân cần săn đón. Đã bốn năm trời nàng vẫn nghĩ đến Thu và ngày đêm hy vọng một phép lạ nào đó hai người sẽ được tái hợp. Từ mấy năm nay Vẫn vẫn thường xuyên liên lạc với Việt Nam và mới đây gia đinh Thu cho biết, chàng đã bị đày ra miền thượng du Bắc Việt, lao động khổ sai trong các trại tù ở miền núi, tình trạng sức khỏe quá yếu và ngày về thì chẳng biết đến bao giờ đối với một sĩ quan phóng viên chiến trường thuộc ngành chiến tranh chính trị ! Gia đình Vân thường nhắc chừng nàng việc hôn nhân, không lẽ ở giá để chờ một hình bóng vô vọng. Vân vẫn không xiêu lòng. Cho đến lúc chính cha mẹ Thu buồn bã khuyên Vân nên lập gia đình thì nàng mới bắt đầu nghĩ đến việc hôn nhân cho mình.
Vân kết hôn với một bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ vừa ra truờng. Việc lựa chọn không quá khó khăn đối với Vân. Khải, một thanh niên trẻ đẹp khỏe mạnh và cũng là người trong ngành mà nàng cần để thay thế một bác sĩ đang làm việc với Vân bằng hợp đồng. Mấy lúc gần đây, ông bác sĩ nầy thường đưa ra nhiều yêu sách mục đích để buộc Vân nhượng lại một nửa cổ phần của trung tâm nhưng Vân không thể nào chấp thuận những đỏi hỏi quá đáng. Trường hợp ông ta ra đi sẽ gây khó khăn cho Vân vì bằng cấp của nàng chuyên về trang điểm, săn sóc thân mình, da mặt và những tiểu giải phẫu không quan trọng, Vân không đủ tiêu chuẩn để thực hiện những trường hợp giải phẫu thẩm mỹ chỉnh hình gương mặt và bộ ngực. Trong lúc phân vân tìm một bác sĩ chuyên ngành phụ trách kỹ thuật thì dịp may đưa Vân gặp Khải trong một buổi dạ hội và mối tình hai người chớm nở bắt đầu từ đêm đó. Việc cưới hỏi xảy ra nhanh chóng và cuộc sống lứa đôi đã làm cho Vân dần dần quên hẳn Thu.

 

***
 
Cô tiếp viên hàng không nhắc nhở Vân :
- Thưa bà, máy bay sắp đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất trong vòng vài phút, xin bà vui lòng ngồi lại ngay ngắn, cài giây an toàn…
Vừa giật mình thức dậy, Vân thấy cô tiếp viên đừng bên cạnh mỉm cười :
- Bà ngủ một giấc ngon lành, chúng tôi không dám đánh thức bà dùng bữa.
Vân ngạc nhiên :
- Tôi ngủ một ngon đến thế ?
- Vâng, thưa bà đúng như vậy.
Đây là lần đầu Vân trở lại Việt Nam sau ngày vượt biên vì nàng không còn thân nhân tại đây. Bỡ ngỡ trước nhiều thay đổi nhưng Vân vẫn hình dung được những gì quen thuộc ngày trước, từ dáng điệu, lối nói chuyện khuôn mặt hiền hòa của người miền Nam đang chen nhau trước hàng rào quan thuế. Chỉ một người bạn độc nhất ra đón, nhưng xa cách đã lâu không biết có nhận nhau dễ dàng không. Vân biết Thủy đang có mặt trong số người đến đón thân nhân nhưng chắc chắn Thủy không bao giờ nhận ra mình, vì nàng vẫn còn quá trẻ so với số tuổi đời. Hơn nữa, qua những lần giải phẫu, gương mặt nàng đã có nhiều thay đổi và hình dáng bên ngoài vẫn cân đối quyến rũ như thời con gái, chính vì nàng chịu khó giảm ăn và chăm sóc thể dục thẫm mỹ hằng ngày. Ngược lại, Vân biết bạn sẽ khó nhận ra nàng, qua những lần trao đổi điện thư, Thủy cho biết nàng đã trải qua nhiều gian lao cực khổ cả vật chất lẫn tinh thần. Con người Thủy trở nên bệ rạc, hốc hác vì cuộc sống thiếu thốn đủ mọi thứ, từ tinh thần đến vật chất. Trong thư điện tử gởi trước ngày lên đường, Vân đề nghị Thủy cầm một tấm bìa cứng đề tên nàng khi đón ở phi trường. Thủy có vẻ không bằng lòng và trả lời rằng, chắc chắn mình không quên Vân, mà chỉ sợ người nước ngoài không nhận ra người bạn nghèo khó ngày trước mà thôi ! Khi ngang qua hàng rào cảnh sát an ninh, Vân nhận ra một người đàn bà tay cầm tấm bìa cứng đề tên nàng đứa lên cao, dù chưa hình dung được người bạn cũ, nhưng Vân biết chắc là Thủy. Vân vẫn tiếp tục đi thẳng ra để xem phản ứng của bạn, thì đúng như nàng đoán, Thủy vẫn nhón người lên cao nhìn vào phía trong.
Vân vòng ra phía sau vỗ nhẹ vào vai, Thủy quay lại reo lên :
- Vân phải không ?
- Ừ, mình đây. Thôi chúng ta đi nhanh về nhà nói chuyện sau.
Vân trả lời nhanh gọn câu hỏi của Thủy để tránh những giây phút quá mủi lòng.
Hai người vội lui ra sau khi trao hai chiếc valise lớn cho anh tài xế taxi. Thủy vừa nắm tay Vân đi nhanh về phía xe, vừa căn dặn :
- Đừng để ý và cũng không nên trả lời bất cứ câu hỏi gì của mấy chàng thanh niên đi theo.
Sau khi đã vào hẳn trong xe, Vân lên tiếng hỏi :
- Sao phải trốn mấy thanh niên như chạy giặc vậy ?
- Bọn đĩ trai ma cô đó. Trả lời là mắc bẫy chúng sẽ đeo sát như đỉa và sẽ chết dưới tay chúng nó.
Vừa nói Thủy chỉ về hướng tay trái, một thanh niên đi xe hai bánh đời mới loại phân khối lớn đang phóng theo xe taxi. Khi vượt qua mặt anh chàng đưa tay chào một cách thân mật như đã quen biết nhau từ trước. Đến góc đường anh ta chạy chậm lại nhường cho taxi qua trước và tiếp tục bám sát sau lưng.
Vân ngạc nhiên chưa hiểu :
- Không hiểu sao, anh chàng khi nãy vẫn chạy theo, có quen biết với Thủy ?
- Bọn chúng đó đóng đô tại phi trường, thấy bất cứ đàn bà Việt kiều nào đi về một mình, ra vẻ có tiền và nhất là đẹp cỡ như Vân là không thoát được tay chúng nó.
- Làm gì được mình ?
- Dài dòng lắm để có dịp kể cho nghe. Đại khái là chúng đeo đuổi con mồi tới cùng, dùng đủ mọi mánh lới để dụ cho bằng được, cuối cùng rút hết tiền của đến trắng tay. Nếu đẹp như Vân thì mục tiêu càng có giá hơn. Thời gian Vân ở Sàigòn, đi đâu cũng phải có mình kèm bên cạnh, không thì trước sau gì cũng bị chúng tìm đủ mọi cách làm quen xong rồi sẽ lột hết không còn một thứ gì trên người.
Vân cười :
- Đâu có dễ dàng vậy.
- Đừng khinh thường, chúng nó có cả trăm chiêu ngàn kế, nhiều người đàn bà danh giá đạo đức, cao tay ấn, xem đàn ông chưa bằng nắm tay nhưng chỉ sơ suất chút đỉnh là lọt vào quỹ đạo của chúng hết đường thoát. Tại Sài gòn đã xảy ra ngàn lẻ một chuyện, giai thoại các bà Việt kiều một mình về thăm gia đình hay đi làm thương mãi, đã có biết bao người mất tiền mà còn bị quỵt tình nữa. Nhưng có mấy ai dám hé môi để gia đình tan nát đồng thời làm trò cười cho thiên hạ.
Vân vui vẻ :
- Được rồi, về đây đi đâu cũng phải có Thủy bên cạnh cho chắc ăn.
Chưa dứt chuyện xoay quanh những người đàn bà về Việt Nam một mình thì xe đã đến đầu hẻm. Nhà Thủy ở tận trong phải đi bộ chừng hơn cả trăm thước. Thủy lên tiếng trước :
- Nhà mình trong xó, bệ rạc thiếu phương tiện nhưng Vân phải ráng ở tại đây, an toàn cho thân gái dặm trường.
- Mua hay mướn ?
- Làm gì có tiền mua, mướn tạm mà cũng không trả nổi tiền hàng tháng.
Vân nhìn quanh nhà :
- Mấy đứa nhỏ ở gần đây không ?
- Gia đình chúng nó cũng quanh quẩn trong Sàigòn, đứa cháu đi học chưa về. May có nó trong nhà cũng đỡ vắng vẻ.
Vân hỏi sơ qua mấy đứa nhỏ nhưng không đề cập đến Thinh, người chồng đã để lại cho Thủy nhiều thương đau trong cuộc sống lứa đôi. Vân và Thủy, bạn thân cùng chung lớp sư phạm, ra trường Vân xin về Nha Trang, Thủy chọn Sàigòn. Cả hai đều dạy môn triết. Thời sinh viên họ quen hai người đàn ông, đến chừng mất nước Thu biệt tích, Thủy lấy Thinh. Tình thế thay trắng thành đen cuộc sống dân miền Nam và cũng đổi luôn lòng chung thủy của Thinh sau khi đã có với nàng hai đứa con. Thủy vẫn được đi dạy trở lại, nhưng đau khổ cho những người dạy môn triết. Với chế độ mới, nhà giáo các môn văn chương và lịch sử bắt buộc phải tẩy nảo để nói như con vẹt, rập theo những gì đã được bộ giáo dục và tuyên truyền cho phép. Sau ngày mất nước, chỉ có thuyết Mác-Lê, đường lối đảng Cộng sản Việt Nam và cá nhân ông Hồ là ưu việt, tiên tiến, hiện đại nhất địa cầu. Tư tưởng nào liên quan chế độ cũ hay tư bản đều phải được tẩy xóa tận gốc và thay vào đó những lập luận ngô nghê, láo khoét, phản tiến hóa được đẻ ra bởi những người chưa từng cắp sách đến trường. Nạn nhân chính và ưu tiên trong việc nhồi sọ đổi mới nầy là những người có trách nhiệm giáo dục giới trẻ. Từ giáo viên các trường mẫu giáo cho đến giáo sư đại học trong phạm vi văn hoá đều phải được tẩy sạch tư tưởng cũ để tiếp thu những bài học mới do Cộng sản soạn thảo rồi đọc thuộc lòng như cái máy trong lớp học.
Thủy không thi hành đứng đắn trong vai trò giảng dạy theo yêu cầu mới của chế độ, nhiều lần bị phê bình kiểm thảo. Thủy bị chuyển thành giáo viên chạy trường, đứng lớp nhiều môn học khác nhau. Nhiều lần bị ép vào dạy các môn toán, vật lý… Thủy phản ảnh lên thì được cán bộ lãnh đạo ngành giáo dục giải thích "Chúng tôi đâu cần phải học nhiều nhưng vẫn thành công, đạt chỉ tiêu, xuất sắc trong tất cả bộ môn giao phó. Chị theo bốn năm đại học sư phạm mà không đứng được lớp toán thì chắc bằng cấp của chị là bằng mua chứ gì" ! Rồi, vì chén cơm manh áo, Thủy đành đứng lớp lưu động, nghĩa là bất cứ môn gì cũng phải thông suốt theo yêu cầu.
Vân tức cười chen vào câu chuyện Thủy đang kể :
- Như vậy xin dạy môn toán chắc khỏi mệt trí ?
- Lớp lớn thì tạm láp nháp qua ngày nhưng gặp các lớp mẫu giáo hoặc tiểu học thì "đau đầu" lắm !
- Sao ?
- Cô bạn cùng xóm dạy tiểu học, toán đố không có gì hơn vài ba bài toán Cộng trừ mà thôi.
Vân ngắt ngang :
- Thì khỏe thân chứ kêu ca gì nữa.
Thủy cười chua chát :
- Các bài toán sau đây được đưa từ miền Bắc vào để dạy các em bé từ lớp nầy đến lớp khác như những bài tính khuôn vàng thước ngọc, xem có ‘đau’ không : Ví dụ bài toán trừ như sau : Có 3 chiếc máy bay Ngụy đến thả bom, chị nông dân dùng súng trường bắn rơi 2 chiếc, vậy còn lại bao nhiêu chiếc ! Hay bài tính nhân : Một quả cối do quân cách mạng bắn vào bọn ngụy trong thành phố chết hai chục người, vậy quân ta bắn vào mười quả đạn, địch chết bao nhiêu ? Thử hỏi mình có đau lòng khi phải lặp đi lặp lại cả chục cả trăm lần trong ngày hay không ?
Vân thắc mắc :
- Bây giờ tình hình có thay đổi hay vẫn… ?
- Cũng có đối với các trường học ở thành phố, nhưng trước sau vẫn còn những giọng điệu nhồi sọ, gây căm thù cho các trẻ em vừa cắp sách đến trường.
- Lương đủ sống không Thủy ?
- Mắm muối, bữa đói bữa no cũng qua ngày. Nghề giáo là nghề bạc bẽo nhất ở chế độ nầy. Mang danh công nhân viên nhà nước nhưng lương thì chết đói. Nghề giáo không vơ vét được cái gì đút túi, ngay cả cây viết, cuốn tập, cục phấn cũng phải xử dụng đúng theo tiêu chuẩn. Nếu là giáo sư cấp đại học may ra có thể xoay sở được phần nào bằng cách chạy hồ sơ vào các trường lớn, mánh mung đề thi, bán điểm, tráo chứng chỉ hay bán bằng tốt nghiệp. Còn giáo viên tiểu học hay giáo viên trung học cấp I thì chỉ có cách dụ học trò về nhà dạy thêm. Đứa nào đến học thì được điểm cao, đứa nào không tiền học thêm, dù giỏi cũng đành phải xếp vào hạng dưới. Biết làm sao bây giờ ! Không lý một lớp bốn năm chục em đứa nào cũng đạt 20 điểm và đều đứng hạng nhất đồng loạt ! Thành ra cô giáo bên nầy làm ngày làm đêm vẫn không đủ tiền gạo. Vân đừng ngạc nhiên, đôi khi cô giáo mệt mỏi đành đưa bài của em nầy cho em khác chấm điểm, đó là chuyện thường tình !
Vân muốn biết thêm đời sống của Thủy, nàng tiếp tục :
- Tình trạng dạy học của Thủy bây giờ thế nào ?
- Đổi lung tung, vì mình bị khiển trách nhiều lần, bây giờ không còn dạy một môn hay lớp nào nhất định. Gọi là giáo viên chạy lớp, thiếu đâu thì thế đó. Từ lớp nhỏ đến lớn, từ quốc văn, vật lý, sử địa qua toán…
- Làm sao dọn bài ?
- Học sinh bây giờ đâu có giỏi và ngoan như thời trước. Thật ra chẳng cần soạn bài hay chẳng có giờ để chuẩn bị. Học cho qua chuyện và dạy thì qua ngày. Học trò đến trường để khỏi bị rầy còn thầy giáo lên lớp để kiếm cơm. Chỉ có thế ! Đứa nào khôn thì ráng học năm ba chữ. Cuối năm không ai biết được kết quả mà thường thường là ngựa về ngược. Con ông cháu cha không cần đến trường, không cần học hành làm gì, cuối năm lãnh thưởng, lên lớp và được cấp bằng đã ghi sẵn họ tên. Bên nầy nhiều cô cậu đậu tú tài, cử nhân hay ngay cả tiến sĩ đôi khi chưa viết nổi một bức thư tình !
- Mình không hiểu.
- Thời buổi bây giờ em nào dở thì đứng đầu, đứa nào không đi học thì đậu cao…
- Cũng lạ nhỉ !
- Chuyện khoa bảng bên nầy cũng nên ghi vào sổ kỷ lục thế giới.
- Sao ?
- Thì đâu cần phải học hành gì. Cán bộ đảng viên cao cấp thì sai tài xế đi học hàm thụ khóa đêm. Con ông cháu cha không cần đến lớp, biết đọc biết viết là có thể mua đủ loại bằng…
Vân bây giờ mới vỡ lẽ ra :
- Hèn gì, nghe báo chí nói hoài : Xây cầu thì cầu sập, cất nhà thì nhà lún, ngăn đê thì đê vỡ…
- Đó là nguyên do phụ mà thôi.
- Thế lý do chính ?
- Rút ruột !
Vân ngớ ngẩn không hiểu.Thủy cười :
- Chuyện tại Việt Nam phải nghe cả năm trời chưa hết. Vân ráng ở chơi lâu sẽ rõ.
Vừa thay áo rửa mặt xong, Vân bắt đầu trả lời Thủy về đời sống của nàng sau nầy. Vân cho hay :
- Sau khi mất hẳn tin Thu, mình phải theo gia đình vượt biên bằng đường biển, may mắn đến được Mã Lai an toàn, sau đó một người thân bảo lãnh qua định cư tại Mỹ. Vốn anh văn đâu bao nhiêu để hy vọng tiếp tục nghề giáo, thôi đành kiếm một nghề khác. Nhưng sự lựa chọn hợp thời và đúng lúc đã đem lại thành quả tốt đẹp cho mình đến ngày hôm nay. Bước đầu nhờ sự giúp đỡ tận tình của gia đình người thân, mình vững tâm theo học ngành thẩm mỹ. Gần năm năm sau, kết hôn với một bác sĩ chuyên khoa cùng ngành, tưởng cuộc đời đã an bài cho mình một cuộc sống mới hoàn hảo, nhưng rồi giữa đường cũng gãy cánh, mình ở vậy nuôi hai con cho đến ngày chúng trưởng thành. Bây giờ thành công về tiền bạc nhưng tình đầu, tình thứ đều bỏ mình mà đi.
- Tại sao không đi thêm một bước, đối với Vân, việc lựa chọn quá dễ dàng trong tầm tay mình ?
- Thật ra thì…
- Thủy hiểu, còn nhớ đến Thu phải không ?
Rồi Thủy đùa :
- Như vậy chuyến nầy về để thăm mình hay để gặp lại Thu.
- Cả hai.
- Có ý định nối lại mối tình cũ ?
- Chưa hẳn.
- Sao ?
Vân cười lắc đầu không nói gì thêm. Nàng nảy ra ý định về Việt Nam sau khi Thủy cho biết đã bất ngờ gặp và chuyện trò với Thu trong dịp đi lễ tại nhà thờ dòng Chúa Cứu Thế. Như vậy động lực chính là Thu để nàng nghỉ việc ba tuần về Việt Nam, nhưng về để nối lại mối tình cũ thì cũng chưa đúng hẳn. Chính Vân cũng không hiểu nổi tâm trạng mình, khi được Thủy cho hay, nàng gọi điện thoại lấy ngay chuyến bay sớm nhất. Đến lúc cầm vé trong tay, Vân thấy mình vô lý và tự mâu thuẫn với chính mình khi gấp rút quyết định chuyến đi. Nhưng chuyện đã rồi, đàng nào chuyến bay đã có và lỡ tuyên bố với nhân viên rằng sẽ đi thăm người bạn tại Việt Nam ba tuần, Vân phải lên đường đúng ngày và điện thoại thông báo cho Thủy ngày giờ nàng đến Tân Sơn Nhất.
Thủy dẫn Vân đến gặp cha xứ họ đạo để tìm tông tích Thu, cả hai đều đoan chắc cha xứ có thể biết rõ về chàng.Nghe trình bày lý do, cha xứ ngần ngại trước yêu cầu của người lạ. Nhưng qua lời cầu khẩn của hai người đàn bà, sau một hồi đắn đo, ngài cho biết đại khái tình trạng gia đình Thu : Cải tạo gần mười năm, khi được thả về Thu lập gia đình, có ba đứa con hiện đang đi học. Thu là một con chiên ngoan đạo và hiện đang sống trong giáo xứ. Vân chỉ cần biết như vậy và sau đó một tuần, nhằm ngày Chủ nhật, Vân âm thầm một mình đến đây dò hỏi tin tức. Không ngờ vừa đặt câu hỏi, một cậu bé đã vui vẻ tình nguyện dẫn đường.
Sau lưng khu vực dòng Chúa Cứu Thế trên đường Kỳ Đồng Sàigòn, trước kia là lô đất sình và một hồ rau muống lớn chạy dọc theo con kinh, nay trở thành khu vực dành cho họ đạo. Nhà dòng cho con chiên xây nhà ở và dần dần khu sình trở thành mặt bằng với mấy trăm căn nhà bằng ván lợp tôn. Khu vực tập trung càng ngày khá đông dân, nhà cất lấn dần ra lộ, con đường chính dẫn vào xóm và các lối đi trong luồn trong xóm càng bị thu hẹp, gây trở ngại cho việc di chuyển xe hai bánh. Vân ăn mặc bình thường như người địa phương, áo bà ba đen đầu đội chiếc nón rộng vành, theo chân cậu bé hướng dẫn vào quán chú Sáu, nơi vừa bán tạp nhạp đủ thứ đồ như cửa hàng chạp phô, vừa café nước ngọt bánh kẹo bình dân. Ngồi ở đây Vân có thể quan sát rõ căn nhà đối diện, nơi Thu đang sống với gia đình vợ và mấy đứa con.
Vân làm ra vẻ tự nhiên bắt chuyện với chú Sáu :
- Quán chú nằm khuất trong xóm chắc cũng ít khách ?
- Toàn là khách quen đã trên chục năm nay. Bán liên tục không có ngày nghỉ,
đêm hôm ai muốn gì thì cứ gọi cửa.
- Tôi ngồi lâu một chút đợi người bạn có phiền không ?
Chú Sáu vui vẻ :
- Bà ngồi suốt ngày cũng không sao.
Vân bắt đầu vào đề :
- Nhà ai ở trước mặt có mấy gốc lan đẹp quá. Tôi mê lan rừng nhưng không có tay chơi hoa, cứ èo uột không ra bông như ở đây.
- À, nhà ông Thu, ông ta cưng lắm, chăm sóc mỗi ngày.
Tiến thêm một bước nữa, Vân giả vờ :
- Già rồi chọn thú chơi hoa thanh lịch nhất.
Chú Sáu cãi lại :
- Già gì, ông ta còn ngon lành lắm. Viết sách làm thơ và dạy kèm cho các học sinh thi tú tài đó.
- Dạy kèm ở nhà được bao nhiêu, sao không xin đi dạy trường nhà nước ?
- Ai cho mà xin. Tù cải tạo mười năm mới về không bị bứng đi kinh tế đã may mắn lắm rồi…
Được đà, Vân tiến tới :
- Sao không đi theo HO mà còn lẩn vẩn ở đây.
- À chuyện đó thì không biết, nhưng hình như ông ta không tiếc nuối vấn đề nầy.
Tôi thấy ông vui vẻ sống bình thản như không liên hệ gì đến chuyện quá khứ, phường khóm và ngay cả công an khu vực cũng thương, điều đó mới lạ !
Chú Sáu vui miệng tiếp :
- Được bà vợ hiền, đẹp, chịu khó… ba đứa nhỏ thông minh dễ thương, chúng vẫn còn đi học.
Vừa nghe qua, tim Vân tự nhiên đau nhói : Vợ đẹp, hiền, tháo vát đã có với Thu ba mặt con, như vậy cuộc đời chàng đã khép kín trong hạnh phúc. Vân là người đến trước trong cuộc đời chàng nhưng hoàn cảnh đã tách rời đôi lứa, bây giờ thành kẻ đến sau. Mỗi người một ngã trên hai chuyến tàu ngược chiều, có vẫy tay gọi nhau thì cũng khó lòng tái hợp ở cuối đường, vì ở đó Vân không thể nhẫn tâm níu kéo, tách Thu khỏi vòng tay người vợ hiền và ba đứa con nhỏ của chàng.
Đang suy nghĩ vẩn vơ thì giọng chú Sáu đưa Vân về thực tại :
- Ông Thu chiều nào cũng qua đây uống café chuyện trò, bà ngồi nán lại gì cũng gặp ông ấy.
Vân mất bình tĩnh :
- Không, tôi không có quan hệ gì với ông ta, có hẹn với người bạn nhưng nếu họ đến trễ thì chắc tôi xin phép từ giã chú.
Chưa dứt câu thì một người đàn ông từ nhà Thu bước ra và tiến về quán chú Sáu. Vân hốt hoảng :
- Chú làm ơn đừng nói gì với ông ta về tôi cả. Tôi van chú.
- Vâng, tôi hứa, bà đừng ngại.
Vân chưa kịp đứng dậy trong lúc Thu đã vào hẳn trong quán, nàng kéo chiếc mũ vải đội lên đầu xuống tận mắt, mặt hướng ra phía cửa. Thu kéo ghế ngồi ngay sau lưng Vân, nàng biết chắc chắn Thu không thể nào nhận ra mình.
Giọng Thu vẫn trầm ấm như xưa :
- Tối nay có trận đấu, tôi qua anh xem. Nhà tôi cái máy truyền hình tự nhiên chết tiếng mất hình sáng nay.
- Qua đây xem vui hơn, đá banh phải xem đông người, hò hét mới thú. Bà xã và mấy đứa nhỏ đâu ngày hôm nay không thấy ?
- Sáng nay xem lễ xong tất cả kéo qua nhà ngoại bên Gia Định. Cũng sắp về tới, còn phải cơm nước sớm để xem đá banh.
Vân tâm hồn bấn loạn, ngồi sát bên Thu nhưng không dám nhìn thẳng chàng. Vẫn giọng quyến rũ ngày xưa, tóc tuy đã bạc màu nhưng còn rất đẹp, tự nhiên, bồng bềnh và lãng mạn, dáng dấp một nghệ sĩ, gương mặt cương nghị, khí khái của một người đàn ông đúng nghĩa. Dù đã sáu mươi nhưng đúng là mẫu người lý tưởng của hai thế hệ đàn bà. Thu vui vẻ, hoạt bát và yêu đời, có lẽ nhờ bàn tay khối óc và trái tim của người vợ, Thu đã tình nguyện ở lại Việt Nam và chấp nhận đắng cay của một cuộc đổi đời. Áo tuy sờn vai, quần bạc màu nhưng tâm hồn và trí óc Thu vẫn còn nguyên vẹn, trong sáng. Chàng vẫn viết văn làm thơ nghĩa là tâm hồn chàng vẫn như cũ. Sống trong một nghịch cảnh mà tâm hồn còn thanh thản để sáng tạo thì bắt buộc phải có một trong hai động lực, lý tưởng cuộc sống mai sau hay tình yêu của một người đàn bà hiện tại. Thu trong sáng quá, con người chàng kết tinh bởi một tâm hồn cao quý trong một thể xác khỏe mạnh. Hoàn cảnh khó khăn của một cựu tù cải tạo, bị chế độ mới kiểm soát trông chừng và xếp loại chung với thành phần ăn bám, nhưng chàng không tầm thường như một số người sống bệ rạc bất mãn, than thân trách phận, bon chen vật chất. Nhưng toan tính và ước mơ nào đã giúp chàng vượt qua khó khăn trong quá khứ, chấp nhận đối đầu với thực tại và đặt tin tưởng vào ngày mai ? Đặt câu hỏi để rồi tự đánh giá mình không còn xứng đáng với Thu, Vân đã một lần dứt áo ra đi giữa lúc chàng đang trong vòng tù tội. Tình yêu giữa hai người chưa ràng buộc bằng lễ giáo, nhưng một khi bỏ Thu ra đi, ít ra Vân cũng mang tội phản bội trong tâm hồn, nhất là đối với một người như Vân, được giáo dục để trở thành cô giáo mẫu mực. Quyết định sai lầm ngày trước chưa được tha thứ thì hôm nay Vân không thể ích kỷ bước vào cuộc đời Thu một lần nữa để đưa gia đình chàng đi đến đổ vỡ.
Ngồi nghe hai người đàn ông trò chuyện đã hơn một giờ, như vậy cũng quá đủ, Vân không thể can đảm nán lại để nhìn mặt những người thân yêu của chàng khi nghe Thu nói với chú Sáu rằng vợ con sắp về đến nhà. Vân lấy tờ giấy bạc dằn dưới tách café, đứng dậy hấp tập từ giã chủ quán và bước nhanh ra ngõ. Khi ra đến đường Kỳ Đồng, Vân quay vào nhà thờ, đến trước hang đá, hướng mặt lên tượng Đức Mẹ, cầu xin cho nàng can đảm chọn đúng con đường phải đi. Cầu nguyện xong Vân ghé vào nhà khách họ đạo, bấm chuông xin gặp cha xứ.
- Chào bà, hôm nay trở lại chắc còn chuyện gì cần đến tôi ?
- Vâng thưa cha, đúng vậy, xin gặp cha chừng vài ba phút.
- Được, mời bà cứ tự nhiên.
Vân kể chi tiết rành mạch cuộc đời mình từ lúc gặp Thu trước năm 1975, yêu nhau rồi mỗi người đi một phương. Tái ngộ sau trên hai mươi lăm năm thì hoàn cảnh lại khắc nghiệt. Vân xin cha xứ một lời khuyên... Nhưng ngài tế nhị dành cho Vân mở đầu một quyết định, ngài ôn tồn :
- Xin bà vui lòng cho biết ý định của bà như thế nào.
- Thưa cha, con yêu Thu nhưng hoàn cảnh khó khăn, vì chàng đã có gia đình.
Cha xứ thở phào nhẹ nhỏm nắm lấy cơ hội :
- Bà nghĩ rất đúng và hợp với ý tôi. Xin hãy để gia đình Thu hạnh phúc là điều hợp tình hợp lý nhất. Tôi hoan nghinh ý nghĩ đầu tiên của bà. Bây giờ bà còn gì cần bổ túc thêm ?
- Dạ, mục đích nhờ cha một việc.
Cha xứ ngập ngừng :
- Tôi sẵn sàng nếu việc bà nhờ cậy không đi trái với nguyên tắc, pháp luật và đạo lý.
- Dạ, con chỉ xin cha đứng ra bao bọc cho gia đình con cái của Thu.
- Tôi không hiểu.
- Dạ để con nói tiếp, con hoàn toàn không ra mặt và nhờ cha chuyển tiền nuôi và săn sóc việc học hành cho ba đứa con của Thu đến nơi đến chốn. Con sẽ giúp cho gia đình Thu trọn đời, lo cho ba đứa nhỏ có phương tiện ăn học thành tài cũng như giúp cho Thu một ít phương tiện để sống.
- Việc bà đề nghị thật tốt, nhưng làm sao giải thích cho người nhận khi bà không muốn ra mặt ?
- Dễ lắm, con sẽ cho lệnh ngân hàng của con bên Mỹ, chuyển thường xuyên và liên tục hằng tam cá nguyện vào trương mục của nhà dòng một số tiền. Cha thông báo cho họ là qua nhà dòng, một cơ quan từ thiện quốc tế đã chấp thuận cấp học bổng cho ba cháu nhỏ có phương tiện học hành và giúp gia đình Thu thêm chút tiền để sống.
Vừa nghe qua, cha xứ suy nghĩ giây lát :
- Thưa bà, chuyện nầy chưa xảy ra bao giờ, không có gì mờ ám nhưng tôi phải thỉnh ý cha bề trên, không thể tự quyết định một mình. Nếu bà rỗi rảnh xin ngồi chờ tôi vài phút, tôi lên gặp cha bề trên.
Chừng vài phút sau, một linh mục khác đi vào với cha xứ, ngài vào đề :
- Cha xứ đã trình bày với tôi, nhưng xin bà cho biết rõ ràng hơn để xem có thể giúp được bà hay không.
Vân lặp lại những gì đã trình bày với cha xứ, nghe xong cha bề trên đặt câu hỏi :
- Xin lỗi bà cho tôi hỏi câu nầy. Nguồn gốc tiền bà gởi về để cho gia đình ông Thu. Tôi cần biết để trả lời cho nhà chức trách tại đây nếu họ thắc mắc.
- Thưa cha, con là giám đốc một bệnh viện giải phẫu thẩm mỹ ở tại Mỹ. Độc thân và các con đã lớn có gia đình ra riêng. Con dư khả năng để có thể mỗi tháng gởi về cho gia đình ông Thu một ngàn dollars. Số tiền nầy con chịu trách nhiệm trong việc chi tiêu của con, xin cha yên chí.
- Như vậy xin bà nên gởi về hàng thàng để tránh một số tiền lớn qua ngân hàng, sẽ gặp khó khăn với nhà nước. Hoặc mỗi năm bà về du lịch, cầm tiền mặt về thì tiện hơn và cũng là dịp để biết tin tức tại chỗ gia đình ông bà Thu.
- Dạ, thưa cha việc cho tiền con giữ nguyên quyết định suốt đời nhưng về Việt Nam để biết tin tức thì cho phép con tính lại sau.

 
***
 
Vân hoàn toàn giấu Thủy chuyện đã gặp Thu trong quán chú Sáu cũng như việc cam kết với cha xứ họ đạo trong việc giúp đỡ phương tiện để cho ba đứa con Thu đeo đuổi việc học. Trước ngày từ giã lên máy bay, Vân cứ phân vân không biết lựa lời bằng cách nào để ngỏ ý giúp Thủy một cuộc sống ổn định và đầy đủ như nàng đã lo cho ba đứa con của Thu. Giải quyết ẩn danh là một hình thức tốt đẹp đối với Thu, nhưng đối với bạn chắc gì Thủy sẽ nhận sự giúp đỡ từ bạn bè chứ đừng nói đến của một người vô danh. Thủy đã vượt qua những khó khăn sau hàng chục năm dưới chế độ mới nhưng Thủy vẫn là một nhà mô phạm đầy nghị lực, nề nếp và vẫn giữ được bản chất cao quý của nhà giáo ngày trước, chắc chắn Thủy sẽ từ chối thẳng thừng một sự giúp đỡ xem như một ân huệ của bạn bè, dù là thân thuộc.
Trong bữa cơm thân mật trước ngày chia tay, Vân đánh bạo dò dẫm :
- Tình trạng lương bổng đã thiếu trước hụt sau, mai kia về hưu làm sao sống ?
Thủy cười dòn :
- Ôi, hơi sức đâu nghĩ làm gì cho mệt trí, đâu chỉ có riêng mình, hàng chục triệu người miền Nan nầy còn tệ hơn trăm lần hoàn cảnh của mình nữa là đằng khác. Trời sinh voi sinh cỏ, đến đâu xoay sở đến đó.
- Mình hỏi vậy để dò ý, Thủy muốn đầu tư một chút ít gì để có phương tiện sống và yên tâm sau khi bị đuổi về vườn ?
Nghe đến mấy chữ ‘đầu tư’ Thủy lắc đầu cười mỉm :
- Đầu tư tại Việt Nam thì từ bị thương cho tới chết. Chỉ có người quyền thế trong chính phủ, bà con dòng họ, người ăn bám chế độ hay những Việt kiều đem hàng tỷ về mới nói chuyện đầu tư ở cái xứ độc đáo nầy chứ cò con thì trước sau ‘mèo vẫn hoàn mèo‘, hay ‘ôm đầu máu’ rồi nhảy lầu tự tử.
- Không, mình nói đầu tư ở nước ngoài kìa.
- Thủy không hiểu.
- Mình thực tình đề nghị Thủy, mình sẽ nhường lại một ít cổ phần trong bệnh viện giải phẫu thẩm mỹ cho Thủy.
Thủy đắn đo :
- Được Vân nghĩ đến, cám ơn nhiều, nhưng việc trước mình không có khả năng để mua lại một ít cổ phần. Hơn nữa, những người trong công ty tính sao ?
Vân cười :
- Giá tượng trưng do mình định đoạt cho có lệ, thật ra công ty cũng chẳng có ai lạ, mình nắm đa số, một ít cổ phần còn lại cũng nằm người trong gia đình cho đủ nhân số để thành lập công ty. Thủy đừng ngại, cổ phần mua chịu có hiệu lực ngay từ bây giờ, mỗi năm kết toán sổ sách trích ra một ít tiền lời điều chỉnh từ từ. Mà không sao đâu, mình bảo đảm tiền lời một hai tháng là trả hết nợ.
- Nghe sao dễ dàng quá vậy ?
- Yên chí đi, chẳng có gì để thắc mắc, chuyện của mình mà.
Vân vui vẻ chuẩn bị trở lại Mỹ sau khi giải quyết được nhiều vấn đề, quan trọng nhất là việc dứt khoát với Thu và đã tìm được những giải pháp tốt đẹp để giúp đỡ hai gia đình có liên hệ tình cảm với nàng tại Việt Nam.

 
***
 
Sau vài giờ yên giấc trên chuyến bay trở về Los, Vân thức dậy, thấy trong người khỏe hẳn và tinh thần tỉnh táo. Dùng xong ly café nóng, Vân lợi dụng giây phút yên tĩnh để ghi lại những gì đã xãy ra trong thời gian ba tuần qua. Lấy cuốn nhật ký từ xách tay để tự mình tâm sự với chính mình một cách trung thực, Vân bắt đầu :
Boeing 747, trên độ cao 12.000 cây số, ngày...


Thế là xong, những gì mong đợi sau chuyến đi đã được an bài và mình sẽ mình trở về trong cô đơn với những tháng ngày còn lại….


Thu ơi, anh vẫn ngự trị trong lòng em, những hình ảnh thơ mộng của đôi ta, những kỷ niệm yêu đương đã sống lại mãnh liệt sau gần ba mươi năm xa cách, em sẽ giữ mãi cho đến ngày nhắm mắt lìa đời. Trong quán chú Sáu, em phải tự kềm chế lòng mình để khỏi phải nhào đến siết chặt thân xác vào anh, để hôn lên tóc, lên mắt, lên môi, gục đầu lên vai anh và trút hết nước mắt mừng tủi như giây phút cuối chúng ta chia tay năm nào tại Sàigòn.


Còn gì đau khổ cho bằng, sau bao năm trời ước mơ một ngày tái ngộ, vượt hàng chục ngàn cây số tìm một hình bóng nhưng đến lúc gặp, em lại không dám ngước mặt nhìn anh. Ngồi cách nhau một cánh tay, khoảng không gian quá gần phải không anh ? Nhưng em phải ngồi yên bất động. Em thu nhỏ người lại, hai tay ôm lấy ngực, tim đập mạnh, mặt giấu dưới vành nón và nước mắt đang chảy… Em không thể hét to lên, ‘Thu ơi, Vân của anh ngày xưa đây, bằng xương bằng thịt đang ở sát bên anh’. Hoàn cảnh, số mệnh buộc em đã lên nhầm con tàu ngược chiều với anh, khi đến bến thì hai ta đã nghìn trùng xa cách.
Em phải trả lại anh sự yên tĩnh của tâm hồn và hạnh phúc riêng tư vì con đường em chọn buộc phải xa anh vĩnh viễn. Trước khi chia tay, cho phép em thu hết giọng nói ngọt ngào của anh vào tâm khảm, mang theo hơi thở quen thuộc, ôm ấp trong lòng tất cả những gì của anh để làm hành trang cuộc đời. Rồi đây em sẽ giấu hình ảnh và kỷ niệm cũ của anh trong bốn bức tường khép kín. Như vậy anh sẽ vĩnh viễn bên cạnh, em có thể thở than trò chuyện, tưởng nhớ hằng đêm, nhìn ngắm mỗi ngày… Anh là của riêng em trong căn phòng mà cánh cửa đã khép, nghĩa là tình cảm hai chúng mình đã đặt đúng vị trí của nó, mỗi người một khung trời riêng biệt. Cánh cửa đặc biệt nầy chỉ dành riêng cho em, khép chứ không đóng hẳn, đứng bên ngoài em có thể nhìn lén anh qua kẽ hở mà ở trong anh hoàn toàn không hay biết. Thật vậy, tình yêu dành cho anh bây giờ là những kỷ niệm một chiều, em chấp nhận thiệt thòi của một người đàn bà để trả lại anh trọn vẹn cuộc sống bình yên với vợ hiền con ngoan. Rồi đây em còn lại một mình, đơn độc đi tìm nguồn nước trong sa mạc, nhưng hy vọng những kỷ niệm của anh sẽ giúp em can đảm và chịu đựng được những ray rứt tâm hồn cũng như thể xác trong những tháng ngày còn lại. Em chấp nhận thương đau một mình, xem như tự hành hạ để chuộc lấy phần lỗi ngày trước.

Tiếng cô tiếp viên thông báo máy bay sắp hạ cánh nhắc nhở Vân quay về với thực tại, nàng nhắm mắt và ép sát cuốn nhật ký vào tim :
- Thu ơi, em đã nhốt anh trong nầy, anh có hình dung được nhịp tim và hơi thở dồn dập trước đây mà mỗi lần gặp nhau anh thường gục đầu vào ngực em ?

 

Paris, 31 tháng 5 năm 2006


Đinh Lâm Thanh

 

(VT.61)


Viết dành riêng Trường Võ Tánh và Nữ Trung Học, Nha Trang



Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 925

Return to top