Một buổi trưa sau giờ ăn, kho đạn sau lưng nhà phát nổ, nguyên do vì đám cỏ khô nơi vệ binh ngồi gác bốc cháy rồi lan nhanh từ gốc cây mít vào đến ụ đất. Các loại đạn trong kho phát nổ làm rúng động cả vùng Long Khánh. Nguy hiểm nhất là các đạn súng cối 60, 80, súng chống xe tăng M72, lựu đạn và mìn claymor bị sức ép tung lên cao và bay qua các khu vực tù đang ở, rơi xuống rồi mới phát nổ. Tiểu đoàn tù chúng tôi ở gần kho và lãnh nhiều mảnh đạn bay thẳng từ kho, xuyên thủng một số mái tôn, rớt xuống ngay chỗ nằm. Nguy hiểm nhất là những trái lựu đạn và súng cối rơi xuống ngay sân là lúc chúng tôi đa số đang ở ngoài. Vừa nghe tiếng nổ tất cả vội vàng nhảy xuống hố cá nhân và hệ thống giao thông hào đã có sẵn. Hố chỉ chui xuống được một hai người, giao thông hào ai nhảy xuống trước thì nằm dưới, xuống sau nằm chồng trên như lớp cá mòi. Anh em nào nằm trên, không ít thì nhiều cũng bị mảnh đạn hay đá sỏi đâm trúng trên lưng. Kết quả có mấy anh em tù bị chết vì mảnh đạn và hơn mấy chục người bị thương. Vụ nổ kho đạn làm chấn động từ miệt Long Khánh đến các tỉnh Biên Hoà, Gia Định và thủ đô Sàigòn, thân nhân từ các vùng lân cận rầm rộ kéo về dò la tin tức. Cọng sản vội vàng di chuyển toàn bộ tù Long Khánh đi nơi khác. Bốn khối của tiểu đoàn chúng tôi đi KàTum bằng xe vận tải molotova của Liên sô. Trung đội (A) tôi bị chia làm đôi, tôi lên chiếc xe cuối cùng với khoảng hơn một chục người và các dụng cụ nhà bếp gồm khoảng trên một chục chảo gan lớn và nặng, đường kính hơn cả mét, loại chảo dùng để nấu canh nấu cơm thường xử dụng trong ban hỏa thực thời trước. Molotova là loại xe chở quân của Cọng sản, nhỏ hơn GMC của miền Nam, bốn bánh cao lềnh nghềnh dùng để băng rừng, lội nước, không thích hợp với việc chuyên chở trên các tuyến đường bằng phẳng. Xe chở quá nặng, tài xế ngủ gục, xe đảo qua đảo lại trên đường cái nhiều lần. Tôi cầu xin tai nạn đừng xảy ra. Trường hợp tai nạn nếu không bị xe đè thì hơn chục chiếc chảo cũng cắt đôi người ra. Và điều chúng tôi lo ngại đã đến, khi ngang qua ven đô Sàigòn, ngã tư xa lộ Đại Hàn, xe chở chúng tôi mất thăng bằng và đâm đầu xuống hố, quay một vòng rồi nằm ngửa đưa bốn bánh lên trời. Tôi và đồng bạn tù may mắn bị hất văng ra trước khi xe lật. Trước lúc mê man, tôi nhận ra mình còn sống và chừng vài phút sau đó không hay biết gì thêm. Đến lúc tỉnh, thấy tất cả anh em đang nằm ngồi la liệt dưới đất, máu chảy xuống nền ximăng từng vũng kéo dài từ cửa ra vào đến tận nơi chúng tôi. Đầu đau như búa bổ, máu chảy ra từ đầu, mũi và hai tai, tôi đưa tay rờ quanh người, biết mình may mắn vẫn còn nguyên vẹn. Bên cạnh mấy người bạn nằm yên như chết, có người bị chảo gang chặt đứt lỗ tai, có người bị đứt cánh tay nhưng không dám lên tiếng hỏi thăm ai sống ai chết hay bị thương thế nào. Ba vệ binh đang chỉa súng vào chúng tôi sẵn sàng bóp cò nếu có một phản ứng nhỏ nào. Định thần một lúc mới nhận ra đây có thể là nhà thương (sau nầy mới biết là bệnh viện Chợ Rẫy) và thấy một số người lấp ló nhìn chúng tôi từ phía xa. Tên quản giáo nói vọng vào với mấy y tá: - Nhìn cái gì? Đây là những tên cướp cực kỳ nguy hiểm, cách mạng vừa bắt được ngoài chợ, chúng tôi đưa vào tạm vào đây đợi xe đến chở đi. Người bạn nằm cạnh tôi còn tỉnh, giả vờ rên để gây chú ý các y tá đồng thời đưa ba ngón tay lên trên vai mình. Tức thời nghe tiếng người phía trong hối thúc thông báo cho nhau: - Không phải là bọn cướp mà sĩ quan cải tạo! Sau câu xác định của người nào đó, tôi nghe tiếng chân người hấp tấp đi chuyển chung quanh và một người đàn ông mặc áo blouse trắng tiến đến gần tên quản giáo thưa: - Thưa ông, dù họ là những tên cướp, xin ông cho phép chúng tôi băng sơ cầm máu, để vậy mấy người sẽ chết tại đây. Không hiểu tại sao, tên quản giáo suy nghĩ một lúc rồi gật đầu nhưng vẫn ra lệnh nhắc chừng: - Tôi yêu cầu không được trò chuyện hỏi han bất cứ chuyện gì. Bọn chúng là những tên trộm, giết người cướp của rất nguy hiểm. Vừa được lệnh, gần như y tá, bác sĩ khu cấp cứu kéo đến đứng bít kín cả cửa ra vào. Riêng mấy cô y tá và một nam bác sĩ, tôi đoán như vậy, đã vào tận nơi chúng tôi đang nằm. Tôi được hai y tá săn sóc, một người tận tình băng từ đỉnh đầu xuống quá hai lỗ tai, chỉ chừa một con mắt để nhìn, còn người kia cố tình lách qua lách lại che khuất quản giáo và tên vệ binh đang đứng gần tôi, cúi sát hỏi nhỏ : - Anh là sĩ quan cũ? Tôi gật đầu không nói thêm một câu nào. Cô ý tá nói tiếp: - Anh cho biết địa chỉ sáng mai tôi sẽ thông báo người nhà. Cô y tá kéo tôi vào sát người cô, vừa chùi vết máu hai bên cổ, tai và sau ót vừa lắng tai nghe tôi: - Vợ tôi tên …. ở số… đường Ngô Tùng Châu Gia Định, ngay ngã tư Xóm Gà. Tôi nghe cô lặp lại hai ba lần mục đích để mấy người y tá chung quanh cùng nhau ghi nhận. Tên quản giáo ra lệnh cho y tá phải khẩn trương và bước ra ngay sau khi xong việc. Một cô nhét vào túi tôi gói gì đó còn cô kia lấy đôi dép nhật đang mang trên chân mình mang vào chân tôi rồi hai người hấp tấp lui ra. Chừng một giờ sau, tên quản giáo ra lệnh cho tất cả mọi người lui xa chỗ chúng tôi đang nằm và bắt chúng tôi tự động dìu nhau ra sân để lên xe đi tiếp. Sau khi tấm bạt sau được buông xuống, trong xe tối đen như mực. Tôi lần tay vào túi lôi ra gói giấy mò mẫm và nhận ra trong đó một khúc bánh mì, mấy chiếc bánh ngọt và một ít tiền. Thật cảm động, lúc đó cũng khoảng bốn giờ sáng nhưng họ đã cố gắng kiếm được miếng bánh, ít kẹo và tiền để cho chúng tôi. Tôi nói nhỏ cho mấy người bạn bên cạnh hay, các anh cho biết họ cũng nhận được những thứ như vậy. Đến sáng xe dừng lại, tấm bạt được kéo lên, chúng tôi thấy mình đang đứng trước mấy dãy nhà tranh ở sâu trong rừng và vệ binh dẫn chúng tôi vào một căn nhà trống thuộc bộ chỉ huy trung đoàn tù. Mười phút sau những người bạn cùng cảnh ngộ phải chia tay mỗi người đi về một trại khác nhau. Nhóm chúng tôi bốn người được một vệ binh dẫn băng qua rừng, đi bộ một đoạn đường chừng hai cây số đến trước một dãy nhà khác. Sau nầy chúng tôi biết đó là ban chỉ huy tiểu đoàn tù, và bốn chúng tôi bị chia ra cho bốn khối khác nhau. Khi tôi được dẫn về khối thì anh em tù đang lao động trong rừng. Vệ binh đưa tôi về lán (căn nhà bằng tre lợp lá dài khoảng 20 mét dành cho một B chừng 50 tù) nằm gần nhà bếp và bảo ngồi đợi, khối trưởng và B trưởng sắp xếp chỗ ngủ cũng như công việc cho ngày hôm sau. Trong lúc chờ, một ông tù già bệnh hoạn được làm việc nhẹ như nấu ăn, nuôi heo cho khối… đem đến một miếng cơm cháy và ít muối bọt, bảo tôi ăn cho đỡ đói. Trả lời thắc mắc của tôi, ông cho biết tên Rạng, nguyên là thượng sĩ già đã đến tuổi hưu, nhưng cố nán thêm một thời gian ngắn đủ thâm niên để lên chuẩn úy. Quá xui cho ông già, cặp quai chảo vừa gắn lên cổ áo cũng là lúc khăn gói lên đường đi tù chung với mấy anh em sĩ quan trẻ. Cũng may ở đây thấy ông già lụm khụm, ốm như con mắm nên đã ân huệ cho ông công việc nhẹ nhàng: Anh nuôi tù kiêm luôn nuôi lợn của bộ đội. Tiếp đến các anh làm trong tổ mộc tổ rèn đến thăm hỏi đủ thứ chuyện bên ngoài, lúc đó họ mới hay vụ nổ kho đạn ở Long Khánh và tôi biết được tên trại tù của tôi là KàTum nằm sâu trong rừng rậm. Đến chiều đoàn tù lao động trở về, nghe có người bị thương vì lật xe và được chuyển đến đây nhưng không ai dám vồn vã thăm hỏi, khi ngang qua chỉ đưa tay vẫy chào một người bạn bất hạnh mới đến, vì họ thấy lúc đó trên đầu tôi vẫn còn quấn mấy lớp băng trắng dính máu. Một người trong đám tù tách đám đông chạy lại ôm tôi mừng rỡ : - Ông thầy. Trời xui đất khiến mình gặp nhau tại đây, thật vui vẻ. Như vậy từ nay ông thầy có bạn rồi. Tôi ngạc nhiên nhìn anh ta nhưng chưa nhận ra ai, nên hỏi lại: - Anh biết tôi? - Em học với thầy năm 1966, thầy nhớ không? - Ở đâu, lớp mấy? - Đệ nhất A, La-San Bá-Ninh, Thầy cùng dạy chung với hai sư huynh Casimir và Raymond. - Bây giờ thì nhớ ra rồi,Yên phải không ? Mấy ‘mai’mà vô đây ? - Dạ hai, em sẽ đổi với thằng bạn để thầy ăn cơm và làm việc chung một tổ với em. - Thầy bà cái quỷ gì nữa! Đã vào đây cá mè một lứa thì mầy tao cho tiện. - Thôi xin phép gọi bằng anh. Cũng may trong lán có sẵn chiếc giường tre của một anh tù vừa được chuyển đi trại khác. Yên thấy tôi vui vì khỏi bận tâm về chỗ ngủ, anh vừa cười vừa nói: - Nằm dưới thằng Khánh và kế thằng Huân đôi khi điên người lên được. Chưa có chỗ trống anh nằm tạm đây vài bữa, có thằng nào đi thì anh qua chỗ mới. - Gì vậy? - Để tối anh sẽ hay. Vừa đau đầu vừa rêm người vừa mệt nhưng không cách nào chợp mắt vì anh chàng Khánh nằm trên cứ lải nhải: - Chuyến nầy tao về, tao sẽ bỏ. Nhất định tao sẽ bỏ!