Trong đêm cứ nghe anh lặp đi lặp lại cả chục lần. Sáng hôm sau gặp anh đang rửa mặt tại giếng, tôi hỏi anh lý do, anh không trả lời thẳng câu hỏi của tôi mà chỉ lặp bặp trong miệng câu nói cũ. Lần nầy về, tao sẽ bỏ! Một người bạn đứng bên cạnh nói với tôi: - Mới nghe thấy lạ tai chứ tụi tôi chán quá, chán quá… Hắn cứ tưởng bở đòi bỏ người ta, chứ thật ra người ta đã bỏ nó từ khuya hay bị nhà nước quản lý mẹ nó rồi còn gì mà cứ đòi bỏ với không. Tôi rất khó ngủ, nhiều lúc vừa chợp mắt đã bị dựng dậy bằng câu nói nầy. Một lần được chia vào làm việc trong tổ rau với Khánh, tôi tâm sự với anh ta: - Quên đi Khánh, chắc chắn người ta bỏ anh rồi, bận tâm làm gì nữa. Thân tù tội mình đâu ra gì mà đòi bỏ người ta! Khánh nhìn tôi lắc đầu: - Không anh, tôi chuyến nầy về nhất định phải bỏ. Hết can đảm nghe tiếp, tôi hơi xẳng giọng: - Bỏ cái gì? Anh nhìn tôi một hồi rồi thú thật: - Tôi sẽ bỏ, sẽ bỏ vô! - Tôi không hiểu. - Trước đây chỉ để ở ngoài mà thôi, lần nầy về nhất định sẽ bỏ vô không ‘gìn vàng giữ ngọc’ và nương tay với em nữa! À bây giờ tôi là người đầu tiên hiểu câu chuyện của anh, đành khuyên một câu: - Biết còn không để đến phiên anh. Tôi chắc chắn thằng khác đã bỏ vô từ khuya rồi! Kể từ lúc tâm sự với tôi, Khánh không còn lải nhải mỗi đêm chuyện cũ nhưng lại bắt đầu câu khác: - Ngu quá không bỏ vô. Tiếc quá, tiếc quá! Anh em trong lán khám phá ra bí mật của Khánh, họ đồng thanh chê: - Mày ngu như con bò cái! Tôi cãi lại: - Người ta nói ngu như bò đực chứ có ai nói ngu như bò cái đâu. Yên nằm bên cạnh cười lớn: - Té ra anh cũng thật thà, bò đực thì ngu thật nhưng ‘cu’ của nó đâu có ngu, gặp bò cái là nó đứng dậy cỡi liền!!!. Như vậy thằng Khánh còn ngu hơn bò đực có đúng không? Bò đực gặp bó cái là nó biết ‘bỏ vô’ tức khắc, không ‘ong’ ‘đơ’ gì hết ! Kể từ hôm bị chê, Khánh thấy mình còn thua con bò đực và không còn lảm nhảm hằng đêm nữa. Một tối đến giờ ngủ, có người lên tiếng: - Ông thầy đã trị được thằng Khánh bây giờ tính luôn thằng Huân cho anh em nhờ. Vừa dứt câu nói, cả chục người lên tiếng phản đối ngay: - Chuyện thằng Khánh thì được nhưng chuyện ăn phở của thằng Huân thì không nên. Lâu lâu phải để nó kể nghe cho đỡ buồn. Một giọng khác ở cuối lán: - Nghe xong nước miếng tràn đầy họng, ức thấy mẹ! Bây giờ Huân mới lên tiếng: - Đã nghe chùa mà còn lộn xộn, hôm nay tao kể tặng ông thầy mới đến. Thằng nào không nghe thì bịt tai lại. Mấy anh nằm gần tôiđồng thanh: - Ừ kể nhanh lên còn ngủ sớm. Huấn vừa lên tiếng, ‘Phở đây’,và bắt chước gỏ vào thanh giường tre giống như phở xe ngày trước, nhiều người đồng thanh: - Dẹp phở xe đi, ăn phở gà ở Hiền Vương hay phở xe lửa, phở tàu bay ở Lý Thái Tổ xem bộ ngon hơn. - Nghèo mà ham, nhưng muốn thì tao cho ăn. Huân nuốt nước bọt rồi cất giọng: - Đang ở tù tại Kàtum, tao được cách mạng ưu ái cho đi phép một tuần. Thấy tao về, con vợ nó mừng hết lớn nhưng tao chưa làm ăn gì vội, thèm phở quá, bay ra ngay đường Lý Thái Tổ chơi luôn một lèo hai tô trước đã. Có tiếng anh nào đó phía cuối lán: - Dốc tổ mẹ. Ông mà về phép thì ông ‘làm’ vài quả với vợ trước, còn chuyện ra Lý Thái Tổ ăn tô phở thì hạ hồi phân giải. Ồn ào lại nổi lên giữa hai phe, ‘làm’ trước hay ăn trước! Lập luận nhóm nào cũng đúng. Không làm trước thì ức mà không ăn trước thì thèm. ‘Làm’ và ‘ăn’ là hai hành động mà bất cứ anh tù nào ngày đêm đều mơ ước. Không có đối tượng thì ‘làm’ tay, không có gì thì ăn ‘hàm thụ’. Cứ mỗi lần nghe đề cập đến hai vấn đề nầy trông anh nào cũng thẫn thờ mày mặt, nước miếng trào ra rồi những cuộc tranh luận lại nổi lên, ai cũng cho quan niệm của mình đúng. Ở trong tù chỉ có muối và bobo, đã ăn hàm thụ mà anh nào còn thích ‘làm’ tay nữa thì chắc chết sớm. Nếu sống sót trở về, thứ thiệt ở ngay bên cạnh cũng chẳng nên cơm nên cháo gì! Rồi anh nầy tố giác anh kia là vua độc ‘thủ’, đêm nào cũng đi mây về gió nên người chỉ còn bộ xương cách trí, mắt thì lờ đờ như mắt cá dở sống dở chết trên bờ. Yên nằm cách tôi vài giường, bực mình gắt lớn: - Tất cả im đi! muốn ăn phở hay quản giáo xuống nó dũa cho mà nghebây giờ ? Anh trung đội trưởng tù yêu cầu Huân: - Tiếp tục đi mầy, tao đang thèm đây. Huân dẫn anh em ăn phở trong bóng tối, anh lên giọng: - Bồi, cho mấy tô phở đặc biệt. Nhớ lấy thật nhiều thịt ít bánh! tô lớn, nước trong. Tái, gân, nạm, gầu, sụn, ngầu pín, bò vò viên gì bỏ vô hết. Một chén lớn nước béo và một dĩa hành trần. Các loại rau, giá, quế, gò gai cũng đem ra. Thứ nào ông cũng ăn ráo! Sao lâu quá vậy? Trong lúc chờ phở, đem tạm ra ngay tô xí quách gặm chơi cho đỡ buồn. À.. tô xí quách đây rồi. Trời ơi, xương còn dính quá nhiều thịt. Cầm lên ngay, đưa vào miệng cạp một miếng, nước thịt ngọt lịm thấm vào từ đầu lưỡi đến tận chân răng, rồi chạy ngay xuống cuốn họng! Um, ôi chao, tất cả vị, xúc, thính, khứu, thị giác trong người đều tê mê khoái cảm. Nầy, chẳng thèm để ý khách trong tiệm làm gì, cứ cầm cục xương gặm từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài như mấy chú cẩu, thế mà ngon đấy phải không các bạn!. À, còn hơn chú cẩu nữa, đưa đầu cục xương vào miệng, hút mạnh một cái, tủy chạy vào miệng nghe một cái ọc….Ùm, chao ôi, đã ơi là đã! Khánh nằm trên tôi ngắt ngang: - Thôi ngưng lại đi mày, tao hết chịu nổi. Mấy người khác phản đối: - Chưa ăn mà, mới gặm xương khai vị, tiếp tục đi Huấn.