Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Trăng Hoàng Cung

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 17600 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Trăng Hoàng Cung
Phùng Quán

Chương mười hai

Tôi vẫn đinh ninh một cách xuẩn ngốc: tôi sẽ không còn biết ngạc nhiên trước điều gì. Vì những khổ nhục trần gian mà tôi đã nếm trải đủ chất đầy một thế kỷ sống. Nhưng do khi tình cờ tôi biết được sự thật đắng cay về Nàng, tôi như người bị chấn thương sọ não… Tôi không đủ sức để bước ra khỏi nhà. Và tự dìm mình vào một cơn say miên man, bất tận…
Ôi rượu là bậc thiên tài tạo nên những ảo tưởng! Lần này tôi hy vọng rượu cũng sẽ là bậc thiên tài làm tôi nguôi quên… Nhưng rượu đã bất lực trước nỗi phiền muộn sâu thẳm của con tim.
… Ta đã khóc rượu xoàng
Uống hoài vẫn tỉnh…

Chỉ còn một cách nấu chảy và đúc sự thật bằng ngôn từ; như những người thợ nhà in nấu chảy chì thiếc đúc thành các mẫu tự. Sự thật có hình khối, con người sẽ đủ sức chấp nhận nó dù có cay đắng đến đâu. Vết thương trừu tượng là vết thương không cách gì lành được.
Tôi đã ngã nhào trước ngõ nhà em
Ngã chúi mặt…
Miệng môi tôi đày cát!
Nhưng không buồn lau mặt
Tôi muốn đi thẳng vào nhà em
Như bao nhiêu lần khác…
Ngồi xuống và tôi đọc câu thơ
Câu đầu tiên cũng là câu cuối cùng:
Tôi đã bị dối lừa…
Tôi tin em với niềm tin trẻ dại:
Trăng hoàng cung em chỉ tặng riêng anh!
… Em dắt tôi đi
Trên con đường lát những phiến trăng thanh
Ôi những phiến trăng có mùi hoa sứ
Em nói với tôi:
Đây con đường Trung Lộ
Xưa chỉ có vua đi và đêm nay anh đi…
Trong khoảnh khắc ấy
Tôi bỗng thèm tự sát
Để vĩnh viễn
Thành Thơ, thành Đá, thành Trăng…
Trước khi tự giết
Mười đầu ngón tay tôi cắn dập
Viết đỏ sân Đại Triều lời di chúc:
“Tôi là người hạnh phúc nhất thế gian!“
Ôi, còn nỗi thống khổ nào hơn
Tình cờ tôi chợt hiểu
Một tháng có nhiều đêm trăng
Và thời buổi ngày nay
Vào hoàng cung là chuyện quá dễ dàng
Cả con bò con dê cũng đi trên Trung lộ
Những gì em nói với tôi hôm đó
Em đã nói với nhiều người…
Ôi, những câu thơ này nó vượt quá sức tôi
Tôi không thể cất lên được thành lời
Nếu miệng môi tôi không đầy cát!
Nhưng tôi vẫn không vào nhà em
Tôi quay về và…
Tôi khóc
Tôi khóc niềm tin yêu tan nát
Tôi khóc ngai vàng mộng tưởng
Tôi khóc Trăng hoàng cung bị lấm bẩn
Tôi khóc không biết lấy gì để gột sách Trăng…

Tôi không chép thơ này tặng Nàng. Và cũng không đọc cho ai nghe. Tôi muốn chôn vào một nấm huyệt, chỗ tận cùng của con tim, chôn nó như chôn một lỡ lầm không gì cứu vãn nổi. Còn Nàng thì vẫn hy vọng, chờ đợi bài thơ mới tôi viết tặng.
Hôm đó gian phòng Nàng lại chật cứng những bạn khách. Tôi cũng có mặt, ngồi lặng lẽ ở góc phòng quen thuộc. Nàng quay lại nhìn tôi, vẻ sửng sốt:
“Sao nom anh hốc hác xanh xao thế?”
“Tôi bệnh…” - Tôi mỉm cười buồn rầu trả lời Nàng – “chảy máu…”
“Dạ dày?” Giọng Nàng hoảng sợ
“Không, thơ… Bọn tư bản mắc bệnh chảy máu vàng, tôi mắc bệnh chảy máu thơ…”
Giọng tôi khản đặt, run rẩy - Tôi không sao thoát khỏi cơn say bất tận.
Mấy người bạn cười, hối thúc tôi:
“Đề nghị cho chúng tôi nghe bài thơ mới viết tặng người đẹp.”
“Đáng tiếc” - tôi nói giọng líu lưỡi – “giếng thơ tôi đã múc cạn đến gầu cuối cùng…”
Thi hữu họ Ngô nói to át giọng mọi người:
“Tôi biết anh vừa mới viết xong bài thơ tình thứ mười hai, và theo tôi đó là bài thơ tôi ưng nhất trong cả chùm thơ tặng Nàng.”
Tôi tái mặt suýt tỉnh rượu:
“Bạn đọc nó ở đâu vậy?”
“Trong sổ tay của anh, trưa hôm kia… Đến chơi, thấy anh đang ngủ. Tôi ngồi đợi, tình cờ thấy nó trên bàn viết…”
Tôi lại chìm vào cơn say miên man như người không biết bơi chìm vào vực nước sâu nhất của con suối Linh Nham… Tôi nói như trong mê sảng:
Trong nhiều chuyện cổ tích Đông, Tây, có một lép-mô-típ rất giống nhau, Một anh chàng vớ vẩn nào đó, thường là khách giang hồ hay dân du đảng, nếu là nhà thơ thì cùng nòi với Ês-sê-nhin: “Tôi không thành nhà thơ, Thì cũng thành trộm cướp”. Lo quá mãi chơi, anh ta lạc bậy vào động Thiên thai. Chủ động là một nàng tiên, tất nhiên là tuyệt đẹp… Nàng liền đem lòng yêu mến chàng… Ấy cái giống tiên lại hấp dẫn với loại khách giang hồ, dân du đảng… Nàng mời chàng ở lại để cùng… khi chén rượu, khi cuộc cờ… khi xem hoa nở... Rồi một hôm, Nàng phải đi công chuyện, sợ Chàng ở động một mình, buồn… Dù là động tiên đi nữa mà phải sống một mình cũng buồn lắm. Nàng trao cho Chàng một chùm chìa khoá và nói: “Vắng thiếp, chàng có buồn thì mở các gian phòng bấy lâu khóa kín để giải buồn. Trong các phòng ấy có chứa rất nhiều thứ lạ mắt mà thiếp chắc chắn rằng trong kiếp sống trần gian, chàng chưa được nhìn thấy bao giờ. Nhưng chỉ xin chàng, riêng gian phòng cuối cùng phải mở với chìa khóa vàng to nhất, thì đừng mở. Nếu không nghe lời thiếp dặn, chàng sẽ không tránh khỏi tai hoạ”. Kết cục, chàng bao giờ cũng không nghe lời nàng, táy máy mở cho bằng được gian phòng cấm kị… Vì thế chàng nghĩ rằng: những gian phòng kia đã tuyệt diệu như thế, thì gian phòng nàng định cấm ta, chắc còn tuyệt diệu gấp trăm ngàn lần… Và… thế là hết. Điều bất hạnh đã xảy ra: chàng bị hổ vồ, beo xé xác, quỷ sứ địa ngục ném vào vạc dầu… Nhưng khủng khiếp hơn cả là chàng phải trở về cuộc sống nghiệt ngã trần gian.
Vậy lỗi tại ai? Chính Nàng là người có lỗi. Nàng cấm kị nhưng Nàng lại gợi ý xúi giục Chàng phạm tội. Nàng chơi khăm, xô đẩy Chàng vào cái kết cục bi thảm của thiên tình sử hoang đường. Nàng muốn cảnh cáo, trừng phạt không phải chỉ riêng Chàng, mà sự ham hố vô độ của con người.
Sự ham hố vô độ là cội nguồn của vô luân, của tội ác. Nếu Nàng thật bụng muốn tránh cho Chàng tai hoạ, thật dễ dàng, nàng chỉ việc tháo cất cái chìa khóa ấy đi.
Tôi yêu thật lòng… Tôi rút kinh nghiệm hài hước và bi thương trong phần kết của những câu chuyện cổ. Tôi cất giấu tận đáy huyệt tim tôi chiếc chìa khóa của gian phòng cuối cùng…
Nàng là người sắc sảo, thông minh. Nhưng vì lòng ham hố vô độ muôn thuở của con người, đã khiến Nàng không hiểu nổi một điều đơn giản đến như vậy. Nàng vật nài, phụ họa với các thi hữu của tôi, đòi nghe cho bằng được bài thơ trên. Nếu không Nàng sẽ giận… Tôi buồn rầu nói:
“Người ta vẫn tin chuyện cổ tích là trí khôn của nhân loại ngàn đời, được đúc kết và hình tượng hoá… Nó sống dai dẳng với một sức mạnh siêu phàm mà con người dù khôn ngoan đến mấy cũng khó lòng cưỡng lại và chối bỏ… Giờ bất hạnh đời tôi đã điểm!”
Nghe xong bài thơ, Nàng vụt đứng ngay dậy, trút bỏ toàn bộ vẻ dịu dàng kiều diễm, nói với tất cả giận dữ, bằng cái giọng nanh nọc, cay nghiệt mà tôi có lần được nghe…
“Mời anh ra ngay khỏi nhà tôi! Anh đã coi tôi như một con điếm!” - Nàng bĩu môi chuyển sang chế giễu, khinh miệt - Anh tưởng là tôi yêu anh à! Tôi yêu anh từ bao giờ vậy? Gian phòng tôi chật chội, nóng như thiêu sa mạc, ngày này qua ngày khác, anh đến ngồi ám suốt từ sáng đến chiều. Khách bạn tôi đến chơi, thấy anh họ đều muốn bỏ về… Vì lịch sự tôi đành phải giới thiệu: Anh là nhà thơ! Nhiều người ngạc nhiên, hỏi nhỏ tôi: Nhà Thơ! Đẹp như thơ kia mà! Sao mà nom anh ta rách rưới bầm dập đến phát khiếp! Không khéo lại bị mắc lừa đấy! Mời… anh... ra!...”

<< Chương mười một | Chương mười ba >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 200

Return to top