Thuở xưa Tú Uyên gặp Nàng bên dòng nước biếc… Và một ngày, Phạm Thái gặp Trương Quỳnh Như… Chuyện tình của Phùng Quán bắt đầu trong một tiệc rượu.
Thi sĩ đọc thơ cho Nàng nghe; nàng yêu cầu thi sĩ hãy chép tặng nàng những bài thơ chàng vừa đọc. Không. Thi sĩ muốn xưng tụng nàng với những bài thơ mới.
Tất cả các thi sĩ trên thế giới sẽ ước mong được xưng tụng nàng, bằng những chùm thơ mới. Như Phùng Quán viết: “Bút đòi mực, mực đòi giấy, giấy đòi thơ”.
Tôi uống thơ từ đôi mắt em nhìn
Tôi vục môi uống không kịp thở Nàng đã đưa chàng vào thế giới của mưa dầm xứ Huế, rồi lại đưa chàng vào thế giới của nắng cố đô.
Làm gì có chừng mực thơ!
Làm gì có chừng mực mưa!
Làm gì có chừng mực yêu! Và nàng đã đưa thi sĩ vào cõi mộng ảo của Trăng hoàng cung,
Ôi có lẽ nào
Tất cả những đêm nay là có thực!
…
Không!
Tôi không tin
Tất cả là do trăng bày đặt
… Câu chuyện tình nào rồi cũng có hồi kết cuộc. Chúng tôi mời quí vị mở cánh cửa, bước vào tác phẩm, bước vào thế giới của thi sĩ, bước vào trong trái tim chàng để xem hồi kết cuộc. Và nhận ra con người thi sĩ:
Nhưng cuối cùng quê hương đã nhận ra
Trái-tim-thơ trong sạch
Và gương-mặt-thơ-bi-thiết của tôi Mời quí vị bước vào bằng tâm thức tự do. Đây là một tiểu thuyết chăng? Một tiểu thuyết bằng thơ (thơ xuôi, thơ tự do), như Bích câu kỳ ngộ là một chuyện tình viết bằng thơ lục bát? Hay là văn xuôi trang điểm bằng thơ như Sơ kính tân trang?
Chúng ta nên trả tự do cho tác giả, và trả tự do cho chính mình. Đối với một nhà thơ, người vận dụng ngôn ngữ để thành nghệ thuật, thì còn tự do nào lớn hơn là tự do về thể điệu? Xoá đi những biên giới của thể loại, phá bỏ các qui ước văn chương. Mời quí vị bước vào. Thuở đó, có thi sĩ, và nàng thơ của chàng.