Mùa Xuân 68.
Khu tâm thần dành riêng căn phòng nhỏ cho Ngàn Phương, còn các bệnh nhân khác, hai người một phòng. Tiếng súng, tiếng máy bay gầm rú và khung cảnh tấp nập, nhốn nháo ở bệnh viện làm bệnh nhân cũng căng thẳng. Các y tá phải túc trực không dám lơi lỏng họ ra. Riêng Ngàn Phương, có Dũng một bên, còn có thêm cô ý tá chăm sóc thì không xao động lắm. Nhưng cô cũng rất bồn chồn cả nửa tháng, ngày nào cô cũng hỏi :
- Súng đâu nổ nhiều vậy?
- Không phải đâu, pháo Tết đó Ngàn Phương ! Cô y tá trả lời nhỏ nhẹ.
Thỉnh thoảng cô lại reo lên :
- A! Máy bay tải thương lên xuống nhiều chưa ! Chị Châu, để em ra lựa thương, thương binh nhiều lắm đó !
Dũng vỗ về cô gái :
- Không phải đâu, máy bay diễn tập đó. Ngàn Phương đừng ra ngoài nớ làm gì, tụi thương binh chọc chừ. Để Dũng hát Phương nghe nì.
Cô gái nghiêng đầu :
- "Đại bác ru đêm", Phương thích bài nớ. Hát hoài hát huỷ để họ thôi đánh nhau đi.
- Nhưng Ngàn Phương hãy uống viên thuốc này đã.
Cô ngoan ngoãn uống, xong anh hát cô nghe. Anh hát chỉ một bài cô thích, và hát đi hát lại nhiều lần cho đến khi Ngàn Phương ngủ thiếp.
Cô y tá kéo mền đắp kín cho Ngàn Phương, rồi nói với Dũng :
- Có tin gì ở Huế chưa anh Dũng?
Dũng trả lời giọng trĩu nặng lo âu :
- Chưa chị nợ. Ngoài nớ đánh nhau dữ dội. Dân thành nội chạy loạn cả về Đà Nẵng, nhưng làng em không thấy ai.
Cô y tá an ủi :
- Chắc không việc gì đâu, anh cứ yên tâm, đợi yên ổn một tí hãy ra.
Dũng thở dài :
- Quê tôi nghèo lắm, cha mất sớm, mẹ tôi chỉ có hai người con, mà tôi lại không ở bên bà trong lúc ni. Chắc chừ ngoài nớ , dù có bình yên, mạ tôi cũng lo cho tôi lắm. Cầu trời Phật đừng để xảy ra chuyện gì. Ngày nào tôi xa áo lính, tôi sẽ được gần mạ tôi mãi mãi.
Nghe lời tâm sự ngắn ngủi của Dũng. Nhàn, người y tá nổi tiếng của khu tâm thần cũng bùi ngùi. Chị vốn tính tình kín đáo, điềm đạm, hơn tháng nay cùng Dũng chăm sóc Ngàn Phương, nhưng chị chưa hề hỏi anh về đời tư và quan hệ với Ngàn Phương. Thấy trong bệnh án có viết đến anh, chị cũng đã hiểu Dũng nhiều. Nay nghe lời than thở, Nhàn muốn chia xẻ với anh bao nỗi niềm nên ngồi bên nhẹ giọng hỏi :
- Ngàn Phương là người yêu của anh à?
Mắt Dũng xa xôi buồn :
- Không! Chỉ là bạn mà thôi. Nhưng cô ấy tốt lắm, rất thân với tôi. Còn người yêu của cô ấy đang ở xa lắm.
- Người có tấm lòng như anh cao quý quá.
- Tôi mô dám nhận lời khen của chị. Thật ra, mỗi con người chỉ cần một tấm lòng, ai cũng có tấm lòng, thì chiến tranh không tồn tại ở thế gian này.
Cô y tá thấy anh nói với cô mà như nói vào khoảng không trước mặt. Cô nhẹ nhàng đứng lên đi ra, trả lại yên tĩnh cho người trai trẻ.
o O o
Dũng bước vào phòng, thấy không có Ngàn Phương, anh chống nạng bước ra. Tìm quanh không có, anh hốt hoảng gọi to :
- Chị Nhàn ơi ! Ngàn Phương mô?
Nhàn từ phòng chích thuốc ló đầu ra, vẻ mặt ngạc nhiên khi nhìn vào ghế đá :
- Tôi mới thấy cô ấy ngồi đây kia mà.
Cả khu tâm thần đổ xô đi tìm, không thấy tăm dạng. Dũng tìm quanh cũng không có, anh thừ người ra suy nghĩ một chút, rồi ra khu lựa thương. Chưa đến nơi, anh đã nhìn thấy khu lựa thương đông đặc người. Điều anh hết hồn là nghe tiếng la hét của Ngàn Phương. Chống nạng rất khó khăn, nhưng anh vẫn chạy ngay đến. Tiếng Ngàn Phương gào khóc :
- Anh Ngàn ! Anh Ngàn ! Đừng chết ! Đừng chết ! Anh mở mắt ra ! Mở ra !Em đây ! Ngàn Phương đây !
Dũng xô vẹt đám đông. Anh loạng choạng suýt ngã, nhưng gượng được. Anh thấy Ngàn Phương đang rũ rượi tóc tai , gục đầu vào ngực một thương binh đang nằm bất động trên chiếc băng ca , thân thể tả tơi đầy máu. Riêng cô lại ngẩng lên, tay lay lay mặt người thương binh , miệng không ngớt than khóc réo gọi . Bác sĩ Tâm đang có mặt ở đó, đôi mày ông nhăn tít lại, tỏ ra suy nghĩ rất lung. Thấy Dũng, ông đưa tay lên miệng suỵt, rồi ngoắc anh tới gần thì thầm, tay chỉ vào người thương binh đang mê man :
- Anh ta giống Ngàn quá sức.
Dũng chợt hiểu! Anh thoáng lạnh người chưa kịp nói, bác sĩ Tâm đã rót tiếp vào tai :
- Diễn biến đầu tiên khi Ngàn Phương mắc bệnh là ngay từ lúc ở chỗ lựa thương, tưởng anh chết, cô ấy ôm lấy băng ca, nhưng lại kêu Ngàn, rồi bất tỉnh. Có lẽ hình ảnh anh ấy đã in đậm vào tiềm thức cô ta bao năm, để phát sinh sự rối loạn tâm thần. Tôi muốn thử xem sao.
Nói xong, ông cúi xuống nói với Ngàn Phương rõ ràng từng chữ :
- Anh Ngàn cô chưa chết. Cô đứng lên đi, tôi sẽ giúp cô cứu sống Ngàn !
Ngàn Phương ngẩng lên, mặt ràn rụa nước mắt, miệng nói mà tay vẫn níu chặt băng ca :
- Bác sĩ nói thật không? Anh Ngàn chết rồi mà.
- Chưa chết! Có thấy anh ta còn thở đó không? Tôi bảo đảm với cô, sau khi mổ, tôi sẽ trả anh Ngàn về cho cô nguyên vẹn.
Ông nháy mắt với Dũng. Anh cúi xuống nâng cô gái dậy. Cô có vẻ chịu nghe lời nên để cô y tá dìu đi. Chiếc băng ca được đưa vào phòng mổ ngay sau đó. Bên ngoài, Ngàn Phương không chịu đi nữa , mà cứ đứng nhìn sững vào nơi khuất bóng chiếc băng ca của người thương binh.
oOo
Dí mạnh tàn thuốc vào gạt tàn, bác sĩ Tâm nói với y tá Nhàn và Dũng :
- Từ sáng đến giờ, tôi đã nói cho anh thương binh ấy hiểu điều cần phải làm. Tôi không hy vọng nhiều lắm nhưng cứ thử xem sao, mong cho Ngàn Phương gặp may mắn.
Dũng cắn môi rồi chậm rãi nói :
- Thưa bác sĩ, tôi nghĩ có hy vọng. Ba hôm nay Ngàn Phương có vẻ tỉnh táo. Những lúc bên anh ta , cô ấy hầu như bình thường.
- Vậy hay lắm! Tôi qua bên đó trước, bên này sửa soạn.
Bác sĩ Tâm đi ra, Dũng vào phòng. Anh thấy bà Thuận đang chải tóc cho Ngàn Phương, ánh mắt nhìn anh trĩu nặng lo âu. Dũng trấn an người mẹ :
- Bác đừng lo lắng quá ! Nếu không thành công, bác sĩ Tâm sẽ tìm phương cách khác.
Ngàn Phương níu tay Dũng :
- Đi ! Đi thăm anh Ngàn !
- Anh Ngàn là ai rứa Phương? - Dũng hỏi, thăm dò.
- Anh của Phương đó ! Thương Phương lắm, nhưng...
Cô gái ngập ngừng như cố nhớ thêm điều gì. Cô chợt xịu mặt xuống, nước mắt rưng rưng :
- Anh Ngàn không thương Phương nữa. Ảnh có chị Thương Thương rồi.
Bà Thuận và Dũng cùng nghe đau xót ngập lòng. Dũng cố gượng cười nói với cô :
- Anh Ngàn thương Ngàn Phương lắm. Đừng nói rứa, anh ấy buồn. Chừ Phương đừng khóc, phải bình tĩnh. Dũng sẽ đưa qua thăm anh Ngàn. Qua nớ đừng nói chi nhiều, vì anh Ngàn còn mệt lắm, hiểu chưa?
Cô gái nét mặt hân hoan, ánh mắt thoáng tinh anh trở lại :
- Phương hứa, không làm anh Ngàn buồn đâu.
Bà Thuận, Dũng cùng Ngàn Phương đi về khu nhà vĩnh biệt. Nơi ấy, mọi cái đã sắp đặt sẵn sàng. Khi Ngàn Phương bước vào, một dãy hòm màu đỏ đập vào mắt cô, khiến tâm trí cô kích động mạnh. Gương mặt cô thoắt tái đỏ. Hình ảnh ngày nào, hiện về trước mắt. Anh Ngàn, Dũng cũng y vậy, nằm bất động trên băng ca, ra trắng phủ kín người, bên cạnh dãy hòm đỏ, chạy dài theo bờ tường. Đầu Ngàn Phương bỗng đau dữ dội , cô run rẩy lập lại động tác ngày nào là kéo tấm ra che mặt xuống, thấy "anh Ngàn" hai mắt nhắm nghiền, cô gái bỗng hét lên :
- Anh Ngàn chết rồi ! Chết thật rồi !
Anh đột nhiên mở bừng hai mắt, nhìn cô nói rõ từng lời :
- Anh không chết, anh sống mãi bên em! Ngàn Phương, mặc kệ tất cả! Từ nay anh sẽ không xa rời em !
Anh đưa tay ra, yếu đuối với nắm bàn tay cô. Gương mặt Ngàn Phương biến dạng lạ kỳ , mồ hôi cô ướt đẫm trán. Đầu cô quay cuồng, bao hình ảnh dồn dập theo nhau về, cô ngã quỵ rồi hét lên :
- Anh không chết! Anh về với em! Dũng cũng về với em! Ngàn ơi!
Cô lảo đảo rồi ngã xuống bất tỉnh. Mọi người lao nhanh tới đỡ lên.
Bên này, người thương binh có gương mặt giống tạc Ngàn cũng kiệt sức. Anh nói không ra tiếng , chỉ mấp máy đôi môi.
- Tôi kiệt quá ! Bác sĩ !
Bác sĩ Tâm với nét hài lòng lộ rõ trên mặt. Ông cúi xuống, thân ái vỗ vỗ vào tay người thương binh :
- Yên chí! Anh bạn sẽ khỏi ngay thôi ! Cô Nhàn, cho thương binh về Ngoại 2. Trước khi chuyển bệnh, chích Nikethamine. Dũng ! Anh dang ra, cần chuyển cô Phương về phòng, đợi hồi tỉnh.
Hai nam y tá bồng Ngàn Phương bỏ lên xe đẩy về nơi cô nằm. Bà Thuận cùng mọi người theo về. Người mẹ bước theo ông bác sĩ, hỏi giọng lo âu :
- Thưa bác sĩ, con tôi...
- Bà cứ hy vọng, dù cô ấy không tỉnh trí lại bây giờ, thì cũng tỉnh lại ngày sau. Tôi đoan chắc với bà như vậy.
Bác sĩ Tâm nói với vẻ chắc chắn, nhưng thật ra tâm trí ông căng thẳng hơn lúc nào.
oOo
Ngàn Phương không hoàn tỉnh lại. Với mọi người trong gia đình cô và Dũng, đó là niềm đau đớn tuyệt vong. Nhưng với đôi mắt của một bác sĩ tâm thần như bác sĩ Tâm, ông thấy chuyển biến thần kinh của cô đã kíha hơn lúc trước rất nhiều.
Suốt một tuần sau đó, cô gái ngủ ngon giấc hơn, ánh mắt đã có tinh thần. Cô nhớ lại nhiều việc nhỏ nhặt, đôi lúc đột nhiên hỏi :
- Đây là đâu? Bác sĩ Trình sao không khám bệnh?
Những lúc đó, ông thường trả lời vui vẻ :
- Bác sĩ Trình nghỉ phép, tôi đang thế cho ông ấy ít hôm.
Cô gái đã biết nhìn ông bằng cái nhìn nửa tin, nửa ngờ. Nhưng cô chưa hoàn toàn nhớ biết để đặt câu hỏi khác. Thường là cô ngoẹo đầu suy nghĩ rồi kết luận :
- Bác sĩ Trình tốt lắm. Gọi ông ấy về nghe.
Dĩ nhiên mọi người đều đồng ý với cô. Và cô cũng đồng ý một chuyện quan trọng khác để quên phứt chuyện bác sĩ Trình. Đó là chiều nào, cô cũng được đi thăm anh Ngàn của cô, được cùng anh Ngàn trò chuyện đôi câu, dù rằng anh Ngàn vẫn như ngày trước, thường tỏ vẻ lạnh lùng như muốn đuổi cô đi.
Trong lúc ấy, chiến sự tại Đà Nẵng đã tạm lắng dịu. Qua đài Dũng biết được ở Huế vẫn còn giao tranh khắp nơi, dù đã qua 20 ngày đêm.
Anh rất lo lắng cho mẹ, nhưng đành chịu, vì biết mình không thể về.
Điều an ủi với anh, là quê anh ở Phú Cam, nơi ấy có nhà thờ lớn. Tin cho biết giáo dân và đồng bào về ở nhà thờ đều được an toàn.
Lại nữa, mỗi ngày mỗi khá. Anh khấp khởi trong lòng khi nghe bác sĩ Tâm bảo rằng, theo đà tiến triển, cô sẽ bình phục trong tháng tới. Dũng và gia đình Ngàn Phương rất mừng.
Chiều ấy, từ trại bệnh, Dũng đưa Ngàn Phương đi thăm Phúc (người lính có gương mặt giống Ngàn). Đó là buổi chiều suốt cuộc đời Dũng sẽ nhớ mãi không quên. Khi đi qua dãy hành lang khu Ngoại thương I , anh thấy một người đàn bà đi với một cô gái và một lính bị thương, tay treo ngang ngực. Khi ngang tầm đối diện nhau, không hẹn mà cả họ cùng Ngàn Phương dừng bước. Dũng ngạc nhiên, anh tưởng Ngàn Phương trở chứng, định vỗ về, dỗ dành cô, thì anh hoảng hồn khi thấy mặt cô tái xạm đi, đôi mắt mở lớn cơ hồ rách cả khoé mắt. Cô gái run rẩy như cây non gặp bão lớn. Còn bên kia người đàn bà và gã sĩ quan cũng tỏ một thái độ ngạc nhiên. Dũng lay nhẹ Ngàn Phương, ôn tồn hỏi :
- Ngàn Phương! Răng rứa? Đi qua thăm anh Ngàn nhé !Nhưng cô gái gạt phắt bàn tay Dũng, mắt vẫn trợn tròn nhìn người đàn bà, miệng lắp bắp :
- Bà! Bà là...
Cô đưa tay ôm đầu như muốn xoá đi nỗi đớn đau, và bắt ký ức trở về. Nhưng người đàn bà đã không cho cô có thời gian nghĩ ngợi , cười khẩy , cất giọng mỉa mai :
- Sao? Kiếm được người khác rồi à? Cô Ngàn Phương !
Không hẹn mà Dũng và Ngàn Phương hỏi cùng một lượt :
- Bà là ai?
Gã sĩ quan nhếch mép cười :
- Cô Ngàn Phương! Cần gì làm mặt lạ như vậy. Dù có gặp cô ở đây, tôi cũng không viết thư báo tin cho anh Hoàng biết là cô đang thăm người yêu ở đây đâu mà cô sợ.
Mụ đàn bà không để cho gã con trai nói hết câu, mụ đế thêm vào :
- Chỉ xin cô đừng mơ tưởng chuyện về làm dâu nhà tôi. Với tôi, không xong đâu!
Dũng nghe câu chuyện, hiểu ngay người đàn bà là ai. Nhưng anh không kịp nói gì hơn vì Ngàn Phương bây giờ thật là khủng khiếp ! Cô ôm đầu, nước mắt ràn rụa, miệng gào lớn :
- Không! Không! Tôi không muốn gặp bà. Tôi không muốn...
Dũng buông chiếc nạng rơi xuống nền. Hai tay anh ôm chầm lấy Ngàn Phương rối rít gọi :
- Ngàn Phương! Ngàn Phương! Bình tĩnh lại !
Anh đưa mắt nhìn chung quanh. Nhân viên, y tá , thương binh, cả người thăm nuôi bệnh đã bu đông lại khi thấy chuyện lạ. Dũng nói với một y tá :
- Gọi dùm tôi bác sĩ Tâm khu tâm thần, nhanh lên !
Người y tá biết Dũng và Ngàn Phương, anh ta nói :
- Chúng ta đưa cô ấy về trại tốt hơn.
Nhưng Ngàn Phương vùng vẫy rất mạnh ra khỏi tay Dũng. Cô nhào tới bên mụ đàn bà và gã sĩ quan, hét lớn :
- Các người cút đi ! Tôi không quên lời hứa đâu ! Tôi sẽ không lấy con bà đâu ! Ai cho phép các người đến gặp tôi? Hoàng! Hoàng là cái gì mà tôi phải chìu luỵ bà? Hắn chẳng là gì cả. Tại sao? Tại sao các người không để tôi yên?
Cô gái chờn vờn đôi tay trước mặt mụ đàn bà. Mụ nhớ cái tát nhục nhã ngày nào, vội thối lui dần. Gã sĩ quan có vẻ sôi giận. Hắn chắn ngang trước mặt mẹ hắn, vung cánh tay còn lại đẩy mạnh Ngàn Phương té nhào. Lời nói hắn xoáy mạnh vào tai Ngàn Phương như sét nổ giữa trời quang :
- Con điên kia! Mày muốn gì hả? Muốn chết à? Cái mạng điếm thúi của mày cũng rẻ như bèo không hơn.
Đám đông thấy diễn biến như vậy thì nháo nhác. Còn Dũng, anh sôi gan khi thấy gã sĩ quan xô Ngàn Phương té nhào. Anh khó khăn cúi xuống đỡ cô đứng dậy. Tia mắt anh chạm vào ánh mắt cô. Đôi mắt người con gái loé lên ánh sáng kỳ lạ. Chẳng hiểu cảm giác nào làm Dũng run lên, anh đứng bất động như chờ đợi điều gì lớn lao sắp đến.
Có bàn tay ai đặt lên vai anh, Dũng nghiêng mặt nhìn : bác sĩ Tâm đang đứng sau anh đưa mắt và tay ra dấu im lặng. Hai hàng chân mày bác sĩ Tâm nhíu lại , chứng tỏ ông đang căng thẳng, và lo lắng. Nhưng ông đã quyết định. Chung quanh đám đông càng lúc càng la ó. Vòng tròn khép lại dần, có tiếng người lính nào đó hét lên thô lỗ :
- Đ. M. ! Dần thằng sĩ quan đó nhừ xương đi ! Đồ hèn, đánh một cô gái điên loạn .
Hai tiếng "điên loạn" đập vào trí não Ngàn Phương như một ngọn lửa nhỏ soi sáng tận cùng tâm linh cô gái. Cô rùng mình, lờ mờ nhớ lại , nhớ lại. Cô gái vụt bước lên, dáng lảo đảo. Mụ già, cô gái, gã sĩ quan không những sợ Ngàn Phương mà còn sợ cả những gã thương binh với đủ sắc áo lính đang la hét ầm lên. Khoảng cách thu hẹp lại, Ngàn Phương cũng dừng lại, dù tia mắt cô cứ nhìn chăm chăm vào mụ đàn bà. Cô nhớ lại một điều gì đó đau đớn hơn, xót xa hơn, nhưng đầu cô đau buốt. Cô đưa tay ôm hai bên thái dương la lên :
- Trời ơi ! Trời ơi ! Đi đi ! Tôi không muốn thấy bà nữa ! Bà ác lắm ! Ác lắm !
Cô gái ngã chúi người vào tay Dũng, gương mặt xám xanh ràn rụa nước mắt, nhăn nhó khủng khiếp theo từng cơn đau nhức ở đầu. Cơn đau này có vẻ dữ dội hơn lần đau trước, khi gặp người bệnh nhân giống Ngàn. Một chiếc xe lăn rẽ đám đông đến. Nhàn, chị y tá săn sóc cho Ngàn Phương cùng Dũng dìu cô ngồi vào xe. Bác sĩ Tâm bấy giờ mới bước ra :
- Cô Nhàn ! Cho an thần nhẹ và túc trực bên cô ấy.
- Dạ !
Nhàn nhẹ nhàng đẩy chiếc xe đi. Dũng đi theo. Bác sĩ Tâm quay sang thấy vòng tròn khép lại , nên lo ngại bước đến mụ đàn bà lên tiếng :
- Thưa bà ! Thưa cô ! Ông thiếu uý ! Tôi vui lòng đưa các vị ra cổng, dù sao cũng nhờ sự có mặt của các vị mà cô gái ấy có thể tỉnh táo lại.
oOo
Qua một giấc ngủ dài, Ngàn Phương tỉnh lại. Trời đã chiều, bên cô là người y tá trực đang đọc sách. Ngàn Phương nhỏm lên. Nghe tiếng động, cô y tá quay lại :
- Ngàn Phương ! Em dậy rồi à?
Cô gái ngơ ngác nhìn cô y tá lạ, rồi nhìn quanh căn phòng, cô nhíu mày hỏi :
- Đây là đâu? Chị là ai vậy?
Nhàn dù đã được biết điều có thể xảy ra nhưng chị vẫn bất ngờ trước trước sự tỉnh táo của Ngàn Phương. Tuy nhiên, chị vẫn điềm tỉnh nói :
- Đây là tổng y viện. Em đau mấy tháng nay, chị là người chăm sóc... ngó bộ hôm nay em đã đỡ nhiều.
Ngàn Phương ngạc nhiên :
- Em đau à? Em đau gì mà phải đến tổng y viện? Bà ấy đâu rồi?
Nhàn chưa kịp trả lời, bác sĩ Tâm đã bước vào, ông tươi cười nói :
- Bà ấy đi rồi ! Cô đừng lo, Ngàn Phương ! Giờ hỏi thử nhé, cô biết tôi không?
Cô gái thoáng suy nghĩ :
- Hình như ông là bác sĩ... Tâm. Còn chị, em nhớ rồi, chị tên Nhàn. Lâu nay bác sĩ với chị Nhàn lúc nào cũng ở bên tôi.
Bác sĩ Tâm cười thật thoải mái. Ông đến ngồi bên giường, vui vẻ nói :
- Hay lắm, Ngàn Phương ! Cô thật giỏi, lâu nay cô bệnh, khi khỏi vẫn nhớ đến tôi.
Cô gái thắc mắc trong câu hỏi :
- Tôi đau gì đến nỗi phải về đây, bác sĩ?
- Cô đau không nặng, nhưng bác sĩ Trình đành gửi về đây theo yêu cầu của mẹ cô.
Ngàn Phương nhìn quanh.
- Mẹ tôi ! Mẹ tôi đâu?
- Mẹ đây, Ngàn Phương! Bà Thuận vừa nói vừa bước vào, oà khóc nức nở. Thấy mẹ , cô gái nhào tới ôm chầm lấy.
- Mẹ ! Mẹ !
- Tạ ơn Trời Phật, con đã nhận ra mẹ rồi !
Ngàn Phương quệt nước mắt trên má mẹ rồi nói :
- Mẹ đừng khóc ! Con đau gì để mẹ lo đến vậy?
Bác sĩ Tâm ra hiệu cho bà Thuận, rồi rước lời :
- Cô Phương có thích gọi điện ra Nguyễn Tri Phương cho bác sĩ Trình không?
- Dạ khỏi bác sĩ. Tôi phải về ngoài ấy ngày mai.
Bà Thuận lo lắng :
- Không được đâu con. Con cần nghỉ vài tháng cho khoẻ lại.
- Phải đó Ngàn Phương. Giờ cô nằm nghỉ, sáng mai mình sẽ bàn chuyện nhé.
Bác sĩ Tâm đưa mắt, Nhàn chích ngay vào tay Phương mũi thuốc rồi đếm khẽ từ một đến mười, cô gái đã ngủ.
Nhàn kéo mền đắp cho cô gái, rồi tất cả đi ra ngoài. Bà Thuận quỳ sụp dưới chân bác sĩ Tâm. Ông hốt hoảng đưa tay đỡ dậy :
- Bà làm gì vậy?
- Cảm ơn bác sĩ cứu mạng con tôi.
Ông khoát tay :
- Đừng quan trọng quá như vậy. Đó là bổn phận của tôi. Sáng mai cô ấy tỉnh dậy, mình từ từ nói cho cô ấy hiểu, đừng làm cô ấy xúc động quá.
Ông đi về hướng phòng mỗ. Bà Thuận đến ngồi bên ghế đá. Thấy Dũng chống nạng bước tới, bà mừng rỡ hỏi :
- Sao con không vào gặp Ngàn Phương?
- Bác sĩ Tâm dặn con đợi đến mai ! Con phải cắt bột ở chân và cần tránh cho cô ấy sự xúc đông.
Bà Thuận trìu mến nhìn người con trai trước mặt :
- Cậu thật hết lòng với con tôi ! Giờ nó đã lành bệnh, mong sao ngày sau được nghĩa trả ơn đền. À ! Gia đình ngoài đó đã có tin chưa?
- Dạ, có rồi, tất cả đều bình yên ! Đợi Ngàn Phương khoẻ, con sẽ về Huế.
- Mừng cho cậu. Giờ tôi phải về báo tin cho gia đình mừng. Cậu trông chừng nó dùm tôi nhé.
oOo
Ngàn Phương bình phục nhanh hơn cả khi ngã bệnh. Cũng vào lúc chiến sự khắp nơi đi vào yên tĩnh. Thành phố trở lại mọi sinh hoạt bình thường. Chỉ trừ những chiếc GMC chở đầy lính toả ra khắp ngả. Xe hồng thập tự chuyển thương binh từ mọi nơi ùn ùn kéo về. Trên trời Đà Nẵng, dầy đặc những máy bay chiến đấu bay lên đáp xuống. Cô gục đầu trên vai mẹ , buồn rũ và câm nín , không nói gì. Chung quanh toàn gia đình đủ mặt , bà Thuận nắm tay con :
- Ngàn Phương ! Con đừng nghĩ ngợi nữa, coi chừng đau lại.
- Con không sao ! Mẹ ơi! Con đau bao lâu rồi?
- Gần bốn tháng! Cô Châu có về đây thăm con mấy lần.
- Chị ấy có nói gì về việc người bạn con mất tích không mẹ?
Bà Thuận hỏi lại, vẻ đắn đo :
- Có phải bạn con tên Dũng không?
Ngàn Phương tỏ ý ngạc nhiên :
- Mẹ biết tên Dũng nữa à? Có phải chị Châu méc không?
- Không ! Mà nó cũng không mất tích. Nó đã bình yên trở về.
Ngàn Phương mừng rỡ :
- Mẹ! Thật không? Mẹ đừng gạt con.
Bà Thuận vuốt tóc con gái :
- Con muốn gặp nó không? Nó ở đây cả tháng để chăm sóc con đó.
Cô gái tròn mắt, miệng lắp bắp :
- Dũng ở đây chăm sóc con cả tháng? Phải rồi, con nhớ hình Dũng hay hát cho con nghe. Dũng đâu hở mẹ? Sao không cho con gặp?
- Dũng đây Ngàn Phương.
Anh bước ra theo câu nói, chân đã cắt bột nhưng đi vẫn tập tễnh.
Ngàn Phương buông mẹ nhào tới :
- Dũng ! Cô ôm cứng anh, nước mắt mừng rỡ tuôn dòng.
Dũng nghe vạn hoa đang nở trong lòng. Cô gái đã vì anh tuôn nước mắt, còn gì quý hơn? Anh ôm cô trong tay, miệng vỗ về :
- Ngàn Phương! Đừng khóc, Dũng về rồi mà !
Cô gái vẫn nức nở :
- Phương mừng quá , Dũng ơi ! Phương đau làm khổ bao người. Dũng về từ bao giờ?
- Lâu rồi, nhưng Dũng nằm ở bệnh xá tiểu khu Quảng Trị. Khi về biết Phương đau, Dũng vô đây liền .
Quệt nước mắt, Ngàn Phương ngồi xuống, xung quanh cô có bao người thân yêu. Có cả Dũng, người bạn tri âm cô thương mến nhất đời. Cô lại cười trong nước mắt. Bà Thuận an ủi con :
- Con đau rủi hoá may. Năm nay mấy ông GP tổng tiến công vào Thừa Thiên, đánh nhau từ giao thừa tới giờ, nghe đâu vẫn chưa yên. Ở đây ít hơn, mà cũng chết với bị thương quá chừng. Cái anh lính giống thằng Ngàn cũng bị thương đâu ở đèo Hải Vân, chở về, con mới gặp được đó.
Ngàn Phương chợt nhớ ra :
- Có phải nhờ anh ta con tỉnh lại không hở mẹ?
- Một phần là vậy. Nhờ nó, con tỉnh táo lần đến hôm qua con gặp..
Thấy mẹ ngập ngừng rồi làm thinh, Ngàn Phương cười buồn :
- Mẹ đừng ngại ! Con gặp mẹ và em của Hoàng phải không? Con nhớ mình đã làm gì và đau khổ thế nào rồi, mẹ ạ. Nhưng nay đã qua rồi. Con đau vì bà ta, con lành cũng một phần nhờ bà ta , coi như từ nay hết nợ nần.
Cô đặt tay mình lên tay Dũng, hỏi anh :
- Dũng có biết anh lính ấy ở đâu không? Đưa Ngàn Phương đi thăm.
Thảo nãy giờ yên lặng nghe mẹ và chị nói chuyện giờ mới lên tiếng :
- Ảnh giống anh Ngàn chi lạ, chị Phương ơi !
Mấy đứa nhỏ cũng nhao nhao nói theo, bà Thuận khoát tay :
- Thôi về, để chị Phương bây nghỉ. Dũng ở lại đưa nó đi thăm anh lính ấy dùm.
Ngàn Phương nói với mẹ :
- Mẹ đưa các em về, nói với dì Thêm con sẽ về thăm, khỏi lên đây làm gì.
oOo
Khi Ngàn Phương đối diện với người thương binh, tim cô như bị ai bóp chặt. Trời ạ ! Anh ấy rất giống Ngàn, , chỉ trừ mái tóc. Thấy Ngàn Phương nhìn anh ta mặt tái dần , Dũng bối rối lẫn lo sợ, anh nói với cô :
- Ngàn Phương ! Bình tĩnh lại ! Anh ấy tên Phúc, Phương nói chuyện gì đi.
Cái xiết tay của Dũng để Ngàn Phương trấn tĩnh lại tinh thần. Cô hỏi người lính :
- Anh tên Phúc à?
- Dạ - Anh ta trả lời, vẻ mệt mỏi, xanh xao lộ rõ.
- Anh đừng dạ làm gì. Tôi còn nhỏ tuổi, nhờ anh một phần tôi đã bình phục. Công ơn này tôi không biết đền trả cách nào.
Phúc cười gượng :
- Có đáng gì mà cô phải bận tâm. Cô khỏi bệnh, tôi cũng mừng lắm.
Anh ta cố nén cái nhăn mặt đau đớn, nhưng Ngàn Phương thấy ngay :
- Anh mới hậu phẫu, chắc đau lắm phải không? Anh bị thương ở đâu?
- Bụng, nó cứ đau âm ỉ, lúc đầu thì ít hơn.
Ngàn Phương an ủi :
- Anh ráng chịu đựng, đôi tuần nữa sẽ lành. Tôi sẽ chăm sóc cho anh đến khi nào lành.
- Tôi thật không dám phiền cô !
Dũng kéo nhẹ tay Ngàn Phương :
- Phương còn mệt lắm, phải tỉnh dưỡng, chưa làm gì được.
Cô gái dịu dàng với anh :
- Ngàn Phương không sao cả ! Dường như vừa qua một giấc ngủ dài. Dũng hãy yên tâm. Coi tình hình yên tĩnh, Dũng trở ra Huế thăm nhà đi .
- Còn Phương?
- Ngàn Phương ở lại ít lâu, để có thời gian chăm sóc gia đình và anh Phúc. Chắc bác sĩ Tâm cũng vui lòng.
Dũng làm thinh. Ánh mắt Ngàn Phương dành cho Phúc, khiến Dũng lo âu. Ánh mắt tràn đầy yêu thương âu yếm. Ánh mắt ấy cô chưa dành cho anh bao giờ.