Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Những người bóng dài

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 7544 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Những người bóng dài
Hans Ruesch

CHƯƠNG X

     Côhactốc, nhà truyền giáo da trắng, có một quả chuông. Mỗi ngày chủ nhật theo kinh thánh ông ta lại rung cho chuông kêu rất to.
Khi băng và đêm tối tràn vào khu vịnh này thì ông là người duy nhất ở lại trên đất liền. Lúc này đất liền đã trở nên lạnh giá và phải có thật nhiều dầu mới sưởi ấm được ngôi nhà bằng đá. Do vậy, cả làng đã chuyển ra sống trên lớp băng biển. Vô số những ngôi nhà nấm bằng băng mọc lên gần bờ biển nơi có ngôi nhà gỗ của người da trắng.
Khi các bạn nhà thám hiểm đi rồi, Côhactốc đóng lên cửa tấm bảng đề dòng chữ "Nhà truyền giáo", mặc dù ông ta là người duy nhất biết đọc. Ngoài các đồ dự phòng quá nặng không thể mang đi theo được, các bạn da trắng còn để lại cho ông một số dụng cụ, sách vở ghi chép, nhận xét suy nghĩ của họ. Các nhà thám hiểm sẽ không trở lại làng này nữa mà về thẳng đất nước đầy ánh nắng của họ khi họ đã vượt qua đỉnh Bắc băng dương. Ở đây họ sẽ gặp một số người da trắng và con tàu nhả khói sẽ đưa họ về nhà. Còn những người Eskimo dẫn đường lúc đó sẽ quay về đường cũ.
Côhactốc còn nhiều đồ dự trữ để làm phương tiện gieo hạt giống mới giữa những kẻ mọi rợ. Khi sống chung với những người thám hiểm trong ngôi nhà gỗ, Côhactốc kìm lòng ham muốn truyền đạo của mình. Ông chỉ làm lễ vào ngày chủ nhật và tụ họp quanh mình một ít người. Nhưng từ khi những người da trắng ra đi, ông để hết tâm trí vào những hoạt động lâu dài hơn. Trong những buổi họp mặt hàng ngày, ông triệu tập cả làng để nghe đọc một đoạn văn dễ hiểu trong cuốn Kinh thánh do đoàn thừa sai cung cấp cho ông. Sau đó ông hướng dẫn mọi người xem những bức tranh màu minh hoạ cho đoạn văn.
Để biến những người Eskimo thành người Thiên Chúa giáo thì trước hết phải thuyết phục sao cho họ thừa nhận mình là kẻ có tội. Ông đã dùng một phần thời gian mùa đông và toàn bộ tài ăn nói của mình để làm cho họ hiểu rằng cái xấu, cái ác là bản tính của con người, điều mà họ còn hoàn toàn chưa nhận biết được, rằng họ cần được cứu vớt khỏi tội lỗi. Sự trừu tượng đó đã làm một số học trò lúng túng, nghi ngờ con đường mình vừa chọn. Đến đây nhà truyền giáo mới nhớ ra rằng không nên chỉ ban cho các tín đồ hoa mà phải cho họ cả quả nữa. Bởi thế trong các buổi họp sau, Côhactốc chia cho họ chè, đường và những chai nước ngọt.
Natếch, người đàn bà lẽ ra phải bỏ ra ngoài băng tuyết đã giúp ông hoàn thành nhiệm vụ tiếp khách và cai quản ngôi nhà.
Đồ dự trữ đủ dùng cho cả mùa đông, không có gì phải lo sợ, và do thiếu đàn ông để cười đùa, nên tất cả đàn bà trong làng đang muốn giải trí đều đến dự các buổi họp của Côhactốc một cách đầy đủ và vui vẻ.
Nhà truyền giáo và lão thầy lang đã ngầm ký với nhau một thoả ước: Siôrakitsốc cứ tiếp tục chữa bệnh theo cách của mình và cứ phát huy ảnh hưởng của mình vào trong những biến đổi của thời gian và trong săn bắn, không được cản trở hoạt động truyền giáo của Côhactốc, lão thầy lang già lọm khọm còn nhận việc khuyên bảo mọi người theo học thuyết mới với điều kiện cả Côhactốc phải dạy bảo mọi người nên giúp đỡ người già, chứ không phải trả họ về với băng tuyết, rằng đây là một việc làm sáng danh Chúa, đặc biệt đối với những thầy lang già. Viên thừa sai chấp nhận điều kiện ấy một cách dễ dàng. Thế là Siôrakitsốc coi Thiên Chúa giáo là một đạo lý chân chính, cao thượng và đẹp đẽ.
Ông già ranh mãnh và tội lỗi ấy bao giờ cũng bảo các cháu gái khiêng mình đến nhà thờ đầu tiên. Buổi lễ kết thúc, lão ta thức dậy và sau khi cho các mẩu bánh và đường vào mồm, lão nói chuyện với Côhactốc về một vài đề tài.
Ở nhiều làng của người địa phương, một vài nhà truyền giáo quá ham công việc của mình đã lên tiếng bài bác các thầy lang địa phương. Song Côhactốc là một người mềm mỏng như mặt trăng, còn Siôrakitsốc có đủ trí thông minh đã để yên cho kẻ cũng để cho mình yên. Cả hai người không ai lấy làm quan trọng việc một vết thương được chữa bằng i-ốt hay bằng phân thỏ bởi vì hai biện pháp đều có hiệu quả như nhau và trước những ca nặng thì hai người đều bất lực. Nhờ thế mà chiếc thuyền Thiên Chúa giáo tiến vào vịnh nhỏ này với cánh buồm no gió.
Ít ra khởi đầu cũng là như vậy.

Một người đàn bà tình cờ ném được một con chồn gloton cái đang có mang. Bà ta trói chân, buộc mõm và gọi các bà khác và trẻ em giúp làm bữa liên hoan. Trước khi làm thịt họ lấy một móng chân, rút lưỡi và lấy kim đâm vào bọng đái, rồi họ mổ bụng lôi các con chồn con đang còn ngọ nguậy ra ăn và không quên ăn thịt cả con mẹ.
Khi nghe chuyện đó Côhactốc tức giận vô cùng.
Nhưng chuyện đó không có ý nghĩa gì so với chuyện một bà mẹ bốn con đã đưa đứa con út mới sinh ra nghĩa địa và bỏ con trần truồng ở đấy, sau khi nhét tuyết vào đầy mồm để cho nó chóng chết.
Nhiệm vụ của Côhactốc không phải dễ dàng. Trong từ vựng tiếng Eskimo có nhiều từ nói về ma, quỷ, nhưng lại không có lấy một từ nào nói về Chúa. Bởi vậy nhóm thừa sai Thiên Chúa giáo buộc phải đặt ra một từ có nghĩa như Đấng tối cao, và Côhactốc tốn rất nhiều tâm sức để giải thích nội dung của từ này. Mặt khác lại còn phải chứng minh bằng được sự tồn tại của Địa ngục với những hình thức tra tấn khủng khiếp và sự đền bù xứng đáng ở Thiên Đường. Các nhà truyền giáo không gặp khó khăn lắm trong việc làm cho những người Eskimo trở thành hiền lành, khuất phục thiên nhiên và tôn kính những người ngoại quốc. Nhưng truyền thống và tín ngưỡng cổ truyền không thể một sớm một chiều mà xoá đi được, kể cả ở cái xứ sở mà ngày kéo dài đến vài tháng. Do vậy, các quy tắc mới thường phải phân chia lãnh vực hoạt động với các tập quán cũ.
Người địa phương lấy làm lạ là Côhactốc cũng ghét con chồn gloton có hại như họ, mà lại không chịu để dân làng hạn chế số dân của mình bằng cái chết của người già và những trẻ sơ sinh, cho phù hợp với khả năng cung cấp thức ăn của vùng này. Ông cũng không chịu để mọi người trần truồng cả khi trời rất nóng, và khi có nhiều thịt lại lên án họ tham ăn.
Nhưng vấn đề cấp bách nhất làm ông hết sức lo lắng là chuyện tạp giao.
Cuối buổi gặp mặt đầu tiên được tổ chức khi Côhactốc đến làng được ít lâu, một đoàn các ông chồng, cảm động vì được ăn uống đã mời nhà truyền giáo cười với bất kỳ cô gái nào mà ông thích. Một người đàn ông sau một chuyến đi dài mà không có đàn bà cùng đi hẳn sẽ vui lòng nhận cười một lúc với người đàn bà mình thích. Thế mà trong trường hợp ấy, Côhactốc khinh khỉnh từ chối lời yêu cầu của đoàn và tiễn họ bằng những lời đe doạ. Côhactốc còn nhân vụ việc này để mở màn một chiến dịch chống tệ quần hôn trao đổi vợ và các hình thức tội lỗi khác của người bản địa.
Từ trước đến nay, những người Eskimo chỉ bị coi là có tội khi giết một con tuần lộc trắng, đàn bà đi săn hải báo và cá voi, khâu vá ở ngoài trời, để lẫn hải sản với sản phẩm lục địa và nhiều việc khác nữa, nhưng không hề cấm đoán chuyện tạp giao. Điều cấm kỵ mới mà người da trắng tìm cách đưa vào đe doạ thay đổi các tạp quán nên dân địa phương rất nghi ngại.
Nhà truyền giáo chọn Tocngếch, người có hai chồng làm mục tiêu công phá đầu tiên. Ông khuyên bà nên bỏ một người và lấy người còn lại. Nhưng bà ta lại khăng khăng nói rằng bà ta thương cả hai người và cả hai đều cần đến bà ta. Thế là bà ta không xứng đáng được rửa tội. Trái lại, bà em Nêghê lại rất thích điều răn một vợ một chồng, vì ý tưởng này sẽ buộc Ácgô chỉ được chú ý tới bà thôi, kể cả khi nhiều người đàn bà khác ở làng coi ý đồ của bà là ích kỷ và gây rối loạn.
Côhactốc, một người kiên nhẫn và linh hoạt trong các buổi nói chuyện đã làm một số người chấp nhận đức tin mới chỉ vì thời thượng hay muốn biểu lộ sự lịch thiệp với khách nước ngoài. Số người khác mong rằng một khi thành người Thiên Chúa giáo họ sẽ được đối xử tốt hơn ở trạm trao đổi, điều vẫn thường hay xảy ra mà họ được chứng kiến.
Trước khi đoàn thám hiểm ra đi, Côhactốc chỉ mới rửa tội được cho Alinalúc, một bà già đã gần đất xa trời. Bà ta đã chết vì bị liệt mặc dù đã được Siôrakitsốc ra sức lên đồng đuổi ma và nhiều lần dùng i-ốt và phân thỏ. Sau đó người đầu tiên được rửa tội trong mùa đông là Viví, cô gái mà Papích thầm yêu trộm nhớ. Tiếp đến là Crulí, mẹ của cô, và dần dần là tất cả phụ nữ và trẻ con trong làng. Ông làm lễ rửa tội cho cả bà Natếch, bà quản gia, người mà ông tinh chắc rằng do tuổi tác, bà ta đã ở ngoài phạm vi tội lỗi nặng nề nhất.
Siôrakitsốc cũng tuyên bố sẵn sàng làm người Thiên Chúa giáo để giữ vững tinh thần hoà hảo. Lý lẽ này chưa làm Côhactốc hài lòng nên lão thầy lang được từ chối rửa tội một cách dễ chịu nhất.
Trẻ con thì có thể cứ rửa tội mà không nghi ngại gì cả. Cho nên giữa mùa đông, Nêghê đẻ ra một đứa con gái, nó liền được rửa tội tức thì, và đó là đứa trẻ Thiên Chúa giáo đầu tiên của làng. Việc đặt tên, theo tập quán của người bản địa, người ta lấy tên của người chết để đặt cho trẻ sơ sinh. Tên của Asiác đã được đặt cho một con chó kéo xe đẹp, nên con gái của Nêghê mang tên Erơnênếch, cái tên vẫn còn vật vờ bay lượn để tìm nơi trú ngụ. Ivalú cảm thấy hạnh phúc vì từ nay cái tên của bố co không phải lang thang một mình trong đêm đen nữa.
Còn một vài cuộc sinh đẻ khác. Trước khi đi những người đàn ông đã gieo giống lên mảnh đất màu mỡ của những người đàn bà, và giờ đây các hạt giống đó đã nảy mầm, lớn lên và kết quả. Tocngếch là người đàn bà mang bầu sau cùng. Bà ta đẻ sinh đôi, điều đó làm cả làng cười rũ rượi. Họ khẳng định rằng bà ta đẻ sinh đôi vì có hai chồng. Côhactốc không thích kiểu châm chọc này, nhưng khi ông ta rửa tội cho hai đứa trẻ thì mặt mày ông rạng rỡ vì đã đưa hai linh hồn đến ngọn lửa vĩnh cửu.
Một thời gian dài kế sau đó ông không phải rửa tội cho trẻ sơ sinh nữa vì tất cả đàn bà đã đẻ hết rồi.

Trong đám phụ nữ có khổ mặt rộng, môi dày, mắt một mít, ngồi thẳng hàng trên ghế băng bằng gỗ, chăm chú nghe giảng kinh có một người nổi bật khác thường. Đó là một cô gái trẻ, có khuôn mặt đáng yêu, chân đi ủng da hải báo cao đến tận bẹn.
Côhactốc đã chú ý đến cô gái khi cô ta chơi đùa với lũ trẻ, mang tuyết ăn đến các gia đình, hay khâu vá và cạo da. Đi bên cạnh Viví, một cô gái cao, nhanh nhẹn, cô gái này trông có vẻ thô kệch trong bộ quần áo da gấu so với những bộ quần áo bằng da cáo nhiều màu được chọn kỹ và may rất khéo, lại còn được trang điểm bằng ốc biển và da chồn écmin mà những người phụ nữ ở đây hay dùng. Tuy vậy cô ta trông gọn gàng, đáng yêu vì chưa bị tình mẹ con làm biến đổi thân hình. Trong khi các cô gái khác đều tóc rẽ ngôi giữa đỉnh đầu, trước ngực lủng lẳng chiếc đuôi sam thì cô lại vấn tóc thành một hình tháp trên đầu và được kẹp bằng một chiếc xương cá, theo như tập quán của người Eskimo vùng Bắc Cực. Bộ tóc đen mượt và đôi mắt đen láy nổi bật lên trên màu da ngà ngà và bộ răng trắng tinh.
Cô ta thường hay cười.
Có một lần khi những người khác đã ra về, nhà truyền giáo đến ngồi ghế băng bên cạnh cô gái, rồi cầm lấy tay cô. Tay chạm tay, mắt cô gái sáng lên. Chưa bao giờ cô thấy bàn tay như thế, mềm mại và nhẹ như tay đứa trẻ mới sinh. Rõ ràng bàn tay này chưa bao giờ phải cầm một chiếc giáo hay một cái roi.
- Con của cha, con tên là gì? - Côhactốc âu yếm hỏi.
- Con tên là Ivalú.
- Đó là một cái tên đẹp, đó là tên người đàn bà đầu tiên mà Chúa đã nặn ra từ xương sườn của người đàn ông đầu tiên.
- Vâng, và một người con gái thực sự cảm động khi được biết điều đó.
- Con của cha, con chú ý nghe tất cả các bài của cha giảng chứ?
- Vâng.
- Vậy thì linh hồn tốt đẹp của con sẽ được sống mãi trong một thế giới tốt đẹp hơn thế giới này, khi thân thể đáng thương của con đã chết. Có phải thế không con?
- Đúng thế, thưa cha, đó là một trong những điều ít ỏi con được biết.
- Và con sẵn sàng cứu vớt con chứ?
- Cứu con khỏi ai? Có ai định làm hại con đâu? Tất cả mọi người đều tốt với con.
- Cứu vớt khỏi chính con. Chính lòng con là nơi ẩn giấu sự nguy hiểm thật sự.
- Côhactốc, cha muốn nói gì? Sự ngu ngốc của con là không có giới hạn.
- Chúa thường yêu những tâm hồn chất phác. Ivalú, con còn nhớ câu "những kẻ đau khổ về tinh thần sẽ được ân sủng vì thượng đế là của họ, và may mắn thay cho những kẻ có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ nhìn thấy Chúa".
- Vậy cha tin con sẽ được nhìn thấy người ư?
- Đúng vậy, Ivalú, nếu con gửi gắm cho Người cả tâm hồn con. Con có sẵn sàng làm điều đó không?
- Chẳng lẽ tâm hồn chúng ta không ở trong tay Chúa hay sao?
- Đúng như vậy đấy, nhưng con sẽ để cho Chúa nhanh chóng đi vào tâm hồn con chứ?
- Chẳng lx Chúa không đến được tất cả các nơi hay sao?
- Nói tóm lại - Côhactốc thốt lên vẻ sốt ruột - Con có sẵn sàng hoà hợp với Đấng sáng tạo không?
Ivalú đỏ mặt, mắt nhìn xuống.
- Sao thế? Chẳng lẽ chúng ta cãi nhau ư?
Côhactốc là người rất tinh ý. Ông nhận thấy ngay sự khác biệt giữa Ivalú với những người đàn bà khác. Cô là một trong số ít người chấp nhận đức tin một cách chân thành và không đơn giản. Còn những người đàn bà khác họ tiếp nhận hạt giống mới chỉ vì để khuây khoả cuộc sống thiếu đàn ông. Nhưng dù sao, bằng bất kỳ một hình thức nào, thì hạt giống tốt đã sinh hoa kết quả.
Tất cả mọi người đều ca ngợi nhà truyền giáo. Đó là một người giàu lòng từ bi. Khi bà già Natếch bị đau dạ dày nặng, nhà truyền giáo chăm sóc bà ta hơn cả bà ta có thể chăm sóc cha đẻ. Và ông làm hết lòng. Ông chỉ ngập ngừng một lúc trước các con chấy ở trên bộ tóc dày và trên quần áo hầu như rách mướp của bệnh nhân. Ông tự hỏi liệu ai có thể thay bà làm công việc quản gia nội trợ.
Ông đi hỏi Siôrakitsốc.
Siôrakitsốc khuyên ông hai điều. Trước hết thầy lang nhận xét rằng việc dự phòng nhu cầu cho một người thông thái và già cả như ông là chính đáng thì hành động tương tự như vậy với bất cứ người già nua và ngu ngốc nào khác lại là một sai lầm. Bởi thế lão khuyên ông bỏ bà Natếch ra sương mù để bà ta rơi vào giấc ngủ cuối cùng, và như thế chấm dứt mọi đau đớn và tiết kiệm thực phẩm. Sau đó lão khuyên cha nên giao công việc nội trợ trong nhà thờ cho Ivalú, một cô gái khoẻ mạnh, tự nguyện, có thể làm gấp ba lần bà Natếch. Côhactốc bác bỏ lời khuyên thứ nhất và chấp nhận ngay lời khuyên thứ hai.
Ivalú cảm thấy rất hạnh phúc. Phục vụ một người da trắng bình thường đã là một điều vinh dự, đằng này lại phục vụ đức cha trong một công việc thiêng liêng. Mặt khác, công việc mới đảm bảo cho cô một thứ quyền nào đó trong cái làng này: giữ chìa khoá phòng chứa đồ dự trữ của nhà thờ là giấc mơ của tất cả mọi người ở đây. Ivalú thì chưa, chứ tất cả mọi người ở đây đều hay ăn vặt.
Thấy bệnh trạng bà Natếch ngày càng trầm trọng, Côhactốc bèn hỏi Siôrakitsốc:
- Vì sao ông không muốn làm giảm đau đớn cho bà già đáng thương đó?
- Tôi chỉ là một thầy lang bất lực.
- Nhưng một người thông thái như ông phải biết cách đuổi con ma ra khỏi bụng bà ta chứ?
- Tôi chỉ có thể đuổi con ma ra khỏi tâm hồn con người chứ không thể đuổi nỗi đau ra khỏi thể xác được. Nhưng tôi biết để làm được điều đó đôi khi những biện pháp chữa bệnh của các ông lại rất hiệu nghiệm.
Siôrakitsốc để cho cha cố nài nỉ hồi lâu mới đáp:
- Ông có nhớ chuyện xảy ra với Erơnênếch không? Một thầy lang không có thời gian để đi hỏi Thần Mặt trăng và khi biết được bệnh nhân có con ma ám hại thì đã quá muộn rồi. Lần này một thầy lang ngu dố muốn trước hết phải đi hỏi Thần Mặt trăng để biết chính xác cách chữa nào phù hợp với Natếch.
- Ông làm gì tuỳ ý, nhưng cố giúp bà ta.
Lúc đó Siôrakitsốc yêu cầu đưa lão ra nơi giữa hai ngọn đồi, để từ đó lão bắt đầu cuộc hành trình bí hiểm đến xứ sở của Thần Mặt trăng mà chỉ các thầy lang mới biết cách tiến hành khi cần thiết. Nhưng Thần Mặt trăng có tính hay tức giận và không thích phán bảo nên không thể ra đi mà không mang theo một số quà tặng bằng thức ăn hiếm để dâng cho Thần.
Ở một nơi xa giữa hai ngọn đồi, dân làng làm một ngôi nhà nấm bằng băng nhỏ trong có phủ da mềm, rất tiện nghi vì đó là điểm xuất phát cho chuyến đi tới mặt trăng. Sau đó họ đưa lão Siôrakitsốc đến đó cùng vô số đồ đựng thức ăn trong đó có phần lớn da cá kiếm và một số tạp phẩm ngon trộn với cá hồi xay kỹ, óc hải cẩu, ruột cá và dầu hải báo. Không ai được phép lại gần ngôi nhà ấy trong khi Siôrakitsốc đang du hành nếu không sẽ bị chết ngay một cách kinh khủng.
Ba giấc ngủ qua, cả làng đi tìm thầy lang. Họ gặp lão đang ngủ, có lẽ do quá mệt mỏi sau chuyến đi bất hạnh. Xung quanh lão ta ngổn ngang đồ đựng thức ăn hết nhẵn. Đó là một biểu hiện tốt. Thần Mặt trăng đã nhận đồ lễ.
Siôrakitsốc nói là cần cạo trọc đầu Natếch, vì Thần Mặt trăng cho lão biết các tác nhân gây bệnh nằm ở trong tóc bà già. Mọi người bèn khênh người đàn bà ra ngoài trời, dội nước vào tóc và chờ khi nước lẫn tóc đóng băng. Một cú đập gọn tách khối băng khỏi đầu và đầu bà ta trọc lông lốc.
Sau đó họ lại đưa bà Natếch về nhà thờ.
Mặc dù vậy vẫn chưa thấy có biểu hiện gì tốt hơn. Siôrakitsốc châm giáo vào bụng để cơn đau ra đi dễ dàng, sau đó lão giết một ổ chuột chũi và lấy da con vật đang nóng đắp vào vết thương.
Natếch là người thứ hai ở làng được chôn ở nghĩa địa Thiên Chúa giáo. Đám tang được cử hành linh đình với một điếu văn công phu.
Ivalú hoàn thành rất tốt nhiệm vụ nội trợ đến nỗi nhà truyền giáo phải tự hỏi nếu không có cô ta thì mình làm sao có thể vượt qua được mùa đông. Nhưng ở trong ngôi nhà gỗ được sưởi ấm bằng than đó Ivalú phải chịu đựng cái nóng kinh khủng, nhất là vào những giờ nghỉ vì khi làm việc cô quên cả nóng. Cô ngủ trên một chiếc giường ở căn phòng trước kia bà Natếch ở. Ivalú coi đấy là một căn phòng rất sang trọng. Thực ra, đó chỉ là một cái phòng con tối tăm được ngăn cách với phòng chính bằng một bức tường. Ở phòng chính nhà truyền giáo ngủ cạnh bếp lò. Ông sợ lạnh như sợ quỷ. Không bao giờ ông cho phép mở cửa và trước khi đi làm ông phải đặt chậu tắm lên lửa để băng tan. Ivalú thấy ông rùng mình vì rét.
Tình thương đối với cô của ông ngày càng rõ nét. Các nhà thám hiểm để lại cho ông một vài chai rượu, ông cất giữ rất cẩn thận và chỉ dùng vào những lúc trở trời. Một hôm thấy Ivalú khóc vì thấy lẻ loi buồn chán, nhà truyền giáo cho cô uống một ít nước đó pha với tuyết. Chính ông cũng uống trước một ngụm để chứng minh không sao cả.
Cũng như bố cô, Ivalú ngủ được cả khi nửa người bị lạnh cóng, nhưng cô lại không thể ngủ được khi người nóng rực. Do vậy, khi đi ngủ cô muốn cởi hết quần áo, điều cô chỉ dám làm khi đã hỏi trước Côhactốc xem khoả thân có phải là tội lỗi không. Sau một hồi lưỡng lự, nhà truyền giáo trả lời là khi ở một mình trong bóng tối thì không sao.
Nằm trong căn phòng nhỏ, nóng và tối đó Ivalú lần đầu tiên dùng tay thử tiếp xúc trực tiếp với da thịt mình.
Bàn tay đều đặn và cứng cáp thận trọng tiến vào lãnh thổ chưa khám phá là thân thể và rất ngạc nhiên trước mặt phẳng nhẵn bóng. Trượt từ những vùng đồi núi nhấp nhô được hình thành bởi đôi vai chắc nịch, bàn tay leo lên đỉnh cao của bộ ngực rắn chắc và dừng lại trên đỉnh đồi. Đó là nơi cao nhất của lãnh thổ, đỉnh cao của khe suối. Và sau đó từ từ trườn xuống đường hẻm của bộ ngực, rồi lướt qua vùng đồng bằng thượng vị tươi mát và chắc đều và sụt xuống, vùng bụng dưới nóng hổi, êm như rêu non. Rồi từ đó tiếp tục tiến về phương nam, đến vùng nhiệt đới và đến khu rừng nguyên thuỷ - lãnh thổ không phải của ai - mọc lên hai bên sườn núi lửa. Ở đây các nhà thám hiểm táo bạo tách nhau, mỗi người phiêu lưu tuỳ thích qua các vùng cơ rắn chắc cơ êm dịu như nhung. Dừng lại ở đầu gối lạnh xa xôi và quàng ra phía sau lượn theo phần cơ phía trong, ở đây da láng bóng và êm dịu rồi nôn nóng trở lại gặp nhau nơi chia tay để dừng lại bên bờ núi lửa, được sức nóng kỳ diệu thu hút mà không biết có nham thạch ẩn giấu bên trong.
Đôi khi sau cuộc thám hiểm thân thể, Ivalú nghĩ về tương lai, nhưng cô không thể vượt qua bóng tối bao quanh mình. Cô trở lại với quá khứ, được thể hiện trong óc cô rõ ràng, vui tươi, sinh động và được thời gian tô đẹp thêm. Quá khứ được hình dung rất đẹp, làm trái tim cô giờ đây buồn bã, mắt đẫm lệ, nhớ làm sao vết máu của gấu nhỏ đều trên tuyết, những lúc yên lặng gió trên biển băng rộng lớn, và những lúc vội vàng xây nhà nấm bằng băng để trú ẩn giữa tiếng gầm rít của bão tuyết Bắc Cực...! Ôi làm sao có thể thấy lại hơi ấm gia đình trong ngôi nhà nấm bằng băng xinh xắn của thời thơ ấu, được nhìn lại màu hổ phách ánh lên trên bức tường cong, được nghe Asiác cạo da, làm kim và lắng nghe giọng nói trầm lặng của mẹ, tiếng ngáy của Erơnênếch và tiếng cười âm vang của ông...!
Để đỡ nuối tiếc thiên đường đã mất, cô liền quay lại thiên đường tương lai - Thiên đường mà Chúa đã hứa hẹn. Và trong khi nói chuyện với Chúa, cô có cảm giác như Chúa đang chăm chú lắng nghe mình, nhưng cô không dám tin chắc vào điều đó. Tiếng ngáy đều đều của Côhactốc ở phòng bên nhiều khi làm cô nghĩ mình là kẻ có tội duy nhất.
Có một lần Ivalú hỏi cha:
- Liệu Chúa có muốn bày tỏ với một cô gái ngu ngốc không?
- Tất nhiên, nếu co có đức tin. Con nên biết Chúa rất thương yêu người khốn khó tinh thần, nhưng con phải thành tâm cầu nguyện. Chẳng lẽ con đã quên lời Chúa dạy. Tất cả những gì con thỉnh cầu vời lòng thành thì con sẽ nhận được... sao?
- Nhưng làm sao nhận thấy sự hiện diện của Chúa?
- Con đừng lo, con sẽ nhận thấy. Nếu con không tin tưởng thì Chúa sẽ không đến đâu.
Rõ ràng Chúa chưa gặp cô và Ivalú lo lắng. Ý nghĩ này làm cô không ngủ được và cô tranh thủ thời gian để cầu kinh với cả tấm lòng và cầu xin Chúa bày tỏ dấu hiệu yêu thương. Dù đó chỉ là trong mơ, chỉ cần một lần thôi.
Ivalú tưởng tượng Chúa qua hình con người vì Chúa đã làm ra con người theo hình Chúa hoặc gần như vậy. Tuy nhiên, cô có đủ ý thức hiểu rằng Chúa không sẵn sàng hiện diện ngay trước mặt một cô gái ngu ngốc đang muốn nhìn Người mà rõ ràng đang lo lắng cho những kẻ mắc những tội lỗi nghiêm trọng hơn cô. Cô kiên trì cầu nguyện, mong Chúa dành ít thời gian đến thăm cô.
Đôi khi giữa bão tuyết, cô nghe thấy có tiếng nói, nhận thấy một ngón tay trong không khí đang vuốt ve thân thể trần truồng của mình trong bóng đêm. Nhưng những biểu hiện đó còn mơ hồ không đủ rõ ràng, do đó cô cho rằng Chúa chưa hiện diện.
Và cô có lý.
Bởi vì, cuối cùng, khi Chúa đến thăm cô, cô không còn hoài nghi tý nào nữa.

<< CHƯƠNG IX | CHƯƠNG XI >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 400

Return to top